VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ
SÁU THÁNG ĐẦU NĂM 1960
1

(Do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày tại
kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II, ngày 07-7-1960)

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Chính phủ kính gửi đến các đồng chí đại biểu Quốc hội khóa II của nước ta lời chào thân ái và nồng nhiệt.

Quốc hội khóa I của nước ta đã có công lớn với Tổ quốc và nhân dân. Đó là Quốc hội xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta, Quốc hội kháng chiến bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc, Quốc hội cải cách ruộng đất xóa bỏ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện người cày có ruộng, Quốc hội củng cố miền Bắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Quốc hội khóa II bầu cử theo Hiến pháp ban hành ngày 01-01-1960 đánh dấu một bước tiến mới của nước ta, của chế độ ta, của sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Cuộc tổng tuyển cử vừa qua là biểu hiện rực rỡ của đời sống chính trị ở miền Bắc, thực sự dân chủ, dân chủ của nhân dân, “một triệu lần dân chủ” so với dân chủ tư sản, theo lời nói đanh thép của Lênin. Hầu hết cử tri đã đi bỏ phiếu, phần rất lớn dồn phiếu cho những người ứng cử do Mặt trận Tổ quốc giới thiệu: đó là những người con ưu tú của nhân dân lao động: người công nhân, người nông dân, người chiến sĩ của quân đội nhân dân, người lao động trí óc, người chiến sĩ cách mạng…

Như vậy, Quốc hội khóa II của chúng ta là hình ảnh trung thành của xã hội miền Bắc, của nhân dân lao động, đồng thời đó là sự tượng trưng khối đoàn kết nhất trí của cả dân tộc ta từ Bắc đến Nam quyết tâm phấn đấu để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Các đồng chí đại biểu Quốc hội vừa nghe trình bày đầy đủ về cuộc tổng tuyển cử vừa qua, về ý nghĩa và kết quả tốt đẹp của nó, về thành phần xã hội của đại biểu Quốc hội khóa này. Chúng ta nhận định đó là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta và chế độ ta, biểu hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chính phủ đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến.

Chính phủ nhiệt liệt hoan nghênh các vị đại biểu Quốc hội và kính chúc Quốc hội khóa II thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi xin trình trước Quốc hội Báo cáo của Chính phủ về tình hình và hoạt động của Chính phủ sáu tháng đầu năm 1960.

Năm 1960 là một năm có vị trí quan trọng trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời là một năm trùng với những ngày kỷ niệm lớn; năm 1960 phải đánh dấu những cố gắng mới và tiến bộ mới của nhân dân ta và toàn bộ hoạt động của chúng ta.

Từ cuối năm 1959, suốt 6 tháng đầu năm 1960, đời sống chính trị ở miền Bắc nước ta vô cùng sôi nổi và phong phú: tiếp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng là kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, và bây giờ là chuẩn bị kỷ niệm 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chuẩn bị mừng Đại hội của Đảng. Đó là những cơ hội rất tốt để giáo dục nhân dân ta về Đảng ta, về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, về sự nghiệp và quá trình đấu tranh của Đảng và Hồ Chủ tịch đính liền với sự nghiệp cách mạng và thắng lợi của dân ta. Đi đôi với giáo dục tư tưởng, giáo dục chính trị rộng rãi trong quần chúng nhân dân, chúng ta đã đẩy phong trào thi đua yêu nước liên tục sôi nổi làm nảy nở nhiều sáng kiến và đạt được nhiều thành tích tốt đẹp.

Trong đời sống chính trị ở miền Bắc 6 tháng đầu năm nay, một điều đáng ghi nhớ là việc gần 8.000 Việt kiều ở Thái Lan đã về nước, theo Hiệp nghị ký ở Rănggun giữa hai Hội Hồng thập tự Việt Nam và Hội Hồng thập tự Thái Lan. Việt kiều phần lớn là nhân dân lao động, vì sống xa Tổ quốc, nên càng thương nhớ Tổ quốc. Hầu hết kiều bào, từ trẻ em đến ông già, người lao động cũng như nhà tư sản đều chung một ý nghĩ, một nguyện vọng trở về với Tổ quốc để tham gia xây dựng Tổ quốc, về miền Bắc về với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc hồi hương của kiều bào là một thắng lợi chính trị lớn của nhân dân ta. Tổ quốc đã đón tiếp thân ái và nồng nhiệt những người con từ phương xa trở về, và sẽ tiếp đón như vậy kiều bào ở Thái Lan hoặc ở Tân Đảo2 sắp về. Đối với kiều bào đã về, những cơ quan có trách nhiệm đã chăm lo giúp đỡ kiều bào về mọi mặt, thu xếp nơi ăn, chỗ ở, thu xếp công việc cho kiều bào. Nói chung kiều bào đã mau chóng làm quen với cuộc sống mới ở miền Bắc, cố gắng lao động và công tác, một số người đã trở thành cá nhân xuất sắc, lao động tiên tiến trong các ngành sản xuất.

Nhân dịp này, nhân dân ta tỏ lòng cảm ơn nhân dân Thái Lan, đã luôn luôn đối xử tốt với kiều bào, ủng hộ những nguyện vọng chính đáng của kiều bào, giúp đỡ kiều bào chuẩn bị về nước. Chúng ta hoan nghênh thái độ đúng đắn của Chính phủ Thái Lan đã làm theo những điều ký kết tại Rănggun.

Đầu tháng 3 vừa qua, cuộc điều tra dân số đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tiến hành theo phương pháp thống kê khoa học, đã đạt được yêu cầu: “tốt, đúng, nhanh, gọn”, đăng ký nhân khẩu xong trong vòng 05 đến 07 ngày. Kết quả tốt đẹp đó phản ánh tính ưu việt của chế độ miền Bắc, trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân, trình độ tổ chức và công tác của bộ máy Nhà nước. Cuộc điều tra dân số đã giúp cho Đảng và Nhà nước nắm vững tình hình về số lượng và cấu thành nhân khẩu toàn miền Bắc, làm cơ sở cho việc đặt kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa. Dân số miền Bắc tính đến ngày 01-3-1960 là 15.916.955 người, trong đó phụ nữ chiếm 51,7%, đồng bào thiểu số chiếm 14,95%, nhân khẩu thành thị chiếm gần 10%. Số trẻ em dưới một tuổi chiếm 4,22% nhân khẩu, con số cao này chỉ rõ tốc độ phát triển nhanh của dân số, phản ánh tình hình đời sống nhân dân được cải thiện, đồng thời cũng đề ra yêu cầu phát triển sản xuất mau chóng và vững chắc để bảo đảm đời sống không ngừng nâng cao hơn nữa. Chúng ta phải chú ý tình hình dân số phân bố không đều giữa các vùng. Trong lúc ở các tỉnh ven biển và đồng bằng mật độ rất cao: một cây số vuông ở Thái Bình có 865 người, ở Nam Định có 809 người, thì trái lại một cây số vuông ở Khu tự trị Thái - Mèo chỉ có 13 người, ở Bắc Cạn chỉ có 17 người. Về lực lượng lao động, số người lao động trong các ngành sản xuất vật chất chiếm 46,3% tổng số nhân khẩu. Một người lao động trong các ngành sản xuất vật chất tính bình quân toàn xã hội phải nuôi 2,15 người, một người lao động công nghiệp phải cung cấp sản phẩm cho 29 người, một người lao động nông nghiệp phải cung cấp lương thực cho 2,5 người. Tình hình nói trên đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và phân phối sức lao động một cách hợp lý hơn đi đôi với sự phát triển sức sản xuất, khai thác tài nguyên thiên nhiên khắp mọi nơi, phát triển kinh tế và văn hóa theo những kế hoạch dài hạn. Người là vốn quý báu nhất, dân số chúng ta tăng nhanh, nhân lực của chúng ta dồi dào, đó là những nhân tố tích cực và quan trọng của việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống. Trên đây, mới nói tới một vài chỉ tiêu chủ yếu của cuộc điều tra dân số. Toàn bộ số liệu đã tổng hợp được là cơ sở quý báu và phong phú về nhiều mặt mà Nhà nước sẽ nghiên cứu và sử dụng trong công tác kế hoạch hóa để xây dựng miền Bắc nước ta.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Sáu tháng đầu năm 1960, công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa tiếp tục được đẩy mạnh và thu được thành tích quan trọng.

Ở nông thôn, thời gian xuân hè là thời gian củng cố hợp tác xã sau đợt phát triển mùa thu 1959 và mùa đông 1959 - 1960, đồng thời có phát triển thêm với mức vừa phải. Trong đợt củng cố này, nói chung các nơi đã chú trọng gắn liền ba mặt của cuộc vận động hợp tác hóa: cải tạo quan hệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật, giáo dục tư tưởng. Công tác quản lý hợp tác xã, bao gồm quản lý sản xuất, quản lý lao động, quản lý tài vụ, đã được cải tiến một bước, nhằm khắc phục những khuyết điểm trong bước đầu xây dựng hợp tác xã, và áp dụng những kinh nghiệm tốt đã thu được. Về mặt tổ chức, hợp tác xã đã được củng cố hơn trước, các Ban quản trị được bầu lại hoặc bổ sung thêm, hàng chục vạn cán bộ quản trị và tổ trưởng hợp tác xã đã qua các lớp huấn luyện, hoặc đã dự các cuộc tham quan học tập tại chỗ. Về mặt chính sách, chúng ta đã xem lại chính sách giá trâu bò đưa vào hợp tác xã và có chủ trương điều chỉnh giá trâu bò đúng mức; các cấp đã chú trọng sửa chữa những khuyết điểm về chấp hành chính sách như: định lại cho hợp lý tỷ lệ hoa lợi chia cho ruộng đất, sửa chữa việc đưa ruộng đất công nhập vào hợp tác xã một cách không đúng, chấn chỉnh Ban quản trị và Ban kiểm soát đúng tỷ lệ thành phần như đã quy định, đưa những phú nông, địa chủ kết nạp sai ra khỏi hợp tác xã. Đồng thời, chúng ta có chú ý giáo dục tư tưởng, nâng cao nhiệt tình xã hội chủ nghĩa và ý thức tập thể, coi hợp tác xã là nhà.

