1. Việc đề xướng và bất cập của các trào lưu dân chủ và hiến chính dân chủ tư sản của các sĩ phu yêu nước, tiến bộ nước ta đầu thế kỷ XX
Sự thất bại của phong trào Cần Vương và phong trào Văn Thân trên lập trường “kháng Pháp và khôi phục ngôi vua” cuối thế kỷ XIX; sự tác động của phong trào dân chủ tư sản, trước hết là phong trào cải cách ở Trung Quốc và Nhật Bản đã tác động mạnh mẽ đến phong trào yêu nước Việt Nam và hình thành các xu hướng dân chủ tư sản và đề xướng tư tưởng hiến chính tư sản ở nước ta đầu thế kỷ XX, tiêu biểu là các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng.
1.1. Phan Bội Châu: Xét về mặt lịch sử, Phan Bội Châu là một trong những người đầu tiên nêu vấn đề lập hiến thành một yêu cầu bức xúc ở nước ta đầu thế kỷ XX.
Tháng 3 năm 1929, Phan Bội Châu đã khởi thảo Hiến pháp nước Việt Nam gửi bạn bè, được bạn bè góp ý là chưa cần Hiến pháp vì mất nước, dân nô lệ thì làm gì có Hiến pháp, sau đó Cụ tự đốt đi[1].
Theo Phan Bội Châu thì Hiến pháp nước ta được làm “châm chước theo các nước Quân chủ như Anh, Nhật và các nước Đức, Mỹ, Nga... để lựa chọn lấy các điều thích hợp”2.
Nội dung tư tưởng hiến chính của Phan Bội Châu bao gồm nhiều vấn đề, trong đó nhấn mạnh chủ quyền độc lập và chủ quyền quốc gia, nhấn mạnh yếu tố nhân dân. Cụ đã nêu tên gọi Quốc hiệu Việt Nam và Quốc kỳ.
Về chế độ chính trị: Ban đầu là quân chủ lập hiến rồi cộng hoà dân chủ tư sản và cuối đời, Cụ tiếp cận với tư tưởng Cách mạng tháng Mười Nga.
Cụ Phan nêu ra tư tưởng tiến bộ về bộ máy nhà nước, về quyền và nghĩa vụ công dân.
1.2. Phan Chu Trinh: Nhấn mạnh tư tưởng lập hiến, coi đây là công cụ pháp lý để hạn chế sự độc quyền của chế độ quân chủ. ông nói: “Lấy theo ý riêng của một người hay một triều đình mà trị một nước thì cái nước ấy không khác gì một đàn chiên, được no ấm, vui vẻ hay là phải đói lạnh, khổ sở là tuỳ theo lòng rộng hay hẹp của người chăn chiên, còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì tự Quốc dân lập ra Hiến pháp, luật lệ ra các cơ quan để lo việc chung cho mọi người”3.
Phan Chu Trinh là một nhà yêu nước lớn cùng thời với Phan Bội Châu, song tư tưởng chủ đạo của ông lại muốn nhờ vào Pháp và làm chính trị công khai để “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
1.3. Huỳnh Thúc Kháng: là một nhà yêu nước nổi tiếng. Ngay từ năm 1927, sau khi đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ, Cụ đã đề xuất với toàn quyền Đông Dương lập bản Hiến pháp cho Nam triều.
Cụ nói: “Chúng tôi sở dĩ nói đến vấn đề Hiến pháp là vì thấy rõ xứ Trung kỳ này phụ thuộc dưới quyền bảo hộ gần nửa thế kỷ nay mà chính thể trong xứ quyền hạn không được rõ ràng, trách nhiệm không được đảm thụ, trăm điều rắc rối ở đó mà ra... Quốc thị đã mơ màng thì nhân dân không biết đằng nào xu hướng, đó là cái lẽ tự nhiên. Bởi vậy, để cho cuộc trị an trong xứ được lâu dài cùng các dây liên lạc với người Pháp cùng người Nam được bền chặt thì cần thiết phải có một cơ thể chính trị, chia bộ phận mà có trách nhiệm, định quyền hạn mà có quy thức, để chỉnh đốn việc lợi ích chung trong xứ. Đó là một điều cốt yếu tức Hiến pháp vậy”4.
Trong diễn văn đọc trước Viện dân biểu Trung Kỳ ngày 01/10/1928, Huỳnh Thúc Kháng khẳng định tầm quan trọng của Hiến pháp và nêu đề nghị cụ thể để tiến hành xây dựng Hiến pháp: “Nhà nước mà cho Hiến pháp là một cái nền nếp chính trị bền vững, lâu dài trong xứ này, hợp với toàn thể nguyện vọng nhân dân thì xin:
- Xứ An Nam phải lập một cái Hiến pháp
- Lập một hội gọi là dự thảo Hiến pháp
- Chú ý để cho nhân dân được tự do đầu phiếu”5.
Để bác bỏ lập luận của Chính phủ Pháp cho rằng do trình độ dân trí thấp, không thể có Hiến pháp, Ông nói: “chúng tôi nói thế chắc Nhà nước bảo rằng: nhân dân chưa có trình độ lập hiến, chúng tôi vẫn công nhận nhân dân xứ này chưa được toàn thể hiểu cái chính thể mới có, song xin thưa rằng: “Đường đi mà sau tới nơi, người có học mà sau mới biết chữ”, nay chưa đi mà bảo đường đi này không tới được, chưa học mà bảo rằng mày không phải là đứa biết chữ thì dẫu trăm ngàn năm cũng không sao tới nơi và biết chữ được”6.
Sau khi Toà khâm sứ Trung Kỳ và Chính phủ Pháp cự tuyệt đề nghị nói trên, cụ Huỳnh Thúc Kháng liền tuyên bố từ chức đại biểu nhân dân và Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ.
Phong trào yêu nước Việt Nam bao gồm các tư tưởng hiến chính dân chủ tư sản lâm vào cuộc khủng hoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đòi hỏi một con đường cứu nước mới, một lập trường hiến chính mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu đó.
2. Sự lựa chọn và hình thành hệ thống quan điểm thiết chế Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà của Chủ tịch Hồ Chí Minh
2.1. Cuộc khảo nghiệm của Nguyễn Ái Quốc về các kiểu nhà nước hình thành hệ thống quan điểm về thiết chế nhà nước dân chủ (1911-1930). Năm 1911, Nguyễn Ái Quốc, lúc đó là Nguyễn Tất Thành rời Việt Nam sang Pháp và đi nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Người đã để tâm xem xét tình hình, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Cuối năm 1917, Người trở lại Pháp. Năm 1920, Người gia nhập Đảng Cộng sản Pháp.
Nguyễn Ái Quốc đặc biệt chú ý xem xét những vấn đề thuộc về chính quyền Nhà nước, thiết chế chính trị và thể chế dân chủ.
Người có những đánh giá rất sâu sắc về Cách mạng Mỹ (1776), cách mạng Pháp (1789), Cách mạng tháng Mười Nga (1917).
Đối với cách mạng Mỹ, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, trong buổi đầu Tuyên ngôn độc lập và các điều khoản của Liên bang về quyền con người là tiến bộ. Song cách mạng Mỹ là cách mạng tư sản, một cuộc cách mạng không triệt để. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và các điều khoản của Liên bang được coi như Hiến pháp đầu tiên của nước Mỹ, trong đó nói “quyền lực tối cao thuộc về nhân dân”, nhưng thực tế quyền lực đó lại rơi vào tay số ít người, còn đa số công nông vẫn cực khổ.
Cách mạng Pháp đã từng bước giải quyết đất đai cho nông dân. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền được Quốc hội lập hiến thông qua năm 1789 là thành quả của cách mạng đã lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quyền tự do cá nhân của công dân: mọi người sinh ra và sống tự do, bình đẳng về các quyền. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Khẩu hiệu bình đẳng, tự do, bác ái là những tư tưởng tiến bộ trong giai đoạn đầu song sau đó, các quyền đó lại nằm trong tay giai cấp tư sản.
Điều mấu chốt mà Nguyễn Ái Quốc đã rút ra qua hai cuộc cách mạng Pháp và Mỹ là tính chất nhà nước, phải xác lập quyền lực của đa số nhân dân và sự cần thiết phải có Hiến pháp làm nền tảng xây dựng nhà nước dân chủ.
Nghiên cứu Cách mạng tháng Mười Nga và sự thực Hiến pháp Xô Viết (1918), Người nói: “trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do và bình đẳng thật, không phải là tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mạng Nga đuổi được vua, tư bản địa chủ rồi lại ra sức cho công nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng độc lập lật đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trên thế giới. Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của Cách mạng Nga tháng 10 năm 1917”7.
2.2. Đấu tranh cho độc lập dân tộc và xây dựng thiết chế dân chủ của Việt Nam. Sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng cương lĩnh đầu tiên của Đảng, xác định mục tiêu: độc lập dân tộc và thiết chế dân chủ.
Năm 1919, các cường quốc đồng minh họp Hội nghị Versailes, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tới Hội nghị bản “yêu sách của dân An Nam” gồm 8 điểm, ngoài “quyền dân tộc tự quyết thực sự” và quyền con người, Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật và phải có đại biểu thường trực người Việt Nam do người bản xứ bầu ra bên cạnh Nghị viện Pháp để trình bày nguyện vọng của người bản xứ”. Bản yêu sách đã được khái quát nâng lên thành mức luật hiến trong lời ca:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”8.
Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc cho xuất bản tại Paris cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” nhằm tố cáo với nhân dân Pháp và nhân dân thế giới về tội ác của nhà cầm quyền thực dân ở Đông Dương. Người chỉ rõ: “một nước được coi là mẫu mực đề xướng nguyên tắc “tự do- bình đẳng- bác ái” được ghi trong Hiến pháp 1791 nhưng lại thiết lập chế độ thống trị phi công lý đối với nhân dân Đông Dương”.
Ngày 30/8/1926, sau khi trở về Quảng Châu, Trung Quốc để tổ chức xây dựng lực lượng chuẩn bị thành lập Đảng và trực tiếp chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Nguyễn Ái Quốc cùng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh gửi bức thư cho Hội Quốc Liên với tựa đề “Nhời hô hoán cùng Vạn Quốc hội” với nội dung:
“Chúng tôi yêu sách với vạn quốc quyền độc lập hoàn toàn tức khắc cho dân tộc Việt Nam và quyền tự quyết. Nếu được độc lập ngay thì chúng tôi sẽ sắp xếp lấy một nền Hiến pháp theo như những lý tưởng dân quyền”; còn nếu không thì có thể biết trước rằng không bao lâu nữa dân chúng tôi sẽ khởi nghĩa”9.
Sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930) với chính cương, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, là văn kiện lịch sử xác lập đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu sự hình thành tư tưởng hiến chính dân chủ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cương lĩnh viết:
“Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”
“Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”
“Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập”
“Dựng ra chính phủ công nông binh”10.
Là cương lĩnh đầu tiên của Đảng, chính cương sách lược vắn tắt không chỉ là cương lĩnh chính trị đúng đắn phản ánh xu thế vận động của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới, xác lập quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn thể hiện những quan điểm cốt lỗi trong tư tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và xây dựng thiết chế dân chủ nhân dân, làm nền móng cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Hiến pháp đầu tiên năm 1946.
3. Quá trình đấu tranh để thực thi cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, Quốc dân Đại hội Tân Trào, với vai trò lịch sử “tiền Quốc hội” đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng giành chính quyền và thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (1930- 1945)
Thực hiện cương lĩnh đầu tiên của Đảng (3/2/1930) và Luận cương chính trị tháng 10/1930 của Đảng với 3 cao trào lớn: Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930- 1931), cao trào Mặt trận dân chủ (1936- 1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939- 1945), nhân dân ta đã thực hiện trọn vẹn mục tiêu trước mắt: giải phóng dân tộc, giành chính quyền và xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Cao trào 1930- 1931 và 1936- 1939 là các bước tập dượt, thử nghiệm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng thiết chế nhà nước đỉnh cao là cao trào 1939- 1945, cao trào trực tiếp giành chính quyền trong cả nước.
3.1. Nghị quyết chỉ đạo của các Hội nghị TW 6 (1939) và 7 (1940) và Nghị quyết TW 8 (1941) về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền và xây dựng Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày 1/9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, nhận định đúng thời cơ, Hội nghị TW Đảng lần thứ 6 (11/1939) đã ra nghị quyết, nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp lực lượng “liên hiệp tất cả các dân tộc, các giai cấp, các đảng phái phản đế để đánh đổ đế quốc làm cách mạng giải phóng dân tộc”.
Nghị quyết Hội nghị TW 7 (11/1940) tiếp tục tinh thần của Nghị quyết Hội nghị TW 6 về khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, đồng thời nêu nhiệm vụ “ban bố Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân: tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do hội họp”.
Ngày 19/5/1941, Hội nghị TW lần thứ 8 được triệu tập do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã nêu cao hơn nữa ngọn cờ giải phóng dân tộc, coi cách mạng Đông Dương là “Cách mạng dân tộc giải phóng”; thành lập Mặt trận Việt Minh, đồng thời thay khẩu hiệu “Chính phủ công nông binh” bằng khẩu hiệu “thành lập Chính phủ cộng hoà dân chủ” là “hình thức Chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng trong xứ và trong phong trào giải phóng dân tộc”11.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương còn chỉ rõ: “Sau lúc đánh đuổi Pháp, Nhật, sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới theo tinh thần dân chủ, chính quyền cách mạng của một nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp- Nhật và những bọn phản quốc. Chính phủ nhân dân của Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính phủ ấy do quốc gia đại hội cử ra”12.
