VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BÁO CÁO CÔNG TÁC
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 2, QUỐC HỘI KHÓA III
(1)


Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong thời gian từ sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa III cho đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 14 phiên và thông qua 94 nghị quyết về các vấn đề thuộc quyền hạn của Uỷ ban.

Sau đây chúng tôi xin báo cáo các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

CÔNG TÁC PHÁP LUẬT

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua ba nghị quyết
như sau:

- Nghị quyết ngày 03-10-1964 phê chuẩn việc Hội đồng Chính phủ quy định và ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ đối với quân nhân ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết, đối với nữ quân nhân có thai và sinh đẻ, đối với quân nhân dự bị và dân quân tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ.

Bản Điều lệ tạm thời này thay thế cho các văn bản trước đây về vấn đề này. Nó bổ sung và cải tiến các chế độ đãi ngộ đối với thương binh, liệt sĩ, các chế độ trợ cấp hiện hành đối với các lực lượng vũ trang cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ xây dựng quân đội tiến lên chính quy và hiện đại, bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến.

- Nghị quyết ngày 20-11-1964 quy định một số nguyên tắc mới về thuế sát sinh, làm cơ sở cho Hội đồng Chính phủ ra nghị định quy định thuế sát sinh cho phù hợp với tình hình ngành chăn nuôi của nước ta.

Chính sách thuế sát sinh mới thích hợp với quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa nhằm khuyến khích chăn nuôi và cải tạo giống, góp phần ngăn ngừa lạm sát và bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho việc thu mua thịt và thu thuế của Nhà nước.

- Nghị quyết ngày 16-9-1964 miễn, giảm tù cho những phạm nhân đã cải tạo tốt và đã thật thà sửa chữa trong thời gian ở trại, nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ 19 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

VIỆC THI HÀNH NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI VỀ CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP

Căn cứ vào Nghị quyết ngày 25 tháng 6 năm 1964 của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết ngày 6 tháng 7 năm 1960 về chế độ phụ cấp và các quyền lợi khác của đại biểu Quốc hội, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và của các Uỷ ban của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 28 tháng 01 năm 1965 đã quyết định như sau:

“1. Các Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, kể cả Ủy viên dự khuyết và các Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội không thường xuyên công tác tại cơ quan Quốc hội, nếu lương chính hàng tháng dưới 180 đồng, thì được hưởng một khoản phụ cấp hàng năm tối đa là 200 đồng. Khoản phụ cấp này cộng với lương chính của người được hưởng phụ cấp không được quá 180 đồng một tháng.

2. Các Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội không thường xuyên công tác tại cơ quan Quốc hội, nếu lương chính hàng tháng dưới 170 đồng thì được hưởng một khoản phụ cấp hàng năm tối đa là 100 đồng. Khoản phụ cấp này cộng với lương chính của người được hưởng phụ cấp không được quá 170 đồng một tháng.

3. Các Ủy viên các Uỷ ban của Quốc hội không thường xuyên công tác tại cơ quan Quốc hội, lương hàng tháng dưới 160 đồng, mà không được hưởng các chế độ phụ cấp nói ở Điều 1 và Điều 2 trên đây, mỗi khi đi họp Uỷ ban sẽ được hưởng chế độ phụ cấp hội nghị ngang với phụ cấp khi họp Quốc hội”.

VIỆC THAY ĐỔI TỔ CHỨC TRONG BỘ MÁY NHÀ NƯỚC
VÀ BỔ NHIỆM CÁC CHỨC VỤ CỦA NHÀ NƯỚC

Trong thời gian qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết định về việc thay đổi tổ chức trong bộ máy nhà nước và bổ nhiệm các nhân viên cao cấp:

A- Về thay đổi tổ chức trong bộ máy nhà nước

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 6-4-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:

1. Phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Vật giá Nhà nước thay cho Hội đồng Vật giá hiện nay. Uỷ ban Vật giá là một cơ quan ngang Bộ, có nhiệm vụ giúp Chính phủ nghiên cứu chính sách giá cả, xây dựng kế hoạch giá cả, chỉ đạo thực hiện và thống nhất quản lý công tác giá cả.

