THUYẾT TRÌNH CỦA TIỂU BAN NGHIÊN CỨU
BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
(Do ông Nguyễn Minh Vỹ, tức Tôn Thất Vỹ,
thay mặt Tiểu ban trình bày tại kỳ họp thứ nhất,
Quốc hội khoá II, ngày 13-7-1960)
Thưa Quốc
hội,
Tiểu ban chúng tôi đã nghiên cứu
bản báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trước Quốc hội.
Tôi xin thay mặt Tiểu ban trình
bày với Quốc hội những ý kiến của Tiểu ban chúng tôi đối với bản báo cáo.
I- VỀ PHẦN XÂY DỰNG CHỦ
NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC
1- Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn
nhất trí với những nhận định trong bản báo cáo của Chính phủ.
Năm 1960 là một năm có vị trí
quan trọng trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Suốt trong sáu
tháng qua đời sống chính trị ở miền Bắc nước ta vô cùng phong phú và sôi
nổi. Trên cơ sở giáo dục tư tưởng, giáo dục chính trị được tăng cường, phong
trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh và đạt những thành tích và tiến bộ về
tất cả các mặt.
Công cuộc cải tạo xã hội chủ
nghĩa tiếp tục được đẩy mạnh và thu được thành tích quan trọng. Số nông hộ
tham gia hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã chiếm 54% tổng số nông hộ toàn
miền Bắc. Công tác quản lý hợp tác xã đã được cải tiến một bước. Ở miền núi,
cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp kết hợp với hoàn thành cải cách dân chủ
cũng đã được thực hiện ở hơn một nửa số xã, trên 38% nông hộ đã vào hợp tác
xã, số còn lại hầu hết đã vào tổ đổi công. Ở miền biển nửa tổng số hộ đồng
bào làm nghề cá đã vào hợp tác. Trong lúc đó ở thành thị, công cuộc hòa bình
cải tạo thành phần kinh tế tư bản tư doanh đã thu được thắng lợi có tính
chất quyết định: 91% tổng số xí nghiệp công nghiệp, thương nghiệp tư bản tư
doanh đã được cải tạo thành xí nghiệp công tư hợp doanh và xí nghiệp hợp tác
bao gồm 97,5% số công nhân và 97% số vốn đăng ký của công thương nghiệp tư
bản tư doanh.
Trên 70% tổng số người lao động
thủ công trong diện hợp tác hóa và 50% tổng số người buôn bán nhỏ thuộc diện
cải tạo cũng đã được tổ chức lại.
Những bước tiến mới ấy trong công
cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa chứng tỏ trong năm nay tuy còn gặp rất nhiều
khó khăn nhân dân ta có khả năng căn bản hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp
bậc thấp, hợp tác hóa nghề cá, căn bản hoàn thành hợp tác hóa thợ thủ công
và tổ chức lại người buôn bán nhỏ, căn bản hoàn thành việc cải tạo công
thương nghiệp tư bản tư doanh theo hình thức công tư hợp doanh. Những thắng
lợi nói trên đang làm thay đổi một cách sâu sắc cơ cấu xã hội và kinh tế của
miền Bắc nước ta và đã có tác dụng quyết định trong việc phát huy tinh thần
phấn đấu và nhiệt tình lao động của quần chúng, khắc phục những khó khăn và
đạt những thành tích quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước trong
sáu tháng đầu năm.
Về sản xuất nông nghiệp, mặc dù
thời tiết rất bất lợi, chúng ta hạn chế được một phần những thiệt hại do
thiên nhiên gây nên. Về sản xuất công nghiệp, giá trị sản lượng công nghiệp
quốc doanh sáu tháng đầu năm ước tính đạt trên 101% mức kế hoạch sáu tháng
và trên 50% kế hoạch cả năm và tăng trên 33% so với cùng thời gian này năm
ngoái. Ngành Xây dựng cơ bản đã thực hiện được 46% kế hoạch xây lắp cả năm
vượt khối lượng xây lắp sáu tháng đầu năm ngoái khoảng 91%. Các ngành giao
thông vận tải, thương nghiệp, tài chính đều có nhiều cố gắng và tiến bộ
trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, phục vụ sản xuất và xây dựng, phục
vụ đời sống của nhân dân. Công tác văn hóa, giáo dục đã phát triển mạnh,
vượt xa mức kế hoạch; công tác y tế, công tác nghiên cứu khoa học, kỹ thuật
đều có những chuyển hướng tốt.
