TRƯỜNG CHINH (1907- 1988)
Tên thật là Đặng Xuân Khu, (còn có bút danh Sóng Hồng), sinh ngày 9-2-1907 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Năm 1925, ông tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và năm 1926 là một trong những người lãnh đạo cuộc bãi khoá để truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh ở Nam Định. Sau đó, bị thực dân Pháp đuổi học, ông lên Hà Nội tiếp tục học Trường Cao đẳng Thương mại đến cuối năm 1929.
Năm 1927, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1930, ông được chỉ định vào Ban tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, ông bị đế quốc Pháp bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La.
Cuối năm 1936 ông được ra tù do thắng lợi của Mặt trận Nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trở về Hà Nội, ông hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp (1936-1939), là xứ uỷ viên Xứ uỷ Bắc kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận Dân chủ Bắc kỳ.
Năm 1940, ông là chủ bút Báo Giải phóng, cơ quan của Xứ uỷ Bắc kỳ. Tại Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng, ông được cử vào Ban Chấp hành Trung ương, rồi được cử làm Bí thư lâm thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1941).
Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, ông được cử làm Tổng Bí thư, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương kiêm chủ bút các Báo Giải phóng, Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản, cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng Ban Công vận Trung ương. Năm 1943, bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.
Tháng 8-1945, ông được Hội nghị toàn quốc ở Tân Trào (Tuyên Quang) của Đảng cử phụ trách Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc và tham gia Uỷ viên Uỷ ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam.
Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, ông được bầu lại làm Tổng Bí thư. Năm 1958, ông được bầu làm Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách công tác Quốc hội, công tác tư tưởng của Đảng.
Năm 1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Trưởng Ban Lý luận Trung ương.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục các khoá II, III, IV, V, VI, VII. Từ khoá II đến khoá VI, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 1981, ông được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 1982, tại Đại hội lần thứ V của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ông được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Từ tháng 12 năm 1987, ông được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều Huân chương cao quý của nhiều nước.
NGUYỄN VĂN HƯỞNG (1906-1998)
Quê quán: xã Mỹ Chánh (nay là xã Mỹ Hiệp), huyện Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang).
Năm 1927, ông học Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Những năm 1931-1933 sang Pháp học tiếp và tốt nghiệp bác sĩ y khoa. Từ năm 1934 đến năm 1945, ông mở phòng mạch tư ở thành phố Sài Gòn, tham gia phong trào yêu nước của trí thức.
Trong cuộc Tổng tuyển cử 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I của tỉnh Long Xuyên. Năm 1947, là uỷ viên Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Y tế quân dân y Nam bộ.
Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết (7-1954), ông ra tập kết ở miền Bắc, làm Giám đốc Bệnh viện 303. Năm 1955, là Viện trưởng Viện vi trùng học.
Tại phiên họp ngày 25-1-1957 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá I, ông được bầu làm Uỷ viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tiếp đó, ông là đại biểu Quốc hội và là Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II (1960-1964), khoá III (1964-1971). Từ năm 1956 đến năm 1968 ông lần lượt giữ các chức vụ: Vụ trưởng Vụ Đông y, Bộ Y tế kiêm Viện trưởng Viện Đông y, Chủ nhiệm Bộ môn Y học dân tộc, Đại học Y khoa Hà Nội.
Từ năm 1969 đến năm 1974, ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế. Năm 1975 là Viện trưởng Viện Y học cổ truyền dân tộc thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1983 là Cố vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về Y học cổ truyền dân tộc. Ông còn đảm nhận các chức vụ như: Phó Chủ tịch Uỷ ban đoàn kết Á - Phi của Việt Nam; Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội. Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân; được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
TRẦN ĐĂNG KHOA (1907-1989)
Là một nhà trí thức yêu nước, quê ở ngoại ô thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trước năm 1945, ông đã tốt nghiệp ngành công chính và từng phụ trách ngành này ở nhiều tỉnh miền Trung.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông được giao nhiều chức vụ quan trọng: Giám đốc Công chính Trung bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Công chính, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi và Kiến trúc, Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khóa VII, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV, V, VI, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô trong nhiều năm.
Năm 1945, ông gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam, từng giữ chức Phó Tổng thư ký của Đảng.
Ông đã được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương cao quý của Nhà nước ta.
