BÁO CÁO CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI KHOÁ I
VỀ TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CỦA CUỘC BẦU CỬ
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA II TẠI KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ II,
NGÀY 07-7-1960
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Trong kỳ họp trước, Ban Thường trực Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội về việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II. Kỳ họp này, tôi xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, báo cáo về tình hình và kết quả của cuộc bầu cử.
Cuộc bầu cử đã được tiến hành trên toàn cõi miền Bắc với điều kiện thuận lợi căn bản là một xã hội có chế độ mà chủ quyền Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, một xã hội có chế độ mà Nhà nước hết lòng hết sức phục vụ lợi ích của nhân dân, một xã hội có chế độ được toàn thể nhân dân, không phân trai gái, già trẻ đều ủng hộ.
Luật bầu cử và những biện pháp thi hành cụ thể bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp, và bỏ phiếu kín, đã làm nổi bật tính chất ưu việt của chế độ bầu cử của chúng ta.
Tất cả các cơ quan nhà nước có trách nhiệm đều đã cố gắng tạo những điều kiện thuận tiện để mọi người công dân sử dụng quyền bầu cử và ứng cử của mình một cách dễ dàng nhất. Tất cả cán bộ phục vụ công tác bầu cử cũng đã nêu cao ý thức trách nhiệm và tinh thần tôn trọng pháp luật, để thực sự bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của người công dân.
Mặt khác, nhân dân ta đã được giác ngộ về quyền lợi, nghĩa vụ, đã nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của cuộc bầu cử, nên đã nhiệt liệt tham gia, làm cho cuộc bầu cử thành một cuộc vận động chính trị sâu rộng, chẳng những để bầu nên một Quốc hội phản ánh đầy đủ ý chí và nguyện vọng của toàn dân, mà còn có tác dụng giáo dục động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất.
Tính chất dân chủ rộng rãi của cuộc bầu cử vừa qua đã được thể hiện rõ rệt trong việc lập danh sách cử tri, trong việc giới thiệu người ra ứng cử và trong việc nhân dân tham gia bầu cử.
Khi lập danh sách cử tri, tất cả các địa phương đều đã nêu quyết tâm “không bỏ sót một người nào có tư cách bầu cử” và cuộc tổng kết bầu cử đã xác minh là điều quyết tâm đó được thực hiện. Hãy kể một thí dụ là: Theo cuộc điều tra dân số ngày 01-3-1960 thì số người từ 18 tuổi trở lên ở toàn miền Bắc là 8.349.281 người, mà số cử tri ghi trong danh sách ngày 08-5-1960 là 8.394.987 người, tức là số người đến tuổi cử tri đã nhiều hơn lên 45.706 người so với lúc điều tra dân số. Sở dĩ nhiều hơn như vậy, là do trong thời gian từ ngày điều tra dân số đến ngày bầu cử, số người đủ 18 tuổi được tăng lên. Thực đúng là chúng ta đã không bỏ sót một người cử tri nào!
Việc các chính đảng và các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc giới thiệu danh sách những người ứng cử của mình qua sự hiệp thương rộng rãi và sự trao đổi ý kiến, bàn bạc kỹ càng trong nhân dân, đã làm cho nhân dân khi bầu cử có thể lựa chọn được những người chính mình đã hiểu biết và tin cậy.
Do việc Nhà nước đài thọ tất cả mọi chi phí về cuộc bầu cử, nên những người ứng cử dù là cá nhân tự ứng cử hay là do Mặt trận giới thiệu, đều có những điều kiện tuyên truyền cổ động ngang nhau. Danh sách, tiểu sử của tất cả những người ứng cử đều được niêm yết, phân phối hết sức rộng rãi; có nơi đã phân phối đến tận nhà của nhân dân.
Việc tuyên truyền vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do, dân chủ, và đúng pháp luật. Một đặc điểm đáng nêu lên của cuộc tuyên truyền vận động bầu cử, là sự đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữa các chính đảng, các đoàn thể nhân dân và tất cả những người ứng cử.
