TS. Lương Minh Tuân
Văn phòng Quốc hội
Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm để Hiến pháp được tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh. Trong gần 60 năm qua, Quốc hội đã có nhiều đóng góp rất quan trọng trong việc bảo vệ Hiến pháp, đặc biệt là trong quá trình thực hiện quyền lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
1. Hoạt động lập hiến của Quốc hội với việc bảo vệ Hiến pháp
Quốc hội Việt Nam có lịch sử hình thành và phát triển vẻ vang hơn nửa thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện chức năng lập hiến của mình, trong gần 60 năm qua, Quốc hội đã lần lượt ban hành bốn bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Cùng với hoạt động lập hiến của Quốc hội, các quy định pháp luật về bảo hiến ở nước ta đã từng bước được hình thành và phát triển.
Vấn đề bảo hiến, bảo đảm các giá trị cơ bản, nội dung của các quy phạm trong Hiến pháp được Quốc hội quan tâm, đề cập đến ngay từ Hiến pháp năm 1946 và tiếp tục khẳng định trong các bản Hiến pháp sau này. Những nội dung cơ bản được quy định trong Hiến pháp nhằm bảo vệ Hiến pháp có thể nêu ra như sau:
Thứ nhất, để Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành, Hiến pháp năm 1946[1] đã quy định trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam phải tôn trọng Hiến pháp[2]. Quy định này được tiếp tục kế thừa và phát triển qua ba bản Hiến pháp sau này của Nhà nước ta. Hiến pháp hiện hành khẳng định việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật là nghĩa vụ của công dân[3]; các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật[4]; “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”[5].
Thứ hai, các bản Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp hiện hành đều khẳng định “Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp”[6]. Quy định này là rất cần thiết nhằm bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp. Đồng thời, quy định này còn là cơ sở pháp lý cho việc bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành những quy định pháp luật khác trái với Hiến pháp.
Thứ ba, do tầm quan trọng của Hiến pháp đối với Nhà nước và toàn xã hội, Quốc hội đã đặt ra các yêu cầu chặt chẽ đối với việc sửa đổi Hiến pháp và được thể hiện trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 quy định: “Việc sửa đổi Hiến pháp phải do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu”; “Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điểm thay đổi”, “Những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”[7]. Quy định này của Hiến pháp năm 1946 đã được kế thừa và phát triển qua ba bản Hiến pháp sau này và được thể hiện chặt chẽ trong Hiến pháp hiện hành như sau: “Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành”.
Thứ tư, để bảo vệ Hiến pháp trước những hành vi vi hiến thì việc xác định cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo vệ Hiến pháp, giải quyết những trường hợp vi phạm Hiến pháp là rất cần thiết. Hiến pháp năm 1946 không quy định rõ cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền bảo vệ Hiến pháp. Hiến pháp năm 1959 đã quy định quyền hạn của Quốc hội “Giám sát việc thi hành Hiến pháp”[8]. Kế thừa quy định này của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 cũng như Hiến pháp hiện hành đã nhấn mạnh hơn vai trò của Quốc hội về vấn đề bảo hiến: “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp...”[9].
Tiếp đó, Hiến pháp hiện hành đã quy định cụ thể thẩm quyền của Quốc hội là: “Bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp...”[10].
Bên cạnh đó, Hiến pháp hiện hành đã quy định thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Giám sát việc thi hành Hiến pháp ...”[11] và “đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp ... và trình Quốc hội huỷ bỏ các văn bản đó”[12]. Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội cũng được Hiến pháp hiện hành giao thực hiện quyền giám sát trong lĩnh vực phụ trách do luật định.
Ngoài ra, Hiến pháp hiện hành còn quy định giao cho một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ Hiến pháp như: Chính phủ bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp[13]; Thủ tướng Chính phủ bảo đảm việc thi hành Hiến pháp trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang và công dân[14], đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quy định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, đình chỉ việc thi hành những nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp[15]; Hội đồng nhân dân ra nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thi hành nghiêm chỉnh Hiến pháp ở địa phương[16]; Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp; v.v..