Tất cả những công tác kể trên đều nhằm củng cố hợp tác xã, phát huy lực lượng tập thể trong việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến để đẩy mạnh sản xuất. Vụ đông xuân này, thiên tai dồn dập và kéo dài, là một thử thách lớn đối với phong trào hợp tác hóa. Đến nay, chúng ta có thể kết luận rằng hợp tác xã đã qua thử thách đó một cách thắng lợi. Mặc dầu thu hoạch lúa chiêm có kém sút, một số hợp tác xã có gặp khó khăn, nhưng nói chung sản lượng của hợp tác xã cao hơn sản lượng của các thửa ruộng còn ở ngoài hợp tác xã, và việc kinh doanh nhiều nghề đã giúp số đông hợp tác xã có những khoản thu nhập khác để tăng thêm phần chia cho xã viên. Đây là một dịp để người xã viên cũng như mọi người nông dân khác nhận thấy rằng chỉ có lực lượng tập thể mới đủ sức chống lại và chiến thắng thiên tai, giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, ổn định và cải thiện đời sống.

Hiện nay, hợp tác xã đã thu hút hơn 54% hộ nông dân lao động miền Bắc, tình hình phong trào căn bản là tốt. Tuy nhiên trong đợt xuân hè vừa qua, công tác phát triển hợp tác xã chưa được coi trọng đúng mức, do các cấp chưa nhận thức được đầy đủ tính chất quan trọng bậc nhất của nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Về mặt củng cố hợp tác xã, một số khuyết điểm đang còn tồn tại trong công tác quản lý hợp tác xã, đặc biệt là trong việc kết hợp hai mặt cải biến quan hệ sản xuất và đẩy mạnh sản xuất. Hiện nay, nhiệm vụ mấu chốt vẫn là ra sức phát huy tác dụng của hợp tác xã trong việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất phát triển, nhằm cải thiện đời sống xã viên, tăng tích lũy cho hợp tác xã, do đó thúc đẩy phong trào hợp tác hóa tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, căn bản hoàn thành hợp tác hóa bậc thấp trong năm nay.

Cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi đã tiến hành trong 1.185 xã, gồm hơn một nửa số xã miền núi, và đã thu được kết quả tốt. Người nông dân ta ở miền núi giác ngộ thêm về ý thức giai cấp, phân biệt ranh giới giữa địa chủ và nông dân, giữa lao động và bóc lột; khối đoàn kết nông dân lao động, đoàn kết các dân tộc được củng cố thêm; ý thức làm chủ nông thôn được nâng cao hơn trước. Tư tưởng quần chúng được phát động, người nông dân miền núi so sánh hai con đường và thấy con đường tập thể là hơn hẳn, do đó phong trào đổi công hợp tác về căn bản đương phát triển thuận lợi, đến nay có trên 38% nông hộ đã vào hợp tác xã, số còn lại hầu hết đã vào tổ đổi công và ở nhiều nơi 70, 80% tổ đổi công đã thực hiện bình công chấm điểm. Tình hình đó chứng tỏ những chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ trong việc hợp tác hóa nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ ở miền núi là đúng đắn, được nông dân các dân tộc nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực thực hiện.

Công cuộc hòa bình cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã thu được thắng lợi có tính chất quyết định. Tính đến đầu tháng 7-1960, 95% tổng số xí nghiệp công thương nghiệp tư bản tư doanh đã và đương được cải tạo thành xí nghiệp công tư hợp doanh (một số ít thành xí nghiệp hợp tác), bao gồm 97,5% số công nhân và 97% số vốn đăng ký của công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Trong quá trình tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, ở một vài địa phương có lúc đã có hiện tượng gò bó, không hết sức dựa vào lực lượng quần chúng và kiên trì giáo dục để cải tạo người tư sản. Nhưng đó chỉ là những thiếu sót nhỏ, nhất thời, mà chúng ta đã mau chóng khắc phục.

Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục điều chỉnh, bố trí lại các xí nghiệp đã được cải tạo, cải tiến chế độ quản lý, nhằm thanh toán những di sản của chế độ kinh doanh tư bản chủ nghĩa, tiếp tục giúp đỡ nhà tư sản gột rửa tư tưởng và tập quán xấu của giai cấp tư sản, thành tâm đi vào lao động để trở thành con người mới. Chúng ta ra sức giáo dục, nâng cao giác ngộ chính trị cho công nhân và người lao động, củng cố vai trò làm chủ xí nghiệp của công nhân, quan tâm giải quyết đúng mực những nguyện vọng chính đáng của công nhân về đời sống và phúc lợi. Những chế độ trong xí nghiệp không còn thích hợp nữa sẽ được bãi bỏ, thay thế bằng những chế độ mới nhằm giúp xí nghiệp phát triển sản xuất và cải tiến dần theo hướng quốc doanh.

Phong trào hợp tác hóa thủ công nghiệp từ đầu năm đến nay đã có những tiến bộ rõ rệt. Hơn 22 vạn lao động thủ công ở các thành thị và vùng công nghiệp tập trung đã đi vào tổ chức, trong đó gần 13 vạn người đã tham gia hợp tác xã loại vừa và cao, và gần 1 vạn 2 nghìn người đã vào làm trong các công trường thủ công do mậu dịch quốc doanh tổ chức. Như vậy là trên 70% người lao động thủ công trong diện hợp tác hóa đã được tổ chức lại và 47% đã vào các hợp tác xã loại vừa và cao. Toàn miền Bắc đã có 35 thành phố, thị xã, thị trấn căn bản hoàn thành hợp tác hóa thủ công nghiệp, trong đó có những thành phố quan trọng nhất như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Thanh Hóa, Hải Dương… Nhìn chung, phong trào lên khá đều, mạnh và căn bản thực hiện đúng phương châm “tốt, vững, gọn”. Hợp tác hoá đi đôi với cải tiến kỹ thuật đang đổi mới bộ mặt của thủ công nghiệp. Mặc dầu gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu, gần 30 ngành thủ công nghiệp đã hoàn thành vượt mức kế hoạch sáu tháng đầu năm. Trong nhiều nghề, người lao động thủ công đã mạnh dạn cải tiến kỹ thuật chế tạo công cụ sản xuất mới, dùng nguyên liệu địa phương thay nguyên liệu nhập khẩu, tích cực thu nhặt và sử dụng vật liệu vương vãi, chuyển hướng sản xuất để giải quyết khó khăn về nguyên liệu.

Trên cơ sở thuận lợi hiện nay, chúng ta tiếp tục mở rộng diện hợp tác hóa thủ công nghiệp một cách vững chắc, kết hợp chặt chẽ cải biến quan hệ sản xuất và cải tiến kỹ thuật, chăm lo đào tạo thợ lành nghề, giúp các hợp tác xã cải tiến công cụ sản xuất, ra sức tìm tòi nguyên liệu địa phương và nhập khẩu số cần thiết, phân phối hợp lý và triệt để tiết kiệm nguyên liệu, phấn đấu không ngừng nâng cao năng suất, hạ giá thành và cải tiến chất lượng sản phẩm, nhằm góp phần phát triển kinh tế và tăng thu nhập của xã viên.

Sáu tháng vừa qua, phong trào cải tạo người buôn bán nhỏ đã có sự chuyển biến mới. Tính đến đầu tháng 7-1960, 50% tổng số tiểu thương trong diện cải tạo đã tham gia các tổ hợp tác và các hình thức tư bản nhà nước. Tại hầu hết các thị xã và thị trấn toàn miền Bắc, những người buôn bán nhỏ thuộc các ngành, nghề chủ yếu về căn bản đã được tổ chức lại. Trong việc buôn bán, ý thức giữ vững giá cả, chấp hành các chính sách, ý thức phục vụ người tiêu thụ của các tổ hợp tác nói chung là tốt và được quần chúng tín nhiệm. Gần đây, các cơ quan nhà nước đã thi hành nhiều biện pháp nhằm giúp đỡ tiểu thương tổ chức lại, khuyến khích những người có khả năng chuyển sang sản xuất, đồng thời đưa một số tổ hợp tác tiểu thương lên loại cao (mua chung, bán chung và phân phối theo lao động) để gần gũi quốc doanh hơn. Nhờ các biện pháp ấy, nhiều tổ tiểu thương đã sử dụng được sức lao động thừa vào sản xuất và đã tăng thu nhập rõ rệt. Cuộc vận động cải tạo người buôn bán nhỏ là một phong trào mới, đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn nữa của mọi ngành có liên quan, quan tâm giáo dục người buôn bán nhỏ, ra sức giúp đỡ các tổ hợp tác làm thêm sản xuất, tích cực và vững chắc chuyển một số tiểu thương ngày càng lớn sang sản xuất, để dần dần ổn định và cải thiện đời sống của người lao động tiểu thương, làm cho đông đảo người buôn bán nhỏ tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tình hình trên đây chứng tỏ rằng trong sáu tháng đầu năm nay, chúng ta đã có những bước tiến mới và thành tích mới trong sự nghiệp cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Việc thực hiện kế hoạch nhà nước sáu tháng đầu năm nay đã thu được những thành tích và tiến bộ quan trọng.