Thực hiện các nghị quyết nói trên, từ tháng 5/1941 đến tháng 8/1945, nhất là từ sau ngày đảo chính Nhật- Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua Mặt trận Việt Minh, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra ở các địa phương và hình thành chính quyền nhân dân ở cơ sở. Trên nền tảng đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định triệu tập Quốc dân Đại hội Tân Trào.
3.2. Quốc dân Đại hội Tân Trào với vai trò lịch sử “tiền Quốc hội”, đoàn kết toàn dân thực hiện Nghị quyết của Đảng, tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Việc triệu tập Quốc dân Đại hội đã được Hồ Chí Minh đặt ra ngay từ Hội nghị TW lần thứ 8 (5/1941). Tháng 10/1944, trong thư gửi đồng bào toàn quốc, trước thời cơ cấp bách, Người nhấn mạnh: “chúng ta phải có một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy phải do một cuộc toàn quốc đại biểu Đại hội gồm tất cả các Đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu nước, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang... Tôi mong rằng các Đảng phái và các đoàn thể đều ra sức chuẩn bị cùng nhau thảo luận để khai cuộc toàn quốc đại biểu Đại hội trong năm nay. Như vậy thì ngoài viện nhất định cầu được, cứu quốc nhất định thành công”13.
Ngay sau khi Nhật đầu hàng đồng minh, ngày 13/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào quyết định phát động tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước trước khi quân đồng minh vào Đông Dương, quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, thi hành 10 chính sách của Việt Minh, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, định ra các chính sách đối nội và đối ngoại...
Hội nghị toàn quốc của Đảng vừa kết thúc, ngày 16/8/1945 Quốc dân đại hội đại biểu (nay gọi là Quốc dân đại hội Tân Trào) khai mạc.
Đại hội gồm 60 đại biểu tiêu biểu cho các giới, các đoàn thể, các đảng phái, dân tộc, tôn giáo Bắc, Trung, Nam và một số kiều bào ở Thái Lan, Lào.
Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đại hội đã thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, đó là:
- “Giành chính quyền, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
- Vũ trang nhân dân, phát triển quân giải phóng Việt Nam.
- Tịch thu tài sản của giặc và của Việt gian, tuỳ theo từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo.
- Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ.
- Ban bố những quyền của dân, cho dân: nhân quyền, tài quyền (quyền sở hữu), dân quyền, quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
- Chia lại ruộng đất cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân.
- Ban bố luật lao động: ngày 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm.
- Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp, mở mang Quốc gia ngân hàng.
- Xây dựng nền Quốc gia giáo dục, chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp, kiến thiết nền văn hoá mới.
- Thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sự ủng hộ của họ”14.
Đại hội quyết định thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng (UBDTGP) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Trước giờ bế mạc, UBDTGP (tức Chính phủ lâm thời) đã trang nghiêm tuyên thệ trước Quốc dân đại hội và toàn thể quốc dân: “Chúng tôi là những người được Quốc dân Đại hội đại biểu bầu vào UBDTGP dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước, xin thề!”15.
Với tư cách Chủ tịch UBDTGP, Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi toàn dân nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa, đồng thời gửi thông điệp cho Chính phủ Pháp và Liên hiệp quốc yêu cầu công nhận nền độc lập của nhân dân Việt Nam và biểu thị quyết tâm của nhân dân ta sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ nền độc lập dân tộc16.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một hình thức tổ chức sáng tạo độc đáo, kế thừa truyền thống lịch sử và phản ánh tư tưởng hiến chính đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực thi ngay trong tiến trình giải phóng dân tộc tiến tới giành chính quyền trong cả nước.
Quốc dân Đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương đề xướng và tổ chức lãnh đạo đã làm tròn vai trò lịch sử của một tiền Quốc hội:
- Đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Đã thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh (cụ thể hoá đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng ngay sau khi giành được chính quyền).
- Đã cử ra UBDTGP lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới.
Trên lĩnh vực đối nội ở thời điểm lúc đó, cùng với sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng và thu hút toàn dân trong mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vị thế của “một cơ quan quyền lực cao nhất” đã huy động sức mạnh toàn dân “đem sức ta giải phóng cho ta”, Quốc dân Đại hội Tân Trào là một hình thức tổ chức của cơ quan quyền lực đó.
Trên lĩnh vực đối ngoại: Để phát huy tối đa sức mạnh dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế trong cuộc đấu tranh giành và giữ chính quyền, trong khi chưa có điều kiện tổ chức tổng tuyển cử thì Quốc dân Đại hội Tân Trào là hình thức tổ chức duy nhất đưa chính quyền cách mạng trở thành một thực thể pháp lý của cả dân tộc Việt Nam, đủ tư cách và quyền lực thay mặt nhân dân Việt Nam trong việc giành, giữ chính quyền và đại diện cho dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Đây chính là biểu hiện sáng tạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc thực thi tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Nhận định về sự kiện này, L.A. Patti, một sỹ quan tình báo Pháp có mặt ở Việt Nam tháng 8/1945 sau khi chính quyền Nhật và tay sai sụp đổ đã thừa nhận: “Ông Hồ biết rằng Ông phải làm cho mọi người thấy rõ được cả tính chất hợp pháp lẫn sức mạnh để giữ vai trò lãnh đạo và phát triển phong trào”17.
