VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA I

CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGÀY 9-12-1958

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Hôm nay Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc khóa họp lần thứ 9, thay mặt Ban Thường trực Quốc hội tôi kính gửi tới các vị đại biểu Quốc hội lời chào mừng nhiệt thành và thân ái.

Tôi xin thay mặt Quốc hội kính chúc Hồ Chủ tịch, người lãnh đạo tối cao của Nhà nước chúng ta sức khỏe và sống lâu, hoan nghênh các vị tân khách trong nước, ngoài nước và cảm ơn nhiệt tình của các vị đối với Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau đây tôi xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội báo cáo những nét lớn về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội và của các đại biểu Quốc hội từ khóa họp lần trước tới nay:

Việc phát huy kết quả của khóa họp thứ 8:

Sau khóa họp thứ 8, gần bốn chục Đoàn đại biểu Quốc hội đã về các địa phương, tới các đơn vị bộ đội, đơn vị sản xuất, các trại điều dưỡng, các trường học, các xí nghiệp, từ Vĩnh Linh đến các tỉnh Việt Bắc báo cáo về kết quả của khóa họp Quốc hội. Các tầng lớp đồng bào với một niềm tin tưởng và phấn khởi đã đánh giá được sát đúng các thành tích to lớn của ba năm khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa và nhiệt liệt hoan nghênh việc Quốc hội khóa 81 nhất trí tán thành đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Các nghị quyết của Quốc hội về kiện toàn bộ máy Nhà nước, về tăng cường Chính phủ làm cho mọi người thêm tin tưởng vào sự quyết tâm của lãnh đạo đưa miền Bắc tiến lên.

Các tầng lớp nhân dân, toàn thể cán bộ, quân đội càng đoàn kết xung quanh Đảng Lao động, Chính phủ và Hồ Chủ tịch, ra sức thi đua tăng gia sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 1958. Nhờ tinh thần đoàn kết và thi đua ấy, trong những tháng cuối năm hiện nay các ngành hoạt động đều ghi được những thành tích tiến bộ vượt bậc.

Trong khóa họp thứ 8, Quốc hội đã quyết định thông qua bản báo cáo thu chi Nhà nước đến ngày 31-12-1957 của Chính phủ và giao trách nhiệm cho Ban Thường trực Quốc hội xét tổng quyết toán Nhà nước năm 1957 của Chính phủ và sẽ báo cáo với Quốc hội khóa họp sau.

Thi hành nghị quyết đó, Chính phủ đã cử đại diện đến báo cáo trước Ban Thường trực Quốc hội về tổng quyết toán Nhà nước 1957. Ban Thường trực Quốc hội nhận thấy:

So với bản báo cáo của Chính phủ về tình hình chấp hành dự toán 1957 trước Quốc hội khóa 8, tình hình tổng quyết toán 1957 căn bản không thay đổi nhiều về số liệu, cũng như về nhận định tình hình.

Ban Thường trực Quốc hội về căn bản đồng ý với nhận định của Chính phủ là: "Dự toán thu chi Nhà nước 1957 về căn bản đã được thực hiện tốt, không những đã đảm bảo được vốn cần thiết cho việc hoàn thành nhiệm vụ khôi phục kinh tế, mà thu chi giữ được thăng bằng, thu có trội hơn chi một ít. Đó là điều kiện chủ yếu để thực hiện 3 mặt: thăng bằng dự toán, tín dụng và vật tư. Nhờ vậy nên năm 1957 tài chính đã góp phần tích cực vào việc củng cố tiền tệ, bình ổn vật giá, phát triển sản xuất và bước đầu ổn định sinh hoạt của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để bước vào thời kỳ phát triển kinh tế và văn hóa".

Do đó Ban đã nhất trí thông qua bản tổng quyết toán Nhà nước 1957 mà Chính phủ đã trình bày.

- Đối với các đạo luật mà Quốc hội đã thông qua trong khóa họp thứ 8, Chính phủ ngay sau khóa họp đã ra sắc lệnh ban bố. Về đạo luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các nghị định quy định cấp bậc quân hàm, quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu lễ phục và chế độ phục vụ của hạ sĩ quan và binh sĩ. Việc thi hành đạo luật này đã đánh dấu một giai đoạn mới trên bước trưởng thành của Quân đội nhân dân ta.