Cuộc bầu cử Quốc hội của chúng ta đã được toàn thể nhân dân nhiệt liệt tham gia như một ngày hội lớn: các đường phố, các nơi bỏ phiếu đều được trang hoàng rực rỡ. Mọi người công dân đều hăm hở đi bỏ phiếu. Có người đã già yếu cũng bắt con cái đưa đến tận hòm phiếu để tự tay mình bỏ lấy lá phiếu của mình. Luật bầu cử quy định cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng, và kết thúc 7 giờ tối, chậm nhất cũng không được quá 10 giờ đêm. Nhưng ở hầu khắp địa phương ngay trong buổi sáng, có nơi mới đến 9, 10 giờ sáng đã có tới 70, 80% hoặc gần 100% cử tri bỏ phiếu, còn lại là những người làm ăn xa, đi vắng chưa về. Người phục vụ công tác bầu cử cũng rất tận tụy. Có một số nơi đến 7 giờ tối, chỉ còn một vài người chưa đến bỏ phiếu, tổ bầu cử cũng vui vẻ ngồi chờ cho đến 9, 10 giờ đêm mới kết thúc cuộc bỏ phiếu.
Trong tổng số 8.394.987 cử tri ghi trong danh sách, có 8.192.795 cử tri đã đi bỏ phiếu, tỷ lệ là 97,59%. Trong 22.530 khu vực bỏ phiếu, có 6.616 khu vực đạt 100% cử tri đi bỏ phiếu.
Trong 32 tỉnh, khu, thành phố ở miền Bắc thì có:
5 địa phương trên 99% cử tri đi bầu (Hà Nội 99,83%, Vĩnh Linh 99,51%),
4 địa phương trên 98% cử tri đi bầu,
9 địa phương trên 97% cử tri đi bầu,
11 địa phương trên 96% cử tri đi bầu.
Còn ba địa phương thuộc miền núi là Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, điều kiện đi lại rất khó khăn, và ngày bầu cử lại gặp mưa gió, thế mà tỷ lệ cử tri đi bầu cũng đạt được 95,25% ở Lào Cai, 94,73% ở Cao Bằng, 92,68% ở Hà Giang.
Đồng bào dân tộc đa số cũng như dân tộc thiểu số, đồng bào lương cũng như giáo, đều cùng một niềm phấn khởi nhiệt liệt tham gia bầu cử. Gần 100% cử tri công giáo đã đi bỏ phiếu. Ở các vùng miền núi rất nhiều nơi 100% cử tri dân tộc thiểu số đã đi bỏ phiếu.
Nhân đây, chúng tôi xin báo cáo một việc có ý nghĩa: tại Vĩnh Linh, trong cả thời gian chúng ta tiến hành bầu cử, cơ quan tuyên truyền của Mỹ - Diệm đã ráo riết hoạt động ở bờ Nam sông Bến Hải. Chúng dùng nhiều loa phóng thanh cực mạnh, chĩa sang bờ Bắc thường xuyên nói xấu và hô hào đồng bào ta tẩy chay cuộc bầu cử. Nhưng đồng bào Vĩnh Linh đã trả lời lại chúng bằng cách 99,51% cử tri đi bỏ phiếu!
Việc tổng kết bầu cử cũng đã được hoàn thành trong một thời gian ngắn sau cuộc bầu cử. Chỉ một ngày sau ngày bầu cử, Hà Nội, Vĩnh Linh đã công bố kết quả. Chỉ hai ngày sau, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, đã công bố kết quả. Chỉ trong vòng một tuần sau ngày bầu cử, đa số các tỉnh đều đã báo cáo kết quả bầu cử về Hội đồng bầu cử. Riêng một số địa phương miền núi, như Khu tự trị Thái - Mèo, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Yên Bái, điều kiện giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn, nên việc tập hợp tình hình và lập biên bản bầu cử có phần hơi chậm. Các biên bản bầu cử từ các địa phương gửi về đều được Hội đồng bầu cử kiểm tra chặt chẽ để xác minh và bảo đảm tính chất chính xác của tài liệu, trước khi làm biên bản tổng kết toàn bộ cuộc bầu cử.
Ngày 27 tháng 5, Hội đồng bầu cử đã tổng kết cuộc bầu cử và đã công bố kết quả toàn bộ cuộc bầu cử, đã báo cáo với Ban Thường trực Quốc hội, và thông qua Ban Thường trực Quốc hội, trình lên Quốc hội biên bản tổng kết và toàn bộ hồ sơ tài liệu về cuộc bầu cử Quốc hội khóa II.
