VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP II 1960 - 1964

NỘI QUY TẠM THỜI CỦA CÁC KỲ HỌP QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ KHOÁ II
(Thông qua tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá II, ngày 6-7-1960)

 

I- VỀ CHỦ TỊCH ĐOÀN - THƯ KÝ ĐOÀN CÁC UỶ BAN
CỦA QUỐC HỘI - CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Điều 1 . Chủ tịch đoàn của kỳ họp Quốc hội gồm từ 18 đến 25 đại biểu Quốc hội.

Quốc hội bầu Chủ tịch đoàn bằng cách giơ tay và theo danh sách do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị.

Điều 2 . Chủ tịch đoàn có nhiệm vụ:

1. Điều khiển kỳ họp Quốc hội;

2. Bảo đảm việc thực hiện chương trình nghị sự của kỳ họp;

3. Bảo đảm trật tự của kỳ họp.

Điều 3 . Chủ tịch đoàn cử ra Thường vụ Chủ tịch đoàn để triệu tập và điều khiển Hội nghị Chủ tịch đoàn.

Chủ tịch đoàn cử người làm Chủ tịch điều khiển các phiên họp Quốc hội.

Điều 4 . Thư ký đoàn của kỳ họp Quốc hội gồm từ 5 đến 7 đại biểu Quốc hội.

Quốc hội bầu Thư ký đoàn bằng cách giơ tay và theo danh sách do Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị.

Thư ký đoàn bầu ra Trưởng đoàn. Trưởng đoàn điều khiển công tác của Thư ký đoàn và làm thư ký hội nghị Chủ tịch đoàn.

Điều 5 . Thư ký đoàn có nhiệm vụ:

1. Làm biên bản kỳ họp và biên bản các phiên họp Quốc hội, làm thông cáo về các phiên họp Quốc hội và các công tác cần thiết khác do Chủ tịch đoàn giao cho.

2. Điều khiển công tác văn thư của Quốc hội trong kỳ họp.

3. Giữ gìn và bảo vệ các tài liệu của kỳ họp Quốc hội cho đến khi giao lại cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 6 . Quốc hội bầu Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu, Uỷ ban dự án pháp luật, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách và các Uỷ ban cần thiết khác.

Quốc hội bầu Chủ nhiệm và các Uỷ viên Uỷ ban bằng cách giơ tay và theo danh sách do Chủ tịch đoàn đề nghị.

Điều 7 . Trong các kỳ họp Quốc hội, các Uỷ ban báo cáo và nêu ý kiến của mình về các dự án do Chủ tịch đoàn hay Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao cho thẩm tra để Quốc hội thảo luận và quyết định.

Điều 8 . Mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương (tỉnh, liên tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương) cử ra một Trưởng đoàn. Những đoàn đông người có thể cử Phó Trưởng đoàn và thư ký.

Trưởng đoàn triệu tập và điều khiển các cuộc họp của Đoàn.

Trong kỳ họp Quốc hội, nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương có thể họp lại thành một tổ để thuận tiện cho việc trao đổi ý kiến. Mỗi tổ cử ra tổ trưởng và tổ phó điều khiển các cuộc trao đổi ý kiến của tổ và liên lạc với Chủ tịch đoàn và Thư ký đoàn.

II- VỀ CÁCH LÀM VIỆC CỦA QUỐC HỘI

Điều 9 . Khi Quốc hội họp công khai thì công chúng và các nhà báo có thể đến dự thính theo sự phân phối giấy dự thính của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Khi Quốc hội họp kín thì việc công bố nội dung các phiên họp kín do Chủ tịch đoàn quyết định và nếu Quốc hội đã bế mạc thì do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm giữ bí mật về các việc đã bàn trong các phiên họp kín.

Điều 10 . Trong kỳ họp đầu tiên của khóa Quốc hội, Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu dựa vào giấy chứng nhận trúng cử và vào các tài liệu khác có liên quan đến việc bầu cử, tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội và báo cáo kết quả thẩm tra để Quốc hội quyết định về tư cách đại biểu Quốc hội.

Điều 11 . Trường hợp có nghi ngờ về giá trị của việc bầu cử của một đại biểu Quốc hội và phải tiến hành điều tra, thì trong thời gian tiến hành điều tra, đại biểu Quốc hội đó tạm thời không có quyền biểu quyết.

Điều 12 . Danh sách những người để Quốc hội bầu vào các chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội do các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội địa phương và thường vụ Chủ tịch đoàn cùng nhau trao đổi ý kiến và đề nghị.

Điều 13 . Quốc hội bầu Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong một danh sách có ghi rõ chức vụ từng người: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và các Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Điều 14 . Quốc hội bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định cử Thủ tướng Chính phủ bằng cách bỏ phiếu kín.