Thứ năm, thực hiện chủ trương của Đảng được nêu ra trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp với tình hình mới[17], Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 51/2001/QH10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992. Với việc ban hành Nghị quyết này, Hiến pháp năm 1992 đã được bổ sung quy định đặc biệt quan trọng đối với việc bảo hiến ở nước ta: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”[18]. Có thể nói, đây là một nội dung mới, mốc son quan trọng đánh dấu bước phát triển mới trong lịch sử lập hiến ở Việt Nam, phù hợp với thực tế đất nước và xu thế thời đại. Với quy định mới này, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã trở thành một trong những mục tiêu, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước ở Việt Nam. Việc bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và các giá trị cơ bản đã được ghi nhận trong Hiến pháp là một trong những nội dung cơ bản của Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
2. Hoạt động lập pháp của Quốc hội với việc bảo vệ Hiến pháp
Trong gần 60 năm qua, Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành được trên 190 văn bản luật và gần 200 văn bản pháp lệnh và nhiều nghị quyết để cụ thể hoá Hiến pháp. Trong đó, có nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo hiến như: các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; Pháp lệnh về Ký kết và thực hiện điều ước quốc tế đã được thay thế bằng Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; Bộ luật Hình sự; Luật Khiếu nại, tố cáo; Nội quy kỳ họp Quốc hội; Quy chế hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, v.v..
Với việc ban hành các văn bản pháp luật nêu trên, Quốc hội đã tiếp tục cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp về vấn đề bảo hiến và tạo ra một hệ thống các quy định khá toàn diện về hoạt động bảo hiến ở nước ta[19], tập trung vào những vấn đề chính như: giám sát tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật; giám sát tính hợp hiến trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật; v.v..
Trong quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc bảo đảm tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật ở nước ta được tiến hành ở tất cả các khâu từ việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua và do nhiều cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện như: Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp, v.v..
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, Quốc hội với việc ban hành Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế đã quy định việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế cũng phải “Phù hợp với các quy định của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[20]. Đồng thời, Luật này đã quy định thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: “Xem xét điều ước quốc tế đang có hiệu lực do Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định ký, gia nhập có dấu hiệu trái với Hiến pháp”[21]; Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định về việc sửa đổi, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế có dấu hiệu trái với Hiến pháp[22]; một số cơ quan nhà nước khác[23] cũng được giao trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến trong việc ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế như Chính phủ, Chủ tịch nước, v.v..
Đó cụ thể hoá chức năng giám sát tối cao của Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ban hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Luật này có nhiều quy định liên quan đến thẩm quyền, trình tự, thủ tục tiến hành giám sát việc thi hành Hiến pháp. Điều 10 của Luật này quy định về việc xem xét, văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Nhìn chung, có thể nói, với việc thực hiện chức năng lập pháp của mình, Quốc hội đã có những đóng góp to lớn cho hoạt động bảo hiến ở Việt Nam, từng bước thiết lập một cơ chế bảo hiến, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm để Hiến pháp nước ta được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành trên thực tế; bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp.
