VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 12 CỦA QUỐC HỘI KHOÁ I
DO CỤ TÔN ĐỨC THẮNG TRÌNH BÀY
1

 

Tôi xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội gửi lời thân ái chào mừng các vị đại biểu đã về dự kỳ họp thứ 12 của Quốc hội ta.

Sau đây tôi xin báo cáo công tác Quốc hội từ kỳ họp lần trước tới nay.

Trước hết tôi thấy cần nhắc lại rằng kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội ta vừa qua thật có một tầm quan trọng lịch sử và đã thành công tốt đẹp. Việc thông qua bản Hiến pháp mới của Nhà nước ta, cùng với việc thông qua các đạo luật quan trọng về hôn nhân và gia đình, về bầu đại biểu Quốc hội cũng như nghị quyết của Quốc hội tiến hành bầu cử Quốc hội khóa II trong sáu tháng đầu năm, đều là những sự kiện to lớn trong đời sống chính trị của ta, được nhân dân trong nước rất hoan nghênh, được dư luận thế giới theo dõi và chú ý.

Cũng do ý nghĩa đặc biệt quan trọng của các việc trên đây mà các đại biểu Quốc hội ta, sau kỳ họp vừa rồi bế mạc đã nhận thấy sự cần thiết phải về các địa phương để báo cáo với nhân dân về các nghị quyết của Quốc hội. Hầu khắp các khu, các tỉnh, các thành phố ở miền Bắc đều đã có các đoàn đại biểu Quốc hội về nói chuyện với đồng bào về kết quả của kỳ họp. Hơn 120 đại biểu Quốc hội đã tổ chức hoặc tham gia hơn 250 cuộc nói chuyện, mít tinh, hội nghị với gần 200.000 người dự, gồm có đủ các tầng lớp nhân dân, cán bộ, bộ đội, v.v.. Đặc biệt tại một số địa phương miền núi ở Cao Bằng, Hải Ninh2, Tây Bắc, v.v. mặc dầu điều kiện giao thông khó khăn, một số đại biểu Quốc hội có lúc đã đi bộ đến tận các nơi xa xôi để được gặp đồng bào và làm nhiệm vụ của mình. Đồng bào vùng dân tộc khi được nghe báo cáo về Hiến pháp mới, về nghị quyết bầu cử Quốc hội, cũng như đồng bào miền xuôi, đã tỏ ra rất phấn khởi và thêm tin tưởng vào sự trưởng thành của chế độ, vào tương lai đẹp đẽ của mình.

*

*         *

Về việc thi hành các nghị quyết của Quốc hội, thì như chúng ta đã biết, ngày 1-1-1960 Hồ Chủ tịch đã công bố bản Hiến pháp mới của chúng ta. Các đạo Luật hôn nhân và gia đình, Luật bầu cử Quốc hội cũng đã được công bố. Tất cả các từng lớp nhân dân đã chào đón bản Hiến pháp mới và các đạo luật với niềm phấn khởi vui mừng, xem đó là biểu hiện cụ thể của sự lớn mạnh của chế độ ta, là động cơ thúc đẩy sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất đất nước. Kiều bào ta tuy sống xa Tổ quốc, nhưng vẫn theo dõi sự tiến bộ ở nước nhà và đã tỏ vui mừng trước thắng lợi của Quốc hội kỳ họp thứ 11.

Đi đôi với việc công bố các văn kiện này, công việc tuyên truyền giáo dục và giải thích để nhân dân thông suốt được mục đích, nhận rõ ý nghĩa và yêu cầu cũng như tính chất cách mạng của nó, đã và đang được các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hết sức chú ý. Công tác này rất cần thiết để trong cán bộ, nhân dân có những nhận thức đúng đắn và thống nhất, đảm bảo cho tinh thần của các đạo luật được quán triệt gây được tác dụng tốt. Về phần Ban Thường trực Quốc hội, trong thời gian qua đã quan tâm theo dõi giúp đỡ việc giải thích và phổ biến Hiến pháp mới và đã có cố gắng tạo điều kiện giới thiệu Hiến pháp ta ra ngoài, giúp cho các nước hiểu rõ hơn chế độ ta và Nhà nước của ta.

*

*           *

Trong thời gian từ sau kỳ họp Quốc hội thứ 11, Ban Thường trực Quốc hội theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội đã đặc biệt chú trọng đến việc chuẩn bị để có thể tiến hành bầu cử Quốc hội khóa II trong sáu tháng đầu năm. Để thực hiện nghị quyết này, một hội nghị liên tịch giữa các đại diện Ban Thường trực Quốc hội và đại diện Chính phủ đã được triệu tập để ấn định kế hoạch tiến hành các việc chuẩn bị tuyển cử.

Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định ngày chủ nhật 8-5-1960 sẽ tiến hành tuyển cử trên toàn miền Bắc để bầu Quốc hội khóa II. Trong phạm vi thời gian mà Quốc hội đã quy định, thì ngày 8-5 thấy là ngày thuận tiện nhất cho sinh hoạt của nhân dân ta.

Ban Thường trực Quốc hội lại đã thành lập Hội đồng bầu cử 25 người gồm đại diện các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, với nhiệm vụ giám sát cuộc bầu cử theo Điều 19 của Luật bầu cử Quốc hội.

Ban Thường trực Quốc hội cũng đã ra nghị quyết ngày 2 tháng 3 năm 1960 quy định số đại biểu Quốc hội được bầu, số đơn vị bầu cử và số đại biểu dân tộc thiểu số được bầu ở các địa phương.

Nghị quyết này vì cần phải ra kịp thời nên đã căn cứ vào những số liệu chính thức trước khi điều tra dân số. Sau khi cuộc điều tra dân số hoàn thành, Ban Thường trực Quốc hội đã căn cứ trên tình hình tăng dân số ở các địa phương mà ra nghị quyết bổ sung tăng thêm số đại biểu được bầu cho một số địa phương. Sau khi đã có nghị quyết bổ sung thì tổng số đại biểu Quốc hội sẽ được bầu trên toàn miền Bắc là 362 người trong đó có 55 đại biểu dân tộc thiểu số. Tổng số đơn vị bầu cử là 42 đơn vị. Như thế là với số đại biểu Quốc hội được bầu, cộng với số đại biểu miền Nam lưu nhiệm, Quốc hội khóa hai của chúng ta có chừng 450 đại biểu.

Sau khi Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định ngày bầu cử thì ở Trung ương cũng như ở địa phương mọi công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tiến hành ráo riết.

Ở Trung ương, Thủ tướng phủ đã mở Hội nghị cán bộ hành chính các tỉnh, khu, thành phố trực thuộc để bàn việc tổ chức bầu cử. Thủ tướng Chính phủ đã ra thông tư quy định những chi tiết thi hành Luật bầu cử nhằm đảm bảo cuộc bầu cử thực hiện hoàn toàn và triệt để dân chủ.

Bộ Tài chính, đã dự trù một khoản kinh phí dành riêng cho cuộc bầu cử.

Bộ Giao thông Bưu điện đã chuẩn bị kế hoạch đầy đủ đảm bảo cho việc giao thông liên lạc phục vụ kịp thời công tác bầu cử.

Bộ Nội vụ đã phát hành những tài liệu phổ biến, giải thích các luật lệ bầu cử, và đã có những quy định cụ thể để các cấp hành chính địa phương chuẩn bị vật chất cho cuộc bầu cử.

Để thiết thực tham gia cuộc bầu cử sắp tới các chính đảng, các đoàn thể ở Trung ương đều đã mở nhiều cuộc hội nghị để nhận rõ nhiệm vụ của mình đối với cuộc bầu cử, bàn việc động viên và lãnh đạo đảng viên, đoàn viên tham gia bầu cử và bàn việc lựa chọn người ra ứng cử.

Hội đồng bầu cử đã họp phiên họp đầu tiên để nghe báo cáo về kế hoạch của Ban Thường trực Quốc hội và của Chính phủ chuẩn bị cho cuộc bầu cử, và để quyết định kế hoạch chương trình hoạt động của Hội đồng trong việc giám sát và tổng kết kết quả cuộc bầu cử.

Ở các địa phương là nơi trực tiếp tiến hành bầu cử, công việc chuẩn bị cũng rất khẩn trương và tích cực. Tinh thần chung ở khắp nơi được phản ánh về là: tất cả các địa phương đều quyết tâm thực hiện tốt cuộc bầu cử Quốc hội, đảm bảo triệt để đúng theo những quy định của Luật bầu cử, đảm bảo đúng thời gian và vận động được toàn thể nhân dân tham gia cuộc bầu cử, phát huy được tính chất dân chủ thật sự và triệt để của chế độ bầu cử của chúng ta.

Ở các tỉnh, khu, thành phố trực thuộc đều đã mở hội nghị đến cấp xã để thảo luận Luật bầu cử Quốc hội và bản kế hoạch chuẩn bị cho cuộc bầu cử.

