BÀN VỀ LẬP HIẾN

TS. Vũ Hồng Anh

  Đại học Luật Hà Nội

1. Sự hình thành thiết chế giám sát Hiến pháp trên thế giới

Trong ngôn ngữ pháp lý, “giám sát Hiến pháp” được hiểu là hoạt động giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm kiểm tra tính phù hợp với Hiến pháp của các văn bản do các cơ quan nhà nước ban hành.

Trong lịch sử nhà nước và pháp luật của thế giới, tư tưởng giám sát Hiến pháp (bảo hiến) được hình thành ở Anh vào thế kỷ thứ 17. Theo đó, Hội đồng Cơ mật có quyền tuyên bố văn bản do cơ quan lập pháp của các thuộc địa Anh ban hành trái với luật của Nghị viện Anh hay pháp luật chung, vì vậy văn bản đó không thể có hiệu lực và cần phải bị bãi bỏ.

Tuy nhiên, tư tưởng giám sát Hiến pháp theo nghĩa hiện hành lần đầu tiên được đề cập tại Hội nghị lập hiến Hoa Kỳ năm 1787, và đặc biệt trong cuộc vận động phê chuẩn Hiến pháp 1787 tại Hội nghị lập hiến. Bằng đa số phiếu tuyệt đối, Hội nghị đã thông qua đề nghị về việc trao cho Tổng thống (không có sự tham gia của Toà án) quyền phủ quyết đối với những dự luật do Quốc hội liên bang thông qua.

Sau đó, một trong những đại biểu tham dự Hội nghị lập hiến - Wilson đã lên tiếng đề nghị Hội nghị bổ sung vào nghị quyết về sự cần thiết phải trao cho cả đại diện của cơ quan tư pháp liên bang quyền bãi bỏ dự luật do Quốc hội thông qua. Theo Wilson, thẩm quyền mà Hiến pháp trao cho thẩm phán trong quá trình xem xét các vụ án cụ thể chưa thật đầy đủ, “bởi lẽ, trong trường hợp khi các đạo luật lại chính là Hiến pháp, nhưng không công bằng, không mang tính xây dựng, thuyết phục, thì thẩm phán không thể gây ảnh hưởng tới những đạo luật này. Trong trường hợp thẩm phán được tham gia vào việc thực hiện quyền kiểm tra, họ sẽ có khả năng phát hiện ra những hạn chế của các đạo luật đó và bày tỏ quan điểm của mình trước những quan điểm sai trái của các nhà lập pháp”[1].

Ủng hộ quan điểm của Wilson, đồng thời làm xoa dịu nỗi lo lắng về khả năng tăng cường thẩm quyền quá mức cho cơ quan hành pháp hoặc tư pháp, T. Madison khẳng định: “Mặc dù được bổ sung cho những thẩm quyền giám sát, vẫn không thể có cơ sở cho sự tăng cường quyền lực quá mức cho cơ quan hành pháp hay cơ quan tư pháp liên bang, ngược lại, cho dù có sự hợp tác giữa hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện quyền giám sát thì Quốc hội liên bang vẫn mạnh hơn tất cả”[2].

