BÀN VỀ LẬP HIẾN

TS. Phạm Hồng Hải

Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật

Phần Toà án nhân dân (TAND) trong Chương X Hiến pháp năm 1992 có 10 điều luật (từ Điều 127 đến Điều 136). Các điều này quy định về hệ thống toà án và một số nguyên tắc cơ bản về hoạt động xét xử của các Toà án. Các quy định trên đây đã thực sự là những cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng các văn bản luật và dưới luật quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của ngành toà án ở nước ta gần 10 năm qua. Tuy nhiên, trước những thay đổi sâu sắc và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta, việc sửa đổi, bổ sung các điều luật nói trên của Hiến pháp năm 1992 là rất cần thiết phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

1. Về cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân

Theo quy định của Điều 127, Hiến pháp năm1992 thì ở nước ta, việc xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính thuộc thẩm quyền của TAND tối cao, các TAND địa phương, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định. Ngoài ra, trong tình hình đặc biệt Quốc hội có thể thành lập Toà án đặc biệt.

Khái niệm TAND địa phương được hiểu là các TAND ở các đơn vị hành chính- lãnh thổ ở cấp tỉnh và cấp huyện. Điều này cũng đã được thể hiện và thể chế hoá trong các Luật Tổ chức TAND năm 1960, 1981, 1992. Phù hợp với các quy định của Điều 127 Hiến pháp 1992, hiện nay TAND ở nước ta tổ chức ở ba cấp: huyện, tỉnh và trung ương.

Qua nhiều năm hoạt động của ngành toà án thấy một vấn đề nổi cộm là số lượng công việc của TAND huyện với số lượng công việc của TAND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là rất khác nhau. Trong khi các thẩm phán TAND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bị quá tải vì công việc xét xử thì các thẩm phán của một số TAND huyện lại rất nhàn rỗi bởi rất ít án. Ngoài ra, trong xu thế hiện nay, trước sau thì TAND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng được tăng thẩm quyền xét xử, và như vậy, công việc xét xử ở các Toà án này ngày càng nặng nề hơn trong khi ngay tại thời điểm này, số lượng thẩm phán cũng chưa đủ để đáp ứng cho việc hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, người ta cũng đã nghĩ tới vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy và công tác cán bộ ở ngành toà án với mục đích nâng cao năng lực xét xử của các TAND, đặc biệt là các Toà án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đây đó trong các hội thảo khoa học, trong các tạp chí chuyên ngành đã có những ý kiến về mô hình toà án trong giai đoạn mới. Có thể nêu ra đây mấy ý kiến điển hình:

- Không sửa Hiến pháp mà tăng cường cán bộ: loại ý kiến thứ nhất cho rằng, hoạt động của ngành TAND trong hơn 40 năm qua đã khẳng định việc tổ chức TAND: TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; TAND tối cao như hiện nay là phù hợp bởi khi Toà án được tổ chức gắn liền với địa bàn sẽ bảo đảm cho cơ quan quyền lực ở địa phương giám sát, kiểm tra hoạt động xét xử. Trong điều kiện hiện nay, khi tăng thẩm quyền cho Toà án quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì chỉ cần thêm thẩm phán ở TAND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là có thể bảo đảm năng lực xét xử của các Toà án này. Theo đó, nhiệm vụ hiện nay của ngành toà án chỉ là kiện toàn tổ chức cán bộ thông qua công tác điều động, sắp xếp lại đội ngũ thẩm phán mà thôi. Và như vậy, các điều luật của Hiến pháp năm 1992 vẫn còn nguyên giá trị không cần sự thay đổi, bổ sung.

- Toà án khu vực: Loại ý kiến thứ hai cho rằng, tổ chức bộ máy ngành toà án cần có một chút thay đổi. Về cơ bản, TAND các cấp vẫn được tổ chức như hiện nay nhưng ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa không tổ chức Toà án ở cấp huyện mà tổ chức Toà án khu vực (một số huyện có một TAND) và Toà án này có thẩm quyền như TAND cấp huyện nhưng lại xét xử các vụ án xảy ra trên địa bàn một số huyện. Theo quan điểm này, Điều 127 Hiến pháp năm 1992 phải sửa đổi, bổ sung theo hướng khẳng định ngoài các loại và các cấp toà án hiện có, Hiến pháp phải thể chế hoá sự tồn tại của TAND cấp khu vực như đã nêu trên.

