BÁO CÁO CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TẠI KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA III (*)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong thời gian qua từ sau kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa III (tháng 4-1965) đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp 16 phiên, đã nghe báo cáo về nhiều mặt công tác của Nhà nước, đã thông qua 140 nghị quyết và giải quyết nhiều vấn đề khác thuộc quyền hạn của Uỷ ban.
Sau đây, chúng tôi xin báo cáo các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
I- VỀ THI HÀNH NGHỊ QUYẾT NGÀY 10-4-1965
CỦA QUỐC HỘI TRAO CHO UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI MỘT SỐ QUYỀN HẠN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Trong kỳ họp thứ 2, tại phiên họp ngày 10 tháng 4 năm 1965, trước tình hình khẩn trương do những hành động xâm lược và âm mưu mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ gây ra, để cho sinh hoạt của Nhà nước và nhân dân ta thích ứng với hoàn cảnh mới, Quốc hội đã quyết định giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn.
Thi hành Nghị quyết đó, ngày 11 tháng 10 năm 1965 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định hoãn kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa III đáng lẽ được triệu tập vào khoảng tháng 9 tháng 10 đến một thời gian khác thuận tiện hơn, để tập trung mọi năng lực của các cơ quan nhà nước, của cán bộ các ngành vào việc phục vụ các công tác lớn của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra những nghị quyết sau đây:
1. Nghị quyết số 103 NQ/TVQH ngày 21-4-1965 phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Bắc Thái; hợp nhất hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Nam Hà; hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hà Tây; sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân, thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
2. Nghị quyết số 105 NQ/TVQH ngày 21-4-1965 phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách của Nhà nước năm 1963.
3. Nghị quyết số 142 NQ/TVQH ngày 10-8-1965 thông qua bản kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965.
4. Nghị quyết số 180 NQ/TVQH ngày 25-11-1965 phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách của Nhà nước năm 1964.
5. Nghị quyết số 200 NQ/TVQH ngày 18-1-1966 ấn định thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp.
6. Nghị quyết số 201 NQ/TVQH ngày 18-1-1966 về việc cho tiếp tục thi hành chủ trương ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp trong năm 1966 và năm 1967.
Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xét và phê chuẩn những nghị quyết trên (có tờ trình riêng).
II- NHỮNG CÔNG TÁC PHÁP LUẬT KHÁC
Ngoài những nghị quyết đã báo cáo trên, trong thời gian qua Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các nghị quyết sau đây:
1. Quyết định ngày 21-4-1965 về việc động viên cục bộ. Trong văn bản này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định động viên một bộ phận sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị và một bộ phận công dân thuộc ngạch dự bị chưa phục vụ tại ngũ. Quyết định động viên cục bộ này của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm tăng cường lực lượng quốc phòng để sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai. Quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết và biểu thị ý chí sắt đá của toàn thể nhân dân ta kiên quyết bảo vệ Tổ quốc, kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
2. Quyết định đặc xá ngày 30 tháng 8 năm 1965.
Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tha tù cho những phạm nhân đã chịu cải tạo tốt và giảm hạn tù cho những phạm nhân thật thà sửa chữa trong thời gian ở trại.
III- BẦU CỬ BỔ SUNG ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
Trong phiên họp ngày 22 tháng 2 năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định việc bầu cử bổ sung một đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử I tỉnh Hà Đông (cũ), để thay đại biểu Phạm Tấn Thăng đã từ trần.
Cuộc bầu cử đã được tiến hành vào ngày chủ nhật 25-4-1965 cùng một ngày với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân.
Đồng chí Trịnh Huy Thoan tức Đoan đã trúng cử trong cuộc bầu cử bổ sung này.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Uỷ ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại biểu Quốc hội để tiến hành thẩm tra cuộc bầu cử bổ sung.
Uỷ ban thẩm tra đã báo cáo kết quả việc thẩm tra trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, xác nhận cuộc bầu cử bổ sung đã được tiến hành hoàn toàn đúng với các thể thức do Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định.
Trong khi Quốc hội chưa có điều kiện họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã căn cứ vào báo cáo và kết luận của Uỷ ban thẩm tra quyết định đồng chí Trịnh Huy Thoan tức Đoan có thể tạm thời làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội trong khi chờ Quốc hội họp kỳ thứ 3 xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của đồng chí.
Trong kỳ họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chính thức xác nhận tư cách đại biểu của đồng chí Trịnh Huy Thoan tức Đoan.
IV- CÁC VẤN ĐỀ VỀ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC
Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có những quyết định về việc thay đổi tổ chức trong bộ máy nhà nước và bổ nhiệm các nhân viên cao cấp:
A- Về vấn đề thành lập và bãi bỏ cơ quan cao cấp của Nhà nước.
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, ngày 11 tháng 10 năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn:
1. Việc tách Bộ Giáo dục thành hai bộ: Bộ Giáo dục và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
Bộ Giáo dục có trách nhiệm quản lý công tác giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa.
Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm thống nhất quản lý công tác đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ trung học chuyên nghiệp và cán bộ có trình độ đại học và cao hơn đại học.
2. Việc tách Uỷ ban Khoa học Nhà nước thành hai cơ quan: Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước và Viện Khoa học Xã hội.
Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước có trách nhiệm quản lý toàn bộ công tác khoa học và kỹ thuật. Uỷ ban này vừa có chức năng nghiên cứu khoa học, vừa có chức năng quản lý công tác khoa học và kỹ thuật.
Viện Khoa học Xã hội có trách nhiệm nghiên cứu những vấn đề về triết học và về các khoa học xã hội.
3. Việc thành lập Tổng cục Thông tin, trực thuộc Hội đồng Chính phủ để thống nhất quản lý công tác thông tin tuyên truyền và cổ động của Nhà nước.
B- Về việc bổ nhiệm các chức vụ của Nhà nước.
a) Về Uỷ ban Thường vụ Quốc hội:
Trong phiên họp ngày 11 tháng 10 năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu được miễn chức Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để nhận nhiệm vụ khác trong Hội đồng Chính phủ, và đã cử đồng chí Nguyễn Văn Chi, Uỷ viên dự khuyết, là Uỷ viên chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thay đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu.
b) Về Hội đồng Chính phủ:
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11 tháng 10 năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định miễn nhiệm và bổ nhiệm một số chức vụ trong bộ máy nhà nước như sau:
- Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được miễn kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học nhà nước;
- Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Bộ Công an được miễn kiêm chức Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng;
- Đồng chí Lê Liêm được miễn chức Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng để nhận nhiệm vụ khác;
- Đồng chí Nguyễn Văn Tạo được miễn chức Bộ trưởng Bộ Lao động và được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng;
- Đồng chí Tạ Quang Bửu được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp;
- Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước được bổ nhiệm kiêm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước;
- Đồng chí Nguyễn Hữu Khiếu được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động.
Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Đinh Đức Thiện giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (ngày 17 tháng 7 năm 1965); và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Thống nhất của Chính phủ, kiêm giữ chức Tổng Tham mưu phó Bộ Tổng tham mưu thuộc Bộ Quốc phòng (ngày 18 tháng 01 năm 1966).
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm đồng chí Hoàng Lương làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari (ngày 21-4-1965), đồng chí Đỗ Phát Quang làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hòa Nhân dân Ba Lan (ngày 23-6-1965), đồng chí Nguyễn Huy Thu làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ (ngày 27-7-1965), đồng chí Ngô Mậu làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hòa Cuba (ngày 10-8-1965), và đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại nước Cộng hòa Mali (ngày 18-1-1966).
c) Về Tòa án nhân dân tối cao
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm đồng chí Lê Trung Hà (ngày 21-4-1965), đồng chí Tô Ký (ngày 27-7-1965) và đồng chí Thanh Phong (ngày 10-8-1965) làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
d) Về Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 18-1-1966, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ nhiệm các đồng chí Nguyễn Văn Quảng tức Hồng Quang, Nguyễn Quang Diệu, Mai Văn Tuân và Phan Hữu Chi làm Kiểm sát viên và các đồng chí Lê Thị Ban và Nguyễn Đình Khang làm Kiểm sát viên dự khuyết của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
V- VIỆC TẶNG THƯỞNG HUÂN CHƯƠNG
Trong thời gian qua, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng Huân chương cho một số đơn vị và cá nhân.
Về việc tiếp tục khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 215 Huân chương Kháng chiến và truy tặng 221 Huân chương Kháng chiến cho cán bộ, công nhân, viên chức, gia đình và cá nhân trong nhân dân đã có công trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Về việc khen thưởng chiến công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định:
- Tặng thưởng 9 Huân chương Độc lập cho 3 đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam và 6 tỉnh đã lập được nhiều chiến công vẻ vang và lập được nhiều thành tích đặc biệt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước;
-Tặng thưởng 121 Huân chương Quân công và 1.992 Huân chương Chiến công cho các đơn vị, địa phương, cán bộ và chiến sĩ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đã có nhiều thành tích trong các trận chiến đấu chống máy bay Mỹ, gián điệp, biệt kích, bảo vệ vùng trời, vùng biển nước ta hoặc trong công tác phục vụ các trận chiến đấu;
- Truy tặng 4 Huân chương Quân công và 741 Huân chương Chiến công cho 745 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu hoặc trong khi làm nhiệm vụ.
Về việc khen thưởng thành tích thi đua thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1964, thành tích về bảo vệ và phát triển giao thông vận tải trong điều kiện chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, thành tích xây dựng và phát triển ngành giáo dục trong năm học 1963 - 1964, thành tích về tuyên truyền phổ biến đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, thành tích trồng cây gây rừng, chống gió bão, và những thành tích khác của các ngành hoạt động của Nhà nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định truy tặng cho 2 cán bộ ngành giao thông vận tải đã hy sinh dũng cảm trong khi thi hành nhiệm vụ và tặng thưởng cho các đơn vị, địa phương và cá nhân 405 Huân chương Lao động.
Về khen thưởng thành tích xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng và truy tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cho nhiều cán bộ và chiến sĩ.
Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập và 140 Huân chương Lao động cho các chuyên gia các nước anh em đã có công giúp Chính phủ và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cho các đoàn nghệ thuật của các nước anh em sang thăm hữu nghị và biểu diễn ở nước ta.
Việc khen thưởng, nhất là việc khen thưởng các chiến công đã làm kịp thời, do đó có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta ra sức thi đua xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tích cực ủng hộ cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, và đã góp phần thắt chặt thêm tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân nước ta và nhân dân các nước anh em.
VI- VIỆC GIẢI QUYẾT NHỮNG THƯ KHIẾU TỐ
CỦA NHÂN DÂN
Từ kỳ họp trước của Quốc hội đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được 1.256 thư do nhân dân và cán bộ gửi đến và tiếp 351 người trực tiếp đến Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa thư và trình bày nguyện vọng.
Số thư này gồm nhiều loại: Thư khiếu nại, tố giác, bày tỏ nguyện vọng, góp ý kiến về các chính sách của Đảng và Nhà nước, v.v.. Trong những thư đó, có một số khá lớn thư khiếu nại và tố giác những hành động vi phạm chính sách, chế độ nhà nước của một số cán bộ, nhất là cán bộ xã, hợp tác xã; có thư của cán bộ, công nhân, viên chức khiếu nại về việc thi hành kỷ luật, có thư của gia đình phạm nhân hoặc của bản thân phạm nhân xin ân giảm, ân xá, v.v..
Tất cả các thư từ do cán bộ và nhân dân gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều được Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm để xét và giải quyết.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng mặc dầu trong hoàn cảnh chiến tranh, việc giải quyết các thư khiếu tố của nhân dân vẫn có tiến bộ. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị nhắc nhở các cơ quan trung ương và các Uỷ ban Hành chính địa phương tăng cường công tác kiểm tra và giải quyết các việc khiếu tố của nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức của các ngành, các cấp. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng có thông tư, chỉ thị nhắc nhở các Viện kiểm sát nhân dân địa phương bố trí cán bộ và địa điểm thuận tiện để tiếp nhận đơn khiếu tố của nhân dân. Nhiều cơ quan ở trung ương và địa phương đã chú ý làm tương đối tốt công tác này, như Bộ Công an, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Uỷ ban Hành chính và Viện Kiểm sát nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, v.v.. Tuy nhiên, kết quả giải quyết còn ít so với thư từ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhận và chuyển cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, vì còn có cơ quan và địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
VII- QUAN HỆ VỚI HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Trong thời gian qua, Chính phủ đã tạo mọi điều kiện thuận tiện để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo dõi kịp thời và đầy đủ tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Ban Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên nhận được các nghị định, nghị quyết, chỉ thị của Hội đồng Chính phủ, các thông báo thường kỳ về các hoạt động của Hội đồng Chính phủ, về tình hình các mặt. Ban Thư ký đã tổ chức nghiên cứu các văn bản nói trên và trình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi cần thiết.
Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp nghe các vị đại diện của Hội đồng Chính phủ trình bày nhiều vấn đề quan trọng:
- Ngày 27-7-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Trưởng đoàn đại biểu kinh tế của Chính phủ ta, báo cáo về kết quả cuộc đi thăm hữu nghị Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Cộng hòa Dân chủ Đức, Bungari, Hunggari, Tiệp Khắc(1), Triều Tiên đàm phán và ký kết viện trợ với các nước anh em đó.
- Ngày 31-1-1966, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị, Trưởng đoàn đại biểu kinh tế của Chính phủ ta báo cáo về kết quả cuộc đi thăm hữu nghị và đàm phán, ký kết lần thứ hai với các nước xã hội chủ nghĩa anh em Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Hunggari, Rumani, Bungari, Tiệp Khắc.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất vui mừng trước những kết quả to lớn về kinh tế và chính trị mà Đoàn đại biểu Chính phủ ta đã thu được trong các cuộc đi thăm hữu nghị này. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng những hiệp định đã được ký kết giữa Đoàn đại biểu Chính phủ ta với Đoàn đại biểu Chính phủ các nước anh em một lần nữa đã nói lên tình hữu nghị chiến đấu, sự hợp tác anh em và sự giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần quốc tế vô sản giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Sự giúp đỡ to lớn ấy giúp nhân dân ta tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng của mình, đồng thời là một sự cổ vũ mạnh mẽ đối với quân và dân cả nước ta đang quyết chiến và quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
Thay mặt nhân dân ta và Quốc hội ta, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tỏ lòng chân thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đối với nhân dân ta.
- Tháng 11 năm 1965, theo đề nghị của Tổng cục Lâm nghiệp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Đăng Khoa dẫn đầu, đi thăm một số cơ sở trồng cây gây rừng tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Sau đó, ngày 16 tháng 2 năm 1966 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Tạo báo cáo về tình hình công tác của ngành lâm nghiệp, đặc biệt là công tác trồng cây gây rừng trong những năm qua. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã biểu dương những thành tích của ngành lâm nghiệp trong thời gian qua và đã đề ra một số ý kiến để lưu ý Chính phủ về việc tiếp tục thúc đẩy phong trào trồng cây chống Mỹ, cứu nước, làm cho phong trào đó phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
- Ngày 16 tháng 3 năm 1966, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Phan Trọng Tuệ báo cáo về tình hình công tác của ngành Giao thông vận tải, đặc biệt là công tác bảo đảm giao thông vận tải trong điều kiện chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhiệt liệt biểu dương những thành tích rực rỡ mà ngành giao thông vận tải đã đạt được trong những điều kiện hết sức khó khăn do đế quốc Mỹ gây ra. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng sở dĩ đạt được những thành tích đó là nhờ sự lãnh đạo và chỉ đạo đúng đắn và kịp thời của Đảng và Chính phủ, nhờ sức lao động dũng cảm và chiến đấu kiên cường của cán bộ và công nhân ngành giao thông vận tải, đặc biệt là nhờ toàn thể nhân dân ta với lòng yêu nước nồng nàn, không sợ hy sinh gian khổ, phát huy tinh thần sáng tạo và tự lực cánh sinh, tích cực tham gia công tác giao thông vận tải, làm cho công tác này thật sự trở thành công tác của toàn dân.
- Ngày 30-3-1966, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên báo cáo về tình hình công tác giáo dục, nội dung đề án cải cách giáo dục của Chính phủ và việc chuyển hướng giáo dục trong tình hình mới. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành mục đích, yêu cầu, nội dung và phương hướng cơ bản của đề án cải cách giáo dục mà Chính phủ đã đề ra, xem đó là cơ sở tốt để chuẩn bị tiến hành cải cách giáo dục và xây dựng nhà trường xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí tán thành chủ trương của Chính phủ về việc chuyển hướng công tác giáo dục cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, đồng thời chuẩn bị điều kiện để tiến tới thực hiện cải cách giáo dục.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khen ngợi những thành tích to lớn mà ngành giáo dục đã đạt được trong thời gian qua, khen ngợi đội ngũ cán bộ giáo dục đã tận tụy công tác, chấp hành tốt đường lối giáo dục đúng đắn của Đảng và Chính phủ.
VIII- VỀ QUAN HỆ VỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Trong thời gian qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn luôn giữ quan hệ mật thiết với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cử đại diện tham dự đều đặn các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo công tác của ngành trong năm 1964. Tòa án nhân dân tối cao đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo công tác 9 tháng đầu năm 1965. Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã gửi đến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về chuyển hướng công tác của toàn ngành trước tình hình mới.
Trong nhiều phiên họp của mình, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xét một số vấn đề cụ thể về công tác xét xử của ngành Tòa án.
Tại kỳ họp này của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ báo cáo công tác trước Quốc hội.
IX- QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI CÁC NƯỚC
Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhiều nước
khác đã nhiệt liệt hưởng ứng Lời kêu gọi ngày 10-4-1965 của Quốc hội ta.
Đáp lại Lời kêu gọi ngày 10-4-1965 của Quốc hội ta, Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa anh em và Quốc hội nhiều nước khác đã bày tỏ với Quốc hội và nhân dân ta mối cảm tình sâu sắc và sự ủng hộ nhiệt liệt.
Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa đã nhanh chóng và nhiệt liệt hưởng ứng Lời kêu gọi đó và đã gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta những bức thư chí tình, những Nghị quyết kịch liệt lên án đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam, tỏ sự đồng tình sâu sắc, sự ủng hộ triệt để đối với lập trường 4 điểm của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lập trường 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong phiên họp ngày 20-4-1965, đã thông qua Nghị quyết ủng hộ và nhiệt liệt hưởng ứng Lời kêu gọi của Quốc hội ta. Bản Nghị quyết có đoạn viết: "Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa anh em khăng khít như môi với răng. Nhân dân Trung Quốc và nhân dân Việt Nam là những người bạn chiến đấu sống chết có nhau. Chính phủ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đã trịnh trọng tuyên bố: đế quốc Mỹ xâm lược nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là xâm phạm Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc quyết không thể làm ngơ mà không cứu. Theo yêu cầu của nhân dân Việt Nam và theo nhu cầu của cuộc đấu tranh chung chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình để giúp đỡ nhân dân Việt Nam đánh bại hoàn toàn bọn xâm lược Mỹ"…
- Các Chủ tịch hai Viện của Xô viết tối cao Liên Xô, ngày 29-4-1965, đã gửi thư cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ta tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ Lời kêu gọi của Quốc hội" ta và trong phiên họp ngày 9-12-1965, Xô viết tối cao Liên Xô đã nhất trí thông qua bản tuyên bố "kịch liệt lên án cuộc can thiệp vũ trang của Mỹ vào Nam Việt Nam và cuộc xâm lược chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà". Bản tuyên bố viết: "Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam chống đế quốc xâm lược, vì tự do và độc lập đã nêu một tấm gương về ý chí kiên cường và lòng dũng cảm sắt đá và đang được sự đồng tình sâu sắc và sự ủng hộ hoàn toàn của tất cả các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình, Liên Xô đã, đang và sẽ tiếp tục dành cho nhân dân Việt Nam mọi sự giúp đỡ và ủng hộ cần thiết trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược".
- Chủ tịch đoàn Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã họp phiên mở rộng ngày 30-4-1965 để nghiên cứu Lời kêu gọi của Quốc hội ta, và trong kỳ họp thứ 4 của Quốc hội Triều Tiên ngày 20-5-1965, vấn đề ủng hộ Việt Nam đã được nêu thành một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của kỳ họp. Nghị quyết của Quốc hội Triều Tiên có đoạn viết: "Nhân dân Triều Tiên và nhân dân Việt Nam đang kề vai sát cánh ở các tiền đồn phía Đông và Đông Nam của phe xã hội chủ nghĩa, và đang cùng trải qua tấn bi kịch là đất nước vẫn còn bị chia cắt vì chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Hành động xâm phạm của kẻ thù đối với chủ quyền và nền tự do của nhân dân Việt Nam cũng là sự xâm phạm đối với nhân dân Triều Tiên và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ là cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên.
- Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trong phiên họp toàn thể ngày 18-12-1965 đã nhất trí thông qua bản tuyên bố ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ hoàn toàn tán thành hoạt động của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ nhằm thắt chặt tình đoàn kết quốc tế của nhân dân Mông Cổ đối với nhân dân Việt Nam, giúp đỡ theo khả năng của mình và ủng hộ bằng mọi cách cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Mỹ.
- Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức trong buổi khai mạc kỳ họp thứ 18 ngày 21-12-1965 đã thông qua Nghị quyết lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ chống nhân dân miền Nam Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Nghị quyết có đoạn viết: "Nước Cộng hòa Dân chủ Đức coi nghĩa vụ quốc tế thiêng liêng của mình, như Liên Xô đã làm, là dành cho nhân dân Việt Nam mọi sự giúp đỡ".
- Chủ tịch Đoàn Quốc hội nhân dân nước Cộng hòa Nhân dân Anbani ngày 3-5-1965 đã ra tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Lời kêu gọi của Quốc hội ta trong đó có nhận định như sau: "Ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đang đi đến chỗ thất bại hoàn toàn và không thể tránh khỏi. Nhân dân Việt Nam sẽ không chịu khuất phục trước sức mạnh hoặc bị lừa dối bởi luận điệu "hòa bình thương lượng" của Tổng thống Giônxơn, tên đầu sỏ đế quốc xâm lược".
- Chủ tịch Đoàn Quốc hội, Ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban ngoại giao của Quốc hội Bungari trong phiên họp liên tịch ngày
5-5-1965 đã nhiệt liệt ủng hộ Lời kêu gọi của Quốc hội ta và tuyên bố rằng nhân dân Bungari sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình và giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em đang chiến đấu.
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Rumani tuyên bố: "Trên tinh thần quốc tế vô sản, Quốc hội và nhân dân Rumani đồng tình và ủng hộ hoàn toàn cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, bởi vì cuộc đấu tranh đó là chính nghĩa. Chúng tôi tin chắc rằng thắng lợi cuối cùng nhất định về phía nhân dân Việt Nam anh hùng".
Ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác như ở Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Uỷ ban Ngoại giao của Quốc hội bằng những lời lẽ nhiệt tình đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của mình đối với lập trường của Quốc hội và Chính phủ ta cũng như của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam về vấn đề Việt Nam và nghiêm khắc lên án những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ.
Ngoài Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa, còn có Quốc hội một số nước khác cũng có thư trả lời Quốc hội ta, như: trong thư gửi đến Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia nói: "Quốc hội Vương quốc Campuchia nhất trí quyết định kiên quyết ủng hộ lập trường của nhân dân Việt Nam anh hùng"; Chủ tịch Quốc hội hợp tác nước Cộng hòa Inđônêxia, ngày 17-7-1965, cũng có thư ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Quốc hội nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi, đông đảo nghị sĩ thuộc nhiều tầng lớp, chính kiến khác nhau, nhiều nhà ngôn luận nổi tiếng trên thế giới đã theo dõi với một mối cảm tình đặc biệt mọi diễn biến của tình hình nước ta và đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
CUỘC ĐI THĂM HỮU NGHỊ 4 NƯỚC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TA
Nhận lời mời của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trong năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu Quốc hội do đồng chí Hoàng Văn Hoan, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, làm Trưởng đoàn lần lượt đi thăm hữu nghị các nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết.
Đoàn đại biểu lên đường ngày 11-7-1965 và trở về đến Hà Nội ngày 3-9-1965.
Cuộc đi thăm này nhằm mục đích củng cố và phát triển tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân ta với nhân dân các nước anh em, đặc biệt là để bày tỏ lòng biết ơn của nhân dân ta về sự đồng tình và ủng hộ to lớn của nhân dân các nước anh em đối với ta. Cũng trong dịp này Đoàn đại biểu Quốc hội ta sẽ vạch trần những âm mưu và tội ác của giặc Mỹ xâm lược và nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của ba mươi triệu đồng bào ta ở hai miền, để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ nhiều hơn nữa của nhân dân các nước anh em đối với cuộc đấu tranh tất thắng của nhân dân ta. Cuộc đi thăm lần này còn nhằm mục đích đáp lại các cuộc đi thăm nước ta của các Đoàn đại biểu Quốc hội một số nước anh em.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vui mừng báo cáo với các đồng chí đại biểu Quốc hội rằng cuộc đi thăm hữu nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội ta lần này đã đạt được kết quả to lớn và mỹ mãn. Đoàn đại biểu ta đến đâu cũng được Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước anh em nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong cuộc đi thăm này, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã giới thiệu rộng rãi với nhân dân các nước anh em về tội ác xâm lược và âm mưu lừa bịp hòa bình của đế quốc Mỹ ở Việt Nam, về tình hình đấu tranh anh dũng và quyết tâm chống Mỹ, cứu nước cho đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta.
Qua cuộc đi thăm này, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã làm cho tình hữu nghị sẵn có giữa nhân dân ta với nhân dân các nước anh em được củng cố và phát triển thêm, góp phần tăng cường đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đảng, Quốc hội và Chính phủ các nước anh em đã đánh giá cuộc đấu tranh của nhân dân ta không những chỉ để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam và thống nhất nước nhà, mà còn là một cống hiến to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc nói chung, đối với sự nghiệp bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình thế giới.
Đảng, Quốc hội và Chính phủ các nước anh em đã trịnh trọng tuyên bố sự đồng tình sâu sắc và sự ủng hộ mạnh mẽ về tinh thần cũng như về vật chất nhằm tăng cường sức chiến đấu của nhân dân ta; đồng thời biểu thị lòng tin tưởng sắt đá rằng cuộc đấu tranh chính nghĩa của 30 triệu đồng bào ta nhất định thắng lợi.
Sau khi đi thăm về, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã báo cáo kết quả cuộc đi thăm này trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thay mặt Quốc hội và nhân dân ta tỏ lòng cảm ơn Đảng, Quốc hội và Chính phủ các nước anh em Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Liên Xô đã tỏ nhiệt tình cao độ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt đẹp.
Theo quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã báo cáo kết quả tốt đẹp của cuộc đi thăm hữu nghị này với nhân dân cả nước ta, qua nhiều cuộc mít tinh, báo chí và đài phát thanh.
HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI
CỦA QUỐC HỘI CÁC NƯỚC BẠN
Hưởng ứng Nghị quyết ngày 21-5-1965 của Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về việc đoàn kết toàn dân tộc, đập tan cuộc hội đàm "Nam Triều Tiên(3) - Nhật Bản". Ngày 30 tháng 6 năm 1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã gửi điện cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên kiên quyết ủng hộ Nghị quyết của Quốc hội Triều Tiên, cực lực lên án các "hiệp ước" và "hiệp nghị" phi pháp trong cuộc hội đàm Nam Triều Tiên - Nhật Bản và xem các văn kiện ấy là hoàn toàn vô giá trị.
Hưởng ứng bản Tuyên ngôn ngày 8-5-1965 của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Dân tộc nước Cộng hòa Dân chủ Đức nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 ngày giải phóng nước Đức, trong phiên họp ngày 30-8-1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiệt liệt tán thành bản tuyên ngôn nói trên và hoàn toàn ủng hộ những yêu cầu chính đáng và khẩn thiết của nhân dân Đức là bảo đảm cho chiến tranh sẽ không bao giờ xuất phát từ đất Đức, cho hòa bình và an ninh ở châu Âu được củng cố, cho hòa bình thế giới được giữ vững cho nước Đức được thống nhất thành một Nhà nước hòa bình và dân chủ.
*
* *
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC UỶ BAN CỦA QUỐC HỘI
Uỷ ban Văn hóa và Xã hội:
Trong thời gian qua, Uỷ ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đã họp 5 lần để nghe báo cáo về tình hình công tác giáo dục, nội dung đề án cải cách giáo dục và việc chuyển hướng công tác giáo dục trong tình hình mới. Các ý kiến của Uỷ ban đã được báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 30-3-1966.
Uỷ ban Thống nhất:
Uỷ ban Thống nhất của Quốc hội đã họp 6 lần để bày tỏ thái độ về những vấn đề hoặc sự kiện lớn có quan hệ đến công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, và hưởng ứng các cuộc vận động chính trị lớn.
Uỷ ban đã:
- Tỏ thái độ về việc đế quốc Mỹ đưa 2.000 lính đánh thuê Nam Triều Tiên vào miền Nam Việt Nam, mở đầu cho việc đưa quân chư hầu vào tham gia chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam;
- Nghe báo cáo về việc máy bay Mỹ bắn phá Quảng Bình và Vĩnh Linh, mở đầu việc đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân ở miền Bắc;
- Tỏ thái độ về việc đế quốc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ Mỹ và dùng máy bay oanh tạc miền Nam Việt Nam, mở đầu việc đế quốc Mỹ đưa lực lượng chiến đấu của chúng trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam;
- Hưởng ứng tuyên bố ngày 22-3-1965 của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam;
- Tỏ thái độ về việc Mỹ vi phạm Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 11 ngày ký kết hiệp định đó;
- Kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Uỷ ban cũng đã cung cấp tài liệu và tổ chức thông báo về tình hình miền Nam cho các đại biểu miền Nam trong Quốc hội.
Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách:
Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã họp 5 lần để:
- Thẩm tra tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1963 và năm 1964;
- Nghiên cứu dự án kế hoạch nhà nước năm 1965 và dự án ngân sách nhà nước năm 1965;
- Nghiên cứu chính sách và điều lệ thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp;
- Nghiên cứu đề nghị cho tiếp tục thi hành chính sách ổn định nghĩa vụ thuế nông nghiệp đến hết năm 1967;
- Thẩm tra dự án kế hoạch nhà nước 2 năm.
Các ý kiến của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách đã được thuyết trình trước các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để xét và ra quyết định các vấn đề nói trên.
Uỷ ban Dân tộc:
Uỷ ban Dân tộc đã họp để nghiên cứu tình hình thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vùng dân tộc năm 1965 và các chủ trương của Chính phủ ở các vùng dân tộc năm 1966. Uỷ ban cũng đã bàn đến sự hoạt động của Uỷ ban trong thời gian sắp tới.
Uỷ ban Dự án pháp luật:
Trong thời gian qua, đại diện Uỷ ban Dự án pháp luật đã 2 lần đi nghiên cứu về tình hình thực hiện Luật hôn nhân và gia đình tại Khu tự trị Việt Bắc.
*
* *
Trên đây là các mặt hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội từ kỳ họp trước đến nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo để Quốc hội xét.