Việc thành lập các ban bầu cử, chia khu vực bỏ phiếu, lập và công bố danh sách cử tri đã làm xong. Việc phổ biến Luật lệ bầu cử nhiều nơi đã xuống đến tận cơ sở. Ngay ở Tây Bắc và một số tỉnh miền núi mà điều kiện giao thông liên lạc rất khó khăn cũng đã có nhiều cố gắng để việc giới thiệu cuộc bầu cử Quốc hội đến được tận các xã xa xôi nhất.

Công việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội đang được tiến hành thuận lợi, đó là nhờ sự cố gắng của các cơ quan nhà nước, nhờ sự quan tâm đúng mức của các chính đảng, các đoàn thể của Mặt trận Tổ quốc; và chủ yếu là nhờ ở lòng nhiệt thành yêu nước, yêu chế độ và ý thức làm chủ đất nước của nhân dân ta.

Với tinh thần và đã chuẩn bị như trên, chắc chắn rằng cuộc bầu cử Quốc hội khóa II sẽ tiến hành tốt.

*

*         *

Từ sau kỳ họp lần trước tới nay, do tình hình mới và sự cần thiết phải đảm bảo việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội, ngoài các hội nghị thường kỳ hàng tháng, đã họp nhiều phiên bất thường để giải quyết mọi công việc.

Ngoài những nghị quyết của Quốc hội đã được thi hành như đã báo cáo trên, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội còn đề ra cho Ban Thường trực Quốc hội một số công tác khác như sau:

Về pháp luật: chuẩn bị Luật tổ chức Quốc hội và phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong việc chuẩn bị Luật tổ chức Hội đồng Chính phủ, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, trong việc nghiên cứu cải tiến chế độ văn bản Nhà nước.

Ngoài ra cũng đã bước đầu nghiên cứu việc soát lại các luật lệ và văn bản đã ban hành cho phù hợp với Hiến pháp mới.

Về quan hệ với địa phương: sau kỳ họp thứ 11 theo tinh thần Hiến pháp mới, các Hội đồng nhân dân địa phương đã thấy có yêu cầu đặt quan hệ với Ban Thường trực Quốc hội. Về phần Ban Thường trực Quốc hội, tuy chưa làm nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ như Hiến pháp quy định, nhưng cũng thấy cần hiểu biết hơn về tình hình các Hội đồng nhân dân địa phương, chuẩn bị điều kiện cho Quốc hội sau này làm việc được tốt; trước mắt sự hiểu biết này cũng cần thiết để chuẩn bị cho việc cùng với Chính phủ nghiên cứu việc bầu cử Hội đồng nhân dân huyện như đã quy định trong nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 11 vừa rồi.

Để tiến hành các công tác này được tốt, Ban Thường trực Quốc hội đã chấn chỉnh các Tiểu ban giúp việc của mình. Hai Tiểu ban giúp việc là Tiểu ban luật pháp và Tiểu ban nghiên cứu tình hình Hội đồng nhân dân địa phương đã được thành lập. Mỗi Tiểu ban đều do một Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội phụ trách với sự tham gia của một số ủy viên. Tiểu ban nghiên cứu tình hình các Hội đồng nhân dân kiêm phụ trách cả công việc thuộc Tiểu ban dân nguyện trước đây.

Ngoài ra Ban Thường trực Quốc hội cũng rất chú ý đến phong trào thi đua sôi nổi hiện nay trong các ngành hoạt động của nhân dân và của Nhà nước. Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào nhằm hoàn thành thắng lợi và vượt mức kế hoạch Nhà nước 1960 để làm đà thúc đẩy kế hoạch sau này, Ban Thường trực Quốc hội đã ra hiệu triệu động viên toàn dân ta ở miền Bắc đoàn kết hăng hái thi đua tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm và đã đặt những giải thưởng để khuyến khích những ngành nào đạt nhiều thành tích nhất.

*

*           *

Về mặt quan hệ giữa Quốc hội ta và các Quốc hội anh em, thì trong những ngày đầu tháng 2 vừa rồi, Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Tiệp Khắc do đồng chí Dơđênếch Phiêlingơ, Chủ tịch Quốc hội Tiệp Khắc, dẫn đầu đã sang thăm nước ta.

Trong hơn một tuần ở thăm Việt Nam, đoàn đã có dịp tìm hiểu đất nước chúng ta, đã tiếp xúc với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, đã quan sát nhiều mặt hoạt động của nhân dân ta và có những cuộc gặp gỡ với một số nhân vật trong Quốc hội và các giới khoa học, văn nghệ và hoạt động khác của ta.

Cuộc đi thăm nước ta của Phái đoàn và sự đón tiếp nhiệt tình của nhân dân ta đã thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân Tiệp Khắc anh em, đồng thời cũng có tác dụng động viên nhân dân và cán bộ ta trong dịp đầu năm lúc ta bắt tay vào thực hiện kế hoạch.