Qua báo cáo của Hội đồng bầu cử, chúng ta thấy trong số các vị đại biểu trúng cử có :
56 đại biểu các dân tộc thiểu số,
49 đại biểu là phụ nữ,
40 đại biểu là thanh niên từ 21 đến 30 tuổi,
50 đại biểu là công nhân,
46 đại biểu là nông dân,
20 đại biểu là quân nhân,
65 đại biểu là những nhà khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, giáo dục,
78 đại biểu là anh hùng, chiến sĩ quân đội và lao động,
2 đại biểu là tư sản dân tộc,
3 vị linh mục,
2 vị hòa thượng,
và 34 đại biểu là cán bộ miền Nam tập kết.
Tất cả 362 đại biểu trúng cử đều là những người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu, và đều đã được trúng cử với tỷ lệ số phiếu rất cao. Có 91 vị trúng cử với trên 99% số phiếu bầu. Hồ Chủ tịch là người trúng cử với số phiếu cao nhất là 99,91%.
Điều đó chứng tỏ sự tín nhiệm hoàn toàn và đầy đủ của nhân dân đối với Đảng, đối với Mặt trận, đồng thời chứng tỏ việc giới thiệu của Mặt trận đã được trải qua sự chọn lọc rất dân chủ và rất kỹ càng từ dưới lên.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II của chúng ta đã kết thúc thắng lợi về mọi mặt. Trong bản thông cáo về kết quả cuộc bầu cử, Hội đồng bầu cử đã kết luận :
"1- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội ở tất cả các địa phương đã được tiến hành hoàn toàn đúng theo những quy định của luật lệ bầu cử. Các cơ quan nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận tiện để tất cả mọi người công dân đều có thể sử dụng đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử. Tuyệt đại đa số những người từ 18 tuổi trở lên đã được ghi vào danh sách cử tri. Những người làm công tác bầu cử đều có ý thức dân chủ, có tinh thần trách nhiệm và nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ bầu cử.
Việc tuyên truyền vận động bầu cử được tiến hành hoàn toàn tự do, dân chủ, đúng pháp luật.
2- Cuộc bầu cử đã được toàn thể nhân dân nhiệt liệt tham gia. Tuyệt đại đa số cử tri đã đi bỏ phiếu. Cuộc bầu cử đã diễn ra trong trật tự hoàn toàn do nhân dân tự giác, tự tổ chức lấy.
3- Ở tất cả các đơn vị bầu cử, số phiếu bầu đã quá nửa số cử tri ghi trong danh sách, số đại biểu trúng cử đã đủ số quy định cho đơn vị, không có đơn vị nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa II đã hoàn thành với kết quả tốt đẹp. Được như thế là nhờ sự tham gia nhiệt liệt của toàn dân đã giác ngộ quyền lợi và nghĩa vụ của mình, nhờ các cơ quan nhà nước ở các cấp đã hết sức quan tâm đến việc bầu cử, nhờ sự tích cực tận tụy và tinh thần chấp hành luật lệ bầu cử của toàn thể những người làm công tác bầu cử.
Hội đồng bầu cử nhiệt liệt hoan nghênh nhiệt tình yêu nước, ý thức trách nhiệm của nhân dân, cảm ơn sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, biểu dương tinh thần phục vụ và tôn trọng luật lệ bầu cử của tất cả những người làm công tác bầu cử”.
Ban Thường trực Quốc hội hoàn toàn tán thành những kết luận trên của Hội đồng bầu cử, và đề nghị Quốc hội một lần nữa nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của đồng bào ta; nhiệt liệt hoan nghênh sự cố gắng của các cơ quan nhà nước đã tạo mọi điều kiện thuận tiện cho cuộc bầu cử tiến hành tốt; nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần phục vụ và tôn trọng luật lệ bầu cử của tất cả những người làm công tác bầu cử.
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Cuộc bầu cử lần này đã bầu ra 362 đại biểu. Cộng với 91 đại biểu miền Nam được Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ, Quốc hội ta hiện nay có 453 đại biểu, đại biểu cho nhân dân cả toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam dẫn đầu là Hồ Chủ tịch, với sự ủng hộ của toàn dân, Quốc hội khóa II chúng ta nhất định sẽ làm tròn trách nhiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.