Trong nông nghiệp, từ cuối năm 1959 đến nay, chúng ta đã đấu tranh không ngừng chống thời tiết rất bất lợi. Từ lâu, rất ít năm thiên nhiên gây nhiều trở ngại như vậy cho sản xuất nông nghiệp. Hạn hán gay gắt kéo dài; nhiều tỉnh suốt 7, 8 tháng liền không mưa; lại thêm gió rét đột ngột đúng lúc lúa trỗ, đã ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa và hoa mầu. Nhiều nơi, người nông dân đã nói những lời nhận xét rất đúng về vụ đông xuân vừa qua, nhiều người nói rằng dưới chế độ cũ thì vụ chiêm này chắc mất to và không tránh khỏi thiếu, đói. Nhưng thời xưa đã qua rồi. Chúng ta đã phấn đấu với thiên nhiên và hạn chế tai hại của thiên nhiên. Khắp nơi, đồng bào nông dân, nhất là xã viên hợp tác xã đã hăng hái tham gia cuộc vận động sản xuất, cải tiến kỹ thuật, liên tiếp mở các chiến dịch thi đua làm thủy lợi, chống hạn, làm phân bón, cải tiến nông cụ… Nhờ tinh thần phấn đấu bền bỉ đó, năm nay diện tích lúa chiêm vượt mức kế hoạch 2%, diện tích các cây lương thực ngang mức năm 1959. Nhưng mặt khác, năng suất lúa không đạt mức của kế hoạch, toàn miền Bắc thu hoạch bình quân khoảng 14 tạ một hecta, nhưng trong lúc ấy cũng có nhiều huyện và xã đã đạt năng suất 21,22 tạ một hecta, vượt mức năm 1959. Tính chung tổng sản lượng lúa chiêm và hoa mầu năm nay xấp xỉ các năm 1957, 1958 và cao hơn hẳn những năm tốt nhất trước chiến tranh. Chúng ta nhận thấy đó là những thành tích đáng hoan nghênh của nông dân ta, của hợp tác xã, của chế độ dân chủ nhân dân. Song, mặt khác chúng ta phải nhìn thấy thu hoạch sút kém của vụ đông xuân, để có những cố gắng rất lớn, ý chí rất cao, quyết tâm rất mạnh, khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh vụ mùa, làm vụ mùa thắng lợi lớn để bù vụ chiêm. Đó là nhận thức, đó là kết luận, đó là tinh thần của tất cả chúng ta trước tình hình mùa màng hiện nay, biểu thị ý chí và quyết tâm vươn lên, phấn đấu vượt mọi khó khăn để giành thắng lợi to lớn và vững chắc của vụ mùa. Hiện nay, nông dân các nơi đang ra sức cấy thêm lúa sớm, trồng thêm hoa mầu và cây công nghiệp mùa thu, trồng hoa màu ngắn ngày đề phòng giáp hạt, trồng thêm rau để cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của các thành phố và khu công nghiệp. Để bảo vệ vụ mùa, chúng ta tích cực đẩy mạnh công tác phòng lụt và chuẩn bị chống lụt, chống bão. Đồng thời, nhìn xa, chúng ta thấy sản xuất nông nghiệp quan trọng bao nhiêu thì chúng ta phải cố gắng bấy nhiêu trong việc giải quyết những vấn đề cơ bản của sản xuất nông nghiệp như vấn đề tăng diện tích trồng trọt, vấn đề thủy lợi, vấn đề sức kéo, vấn đề phân bón, vấn đề cải tiến nông cụ, để đưa nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc.

Bên cạnh ngành trồng trọt, các ngành nông nghiệp khác trong nửa đầu năm 1960 đã có tiến bộ, đánh dấu một bước biến chuyển trong việc thực hiện phương châm phát triển nông nghiệp toàn diện. Những thiếu sót trong ngành chăn nuôi đang được sửa chữa, đàn trâu bò và gia súc có phát triển, nghề nuôi cá tiếp tục được mở rộng, mức khai thác gỗ và một số lâm sản phụ vượt kế hoạch, công tác trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng đã được chú trọng hơn.

Năm 1960, được sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, Trung Quốc, chúng ta mở đầu một kế hoạch phát triển nông trường quốc doanh với quy mô rộng lớn, nhằm chủ yếu trồng những cây công nghiệp quan trọng và chăn nuôi. Đây là một hướng phát triển nông nghiệp ở nước ta có tầm quan trọng lớn về nhiều mặt, mà chúng ra kiên quyết làm dựa vào sự hợp tác và giúp đỡ của các nước anh em.

Về công nghiệp, giá trị sản lượng công nghiệp quốc doanh sáu tháng đầu năm nay ước tính đạt trên 101% kế hoạch sáu tháng và trên 50% kế hoạch cả năm, so với cùng thời gian năm ngoái tăng trên 33%. Trong các xí nghiệp, để mừng các ngày kỷ niệm lớn, một phong trào thi đua sản xuất sôi nổi và liên tục lấy tên là “phong trào tiên tiến” đang được đẩy mạnh, năng suất lao động của nhiều ngành quan trọng như khai thác than, cơ khí, dệt vải… đã được nâng cao. Giá thành nhiều sản phẩm hạ xuống dưới mức kế hoạch năm 1960, hoặc thấp hơn năm ngoái. Hơn 30 xí nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp đã hoàn thành vượt mức và trước thời gian kế hoạch sản lượng nửa đầu năm nay. Công nhân và cán bộ kỹ thuật đã có nhiều sáng kiến cải tiến công cụ sản xuất, hợp lý hóa tổ chức và phương pháp lao động, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Trong phong trào thi đua, tinh thần và tổ chức tập thể được nâng cao, những điển hình tốt được phổ biến tương đối rộng rãi và kịp thời. Nói chung, ngành công nghiệp năm nay đã có nhiều cố gắng nhằm tránh tình trạng: “đầu năm đi thong thả, cuối năm chạy nước rút”. Đây là một bước tiến bộ quan trọng trong công tác lãnh đạo công nghiệp.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm, chúng ta ra sức phát huy thành tích tốt đẹp của phong trào thi đua sản xuất, phát huy kết quả của cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, nâng cao hơn nữa sức sáng tạo của công nhân để khắc phục khó khăn, cải tiến kỹ thuật, sử dụng tốt hơn các thiết bị máy móc, khai thác mọi khả năng trong nước để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu, triệt để tiết kiệm nguyên liệu, đồng thời nhập khẩu kịp thời số cần thiết. Mặt khác, một số lệch lạc, thiếu sót hiện nay phải được chấn chỉnh kịp thời, nhất là khuynh hướng nặng về nâng cao sản lượng mà coi nhẹ phẩm chất hàng hóa ở một số xí nghiệp. Việc bảo hộ an toàn lao động cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

Trong việc phát triển công nghiệp địa phương, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, các nơi đã đi vào đúng hướng và có chú ý sử dụng khả năng sẵn có của các hợp tác xã thủ công. Hiện nay, công nghiệp địa phương đang cần được chú ý giúp đỡ về cung cấp vật liệu và hướng dẫn về tiêu thụ sản phẩm.

Một thành tích đáng hoan nghênh của công nghiệp địa phương là chúng ta đã xây dựng thành công lò cao nhỏ luyện gang ở một số nơi, chúng ta đang cố gắng phát triển một cách vững chắc những lò cao nhỏ như vậy, đồng thời xây dựng những lò luyện nhỏ để luyện thép.

Năm 1960, khối lượng xây dựng cơ bản rất lớn, bằng 146% năm ngoái. Trong sáu tháng đầu năm, chúng ta đã thực hiện được 46% kế hoạch xây lắp cả năm, so với cùng thời gian này năm ngoái, thì tăng 91%, nhiều hơn cả khối lượng xây lắp trong ba quý đầu năm 1959 cộng lại. Lần lượt từ cuối quý I đến nay một số công trình đã hoàn thành và đi vào sản xuất, như nhà máy cao su, nhà máy xà phòng, nhà máy thuốc lá, nhà máy nhựa, nhà máy sắt tráng men, nhà máy đường Nghệ An… Một số công trình công nghiệp nặng như khu gang thép Thái Nguyên, xưởng đóng tầu thủy đã chính thức khởi công trong quý II. Một số công trình lớn khác như nhà máy phân super-phosphate, nhà máy sứ Hải Dương đã hoàn thành vượt mức kế hoạch thi công. Đạt được khối lượng xây dựng trên đây là một thành tích lớn. Trong năm nay, các công trình xây dựng mới nói chung đã được chuẩn bị tương đối kịp thời về địa điểm, đồ án thiết kế, cho nên tốc độ thi công quý I-1960 so với quý IV-1959 không bị chậm như các năm trước. Việc cải tiến kỹ thuật trên các công trường xây dựng đã được chú ý, nhiều nơi có sáng kiến dùng nhiều loại vật liệu thay thế rẻ tiền và dễ kiếm, chế tạo công cụ cải tiến giản đơn…

Để đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ bản, chúng ta đang tập trung lực lượng giải quyết vấn đề vật liệu xây dựng, tăng cường sản xuất và vận chuyển kịp thời vật liệu trong nước, quản lý và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng vật liệu xây dựng theo đúng các tiêu chuẩn đã quy định. Trong việc thi công, chúng ta cố gắng phấn đấu nâng cao chất lượng công trình, hết sức coi trọng cải tiến kỹ thuật, áp dụng những phương pháp thi công tiên tiến, nâng cao hiệu suất sử dụng phương tiện thi công cơ giới, nghiên cứu kế hoạch thống nhất quản lý các phương tiện đó, nhằm tập trung phương tiện cơ giới cho những công trình chủ yếu. Lối xây dựng bằng cách lắp các bộ phận đúc sẵn đã bắt đầu được áp dụng và sẽ ngày càng phổ biến rộng rãi. Trong việc quản lý công trường, chúng ta chú trọng thường xuyên chống lãng phí, tham ô, thực hiện tốt chế độ hạch toán kinh tế.