Bác bỏ quan điểm cho rằng, việc tạo ra một cơ chế, dù trực tiếp hay gián tiếp, liên minh giữa hai nhánh quyền hành pháp và tư pháp là vi phạm nguyên tắc phân quyền, Madison tuyên bố: “Sự liên minh giữa hai nhánh quyền hành pháp và tư pháp trong việc thực hiện quyền giám sát không vi phạm nguyên tắc phân quyền, ngược lại sự liên minh này lại là phương tiện bảo vệ cần thiết phù hợp với nguyên tắc phân quyền. Kinh nghiệm cho thấy, nguyên tắc phân quyền chỉ được tuyên bố trong Hiến pháp không thôi là chưa đủ, cái cần thiết ở đây là phải tạo ra sự cân bằng giữa các nhánh quyền lực và các lợi ích. Sự cân bằng này sẽ bảo đảm cho những nguyên tắc được tuyên bố trên giấy tờ trở thành hiện thực. Vì vậy tốt nhất là thay vì nỗ lực đưa vào Hiến pháp tư tưởng mỗi nhánh quyền cần phải có vị thế độc lập, bằng việc trao cho các nhánh quyền đó một số quyền hạn nhất định tự bảo vệ. Những quyền hạn này sẽ bảo đảm việc hiện thực hoá tư tưởng phân quyền trong cuộc sống. Như vậy, chúng ta không hoà trộn toàn bộ các nhánh quyền với nhau, chúng ta chỉ tạo ra hàng rào để bảo đảm cho các nhánh quyền được phân chia một cách độc lập”[3]. Để minh chứng cho lập luận trên đây, Madison đã viện dẫn Hiến pháp Anh, coi đây là một mô hình của cơ chế hoạt động của nguyên tắc phân quyền, trong đó mỗi nhánh quyền trong phạm vi nhất định có khả năng kiểm soát nhánh quyền khác, như vậy cũng sẽ đồng thời tham gia vào thực hiện một số quyền hạn của nhánh quyền đó. Madison còn lưu ý các đại biểu rằng, Hội nghị đã thông qua điều khoản cho phép cơ quan hành pháp tham gia vào quá trình lập pháp. Bởi vậy, bất cứ ý kiến nào phản đối sự tham gia của thẩm phán vào hoạt động giám sát đều không xác đáng, cũng giống như sự phê phán không xác đáng chống lại quyền phủ quyết của tổng thống, trong trường hợp ngược lại sẽ dẫn đến việc từ bỏ tư tưởng giám sát.

Cuối cùng, bằng đa số phiếu tán thành, Hội nghị đã thông qua sửa đổi do Wilson đề nghị, trao cho toà án chức năng giám sát.

Hamilton cũng bác bỏ quan điểm rằng việc cho phép toà án tuyên bố tính hợp hiến của văn bản luật đồng nghĩa với việc trao cho nó thẩm quyền lập pháp  như Quốc hội liên bang. A. Hamilton cho rằng, trong quá trình xem xét các vụ việc cụ thể, toà án có trách nhiệm phải tuân thủ đạo luật cao nhất của nhà nước và có quyền từ chối áp dụng những văn bản luật trái với đạo luật cao nhất đó. Trong điều kiện của nhà nước liên bang Mỹ, đạo luật cao nhất đó là Hiến pháp, văn bản thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân về các nguyên tắc của chế độ chính trị và nhà nước, trong khi đó các luật thường do cơ quan đại diện thông qua chỉ là văn bản của những người đại diện tạm thời của nhân dân được trao cho những quyền hạn hạn chế, trong đó không có quyền thay đổi và sửa đổi chính Hiến pháp.

Việc chuyển hoá tư tưởng giám sát tư pháp Hiến pháp từ những quy định trong Hiến pháp vào thực tiễn có sự đóng góp đặc biệt quan trọng của John Marshall. Năm 1803, trong vụ án William Marbury chống James Madison, John Marshall, lúc bấy giờ là Chánh án Toà án tối cao Hoa Kỳ, đã phán quyết xác lập quyền của Toà án tối cao xem xét lại tính hợp hiến của bất kỳ văn bản luật nào của Quốc hội liên bang hay của cơ quan lập pháp các tiểu bang, bằng tuyên bố Hiến pháp liên bang là đạo luật cao nhất của đất nước và vì vậy, bất cứ văn bản luật nào do Quốc hội ban hành trái với Hiến pháp, có thể bị toà án tuyên bố là không hợp hiến[4].

Theo gương Hoa Kỳ, các nước Brazin (1891), Uruguay (1917) lần lượt xác lập quyền bảo hiến của toà án.

Ở châu Âu, trước chiến tranh thế giới thứ hai, theo mô hình của Hoa Kỳ, các nước như Na Uy, Hy Lạp, và một số bang của Thuỵ Sĩ cũng thiết lập quyền bảo hiến của toà án.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nước châu Âu đã xây dựng mô hình giám sát tư pháp Hiến pháp riêng của mình. Người khởi xướng ra mô hình giám sát tư pháp Hiến pháp đó là luật sư người Đức Hans Kelsen.

