LƯỢC GHI BÀI NÓI CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TRƯỜNG CHINH
VỀ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NỘI DUNG KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA III
(Trình bày tại phiên họp trù bị tối 07-4-1965)
Ngày mai các đồng chí sẽ nghe báo cáo chính trị của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội về tình hình và nhiệm vụ mới. Vì vậy, hôm nay tôi chỉ nói vắn tắt vài nét về tình hình, để làm căn cứ trình bày về mục đích, yêu cầu và nội dung của kỳ họp Quốc hội này.
Thưa các đồng chí,
Tình hình nước ta gần đây có cái mới. Ngày mai Thủ tướng sẽ báo cáo trước Quốc hội và sẽ phân tích. Bây giờ tôi chỉ nói vài nét để thấy yêu cầu của cuộc họp này.
Cái mới là ở chỗ nào? Tức là đồng bào ta ở trong Nam ngày càng đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, đế quốc Mỹ và tay sai đang ngày càng bị chui xuống đường hầm không lối thoát. Vì thế, muốn gỡ thế bí, chúng tìm mọi cách gỡ một cách tuyệt vọng.
Đối với miền Nam, chúng tăng cường chiến tranh xâm lược và đưa chiến tranh đặc biệt ở miền Nam đến một mức độ cao, tăng cường viện trợ về kinh tế, quân sự cho chính quyền bù nhìn, cố hết sức giữ chính quyền bù nhìn cho khỏi tan rã (nhưng nó vẫn tan rã, các đồng chí thấy đảo chính luôn, quân đội không có tinh thần chiến đấu). Chúng nó thua vì sao? Vì nhân dân ta đoàn kết và chiến đấu anh dũng tuyệt vời và càng ngày càng kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đánh cho nó tơi bời. Vì vậy, nó tìm mọi cách để gỡ thế bí, đem thủy quân lục chiến vào để tham gia cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đem những đơn vị không quân chiến lược tham gia ném bom bắn phá và càn quét, đem cả quân đội một vài nước chư hầu vào giúp đỡ cho nó, nghĩa là đế quốc Mỹ đương đẩy chiến tranh đặc biệt ở miền Nam đến mức độ cao, đồng thời có một vài hành động có tính chất chiến tranh cục bộ ở miền Nam.
Đối với miền Bắc, cũng để gỡ thế bí ở miền Nam, chúng tấn công miền Bắc, dùng không quân và thủy quân bắn phá khiêu khích miền Bắc nước ta và càng ngày cuộc bắn phá ấy càng tiến xích dần dần lên phía Bắc. Tình hình như thế tức là đế quốc Mỹ, trong thế bí của nó, đã mở rộng mặt trận xâm lược ra ngoài Bắc, nhưng hiện bây giờ những đơn vị tham chiến mới có không quân, thủy quân; nhưng ai có thể nói một ngày kia nó không dùng những quân chủng khác để tham gia khiêu chiến miền Bắc? Chúng ta phải nhìn vào bản chất đế quốc Mỹ là hiếu chiến, xâm lược và ngoan cố, chúng ta phải hết sức cảnh giác, dự đoán, phân tích tình hình và đề phòng hết sức, để bất cứ lúc nào, chúng giở trò gì, tất cả nước chúng ta, toàn dân đoàn kết đánh cho mạnh để tiêu diệt, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, tống cổ chúng ra khỏi miền Nam và miền Bắc nước ta.
Tình hình như vậy, chúng ta quyết tâm làm cho chúng phải hoàn toàn thất bại trong âm mưu biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài đất nước chúng ta, đồng thời dùng miền Nam làm căn cứ để chuẩn bị chiến tranh thế giới mới và ngăn chặn ảnh hưởng của chủ nghĩa xã hội xuống vùng Đông Nam Á; dùng miền Nam làm nơi thí nghiệm chiến tranh đặc biệt để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Chúng ta quyết tâm đè bẹp ý chí xâm lược và làm thất bại âm mưu của chúng, tống cổ chúng ra khỏi nước ta, bất kể chúng dùng thủ đoạn gì, chúng ta cũng quyết tâm - Nam - Bắc đoàn kết một lòng - đánh cho chúng thất bại.