Để kiểm phiếu, Quốc hội cử ra một Ban kiểm phiếu theo danh sách do Chủ tịch đoàn đề nghị.

Điều 15 . Quốc hội cử Phó Chủ tịch và những thành viên khác của Hội đồng Quốc phòng, cử Phó Thủ tướng và những thành viên khác của Hội đồng Chính phủ bằng cách giơ tay.

Điều 16 . Đại biểu Quốc hội xin phát biểu ý kiến tại chỗ bằng cách giơ số thứ tự của mình. Đại biểu Quốc hội xin phát biểu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội bằng cách ghi tên trước và báo Chủ tịch đoàn biết trước về vấn đề phát biểu.

Trình tự phát biểu ý kiến do Chủ tịch đoàn quyết định. Thời gian phát biểu ý kiến tại chỗ không quá năm phút; thời gian phát biểu ý kiến tại diễn đàn Quốc hội không quá mười lăm phút. Đại biểu Quốc hội muốn phát biểu ý kiến dài hơn phải được sự đồng ý của Chủ tịch đoàn.

Điều 17 . Chủ tịch đoàn, đại biểu Quốc hội, các Uỷ ban của Quốc hội có thể đề nghị kết thúc cuộc thảo luận. Quốc hội quyết định về đề nghị này bằng cách biểu quyết, không thảo luận.

Điều 18 . Đại biểu Quốc hội, khi thấy có vấn đề cần chất vấn Hội đồng Chính phủ hoặc cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ để Hội đồng Chính phủ hoặc cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ trả lời trước Quốc hội thì ghi rõ lời chất vấn gửi đến Chủ tịch đoàn.

Chủ tịch đoàn nghiên cứu lời chất vấn, chuyển lời chất vấn đến cơ quan bị chất vấn và ấn định ngày giờ để cơ quan bị chất vấn trả lời. Trường hợp vấn đề chất vấn thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước thì Quốc hội có thể, theo đề nghị của Chủ tịch đoàn, quyết định việc trả lời sẽ tiến hành trong một phiên họp kín hoặc miễn trả lời.

Điều 19 . Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ tham gia các kỳ họp và các phiên họp Quốc hội. Trường hợp không thể tham gia một kỳ họp, đại biểu Quốc hội phải có lý do chính đáng và phải báo trước với Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trường hợp không thể tham gia một phiên họp, thì phải có lý do chính đáng và phải báo trước với Chủ tịch đoàn.

Điều 20 . Đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ chấp hành nội quy của Quốc hội và tôn trọng trật tự của kỳ họp.

III- VỀ TÀI LIỆU VÀ VĂN KIỆN CỦA QUỐC HỘI

Điều 21 . Thư ký đoàn lập biên bản tóm tắt cho kỳ họp Quốc hội và biên bản chi tiết cho mỗi phiên họp Quốc hội.

Trong biên bản tóm tắt chỉ ghi quá trình diễn biến của kỳ họp; trong biên bản chi tiết phải ghi đầy đủ những ý kiến phát biểu trong phiên họp.

Bản chính của các văn bản đã được đọc trước Quốc hội phải đính theo biên bản chi tiết.

Biên bản tóm tắt của kỳ họp do Chủ tịch đoàn và Trưởng đoàn thư ký ký tên; biên bản chi tiết của mỗi phiên họp do Chủ tịch phiên họp và Trưởng đoàn thư ký ký tên.

Điều 22 . Những tài liệu mật đã phát cho đại biểu Quốc hội để tham khảo trong các cuộc thảo luận sẽ được thu hồi khi các cuộc thảo luận đó kết thúc. Đại biểu có trách nhiệm phải trả lại và phải giữ bí mật về nội dung các tài liệu này.

Điều 23 . Những văn kiện sau đây của Quốc hội được đăng vào Công báo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa:

1. Biên bản tóm tắt về kỳ họp Quốc hội.

2. Các đạo luật và các nghị quyết của Quốc hội.

3. Các lời tuyên bố, hiệu triệu, thư, điện văn của Quốc hội.

Việc đăng các văn kiện khác của Quốc hội vào Công báo do Chủ tịch đoàn của kỳ họp hoặc do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.


Nội quy tạm thời này đã được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 6 tháng 7 năm 1960 * .

 

TM. THƯ KÝ ĐOÀN

TRẦN ĐÌNH TRI

 

TM. CHỦ TỊCH ĐOÀN
Chủ tịch điều khiển phiên họp

TÔN ĐỨC THẮNG


* Bản Nội quy này được thông qua tại phiên họp trù bị của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, ngày 6-7-1960.

 

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chủ tịch

TRƯỜNG CHINH

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.