Trong thời gian qua, Quốc hội ta đã nhận được lời kêu gọi của Xô viết tối cao Liên Xô gửi Chính phủ và Quốc hội các nước trên thế giới về vấn đề Liên Xô quyết định giảm bớt quân số 1.200.000 người. Ban Thường trực Quốc hội đã thay mặt Quốc hội ra tuyên bố hưởng ứng lời kêu gọi trên, hoan nghênh hành động cao cả của Liên Xô và nói lên sự đồng tình ủng hộ của Quốc hội và nhân dân ta đối với vấn đề giải trừ quân bị, một vấn đề cấp thiết của thời đại chúng ta. Trong buổi khai mạc long trọng hôm nay, tôi đề nghị Quốc hội một lần nữa nhiệt liệt hoan nghênh những đóng góp lớn lao của Chính phủ và nhân dân Liên Xô vào sự nghiệp hòa bình chung của thế giới.

Cũng trong thời gian vừa qua, Ban Thường trực Quốc hội đã ra tuyên bố phản đối những hành động đàn áp dã man của các nhà cầm quyền Liên bang Nam Phi đối với phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Phi. Trong bản tuyên bố đó Ban Thường trực Quốc hội đã nhiệt liệt ủng hộ các dân tộc Nam Phi đương đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ của mình.

Ban Thường trực Quốc hội cũng đã gửi lời chúc mừng đến Quốc hội mới của Liên bang Miến Điện3 vừa được bầu ra trong cuộc tổng tuyển cử vừa rồi.

*

*           *

Trên đây tôi đã báo cáo với Quốc hội về tình hình công tác của Quốc hội từ kỳ họp trước tới nay.

Kỳ họp thứ 12 này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua kế hoạch Nhà nước năm 1960, tổng dự toán ngân sách năm 1960, Luật nghĩa vụ quân sự.

Đầu năm ngoái, Quốc hội đã nhận định năm 1959 là năm bản lề của kế hoạch 3 năm, có một tầm quan trọng đặc biệt, có tính chất quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi kế hoạch 3 năm.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, với tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta đã vượt nhiều khó khăn, hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng và thu được nhiều thành tích to lớn. Đến nay kế hoạch Nhà nước năm 1959 đã được thực hiện thắng lợi.

Năm nay, 1960 là năm kết thúc việc thực hiện kế hoạch 3 năm, tức là phải hoàn thành những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 3 năm đã đề ra, và cũng là năm chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965. Công việc phải làm sẽ rất nhiều và đòi hỏi những cố gắng rất to lớn.

Để làm những việc ấy, chúng ta có những thuận lợi rất căn bản về các mặt chính trị, tư tưởng và kinh tế. Tuy nhiên trước mắt chúng ta còn gặp nhiều khó khăn và mâu thuẫn, đó là những khó khăn và mâu thuẫn trên đà phát triển và trưởng thành của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhưng với những thuận lợi căn bản, chúng ta có khả năng để khắc phục dần những khó khăn, giải quyết những mâu thuẫn, đẩy mạnh công tác sản xuất và xây dựng để tiến lên. Kinh nghiệm những năm qua đã giúp chúng ta trong công việc này. Ngân sách của chúng ta, là ngân sách kiến thiết hòa bình, là ngân sách xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng sẽ phải phù hợp với các nhiệm vụ và phương châm của kế hoạch. Các vị đại biểu Quốc hội với những kinh nghiệm và hiểu biết của mình trong các ngành hoạt động của nhân dân và Nhà nước chắc chắn sẽ có những cơ sở chính xác để xét và quyết nghị về các dự án báo cáo của Chính phủ.

Thưa các vị đại biểu,

Năm 1960 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta; kỳ họp này sẽ thảo luận và thông qua nhiều việc có quan hệ đến quốc kế dân sinh, có ảnh hưởng không những đến công tác năm nay mà còn có ảnh hưởng đến một phần công việc những năm về sau. Những nghị quyết của Quốc hội lần này sẽ có ảnh hưởng lớn đến công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nâng cao thêm một mức đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta ở miền Bắc, đồng thời sẽ có tác dụng cổ võ cuộc đấu tranh đương diễn ra vô cùng gay go gian khổ của đồng bào ta ở miền Nam.

Kính chúc các vị làm việc tốt đưa kỳ họp của chúng ta đến thành công.

                                                                                                                                                TÔN ĐỨC THẮNG

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bn gốc không ghi ngày cụ thể (BT).

2. Tên tỉnh cũ, đã được sáp nhập với Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh (BT).

3. Nay là Mianma (BT).