Những thành tích đó là kết quả
của sự kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa
xã hội, lấy cải tạo xã hội chủ nghĩa làm khâu chính để thúc đẩy công cuộc
xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những thành tích đó biểu hiện
trước hết tính hơn hẳn của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đang được củng
cố và mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Những thành tích ấy cho phép
chúng ta tin tưởng rằng, mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng với cố gắng rất
cao chúng ta có khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay
và kế hoạch 3 năm 1958 - 1960, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc chuyển
sang kế hoạch 5 năm.
2- Đối với những khó khăn nhược
điểm cần phải khắc phục mà Chính phủ đã nêu ra trong bản báo cáo, Tiểu ban
chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí. Tiểu ban chúng tôi đã thảo luận và thấy
cần nhấn mạnh đến một số vấn đề sau đây:
1- Đánh giá kết quả vụ
đông xuân và đẩy mạnh vụ mùa, làm vụ mùa thắng lợi lớn để “lấy mùa bù chiêm”
Đây là một vấn đề đã được thảo
luận nhiều ở các tổ. Tiểu ban chúng tôi đã mời ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
cho biết rõ thêm về tình hình thực tế, trao đổi ý kiến với một số đại biểu
các đoàn trên cơ sở đó Tiểu ban đã thảo luận và đi đến nhất trí về những
điểm sau đây:
a) Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn
nhất trí với nhận định của Chính phủ về vụ đông xuân vừa qua.
Mặc dù thời tiết đặc biệt bất
lợi, diện tích vụ chiêm đã vượt mức kế hoạch 2%, diện tích các cây lương
thực ngang mức 1959.
Năng suất lúa chiêm (bình quân
gần 14 tạ 1 công mẫu) tuy không đạt mức của kế hoạch nhưng vẫn cao hơn vụ
chiêm tốt nhất dưới chế độ cũ năm 1939 (bình quân một công mẫu chỉ 12 tạ 28
cân) còn tổng sản lượng lúa chiêm và hoa màu năm nay tính chung xấp xỉ các
năm 1957, 1958 và cũng cao hơn hẳn những năm tốt nhất trước chiến tranh.
Đó là những thành tích quan
trọng, đạt được là nhờ tinh thần phấn đấu bền bỉ của đồng bào nông dân nhất
là xã viên hợp tác xã chống thiên nhiên, khắc phục rất nhiều khó khăn để hạn
chế tai hại của thiên nhiên.
Những thành tích ấy cũng nói lên
tính chất ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân, của hợp tác xã, của lối làm
ăn tập thể đã giúp cho nông dân phấn đấu với thiên nhiên và hạn chế tai hại
của thiên nhiên.
Đáng chú ý hơn nữa là ngay trong
lúc đó cũng có nhiều xã và huyện đã đạt năng suất 21,22 tạ một công mẫu vượt
mức 1959; điều đó chứng tỏ rằng cùng chung một thời tiết bất lợi, nhưng nếu
chúng ta có dự kiến tình hình, chỉ đạo kịp thời nhạy bén, liên tục phấn
đấu, nắm vững và thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật thì chúng ta có khả
năng hạn chế thiên tai, chiến thắng thiên nhiên hơn nữa.
Tiểu ban chúng tôi nhận thấy cần
phải tăng cường công tác tư tưởng trong cán bộ, trong hợp tác xã và
trong nông dân để làm cho mọi người nhận thức đầy đủ hơn nữa những thuận lợi
và khó khăn của nền nông nghiệp trên miền Bắc nước ta và đánh giá thu
hoạch vụ chiêm một cách toàn diện nhằm phát huy tinh thần phấn đấu cách mạng
để đẩy mạnh công tác sản xuất.