2. Phê chuẩn việc giải thể Uỷ ban Thanh tra của Chính phủ. Công tác thanh tra sẽ giao cho thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các cấp phụ trách để gắn liền công tác thanh tra với việc chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước và các nhiệm vụ công tác khác.

B- Về việc bổ nhiệm các chức vụ của Nhà nước

a) Về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Trong phiên họp ngày 11 tháng 7 năm 1964, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử các đồng chí Trần Đình Tri, Trương Tấn Phát và Nguyễn Văn Chi làm Thư ký của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cùng với ba đồng chí Thư ký họp thành Ban Thư ký của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để phụ trách công việc của Văn phòng và cơ quan giúp việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

b) Về Hội đồng Chính phủ

Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 6-4-1965 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm và thuyên chuyển các vị giữ các chức vụ sau đây:

- Phó Thủ tướng Nguyễn Duy Trinh kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thay đồng chí Xuân Thủy được nghỉ vì điều kiện sức khỏe. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh được miễn kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước;

- Phó Thủ tướng Phạm Hùng kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước;

- Đồng chí Hoàng Anh giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp thay đồng chí Dương Quốc Chính đi nhận nhiệm vụ khác, và kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp Phủ Thủ tướng thay đồng chí Trần Hữu Dực;

- Đồng chí Nguyễn Côn giữ chức Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước;

- Đồng chí Trần Hữu Dực giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng;

- Đồng chí Đặng Việt Châu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính thay đồng chí Hoàng Anh.

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 10 tháng 8 năm 1964 đã quyết định bổ nhiệm: đồng chí Phạm Bình làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Inđônêxia, đồng chí Nguyễn Thương hiện là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Ghinê kiêm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Cônggô (Bradavin), đồng chí Phan Văn Sử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc thay đồng chí Phạm Thiều được điều động về nước để nhận công tác khác, và ngày 29 tháng 3 năm 1965, đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Xuân làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại nước Cộng hòa Ảrập thống nhất.

c) Về Tòa án nhân dân tối cao

Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Nhơn làm thẩm phán và ngày 31 tháng 12 năm 1964 đã cử các đồng chí Trần Văn Chung tức Nguyễn Văn Bút, Lê Thị Diệu Muội, Nguyễn Thị Thọ tức Lê Thái Bảo và Phan Tư Nghĩa làm Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân tối cao.

VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG
VÀ DANH HIỆU VINH DỰ CỦA NHÀ NƯỚC

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xét những đề nghị của Hội đồng Chính phủ và quyết định tặng thưởng huân chương cho một số đơn vị và cá nhân.

Về khen thưởng thành tích kháng chiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục xét và quyết định tặng thưởng 1.867 huân chương kháng chiến các hạng cho các đơn vị địa phương và cá nhân đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc.

Về khen thưởng quân công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 59 huân chương Quân công và 953 huân chương Chiến công cho các đơn vị, địa phương, các cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội, Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đã có nhiều thành tích chiến đấu, trong đó có nhiều địa phương, đơn vị, cán bộ và chiến sĩ đã lập được chiến công xứng đáng, bắn rơi máy bay địch, bắn chìm tầu biệt kích địch, chống lại các trận ném bom bắn phá bằng máy bay, tàu thủy của địch, bảo vệ vùng trời và vùng biển miền Bắc nước ta. Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định tặng thưởng huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho các cán bộ và chiến sĩ đã có công trong việc xây dựng Quân đội và Công an nhân dân vũ trang.

Về khen thưởng thành tích xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 176 huân chương Lao động cho các địa phương, đơn vị và cá nhân có những thành tích xuất sắc trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1963.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định truy tặng huân chương Độc lập cho đồng chí Đặng Xuân Thiều, nguyên là đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II đã có những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Để tỏ lòng khâm phục và biết ơn của nhân dân Việt Nam về những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp chinh phục vũ trụ phục vụ lợi ích của loài người, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng danh hiệu vinh dự Anh hùng Lao động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho 5 nhà du hành vũ trụ Liên Xô: đại tá kỹ sư Cômarốp Vơlađimia Mikhailôvích, Phó tiến sĩ khoa học - kỹ thuật Phêốctítxtốp Côngxtăngtin Pêtơrôvích, bác sĩ Egôrốp Bôrít Bôrítxơvích, đại tá Paven Bêliaép và trung tá Alếchxây Lêônốp.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã quyết định tặng thưởng 1 huân chương Độc lập và 74 huân chương Lao động cho các chuyên gia các nước anh em đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta xây dựng đất nước, và cho các đoàn nghệ thuật các nước anh em bạn bè sang biểu diễn ở nước ta, góp phần trao đổi văn hóa, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta và các nước anh em bạn bè.