3. Hoạt động giám sát của Quốc hội với việc bảo vệ Hiến pháp
Bên cạnh chức năng lập hiến và lập pháp, Quốc hội với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất được giao nhiệm vụ thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành hiến pháp (tính hợp hiến trong hoạt động xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật)[24] ngày càng được coi trọng. Tính hợp hiến đã trở thành tiêu chí quan trọng hàng đầu phải xem xét khi tiến hành thẩm định, thẩm tra, xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trong những năm gần đây, hoạt động giám sát của Quốc hội được triển khai tích cực, có sự đổi mới cả về nội dung và hình thức giám sát. “Công tác giám sát của Quốc hội cũng đã có những đổi mới nhất định như tiến hành nghe các báo cáo hoạt động của các cơ quan nhà nước ở Trung ương; cử các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương”[25]. Quốc hội đã tập trung giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật[26]. Hoạt động giám sát tại các kỳ họp của Quốc hội đã được đổi mới với các nội dung giám sát ngày càng phong phú và được tiến hành công khai, dân chủ và mang lại những kết quả thiết thực[27]. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát hàng năm. Đặc biệt, Quốc hội đã nghe các báo cáo giám sát chuyên đề do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành về các vấn đề gây bức xúc như chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư, xây dựng cơ bản, v.v.. Các nội dung giám sát chuyên đề tại các kỳ họp của Quốc hội nhìn chung đã được tiến hành nghiêm túc, các cơ quan chịu sự giám sát đã đề cao trách nhiệm và có nhận thức ngày một đúng hơn về hoạt động giám sát của Quốc hội. Kết quả giám sát chuyên đề bước đầu đã tạo ra những bước chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực và nội dung được giám sát[28].
Mới đây, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI lần đầu tiên đã tiến hành nghe, thảo luận báo cáo về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI đến tháng 9/2005, trong đó có nội dung bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật[29]. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan này.
Có thể nói, với việc thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp trong hoạt động xây dựng pháp luật và hoạt động giám sát, kiểm tra việc thi hành pháp luật, Quốc hội cũng đã có những hoạt động tích cực góp phần nhất định vào việc bảo đảm để Hiến pháp được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành.
4. Một số hạn chế, tồn tại và kiến nghị
Với hoạt động lập hiến và lập pháp của mình, Quốc hội đã từng bước thiết lập một khung pháp lý về bảo hiến ở nước ta[30]. Mặc dù Đảng, Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan đã có nhiều nỗ lực để bảo đảm thi hành Hiến pháp và cũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hoạt động bảo hiến ở nước ta vẫn còn một số hạn chế, tồn tại[31] chính sau đây:
Thứ nhất, Hiến pháp nước ta nhìn chung chưa có hiệu lực áp dụng trực tiếp[32], đặc biệt là trong các trường hợp mà quy phạm của Hiến pháp không rõ ràng, khó xác định được những nội dung nào được Hiến pháp bảo vệ, những nội dung nào do các văn bản quy pháp luật khác bảo vệ. Ví dụ như quy định tại Điều 69 của Hiến pháp hiện hành: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền được hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, trên thực tế, các cơ quan áp dụng pháp luật thường không viện dẫn quy định của Hiến pháp để giải quyết một vụ việc cụ thể. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hầu như chưa bao giờ bãi bỏ hay đình chỉ văn bản quy phạm pháp luật nào vì lý do văn bản pháp luật đó trái với Hiến pháp. Người dân khi khiếu nại, tố cáo cũng không thể viện dẫn một điều khoản cụ thể của Hiến pháp để chứng minh quyền của mình được quy định trong Hiến pháp bị xâm hại, vì không rõ phạm vi quyền công dân của mình được Hiến pháp bảo vệ đến đâu.
Thứ hai, như đã trình bày ở trên, việc bảo vệ Hiến pháp ở nước ta hiện nay được giao cho nhiều cơ quan nhà nước khác nhau đảm trách. Hơn nữa, Quốc hội vừa là cơ quan lập pháp vừa là cơ quan thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp. Theo đó, Quốc hội vừa làm luật và vừa giám sát, quyết định về việc liệu một đạo luật do Quốc hội ban hành có phù hợp với Hiến pháp hay không? Bên cạnh đó, Quốc hội còn có trách nhiệm giám sát việc tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động xét xử của Toà án (quyền tư pháp). Như vậy, “còn có sự lẫn lộn giữa quyền lập pháp và quyền tài phán (quyền tư pháp) trong hoạt động của Quốc hội”[33]. Trong khi đó, Quốc hội lại gồm các đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân; số lượng đại biểu Quốc hội là các chuyên gia pháp luật không nhiều, đa số đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm; Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Cơ cấu tổ chức của Quốc hội như vậy, không giống cơ cấu tổ chức của cơ quan tài phán (cơ quan xét xử gồm các thẩm phán chuyên nghiệp), là không phù hợp với việc thực hiện các hoạt động tài phán này. Khác với nước ta, các hoạt động tài phán này ở các nhà nước pháp quyền khác trên thế giới được giao cho một cơ quan chuyên trách có chức năng giám sát và bảo vệ hiến pháp thực hiện.