Sáu tháng đầu năm nay, ngành Giao thông vận tải đã cố gắng khắc phục khó khăn, tăng thêm một số phương tiện, nâng cao các chỉ tiêu kinh tế và kỹ thuật về vận tải, đưa khối lượng vận chuyển tăng hơn 30% so với cùng thời gian này năm ngoái, và vượt mức kế hoạch của Bộ Giao thông và Bưu điện. Tuy nhiên, so với yêu cầu vận chuyển rất to lớn và nhiều khi đột xuất của các ngành, thì chỉ mới đáp ứng được những yêu cầu quan trọng và cấp bách. Đây là một khó khăn của trưởng thành, trong đà phát triển kinh tế. Để khắc phục khó khăn ấy, chúng ta ra sức phát huy khả năng tiềm tàng rất lớn của ngành vận tải, thống nhất quản lý vận tải nhằm sử dụng hợp lý và triệt để nhất mọi phương tiện vận tải hiện có, đồng thời tích cực sản xuất thêm nhiều phương tiện mới, cơ giới, nửa cơ giới và thô sơ.

Về thương nghiệp, vụ đông xuân thu hoạch sút kém, có ảnh hưởng đến hàng hóa lưu thông và giá cả. Mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán đương ra sức nắm vững tình hình, ổn định thị trường, nhằm bảo đảm cung cấp cho nhân dân. Để khắc phục khó khăn trước mắt này, cần tích cực đẩy mạnh nông nghiệp một cách toàn diện trong những tháng tới, đi đôi với việc thực hành tiết kiệm, tránh mọi lãng phí trong việc tiêu dùng. Thông qua việc bán tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng và việc thu mua nông sản, ngành Nội thương ra sức hướng dẫn, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường việc nắm lực lượng lương thực, thực phẩm và các hàng tiêu dùng chính, quản lý chặt chẽ việc phân phối, ổn định thị trường và vật giá.

Ngành Ngoại thương từ đầu năm đến nay đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu hàng công nghiệp và thủ công nghiệp, và đã cố gắng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu to lớn của sản xuất và xây dựng. Từ nay đến cuối năm, để hoàn thành kế hoạch ngoại thương, chúng ta ra sức tăng cường sản xuất và thu mua, tìm thêm mặt hàng xuất khẩu mới, đồng thời hết sức cân nhắc, thận trọng trong việc nhập khẩu, hết sức bảo quản chu đáo các loại hàng đã nhập khẩu: máy móc, phụ tùng, nguyên liệu, chú ý sản xuất nhiều vật liệu thay thế hàng nước ngoài, hết sức tránh mọi sự lãng phí ngoại tệ.

Tình hình tài chính và tiền tệ 6 tháng đầu năm nói chung là tốt. Để bảo đảm thi hành đúng ngân sách nhà nước, chúng ta sẽ tăng cường giám đốc tài chính hơn nữa trong khu vực quốc doanh, mặt khác, quản lý chặt chẽ hơn việc cấp phát tiền, kiểm tra chu đáo việc sử dụng vốn, tránh đọng vốn, lãng phí vốn, sử dụng vốn không đúng nguyên tắc.

Trong sáu tháng đầu năm nay, chúng ta đã bắt đầu áp dụng chế độ hợp đồng kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan nhà nước, nhằm tăng cường quan hệ và trách nhiệm giữa các xí nghiệp, các cơ quan, bảo đảm sự cân đối giữa các mặt sản xuất, xây dựng, vận tải, cung cấp và tiêu thụ. Chúng ta tiếp tục áp dụng và rút kinh nghiệm về chế độ hợp đồng kinh tế trong năm nay, để chuẩn bị phổ biến rộng rãi chế độ ấy những năm sau, khi bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Song song với đà phát triển kinh tế, cuối năm 1959 và nửa đầu năm 1960 là thời kỳ công tác giáo dục, văn hóa phát triển mạnh.

Trong ngành Giáo dục, số học sinh cấp I năm nay tăng 34%, số học sinh cấp II tăng 52% và số học sinh cấp III tăng 36% so với năm ngoái. Trong số học sinh các trường phổ thông và các lớp vỡ lòng là 2 triệu 40 vạn em, chiếm 15% dân số, đông gấp hai lần năm 1955 và gấp 5 lần số học sinh toàn Đông Dương năm 1939. Ở miền núi, số học sinh phổ thông năm nay trong mỗi cấp đều tăng trên dưới 45% so với năm ngoái. Trong kỳ thi hết cấp năm nay, 97% thí sinh lớp 7 và 86% thí sinh lớp 10 đã thi đỗ. Toàn miền Bắc, đầu năm 1960 có 1 triệu 24 vạn người đi học bổ túc văn hóa, có 32 trường phổ thông lao động cho cán bộ, 9 trường bổ túc văn hóa cho thanh niên công nông học tập để chuẩn bị vào các trường đại học và chuyên nghiệp. Phong trào học tập văn hóa tại chức phát triển mạnh mẽ ở các cơ quan xí nghiệp, đơn vị bộ đội. Nhiều huyện cũng đã mở lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ xã và hợp tác xã. Về ngành đại học, trong năm học hiện nay, miền Bắc có 8.240 sinh viên và hơn 2.000 lưu học sinh đại học ở nước ngoài, so với 5.663 sinh viên hồi năm ngoái. Các trường trung cấp chuyên nghiệp năm nay gồm có 18.300 học sinh, so với 8.300 học sinh hồi năm ngoái. Đi đôi với sự lớn mạnh về số lượng trên đây, ngành Giáo dục đang cố gắng phấn đấu để đẩy mạnh hơn nữa đà tiến bộ về chất lượng chính trị ở các ngành, các cấp học.

Từ khi thành lập Uỷ ban Khoa học Nhà nước, công tác nghiên cứu khoa học đã có những tiến bộ rõ rệt. Với sự giúp đỡ quý báu của đoàn đại biểu Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật nước ta hiện nay đã có phương hướng và mục tiêu rõ ràng để tiến tới, nhằm giúp ích thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế. Hiện nay, các cơ quan khoa học đang cố gắng phối hợp chặt chẽ ba mặt: nghiên cứu, sản xuất và giảng dạy, thiết thực đi sâu giải quyết một số vấn đề khoa học và kỹ thuật cụ thể và cấp thiết đang đề ra trước mắt. Hoạt động của Hội phổ biến khoa học đang mở rộng đến các cơ sở công nghiệp và nông nghiệp, đem lại cho người sản xuất những kiến thức cần thiết để cải tiến kỹ thuật, tham gia phong trào phát minh sáng chế.

Công tác văn hóa nghệ thuật nửa đầu năm nay đã có nhiều tiến bộ mới về số lượng và chất lượng trong dịp sáng tác để chào mừng những ngày kỷ niệm lớn, và động viên nhân dân thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước. Các hoạt động xuất bản, chiếu bóng, biểu diễn văn nghệ, tổ chức triển lãm đều đạt những mức chưa từng thấy, với một nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt hơn trước. Trên đà phát triển hiện nay, các ngành văn hóa nghệ thuật tích cực phấn đấu để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Một hướng phát triển rất quan trọng của công tác văn hóa nghệ thuật mà chúng ta rất chú ý là tăng cường hoạt động văn hóa quần chúng, đưa nền văn hóa tốt đẹp đến tận quần chúng, tích cực phát huy khả năng sáng tác văn hóa, nghệ thuật của quần chúng, làm cho văn hóa nghệ thuật góp phần ngày càng nhiều vào việc giáo dục tư tưởng, đạo đức mới và nâng cao kiến thức của nhân dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phong trào vệ sinh phòng bệnh sáu tháng vừa qua được đẩy mạnh và có lãnh đạo chặt chẽ hơn trước, các cơ sở điều trị về y tế được tăng cường và có tiến bộ rõ rệt, 123 đội y tế lưu động nói chung hoạt động có kết quả tốt. Việc đào tạo cán bộ y tế và sản xuất thuốc phát triển khá nhanh chóng. Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe của nhân dân, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thể dục, vệ sinh phòng bệnh, có lãnh đạo chặt chẽ, có kế hoạch thiết thực để từng thời gian đạt những mục tiêu cụ thể, thực hiện khẩu hiệu: “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”. Tinh thần phục vụ và khả năng chuyên môn của cán bộ điều trị cần được tiếp tục nâng cao hơn nữa. Các cấp lãnh đạo, nhất là trong các ngành sản xuất, cần đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của cán bộ, công nhân, sức khỏe của người mẹ và của trẻ con.