Xét về nội dung, kết cấu tổ chức, hình thức hoạt động và vai trò lịch sử, có thể coi Quốc dân đại hội Tân Trào là một hình thức tổ chức quyền lực tiền Quốc hội.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc dân Đại hội Tân Trào chẳng những góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8/1945 mà Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào còn tạo ra những cơ sở cho sự hình thành và ra đời của một cơ cấu, thể chế nhà nước mới, đặt nền móng cho một sự nghiệp lớn lao: Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam (1946), hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo tổ chức xây dựng cơ quan lập hiến. Sự ra đời của Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà
4.1. Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng đầu tiên cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và tuyên bố trước thế giới về nền độc lập, chủ quyền và quyền tự do dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Bản tuyên ngôn khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”18.
Tuyên ngôn độc lập là kết tinh truyền thống dân tộc và dân chủ của nhân dân ta trong thời đại mới gắn liền một cách hữu cơ giữa vấn đề độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân, đặt vấn đề dân quyền trên nền tảng độc lập dân tộc tự quyết.
Kế tục và phát triển cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, các Nghị quyết của TW và Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào, Tuyên ngôn độc lập vừa có giá trị lịch sử khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, đồng thời là văn kiện chỉ đạo quan trọng đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam.
4.2. Sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc tổ chức cơ quan Lập hiến- Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Vừa mới ra đời, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã phải đứng trước những thách thức sống còn: sự bao vây, xâm lược của các thế lực đế quốc núp dưới danh nghĩa đồng minh, việc nổ súng quay trở lại xâm lược của đế quốc Pháp và sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động trong khi chính quyền cách mạng còn non trẻ với một nền kinh tế, tài chính kiệt quệ do chế độ cũ để lại.
Trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” ngày 25/11/1945, TW Đảng đã ra chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”. Nêu khẩu hiệu “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” và chỉ ra 4 nhiệm vụ lớn: “Củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản và cải thiện đời sống nhân dân”19.
Chỉ thị cũng nhấn mạnh: “một trong những nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải “xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bàn Chính phủ chính thức”20.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, tức một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, dòng giống...”21.
Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã ra sắc lệnh số 14/SL về cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh ghi rõ:
“Chiếu theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu đại hội họp ngày 16,17 tháng 8 năm 1945 tại khu giải phóng, ấn định rằng nước Việt Nam sẽ theo chính thể dân chủ cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên;
Xét rằng nhân dân Việt Nam do Quốc dân đại hội thay mặt mà quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ cộng hoà;
Xét rằng trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập Quốc dân đại hội không những có thể thực hiện được mà lại rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố nền độc lập và chống nạn ngoại xâm”22.
Bản sắc lệnh cũng quy định: “trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội; tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Một uỷ ban để dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử sẽ được thành lập “để dự thảo một bản Hiến pháp đệ trình Quốc hội, một uỷ ban khởi thảo về Hiến pháp 7 người sẽ thành lập”.
Chính phủ lâm thời còn ra một loạt sắc lệnh để xúc tiến công việc chuẩn bị cụ thể cho cuộc Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp: Sắc lệnh số 34/SL ngày 20/9/1945 thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp; Sắc lệnh số 39/SL ngày 26/9/1945 thành lập Uỷ ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 71/SL ngày 2/12/1945 bổ sung Sắc lệnh số 51, tạo điều kiện thuận lợi cho người ứng cử.
Trong điều kiện giặc ngoài, thù trong, tình hình kinh tế- chính trị- xã hội hết sức khó khăn, vừa kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam, vừa giải quyết những nhiệm vụ cấp bách hàng ngày, vừa phải thực hiện sách lược tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, đồng thời lại phải đấu tranh để chống lại những hành động phá hoại điên cuồng của chúng thì đây sẽ không phải là cuộc Tổng tuyển cử thông thường, mà thực chất là cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc rất quyết liệt để giữ vững chính quyền cách mạng, vừa giữ vững độc lập dân tộc, vừa bảo đảm việc xây dựng thể chế Nhà nước dân chủ nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện sự sáng suốt, vững vàng đề ra các giải pháp quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử:
1. Phát triển và xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng. Mặt trận Việt Minh và hệ thống chính quyền địa phương, thực hiện ngay các giải pháp phát huy quyền dân chủ và nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, xây dựng nền móng vững chắc cho Nhà nước dân chủ.