Quan điểm của H.Kelsen đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp nước Cộng hoà Áo 1920. Các học giả Áo đã gắn tên tuổi của H. Kelsen với sự xuất hiện trong Hiến pháp Áo năm 1920 thiết chế giám sát tư pháp tính hợp hiến của các đạo luật - Toà án Hiến pháp.

Để xây dựng mô hình của thiết chế giám sát tư pháp Hiến pháp, các học giả châu Âu dựa trên nền tảng của 3 luận thuyết cơ bản sau: luận thuyết về tính thống nhất, luận thuyết về tính hệ thống, luận thuyết về pháp luật tự nhiên (luận thuyết khế ước xã hội).

Tuy nhiên, ở đây cần phải nhận thấy rằng, sự cần thiết phải thiết lập thiết chế giám sát Hiến pháp xuất phát từ tính chất thứ bậc của các quy phạm pháp luật, mà tính thứ bậc của các quy phạm này lại phụ thuộc phần nhiều vào tính thứ bậc của hệ thống các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Một điểm đáng lưu ý nữa là thiết chế giám sát Hiến pháp chỉ có thể được thiết lập ở những nước có pháp luật thành văn, trong đó có Hiến pháp thành văn, Hiến pháp với tư cách là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác. 

2. Đối tượng của quyền giám sát Hiến pháp

Ở các nước trên thế giới, đối tượng của quyền giám sát Hiến pháp bao gồm những vấn đề sau:

Thứ nhất, các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thấp hơn Hiến pháp. Trong số các văn bản luật do Nghị viện ban hành thậm chí cũng có thứ bậc của nó. Ví dụ, các đạo luật Hiến pháp và các luật tổ chức thường có hiệu lực cao hơn các luật khác. Trong trường hợp này, việc kiểm tra tính phù hợp của các luật khác đối với đạo luật Hiến pháp và luật tổ chức cũng thuộc phạm vi của hoạt động giám sát Hiến pháp.

Trong trường hợp luật được thông qua bởi cuộc trưng cầu ý dân, thì không đòi hỏi sự kiểm tra tính hợp hiến của văn bản luật đó. Bởi lẽ, trưng cầu ý dân là hình thức cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân, thể hiện chủ quyền nhân dân.

Thứ hai, các văn bản, điều ước trong nội bộ quốc gia[5]. Ví dụ, điều ước giữa chính quyền trung ương với chính quyền địa phương, điều ước giữa chính quyền liên bang với chính quyền của các chủ thể liên bang về phân định thẩm quyền; văn bản thoả thuận giữa các nhánh quyền lực nhà nước (đầu tháng 12/2002, giữa cơ quan lập pháp và cơ quan hành pháp Ukraina đã đạt được thoả thuận về sự phân chia quyền lực, điều đó bảo đảm cho chính phủ có khả năng thực hiện chiến lược cải cách kinh tế trong những năm tới).

Thứ ba, đối với nhiều nước, Hiến pháp xác định ưu thế của pháp luật quốc tế đối với pháp luật quốc gia, thì đối tượng của hoạt động giám sát Hiến pháp còn là sự phù hợp giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước với các điều ước quốc tế mà quốc gia đó ký kết hoặc gia nhập.

Trong trường hợp điều ước quốc tế mâu thuẫn với chính bản thân Hiến pháp thì vấn đề này được giải quyết ra sao? Hiến pháp của một số nước lường định trước khả năng phát sinh mâu thuẫn giữa điều ước quốc tế và Hiến pháp, đồng thời quy định hướng giải quyết. Ví dụ, Điều 95 của Hiến pháp Tây Ban Nha năm 1978 quy định: "Việc ký kết điều ước quốc tế bao hàm những điều khoản trái với Hiến pháp này chỉ được tiến hành sau khi sửa đổi Hiến pháp; Chính phủ hay một trong hai viện của nghị viện có thể yêu cầu Toà án bảo hiến quyết định có sự mâu thuẫn giữa điều ước quốc tế với Hiến pháp hay không".

Điều 54 của Hiến pháp Cộng hoà Pháp quy định: "Trong trường hợp Hội đồng Bảo hiến, theo đề nghị của Tổng thống Cộng hoà hoặc của Thủ tướng Chính phủ hay một trong hai viện của Nghị viện, tuyên bố rằng điều ước quốc tế bao hàm những điều khoản trái với Hiến pháp, thì việc quyết định đưa điều ước quốc tế đó ra phê chuẩn hay phê duyệt chỉ được tiến hành sau việc sửa đổi Hiến pháp".