Đi đôi với việc đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa và ra sức phát triển kinh tế và văn hóa, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, kịp thời nhìn thấy để ngăn chặn và trừng trị những kẻ có âm mưu và hành động phá hoại sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Nhà nước của chúng ta là nhà nước của nhân dân, một mặt dân chủ với nhân dân, một mặt chuyên chính với kẻ thù của nhân dân.

Chúng ta tiếp tục chăm lo công tác củng cố quốc phòng. Việc chấn chỉnh tổ chức, trang bị và huấn luyện các lực lượng vũ trang tiến hành thuận lợi theo đúng kế hoạch đã định. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và công an nhân dân vũ trang đã tích cực bảo vệ biên cương, giới tuyến, không phận và hải phận của Tổ quốc, bảo vệ lao động hòa bình của nhân dân, đồng thời tích cực tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân trong những lúc khó khăn như chống hạn và sản xuất nông nghiệp. Thanh niên và nhân dân các nơi đều hăng hái thi hành Luật nghĩa vụ quân sự vừa được ban hành. Quân nhân phục viên được chuyển sang công tác trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng cơ bản và các ngành kinh tế khác, đều gắng sức học tập và làm tốt công tác mới của mình, ra sức phát huy truyền thống quân đội nhân dân anh dũng. Việc xây dựng dân quân tự vệ và các lực lượng hậu bị được coi trọng và đã thu được nhiều thành tích.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Nhân dân ta ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tăng cường lực lượng của miền Bắc về mọi mặt làm cơ sở vững chắc để hòa bình thống nhất nước nhà.

Thống nhất Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng của nhân dân Việt Nam ta.

Để thống nhất Tổ quốc nhân dân ta phải đấu tranh chống đế quốc Mỹ, vì đế quốc Mỹ là kẻ phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ, xâm chiếm miền Nam nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng để chuẩn bị chiến tranh; đế quốc Mỹ là kẻ xúi giục chính quyền miền Nam thi hành chính sách khủng bố, đàn áp, giết hại đồng bào ta ở miền Nam; đế quốc Mỹ và tay sai của chúng là nguồn gốc của sự nghèo khổ và mọi tai họa mà đồng bào ta ở miền Nam phải chịu đựng. Cho nên nhân dân ta phải đấu tranh kiên quyết và bền bỉ chống đế quốc Mỹ. Cũng như nhân dân ta, nhân dân nhiều nước trên thế giới đương quyết liệt chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến.

Nhân dân Việt Nam từ lâu đã từng đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Cách đây trên một trăm năm, tầu chiến Pháp, quân đội Pháp đã đến bờ cõi ta, xâm lược đất nước ta, nô dịch nhân dân ta. Chúng chiếm trước miền Nam rồi dần dần chiếm cả nước ta. Lúc bấy giờ vì sao chúng cướp được nước ta? Đó là vì bọn vua chúa nhà Nguyễn phản lại nhân dân, đã bán nước ta cho giặc Pháp. Nhưng không lúc nào nhân dân ta chịu mất nước, chịu làm nô lệ, không lúc nào nhân dân ta ngừng đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập dân tộc. Từ 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, cuộc đấu tranh chống đế quốc Pháp, cuộc cách mạng dân tộc và dân chủ của nhân dân ta ngày càng lớn mạnh, ngày càng đi gần đến thắng lợi. Cách mạng tháng Tám thành công đưa đến sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta, là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mở một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta.

Hai tuần lễ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tầu chiến Pháp và quân đội Pháp lại đến bờ cõi ta, định xâm lược nước ta một lần nữa, và cũng như lần trước, chúng bắt đầu từ miền Nam. Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta muốn hòa bình, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9-1946. Nhưng đế quốc Pháp muốn chiến tranh, và nếu chúng có ký kết gì với chúng ta, đó chỉ là để đánh lừa chúng ta, tranh thủ thời gian và điều kiện thuận lợi để xâm chiếm cả nước ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi sắt đá của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta đã đứng lên, cầm vũ khí, đánh giặc cứu nước, cuối cùng nhân dân ta đã thắng lợi vẻ vang. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ về căn bản đã kết thúc chiến tranh; quân đội ta và nhân dân ta đã đánh bại đội quân viễn chinh Pháp. Hội nghị Giơnevơ 1954 đã công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam ta.

Đế quốc Pháp, kẻ bại trận, buộc phải rút đội quân viễn chinh của nó ra khỏi nước ta. Nhưng một nước đế quốc khác, đế quốc Mỹ đã thay chân đế quốc Pháp. Mọi người chúng ta đều biết đế quốc Mỹ đã can thiệp vào nước ta từ trong lúc kháng chiến. Trong lúc đánh nhau với đội quân viễn chinh Pháp, chúng ta đã biết đây là đội quân đánh thuê cho đế quốc Mỹ: chiến lược là do Mỹ, tiền bạc và vũ khí phần lớn là của Mỹ. Đế quốc Mỹ vốn không muốn kết thúc chiến tranh, trái lại, muốn kéo dài và mở rộng chiến tranh. Lúc trận Điện Biên Phủ, chúng đã chuẩn bị sẵn sàng để nhảy vào chiến tranh...

Nhưng lực lượng đoàn kết đấu tranh của nhân dân ta và ý chí hòa bình của nhân dân thế giới đã ngăn chặn âm mưu độc ác của chúng. Tại Hội nghị Giơnevơ, biết bao lần, chúng toan tính phá hoại Hội nghị. Nhưng chúng đã thất bại, hòa bình đã thắng và trong buổi họp cuối cùng, chúng buộc phải tuyên bố thừa nhận những hiệp nghị đã ký kết.

Không phá hoại được Hội nghị Giơnevơ, chúng quyết phá hoại việc thi hành Hiệp định Giơnevơ. Ngay sau khi Hội nghị Giơnevơ bế mạc, đế quốc Mỹ cùng với Anh, Pháp và một số nước Đông Nam Á họp hội nghị tại Mani3, thành lập khối quân sự xâm lược Đông Nam Á. Đồng thời đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vào miền Nam, hất cẳng đế quốc Pháp, lập nên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, chuẩn bị chiến tranh mới, chuẩn bị “Bắc tiến”.

Theo Hiệp định Giơnevơ thì tháng 7-1956, một cuộc tổng tuyển cử tự do trong cả nước phải được tổ chức để thống nhất nước ta, nhưng đến nay nước ta vẫn còn bị chia cắt... Miền Nam nước ta, dưới ách thống trị của Mỹ - Diệm là một địa ngục trần gian, ở đó nhân dân ta sống trong cảnh chiến tranh không bao giờ chấm dứt, trong cảnh khủng bố lan tràn, trong cảnh nghèo đói ngày thêm trầm trọng... Ở đó đời sống của mọi tầng lớp nhân dân không có chút đảm bảo, bởi vì không có an ninh, không có công lý, không có tự do, chế độ miền Nam là một chế độ độc tài, một chế độ phát xít vô cùng dã man, tàn bạo. Đế quốc Mỹ muốn nô dịch miền Nam để biến miền Nam thành căn cứ quân sự của Mỹ, đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hòa bình ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Đứng trước tình hình như vậy ở miền Nam nước ta, nhân dân ta phải làm gì? Đồng bào ta ở miền Nam phải làm gì?

Phải đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai như trước đây nhân dân ta đã đấu tranh chống đế quốc Pháp và bọn tay sai, như trước đây và hiện nay nhân dân các nước bị áp bức đã và đương đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bọn tay sai khắp nơi trên thế giới.

Có áp bức thì có đấu tranh. Còn áp bức thì còn đấu tranh. Đó là một quy luật trong quan hệ xã hội và quan hệ quốc tế của thời đại tư bản chủ nghĩa, và nói chung của các thời đại lịch sử từ khi có giai cấp trong xã hội loài người.

Hiện nay đồng bào ta ở miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai là điều rất tự nhiên, không phải cái gì mới lạ. Trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta, đã nhiều lần đồng bào ta ở miền Nam đã phất cao ngọn cờ đấu tranh bất khuất: lúc quân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta cách đây một thế kỷ và gần đây sau Cách mạng tháng Tám, lúc chúng trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày nay, dưới ách thống trị của can thiệp Mỹ và chính quyền miền Nam, nhân dân ta ở miền Nam, được tôi luyện qua biết bao trận chiến đấu gian khổ và oanh liệt, phấn khởi và tin tưởng trước thế tất thắng của cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình, càng mạnh mẽ và bền bỉ đoàn kết đứng lên tiến hành cuộc đấu tranh để tự giải phóng.

Vì sao chúng ta phải nhắc lại và nhấn mạnh những chân lý phổ biến và thông thường kể trên? Đó là vì gần đây đế quốc Mỹ và tôi tớ của chúng thường nói rằng phong trào yêu nước ở miền Nam là do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gây nên, và như vậy là Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành “hoạt động lật đổ” đối với chính quyền miền Nam. Đáng để ý hơn là trong Uỷ ban Quốc tế cũng có luận điệu như vậy.

