VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

CHÚ THÍCH *

 

ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ III CỦA ĐẢNG

Tiến hành từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960, tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và dự khuyết, thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong toàn Đảng. Có 20 đoàn đại biểu các Đảng anh em theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta đã tới dự Đại hội.

Đại hội đã kiểm điểm việc thực hiện đường lối cách mạng Việt Nam được đề ra từ Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), kiểm điểm công tác Đảng và công tác lãnh đạo quân và dân ta thực hiện kế hoạch ba năm (1958-1960) cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đại hội đã vạch ra đường lối cách mạng trong giai đoạn mới - giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Đại hội cũng đề ra các nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), những vấn đề tổ chức xây dựng Đảng và thông qua Điều lệ sửa đổi của Đảng.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương, gồm 47 Uỷ viên chính thức, 31 Uỷ viên dự khuyết; bầu Bộ Chính trị, gồm 11 Uỷ viên chính thức, 2 Uỷ viên dự khuyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và ông Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

MẶT TRẬN DÂN TỘC GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

Đây là tổ chức Mặt trận thống nhất của nhân dân miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20-12-1960 theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1959) và do Đảng ta - trực tiếp là Đảng bộ miền Nam lãnh đạo.

Tham gia Mặt trận bao gồm đông đảo các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị và thống nhất ở mục tiêu đấu tranh đánh đổ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ và tay sai; xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, trung lập, tiến tới hoà bình, thống nhất Tổ quốc. Đó cũng là nội dung cơ bản của Tuyên ngôn và Chương trình 10 điểm được công bố ngay trong những ngày Mặt trận mới ra đời. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Mặt trận là một tổ chức đoàn kết thống nhất các lực lượng yêu nước miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước trong thời kỳ 1960-1975.

Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, đất nước thống nhất về mặt Nhà nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở miền Bắc đã hợp nhất với tên gọi chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977).

ĐẠI HỘI ANH HÙNG, CHIẾN SĨ THI ĐUA TOÀN QUỐC LẦN THỨ III

Được tiến hành từ ngày 4 đến ngày 6-5-1962 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.060 anh hùng và chiến sĩ thi đua, thuộc các ngành, các giới, các địa phương và đại diện của nhiều đơn vị tiên tiến.

Đại hội đã biểu dương thành tích thi đua của lao động cả nước, từ Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ II (1958) đến năm 1962.

Đại hội đã nghe báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua và tuyên dương các đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thi đua, cụ thể là: Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), Hợp tác xã thủ công nghiệp Thành Công (Thanh Hoá), Trường phổ thông cấp 2 Bắc Lý (Hà Nam) và phong trào thi đua “Ba nhất” trong quân đội. Tại Đại hội này, 45 đại biểu xuất sắc được Nhà nước tuyên dương là Anh hùng lao động.

CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT"
CỦA ĐẾ QUỐC MỸ

Chiến lược “chiến tranh đặc biệt” do đế quốc Mỹ tiến hành ở miền Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1964. Đây cũng là một bộ phận quan trọng trong chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ.

Đặc điểm chủ yếu của “chiến tranh đặc biệt” là nó được tiến hành theo công thức cố vấn Mỹ cùng với các phương tiện chiến tranh khác do Mỹ cung cấp, quân đội Sài Gòn tay sai trực tiếp thực hiện, nhằm chống lại các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam.

Kế hoạch Stalây - Taylo (tên 2 viên tướng Mỹ) là xương sống của “chiến tranh đặc biệt”. Theo kế hoạch này, kẻ địch thực hiện 3 biện pháp chủ yếu để nhằm thực hiện ý đồ chiến lược nham hiểm của chúng:

1. Tăng cường và sử dụng quân đội của chính quyền Sài Gòn do cố vấn Mỹ chỉ huy. Sử dụng nhiều phương tiện như máy bay trực thăng, xe thiết giáp … của Mỹ, nhằm tiến công, tiêu diệt các lực lượng cách mạng miền Nam.

2. Xây dựng bộ máy chính quyền Sài Gòn mạnh và ngăn chặn phong trào đấu tranh của nhân dân ở các thành thị, giữ vững thành thị, đồng thời tiêu diệt phong trào cách mạng ở nông thôn bằng việc “bình định” và lập “ấp chiến lược”.

3. Ngăn chặn biên giới, kiểm soát vùng ven biển, cô lập miền Nam bằng việc cắt đứt nguồn chi viện từ miền Bắc.

Thực hiện kế hoạch Stalây - Taylo, kẻ địch hy vọng chuyển sang tấn công, nhằm giành lại thế chủ động. Chúng quyết tâm “bình định” xong miền Nam trong 18 tháng, bắt đầu từ cuối năm 1961. Nhưng kết quả là, đến năm 1964, kế hoạch Stalây - Taylo bị phá sản hoàn toàn. Sau khi chiến lược “chiến tranh đặc biệt” bị thất bại, đế quốc Mỹ liều lĩnh chuyển sang thực hiện “chiến tranh cục bộ”.

HỘI NGHỊ CHÍNH TRỊ ĐẶC BIỆT

Trước yêu cầu phải tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết, nhất trí trong toàn dân, nhằm chống lại âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ đang đẩy mạnh và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta, căn cứ Điều 67 Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định triệu tập và chủ trì Hội nghị Chính trị đặc biệt - “Hội nghị Diên Hồng” của đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng.

Hội nghị họp từ ngày 27 đến ngày 28-3-1964 tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội). Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 327 đại biểu ưu tú, thay mặt cho các cán bộ cách mạng lão thành, những nhà hoạt động chính trị, xã hội, những người tiêu biểu cho các chính đảng, các giới, các ngành, những anh hùng và chiến sĩ thi đua, những nhân sĩ yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội…

Hội nghị đã nghe và thảo luận bản Báo cáo quan trọng do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày về thành tích to lớn của nhân dân ta trong 10 năm qua, về tình hình hiện tại và nhiệm vụ trước mắt, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí, tán thành bản Báo cáo này, với lời hịch của Hồ Chủ tịch vang dội núi sông kêu gọi đồng bào miền Bắc ra sức thi đua “Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 77- CT/TW ngày 18-4-1964 phát động và hướng dẫn tổ chức cao trào thi đua làm việc theo Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam”.

 

* Ở bản chú thích này, chúng tôi có tham khảo, sử dụng tư liệu trong bộ Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia (BT).