Mặt khác cần nắm vững tình hình
lương thực hiện nay, đánh giá đúng mức những khó khăn trước mắt
một cách thật khách quan sát đúng, không lệch phía này hay phía khác, đồng
thời kịp thời thúc đẩy các biện pháp cần thiết (đẩy mạnh sản xuất các loại
hoa màu ngắn ngày, hoa màu mùa thu, nhất là vụ mùa, làm tốt việc thu mua và
cung cấp lương thực, tiết kiệm lương thực, ổn định giá cả...) để khắc phục
khó khăn.
b) Về việc đẩy mạnh sản xuất vụ
mùa “lấy mùa bù chiêm”, thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả
năm, tiểu ban chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với Chính phủ.
Lấy mùa bù chiêm là một chủ trương
tích cực, thiết thực, một mục tiêu phấn đấu cụ thể, một khẩu hiệu hành động
cách mạng. Cần nhận rõ nội dung “bù” một cách toàn diện: bù bằng cách đẩy
mạnh các biện pháp tăng năng suất, tăng diện tích và tăng vụ, bằng cách lấy
nơi khá bù nơi kém, lấy thứ này bù thứ khác, làm một vụ mùa toàn diện, làm
cho giá trị tổng sản lượng không hụt, không phải đơn thuần lúa bù lúa. Trong
chỉ đạo phải đặt mục tiêu và chỉ tiêu bù cụ thể, có biện pháp thiết thực (bù
thứ gì, bù bao nhiêu, bù bằng cách nào...) tích cực động viên hết mọi khả
năng của nhân dân, dùng đất một cách triệt để nhất làm tốt chừng nào càng
hay, phấn đấu thực hiện trong hoàn cảnh từng địa phương. Cần đặc biệt chú
trọng những tình hình cụ thể từng nơi để chỉ đạo thật sát, nhất là đối với
những nơi vụ chiêm thất bại nặng và hiện nay cũng đang gặp rất nhiều khó
khăn trong khi tiến hành vụ mùa, hoặc là những khâu yếu để chú trọng nâng
lên, như đối với vấn đề chăn nuôi chẳng hạn.
Đề ra chủ trương lấy mùa bù
chiêm, Đảng và Chính phủ đã dựa trên những căn cứ thực tế, qua kinh nghiệm
trong những năm phấn đấu bền bỉ, gian khổ vừa qua: các biện pháp kỹ thuật áp
dụng tốt có khả năng bảo đảm năng suất trong những điều kiện thời tiết bất
lợi; hiện nay vẫn còn khả năng tăng diện tích trong vụ mùa về lúa cũng như
hoa màu, chúng ta cũng đã lấy mùa bù chiêm trong năm 1958 một cách có hiệu
quả, v.v..
Ngoài ra chúng ta có một yếu tố
quyết định là lực lượng quần chúng nông dân có tổ chức ngày càng tăng thêm
(cuối năm nay sẽ căn bản hoàn thành hợp tác hóa bậc thấp). Vì vậy, mặc dù vụ
mùa cũng đang gặp nhiều khó khăn vì thời tiết, cần phải nhận thật rõ, đúng
mức các khó khăn ấy, nhưng nếu có một chuyển biến tư tưởng thật mạnh mẽ
trong cán bộ và nhân dân, biến quyết tâm của Đảng và Chính phủ thành quyết
tâm của toàn thể cán bộ và nhân dân, đồng thời với sự chỉ đạo ngày càng cụ
thể, sắc bén, chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn là có thể vượt qua được
mọi khó khăn sẽ thu hoạch được một vụ mùa thắng lợi lớn.
Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc
hội lưu ý Chính phủ về vấn đề lãnh đạo tư tưởng đồng thời cũng cần phải
đặc biệt chú trọng chỉ đạo cụ thể trong việc thực hiện các biện pháp kỹ
thuật, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của nông dân, của xã
viên hợp tác xã, cùng địa phương. Tóm lại, cần phải có sự nỗ lực chủ quan
cho đúng mức, nâng cao quyết tâm, tập trung lực lượng, chúng ta mới có thể
vượt qua mọi khó khăn, tranh thủ một vụ mùa thắng lợi.
c) Tiểu ban chúng tôi cũng chú
trọng đặc biệt đến vấn đề đẩy mạnh hợp tác hóa trong vụ mùa hiện nay.
Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với
nhận định của Chính phủ trong việc đánh giá phong trào hợp tác xã qua vụ
đông xuân: hợp tác xã đã qua thử thách của vụ đông xuân một cách thắng lợi.
Thật vậy, tính chất hơn hẳn của hợp tác xã
không phải chỉ chứng minh trên lý luận mà đã được chứng minh ngay trong cuộc
sống, trong phấn đấu chống thiên nhiên. Tuy thu hoạch lúa chiêm không đạt
mức của kế hoạch, nhưng sản lượng của hợp tác xã nói chung vẫn cao hơn sản
lượng các thửa ruộng ở ngoài hợp tác xã (trừ một số trường hợp không phải là
phổ biến), nông dân đã thấy rõ chỉ có lực lượng tập thể mới đủ sức chống lại
và chiến thắng thiên tai, giữ vững và đẩy mạnh sản xuất, ổn định và cải
thiện đời sống.
Lòng tin tưởng của nông dân vào
hợp tác xã so với trước được củng cố hơn. Tỷ số người tạm thời xin ra hợp
tác xã so với thời gian sau các vụ khó khăn trước ít hơn và hiện nay nếu có
1 người muốn ra hợp tác xã thì bên cạnh đó có 5 người xin vào (theo báo cáo
bổ sung của Chính phủ).
Hơn bao giờ hết, chính qua những
khó khăn trong phấn đấu với thiên nhiên mà chúng ta lại càng phải nhận thức
thật đầy đủ tính chất quan trọng bậc nhất của nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản
xuất trong nông thôn. Tuy vậy chúng ta đang đứng trước rất nhiều khó khăn,
hợp tác xã lại là một sự vật mới, chế độ sở hữu mới đó đang làm nẩy ra những
vấn đề mới cần được nghiên cứu giải quyết kịp thời về các mặt tư tưởng, tổ
chức, quản lý, chính sách để củng cố, nâng cao chất lượng của nó.
Tiểu ban đề nghị Quốc hội lưu ý
Chính phủ có biện pháp giải quyết tốt và kịp thời những vấn đề đó để ra sức
phát huy tác dụng của hợp tác xã trong việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng
suất lao động, đẩy mạnh sản xuất phát triển để đẩy mạnh phong trào hợp tác
hóa tiến lên mạnh mẽ và vững chắc, có thể căn bản hoàn thành hợp tác hóa bậc
thấp trong năm nay.
Riêng đối với miền núi cần chú
trọng hiện tượng phát triển không đều giữa các địa phương, và những nhược
điểm khó khăn khác hơn đồng bằng để có sự chỉ đạo sát, giúp đỡ tích cực hơn.
Tóm lại, những năm phấn đấu trong
sản xuất nông nghiệp vừa qua và trong vụ đông xuân gần đây đã cho ta những
bài học rất lớn: chúng ta có khả năng chiến thắng thiên nhiên, hạn chế tai
hại của thiên nhiên. Cần phải làm cho tất cả cán bộ và nông dân nhận rõ khả
năng ấy, đồng thời nhận rõ những khó khăn rất lớn và lâu dài trên con đường
phát triển sản xuất nông nghiệp trong tình trạng kinh tế lạc hậu của nước ta
còn phải đối phó rất chật vật với thiên nhiên để đoàn kết, phát huy cao độ
tinh thần phấn đấu cách mạng đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa nông nghiệp và
phong trào cải tiến kỹ thuật sản xuất, cố gắng rất cao vươn lên khắc phục
mọi khó khăn, đưa nền nông nghiệp của chúng ta phát triển toàn diện mạnh mẽ
và vững chắc.
