VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

NGHỊ QUYẾT SỐ 6-NQ/TVQH NGÀY 29-8-1960
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ TẶNG THƯỞNG
HUÂN CHƯƠNG KHÁNG CHIẾN, ĐỘC LẬP, HỒ CHÍ MINH, SAO VÀNG
CHO CÁC CÁ NHÂN, TẬP THỂ CÓ NHIỀU CÔNG LAO, THÀNH TÍCH
TRONG KHÁNG CHIẾN; ĐẶT THÊM HUY CHƯƠNG KHÁNG CHIẾN,
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ KHEN THƯỞNG

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
(PHIÊN HỌP THỨ 3)

 

Căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;

Để biểu dương thành tích kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam, nhằm phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc và động viên toàn thể nhân dân hăng hái hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới;

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

1- Tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao vàng cho các cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các ngành Dân, Chính từ Trung ương đến cơ sở, kể cả du kích xã và thường dân, cho các tập thể và các địa phương đã có nhiều công lao và thành tích trong kháng chiến.

2- Đặt thêm Huy chương Kháng chiến để tặng thưởng những công lao và thành tích dưới mức thưởng Huân chương Kháng chiến.

3- Phương pháp khen thưởng sẽ do Điều lệ quy định(*)

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH

 


 

ĐIỀU LỆ KHEN THƯỞNG
VỀ THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN NHÂN DỊP KỶ NIỆM
LẦN THỨ 15 NGÀY THÀNH LẬP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

 

Điều 1. Việc xét thưởng tổng kết giai đoạn kháng chiến cho những cán bộ, công nhân, viên chức từ trung ương đến cơ sở kể cả du kích xã sẽ căn cứ vào thành tích đã cống hiến của mỗi người thể hiện trên thời gian tham gia kháng chiến kết hợp với thời gian hoàn thành chức vụ và trên điều kiện công tác tích cực và liên tục cho đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, không phạm sai lầm lớn kể từ ngày tham gia kháng chiến cho đến nay.

Điều 2. Huân chương Kháng chiến hạng nhất tặng thưởng:

- Cán bộ lãnh đạo cấp trung ương của Nhà nước và cán bộ lãnh đạo chuyên trách cấp trung ương của các đoàn thể.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu, khu, cán bộ cấp liên khu ủy, khu ủy đã hoàn thành tốt chức trách từ một năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

- Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu, khu, Bí thư và Phó Bí thư các đoàn thể ở liên khu, khu đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh, tỉnh, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp liên tỉnh ủy, tỉnh ủy đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

Điều 3. Huân chương Kháng chiến hạng nhì tặng thưởng:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh, tỉnh, cán bộ cấp liên tỉnh ủy, tỉnh ủy đã hoàn thành tốt chức trách từ một năm trở lên, và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

- Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính liên tỉnh, tỉnh, Bí thư, Phó Bí thư các đoàn thể liên tỉnh, tỉnh đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện ủy đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên.

Điều 4. Huân chương kháng chiến hạng ba tặng thưởng:

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện, cán bộ cấp huyện ủy, Bí thư các đoàn thể huyện đã hoàn thành tốt chức trách từ một năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ ba năm trở lên hoặc từ hai năm trở lên nếu là ở hậu địch.

- Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện đã hoàn thành tốt chức trách từ ba năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ ba năm trở lên hoặc đã hoàn thành tốt chức trách từ hai năm trở lên và đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ hai năm trở lên ở hậu địch.

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp ủy xã, cán bộ chỉ huy trong Ban xã đội, trong Ban công an xã đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên, hoặc từ ba năm trở lên nếu là ở hậu địch.

- Công nhân viên thuộc các ngành chính quyền và đoàn thể từ huyện trở lên đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ bảy năm trở lên hoặc từ năm năm trở lên nếu là ở hậu địch.