Thứ tư, hành vi của những người giữ các cương vị quan trọng của nhà nước cũng có thể là đối tượng của hoạt động giám sát Hiến pháp. Những người này có thể là tổng thống, thủ tướng chính phủ, thành viên của chính phủ, thẩm phán toà án...

Việc xác định hành vi không hợp hiến của các quan chức nhà nước nêu trên thường dẫn đến sự phế truất quan chức đó khỏi chức vụ đang đảm nhận. Thủ tục xem xét tính hợp hiến hành vi của các quan chức nhà nước giống như thủ tục Impeachment (luận tội) được áp dụng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên cơ sở để luận tội theo thủ tục Impeachment không nhất thiết phải là hành vi không hợp hiến.

Hiến pháp của một số nước lại quy định điều khoản bảo vệ người đứng đầu nhà nước khỏi đối tượng của quyền giám sát Hiến pháp (Hiến pháp Việt Nam năm 1946, Hiến pháp Anh...)

Thứ năm, ở một số nước, tổ chức xã hội được trao cho thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thì văn bản và hoạt động của tổ chức đó cũng trở thành đối tượng của quyền giám sát Hiến pháp. 

3. Phân loại quyền giám sát Hiến pháp

Trên cở sở các tiêu chí khác nhau, quyền giám sát Hiến pháp có thể được chia thành các loại khác nhau.

Tiền giám sát và hậu giám sát

Căn cứ vào thời gian tiến hành hoạt động giám sát Hiến pháp, quyền giám sát Hiến pháp được chia thành: tiền giám sáthậu giám sát.

- Tiền giám sát là hoạt động kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật trước khi văn bản đó có hiệu lực pháp lý (trước khi được công bố).

- Hậu giám sát là hoạt động kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực pháp lý và hoạt động của các quan chức nhà nước có thẩm quyền. 

Giám sát bên trong và bên ngoài

Cách phân chia này căn cứ vào vị trí thực hiện hoạt động giám sát, quyền giám sát Hiến pháp được chia thành giám sát bên tronggiám sát bên ngoài.

- Giám sát Hiến pháp bên trong là hoạt động giám sát tính hợp hiến của văn bản do chính cơ quan ban hành văn bản đó ban hành. Ví dụ giám sát của Quốc hội Việt Nam, Cu Ba, Trung Quốc.

- Giám sát bên ngoài là hoạt động giám sát tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành được thực hiện bởi cơ quan nhà nước khác. Giám sát bên ngoài thông thường là hoạt động hậu giám sát, vì vậy những dự án luật không thuộc đối tượng của quyền giám sát bên ngoài.

Giám sát chính trị và giám sát tư pháp

Cách phân chia này căn cứ vào kết quả của hoạt động giám sát.

- Giám sát chính trị là hoạt động giám sát tính hợp hiến của văn bản hay hành vi chỉ mang tính chất kiểm tra nhắc nhở chứ không gắn với hậu quả pháp lý (không quy kết trách nhiệm pháp lý).

- Giám sát tư pháp gắn với hậu quả pháp lý. Ví dụ, việc cơ quan giám sát Hiến pháp tuyên bố một văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với Hiến pháp sẽ dẫn đến việc chấm dứt hiệu lực pháp lý của văn bản đó.

 Thông thường quyền giám sát Hiến pháp mang tính chất tư pháp.

Giám sát bắt buộc và giám sát không bắt buộc

Cách phân chia này căn cứ vào sáng kiến thực hiện.

- Giám sát bắt buộc được nói đến trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật buộc phải được cơ quan giám sát Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến trước khi ban hành (trước khi có hiệu lực).

- Giám sát không bắt buộc là hoạt động giám sát của cơ quan bảo hiến thực hiện theo yêu cầu của chủ thể có thẩm quyền.

Đa số các trường hợp giám sát Hiến pháp là giám sát không bắt buộc.

Giám sát trừu tượng và giám sát cụ thể

Cách phân chia này căn cứ vào hình thức thực hiện.