2. Ngoài vấn đề sản
xuất nông nghiệp, tiểu ban chúng tôi cũng đã đề cập đến các mặt khác trong
việc thực hiện kế hoạch nhà nước sáu tháng đầu năm
Tiểu ban
chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Chính phủ trong việc đánh giá những tiến bộ
mới trong thực hiện kế hoạch sáu tháng đầu năm cũng như về phương hướng khắc
phục những khó khăn nhược điểm còn lại để hoàn thành và hoàn thành vượt mức
kế hoạch. Tiểu ban chúng tôi thấy cần nhấn mạnh thêm mấy điểm sau đây:
a) Sáu tháng vừa qua đã chứng
kiến một phong trào thi đua sản xuất sôi nổi và liên tục trong công nghiệp,
phát huy thêm nhiều sáng kiến, nâng cao sản xuất lao động của nhiều ngành
quan trọng.
Để tiếp tục bồi dưỡng và mở rộng
phong trào, đi đôi với việc tiếp tục tăng cường giáo dục tư tưởng, nâng cao
giác ngộ chính trị cho công nhân, tiểu ban chúng tôi thấy cần phải đặc biệt
chú trọng ra sức tiếp tục cải tiến tổ chức, lãnh đạo, lề lối làm việc của
các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, cần phải có những biện pháp cụ thể,
tích cực nhằm giải quyết những khó khăn hiện nay đang làm trở ngại cho việc
tăng năng suất như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu ra và các tổ cũng đã
phát hiện thêm như vấn đề điều hòa nguyên vật liệu, vấn đề bảo đảm an toàn
lao động, vấn đề công nghiệp trung ương có trách nhiệm hướng dẫn và giúp đỡ
cho công nghiệp địa phương, v.v..
b) Tiểu ban chúng tôi thấy cũng
cần phải tiếp tục đặt mạnh hơn nữa vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí
tham ô, vì tình hình lãng phí tham ô hiện nay vẫn còn là một tình trạng rất
đáng chú ý do công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội ngày càng mở rộng, trong
lúc đó thì trình độ quản lý của chúng ta còn kém, tinh thần trách nhiệm còn
chưa được nâng cao đúng mức. Chúng ta hoan nghênh những cố gắng của Chính
phủ trong thời gian vừa qua, tán thành phương hướng do Chính phủ đề ra là
tăng cường việc quản lý bằng cách quy định các chế độ quản lý, kiểm tra việc
thực hiện chế độ, đồng thời tiếp tục thường xuyên tăng cường giáo dục để
chống lãng phí tham ô một cách tích cực, có hiệu quả hơn.
II- VỀ VẤN ĐỀ ĐẤU TRANH
THỐNG NHẤT NƯỚC NHÀ
Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất
trí với những điểm phân tích và nhận định tình hình trong bản báo cáo của
Chính phủ về sự phát triển của tình hình thế giới có liên quan đến cuộc đấu
tranh thống nhất nước nhà của nhân dân ta, về bản chất và âm mưu của đế quốc
Mỹ, về tính chất chính nghĩa, tất thắng và sự lớn mạnh của phong trào đấu
tranh chống Mỹ - Diệm của đồng bào ta ở miền Nam.
Trong tình hình thế giới ngày nay
có những biểu hiện hòa hoãn khá rõ rệt và quan trọng so với trước do lực
lượng so sánh đã nghiêng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa, do chính sách hòa bình
và chung sống của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa được sự đồng tình ủng
hộ của phần lớn nhân dân các nước trên thế giới. Nhưng bản chất xâm lược và
gây chiến của đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ vẫn không thay đổi và đó là nguyên
nhân sâu xa của sự căng thẳng và chiến tranh.
Vì vậy, đấu tranh chống đế quốc
Mỹ là một cuộc đấu tranh cách mạng trọng yếu bậc nhất của nhân dân thế giới,
là một cuộc đấu tranh bền bỉ gian khổ nhưng nhất định thắng lợi.
Phối hợp với phong trào chung của
thế giới, để thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta phải kiên quyết đấu tranh và
bền bỉ đấu tranh chống đế quốc Mỹ vì đế quốc Mỹ là kẻ thù của nhân dân thế
giới, đồng thời cũng là kẻ thù của nhân dân ta.
