VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BÁO CÁO VỀ CUỘC ĐI THĂM HỮU NGHỊ
NƯỚC CỘNG HÒA INĐÔNÊXIA CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU
QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA,
TỪ NGÀY 14 ĐẾN NGÀY 31-8-1964

 

Nhận lời mời của Quốc hội hợp tác nước Cộng hòa Inđônêxia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta đã quyết định cử một Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa Inđônêxia.

Đoàn gồm có các đồng chí: Trường Chinh, Trần Đăng Khoa, Chu Văn Tấn, Trần Xuân Bách, Đỗ Xuân Hợp, Bùi Thị Cẩm, Trần Đình Tri, Huỳnh Văn Tiểng.

Cùng đi theo để giúp việc cho Đoàn có 12 cán bộ, gồm một bác sĩ, một lễ tân, một bí thư, hai phiên dịch, ba bảo vệ, một nhiếp ảnh, hai quay phim, một bí thư của Trưởng đoàn.

Trước khi Đoàn đi, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra yêu cầu của cuộc đi thăm này như sau:

Đây là một cuộc đi thăm đầu tiên của Quốc hội ta tại Inđônêxia để phát triển thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước và đáp lễ cuộc đi thăm nước ta hồi tháng 9-1963 của Đoàn đại biểu Quốc hội hợp tác Inđônêxia, do Phó Chủ tịch Quốc hội Lúcman dẫn đầu.

Trong cuộc đi thăm này, ta sẽ cố gắng nói lên tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân ta đối với nhân dân Inđônêxia, biểu thị sự đồng tình và ủng hộ của ta đối với cuộc đấu tranh của nhân dân và Nhà nước Inđônêxia chống Liên bang Malaixia, nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, xây dựng một nền kinh tế quốc dân độc lập và tự chủ; ủng hộ mặt trận dân tộc Inđônêxia lấy Nasakom làm trục; ủng hộ cuộc đấu tranh để giành độc lập của nhân dân Bắc Kalimantan; và ủng hộ việc triệu tập Hội nghị Á - Phi lần thứ hai và những chủ trương nhằm đoàn kết nhân dân Á -Phi chống chủ nghĩa đế quốc thực dân.

Mặt khác, ta hết sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của bạn đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, bảo vệ miền Bắc và đấu tranh để giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

I- HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
(lịch hoạt động kèm theo)

Đoàn đại biểu Quốc hội ta rời Hà Nội sáng 14-8-1964, đến Giacácta thủ đô Inđônêxia lúc 11 giờ 30 ngày 15-8-1964. Sau 14 ngày ở thăm Inđônêxia, sáng 29-8-1964 Đoàn đã từ giã Giacácta và 11 giờ ngày 31-8-1964 Đoàn đã trở về đến Hà Nội. Trong thời gian ở Inđônêxia, Đoàn đã có một chương trình hoạt động rất nặng và rất khẩn trương.

Đoàn đã dự các cuộc lễ long trọng, cuộc mít tinh và cuộc biểu tình tuần hành nhân lễ Quốc khánh Inđônêxia.

Đoàn đã có những cuộc gặp gỡ tiếp xúc với hầu hết những nhà lãnh đạo và những nhân vật quan trọng nhất, với nhiều tổ chức nhà nước, và tổ chức chính trị của quần chúng ở Inđônêxia: Tổng thống Xucácnô, Ban lãnh đạo Hội nghị hiệp thương nhân dân, Ban lãnh đạo Quốc hội hợp tác, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn tối cao Xáctônô, các Phó Thủ tướng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều Bộ trưởng trong Chính phủ, lãnh tụ Đảng cộng sản, Đảng quốc dân, Đảng liên hiệp giáo sĩ Hồi giáo, lãnh tụ các tổ chức quần chúng.

Đoàn đã có những cuộc tọa đàm tiếp xúc với nhiều tổ chức của Quốc hội và của quần chúng ở Inđônêxia: tọa đàm với các tiểu ban của Quốc hội, tọa đàm với các đại biểu Mặt trận Nasakom, tiếp xúc với các đoàn thể nhân dân: Hội Inđônêxia - Việt Nam hữu nghị, Uỷ ban bảo vệ hòa bình, Ủy ban đoàn kết Á - Phi, Uỷ ban đoàn kết với nhân dân miền Nam Việt Nam, các đại biểu phụ nữ, Hội nhà báo.

Đoàn đã dự cuộc mít tinh quần chúng trọng thể do Quốc hội hợp tác và Mặt trận Dân tộc Inđônêxia tổ chức chào mừng Đoàn.

Đoàn đã có bốn cuộc nói chuyện với sĩ quan trong quân đội, hai cuộc nói chuyện với sinh viên đại học, một cuộc nói chuyện với đại biểu phụ nữ.

Đoàn đã đi thăm nhiều địa phương ngoài Giacácta: Bôgo, Băng Đung, Gioócgiacácta, Bali, Mêđan và có đến tham quan các nơi thắng cảnh, các công trình văn hóa, các cơ sở sản xuất, có tiếp xúc với đại biểu nhân dân. Ở tất cả các nơi Đoàn đến, Đoàn đều có xem biểu diễn văn nghệ dân tộc.