Đạo luật quy định tổ chức chính quyền địa phương đã làm cơ sở cho việc củng cố chính quyền nhân dân của ta ngày thêm vững mạnh theo hướng "phát huy dân chủ tăng cường chuyên chính". Chính phủ đã ban hành các thông tư, điều lệ tạm thời hướng dẫn việc thi hành đạo luật đó trong việc củng cố chính quyền địa phương ở vùng đồng bằng và ở các khu vực dân tộc tự trị.

Ngoài ra các Bộ, các Ban của Chính phủ cũng đã nghiên cứu các ý kiến, đề nghị của các Tiểu ban và các đại biểu Quốc hội đã nêu trong các bản thuyết trình và tham luận để bồi bổ cho hoạt động của các ngành công tác.

Tóm lại, qua việc phổ biến và theo dõi việc thi hành các nghị quyết của Quốc hội trong khóa họp thứ 8, chúng tôi thấy rằng những nghị quyết quan trọng đó phù hợp với nguyện vọng của nhân dân ta, đã đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới và đã thu được những kết quả tốt.

Về các hoạt động khác của Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội:

Việc góp ý kiến xây dựng bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được coi là một nhiệm vụ quan trọng của các đại biểu Quốc hội, nên trong các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội thường vẫn có kiểm điểm về tình hình tham gia ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Chúng tôi nhận thấy trong thời gian qua nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý kiến vào bản dự thảo lần thứ nhất của Ban sửa đổi Hiến pháp một cách rất sốt sắng.

- Ngoài ra, nhiều Uỷ viên Thường trực Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã lần lượt đi thăm các tập đoàn sản xuất của đồng bào, bộ đội và cán bộ miền Nam và đi thăm một số nông trường quốc doanh. Nhiều vị Uỷ viên Thường trực Quốc hội và đại biểu Quốc hội lại đã sốt sắng hưởng ứng các đợt tham gia lao động tập thể ở nông thôn và các công trường kiến thiết xã hội chủ nghĩa. Để khuyến khích đẩy mạnh hơn nữa sản xuất nông nghiệp phục vụ kế hoạch Đông Xuân, trong phiên họp cuối tháng 10, Ban Thường trực Quốc hội đã đặt giải thưởng tặng một thành tích trội nhất trong vụ sản xuất nông nghiệp Đông Xuân.

Tất cả các hoạt động này đã thắt chặt hơn nữa mối liên hệ giữa các đại biểu Quốc hội và nhân dân.

Về mặt trao đổi và tiếp xúc quốc tế:

Nhận lời mời của các nước anh em, sau khóa họp Quốc hội thứ 8, Ban Thường trực Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu gồm 5 đại biểu Quốc hội đi thăm các nước anh em mà tôi được hân hạnh dẫn đầu đoàn này.

Trong gần 80 ngày ở nước ngoài, Đoàn đã lần lượt đi thăm các nước: Cộng hòa Tiệp Khắc, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Nhân dân Hunggari, Cộng hòa Nhân dân Bungari, Cộng hòa Nhân dân Anbani, Cộng hòa Nhân dân Ba Lan, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, và trên đường về Đoàn có lưu lại một thời gian ngắn thăm Liên Xô và Trung Quốc.

Trong cuộc đi thăm các nước, những người đại diện của Quốc hội ta đã được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các tầng lớp nhân dân các nước bạn, công nhân, nông dân, trí thức đón tiếp nồng hậu.

Đoàn đại biểu ta đã đi thăm nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, đã thấy tận mắt những thành tựu to lớn, những bước tiến nhanh chóng về công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở các nước anh em; đồng thời Đoàn đại biểu ta cũng đã giới thiệu với các nước anh em về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trong cuộc chiến tranh ái quốc trước đây, cũng như trong cuộc kiến thiết hòa bình ngày nay. Đoàn đại biểu ta đã thu được kết quả tốt đẹp là thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn.