Như thế là cả nước ta đang ở trong tình trạng chiến tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tuy mức độ chiến tranh ở hai miền có khác nhau. Đó là một việc mới. Vì vậy trước đây chúng ta có thể nói là ở miền Nam thì kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang để đánh bại Mỹ và tay sai để tự giải phóng và bảo vệ miền Bắc; còn ở miền Bắc thì trước đây nói hòa bình xây dựng. Nhưng bây giờ ở miền Bắc không thể nói thế nữa, mà phải nói là vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đó là thực tế, có nơi đã chiến đấu trực tiếp, còn những nơi chưa chiến đấu trực tiếp thì nhiệm vụ là phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, phải lo chi viện cho tiền tuyến, phải tích cực chi viện cho miền Nam. Nhiệm vụ chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai là nhiệm vụ chung của cả nước, không phải nó đánh ở địa phương nào thì đó là công việc của địa phương ấy. Đây là công việc chung, vì vậy khẩu hiệu chung là vừa sản xuất vừa chiến đấu, ở miền Bắc phải coi là đã bắt đầu bước vào thời chiến. Vì vậy, chúng ta phải thấy bây giờ toàn dân ở hai miền có nhiệm vụ chiến thắng kỳ được cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức độ cao của địch ở miền Nam và tích cực đánh bại cuộc đánh phá phong tỏa bằng không quân và hải quân ngày càng ác liệt của chúng ở miền Bắc. Quyết tâm chung của toàn dân ta là như vậy, miền Bắc phải sẵn sàng, vẫn phải thi đua xây dựng nhưng phải kết hợp kinh tế và quốc phòng, vì lúc này chúng ta làm như cũ thì không đúng. Ở miền Bắc bắt đầu có những vùng đã trực tiếp chiến đấu chống kẻ địch, tình hình mỗi ngày một căng nên miền Bắc phải kết hợp kinh tế và quốc phòng rất chặt chẽ, đồng thời chúng ta phải tác chiến thắng lợi ở những nơi chúng khiêu khích. Chúng ta lại phải hết sức giúp đỡ đồng bào miền Nam chiến đấu đánh thắng kẻ địch và mau giải phóng. Đấy là cách tốt nhất để bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, miền Bắc tự bảo vệ mình khi kẻ địch đến, nhưng hết sức giúp đỡ đồng bào miền Nam để mau tiêu diệt kẻ địch và tay sai, đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Lào, Khơme, giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc nói chung trên thế giới. Chúng ta làm những nhiệm vụ như vậy chính là góp phần xây dựng thành công một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giầu mạnh như chúng ta thường nói. Trong tình hình như vậy, miền Bắc không phải thuần túy hòa bình xây dựng mà vừa xây dựng vừa chiến đấu, vừa sản xuất vừa chiến đấu. Cho nên khẩu hiệu “tay búa tay súng”, “tay cày tay súng” đề ra rất đúng. Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với mọi tình thế, nếu kẻ địch mở rộng chiến tranh hơn ở miền Nam, nếu chúng muốn biến chiến tranh đặc biệt ở miền Nam thành chiến tranh cục bộ và đưa chiến tranh cục bộ ra miền Bắc thì chúng ta cũng sẵn sàng đánh và tiêu diệt nó. Như vậy tình hình là khẩn trương hết sức, phải cảnh giác cao độ, mọi công việc phải chuyển theo tình hình và nhiệm vụ mới mà ngày mai Thủ tướng sẽ báo cáo.
Tôi xin nói vắn tắt về kỳ họp này của Quốc hội ta. Kỳ này họp vào tháng 4 tức là kỳ họp bình thường của mỗi năm. Nhưng trong tình hình như vậy, kỳ này Quốc hội ta sẽ thảo luận chủ yếu bản báo cáo chính trị của Chính phủ, để góp phần vào việc nhận định tình hình và nhiệm vụ, xây dựng nhận thức tư tưởng thật sắc bén, thật rõ rệt. Chúng ta thảo luận báo cáo chính trị của Chính phủ để thấm nhuần, hiểu thêm, khẩn trương thêm, và trong tình hình, nhiệm vụ ấy, Quốc hội phải phát huy vai trò đối với nhân dân toàn quốc, với nhân dân miền Bắc, miền Nam và với nhân dân thế giới. Với Quốc hội các nước, chúng ta có gì phải kêu gọi không, ta cũng phải tính. Chúng tôi thấy cần phải kêu gọi, kêu gọi như thế nào, qua quá trình thảo luận báo cáo của Chính phủ rồi chúng ta sẽ đi đến nghị quyết, kêu gọi. Chúng ta phải phát huy vai trò tích cực của Quốc hội, làm sao cho mỗi đại biểu khi về là một người tuyên truyền cổ động để cho nhân dân có chuyển biến về tư tưởng để đẩy mạnh thi đua yêu nước, tăng gia sản xuất, tích cực chiến đấu, chiến thắng kẻ địch. Nơi nào chưa trực tiếp chiến đấu thì sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho nơi chiến đấu, làm nghĩa vụ quốc phòng của mình. Quan điểm của chúng ta là quan điểm chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Thế nào là chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân thì qua báo cáo của Thủ tướng, chúng ta sẽ nhận thấy và góp phần xây dựng cho chắc chắn; khi về địa phương mỗi người chúng ta sẽ là người tuyên truyền cổ động tích cực để động viên mọi công dân, mọi cử tri làm nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc. Trong cuộc họp này, trọng tâm nổi bật là thảo luận báo cáo về tình hình và nhiệm vụ mới của Chính phủ để đi đến nghị quyết, kêu gọi tỏ thái độ.