Đoàn đã dự các cuộc chiêu đãi trọng thể của Quốc hội Inđônêxia, của bà Háctini Xucácnô, của các thủ hiến các địa phương nơi Đoàn đến thăm (riêng đồng chí Trưởng đoàn đã được mời dự cuộc chiêu đãi của Tổng thống nhân ngày Quốc khánh Inđônêxia). Và trước khi kết thúc cuộc đi thăm, Đoàn ta đã mở tiệc chiêu đãi trọng thể.

Ngoài chương trình chung của Đoàn, đồng chí Chu Văn Tấn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Inđônêxia mời riêng đi thăm một số căn cứ và đơn vị của hải, lục, không quân và mời nói chuyện ở bốn Học viện quân sự. Đồng chí Trần Xuân Bách có cuộc tiếp xúc riêng với Tổng thư ký Mặt trận Dân tộc. Đồng chí Bùi Thị Cẩm có cuộc tiếp xúc riêng với các đoàn thể phụ nữ. Đồng chí Huỳnh Văn Tiểng có cuộc tiếp xúc riêng với Hội nhà báo Inđônêxia.

Riêng đồng chí Trưởng đoàn, có gặp và trao đổi ý kiến với Thái tử N. Xihanúc, Quốc trưởng Campuchia đang ở thăm Inđônêxia.

Ngoài các hoạt động trên, Đoàn cũng đã đến thăm cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Đại sứ quán ta ở Inđônêxia.

Tổng cộng trong thời gian ở Inđônêxia Đoàn đã dự:

- 7 cuộc đón tiếp và tiễn đưa lớn có quần chúng, có diễn từ,

- 9 cuộc thăm riêng các nhà chính trị quan trọng ở Inđônêxia,

- 7 cuộc tọa đàm, tiếp xúc với các tổ chức nhà nước và tổ chức quần chúng của bạn,

- 6 cuộc chiêu đãi có diễn văn,

- 1 cuộc mít tinh quần chúng chào mừng Đoàn,

- 2 cuộc nói chuyện với sinh viên,

- 1 cuộc nói chuyện với phụ nữ,

- 4 cuộc nói chuyện với sĩ quan trong quân đội Inđônêxia.

Ngoài ra còn có những cuộc nói chuyện, gặp gỡ đột xuất nhân những cuộc đi thăm ở các địa phương, xí nghiệp, nông trường.

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc, các bài diễn văn, bài nói chuyện của Đoàn, Đoàn đều chú ý tập trung vào các chủ điểm:

1. Biểu dương tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Inđônêxia, và sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Biểu dương truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết của nhân dân Inđônêxia trên cơ sở Nasakom, và cuộc chiến đấu bền bỉ dũng cảm của nhân dân Inđônêxia chống đế quốc, thực dân giành độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ. Ca ngợi những thành quả tốt đẹp của cách mạng Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xucácnô. Nói lên thái độ rõ ràng, dứt khoát của Chính phủ và nhân dân ta triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Inđônêxia nhằm đập tan Liên bang Malaixia, giúp nhân dân Bắc Kalimantan giành độc lập tự do, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ.

2. Giới thiệu cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhằm bảo vệ và xây dựng miền Bắc, giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước. Tố cáo đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, vi phạm Hiệp định Giơnevơ 1954, đặc biệt giải thích rõ những vụ vũ trang khiêu khích của đế quốc Mỹ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 30-7 đến 5-8, và thái độ đối phó của Chính phủ và nhân dân ta. Giới thiệu những thắng lợi của nhân dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng miền Bắc, đặc biệt nhấn mạnh quyết tâm và khả năng của nhân dân ta đánh bại mọi âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ.

3. Cảm ơn sự nhiệt tình ủng hộ của Tổng thống Xucácnô, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đối với cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta.

4. Biểu dương sức mạnh đoàn kết của các lực lượng mới trỗi dậy. Ca ngợi và ủng hộ những cố gắng của Tổng thống Xucácnô và Chính phủ Inđônêxia trong việc đoàn kết các lực lượng mới trỗi dậy.

II- SỰ ĐÓN TIẾP CỦA BẠN

Đoàn đại biểu Quốc hội ta đến thăm Inđônêxia giữa lúc có nhiều điều kiện thuận lợi:

a) Ta đến nhân dịp Quốc khánh Inđônêxia, là lúc quần chúng được huy động đông đảo để dự lễ, Đoàn ta có cơ hội được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng.

b) Ta đến Inđônêxia 10 ngày sau khi miền Bắc nước ta vừa bị Mỹ tấn công khiêu khích và nhân dân ta đã đánh trả lại và chiến thắng vẻ vang. Sự việc đó đang xúc động mạnh mẽ nhân dân Inđônêxia làm cho nhân dân Inđônêxia càng thêm căm thù đế quốc Mỹ và thêm có cảm tình với ta.

c) Ta đến vào lúc hai Chính phủ Việt Nam và Inđônêxia vừa tuyên bố nâng cơ quan đại diện ngoại giao từ Tổng lãnh sự lên Đại sứ, đó là một sự kiện quan trọng đánh dấu một bước tiến lên trong quan hệ giữa hai nước.

d) Đoàn đến vừa lúc đoàn văn công của ta được mời sang biểu diễn ở Inđônêxia, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho việc giới thiệu đất nước và nhân dân ta với Bạn.