Sau khi về nước, Đoàn đại biểu ta đã báo cáo trước các vị đại biểu Quốc hội và trước nhân dân; ở khắp mọi nơi, những thành tích về kiến thiết của các nước anh em, tình đoàn kết nhất trí giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đã gây một tinh thần phấn khởi mạnh mẽ.

Tiếp theo cuộc đi thăm các nước của Đoàn đại biểu Quốc hội ta, tháng 10 vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Bungari, đã cử một Đoàn đại biểu sang thăm nước ta, Đoàn do ông Vancô Trécvencốp, Uỷ viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Bungari và là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Bungari dẫn đầu và gồm nhiều đại biểu là những cán bộ quan trọng của Đảng và Nhà nước Bungari. Ở Việt Nam Đoàn cũng đã đi thăm nhiều nơi và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, Đoàn cũng đã có nhiều cuộc gặp gỡ với Ban Thường trực Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội ta. Cuộc đi thăm này cùng với các cuộc đi thăm nước ta trước đây của các Đoàn Quốc hội các nước càng gắn bó thêm tình ruột thịt keo sơn giữa các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, càng tăng thêm tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Cuối cùng về mặt tổ chức Nhà nước, chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội là trong thời gian Quốc hội không họp, Ban Thường trực Quốc hội đã thông qua đề nghị của Hội đồng Chính phủ, cử ông Hoàng Anh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, làm Bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Lê Văn Hiến được bổ nhiệm vào một công tác khác trong Chính phủ.

Cũng trong dịp này, Chính phủ đã đề nghị cử ông Trần Mạnh Quỳ, Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ. Thấy đề nghị này là một việc cần thiết có lợi cho công việc nước nhà, nên Ban Thường trực Quốc hội đã chấp nhận ông Trần Mạnh Quỳ được từ chức Uỷ viên Thường trực Quốc hội và cử ông Nguyễn Sơn Hà, Uỷ viên dự khuyết lên làm Uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội thay ông Trần Mạnh Quỳ.

Thưa các vị đại biểu,

Khóa họp Quốc hội thứ 8, chúng ta đã thông qua nhiệm vụ kế hoạch 3 năm và kế hoạch 1958.

Công việc lớn nhất của khóa họp Quốc hội thứ 9 này là chúng ta sẽ thảo luận và thông qua toàn bộ kế hoạch ba năm, mà nhân dân ta đã thực hiện được một năm đầu.

Kinh nghiệm một năm qua đem lại, sẽ giúp Quốc hội ta có đủ căn cứ chính xác để quyết định về toàn bộ công tác kinh tế, văn hóa trong những năm sắp tới. Bản kế hoạch 3 năm được thông qua, sẽ tạo một niềm phấn khởi mới cho nhân dân cả nước, sẽ đẩy mạnh công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, và sẽ góp phần tích cực hơn nữa trong việc bảo vệ hòa bình thế giới.

Khóa họp Quốc hội thứ 9 này của chúng ta họp vào giữa lúc tình hình trong nước và thế giới có nhiều thuận lợi cho ta.

Trong nước ta, ở miền Bắc từ nông thôn đến thành thị, một phong trào thi đua lao động sản xuất đang sôi nổi, một xu thế hợp tác hóa theo hướng xã hội chủ nghĩa đang tiến lên; ở miền Nam, nhân dân kiên quyết đấu tranh chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ.

Trên thế giới, các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đều có những tiến bộ nhanh chóng, nhất là bước tiến khổng lồ của Liên Xô, sự nhảy vọt của Trung Quốc, làm cho cả thế giới phải kinh ngạc. Phong trào độc lập dân tộc càng lên mạnh ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh làm cho chủ nghĩa thực dân thêm tan rã. Các lực lượng hòa bình đã giành được thắng lợi ở Trung Đông, ở eo biển Đài Loan, lại buộc Mỹ và Anh, Pháp đang phải bàn với Liên Xô về việc ngừng thử vũ khí nguyên tử và khinh khí.

Tình hình ấy, chắc chắn làm cho chúng ta thêm phấn khởi để đưa khóa họp Quốc hội này đến thành công. Với lòng phấn khởi đó, tôi xin tuyên bố: khóa họp Quốc hội lần thứ 9 khai mạc.

 

TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

TÔN ĐỨC THẮNG

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

1. Tc là kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá I (BT).