Đế quốc Mỹ kiếm chuyện vu khống phong trào yêu nước của đồng bào ta ở miền Nam, vu khống Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, điều đó không có gì đáng ngạc nhiên, đế quốc Mỹ là kẻ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa trắng trợn vừa gian ác. Như vậy, chúng càng phơi bầy bộ mặt ghê tởm của chúng, nhân dân thế giới càng căm thù chúng, càng hăng hái đấu tranh chống chúng. Lênin, người mà vừa rồi chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày sinh, đầu thế
kỷ XX này, đã đoán trước sự phát triển như vũ bão của phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức, và coi đó là một nhân tố rất quan trọng của cách mạng vô sản thế giới. Đời sống đã chứng minh một cách hùng hồn luận đoán trước đây của Lênin là hoàn toàn đúng. Từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay, với sự hình thành và sự lớn mạnh nhanh chóng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào giải phóng dân tộc càng lên cao, mở rộng và ăn sâu vào hàng trăm triệu nhân dân các nước bị áp bức. Hệ thống thực dân đương tan rã từng mảng lớn, chủ nghĩa đế quốc đương dùng trăm phương nghìn kế để duy trì địa vị, quyền lợi và ảnh hưởng của chúng đương bị lung lay tận gốc, chúng ráo riết tăng cường hoạt động xâm lược can thiệp, lật đổ. Chính chúng là kẻ chuyên môn hoạt động lật đổ khắp nơi trên thế giới. Kết quả là chúng càng bộc lộ bản chất và bộ mặt ăn cướp của chúng càng gây căm thù của quần chúng nhân dân kiên quyết hơn bao giờ hết đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Mấy tháng gần đây, thế giới vừa chứng kiến những phong trào có ý nghĩa to lớn và sâu sắc, đó là những cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Triều Tiên, của nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ, của nhân dân Nhật Bản. Chúng ta đứng trước một hiện tượng rất phấn khởi: Phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai bất cứ lúc nào đều có thể nổ lên và bùng cháy như núi lửa ở những nơi chúng tưởng yên ổn nhất. Hiện nay các nước đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, đương ngồi trên nhiều núi lửa ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh. Những núi lửa đó hoặc đương cháy, hoặc tạm thời yên lặng, hay cháy âm ỉ, nhưng ngày mai, ngày kia sẽ nổ lên và cháy bùng. Ngọn lửa căm thù và sức đấu tranh quyết liệt của nhân dân thế giới sẽ lần lượt đánh bại đế quốc xâm lược.

Gieo gió thì gặt bão! Đế quốc và tay sai chồng chất tội ác bao nhiêu, thì sức đoàn kết và đấu tranh của nhân dân càng mạnh bấy nhiêu, không ai xúi giục cũng như không một lực lượng phản động nào có thể ngăn cản được.

Đó là sự thật, đó là chân lý của thế giới ngày nay, ai nấy đều nhìn thấy, đều công nhận.

Vậy thì ở miền Nam nước ta có phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm, đòi hòa bình và thống nhất, đòi quyền sống, đòi độc lập dân tộc và tự do dân chủ... thì đó là điều rất tự nhiên ở một nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam, nhiệt liệt biểu dương lòng yêu nước, ý chí bất khuất, tinh thần anh dũng và bền bỉ của đồng bào miền Nam, từ sáu năm nay đã giữ vững và phát triển phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam. Chúng ta tin tưởng rằng sự nghiệp cách mạng dân tộc và dân chủ ở miền Nam nhất định sẽ thành công rực rỡ.

Chúng ta không lấy làm lạ đế quốc Mỹ, vừa ăn cướp, vừa đánh trống, la lớn rằng miền Bắc gây nên phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam. Nhưng nếu trong Uỷ ban quốc tế cũng có luận điệu như vậy thì đó là điều đáng tiếc. Từ ngày thành lập đến nay, Uỷ ban Quốc tế có những cố gắng trong việc thi hành Hiệp định Giơnevơ, chúng ta hoan nghênh những cố gắng ấy, vì chúng ta thiết tha với việc thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ và mong muốn có sự cộng tác có hiệu quả tốt với Uỷ ban Quốc tế. Nhưng cũng vì những lẽ quan trọng đó mà chúng ta buộc phải nói sự thật lúc cần thiết.

Chắc các đồng chí đại biểu Quốc hội đã biết Nghị quyết của Uỷ ban Quốc tế về phái đoàn quân sự Mỹ gọi tắt là MAAG (theo tiếng Anh). Ngày 25-4-1960, Uỷ ban Quốc tế theo đa số, mặc dầu sự phản đối của đại biểu Ba Lan đã thông qua một nghị quyết công nhận chính quyền miền Nam và Chính phủ Mỹ có quyền tăng nhân viên của phái đoàn “MAAG” từ 342 người đến 685 người. Uỷ ban Quốc tế có nhiệm vụ duy trì hòa bình ở Việt Nam, vì sao lại cho phép tăng nhân viên cho một tổ chức quân sự của Mỹ? Và tăng để làm gì? Uỷ ban Quốc tế biết rõ tổ chức quân sự Mỹ gọi là “MAAG” lâu nay làm gì? và cần tăng cường gấp đôi để làm gì? Chắc chắn không phải để phụng sự cho hòa bình. Có người hỏi: Hiệp nghị Giơnevơ cấm tăng nhân viên quân sự nước ngoài vào Việt Nam. Uỷ ban Quốc tế đâu có quyền làm sai Hiệp định Giơnevơ? Đúng như vậy, và chính đó là chỗ nghiêm trọng và nguy hiểm. Điều 16 của Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ghi rõ: “Kể từ khi Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực, cấm không được tăng thêm vào nước Việt Nam mọi bộ đội và nhân viên quân sự ...”. Nhưng đại biểu Ấn Độ và đại biểu Canađa không đếm xỉa những lý lẽ và sự phản đối của đại biểu Ba Lan, bất chấp nhiều thư kháng nghị của Bộ Tổng tư lệnh và Bộ Ngoại giao của ta, tự ý công nhận cho chính quyền miền Nam và Chính phủ Mỹ đưa nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam, nói là để thay thế nhân viên quân sự của đội quân viễn chinh Pháp đã rút. Thật là trái ngược, trái với lời văn, trái với tinh thần Hiệp định Giơnevơ, trái với yêu cầu giữ gìn hòa bình ở Việt Nam mà chúng ta coi là sứ mạng cao quý nhất của Uỷ ban Quốc tế.

Chúng ta không thể đồng tình với nghị quyết lạ lùng đó của Uỷ ban Quốc tế, cũng như chúng ta không thể đồng tình với một số nghị quyết khác, như nghị quyết về Luật 10-59. Chúng ta mong rằng Uỷ ban Quốc tế sẽ làm đúng nhiệm vụ của mình để góp phần vào việc giữ gìn hòa bình ở Việt Nam và ở Đông Nam Á. Chúng ta tiếp tục cuộc đấu tranh chính nghĩa nhằm hòa bình thống nhất Tổ quốc chúng ta, dựa vào lực lượng của nhân dân ta, dựa vào sự thi hành đúng đắn của Hiệp định Giơnevơ, dựa vào sự đồng tình và ủng hộ của mọi lực lượng hòa bình và tiến bộ trên thế giới. Thắng lợi nhất định sẽ về tay nhân dân ta. Đế quốc Mỹ và tất cả tay sai của chúng nhất định sẽ thất bại nhục nhã.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Thế giới ngày nay là trường đấu tranh giữa một bên là những lực lượng phản động nhất, xâm lược và hiếu chiến, là chủ nghĩa đế quốc mà kẻ hung ác nhất là đế quốc Mỹ, một bên là những lực lượng hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa, mà cột trụ là phe xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô vĩ đại.

Do lực lượng so sánh đã nghiêng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa, do chính sách hòa bình và chung sống của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa được sự đồng tình và ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của phần lớn nhân dân các nước trên thế giới, gần đây trong tình hình quốc tế có một sự hòa hoãn với mức độ nhất định, trong lúc đó các lực lượng phản động và hiếu chiến nhất của chủ nghĩa tư bản độc quyền ra sức duy trì sự căng thẳng, gây lại chiến tranh lạnh. Việc máy bay do thám Mỹ xâm phạm không phận của Liên Xô và thái độ ngoan cố của Chính phủ Mỹ về việc đó đưa đến phá hoại Hội nghị cấp cao ở Pari, chứng tỏ một cách hùng hồn rằng bản chất đế quốc là xâm lược và gây chiến vẫn không thay đổi.