Điều 5. Huy chương Kháng chiến hạng nhất tặng thưởng:

- Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, cán bộ cấp ủy xã, cán bộ chỉ huy trong Ban xã đội, trong Ban công an xã đã hoàn thành tốt chức trách từ ba năm trở lên, hoặc từ hai năm trở lên nếu là ở hậu địch.

- Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành các đoàn thể xã, nhân viên chuyên nghiệp công tác giao thông, liên lạc và cán bộ phụ trách công tác địch vận ở xã đã hoàn thành tốt chức trách từ bốn năm trở lên hoặc từ ba năm trở lên nếu là ở hậu địch.

- Công nhân viên thuộc các ngành chính quyền và đoàn thể từ huyện trở lên, đội viên thanh niên xung phong đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ năm năm trở lên, hoặc từ ba năm trở lên nếu là ở hậu địch và các đội viên du kích đã hoàn thành tốt chức trách từ năm năm trở lên hoặc từ ba năm trở lên nếu là ở hậu địch.

Điều 6. Huy chương Kháng chiến hạng nhì tặng thưởng:

- Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính xã, cán bộ cấp ủy xã, cán bộ trong Ban chỉ huy xã đội, trong Ban công an xã đã hoàn thành tốt chức trách từ một năm trở lên.

- Uỷ viên thường vụ Ban chấp hành các đoàn thể xã, các nhân viên chuyên nghiệp công tác giao thông liên lạc và cán bộ phụ trách công tác địch vận ở xã đã hoàn thành tốt chức trách từ hai năm trở lên, hoặc từ một năm trở lên nếu là ở hậu địch.

- Công nhân viên thuộc các ngành chính quyền và đoàn thể từ huyện trở lên, đội viên thanh niên xung phong đã chuyên hoạt động phục vụ kháng chiến từ ba năm trở lên hoặc từ hai năm trở lên nếu là ở hậu địch và các đội viên du kích đã hoàn thành tốt chức trách từ ba năm trở lên hoặc từ hai năm trở lên nếu là ở hậu địch.

Điều 7. Đối với các cán bộ khác thuộc các ngành, các cấp chưa nêu trong các điều nói trên thì sẽ khen thưởng theo tiêu chuẩn tương đương.

Điều 8. Đối với những người đã từ trần, thì căn cứ theo tiêu chuẩn đã quy định trên đây mà truy tặng.

Đối với những liệt sĩ đã hy sinh trong chiến đấu hoặc trong công tác thì căn cứ theo chức vụ lúc hy sinh mà truy tặng.

Đối với những người vì công tác hoặc vì chiến đấu mà bị thương tật, tàn phế do đó phải nghỉ công tác trước ngày 20 tháng 7 năm 1954, thì căn cứ theo chức vụ lúc nghỉ công tác mà xét thưởng.

Điều 9. Đối với những người đã được khen thưởng thành tích kháng chiến từ khi hòa bình lập lại, nếu thấy còn thấp thì đổi lại Huân chương hạng cao hơn, nếu đúng với tiêu chuẩn mới thì giữ y như cũ.

Đối với những người đã được tặng thưởng Huân chương các loại trong thời kỳ kháng chiến về thành tích đột xuất, thì nay xét thưởng thêm về thành tích tổng kết giai đoạn kháng chiến.

Điều 10. Đối với những người có những cống hiến to lớn trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, thì ngoài Huân chương và Huy chương kháng chiến, sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà xét định tặng thưởng các loại Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập.

Điều 11. Đối với nhân dân và các tập thể, các địa phương có công trong kháng chiến sẽ tùy từng trường hợp cụ thể mà xét định tặng thưởng.

Điều 12. Việc tặng thưởng các loại Huân chương do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định. Việc tặng thưởng các hạng Huy chương kháng chiến do Hội đồng Chính phủ quyết định.


 

Điều lệ này đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 9 năm 1960, để đính theo Nghị quyết số 6 ngày 29 tháng 8 năm 1960 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

KT. Chủ tịch
Phó Chủ tịch
HOÀNG VĂN HOAN

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.


 

* Xem Điều lệ khen thưởng kèm theo Nghị quyết này.

 

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH