BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ MỤC ĐÍCH, NỘI DUNG VÀ Ý NGHĨA KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA III
(Do ông Trường Chinh, Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
trình bày tại phiên họp trù bị, ngày 15-4-1966)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hôm nay chúng ta họp phiên trù bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội chúng ta. Tôi xin nói về mục đích, nội dung và ý nghĩa của kỳ họp thứ 3 này; sau đó đồng chí Trần Đình Tri, Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo về dự án chương trình cụ thể của kỳ họp, và dự kiến danh sách Chủ tịch đoàn và Thư ký đoàn để các đồng chí đại biểu Quốc hội biểu quyết.
Trước hết, xin báo cáo với các đồng chí là trong thời gian vừa qua, một vị đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cũ là đồng chí Trần Viết Giần đã bị bệnh từ trần ngày 27-11-1965. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội đứng dậy một phút để mặc niệm đồng chí Trần Viết Giần.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Căn cứ vào Nghị quyết ngày 10-4-1965 của Quốc hội giao quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “Xét và quyết định việc triệu tập Quốc hội vào lúc thuận tiện trong trường hợp Quốc hội không thể họp theo thường lệ”, tháng 9 năm1965 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp nghiên cứu tình hình cụ thể, thấy cần hoãn kỳ họp thứ 3 của Quốc hội ta đáng lẽ, theo Luật tổ chức Quốc hội quy định, phải họp chậm nhất vào tháng 10 năm 1965. Lý do là vì trong thời kỳ phải chuyển từ công tác thời bình sang công tác thời chiến, các đại biểu đều phải bận nhiều việc, và vì phải tập trung sức của Nhà nước và của các ngành các cấp để phục vụ kịp thời. Tháng 4 năm nay chúng ta mới họp kỳ 3, thế là năm 1965 Quốc hội chỉ họp một kỳ. Tuy vậy đây không phải là một cái lệ, lúc nào thấy có điều kiện thì chúng ta lại họp như thường lệ, mỗi năm hai kỳ.
Hiện nay tuy tình hình chiến sự ngày càng khẩn trương, nhưng Đảng và Chính phủ thấy có những vấn đề quan trọng cần báo cáo với Quốc hội để Quốc hội cho ý kiến quyết định, nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trao đổi ý kiến với Chính phủ và thấy rằng Quốc hội cần họp vào tháng 4 này.
Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe những báo cáo sau đây:
- Báo cáo Chính trị của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày. Đó là báo cáo về tình hình và nhiệm vụ;
- Báo cáo về kế hoạch nhà nước do Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, thay mặt Hội đồng Chính phủ trình bày;
- Báo cáo bổ sung về tình hình chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở hai miền do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thay mặt Hội đồng Chính phủ trình bày;
- Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng thời, Quốc hội sẽ nhận được như thường lệ báo cáo về công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo này không đọc trước Quốc hội mà sẽ in và gửi tới đại biểu để các đồng chí xem và cho ý kiến nếu có. Quốc hội cũng sẽ nghe Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đọc Tờ trình về các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cần được Quốc hội phê chuẩn. Về tờ trình này, tôi xin nói rõ là trong kỳ họp thường kỳ hồi tháng 4 năm ngoái, Quốc hội có giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng trong thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội một số quyền hạn, các quyền hạn ấy lúc bình thường là của Quốc hội, nhưng vì tình hình cả nước có chiến tranh với Mỹ, nên Quốc hội chủ động giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn của mình để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tạm sử dụng trong tình hình mới để giải quyết cho kịp thời trong thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội. Từ kỳ họp trước của Quốc hội đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã sử dụng những quyền hạn mà Quốc hội mới giao, và đã thông qua một số nghị quyết mà theo Hiến pháp thì thuộc quyền hạn của Quốc hội. Vì vậy trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình các nghị quyết đó để Quốc hội phê chuẩn.
Các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận những báo cáo của Chính phủ và thông qua một số văn bản, nghị quyết cần thiết.
Trong phiên họp trù bị này, Quốc hội sẽ giải quyết một số vấn đề về tổ chức, về thủ tục, do đồng chí Trần Đình Tri, Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo. Tôi xin nói thêm rằng từ kỳ họp năm ngoái chúng ta sinh hoạt Quốc hội trong điều kiện có chiến tranh, nên chúng ta cần xây dựng nếp làm việc cho thích ứng với tình hình và điều kiện mới; ví dụ như phải định ra những thủ tục, những kỷ luật cần thiết để bảo vệ tài liệu giữ bí mật cho kỳ họp; không thông báo trước về kỳ họp của Quốc hội, mà chỉ sau khi họp xong mới công bố; không mời đại biểu của nhân dân hay phóng viên báo chí ngoại quốc đến dự kỳ họp mà chỉ có nhà báo trong nước và một số đại biểu cơ quan đoàn thể đến dự thính những phiên họp toàn thể mà thôi; không mời ngoại giao đoàn dự các phiên họp của Quốc hội, mà sau kỳ họp Bộ Ngoại giao sẽ thông báo và phát văn kiện chính thức của kỳ họp cho Ngoại giao đoàn và cho các nhà báo ngoại quốc.
Về các văn kiện phát cho các đại biểu thì có một số sẽ thu hồi sau khi các đoàn, các tổ đã làm việc xong. Chúng tôi sẽ bảo đảm để các đồng chí đại biểu khi về địa phương có đủ tài liệu làm việc với cử tri.
Về các vấn đề cụ thể về tổ chức và cách làm việc của kỳ họp này, cũng như về các vấn đề Quốc hội cần giải quyết, đồng chí Trần Đình Tri sẽ báo cáo.