- Giám sát trừu tượng là hoạt động kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật mà không gắn với bất cứ một vụ việc nào. Tất cả các hoạt động tiền giám sát là giám sát trừu tượng (chứ không ngược lại).

- Giám sát cụ thể là loại giám sát được thực hiện gắn với một vụ việc cụ thể (thông thường là vụ kiện), mà kết quả của việc giải quyết vụ việc này cần phải thông qua quyết định bằng văn bản để xác định tính hợp hiến của vụ việc đó. Vì vậy giám sát cụ thể thường là hậu giám sát.

Nếu như giám sát trừu tượng cho phép cơ quan bảo hiến có một cái nhìn tổng thể về mối quan hệ giữa văn bản quy phạm pháp luật với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất và tính nhất quán của hoạt động giám sát, đáp ứng yêu cầu của nguyên tắc phân chia quyền lực, thì giám sát cụ thể cho phép cơ quan bảo hiến có khả năng bảo vệ các quyền con người, quyền công dân một cách linh hoạt và hữu hiệu nhất.

Giám sát toàn bộ và giám sát một phần

Căn cứ vào đối tượng giám sát, quyền giám sát Hiến pháp được chia thành giám sát toàn bộgiám sát một phần.

- Giám sát toàn bộ là hoạt động giám sát Hiến pháp trùm toàn bộ các mối quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp.

- Giám sát một phần là hoạt động giám sát Hiến pháp liên quan đến một lĩnh vực nhất định. Ví dụ, lĩnh vực quyền con người và quyền công dân, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.

Giám sát hình thức và giám sát nội dung

Căn cứ vào nội dung của hoạt động giám sát Hiến pháp, quyền giám sát Hiến pháp được chia thành giám sát hình thứcgiám sát nội dung.

- Giám sát hình thức là hoạt động kiểm tra việc tuân thủ những yêu cầu, điều kiện của Hiến pháp đối với văn bản quy phạm pháp luật, tức là kiểm tra văn bản đó có phải do cơ quan có thẩm quyền ban hành hay không, và việc ban hành có tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục hay không.

- Giám sát nội dung là hoạt động kiểm tra nội dung của văn bản hay quy phạm pháp luật có phù hợp với quy định của Hiến pháp hay không.

Ex tunc và  Ex nunc

Căn cứ vào hiệu lực theo thời gian(hiệu lực hồi tố), quyền giám sát Hiến pháp được chia thành  Ex tunc và  Ex nunc.

- Ex tunc có nghĩa là quyết định của cơ quan bảo hiến về tính không hợp hiến của văn bản hay quy phạm pháp luật có hiệu lực hồi tố, vì vậy văn bản hay quy phạm pháp luật bị tuyên bố là vi hiến sẽ bị coi là không có hiệu lực kể thời điểm ban hành. Như vậy các mối quan hệ pháp luật phát sinh hay hình thành trên cơ sở văn bản hay quy phạm đó sẽ bị bãi bỏ, quay trở lại nguyên trạng như trước khi ban hành văn bản hay quy phạm đó. Các cơ quan nhà nước hữu quan phải bồi thường thiệt hại do việc ban hành văn bản hay quy phạm đó gây ra.

Việc áp dụng Ex tunc gây ra nhiều phiền toái, nhiều khi vượt ra ngoài khả năng của các cơ quan hữu quan, nhất là trong trường hợp văn bản hay quy phạm đã có hiệu lực trong một thời gian tương đối dài.

- Ex nunc có nghĩa là quyết định về tính không hợp hiến của văn bản hay quy phạm pháp luật không có hiệu lực hồi tố. Kể từ ngày tuyên bố về tính không hợp hiến của văn bản hay quy phạm thì chúng sẽ không có hiệu lực nữa. (Những hậu quả pháp lý đã phát sinh trước thời điểm những văn bản quy phạm này bị tuyên là không hợp hiến vẫn được thừa nhận).

4. Cơ quan giám sát Hiến pháp

Tuỳ theo quy định của Hiến pháp, cơ quan thực hiện quyền giám sát Hiến pháp có thể là: người đứng đầu nhà nước, nghị viện, chính phủ, toà án có thẩm quyền chung, toà án hành chính (trong phạm vi thẩm quyền giải quyết các vụ việc hành chính), cơ quan chuyên môn như Toà án Hiến pháp hay Hội đồng Bảo hiến.