Ngày 22/11/1945, Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp. Sắc lệnh quy định cách thức tổ chức chính quyền dân chủ, nhân dân; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng nhân dân và uỷ ban hành chính các cấp nhằm thực hiện quyền dân chủ của nhân dân.
Việc thực thi các biện pháp cấp bách của Chính phủ lâm thời: chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm đã đưa lại lợi ích thiết thực, xây dựng niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Đảng và Chế độ mới.
2. Nêu cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, thu hút mọi tầng lớp nhân dân yêu nước tham gia Tổng tuyển cử, hoà hoãn, nhân nhượng có nguyên tắc với các Đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách để đưa tổng tuyển cử đến thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận cùng đứng chung danh sách ứng cử. Hành động này chứng tỏ Chính phủ và Việt Minh luôn luôn tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân, tôn trọng nhân tài, đoàn kết mọi lực lượng yêu nước, thiện tâm, thiện chí vì quyền lợi tối cao của dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà.
Trong cuộc tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử. Không chia gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, nòi giống, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó.
Vì lẽ đó cho nên tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ đoàn kết”23.
Để phá tan âm ưu của kẻ thù, nêu cao ngọn cờ “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết”, Đảng Cộng sản Đông Dương rút vào hoạt động bí mật, song công khai tuyên bố tự giải tán nhằm “phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà”24 và chỉ để lại một bộ phận hoạt động dưới danh nghĩa “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương”. Đó là một cách “để lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn”25.
Đối với Việt Quốc, Việt Cách, Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết đấu tranh vạch trần âm mưu và hành động chống phá của họ, đồng thời có sách lược mềm dẻo, nhân nhượng, hoà hoãn, tạo điều kiện ổn định cho Tổng tuyển cử.
Ngày 25/11/1946, trong chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, Trung ương Đảng đã nhấn mạnh việc tổ chức Tổng tuyển cử bầu cử Quốc hội để quy định Hiến pháp và bầu Chính phủ chính thức, đồng thời dự kiến: “Nếu vì lý do cần thiết thống nhất dân tộc và xúc tiến ngoại giao thì có thể cải tổ Chính phủ trước ngày bầu cử Quốc hội”26.
Qua một quá trình đấu tranh thương lượng và nhân nhượng, Việt Quốc, Việt Cách đã thoả thuận hợp tác với Chính phủ và ủng hộ Tổng tuyển cử.
Ngày 24/12/1945, Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách đã ký bản Biện pháp đoàn kết gồm 14 điều chính và 4 điều phụ, trong đó có 3 khoản chủ yếu:
a. Độc lập trên hết, đoàn kết trên hết.
b. Ủng hộ Tổng tuyển cử Quốc hội và kháng chiến.
c. Đình chỉ công kích lẫn nhau bằng ngôn luận và hành động.
Ngoài ra, bản Biện pháp này còn đề ra những vụ việc cụ thể như mở rộng Chính phủ lâm thời, thừa nhận 70 ghế cho Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội không qua bầu cử.
Ngày 1/1/1946, Chính phủ tự cải tổ thành Chính phủ liên hiệp lâm thời, mở rộng thành phần Chính phủ để thu hút thêm một số thành viên Việt Cách, Việt Quốc trong đó có Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch.
Chương trình đối nội đầu tiên của Chính phủ liên hiệp lâm thời là “làm cho cuộc toàn dân tuyển cử được thành công mỹ mãn và chuẩn bị sẵn sàng việc khai Quốc hội”27.
3. Lãnh đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền trong quảng đại quần chúng về ý nghĩa, nội dung Tổng tuyển cử và đấu tranh đánh bại các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Toàn bộ công tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng, Mặt trận Việt Minh, đoàn thể cứu quốc từ Trung ương đến các địa phương về công tác tuyên truyền bầu cử đều gắn liền với việc thực hiện khẩu hiệu: “Tổ quốc trên hết, dân tộc trên hết” mà chỉ thị kháng chiến kiến quốc ngày 25/11/1945 của Ban chấp hành TW đã đề ra.