VIỆC PHÊ CHUẨN CÁC HIỆP ƯỚC KÝ VỚI NƯỚC NGOÀI

Trong phiên họp ngày 28-01-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định phê chuẩn hiệp định văn hóa được ký kết ngày 10 tháng 6 năm 1964 giữa Chính phủ ta và Chính phủ nước Cộng hòa Ảrập thống nhất.

QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

Tại kỳ họp Quốc hội này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác năm 1964, và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 1965 của ngành mình.

Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo về công tác 6 tháng đầu năm 1964 của ngành Tòa án và đã thảo luận bản báo cáo đó. Cũng trong thời gian đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bản báo cáo kiểm điểm tình hình và công tác kiểm sát trong 6 tháng đầu năm 1964, và Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử đại diện tham dự hội nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng kết công tác kiểm sát chung.

Ngành Tòa án và ngành Kiểm sát đã có nhiều cố gắng trong công tác và đã thu được những thành tích và tiến bộ trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành mình. Việc truy tố xét xử kịp thời và đúng mức các vụ gián điệp, biệt kích và các vụ án phản cách mạng khác đã góp phần đập tan âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai, nâng cao tinh thần cảnh giác và ý chí kiên quyết đánh địch của nhân dân ta. Việc truy tố xét xử nhanh chóng và đúng đắn các vụ án hình sự thường và dân sự cũng đã góp phần vào việc bảo vệ kinh tế, bảo vệ trật tự trị an xã hội, xây dựng xã hội mới, con người mới. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đã được hai ngành chú ý đẩy mạnh thêm một bước.

Ngành Tòa án đã chú ý tăng cường công tác giám đốc xét xử; Tòa án nhân dân tối cao đã kiểm tra tại chỗ nhiều Tòa án địa phương và đã nghiên cứu kiểm tra một số lớn hồ sơ xét xử của tòa án cấp dưới, Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo việc tổ chức các tổ hòa giải nhân dân ở khu phố, thôn xóm, các tổ hòa giải đã giải quyết tốt nhiều vụ xích mích trong nhân dân.

Ngành Kiểm sát đã chú ý tăng cường việc kiểm sát theo quy định của pháp luật các văn bản của các cơ quan nhà nước, việc phối hợp với các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương kiểm tra tại chỗ nhiều cơ sở sản xuất, nhiều đơn vị hành chính ở địa phương, nhờ đó đã đem lại những kết quả tốt trong việc đấu tranh chống những hành vi xâm phạm đến tài sản công cộng và đến những quyền tự do dân chủ của nhân dân.

VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG THƯ KHIẾU TỐ
CỦA NHÂN DÂN

Từ kỳ họp trước của Quốc hội đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.322 thư của nhân dân gửi đến và tiếp 314 người đến Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa thư và trình bày nguyện vọng.

Số thư này gồm nhiều loại: thư khiếu nại, tố giác, bày tỏ nguyện vọng, góp ý kiến vào các chính sách của Đảng và Nhà nước v.v.. Một số khá lớn trong những thư đó là thư khiếu nại và tố giác các hiện tượng mệnh lệnh, quan liêu, hống hách, vi phạm quyền dân chủ của một số cán bộ, nhất là cán bộ xã, hợp tác xã v.v.. Nhiều thư kêu ca về việc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, công nhân, viên chức, và gần đây có nhiều đơn của nhiều cán bộ, nhân dân đủ các lứa tuổi bày tỏ nguyện vọng được xung phong tình nguyện đi công tác ở miền Nam, được tham gia bộ đội. Trong những người gửi thư hoặc trực tiếp đến đưa thư tại Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có một số đã khiếu nại nhiều lần ở cơ quan này hoặc cơ quan khác, nhưng thấy trường hợp của mình không được xét hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng. Tất cả các trường hợp khiếu tố bày tỏ nguyện vọng đều được Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu đề ra ý kiến và kịp thời chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng việc giải quyết các đơn khiếu tố của nhân dân đã có nhiều tiến bộ. Nhiều cơ quan và địa phương đã có sự quan tâm hơn trước (như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động, một số Uỷ ban hành chính các tỉnh như Hải Dương, Phú Thọ, Sơn Tây v.v.). Tuy nhiên, cũng còn nhiều cơ quan ở Trung ương và nhiều địa phương chưa có sự quan tâm đầy đủ đến việc giải quyết những thư từ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến. Thậm chí có cơ quan, có địa phương mặc dầu đã được nhắc nhở nhiều lần cũng không tích cực trả lời các thư nói trên.