Cho nên trong tình hình thế giới ngày nay, một mặt phải thấy những biểu hiện hòa hoãn khá rõ rệt và quan trọng so với trước, phải đánh giá đúng mức ý nghĩa của những thay đổi đó, coi đó là những thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh kiên quyết và bền bỉ của phe xã hội chủ nghĩa và lực lượng hòa bình thế giới. Một mặt phải thấy bản chất của đế quốc là xâm lược và gây chiến vẫn không thay đổi, và đó là nguồn gốc sâu xa của sự căng thẳng và chiến tranh. Nhân dân Việt Nam ta cũng như nhân dân rất nhiều nước trên thế giới đã từng đấu tranh chống đế quốc, đều biết rõ đế quốc, bản chất của nó, hành động của nó, bộ mặt ăn cướp của nó. Chúng ta biết rằng, vì áp lực của dư luận, đồng thời cũng vì muốn đánh lừa dư luận, có lúc bọn đế quốc nói giọng hòa bình, chịu hòa hoãn, nhưng thực sự chúng không muốn hòa bình, thực sự chúng ráo riết chuẩn bị chiến tranh, và nếu chưa gây được chiến tranh lớn, chưa gây được chiến tranh thế giới, thì chúng không ngần ngại gây chiến tranh nhỏ, chiến tranh cục bộ ở nơi này hay nơi nọ. Trong thời gian gần đây, sau cuộc đi thăm hữu nghị của Chủ tịch Khơrútsốp ở Mỹ, trong lúc Liên Xô sẵn sàng đóng góp phần cống hiến của mình làm cho hội nghị cấp cao đưa đến kết quả tốt nhằm củng cố thêm một bước sự hòa hoãn đã giành được, thì đế quốc Mỹ lại ra sức tăng cường lực lượng quân sự, giúp cho Tây Đức và Nhật Bản đẩy mạnh tái vũ trang, tăng cường tổ chức, trang bị và hoạt động của các khối quân sự xâm lược, giữ thái độ rất găng về vấn đề Tây Berlin và vấn đề ngừng thử vũ khí nguyên tử và khinh khí, và nhân ngày 1-5, ngày Quốc tế lao động, 15 ngày trước khi hội nghị cấp cao họp, phái máy bay do thám xâm phạm không phận của Liên Xô.

Ngày nay, đối với nhân dân ta cũng như đối với nhân dân thế giới, đấu tranh chống đế quốc, nhất là đấu tranh chống đế quốc Mỹ là một cuộc đấu tranh cách mạng trọng yếu bậc nhất: đấu tranh chống đế quốc là giữ gìn và củng cố hòa bình, đấu tranh chống đế quốc là giành và giữ chủ quyền và độc lập dân tộc, đấu tranh chống đế quốc là đấu tranh cho tự do, dân chủ, cho tiến bộ xã hội, là đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội. Cho nên, nhân dân Việt Nam ta sát cánh với nhân dân thế giới càng kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, vạch mặt đế quốc, cô lập đế quốc, đánh bại đế quốc, chĩa mũi nhọn vào đế quốc Mỹ.

Cuộc đấu tranh đó là một cuộc đấu tranh gian khổ và bền bỉ nhưng nhất định thắng lợi, đó là xu thế tất yếu của thế giới ngày nay.

Chúng ta không khinh địch, không coi thường lực lượng hoạt động và âm mưu thâm độc của đế quốc. Nhưng chúng ta thấy rõ ở thời đại ngày nay, thời đại Liên Xô tiến những bước khổng lồ trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản, thời đại những tiến bộ nhảy vọt của 650 triệu nhân dân Trung Quốc, thời đại cả hệ thống xã hội chủ nghĩa đương phát triển lực lượng và ảnh hưởng của mình mạnh mẽ và nhanh chóng lạ thường và đương lôi cuốn nhân dân thế giới cùng đấu tranh cho những lợi ích cơ bản nhất của loài người, thì chủ nghĩa đế quốc chỉ còn một con đường là dần dần suy yếu, thất bại, đi đến diệt vong.

Thái độ kiên quyết của Liên Xô sau vụ máy bay do thám Mỹ là hoàn toàn đúng. Đó là thái độ chính đáng của một nước trọng quyền tự chủ của mình và đòi hỏi mọi nước khác phải trọng quyền ấy của mình. Chủ tịch Khơrútsốp thay mặt Chính phủ Liên Xô hoàn toàn có quyền và cần phải đòi hỏi Tổng thống Mỹ thỏa mãn một số yêu cầu để Liên Xô có thể tham gia hội nghị cấp cao một cách xứng đáng, đó là một việc cần thiết và đúng đắn. Thái độ ngoan cố của Tổng thống Mỹ chứng tỏ rõ rệt rằng đế quốc Mỹ trước sau vẫn không thật sự muốn hòa bình và chung sống, không thực sự muốn hòa hoãn, không thực sự muốn giải quyết những vấn đề quốc tế quan trọng và cấp bách, không thật sự muốn hội nghị cấp cao. Toàn bộ chính sách của đế quốc Mỹ là phá hoại hội nghị cấp cao. Nhưng ở đây cũng vậy, đế quốc Mỹ vừa ăn cướp, vừa la làng. Như vậy, nhân dân thế giới càng nhìn rõ thêm bộ mặt gây chiến và ăn cướp của chúng. Như vậy là phải trái rõ rệt, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý khắp nơi càng đồng tình với Liên Xô, hoan nghênh Liên Xô đã vạch mặt đế quốc Mỹ, xâm lược và hiếu chiến, vạch rõ mặt đứa ăn cướp bị bắt quả tang, kiên quyết ủng hộ lập trường của Liên Xô và kiên trì cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Liên Xô trước sau như một vẫn thiết tha với hòa bình thế giới, thái độ nghiêm khắc đối với Mỹ chính là một biểu hiện của chính sách ngoại giao hòa bình của Liên Xô, cho nên Liên Xô luôn luôn kịp thời và chủ động có những sáng kiến nhằm đấu tranh để giữ gìn và củng cố hòa bình.

Nhân dân thế giới đặt nhiều hy vọng vào hội nghị cấp cao. Liên Xô càng quan tâm đến hội nghị cấp cao cần phải họp trong thời gian tới. Một sáng kiến mới của Liên Xô là nên mở rộng những nước dự hội nghị cấp cao cho một số nước lớn ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Inđônêxia. Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh sự có mặt của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở hội nghị cấp cao. Thật ra, muốn giải quyết những vấn đề lớn của thế giới ngày nay mà không muốn biết đến 650 triệu nhân dân Trung Hoa là một điều vô lý. Cho nên, mặc dầu đế quốc Mỹ phản động và mù quáng, muốn lấy bàn tay che ánh sáng mặt trời, lẽ phải sẽ thắng trong quan hệ quốc tế và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vĩ đại sẽ có địa vị xứng đáng của mình trên trường quốc tế ngày nay.

Một sáng kiến đặc biệt quan trọng của Liên Xô là những kiến nghị mới về giải trừ quân bị toàn diện và triệt để. Đáng lẽ Chính phủ Liên Xô đưa ra những kiến nghị mới này ra hội nghị cấp cao, nhưng vì hội nghị ấy bị đế quốc Mỹ phá hoại, cho nên lần này Chính phủ Liên Xô gửi những kiến nghị ấy cho tất cả các nước trên thế giới có quan hệ ngoại giao với Liên Xô. Dư luận thế giới thành thực hoan nghênh những kiến nghị mới này và ai nấy đều thấy đó là cơ sở tốt để thảo luận ở hội nghị 10 nước bàn về vấn đề giải trừ quân bị. Những hội nghị này, sự thật đã chứng tỏ rằng các nước phương Tây không thực tâm muốn bàn những kiến nghị của Liên Xô, vì thực sự họ không muốn giải trừ quân bị. Thái độ của họ là đưa hội nghị đến bế tắc, buộc lòng các đoàn đại biểu của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác phải bỏ hội nghị. Chính phủ Liên Xô đã tuyên bố sẽ đưa vấn đề giải trừ quân bị ra Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tình hình thế giới gần đây làm nổi bật hai chính sách và hai xu thế khác nhau như trời với vực: chính sách của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa là đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chính sách đó hoàn toàn phù hợp với xu thế của thế giới ngày nay. Còn chính sách và xu thế của các lực lượng đế quốc và phản động trên thế giới đứng đầu là đế quốc Mỹ, là áp bức và bóc lột nhân dân, là xâm lược và hiếu chiến. Nhân dân thế giới ngày càng nhìn thấy rõ rệt chỗ khác nhau giữa hai con đường, và ngày càng đông đảo và mạnh mẽ thêm lên mãi tham gia mặt trận của nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử cho loài người.

Để giương cao hơn nữa ngọn cờ đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, để gây phấn khởi và tin tưởng mạnh mẽ hơn nữa trong lòng của hàng trăm triệu người khắp nơi trên thế giới, để biểu thị khối đoàn kết nhất trí không gì lay chuyển được của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, ngày 24-6-1960 tại Bucarét, thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Rumani, đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa đã ra một bản công bố trong đó chúng ta cần nhấn mạnh những đoạn quan trọng sau đây:

“... Các đại biểu tham dự hội nghị nhất trí nhận định rằng toàn bộ sự diễn biến của các sự kiện quốc tế và toàn bộ sự phát triển của các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã chứng minh sự đúng đắn của những luận điểm mácxít - lêninnít của bản tuyên bố và tuyên ngôn hòa bình do các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân đã thông qua tại Mátxcơva tháng 11-1957.

Các đại biểu tham dự hội nghị khẳng định sự trung thành của mình đối với các nguyên tắc của bản tuyên bố và bản tuyên ngôn hòa bình, những văn bản đó là hiến chương của phong trào cộng sản và công nhân hiện nay, là cương lĩnh đấu tranh của phong trào đó cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa nhận định rằng:

Toàn bộ những kết luận của bản Tuyên bố và Tuyên ngôn hòa bình: vấn đề chung sống hòa bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, khả năng ngăn ngừa chiến tranh trong thời đại hiện nay, vấn đề cần thiết nâng cao cảnh giác của các dân tộc đối với nguy cơ chiến tranh, vì trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, luôn luôn còn cơ sở cho chiến tranh xâm lược, toàn bộ những kết luận đó vẫn hoàn toàn có giá trị trong tình hình hiện nay.