Các cơ quan thông tin đại chúng của cách mạng, nhất là các tờ báo Cứu Quốc của Việt Minh, Cờ Giải phóng của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ tháng 12/1945 gọi là báo Sự thật của Hội nghị nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương) đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc hướng dẫn dư luận, cổ vũ quần chúng, thông tin kịp thời về Tổng tuyển cử và giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đấu tranh công khai đập tan các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Đặc biệt là tờ Nhật báo Quốc Hội đã ra đời trong dịp Tổng tuyển cử nhằm mục đích: “định rõ giá trị cuộc Tổng tuyển cử đối với ngoài nước và trong nước; giải thích thể lệ cuộc Tổng tuyển cử cho người dân Việt Nam hiểu quyền hạn và bổn phận của mình trong khi chọn và cử người vào Quốc hội; giúp các bạn ứng cử một cơ quan vận động chung để giới thiệu thành tích, khả năng và chương trình của mình”28.
Nhân dịp này, Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng tổ chức soạn thảo Hiến pháp. Ngày 31/10/1945, Hội đồng Chính phủ đã quyết định công bố trên báo và in gửi đi các làng, xã để thu thập ý kiến của dân. Ngày 10/11/1945 bản dự thảo Hiến pháp Việt Nam chính thức công bố trên báo Cứu Quốc kèm theo thông cáo của Chính phủ. Bản thông cáo nêu rõ: “muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ công bố bản dự án Hiến pháp này để mọi người đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc phê bình... Uỷ ban dự thảo Hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình lên toàn quốc đại hội bàn luận”.
Việc công bố và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân về dự án Hiến pháp đã góp phần rất quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục quần chúng, tạo điều kiện để nhân dân hiểu rõ và lựa chọn thể chế dân chủ gắn liền với nhiệm vụ bầu cử Quốc hội, xây dựng Nhà nước dân chủ mới.
Song song với công tác tuyên truyền vận động quần chúng, phát huy quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng của Đảng và Mặt trận Việt Minh cùng tiến hành cuộc đấu tranh công khai không khoan nhượng với các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.
Trong thời điểm này, các thế lực thù địch Việt Quốc, Việt Cách đã sử dụng hệ thống báo chí phản động như các báo Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm núp dưới chiêu bài “Quốc gia”, “dân tộc”, công khai vu cáo, nói xấu Việt Minh, kêu gọi tẩy chay cuộc Tổng tuyên cử; chúng nêu luận điệu “trình độ dân trí còn thấp”, nên tập trung vào chống Pháp...
Bác bỏ các luận điệu nói trên, báo Cứu Quốc ngày 24/11/1945 đã viết: “Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc, biết viết, nhưng vin vào đây để kết luận rằng dân ta không đủ tư cách để kén chọn Đại biểu là không hiểu gì dân chúng, không hiểu gì chính trị... Hễ có ý thức chính trị là có đủ điều kiện cần thiết nhất để phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là Đại biểu chân chính của mình.
Chỉ có Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân. Sau hết cũng chỉ có Tổng tuyển cử mới có thể cấp cho nước Việt Nam một Hiến pháp, mới ấn định rõ ràng quyền lợi của quốc dân và Chính phủ và mới phá tan được hết những nghi ngờ ở trong cũng như ở ngoài với chính quyền nhân dân”29.
Công tác tuyên truyền bầu cử được tiến hành sâu rộng gắn với các nhiệm vụ hàng ngày “tăng gia sản xuất”, “tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa để diệt giặc đói”, “Tổng tuyển cử là ủng hộ cuộc kháng chiến Nam Bộ”, “biết chữ để thực hiện quyền công dân...”.
Nhiều người có tài, có đức xung phong ra ứng cử hoặc được quần chúng giới thiệu ra ứng cử. Danh sách cử tri và các ứng cử viên được niêm yết công khai. Trung ương Đảng chủ trương: “phải đưa những người đã ở trong Uỷ ban nhân dân có năng lực hành chính ra ứng cử và giới thiệu những người thân hào có tài, có đức ra ứng cử và cùng đứng chung một sổ quốc gia liên hiệp với các người ứng cử của Việt Minh”30.
Đỉnh cao của công tác tuyên truyền vận động là tuần lễ cuối cùng trước khi Tổng tuyển cử (từ 1 đến 6/1/1946).
Cùng với việc tổ chức cho nhân dân trao đổi, tranh luận, chất vấn các ứng cử viên và tìm hiểu các thể thức bầu cử diễn ra trên các địa bàn, các cuộc mít tinh, diễu hành ở các địa phương tạo khí thế sôi nổi tiến tới tổng tuyển cử như một ngày hội lớn của dân tộc.
4. Lãnh đạo và chỉ đạo hoàn thành thắng lợi cuộc bầu cử, sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngày 3/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp của Chính phủ liên hiệp lâm thời để kiểm tra lần cuối cùng các công việc chuẩn bị Tổng tuyển cử.
Ngày 5/1/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Toàn văn như sau:
“Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946
Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.
Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.
Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sỹ ở Miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự thì các chiến sỹ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.