Để có phương hướng đưa việc giải quyết thư từ của nhân dân vào nền nếp và để đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với nguyện vọng của nhân dân, Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị với Văn phòng Phủ Thủ tướng:

- Có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ ở Trung ương và các Uỷ ban hành chính địa phương đối với việc giải quyết những thư khiếu tố do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, đồng thời quy định chế độ và trách nhiệm báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả việc giải quyết.

- Xây dựng một dự án pháp lệnh cụ thể hóa Điều 29 của Hiến pháp quy định về quyền khiếu nại và tố cáo của nhân dân.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có thư lưu ý các đại biểu Quốc hội tạo cơ hội tiếp xúc với nhân dân và cố gắng góp phần làm cho những khiếu nại, tố cáo, yêu cầu, đề nghị của nhân dân được giải quyết kịp thời và đúng đắn. Nhiều đoàn đại biểu Quốc hội như các đoàn Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ đã phân công các đại biểu Quốc hội công tác ở địa phương nào, khu vực nào thì tham gia góp phần giải quyết thư khiếu tố của nhân dân với chính quyền ở khu vực đó.

VIỆC NGHIÊN CỨU GIẢI QUYẾT NHỮNG VẤN ĐỀ
DO CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NÊU LÊN

Sau kỳ họp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và tổng hợp những ý kiến, đề nghị trong các tham luận của đại biểu và trong các cuộc thảo luận ở các tổ. Những ý kiến nêu lên đều phong phú và đề cập nhiều vấn đề, nhiều mặt công tác của các cơ quan nhà nước. Nhiều vấn đề nêu lên phản ánh và phân tích tình hình thực tế, làm nổi bật những điểm chưa hợp lý trong việc thực hiện một số chính sách, như vấn đề thu mua nông sản, vấn đề tổ chức đi khai hoang phát triển kinh tế miền núi, vấn đề bảo vệ sức khỏe của công nhân hầm lò, vấn đề sinh đẻ có kế hoạch, v.v..

Hầu hết các vấn đề nêu lên thuộc phạm vi giải quyết và nghiên cứu của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sau khi nghiên cứu đã chuyển đến Hội đồng Chính phủ biên bản các cuộc thảo luận, bản tổng hợp ý kiến và thường xuyên liên hệ với Hội đồng Chính phủ, nhắc nhở các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu.

Nhiều cơ quan nhà nước đã chú ý đúng mức đến các ý kiến nói trên và đã vận dụng tốt vào việc bồi bổ cho công tác của mình.

Ngoài ra một số đại biểu Quốc hội, trong công tác hàng ngày của mình cũng đã chú ý liên hệ, tiếp xúc với các cử tri của mình, tìm hiểu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, theo dõi việc thực hiện các chính sách của Nhà nước ở địa phương và thường có liên hệ với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề này.

VỀ VIỆC BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Từ sau ngày hòa bình được lập lại, Hội đồng nhân dân các cấp được lần lượt bầu lại, theo từng thời gian khác nhau. Sau khi hết nhiệm kỳ các Hội đồng nhân dân được bầu lại lẻ tẻ, năm nào cũng có cuộc bầu cử cấp này hay cấp khác trong những thời gian khác nhau. Tình hình đó hạn chế việc phát huy tác dụng của các cuộc bầu cử, gây khó khăn cho việc tổ chức bầu cử và ảnh hưởng không tốt đến công việc làm ăn của nhân dân.