- Tổ chức theo cấp xét xử: loại ý kiến thứ ba cho rằng, để phù hợp với điều kiện hiện nay, các Toà án cần được tổ chức theo cấp xét xử. Theo đó, các TAND được tổ chức thành các TAND cấp sơ thẩm, các TAND cấp phúc thẩm và TAND tối cao. Theo quan điểm này thì Toà án không nhất thiết được tổ chức ở các đơn vị hành chính- lãnh thổ và khái niệm TAND địa phương nêu trong Điều 127, Hiến pháp năm 1992 sẽ không còn phù hợp nữa.

Trong số các quan điểm nêu trên về mô hình tổ chức TAND, chúng tôi thấy quan điểm thứ ba có nhiều yếu tố hợp lý hơn cả. Thứ nhất, nếu chúng ta tổ chức TAND theo cấp xét xử thì sẽ vừa khắc phục được tình trạng bất hợp lý về số lượng công việc giữa TAND và TAND quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh như hiện nay, vừa bảo đảm cho hoạt động xét xử của TAND được độc lập hơn- điều kiện quan trọng để nâng cao hiệu quả xét xử cũng như năng lực xét xử của Toà án. Thứ hai, cách thức tổ chức TAND theo cấp xét xử cũng thoả mãn được mục tiêu như quan điểm thứ hai nêu ra (thành lập TAND cấp khu vực) vì lúc này ở một số huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có chung một TAND cấp sơ thẩm và tương tự ở một số tỉnh miền núi, đồng bằng ít có án cũng có thể có chung một TAND cấp phúc thẩm. Điều này rõ ràng là phù hợp với quá trình cải cách hành chính và tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách. Ví dụ, nếu hai huyện mới có một TAND cấp sơ thẩm thì nhà nước đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ để xây dựng, giữ gìn, sửa chữa một trụ sở của Toà án, tinh giản được một số cán bộ văn phòng, giảm bớt phụ cấp trách nhiệm của hai cán bộ lãnh đạo. Số tiền này nếu được đầu tư trở lại thì trụ sở các Toà án khang trang hơn, kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được tăng lên đáng kể. Sẽ có người đặt câu hỏi nếu tổ chức TAND theo cấp xét xử thì cơ quan nào giám sát hoạt động xét xử của Toà án và bầu ra hội thẩm nhân dân? Trước mắt, các vụ án phức tạp, nghiêm trọng mà TAND cấp sơ thẩm không thể xét xử thì Toà nào sẽ xét xử? Việc sinh hoạt Đảng ở các Toà án sẽ được tổ chức ra sao? Lẽ đương nhiên, khi có sự thay đổi về bộ máy thì sẽ có bao điều thay đổi kèm theo nó và theo chúng tôi, các văn bản dưới Hiến pháp sẽ điều chỉnh những vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, việc tổ chức các TAND theo mô hình nêu trên vừa là mục tiêu trước mắt, vừa là mục tiêu lâu dài, vì vậy những câu hỏi đặt ra có thể sẽ được giải quyết như sau: Nếu sắp tới các Hội đồng nhân dân (HĐND) quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh vẫn tồn tại thì nó vẫn bầu ra các hội thẩm nhân dân của Toà án cấp sơ thẩm (Ví dụ, hai huyện A và B có chung một Toà án cấp sơ thẩm thì HĐND mỗi huyện bầu ra một nửa số hội thẩm cần có và những người này tham gia vào hội đồng xét xử các vụ án xảy ra trên địa bàn huyện mình). HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu ra hội thẩm nhân dân của các TAND cấp phúc thẩm và nếu nhiều tỉnh mới có một TAND cấp phúc thẩm thì hội thẩm nhân dân ở tỉnh nào sẽ tham gia hội đồng xét xử các vụ án xảy ra ở tỉnh đó; HĐND vẫn là cơ quan giám sát hoạt động xét xử của Toà án và Toà án có trách nhiệm báo cáo cho HĐND về tình hình xét xử các vụ án xảy ra trên địa phương. Trong tương lai, các TAND cấp phúc thẩm chỉ xét xử phúc thẩm các vụ án đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo hoặc kháng nghị; nhưng trước mắt, khi phân định thẩm quyền thì giao cho các TAND cấp phúc thẩm xét xử sơ thẩm các vụ án phức tạp, nghiêm trọng mà TAND cấp sơ thẩm không cáng đáng nổi; tổ chức Toà án theo cấp xét xử là một tiền đề để tiến tới thành lập lại Ban cán sự Đảng ở ngành toà án và khi đó các TAND sinh hoạt Đảng theo ngành dọc nhằm làm cho Toà án không bị phụ thuộc vào tổ chức Đảng và chính quyền địa phương. Quan điểm tổ chức TAND theo cấp xét xử cũng khẳng định sự cần thiết thay đổi cơ chế quản lý các Toà án theo hướng giao cho TAND tối cao cùng một lúc quản lý các Toà án về tổ chức, nhân sự và công tác xét xử.