Hiện nay do chính sách xâm lược
và gây chiến của đế quốc Mỹ trên thế giới ngày càng trắng trợn, phong trào
đấu tranh của nhân dân các nước bị Mỹ nô dịch hiện đang lên mạnh. Thái độ
kiên quyết của Liên Xô đối với việc Mỹ cho máy bay do thám xâm phạm không
phận của Liên Xô, lập trường kiên quyết của Liên Xô đối với hội nghị cấp cao
nhất và hội nghị giải trừ quân bị, v.v., những cơn bão táp gần đây ở Nam
Triều Tiên, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản đang làm cho bọn đế quốc Mỹ và tay sai bị
cô lập hơn bao giờ hết.
Ở miền Nam nước ta do phong trào
đấu tranh của nhân dân ngày càng mạnh cho nên bọn Mỹ - Diệm cũng bị cô lập
thêm, nhưng chúng vẫn ra sức khủng bố, đàn áp nhân dân, đánh lừa dư luận và
vu cáo miền Bắc đã tổ chức hoạt động lật đổ chính quyền của chúng ở miền
Nam, hòng dọn đường cho khối xâm lược Đông Nam Á can thiệp.
Tiểu ban nhiệt liệt tán thành quan điểm của
Chính phủ nhận định phong trào quần chúng hết sức rộng rãi đang phẫn nộ
chống lại Mỹ - Diệm một cách bền bỉ, quyết liệt và ngày càng mạnh mẽ, chính
là hậu quả của âm mưu xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ và tội ác của
chính quyền Ngô Đình Diệm, chính là hậu quả của những tai họa chồng chất mà
chúng đã đưa lại cho đồng bào miền Nam. Đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm càng
khủng bố tàn sát bao nhiêu, càng chồng chất tội ác bao nhiêu thì sức đoàn
kết và đấu tranh của nhân dân càng mạnh bấy nhiêu, cũng như không một lực
lượng phản động nào có thể ngăn cản được. Nhân dân ta ở miền Nam đã nói lên
điều này một cách giản dị nhưng rất đanh thép: tức nước thì vỡ bờ. Chúng
chẳng chừa ai? Ai không chống lại chúng?
Chúng ta kịch liệt lên án âm mưu tăng cường
quân sự chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam, cực lực
phản đối bè lũ Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ khủng bố tàn sát đồng
bào ta ở miền Nam, đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam, đòi bọn Mỹ -
Diệm phải chấm dứt ngay các cuộc càn quét đẫm máu, đòi thủ tiêu đạo luật
phát xít 10-59, đòi giải tán các khu trù mật, dinh điền, các trại tập trung
giết người, đòi chính quyền miền Nam phải tôn trọng và thi hành đúng đắn
Hiệp định Giơnevơ.
Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh
tinh thần đoàn kết đấu tranh anh dũng kiên quyết và bền bỉ của đồng bào miền
Nam ruột thịt chống Mỹ - Diệm.
Những thắng lợi của đồng bào đã
hàng ngày hàng giờ cổ vũ thúc giục chúng ta trên miền Bắc hăng hái thi đua
trong lao động sản xuất, trong mọi mặt công tác để xây dựng miền Bắc, đưa
miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất
nước nhà, rút ngắn ngày đau khổ của đồng bào miền Nam.
Tiểu ban
chúng tôi hoàn toàn nhất trí với thái độ của Chính phủ nghiêm khắc phê phán
những kết luận gần đây của đại biểu Ấn Độ và Canađa trong Uỷ ban Quốc tế đã
bất chấp sự phản kháng kịch liệt của đại biểu Ba Lan lấy đa số dung túng cho
chính quyền miền Nam thi hành luật 10-59 để trả thù những người kháng chiến
cũ, hãm hại mọi người yêu nước ở miền Nam, và tán thành cho phái đoàn quân
sự Mỹ MAAG đưa thêm nhân viên quân sự vào miền Nam nhằm phá hoại nghiêm
trọng Hiệp định Giơnevơ.