đ) Nhưng điều kiện thuận lợi căn bản nhất là nhân dân Inđônêxia đang tiến hành đấu tranh gay gắt chống đế quốc thực dân, giành độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, rất thông cảm và vốn có cảm tình sâu sắc với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Tổng thống Xucácnô, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia thực sự xem nhân dân Việt Nam là người bạn chiến đấu, người anh em thân thiết cùng cảnh ngộ, cùng chiến đấu cho một mục đích chung. Ta cần sự ủng hộ của Bạn và Bạn cũng cần sự ủng hộ của ta trong cuộc đấu tranh chống Liên bang Malaixia, giúp nhân dân Bắc Kalimantan giành tự do độc lập.

Nhờ những điều kiện trên mà cuộc đón tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội ta ngay từ lúc Đoàn mới đặt chân xuống sân bay Giacácta đã tỏ ra rất nhiệt tình, thân mật và trọng thể. Và càng về sau, Bạn và ta càng thông cảm nhau hơn thì cảm tình đối với Đoàn càng tăng và những biểu thị của mối cảm tình đó càng đậm nét.

Ở Giacácta cũng như ở khắp nơi Đoàn đến, Đoàn được đón tiếp theo nghi thức trọng thể nhất của Nhà nước dành cho các phái đoàn Quốc hội từ trước đến nay. Nhiều nơi, đông đảo quần chúng, học sinh, sinh viên, quân đội được huy động để chào mừng Đoàn.

Khi Đoàn đến Giacácta, sân bay đã được trang hoàng băng khẩu hiệu, cờ hai nước để đón Đoàn. Ra sân bay đón Đoàn có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia, một số Bộ, Thứ trưởng, nhiều đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu các đoàn thể nhân dân, Đoàn ngoại giao các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng trăm quần chúng mang cờ băng, rầm rộ vẫy cờ gióng trống thổi kèn để chào mừng Đoàn.

 Trong thời gian ở thăm Inđônêxia, Đoàn đã được Ban lãnh đạo Quốc hội nhận là các đại biểu danh dự của Quốc hội hợp tác Inđônêxia.

Trong các buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Inđônêxia, Trưởng đoàn của ta được mời lên lễ đài ngồi bên cạnh các vị nguyên thủ quốc gia là Tổng thống Xucácnô và Quốc trưởng Xihanúc. Tổng thống Xucácnô đã giới thiệu với nhân dân Inđônêxia rằng đồng chí Trường Chinh là đại diện của Bác Hồ đến dự lễ Quốc khánh.

Ở tất cả các địa phương khác mà Đoàn đến thăm, cuộc đón tiếp cũng rất nhiệt tình và trọng thể: có cờ hai nước, băng, khẩu hiệu, có quần chúng chào mừng Đoàn. Ở tất cả các địa phương Đoàn đều được các vị thủ hiến đón tiếp, chiêu đãi và tự mình hướng dẫn đi thăm các nơi trong địa phương. Trong suốt thời gian Đoàn ở Inđônêxia, luôn luôn có vợ của Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia thay mặt cho chồng vì điều kiện sức khỏe không đi được, một hoặc hai Phó Chủ tịch Quốc hội, năm hoặc sáu đại biểu Quốc hội đi theo hướng dẫn Đoàn.

Đặc biệt trọng thể và nhiệt tình là các cuộc đón tiếp ở Bali và Mêđan. Ở Bali khi Đoàn đến sân bay ngoài các nhân vật và các nghi thức đón tiếp trọng thể, có đoàn vũ nữ tung hoa và biểu diễn mừng Đoàn và dọc theo đường từ sân bay về dinh Thủ hiến hàng nghìn sinh viên và quần chúng được huy động để chào mừng Đoàn. ở Mêđan, Thủ phủ miền Bắc Sumatra là nơi cách Malaixia chỉ một eo biển nhỏ, nơi được nhân dân Inđônêxia xem là tiền đồn của cuộc đấu tranh chống Malaixia, cuộc đón tiếp Đoàn ta đồng thời cũng là một dịp biểu dương tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân. Dọc theo đường dài hơn một cây số rưỡi từ sân bay đến dinh Thủ hiến, lúc đến cũng như lúc đi, học sinh, sinh viên, đặc biệt là dân quân du kích mặc đồng phục đã được huy động, sắp hàng hai bên đường để chào mừng Đoàn.

Nhiệt tình của quần chúng chào mừng Đoàn được biểu thị một cách rất chân thành và rất hồn nhiên. Có nơi như ở Tháp cổ Prambanan, khi Đoàn đến thăm có gặp mấy trăm thanh niên công giáo đi cắm trại ở đấy. Được biết là có Đoàn Việt Nam đến, lập tức thanh niên đã vui vẻ tự động tập hợp thành cuộc mít tinh đột xuất để mừng Đoàn. Đồng chí Trường Chinh nói mấy lời chào mừng và dặn dò thanh niên được các bạn thanh niên nhiệt liệt hoan nghênh.