Ngày mai, quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:
Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,
Kiên quyết chống bọn thực dân,
Kiên quyết tranh quyền độc lập.
Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh việc nước...
Ngày mai tất cả các bạn cử tri đều phải nhớ đi bầu cử.
Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của người dân độc lập, tự do”31.
Ngày 6/1/1946, báo Sự Thật- Cơ quan ngôn luận của Đảng đã phát lời kêu gọi nhan đề: “Tất cả hãy đến thùng phiếu”. Lời kêu gọi có đoạn viết: “Tất cả công dân Việt Nam hãy bỏ phiếu để chỉ cho các nước liên hợp thấy rằng dân tộc Việt Nam muốn hoàn toàn độc lập và đã đủ trình độ hưởng hoàn toàn độc lập; dân tộc Việt Nam đang tự mình thi hành nguyên tắc dân tộc tự quyết và dân tộc bình đẳng mà các nước liên hợp đã trịnh trọng tuyên bố ở Cựu Kim Sơn”.
Báo Quốc Hội, số đặc biệt ngày 6/1/1946 đã trân trọng in trang đầu ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và cả bút tích lời kêu gọi của Người “Khuyên đồng bào nam, nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người Đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.
Các báo cũng đăng tải bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các ứng cử viên tại Hà Nội: “... làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung” và lời căn dặn của Người với các cử tri: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ của mình”32.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử như một ngày hội lớn:
Tỷ lệ cử tri đi bầu trong 71 tỉnh thành của cả nước đạt 89%, đã bầu được 333 đại biểu. Trong đó Bắc bộ: 152, Trung bộ: 108, Nam bộ: 73 đại biểu. 57% số đại biểu thuộc các Đảng phái khác nhau, 43% không có Đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sỹ cách mạng; 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu thuộc các dân tộc ít người.33.
Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Quốc hội vừa là thành quả của quá trình đấu trình giải phóng dân tộc của nhân dân ta kể từ ngày thành lập Đảng (3/2/1930), vừa đáp ứng yêu cầu khách quan bức thiết của nhân dân ta: bảo vệ độc lập và xây dựng thiết chế dân chủ mới.
Quốc hội khoá I đã hội tụ các đại biểu của cả 3 miền Bắc- Trung- Nam, tiêu biểu cho ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả các thế hệ người Việt Nam yêu nước đương thời; Quốc hội cũng hội tụ đại biểu các tôn giáo, các thành phần dân tộc, các Đảng phái, các thành phần xã hội (kể cả Vĩnh Thuỵ- vua Bảo Đại).
Đánh giá thắng lợi của tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho tổ quốc”34.
Sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã góp phần quyết định đối với sự ra đời của Quốc hội đầu tiên của nước ta, đó là:
Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ triệt để do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng vừa phù hợp với xu thế thời đại, vừa đáp ứng nhu cầu bức xúc của cách mạng Việt Nam. Đường lối nói trên cùng với sự lãnh đạo tài tình của Đảng đã xây dựng được niềm tin vững chắc, quy tụ được sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân, sự thống nhất giữa ý Đảng lòng dân trong sự nghiệp độc lập dân tộc và xây dựng chế độ dân chủ là nguồn gốc thắng lợi của cách mạng tháng Tám (1945) và sự ra đời của Quốc hội đầu tiên năm 1946.
Sự ra đời của Quốc hội đầu tiên của nước ta là kết quả của trên 30 năm đấu tranh gian khổ đi tìm con đường cứu nước khảo nghiệm để hình thành thiết chế dân chủ mới, xây dựng nền Hiến chính cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 16 năm kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (1930- 1946) dưới sự lãnh đạo của Người đã thực thi từng bước qua Quốc dân đại hội Tân Trào (1945) và đỉnh cao là sự ra đời của Quốc hội Việt Nam (1946).
Sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những được thực hiện trên cương lĩnh, đường lối cách mạng dân tộc dân chủ đúng đắn mà còn thể hiện ở nghệ thuật tổ chức lãnh đạo trong việc thể chế hoá đường lối trong dự thảo Hiến pháp trong việc xây dựng thể lệ bầu cử, ứng cử, trong nghệ thuật tổ chức tuyên truyền và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại tổng tuyển cử của các thế lực thù địch, bảo đảm Tổng tuyển cử thắng lợi.
Sự lãnh đạo của Đảng và thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện trong việc thực thi dân chủ, bảo đảm cho mọi tầng lớp nhân dân được tham gia bầu cử, ứng cử và xây dựng được Quốc hội đầu tiên tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn thể quốc dân.
Một Quốc hội ngay từ khi ra đời đã mang sẵn trong lòng nó một truyền thống tiêu biểu: Quốc hội của dân, do dân và vì dân./.