Thứ nhất, quyền giám sát Hiến pháp được thực hiện bởi tổng thống, nghị viện, chính phủ hay cơ quan trực thuộc (không phải là cơ quan tư pháp) là hoạt động giám sát Hiến pháp mang tính chính trị, bởi lẽ những cơ quan này thực hiện các hoạt động chính trị. Chúng được thành lập theo nhiệm kỳ bằng phương pháp bầu cử hay bổ nhiệm. Việc tiến hành cuộc bầu cử mới sẽ làm thay đổi một phần hay toàn bộ thành phần của cơ quan. Điều đó dẫn đến việc thay đổi việc thực hiện các quyết định chính trị. Vì vậy hoạt động giám sát loại này thường được thực hiện để giải quyết những nhiệm vụ chính trị thường nhật.

Có thể lấy ví dụ loại hình giám sát chính trị ở Cộng hoà Pháp. Theo Hiến pháp năm 1799 và năm 1852, Thượng viện thực hiện quyền giám sát Hiến pháp. Theo Hiến pháp năm 1946, Uỷ ban giám sát Hiến pháp gồm Tổng thống, Chủ tịch hai viện và 10 thành viên khác do Tổng thống là Chủ tịch. Trong số 10 thành viên đó, 7 do Quốc hội (Hạ viện) bầu, 3 do Hội đồng Cộng hoà (Thượng viện) bầu.

 Thứ hai, quyền giám sát Hiến pháp được thực hiện bởi cơ quan tư pháp. Trên thế giới hiện nay có hai mô hình thực hiện quyền giám sát tư pháp Hiến pháp.

Mô hình Hoa Kỳ

Theo mô hình này, quyền giám sát Hiến pháp được thực hiện bởi toà án có thẩm quyền chung.

Trong trường hợp toà án xác nhận văn bản luật không hợp hiến, vụ việc sẽ được chuyển lên Toà án tối cao. Toà án tối cao sẽ xem xét và ra quyết định về vấn đề đó. Quyết định của Toà án tối cao có hiệu lực bắt buộc đối với toà án các cấp. Văn bản luật bị tuyên bố là không hợp hiến, về hình thức vẫn tiếp tục có hiệu lực, tuy nhiên các toà án sẽ thôi không áp dụng nội dung của văn bản trong hoạt động xét xử nữa. Như vậy, về hình thức, văn bản luật bị tuyên bố là không hợp hiến vẫn còn hiệu lực, nhưng trên thực tế thì mất hiệu lực pháp lý. Điều này dẫn đến là cơ quan hành pháp không thể đưa văn bản vi hiến đó vào thực tế, và cơ quan ban hành ra văn bản đó - Nghị viện phải ra quyết định bãi bỏ văn bản đó.

Nếu như ở Achentina, Hoa Kỳ, Nauy, Nhật Bản, bất cứ toà án nào cũng có quyền  kiểm tra tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật, thì ở một số nước như Ấn Độ, Áo, Manta, thẩm quyền này chỉ thuộc Toà án tối cao.

Mô hình châu Âu

Theo mô hình này, một cơ quan chuyên trách được thành lập để thực hiện hoạt động giám sát Hiến pháp - cơ quan tư pháp Hiến pháp. Cơ quan đó có tên gọi là Toà án Hiến pháp (Italy), Hội đồng Bảo hiến (Ba Lan, Pháp), Toà án Hiến pháp Liên bang (Đức, Nga), Toà án Hiến pháp tối cao (Ai Cập).

Cơ quan tư pháp Hiến pháp thực hiện hoạt động giám sát trừu tượng; trong một số trường hợp thực hiện cả hoạt động giám sát cụ thể.

Ở một số nước, cơ quan tư pháp Hiến pháp còn thực hiện một số quyền hạn khác như giải thích Hiến pháp, giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, tham gia phế truất người đứng đầu nhà nước. 