Đi đôi với mức độ đón tiếp trọng thể, thái độ đón tiếp nồng nhiệt thì thái độ chính trị của Chính phủ và các tầng lớp nhân dân Inđônêxia đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam ta cũng được biểu thị một cách rất rõ ràng, dứt khoát trong cuộc đón tiếp này. Thái độ đó là:

Từ Tổng thống Xucácnô, Chính phủ Inđônêxia, Quốc hội Inđônêxia, các chính đảng trong Mặt trận Nasakom, các đoàn thể nhân dân, ở Trung ương cũng như ở các địa phương đều có cảm tình sâu sắc và triệt để ủng hộ nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, hòa bình thống nhất đất nước. Tất cả đều kiên quyết lên án đế quốc Mỹ vũ trang xâm lược miền Nam, vũ trang khiêu khích phá hoại miền Bắc, ca ngợi sự nghiệp đấu tranh và xây dựng của nhân dân ta. Chính phủ và nhân dân Inđônêxia rất đồng tình với ta rằng kẻ thù chung và đầu sỏ nguy hiểm nhất của hai nước là đế quốc Mỹ. Sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Inđônêxia có quan hệ mật thiết với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, cho nên Chính phủ và nhân dân Inđônêxia rất coi trọng việc tăng cường tình đoàn kết chiến đấu giữa hai nước, rất coi trọng sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Inđônêxia nhằm đập tan Malaixia (1), giúp nhân dân Bắc Kalimantan giành độc lập tự do. Trong bài diễn văn Quốc khánh năm nay, Tổng thống Xucácnô đã nói:

- Về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của ta:

"Hiện nay không chỉ Trung Quốc nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội ở châu Á, mà còn Triều Tiên nhân dân và Việt Nam nhân dân nữa"…

- Về phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân miền Nam Việt Nam:

"Ở miền Nam Việt Nam, hình như số phận của tướng Đờ Lát đơ Tátxini xưa kia đang đè nặng lên các tướng khác, các tướng từ nước ngoài đến. Số phận của họ tuy nhiên cũng chẳng khác gì. Theo nhà báo Úc nổi tiếng Uynphơrét Bớcsét, tác giả cuốn sách tên là "Cuộc chiến tranh mưu trí" mà tôi mới đọc, thì những người nông dân du kích miền Nam Việt Nam, đặc biệt ở đồng bằng sông Mê Kông, được tự trang bị bằng vũ khí Mỹ tối tân nhất, được các huấn luyện viên Mỹ huấn luyện gián tiếp, có thể coi là những người du kích giàu kinh nghiệm nhất thế giới"…

- Về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của ta:

… "Nhưng "Tây Irian" của Triều Tiên và "Tây Irian" của Việt Nam, là miền Nam của những nước này cho tới nay vẫn chưa được tự do. Cách đây ít lâu khi tiếp bà Nguyễn Thị Bình, đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, tôi có chúc nhân dân Việt Nam sớm được thống nhất trong tự do".

- Về việc Mỹ tấn công miền Bắc:

…"Bây giờ Mỹ lại tấn công cả miền Bắc Việt Nam! Nhân dân Việt Nam đương nhiên sẽ kiên quyết chống lại đến cùng như trước kia họ đã chống lại những cuộc tấn công của đế quốc Pháp. Chúng ta không giấu sự đồng tình của chúng ta là ở về phía họ"…"Những vấn đề của châu Á phải do người châu Á giải quyết lấy…".

- Nói về sự giúp đỡ Việt Nam, từ Tổng thống đến các vị lãnh đạo trong Chính phủ đều cho đó là nghĩa vụ. Ông Ápđungani, Bộ trưởng phụ trách khối liên hệ với nhân dân đã phát biểu: giúp đỡ Việt Nam không những là nghĩa vụ mà còn là niềm tự hào và vinh dự. Ông Bộ trưởng Tổng thư ký Mặt trận Dân tộc Inđônêxia còn nói: Nếu lúc tôi sang Việt Nam, đế quốc Mỹ còn tấn công Việt Nam thì tôi sẽ là tình nguyện quân giúp Việt Nam chống Mỹ. Nhiều cuộc mít tinh của nhân dân, như ở Bôgo Mêđan, nhiều tổ chức nhân dân như Mặt trận Dân tộc, thanh niên, học sinh; nhiều tổ chức công nhân như công nhân dầu lửa Stanvac, Caltex, công nhân ngành đường, công nhân xe lửa đã ra tuyên bố, quyết nghị lên án Mỹ xâm lược Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có nơi công nhân đã bãi công 24 tiếng đồng hồ để phản đối Mỹ và tỏ đồng tình với ta.

Có những khẩu hiệu làm cho Đoàn đại biểu Quốc hội rất xúc động như:

"Bảo vệ Việt Nam! Chống xâm lược Mỹ!"

Tóm lại, thái độ của Nhà nước và nhân dân Inđônêxia đối với ta là thái độ ủng hộ mạnh mẽ, không dè dặt, không sợ áp lực của chủ nghĩa đế quốc. Cách nói ở mỗi người, mỗi đoàn thể mỗi khác, nhưng nói chung thái độ là rõ ràng, dứt khoát.