Trước tình hình và nhiệm vụ mới, cũng phải xem Quốc hội kỳ này có nên tăng thêm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để sau này nếu tình thế không cho phép triệu tập Quốc hội đều kỳ như thời bình thì chúng ta không bị động. Chúng ta còn bàn và thông qua dự luật sửa đổi và bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự để tăng cường việc xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đáp ứng yêu cầu tác chiến.
Kỳ họp này phải phản ảnh tính chất khẩn trương của tình hình, nên chúng tôi đề nghị họp ngắn ngày. Về nội dung kỳ họp thì ngoài báo cáo chính trị của Thủ tướng Chính phủ, còn có báo cáo bổ sung của Bộ Quốc phòng, báo cáo về đề nghị trao thêm một số quyền hạn cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo bổ sung về tình hình miền Nam. Những báo cáo có tính chất hành chính là báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thì phát, không đọc, để tập trung thì giờ trong vài ngày làm xong những việc quan trọng, chủ yếu. Kỳ họp này còn phải bầu lại Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì đến tháng 7 này hai vị ấy hết nhiệm kỳ 5 năm. Quốc hội họp kỳ này vào tháng 4, thì bầu trước một chút cũng vừa. Việc này không thể giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được, vì Hiến pháp quy định đây là quyền của Quốc hội và chúng tôi nghĩ không cần giao thêm quyền này cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mà đề nghị Quốc hội cứ trực tiếp bầu.
Về phần nghị quyết thì có nghị quyết về báo cáo của Chính phủ, nghị quyết trao một số quyền hạn cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Quốc hội sẽ xét xem có cần thông qua lời kêu gọi đồng bào cả nước và lời kêu gọi Quốc hội các nước ủng hộ ta không?
Về Luật nghĩa vụ quân sự, Chính phủ có đề nghị chúng ta cân nhắc việc sửa đổi một số điểm của Luật nghĩa vụ quân sự mà trước Quốc hội đã thông qua; nếu có sửa đổi thì Quốc hội kỳ này sẽ làm. Quốc hội kỳ này không thông qua kế hoạch và dự án ngân sách năm 1965 vì tình hình đổi mới, nên chưa kịp điều chỉnh; sau này Chính phủ sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nếu Quốc hội kỳ này giao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đáng lẽ năm ngoái chúng ta phải thông qua quyết toán ngân sách 1963 vì thường thường quyết toán ngân sách năm trước thì kỳ họp Quốc hội cuối năm sau sẽ phê chuẩn. Nhưng năm ngoái, Quốc hội họp lần thứ hai vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7, nên không kịp trình quyết toán ngân sách 1963. Đáng lẽ kỳ họp này phải thông qua, nhưng chúng tôi đề nghị giao quyền này cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Về tham luận, vì kỳ này họp có ba ngày, chúng tôi tính chỉ có bốn giờ tham luận, như vậy không tham luận được nhiều. Vì vậy với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, rút ngắn thì giờ các đại biểu phải tập trung ở Hà Nội, tham luận nào thấy cần thiết thì hãy đọc. Nói như vậy không có nghĩa là hạn chế. Nếu đọc được cả thì hay, nhưng nếu không đọc được thì cứ giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để đăng báo sau. Như vậy ta không đọc ở đây nhưng nhân dân và các đại biểu Quốc hội sẽ đọc trên báo.
Về việc giao thêm quyền hạn cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi có nghiên cứu xét thấy tình hình khẩn trương nên đề nghị Quốc hội tăng thêm một số quyền hạn cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như việc xét triệu tập Quốc hội vào lúc thuận tiện trong trường hợp Quốc hội không họp theo thường kỳ, như việc quyết định kế hoạch kinh tế nhà nước, xét duyệt ngân sách, ấn định các thứ thuế, phê chuẩn việc phân định địa giới các tỉnh, khu tự trị và thành phố, để chúng ta chủ động hơn nếu Quốc hội không họp được đều kỳ. Sau khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được giao những quyền mới này thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ báo cáo lại với Quốc hội trong kỳ họp gần nhất.
Nói tóm lại, tình hình và nhiệm vụ chúng ta ở miền Bắc hiện nay được coi như bắt đầu vào thời chiến, sinh hoạt chính trị của cơ quan quyền lực Nhà nước phải mau lẹ, khẩn trương, gọn, nắm cái chính, vì vậy cách làm việc của kỳ này thay đổi khác trước. Trọng tâm của kỳ họp là nghiên cứu, thảo luận báo cáo chính trị của Thủ tướng, rồi ra nghị quyết về báo cáo đó, sau đó ra lời kêu gọi để phát huy vai trò của Quốc hội. Mỗi đại biểu có nhiệm vụ góp ý kiến về bản báo cáo của Chính phủ, và khi ra về sẽ là người tuyên truyền cổ động thực hiện trong công việc hàng ngày, động viên nhân dân, tập trung vào tình hình và nhiệm vụ mới, kết hợp công tác sản xuất và chiến đấu đánh thắng kẻ địch, không lãng phí thì giờ, không làm những việc không cần thiết; những việc nào khẩn trương, thật cần thiết thì chúng ta tranh thủ làm cho gọn, cho mau lẹ.