VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BẢN CHỈ DẪN TÊN NGƯỜI

 

Tại kỳ họp thứ nhất, ngày 3 tháng 7 năm 1964, Quốc hội khóa III, đã bầu ông Trường Chinh giữ chức Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị: Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Thị Thập giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần (2-9-1969), ngày 22 tháng 9 năm 1969, Quốc hội đã tiến hành kỳ họp đặc biệt thứ 5 để truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh và bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước. Kết quả bầu cử là 100% số đại biểu Quốc hội có mặt (361/361) đã bầu ông Tôn Đức Thắng giữ chức Chủ tịch nước và ông Nguyễn Lương Bằng giữ chức Phó Chủ tịch nước.

Trong Tập I, Tập II, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, chúng tôi đã giới thiệu tiểu sử của các vị: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Văn Hưởng Trong
Tập III, Văn kiện Quốc hội Toàn tập này, chúng tôi xin giới thiệu về Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thập (BT).

NGUYỄN LƯƠNG BẰNG (1904 - 1979)

Quê quán: thôn Đông, xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống yêu nước.

Khi lớn lên, vì nhà nghèo, ông phải bỏ học, đi làm công nhân tàu biển.

Năm 1925, ở Quảng Châu, ông gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Người giác ngộ cách mạng, rồi gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Sau đó, ông được tổ chức phái về nước hoạt động cách mạng tại các thành phố Hải Phòng và Sài Gòn.

Năm 1928, ông trở lại hoạt động ở Hương Cảng, Quảng Châu, Thượng Hải (Trung Quốc). Tại đây ông gia nhập An Nam Cộng sản Đảng (một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng ta).

Năm 1931, ông bị mật thám Pháp bắt đưa về nước, bị chúng kết án 20 năm khổ sai.

Năm 1932, ông vượt ngục Hỏa Lò (Hà Nội), tiếp tục hoạt động cách mạng.

Năm 1933, ông lại bị thực dân Pháp bắt, bị kết án tù chung thân và bị đầy đi nhà tù Sơn La. Năm 1943, ông lại vượt ngục ra hoạt động.

Qua mấy lần bị địch bắt, bị tù đày, tra tấn cực kỳ dã man, ông vẫn một lòng giữ vững khí tiết cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện, tham gia tổ chức và lãnh đạo đấu tranh trong nhà tù đế quốc.

Năm 1943, ông được Đảng chỉ định làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác tài chính và công tác binh vận của Đảng; đồng thời được phân công hoạt động trong Mặt trận Việt Minh giữ chức Chủ nhiệm của Tổng bộ.

Năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào (Tuyên Quang), ông được công nhận là ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội Quốc dân Tân Trào (các ngày 16, 17 tháng 8 năm 1945) đã bầu ông vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam.

Từ sau Cách mạng tháng Tám đến năm 1979, ông lần lượt được cử giữ những trọng trách như: Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của nước ta tại Liên Xô, Tổng Thanh tra của Chính phủ, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.

Tại các Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (1951), lần thứ III (1960) của Đảng, ông tiếp tục được bầu làm ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI.

Qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, ông đã không ngừng phấn đấu, nêu cao lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với dân và ý chí cách mạng kiên cường, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng: khiêm tốn, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, xứng đáng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta và nhiều Huân chương cao quý khác.

NGUYỄN THỊ THẬP (1908 - 1996)

Bà tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, quê quán: làng Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Long Hưng, quận Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Bà xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo.

Năm 1931, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong phong trào cách mạng ở tỉnh Mỹ Tho.

Tháng 4 năm 1935, bà được bầu làm ủy viên Xứ ủy Nam kỳ. Một tháng sau, bà bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn Sài Gòn. Mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, nhưng bà vẫn trung kiên, một lòng một dạ trung thành với cách mạng. Năm 1936, bà được ra tù và tiếp tục hoạt động cách mạng ở ba tỉnh: Mỹ Tho, Tân An, Bến Tre.

Tháng 4 năm 1937, bà đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân xã Long Hưng chống thuế thân rồi bị địch bắt tù 6 tháng. Ra tù, bà lại tiếp tục hoạt động, tham gia chuẩn bị và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở một số địa phương ở Nam Kỳ (11-1940). Sau đó, bà tiếp tục hoạt động để gây dựng lại tổ chức Đảng ở các tỉnh: Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sa Đéc.

Bà tích cực tham gia chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa (8-1945). Bà được cử đi dự Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang). Nhưng do đường sá xa xôi, khó khăn nên khi vừa đặt chân đến Thủ đô thì Đại hội đã kết thúc và cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã giành được thắng lợi rực rỡ ở Hà Nội. Sau khi nhận nhiệm vụ mới do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao, bà trở về miền Nam để hoạt động.

Từ năm 1947 đến năm 1952, bà là Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc Nam bộ, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ cứu quốc Nam bộ. Sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954) một thời gian, tháng 11 năm 1954 bà được tập kết ra miền Bắc.

Từ năm 1955 đến năm 1981, bà lần lượt đảm nhận các trọng trách: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Việt Nam kiêm Trưởng Ban Phụ vận Trung ương, Chủ tịch danh dự Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bà là đại biểu Quốc hội liên tục 6 khóa (từ khóa I đến khóa VI), Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ khóa III đến khóa VI (1964-1981). Bà được bổ sung làm ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 8 năm 1955) và được bầu làm ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng (các khóa III, IV).

Bà đã được trao tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Bà còn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, để ghi nhận những đóng góp của một người vợ, người mẹ có chồng và hai con hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.