Để khắc phục các nhược điểm trên và để thống nhất các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân vào một thời gian, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ đã ra nghị quyết kéo dài nhiệm kỳ của một số Hội đồng nhân dân, và rút ngắn nhiệm kỳ của một số Hội đồng nhân dân khác để thống nhất ngày bầu cử:

Ngày chủ nhật 25 tháng 4 tới đây sẽ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp trên toàn miền Bắc.

QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI CÁC NƯỚC

Trung tuần tháng 8 năm 1964, nhận lời mời của Quốc hội Inđônêxia, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm hữu nghị nước Cộng hòa Inđônêxia dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh.

Cuộc đi thăm của Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã thu được kết quả tốt đẹp, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam và Inđônêxia. Đoàn ta đã được sự đón tiếp ân cần niềm nở và chân tình của Tổng thống Xucácnô, của Quốc hội hợp tác, của các vị lãnh đạo trong Chính phủ, các vị lãnh đạo các chính đảng trong Mặt trận Nasacôm. Đoàn ta cũng có dịp tiếp xúc và được sự đón tiếp hết sức nhiệt tình của các tổ chức quần chúng, và đông đảo các tầng lớp nhân dân ở Thủ đô Giacácta, cũng như ở các địa phương Đoàn đến thăm. Đoàn ta đã chứng kiến và rất khâm phục tinh thần đấu tranh quyết liệt của toàn thể nhân dân Inđônêxia chống đế quốc Mỹ, Anh, quyết đập tan liên bang Malaixia, một âm mưu của chủ nghĩa đế quốc nhằm tạo bàn đạp tấn công Inđônêxia, quyết ủng hộ nhân dân Bắc Kalimantan giành độc lập tự do, quyết xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đặc biệt, Đoàn rất phấn khởi và cảm động về sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Xucácnô, của Quốc hội, Chính phủ và đông đảo các giới nhân dân Inđônêxia đối với sự nghiệp đấu tranh của nhân dân ta nhằm xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, v.v.. Thay mặt Quốc hội và nhân dân ta, Đoàn đã bày tỏ với Tổng thống Xucácnô, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Inđônêxia lòng biết ơn sâu sắc của Quốc hội và nhân dân ta về sự đồng tình ủng hộ quý báu đó. Và Đoàn ta cũng đã nói lên sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của Nhà nước và nhân dân ta đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Inđônêxia chống đế quốc và bọn tay sai.

Cuộc đi thăm Inđônêxia của Đoàn đại biểu Quốc hội ta là một thắng lợi chính trị lớn của hai nước chúng ta.

Ngày 11-9-1964, đáp lời kêu gọi của Quốc hội nước Cộng hòa Síp, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta thay mặt Quốc hội đã gửi thư cho Quốc hội Síp bày tỏ lập trường của Quốc hội ta, lập trường đó được thể hiện trong đoạn sau đây của bức thư: “Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông cảm sâu sắc với nguyện vọng chính đáng của nhân dân Síp đòi được tự mình quyết định vận mệnh của nước mình một cách tự do và phù hợp với lợi ích độc lập dân tộc, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Síp. Nhân dân Việt Nam hết sức đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Síp, vì độc lập dân tộc, vì hòa bình thế giới”.

Cũng ngày 11-9-1964, hưởng ứng nghị quyết của Quốc hội Vương quốc Campuchia về việc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng ở miền Nam Việt Nam đã nhiều lần rải chất độc hóa học xuống những làng ở vùng biên giới Campuchia trong tháng 6, tháng 7 và đầu tháng 8 năm 1964, gây nhiều thiệt hại cho nhân dân Khơme, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay mặt Quốc hội đã bày tỏ sự công phẫn của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam trước những hành động tội ác này của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ lập trường chính nghĩa của Quốc hội Vương quốc Campuchia, chúng ta cực lực phản đối Chính phủ Mỹ và chính quyền tay sai của chúng ở miền Nam Việt Nam, đòi chúng phải tôn trọng nền hòa bình và trung lập của Campuchia, tức khắc đình chỉ việc rải chất độc hóa học để giết hại nhân dân Khơme và đình chỉ mọi hành động quân sự nhằm khiêu khích và xâm phạm đất nước Campuchia. Chúng ta cũng hoàn toàn ủng hộ những cố gắng không ngừng của Thái tử Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc đã nhiều lần đề nghị triệu tập lại Hội nghị Giơnevơ để bàn về việc bảo đảm nền trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia.