Từ sự phân tích trên đây, chúng tôi kiến nghị đoạn 1, Điều 127 Hiến pháp năm 1992 cần sửa thành: “TAND tối cao, các TAND cấp phúc thẩm, các TAND cấp sơ thẩm, các Toà án quân sự và các Toà án khác do luật định là những cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Với nội dung sửa đổi trên đây, khái niệm TAND các cấp không được hiểu là TAND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nữa mà được hiểu là các TAND cấp phúc thẩm và các TAND cấp sơ thẩm. Phù hợp với tinh thần trên đây, đoạn 2, Điều 128 Hiến pháp năm 1992 cần được sửa thành: “Chế độ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và nhiệm kỳ của thẩm phán, chế độ bầu cử và nhiệm kỳ của hội thẩm nhân dân ở TAND tối cao, các TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm do luật định”; đoạn 2, Điều 134 cần được sửa thành: “TAND tối cao giám đốc việc xét xử của các TAND cấp dưới và các Toà án quân sự”; đoạn 2, Điều 135 cần sửa thành: “Chánh án các TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước HĐND địa phương”.

2. Về nguyên tắc trong xét xử của Toà án nhân dân

Trong Hiến pháp năm 1992 có 5 điều luật (các điều từ 129 đến 133) quy định về các nguyên tắc xét xử của Toà án, đó là sự tham gia của hội thẩm trong các phiên toà xét xử; khi xét xử hội thẩm ngang quyền với thẩm phán; khi xét xử thẩm phán và hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; TAND xét xử công khai; TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số; bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; công dân Việt Nam có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình trước Toà án. Phải nói rằng, cũng như các điều luật khác của Hiến pháp, các điều luật nói trên đã là cơ sở pháp lý quan trọng để các văn bản dưới Hiến pháp thể chế hoá và cụ thể hoá các nguyên tắc có tính chất hiến định về hoạt động xét xử của Toà án. Tuy nhiên, thực tế hoạt động xét xử của Toà án trong những năm qua cũng khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi một vài nội dung thuộc một số nguyên tắc nói trên.

Từ trước tới nay, các TAND đều thực hiện nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số, thế nhưng hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, đối với một số vụ án (kể cả hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động) tính chất không phức tạp, không nghiêm trọng, để quá trình tố tụng đỡ phức tạp, vụ án được giải quyết nhanh chóng thì việc xét xử có thể được tiến hành theo thủ tục rút gọn, xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm và chỉ do một thẩm phán tiến hành. Chúng tôi chia sẻ quan điểm này, vì vậy, kiến nghị nên sửa đổi đoạn 2, Điều 131 Hiến pháp năm 1992 thành: “TAND xét xử tập thể và quyết định theo đa số trừ trường hợp khác do luật định”. Quy định trên đây về nguyên tắc: “Toà án xét xử tập thể và quyết định theo đa số” giống như quy định về nguyên tắc “Toà án xét xử công khai” trong đoạn 1, Điều 131. Nó tạo ra một điều kiện để các văn bản dưới Hiến pháp quy định những trường hợp ngoại lệ, trong đó Toà án không bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc xét xử công khai hoặc nguyên tắc xét xử tập thể và quyết định theo đa số.

Trước đây, khi thể chế hoá nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa, Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định cả bị can, bị cáo đều có quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa. Thế nhưng, không hiểu vì một lý do gì mà trong Hiến pháp năm 1992, đoạn 1, Điều 132 chỉ khẳng định quyền bào chữa của bị cáo và cách quy định trong điều luật có thể sẽ dẫn tới sự hiểu nhầm là bị can không có quyền bào chữa và khi đã tự bào chữa thì không được nhờ người khác bào chữa và ngược lại. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành và thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự ở nước ta đều thừa nhận một điều: bị can và bị cáo được bảo đảm quyền bào chữa; quyền bào chữa bao gồm hai quyền không thể tách rời nhau và không phủ định lẫn nhau, đó là quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa. Để cho phù hợp với xu thế dân chủ cũng như thực tiễn tố tụng hình sự hiện nay ở nước ta, đoạn 1, Điều 132 Hiến pháp năm 1992 cần sửa thành: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm. Bị can, bị cáo được quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa cho mình”./.


* Nghiên cứu Lập pháp, số 9, tháng 10/2001.

** Hiện là PGS,TS. Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Hà Nội.