Một điểm đáng nói là trong khi đón tiếp Đoàn ta, rất nhiều nơi, nhiều lần Bạn nhắc đến Bác Hồ, đến Điện Biên Phủ, đến cuộc chiến thắng ngày 5-8 vừa rồi của ta, xem đó là những điểm tiêu biểu nhất để tỏ mối cảm tình đối với nhân dân ta. Tổng thống Xucácnô trong bài diễn văn trọng thể đọc tại cuộc mít tinh của trên một triệu quần chúng ở Giacácta, trong cuộc gặp gỡ riêng với Đoàn cũng đã nhiều lần nhắc đến những việc trên. Tổng thống Xucácnô nói: "Nhân dân Việt Nam và nhân dân Inđônêxia là anh em, là những người đồng chí chiến đấu, cùng chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân, xây dựng một thế giới mới, không có người bóc lột người. Giúp đỡ, ủng hộ Việt Nam là nghĩa vụ. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau… Quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với tôi không chỉ là quan hệ giữa những người lãnh đạo Nhà nước mà còn là quan hệ anh em, quan hệ đồng chí". Đồng chí Aiđích (2) đã ví quan hệ giữa Việt Nam và Inđônêxia khăng khít như răng với môi, như xương với thịt, không thể nào tách ra được. Và bên này đau, bên kia sót và ngược lại. Bà Háctini khi tiếp Đoàn, câu hỏi đầu tiên là hỏi thăm sức khỏe Bác Hồ. Thủ hiến Bali trong buổi chiêu đãi Đoàn đã nhắc đến lời nói của Bác Hồ ở Bali cách đây 5 năm, 5 tháng, 7 ngày.

Biểu hiện tập trung nhất của thái độ của Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta là trong cuộc mít tinh của trên 2.000 quần chúng đại diện cho các tầng lớp nhân dân ở Giacácta do Quốc hội hợp tác và Mặt trận Dân tộc Inđônêxia tổ chức ngày 24-8-1964 để chào mừng Đoàn. Trong cuộc mít tinh này, các vị lãnh đạo của Chính phủ Inđônêxia, của Mặt trận Dân tộc Nasakom, của các đảng phái chính trị và các tổ chức quần chúng đều phát biểu nhất trí lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nói lên sự ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Những người phát biểu trong cuộc mít tinh này là :

- Bộ trưởng Tổng thư ký Mặt trận Dân tộc Inđônêxia Xuđípgiô,

- Bộ trưởng phối hợp Chủ tịch Quốc hội hợp tác Inđônêxia Arútgi,

- Bộ trưởng phối hợp Chủ tịch Đảng quốc dân Inđônêxia Ali Xácxtôamidôgiô,

- Bộ trưởng phối hợp Chủ tịch Đảng Cộng sản Inđônêxia Aiđích,

- Đại diện Đảng liên hiệp giáo sĩ Tôha Narôgơ,

- Tổng Chủ tịch Đảng xúc tiến giáo dục Hồi giáo (Perti) của Inđônêxia và là Tổng Chủ tịch tổ chức Đoàn kết Á - Phi của Inđônêxia Xirátgiútđơn Ápbát,

- Chủ tịch Hội hữu nghị Inđônêxia - Việt Nam Niắc Đioan,

- Bộ trưởng quốc gia Ôêi Tơgiôe Tát thay mặt Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xubanđriô.

Thành phần cuộc mít tinh, thành phần những người phát biểu ở cuộc mít tinh này, cũng như nội dung những lời phát biểu đã nói lên một cách hùng hồn thái độ mến phục, đoàn kết hữu nghị và triệt để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ. Thái độ đó không chỉ là thái độ riêng lẻ của một nhóm người, của một tầng lớp nhân dân nào mà là thái độ của toàn thể Nhà nước, và toàn thể nhân dân Inđônêxia, biểu thị qua lời phát biểu của những người đại diện có uy tín nhất của mình.

Trong cuộc mít tinh này, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ta đã đọc một bài diễn văn dài ca ngợi tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Inđônêxia, cảm ơn sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Inđônêxia, trình bầy những nét lớn về cuộc đấu tranh chính nghĩa, về những thắng lợi đã đạt được và tương lai tất thắng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc, hòa bình thống nhất đất nước. Bài diễn văn của Trưởng đoàn ta đã được toàn thể cuộc mít tinh nhiệt liệt hoan nghênh, và dư luận báo chí Inđônêxia rất tán thành.

Cuộc mít tinh đã thông qua một bản tuyên bố nói lên mối "cảm tình sâu sắc đối với nhân dân Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ và thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, dân chủ theo đúng Hiệp định Giơnevơ". Bản tuyên bố kêu gọi toàn thể nhân dân Inđônêxia tăng cường đấu tranh đập tan Malaixia và cùng với nhân dân Đông Nam Á quét sạch chủ nghĩa đế quốc Mỹ và các chủ nghĩa đế quốc khác ra khỏi khu vực này, kêu gọi các lực lượng mới trỗi dậy trên toàn thế giới tăng cường đoàn kết chống xâm lược của đế quốc ở Đông Nam Á, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia và Lào chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Bản tuyên bố còn nhấn mạnh rằng hiện nay đã đến lúc cần đặt quan hệ chính thức và công khai với cơ quan đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam như là đại diện chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam.