Ngày 14-12-1964, hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức gửi nhân dân các nước trên thế giới hãy ủng hộ các lực lượng hòa bình của nhân dân Đức trong cuộc đấu tranh loại trừ chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa đế quốc ở Tây Đức, Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta đã gửi thư cho Bí thư Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và quan trọng này đối với nền hòa bình của châu Âu và thế giới, nhiệt liệt ủng hộ nguyện vọng của nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức muốn được xây dựng đất nước của mình trong hòa bình và an ninh, tránh được nguy cơ và thảm họa của một cuộc chiến tranh thế giới mới.

Ngày 15-2-1965, hưởng ứng lời tuyên bố của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức kêu gọi Quốc hội các nước trên thế giới phản đối âm mưu của Chính phủ Tây Đức áp dụng thời hiệu do luật pháp trong nước của họ quy định đối với tội phạm thường để chấm dứt việc truy tố kể từ ngày 8 tháng 5 năm 1965 các tội phạm quốc xã và tội phạm chiến tranh, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta đã gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức nói rõ sự đồng tình và ủng hộ của Quốc hội và nhân dân ta đối với bản tuyên bố đó. Chúng ta kiên quyết phản đối âm mưu đen tối của bọn phục thù Tây Đức hòng xóa tội cho những phạm nhân chiến tranh đã gây nên bao nhiêu tội ác đối với loài người. Âm mưu đó thực chất là một bước trắng trợn trong việc phục hồi chủ nghĩa phát xít ở Tây Đức, nhằm thực hiện mạnh hơn nữa chế độ quân phiệt phục thù. Bọn tội phạm quốc xã và tội phạm chiến tranh là kẻ thù của nhân loại, chúng nhất thiết phải bị trừng phạt thích đáng, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Luật pháp quốc tế không thể chấp nhận một thời hiệu nào đối với những tội phạm đó.

Trong thời gian qua, Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước khác đã biểu thị ngày càng nhiều, càng mạnh sự đồng tình ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhằm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

Quốc hội các nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Anbani, Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, Cộng hòa Nhân dân Rumani, Vương quốc Campuchia đã gửi công hàm hoặc ra quyết nghị nhiệt liệt ủng hộ bản tuyên bố ngày 03-7-1964 của Quốc hội ta về tình hình miền Nam.

Gần đây, trước sự xâm phạm của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta ngày càng trắng trợn và nghiêm trọng, Quốc hội các nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari, Cộng hòa Inđônêxia, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc đã tuyên bố kiên quyết phản đối và lên án những hành động tăng cường và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ, đòi chúng phải rút hết quân đội ra khỏi miền Nam, triệt để tôn trọng Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Ngoài ra, nhiều nghị sĩ trên thế giới trong đó có cả nghị sĩ Mỹ cũng lên tiếng phản đối đế quốc Mỹ trắng trợn xâm lược miền Nam và bắn phá miền Bắc nước ta. Quốc hội ta và nhân dân ta nhiệt liệt cảm ơn sự đồng tình và ủng hộ quý báu đó.

Sự ủng hộ của Quốc hội các nước phản ánh rõ rệt sự đồng tình và ủng hộ ngày càng sâu rộng của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Càng ngày sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta càng chói lọi, càng tranh thủ được thêm nhiều cảm tình khắp nơi, ngược lại bộ mặt kẻ cướp xâm lược xấu xa ghê tởm của đế quốc Mỹ càng lộ rõ và càng bị nhân dân thế giới phỉ nhổ.

 

*

*    *

HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI

Trong thời gian qua, các Uỷ ban của Quốc hội cũng đã có những hoạt động như sau:

Ngay sau khi được Quốc hội bầu ra, các Uỷ ban của Quốc hội đã họp phiên đầu tiên để sơ bộ bàn cách làm việc của Uỷ ban và cử ra các Phó Chủ nhiệm Uỷ ban:

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dự án pháp luật:

                            đồng chí Trương Tấn Phát,

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách:

                            đồng chí Đoàn Trọng Truyến,

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc:

                            đồng chí YWang,

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất:

                            đồng chí Trần Công Tường,

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa và Xã hội:

                            đồng chí Phạm Huy Thông.

Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách đã họp ba lần để:

- Thảo luận và xác định nhiệm vụ và nội dung công tác của Uỷ ban;

- Nghe báo cáo về việc thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm 1964;

- Thẩm tra dự án của Chính phủ về việc sửa đổi chính sách thuế sát sinh để trình bày với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;

- Nghe báo cáo về việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1964 và thẩm tra quyết toán ngân sách năm 1963 mà Hội đồng Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê chuẩn.

Uỷ ban Dân tộc đã vạch kế hoạch cho các thành viên của Uỷ ban theo dõi tình hình các dân tộc ở các địa phương, giúp đỡ các địa phương thực hiện các chính sách của Nhà nước ở các vùng dân tộc, đồng thời thu thập tài liệu, chuẩn bị cho Uỷ ban Dân tộc họp bàn về công tác của mình trong thời gian tới.

Uỷ ban Văn hóa và Xã hội đã họp bốn lần để:

- Bàn và xác định về nhiệm vụ, nội dung công tác của Uỷ ban;

- Nghiên cứu dự án cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục. Ngoài ra, Uỷ ban còn phân công nghiên cứu các báo cáo thường kỳ của các Bộ thuộc khối văn hóa xã hội.

Uỷ ban Dự án pháp luật đã thẩm tra dự án của Hội đồng Chính phủ đề nghị sửa và bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự và đã góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng một số quyền hạn của Quốc hội trong thời gian Quốc hội không có điều kiện họp đều kỳ.

Uỷ ban Thống nhất đã họp tám lần để:

- Thảo luận và xác định nhiệm vụ của Uỷ ban;

- Nghe báo cáo về tình hình miền Nam;

- Ra tuyên bố về tình hình miền Nam.

Ngày 22-01-1965, Uỷ ban đã ra tuyên bố phản đối đế quốc Mỹ đưa lính đánh thuê Nam Triều Tiên vào miền Nam nước ta.

Ngày 18-3-1965, Uỷ ban đã ra tuyên bố phản đối đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, đưa lính thủy đánh bộ và dự định đưa lục quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam nước ta.

Ngày 30-3-1965, Uỷ ban đã ra tuyên bố nhiệt liệt hưởng ứng bản tuyên bố 5 điểm ngày 22-3-1965 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ ngày càng thu được nhiều thắng lợi, càng gần đến lúc thắng lợi quyết định, thì bọn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai càng phản ứng điên cuồng: chúng cố gắng tăng cường chiến tranh một cách tuyệt vọng ở miền Nam, mở rộng đánh phá miền Bắc. Nhân dân cả nước ta đang đem hết sức mình để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội đã theo dõi sát tình hình và trong phạm vi trách nhiệm của mình, đã tích cực góp phần động viên nhân dân ta đẩy mạnh hơn nữa cuộc đấu tranh thần thánh của mình. 

*

*      *

 Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây chúng tôi đã báo cáo những công tác mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các Uỷ ban khác của Quốc hội đã tiến hành từ kỳ họp trước đến nay theo quy định của Hiến pháp và theo các nghị quyết của Quốc hội.

Lần này Quốc hội chúng ta họp vào lúc tình hình rất khẩn trương. Do bị thất bại nặng nề và liên tiếp ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng tăng cường tàn phá ở miền Nam và liên tiếp đem tàu thủy, máy bay bắn phá nhiều nơi ở miền Bắc. Càng tăng cường và mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ càng bị nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc giáng cho những đòn chí mạng. Do đó, chúng có thể có những mưu đồ hiểm độc hơn nữa. Nhân dân ta không bao giờ được chủ quan khinh địch mà phải luôn luôn cảnh giác đề phòng để kịp thời ứng phó với mọi tình hình. Chúng tôi mong rằng trong kỳ họp này Quốc hội sẽ đề ra những quy định mới để hoạt động của chúng ta thích hợp với tình hình mới. 


 

(1). Báo cáo này được phát cho các vị đại biểu Quốc hội mà không trình bày trước Quốc hội (BT).

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.