Thứ ba, Quốc hội là cơ quan quan trọng cấu thành bộ máy nhà nước. Vì vậy, Quốc hội phải tự mình tuân thủ Hiến pháp. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay “cũng chưa có một cơ chế nào để giám sát chính hoạt động của Quốc hội và giám sát tính hợp hiến của các đạo luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành... Hình thức kiến nghị thông qua hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa thực sự đem lại hiệu quả”[34].
Thứ tư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được giao thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh[35]. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hiếm khi[36] sử dụng thẩm quyền này vì nhiều lý do khác nhau như: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội hiện đang đảm nhận một phần không nhỏ công việc lập pháp do Quốc hội giao (ban hành pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao)[37]. Thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là các đại biểu Quốc hội; số lượng thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chuyên gia pháp luật là rất ít, không phải là các thẩm phán chuyên nghiệp. Khác với nước ta, việc giải thích Hiến pháp trong các trường hợp tranh chấp liên quan đến Hiến pháp ở các nước trên thế giới thường do cơ quan chuyên trách bảo vệ Hiến pháp thực hiện.
Qua trình bày, phân tích ở trên, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị bước đầu nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đồng thời, phù hợp với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp như sau:
1) Tổ chức nghiên cứu lý luận và thực tiễn để xác lập cơ sở khoa học cho việc xây dựng cơ chế bảo hiến của Việt Nam.
2) Tổ chức tổng kết thực tiễn hoạt động bảo hiến ở nước ta trong thời gian qua để có cơ sở cho việc tiếp tục nâng cao và hoàn thiện cơ chế bảo hiến của Việt Nam.
3) Cần sớm nghiên cứu thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách (có thể thành lập Toà án hiến pháp)[38] có tính độc lập và chuyên nghiệp cao có chức năng giám sát việc tuân theo Hiến pháp của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với các nhiệm vụ chính sau đây:
a) Phán quyết về mức độ vi hiến của các văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Nhà nước ta ký kết hoặc tham gia;
b) Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định;
c) Giải quyết các khiếu kiện của công dân, pháp nhân Việt Nam đối với các quyết định, hành vi có dấu hiệu vi hiến của các chủ thể thực thi quyền lực nhà nước;
d) Giải thích Hiến pháp trong quá trình phán quyết để bảo đảm cho các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp được nhận thức và thực hiện thống nhất.
4) Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo hiến, đặc biệt là cần quy định cụ thể về: tổ chức và hoạt động của cơ quan bảo hiến chuyên trách (Toà án hiến pháp); trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động bảo hiến; tiêu chuẩn, điều kiện của thẩm phán Toà án hiến pháp; số lượng, nhiệm vụ, nhiệm kỳ, cơ chế bầu thẩm phán Toà án hiến pháp ở Việt Nam[39].
Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo hiến của Việt Nam trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội trong thời gian tới./.
* Nghiên cứu Lập pháp, số 1(68), tháng 1/2006.
** Hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Viện nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[1] Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân; là mốc son đánh dấu bước phát triển đầu tiên về thể chế dân chủ, pháp quyền Việt Nam.
[2] Điều 4 của Hiến pháp năm 1946.
[3] Điều 79 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[4] Điều 12 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[5] Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[6] Điều 146 của Hiến pháp năm 1980; Điều 146 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[7] Điều 70 của Hiến pháp năm 1946.
[8] Điểm 3, Điều 50 của Hiến pháp năm 1959.