... Các đại biểu trong cuộc gặp gỡ vui mừng nhận định rằng: các nước thuộc hệ thống xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển kinh tế và văn hóa, trong việc củng cố chế độ xã hội và chính trị, trong việc phát triển hơn nữa dân chủ xã hội chủ nghĩa, đã đạt được những thành tựu vĩ đại. Sự đoàn kết vĩ đại của các nước xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển và củng cố. Sự hùng cường của phe xã hội chủ nghĩa đang được phát triển. Phe xã hội chủ nghĩa phát huy tác dụng ngày càng to lớn giúp cho toàn bộ sự tiến triển của loài người...

Những người tham dự Hội nghị tuyên bố rằng: các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa sự đoàn kết nhất trí giữa các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, và sẽ bảo vệ sự đoàn kết nhất trí đó như bảo vệ con ngươi của mắt trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và an ninh của các dân tộc, vì thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin”.

Nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh bản công bố của 12 Đảng ở Burarét.

Quan tâm đến tình hình chung của thế giới, nhân dân Việt Nam ta càng quan tâm đến tình hình ở Viễn Đông và Đông Nam Á. Tại đây từ Đại chiến thứ II đến nay, tình hình luôn luôn căng thẳng do hoạt động can thiệp và xâm lược của các nước đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ. Chiến tranh không bao giờ dứt hẳn và nguy cơ một cuộc chiến mới, do đế quốc Mỹ gây nên, đương đe dọa nhân dân các nước ở khu vực này. Nhưng cũng chính tại đây, làn sóng đấu tranh chống đế quốc Mỹ gây chiến và xâm lược cùng tay sai của chúng đang dâng lên với một khí thế vô cùng mạnh mẽ và đã thu được những thắng lợi vang dội. Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Nam Triều Tiên lật đổ Lý Thừa Vãn, và của nhân dân Thổ4 lật đổ Mendơrét, báo hiệu một bước phát triển mới của phong trào nhân dân chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Đặc biệt quan trọng là cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật chống Hiệp ước quân sự Mỹ - Nhật, chống can thiệp Mỹ, chống Kisi tay sai của Mỹ, phản đối Tổng thống Mỹ đến Nhật, cuộc đấu tranh đó với tính chất liên tục và mãnh liệt của nó, với quy mô rộng lớn của nó, có ý nghĩa to lớn đối với tình hình Nhật Bản và có ý nghĩa quốc tế quan trọng. Tất cả phong trào đấu tranh này có sức cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân thế giới càng hăng hái và kiên quyết đứng lên chống đế quốc Mỹ.

Một công cụ của đế quốc Mỹ chuyên làm những hoạt động can thiệp, lật đổ, xâm lược ở các nước Đông Nam Á là khối xâm lược Đông Nam Á. Những phiên họp và những cuộc diễn tập quân sự của khối này được tổ chức liên tiếp ngày càng nhiều trong mấy năm nay. Đế quốc Mỹ thường rêu rao rằng chúng cần tăng cường lực lượng và hoạt động của tổ chức quân sự Đông Nam Á để bảo vệ độc lập dân tộc của các nước ở Đông Nam Á. Nhưng hãy xem kỹ những nước quan trọng trong tổ chức này là những nước nào? Đó là Mỹ, Anh, Pháp, đó là những nước đế quốc đã từng xâm lược và nô dịch các nước Đông Nam Á. Để bảo vệ độc lập dân tộc ở Đông Nam Á, trước hết là phải tống cổ bọn đế quốc xâm lược ra khỏi các nước Đông Nam Á, giải tán tổ chức quân sự xâm lược Đông Nam Á.

Nhân dân Việt Nam đặc biệt quan tâm đến tình hình các nước láng giềng, luôn luôn mong muốn củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với các nước ấy.

Đối với Vương quốc Campuchia, nước đã giữ vững chính sách hòa bình trung lập dưới sự lãnh đạo của Quốc trưởng Hoàng thân Xihanúc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lập quan hệ hữu nghị và hai bên đều mong muốn củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ ấy vì lợi ích của hai nước và lợi ích của hòa bình ở Đông Dương. Nhân dân ta và Chính phủ ta kiên quyết ủng hộ chính sách hòa bình trung lập của Campuchia. Chúng ta kịch kiệt phản đối và nghiêm khắc lên án những âm mưu và hoạt động của đế quốc Mỹ và của chính quyền miền Nam can thiệp vào nội chính của Campuchia, gây xung đột ở biên giới, gây áp lực đối với Campuchia, hòng ép buộc Chính phủ Vương quốc từ bỏ chính sách hòa bình trung lập. Trước những hoạt động phi nghĩa của Mỹ - Diệm, toàn thể nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam càng thiết tha tỏ tình hữu nghị thắm thiết của mình với nhân dân Campuchia anh dũng.

Đối với Vương quốc Lào, nhiều lần Chính phủ ta đã tuyên bố quan điểm và thái độ của mình về tình hình Lào và sự can thiệp của đế quốc Mỹ ở Lào. Nhưng đến nay, tình hình Lào vẫn căng thẳng và đế quốc Mỹ vẫn tăng cường can thiệp vào nước Lào. Uy hiếp trực tiếp an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, uy hiếp hòa bình ở Đông Dương. Trước đây khi các hiệp định Vientiane5 được ký kết và đương được thực hiện thì tình hình ở Lào đã có những chuyển biến tốt và chúng ta mong có cơ hội thắt chặt quan hệ hữu nghị với Chính phủ Vương quốc Lào lúc bấy giờ. Nhưng một sự biến chuyển tốt đẹp như vậy không làm cho đế quốc Mỹ hài lòng, chúng bèn can thiệp mạnh vào Lào, tạo nên một thứ đảo chính, lập nên một Chính phủ thân Mỹ, xóa bỏ Hiệp định Giơnevơ và Hiệp định Vientiane, đình chỉ hoạt động của Uỷ ban quốc tế, gây lại nội chiến ở Lào và tăng cường hoạt động gián điệp và khiêu khích ở biên giới Việt Nam. Tình hình căng thẳng hiện nay ở Lào rõ ràng là kết quả của chính sách can thiệp của đế quốc Mỹ. Chúng ta không thể không quan tâm đến tình hình ấy, bởi vì Lào là nước láng giềng của nước ta và chúng ta đã ký kết Hiệp định Giơnevơ về Lào. Chúng ta kiên quyết phản đối sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào Lào, chúng ta kiên quyết đòi Chính phủ Vương quốc Lào phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Vientiane, để ổn định tình hình ở Lào, đồng thời chúng ta kiên trì theo đuổi chính sách hòa bình và hữu nghị với nhân dân Lào.

Nhân dân và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn hết sức thắt chặt tình đoàn kết nhất trí với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô hùng mạnh, đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới theo 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, để góp phần cống hiến của mình vào sự nghiệp giữ gìn và củng cố hòa bình thế giới.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Miền Bắc nước ta đương ở trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta đương tiến hành cuộc cách mạng triệt để nhất, vĩ đại nhất của loài người: cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; một tay chúng ta làm cải tạo xã hội chủ nghĩa, một tay chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là một cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ và bền bỉ, nhưng đầy triển vọng tươi sáng và sẽ mang lại những thắng lợi vẻ vang.

Tinh thần của chúng ta là tinh thần của Cách mạng tháng Tám vĩ đại, của cuộc kháng chiến anh dũng, tinh thần của người chiến sĩ cách mạng xã hội chủ nghĩa, tinh thần phấn đấu vượt mọi khó khăn và lao động quên mình để xây dựng xã hội mới và đời sống mới. Trước mắt, chúng ta phải ra sức đẩy mạnh mọi hoạt động tiến tới. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, vụ chiêm vừa qua vì thiên tai có bị sút kém, thì vụ mùa này chúng ta phải cố gắng gấp bội, quyết giành vụ mùa thắng lợi to lớn để lấy vụ mùa bù vụ chiêm. Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, mặt trận xây dựng cơ bản và các mặt trận khác, chúng ta đều phải vươn lên, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, người người thi đua, ngành ngành thi đua, quyết giành những thành tích tốt đẹp nhất, xuất sắc nhất để mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và để mừng Đại hội của Đảng. Dựa vào đà phấn khởi đó, chúng ta quyết hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1960 và kế hoạch nhà nước ba năm, để chuyển sang kế hoạch 5 năm lần thứ nhất với một khí thế mới.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Quốc hội khóa II trong kỳ họp đầu tiên này sẽ giải quyết nhiều vấn đề rất quan trọng của nước ta, của dân ta, nhằm củng cố thêm một bước nhà nước dân chủ nhân dân, công cụ sắc bén dưới sự lãnh đạo của Đảng, để đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và thực hiện hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Tôi xin thay mặt Chính phủ chúc kỳ họp của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

1. Tiêu đ do chúng tôi đt (BT).

2. Niu Cađôni (BT).

3. Manila th đô Philíppin (BT).

4. Th Nhĩ K (BT).

5. Viêng Chăn - th đô Lào (BT).