5. Thủ tục hoạt động của cơ quan giám sát Hiến pháp

Pháp luật của các nước đều bao hàm những điều khoản quy định về thủ tục xem xét và giải quyết vụ việc tại toà Hiến pháp. Có hai loại thủ tục: thủ tục chung và thủ tục đặc biệt.

- Thủ tục chung bao hàm thủ tục đệ đơn lên Toà án Hiến pháp do chủ thể có thẩm quyền thực hiện; xem xét sơ bộ đơn từ về khả năng chấp nhận hay từ chối thụ lý đơn thư; tổ chức gặp gỡ đại diện của nguyên đơn và bị đơn; tiến hành thu thập thông tin chứng cứ cần thiết; mời nhân chứng, giám định; tiến hành xem xét vụ việc, biểu quyết thông qua quyết định của toà án; công bố quyết định của toà án; trong trường hợp cần thiết, tiến hành xem xét lại vụ việc; giải quyết vấn đề liên quan đến án phí và một số vấn đề khác.

- Thủ tục đặc biệt liên quan đến phạm vi chủ thể có quyền yêu cầu Toà án Hiến pháp xem xét một vấn đề nào đó, tính đặc thù của thủ tục xem xét vấn đề đó, hậu quả đặc thù của quyết định của Toà án.

Ví dụ về thủ tục xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng ở Tây Ban Nha:

Theo quy định của Khoản 1, Điều 162 của Hiến pháp Tây Ban Nha, những chủ thể sau đây có sáng quyền yêu cầu Toà án Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của văn bản quy phạm pháp luật: Thủ tướng Chính phủ, Cao uỷ về quyền con người, 50 đại biểu hạ viện, 50 đại biểu thượng viện, cơ quan lập pháp, hành pháp của cộng đồng tự trị địa phương.

Ngoài ra, theo quy định của Luật tổ chức Toà án Hiến pháp, trong quá trình xem xét một vụ việc cụ thể, thẩm phán có thể đặt vấn đề về tính hợp hiến của văn bản quy phạm nào đó.

Trong đơn khởi kiện về tính không hợp hiến của văn bản cần ghi rõ những thông tin về nguyên đơn và đại diện của nguyên đơn (nếu có), thông tin về văn bản, nội dung của những quy phạm bị coi là vi hiến;

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Toà án Hiến pháp chuyển bản copy cho các viện của nghị viện, cho Chính phủ thông qua Bộ Tư pháp. Nếu văn bản tranh chấp của cộng đồng tự trị - chuyển cho cơ quan lập pháp và hành pháp của cộng đồng đó. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, các cơ quan nêu trên có trách nhiệm xem xét nội dung vấn đề và cho ý kiến của mình về vấn đề đó, đồng thời cử người đại diện cho cơ quan tham gia phiên toà. Toà án Hiến pháp xem xét và thông qua quyết định trong vòng 10 ngày, trong trường hợp cần thiết là 30 ngày.

Quyết định của Toà án Hiến pháp có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các cơ quan công quyền (trung ương, địa phương). Quyết định của Toà án Hiến pháp có hiệu lực kể từ khi được công bố chính thức trên công báo.

Trường hợp Toà án Hiến pháp tuyên bố văn bản không vi phạm Hiến pháp thì quyết định đó là quyết định cuối cùng, toà án không xem xét lại vấn đề đó lần thứ hai.    

Quyết định của Toà án Hiến pháp về tính không hợp hiến của văn bản dẫn đến việc chấm dứt hiệu lực của văn bản đó cũng như những vấn đề phát sinh trên cơ sở của văn bản./.   


* Nghiên cứu Lập pháp, số 12(35), tháng 12/2003.

**Hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[1] Xem: Notes of Debates in the Federal Convention of 1787, Reported by James Madison/ Ed. A.Koch, N.Y. 1969, p. 336,337.

[2] Xem. Notes of Debates in the Federal Convention of 1787, sđd, p. 340,341.

[3] Xem. Notes of Debates in the Federal Convention of 1787, sđd, p. 340, 341.

[4] Xem: Từ điển về chính quyền và chính trị Hoa Kỳ, Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 566, 567.

[5] Sự ký kết giữa Nhà nước Liên bang Nga với chủ thể của Nhà nước Liên bang như Cộng hoà Chesnia về Quy chế riêng cho chủ thể này - Tg.