[9] Điều 83 của Hiến pháp năm 1980; Điều 83 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[10] Điểm 9, Điều 84 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[11] Điểm 5, Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[12] Điểm 5, Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[13] Điều 109 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[14] Điểm 2, Điều 112 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[15] Điểm 4 và Điểm 5 Điều 112 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[16] Điều 120 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 48-49; 132-133.
[18] Điều 2 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[19] Xem Bài phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu tại Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[20] Điểm 2 Điều 3 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
[21] Điều 102 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
[22] Điều 103 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
[23] Xem Chương 8 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế.
[24] Xem bài viết của TS. Nguyễn Văn Thuận, Thực trạng bảo đảm tính hợp hiến và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[25] Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội, 60 năm Quốc hội Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 69.
[26] Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội, 60 năm Quốc hội Việt Nam, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 76.
[27] Tờ trình Quốc hội của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 420/UBTVQH11 ngày 21/10/2005 về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2006, tr. 1.
[28] Xem Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 426/BC-UBTVQH11 ngày 1/11/2005 về công tác năm 2005 và phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu năm 2006 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tr. 3.
[29] “Một số văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn có những quy định chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Chẳng hạn như Thông tư số 02/2003/TT-BCA (C11) ngày 13/01/2003 của Bộ Công an về việc hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định “... Mỗi người chỉ được đăng ký 01 xe môtô hoặc xe gắn máy”. Thực chất quy định này đã hạn chế quyền sở hữu của công dân đã được quy định tại Điều 58 của Hiến pháp năm 1992, khoản 1 Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 1995 là công dân có quyền sở hữu tài sản không bị hạn chế về số lượng, giá trị v.v..”. Xem Báo cáo ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 401/UBTVQH11 ngày 6/10/2005 về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tr. 6-7.
[30] Theo đánh giá của GS, TS. Lê Minh Tâm thì cơ chế bảo hiến ở nước ta còn có các nhược điểm chính sau: 1) Cơ sở pháp lý còn chưa đầy đủ; 2) cơ cấu tổ chức còn chưa rõ ràng, phân tán, còn thiếu những yếu tố thiết yếu và việc xác định chức năng, nhiệm vụ còn chưa phù hợp; 3) nội dung của các hoạt động bảo hiến còn hẹp, chưa toàn diện; 4) trình tự, thủ tục, phương thức hoạt động bảo hiến còn chưa rõ ràng, đầy đủ và cụ thể. Xem bài viết của GS, TS. Lê Minh Tâm, Mấy vấn đề chung về bảo hiến và cơ chế bảo hiến, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[31] Xem bài viết của GS, TS. Đào Trí Úc, Bước đầu tìm hiểu vấn đề tài phán hiến pháp Constitutional review) ở Việt Nam, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[32] Xem bài viết của GS, VS. Nguyễn Duy Quý, Triển vọng về một thiết chế bảo hiến ở Việt Nam trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[33] Xem PGS, TS. Trần Ngọc Đường, Cơ chế bảo hiến theo các quy định pháp luật hiện hành ở nước ta, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[34] Xem Bài phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu tại Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam, Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[35] Điều 91 của Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001.
[36] Ví dụ như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải thích điểm c, khoản 2 Điều 241 của Luật Thương mại để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.
[37] Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá IX đã ban hành được 43 pháp lệnh; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá X đã ban hành được 39 pháp lệnh.
[38] Về các quan điểm khác nhau trong việc lựa chọn mô hình cơ quan bảo hiến ở Việt Nam, xem bài viết của Nguyễn Thanh Sơn, Cơ quan bảo hiến với việc giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, giải quyết khiếu nại của công dân về hành vi vi phạm Hiến pháp, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.
[39] TS. Nguyễn Văn Hiện, Thẩm phán Toà án hiến pháp: tiêu chuẩn, điều kiện thẩm phán; số lượng, nhiệm vụ và quyền hạn của thẩm phán; cơ chế bầu (bổ nhiệm) và nhiệm kỳ của thẩm phán, Hội thảo khoa học về cơ chế bảo hiến ở Việt Nam tại Tp. Vinh, từ ngày 22-24/3/2005.