III- NHẬN ĐỊNH VỀ KẾT QUẢ CỦA CUỘC ĐI THĂM

a) Về tăng cường đoàn kết hữu nghị với nhân dân Inđônêxia.

Việc đoàn đại biểu Quốc hội ta do Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dẫn đầu và có hai Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đến thăm Inđônêxia giữa lúc nước ta bị đế quốc Mỹ vũ trang khiêu khích đang ở trong tình trạng phải đối phó rất khẩn trương, làm cho Quốc hội và nhân dân Inđônêxia càng thêm có cảm tình với ta. Lúc Đoàn mới đến sân bay Giacácta, Chủ tịch Quốc hội Inđônêxia đã nói ngay rằng: "Giữa lúc nhân dân Việt Nam đang đấu tranh quyết liệt chống sự khiêu khích của đế quốc Mỹ, mà các bạn vẫn ung dung đến thăm chúng tôi, điều đó làm cho chúng tôi rất cảm động và rất phấn khởi…". Trong quá trình đi thăm Inđônêxia, với thái độ biết ơn, khiêm tốn, cởi mở, thân tình; với những lời phát biểu sâu rộng đúng mức, đi vào đúng những vấn đề tha thiết nhất của nhân dân Inđônêxia, Đoàn ta đã lần lần gây được nhiều cảm tình với nhân dân Inđônêxia. Tất cả các báo chí, đài phát thanh, thông tấn xã Inđônêxia đều đã dành nhiều tường thuật tranh ảnh, bài bình luận nói về cuộc đi thăm của Đoàn ta với rất nhiều cảm tình. Báo Nhân dân Inđônêxia đã đăng toàn văn các bài phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ta (mức độ có thấp hơn ở một số tờ báo phe hữu). Càng về những ngày sau của cuộc đi thăm, thì nhiệt tình đối với Đoàn ta càng được bộc lộ sôi nổi, đậm đà hơn.

b) Về việc ta biểu thị thái độ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Inđônêxia đập tan Malaixia, giúp nhân dân Bắc Kalimantan giành độc lập tự do, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ.

Trong tất cả các cuộc nói chuyện tiếp xúc, ta không khi nào bỏ lỡ cơ hội nói lên lập trường rõ ràng dứt khoát, kiên quyết của Nhà nước và nhân dân ta ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Inđônêxia. Thái độ ủng hộ của ta luôn luôn là đúng mức. Ta gắn liền cuộc đấu tranh của nhân dân Inđônêxia với cuộc đấu tranh của nhân dân ta, xem thắng lợi của nhân dân Inđônêxia như thắng lợi của bản thân mình. Ta cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của ta là sự ủng hộ tích cực, bằng cách nhân dân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.

Đập tan Malaixia, ủng hộ nhân dân Bắc Kalimantan tự giải phóng, xây dựng kinh tế độc lập tự chủ đó là những nguyện vọng tha thiết nhất, và yêu cầu cấp thiết nhất của nhân dân Inđônêxia. Thái độ ủng hộ mạnh mẽ, triệt để của ta đã được Chính phủ và nhân dân Inđônêxia nhiệt liệt hoan nghênh. Dư luận báo chí hết sức chú ý và phản ánh rất đầy đủ về thái độ này.

c) Về việc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

Nhân cuộc đi thăm của Đoàn ta, cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc được giới thiệu rộng rãi trong nhân dân Inđônêxia. Không những Đoàn ta, trong các bài diễn văn chính thức, trong các cuộc nói chuyện, tiếp xúc đã trình bầy rõ ràng và tổng quát được những vấn đề quan trọng nhất của cuộc cách mạng Việt Nam hiện nay, mà các nhân vật quan trọng ở Inđônêxia, các lãnh tụ các chính đảng, các đoàn thể nhân dân ở Inđônêxia, các báo chí ở Inđônêxia sẵn có cảm tình với Việt Nam cũng nhân cơ hội này giới thiệu nhiều vấn đề về Việt Nam, đặc biệt giới thiệu cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhờ cảm tình sẵn có với nhân dân Việt Nam, nhờ được sự giới thiệu rộng rãi và nhiệt tình của Bạn, nhờ sự hoạt động tranh thủ của Đoàn, nhưng chủ yếu là nhờ ảnh hưởng vang dội của cuộc đấu tranh chính nghĩa và anh dũng của nhân dân ta; và nhờ bản thân nhân dân Inđônêxia cũng cùng có một mục đích đấu tranh như nhân dân ta và rất dễ thông cảm với ta, chống đế quốc thực dân mới và cũ, cho nên sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Inđônêxia đối với ta thật là mạnh mẽ, dứt khoát và rất nhiệt tình. Chính phủ và nhân dân Inđônêxia ủng hộ ta, tuyên bố dứt khoát xiết chặt đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống đế quốc, bất chấp sự hăm dọa và những biện pháp gọi là trừng phạt của đế quốc Mỹ. Trái lại, thái độ của đế quốc Mỹ càng xấu đối với nhân dân Inđônêxia, thì Chính phủ và nhân dân Inđônêxia lại càng biểu thị mạnh mẽ hơn nữa thái độ ủng hộ ta. Những lời tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Xucácnô, những lời phát biểu của các nhà lãnh đạo Nhà nước và các chính đảng, các đoàn thể nhân dân ở trung ương cũng như ở các địa phương, dư luận rộng rãi của báo chí đã chứng tỏ điều đó.

