BÀN VỀ LẬP HIẾN

 TS. Phạm Văn Hùng

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội

                  Vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng ta đưa ra chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân mà cốt lõi là toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Quốc hội nước ta được tổ chức một viện. Các đại biểu Quốc hội do cử tri cả nước bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tuỳ mức độ phạm sai lầm mà bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm. Theo quy định của Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) và các luật tổ chức bộ máy nhà nước, thì Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiệm kỳ của mỗi khoá Quốc hội là năm năm; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) là cơ quan thường trực của Quốc hội; Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại; Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất; Quốc hội bầu Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, bầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, UBTVQH, Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Về cơ bản, các quy định của Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) đã thể hiện được tư tưởng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Theo đó:

a) Việc hình thành nên các cơ quan nhà nước cấp cao phải do Quốc hội bầu, phê chuẩn theo những thủ tục do luật định;

b) Các cơ quan nhà nước cấp cao sau khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn phải luôn luôn nhận được sự tín nhiệm từ phía Quốc hội;

c) Quyền lực của các cơ quan nhà nước cấp cao được quy định trong giới hạn nhất định và chỉ được thực hiện theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Việc rút ngắn hay kéo dài nhiệm kỳ Quốc hội chỉ có thể do Quốc hội quyết định;   

d) Hoạt động của các cơ quan nhà nước cấp cao thường xuyên chịu sự giám sát của Quốc hội và nhân dân.

Với các đặc điểm nói trên, về phương diện pháp luật thì quyền lực nhà nước đã được kiềm chế. Về nguyên tắc, ai nắm giữ chức danh nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều phải ghi nhớ rằng, mình là đại biểu của dân nhưng sẽ bị bãi nhiệm bất kỳ lúc nào nếu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và điều không thể quên là, trong điều kiện bình thường khi hết nhiệm kỳ của Quốc hội, thì phải rời bỏ vị trí đó mà không được viện dẫn bất kỳ lý do nào. Đối với những trường hợp được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn “tái nhiệm” thì thực hiện quyền lực theo quy định của Hiến pháp và các luật tổ chức bộ máy nhà nước.   

Tuy nhiên, tính pháp quyền của quyền lực nhà nước không chỉ thể hiện ở việc quy định tính dân chủ trong hình thức xác lập, quy định giới hạn thời gian thực hiện, mà còn phải bảo đảm cho quyền lực nhà nước được duy trì liên tục, bảo đảm cho xã hội được ổn định liên tục, thường xuyên, không bị đảo lộn khi có sự chuyển giao quyền lực giữa các nhiệm kỳ. Dự liệu trước tình hình này, Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001) đã quy định cho một số chủ thể được tiếp tục sử dụng quyền lực trong thời điểm chuyển giao, cụ thể là:

a) UBTVQH của mỗi khoá thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu UBTVQH mới (Điều 90);

b) Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới bầu Chủ tịch nước mới (Điều 108);       

c) Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khoá mới thành lập Chính phủ mới (Điều 113).

Đáng tiếc là khi quy định về nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC (Điều 128), Viện trưởng VKSNDTC (Điều 137) đã không có nội dung về việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ. Điều này đã tạo ra “khoảng trống” về quyền lực bởi các nguyên nhân từ phía pháp luật. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007), thì việc bầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC có mối liên quan phụ thuộc vào kết quả một số hoạt động khác tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khoá Quốc hội theo trình tự:

a) Quốc hội quyết định xác nhận tư cách đại biểu của các đại biểu Quốc hội đã được bầu, tuyên bố những trường hợp cá biệt mà việc bầu cử đại biểu không có giá trị;

b) Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên UBTVQH trong số các đại biểu Quốc hội theo danh sách đề cử chức vụ do UBTVQH khoá trước giới thiệu;     

 c) Quốc hội bầu Chủ tịch nước trong số các đại biểu Quốc hội do UBTVQH giới thiệu;

d) Quốc hội bầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC do Chủ tịch nước giới thiệu.

Theo quy định về nhiệm kỳ, ngày Quốc hội khoá mới khai mạc phiên họp đầu tiên tại kỳ họp thứ nhất để thực hiện việc thẩm tra tư cách đại biểu thì cũng là ngày Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC được bầu ra theo nhiệm kỳ của Quốc hội khoá trước kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng từ ngày đó đến khi bầu ra Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC mới phải qua một thời gian nhất định (vì Quốc hội còn phải thẩm tra tư cách đại biểu, bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Uỷ viên UBTVQH; bầu Chủ tịch nước và một số chức danh khác). Thí dụ, Quốc hội khoá XII khai mạc ngày 19/7/2007 và ra Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu cùng ngày. Như vậy, từ ngày 19/7/2007, nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC theo nhiệm kỳ của Quốc hội khoá XI kết thúc. Nhưng đến ngày 25/7/2007, Quốc hội mới bầu được Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC mới theo nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII. Như vậy, khoảng thời gian từ ngày 19 đến ngày 25/7/2007 là “khoảng trống” về quyền lực của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. “Khoảng trống” quyền lực này còn có thể bị kéo dài vì những lý do khác.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC. Các luật về tổ chức TAND, VKSND còn quy định Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC có nhiều nhiệm vụ khác như trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình, Chủ toạ phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, chủ trì phiên họp của Uỷ ban kiểm sát VKSNDTC... Các quyền hạn, nhiệm vụ nói trên Luật chỉ giao riêng cho Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC  mà cấp phó không được thực hiện thay trong bất kỳ trường hợp nào. Như vậy, do “khoảng trống” về quyền lực này mà có thể gây “lỗi nhịp” hoạt động của Nhà nước, nhất là có thể làm thiệt hại đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Chẳng hạn, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 quy định, người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ được tiến hành kháng nghị trong thời hạn ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực. Nếu ngày cuối cùng trong thời hạn ba năm rơi vào thời gian “khoảng trống” quyền lực của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, thì quyền và lợi ích hợp pháp của  công dân đã không được bảo đảm do lỗi của Nhà nước. Để khắc phục tình trạng này thì việc hoàn thiện chế độ về nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC là cần thiết và đó là trách nhiệm của Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp hiện hành.