TÔN ĐỨC THẮNG (1888 -1980)
Ông quê ở làng An Hoà, tổng Đại Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Năm 1906 ông lên học nghề ở Trường Bách nghệ, sau làm công nhân Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn. Năm 1912, do ông tham gia tổ chức cuộc bãi công của công nhân nhà máy, bị thực dân Pháp lùng bắt, ông trốn sang Pháp làm thợ máy trong một công ty hàng hải của Hải quân Pháp. Năm 1919, ông tham gia cùng với các thuỷ thủ chống âm mưu của đế quốc Pháp tiến công chính quyền Xô Viết còn non trẻ. Chính ông đã kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm Pari đậu ở biển Đen để ủng hộ Cách mạng tháng Mười Nga. Sau đó, ông ra khỏi Hải quân Pháp. Năm 1920, ông về nước xây dựng Công hội bí mật ở nhà máy Ba Son (Sài Gòn). Năm 1926, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và được cử vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam kỳ (1927). Cuối năm 1929, bị Pháp bắt, kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông được cách mạng đón về tham gia cuộc chiến đấu của nhân dân Nam bộ chống thực dân Pháp. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá II (11-1946), ông được bầu làm Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tháng 8-1948, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn ốm, phải đi chữa bệnh ở xa, ông được cử giữ chức Quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (9-1955) ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội cho đến tháng 6-1960. Từ ngày 7-3-1951 đến ngày 10-9-1955, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Liên Việt toàn quốc. Từ ngày 10-9-1955 đến tháng 4-1977, ông là Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; từ năm 1960 là Phó Chủ tịch nước, từ năm 1969 đến năm 1980 là Chủ tịch nước.
Ông được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục từ khoá II đến khoá IV, là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VI. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước và nhiều Huân chương cao quý khác.
XUÂN THUỶ (1912-1985)
Tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm. Quê xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Ông Xuân Thuỷ được giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều nhà tù rất hà khắc của thực dân Pháp. Năm 1941 được kết nạp Đảng tại chi bộ bí mật của Đảng Cộng sản Đông Dương trong nhà tù Sơn La. Năm 1944, vừa ra khỏi nhà tù thực dân, bị chúng quản thúc tại quê, ông đã được tổ chức Đảng đón đi công tác bí mật và phân công phụ trách Báo Cứu quốc - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.
Tháng 8-1945, cách mạng thành công, ông được cử vào Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc bộ và Xứ uỷ Bắc kỳ, Trưởng Ban tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Cứu quốc.
Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, 6-1-1946, ông trúng cử đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây) rồi được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Việt Minh trong Quốc hội khoá I. Tiếp đó, ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá II đến khoá VII. Từ năm 1955 đến năm 1982 ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông đã tham gia xây dựng các bản dự thảo Hiến pháp 1946, 1959, 1980, Luật về chế độ báo chí (1957), được Quốc hội giao nhiệm vụ Trưởng Ban soạn thảo Luật hôn nhân và gia đình (1959). Ông đã đảm đương các trọng trách như: Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá II; Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá VI; Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá V; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá VI; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII.
Ông còn đảm đương nhiều trọng trách khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận… như: Bí thư Trung ương Đảng; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; Trưởng Ban công tác miền Tây; Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Tổng thư ký kiêm Bí thư Đảng đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trưởng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại Hội nghị Pari về Việt Nam (1968-1973); Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Xô, Uỷ viên Hội đồng hoà bình thế giới…
Ông đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Ông còn là một nhà ngoại giao nổi tiếng, một nhà báo lớn, một nhà thơ trữ tình cách mạng xuất sắc.
Để ghi nhận những công lao to lớn của ông Xuân Thuỷ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và của Đảng, ngày 16-9-2005, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng ông Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.
NGUYỄN XIỂN (1907-1997)
Ông sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Xuất thân trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước.
Sau khi tốt nghiệp trung học, ông ra Hà Nội học Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An). Vì tham gia phong trào bãi khoá để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh (1926), nên ông bị đuổi học. Năm 1928, ông đỗ đầu tú tài toán ở Hà Nội rồi được học bổng sang Pháp học và đã đỗ cử nhân. Do hoàn cảnh gia đình, năm 1932 ông phải về nước, dạy học ở Hà Nội. Năm 1937, ông được chọn vào ngạch kỹ sư khí tượng Đông Dương.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban Hành chính Bắc bộ kiêm Giám đốc Nha khí tượng.
Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông làm công tác giáo dục và trở thành một trong những người đầu tiên xây dựng ngành đại học Việt Nam.
Ông là đại biểu Quốc hội liên tục từ khoá I đến khoá VIII; Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội các khoá II, III, IV,V,VI; Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII.
Trong quá trình tham gia cách mạng và kháng chiến, ông còn đảm nhiệm các trọng trách như: Tổng thư ký Đảng Xã hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô, Chủ tịch Uỷ ban Vật lý địa cầu Việt Nam. Tháng 10-1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học.
* Bản chỉ dẫn này xếp thứ tự theo vần A, B, C. Chúng tôi có tham khảo, sử dụng một số tư liệu trong bộ "Hồ Chí Minh Toàn tập", Nxb. Chính trị quốc gia xuất bản lần thứ hai, Hà Nội, 2002, và cuốn "Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam", do các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000 (BT).