Thái độ ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Inđônêxia là một sự cổ vũ rất lớn đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta, đúng như lời đồng chí Trưởng đoàn đã phát biểu ở sân bay Giacácta khi từ biệt Inđônêxia để lên đường về nước.

d) Về việc tìm hiểu tình hình Inđônêxia.

Qua cuộc đi thăm này, ta hiểu biết thêm về đất nước, về con người và những nguyện vọng tha thiết của nhân dân Inđônêxia.

- Đất nước Inđônêxia giầu đẹp, tài nguyên hết sức dồi dào phong phú, nhưng còn rất nhiều tài nguyên chưa khai thác hết.

- Nhân dân Inđônêxia giản dị, cần cù lao động, có nhiều thuần phong mỹ tục, có nền văn hóa dân tộc lâu đời và rất phong phú nên nhân dân Inđônêxia tự hào một cách rất chính đáng.

- Nhân dân Inđônêxia rất giầu lòng yêu nước, có truyền thống cách mạng, có ý thức và tinh thần đoàn kết và kiên quyết đấu tranh chống đế quốc, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc mình.

- Nhân dân Inđônêxia có cảm tình sâu sắc và nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Mối cảm tình và sự ủng hộ đó là chân thành, thật sự, bất chấp mọi sự hăm dọa của đế quốc. Mối cảm tình và sự ủng hộ đó xuất phát từ tình cảm và quyền lợi dân tộc của nhân dân Inđônêxia cho nên nó có cơ sở sâu sắc và vững chắc.

- Nhưng mặt khác, tình hình chính trị và kinh tế ở Inđônêxia cũng có nhiều phức tạp do cuộc đấu tranh giai cấp ở đấy đang diễn ra gay gắt trong những điều kiện của nước dân tộc chủ nghĩa. Đồng thời chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai của chúng cũng đang tìm mọi cách, ngấm ngầm có, trắng trợn có, từ bên ngoài có, ngay từ bên trong cũng có, để mưu cản bước tiến của cách mạng Inđônêxia. Cho nên sự nghiệp xây dựng và đấu tranh của nhân dân Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Xucácnô, không khỏi gặp nhiều khó khăn, nhiều trở lực rất phức tạp, mà nhân dân và Chính phủ Inđônêxia phải có quyết tâm và sức phấn đấu rất lớn mới khắc phục được để đưa sự nghiệp cách mạng Inđônêxia tiến lên.

Những điều trên đây, lúc ở nhà nghiên cứu tài liệu cũng có thấy một chừng nào, nhưng khi đến Inđônêxia mới thấy một cách sâu sắc và thấm thía. Và càng hiểu rõ những vấn đề đó càng thấy thông cảm và mến phục nhân dân Inđônêxia hơn.

*

*   *

Riêng cuộc đi thăm và nói chuyện của đồng chí Chu Văn Tấn ở một số nơi trong quân đội Inđônêxia cũng có ảnh hưởng tốt. Bằng việc giới thiệu chiến thắng Điện Biên Phủ và giải thích rõ vụ tấn công khiêu khích của đế quốc Mỹ ngày 5-8, bằng thái độ niềm nở, cởi mở chân thành, đồng chí Chu Văn Tấn đã tranh thủ được nhiều cảm tình của các sĩ quan trong quân đội Inđônêxia làm cho họ thấy được cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân đội ta, và khả năng chiến thắng đế quốc Mỹ.

*

*   *

Tóm lại, những yêu cầu của cuộc đi thăm do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ra đều đã đạt được một cách mỹ mãn.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng cộng sản Inđônêxia nhận định rằng cuộc đi thăm của Đoàn ta là một thắng lợi chính trị lớn. Các đồng chí nói: Cuộc đi thăm của các đồng chí thật là thắng lợi, chúng tôi phải cảm ơn các đồng chí. Các đồng chí không những hiểu vấn đề của Inđônêxia, mà còn nói về các vấn đề ấy rất đúng. Thí dụ đối với Bắc Kalimantan, các đồng chí nói Inđônêxia ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Bắc Kalimantan đấu tranh giành độc lập tự do là rất đúng, không như một số nước nói rằng chúng tôi giải phóng Bắc Kalimantan, nói như vậy là sai… Cuộc đi thăm của các đồng chí diễn ra trong lúc các phong trào chống Mỹ đang lên, cái đó đã đẩy mạnh thêm nữa tinh thần chống Mỹ… Qua cuộc đi thăm này, các đồng chí đã giúp chúng tôi nhiều trong công tác mặt trận.

Đồng chí Đại sứ Trung Quốc tại Inđônêxia và các đồng chí phụ trách phân xã của Tân Hoa Xã ở Inđônêxia cũng nhận định đây là một thắng lợi lớn về chính trị.