Chúng ta đòi Uỷ ban Quốc tế phải
làm đúng nhiệm vụ của mình là gìn giữ hòa bình và bảo đảm cho mọi điều khoản
của Hiệp nghị Giơnevơ được thi hành nghiêm chỉnh.
Tiểu ban chúng tôi đề nghị Quốc
hội biểu dương lòng yêu nước, ý chí bất khuất, tinh thần anh dũng và bền bỉ
của đồng bào miền Nam từ 6 năm nay đã giữ vững và phát triển phong trào yêu
nước, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Diệm ở miền Nam.
Trước sức đoàn kết đấu tranh kiên
quyết và bền bỉ của toàn dân ta, được sự đồng tình ủng hộ và phối hợp của
nhân dân thế giới, đế quốc Mỹ nhất định sẽ bị tống cổ ra khỏi miền Nam, bè
lũ Ngô Đình Diệm nhất định sẽ bị đánh đổ, miền Nam thân yêu của chúng ta
nhất định sẽ được giải phóng, Tổ quốc thân yêu của chúng ta nhất định sẽ
thống nhất.
III- VỀ TÌNH HÌNH QUỐC TẾ
VÀ CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO
Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn nhất
trí với đường lối và hoạt động ngoại giao của Chính phủ nhằm góp phần tăng
cường sự đoàn kết nhất trí của phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng
đầu, mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước Á - Phi và kiến lập quan hệ với
tất cả các nước dựa trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình.
Chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh
bản thông báo của 12 Đảng ở Bucarét nói lên sự đoàn kết nhất trí hơn bao giờ
hết trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô vĩ đại đứng đầu.
Chúng ta tán thành lập trường,
thái độ đúng đắn và kiên quyết của Liên Xô đối với Hội nghị cấp cao nhất
cũng như đối với Hội nghị giải trừ quân bị.
Chúng ta hoan nghênh nhiệt liệt
phong trào đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ở Nam Triều Tiên, Thổ
Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, ở châu Mỹ La tinh, nhất là ở Cuba. Chúng ta hoan nghênh
phong trào độc lập dân tộc chống chủ nghĩa thực dân ở châu Phi đang vùng lên
mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chúng ta kiên quyết ủng hộ chính
sách hòa bình trung lập của Campuchia, kịch liệt phản đối những âm mưu và
hoạt động của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm can thiệp vào nội chính của
Campuchia hòng ép Chính phủ Vương quốc từ bỏ chính sách hòa bình trung lập,
chúng ta thiết tha tỏ tình hữu nghị với nhân dân Campuchia.
Chúng ta kiên quyết phản đối sự
can thiệp của đế quốc Mỹ vào Lào, đòi Chính phủ Vương quốc Lào phải nghiêm
chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ và các hiệp định Viên Chăn.
*
*
*
Thưa Quốc
hội,
Chúng ta họp kỳ họp đầu tiên của
Quốc hội khóa II vào lúc tình hình trong nước và trên thế giới đều phát
triển thuận lợi cho ta.
Quốc hội sẽ thông qua bốn đạo
luật căn bản và tổ chức nhà nước, sẽ bầu ra những người phụ trách các cơ
quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Những công việc ấy sẽ làm cho Nhà
nước chúng ta được kiện toàn hơn nữa, thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của nhân
dân ta ở miền Bắc, ở miền Nam, tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà
nước 1960 và kế hoạch 3 năm để tạo điều kiện thuận lợi chuyển sang kế hoạch
5 năm lần thứ nhất, ra sức củng cố miền Bắc, đẩy mạnh đấu tranh thống nhất
nước nhà.
Trong tinh thần phấn khởi ấy,
Tiểu ban chúng tôi đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với những nhận định,
chủ trương trong báo cáo của Chính phủ và đề nghị Quốc hội nhất trí và nhiệt
liệt thông qua bản báo cáo ấy.
Chúng tôi xin trình Quốc hội bản
nghị quyết sau đây về bản báo cáo của Chính phủ, đề nghị Quốc hội thông qua.