Một kết quả thắng lợi nữa là trong cuộc đi thăm này, Đoàn ta đã giương cao ngọn cờ chống đế quốc Mỹ, đã biểu thị đầy đủ tinh thần không sợ Mỹ, khả năng chiến thắng đế quốc Mỹ, không khoan nhượng thỏa hiệp với đế quốc Mỹ. Tinh thần đó đã được nhân dân Inđônêxia nhiệt liệt tán thành và ủng hộ; các đồng chí Đảng cộng sản Inđônêxia nhận định rằng, đó đã là những đòn đánh mạnh vào chủ nghĩa xét lại đang muốn gieo vào trong nhân dân Inđônêxia tư tưởng thỏa hiệp, chung sống hòa bình với chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

IV- KẾT LUẬN

Cuộc đi thăm Inđônêxia của đoàn đại biểu Quốc hội ta gặp nhiều thuận lợi. Nhưng cũng gặp một số khó khăn do tình hình đấu tranh giai cấp đang diễn ra gay gắt ở Inđônêxia, có những phần tử muốn hạn chế ảnh hưởng của Đoàn ta; trong quá trình cuộc đi thăm, việc Đoàn ta tiếp xúc rộng rãi với quần chúng thường bị hạn chế, và Đoàn thường nặng về tiếp xúc với các nhà lãnh đạo, với cán bộ, ít trực tiếp gặp công nhân, nông dân. Một trở ngại chủ quan nữa là Đoàn thiếu phiên dịch nên việc tiếp xúc cũng bị hạn chế nhiều. Tuy nhiên, nhìn chung thì cuộc đi thăm cũng là một thắng lợi của ta, của nhân dân Inđônêxia, cũng như của phong trào đoàn kết Á - Phi chống đế quốc thực dân. Kết quả tốt đẹp đó là do:

1. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta là cuộc đấu tranh chính nghĩa. Nhân dân ta nắm vững ngọn cờ chính nghĩa đã và đang đấu tranh anh dũng và thu được nhiều thắng lợi vang dội. Cuộc đấu tranh chính nghĩa và thắng lợi ấy đã và đang chinh phục được cảm tình của nhân dân yêu chuộng hòa bình và tự do toàn thế giới trong đó có nhân dân Inđônêxia;

2. Uy tín của Hồ Chủ tịch, của chiến thắng Điện Biên Phủ là những nhân tố rất quan trọng làm cho nhân dân Inđônêxia có cảm tình với nhân dân ta;

3. Bản thân Inđônêxia đang đấu tranh gay gắt chống đế quốc thực dân, do đó dễ thông cảm và dễ đồng tình ủng hộ ta;

4. Về phần Đoàn thì Đoàn đã nắm vững được đường lối của Đảng, nắm vững yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề ra trong quá trình cuộc đi thăm. Trước khi đi Đoàn đã tổ chức nghiên cứu khá kỹ tình hình Inđônêxia và đã nắm được các vấn đề lớn của cách mạng Inđônêxia. Nhờ đó mà thái độ của Đoàn luôn luôn đúng mức, nói đúng vấn đề, tỏ ra hiểu biết chu đáo, thông cảm sâu sắc những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Inđônêxia.

*

*      *

Nói đến kết quả thắng lợi của cuộc đi thăm Inđônêxia của Đoàn đại biểu Quốc hội ta, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ hết sức tận tình của Đảng và Chính phủ Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc đã cho máy bay chở Đoàn đi từ Hà Nội đến Giacácta, và từ Giacácta trở về Hà Nội an toàn và đúng theo chương trình đã định. Trong thời gian Đoàn ta ở Inđônêxia, Đoàn ta cũng được Đại sứ quán Trung Quốc và phân xã Tân hoa Xã ở Inđônêxia giúp đỡ rất tận tình, đặc biệt trong việc tuyên truyền cho hoạt động của Đoàn ở Inđônêxia, và việc gửi về Hà Nội rất đầy đủ và nhanh chóng những hình ảnh và tin tức về hoạt động của Đoàn. Sự giúp đỡ đó đã đóng góp một phần đáng kể vào thắng lợi của cuộc đi thăm.

MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ VỚI UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

1. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội viết thư cảm ơn Ban lãnh đạo Quốc hội hợp tác Inđônêxia đã đón tiếp Đoàn đại biểu Quốc hội ta một cách nhiệt tình, trọng thể.

2. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội Việt Nam - Inđônêxia hữu nghị tổ chức một cuộc mít tinh tại Câu lạc bộ lao động để Đoàn báo cáo kết quả cuộc đi thăm này (thành phần gồm có các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội, hội viên Hội Việt Nam - Inđônêxia hữu nghị, đại biểu các đoàn thể v.v..).

3. Cho xuất bản một tập sách ghi lại những bài phát biểu quan trọng của Đoàn ta và của Bạn trong cuộc đi thăm này.

4. Đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Chính phủ cần tăng cường cơ quan đại diện của ta ở Inđônêxia về người về phương tiện hoạt động. Hiện nay cơ quan này rất yếu, mà yêu cầu và khả năng hoạt động ngoại giao ở đây rất nhiều.


 

(1). Trong ngữ cảnh nêu trên là ý nói đến sự kiện giữa những năm 60 của thế kỷ XX đã dấy lên phong trào của dư luận Inđônêxia phản đối việc thành lập nhà nước gọi là “Đại Malaixia” được các nước phương Tây hậu thuẫn (BT).  

(2). Lãnh tụ Đảng Cộng sản Inđônêxia lúc đó (BT).


 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.