VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

TỜ TRÌNH  
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ VIỆC SỬ DỤNG MỘT SỐ QUYỀN HẠN
DO QUỐC HỘI GIAO CHO TRONG TÌNH HÌNH MỚI

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Tổng Thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá III, ngày 16-4-1966)

 
 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Để hoạt động của Nhà nước thích ứng với tình hình và nhiệm vụ mới, Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ 2, tại phiên họp ngày 10-4-1965, đã ra quyết nghị:

1. Giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét và quyết định việc triệu tập Quốc hội vào lúc thuận tiện trong trường hợp Quốc hội không thể họp theo thường lệ.

2. Giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng, trong thời gian giữa hai kỳ họp của Quốc hội, những quyền hạn sau đây:

- Quyết định kế hoạch kinh tế nhà nước; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của Nhà nước;

- Ấn định các thứ thuế;

- Phê chuẩn việc phân vạch địa giới các tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội phê chuẩn những Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề ghi ở trên, trong kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

4. Những quy định trên đây được áp dụng cho đến khi có nghị quyết mới của Quốc hội.

Chấp hành Nghị quyết đó, trong thời gian từ kỳ họp thứ 2 đến nay, ngoài những công tác thường xuyên nêu lên trong báo cáo chung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra những nghị quyết mà chúng tôi trình sau đây để xin Quốc hội phê chuẩn:

1. Nghị quyết số 103 ngày 21 tháng 4 năm 1965 về việc hợp nhất các tỉnh Bắc Cạn với Thái Nguyên, Hà Đông với Sơn Tây và Hà Nam với Nam Định

Năm 1962 và 1963, theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ, Quốc hội đã phê chuẩn việc hợp nhất một số tỉnh và thành phố: Bắc Ninh và Bắc Giang, Kiến An và Hải Phòng, Hải Ninh và Hồng Quảng. Việc hợp nhất này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và văn hóa ở địa phương, kiện toàn các cơ quan chỉ đạo và các ngành trọng yếu của địa phương, tăng cường cán bộ cho những cơ sở còn yếu, giảm bớt biên chế và chỉ tiêu hành chính, đồng thời giúp cho sự chỉ đạo của Trung ương đối với các tỉnh được thuận lợi hơn.

Căn cứ vào những kinh nghiệm đó, Hội đồng Chính phủ đã đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hợp nhất:

- Hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Bắc Thái và đặt tỉnh lỵ tại thành phố Thái Nguyên.

- Hai tỉnh Hà Nam và Nam Định thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Nam Hà và đặt tỉnh lỵ tại thành phố Nam Định.

- Hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây và đặt tỉnh lỵ tại thị xã Hà Đông.

Đồng thời Hội đồng Chính phủ cũng đề nghị sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất tỉnh Sơn Tây vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình.

Việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên nhằm giúp tỉnh Bắc Cạn khắc phục được khó khăn vì dân số ít không đẩy mạnh được việc xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện để mở rộng vùng nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên cho phù hợp với yêu cầu phát triển của khu công nghiệp gang thép.

Việc hợp nhất hai tỉnh Hà Nam và Nam Định nhằm giúp cho tỉnh Hà Nam khắc phục những khó khăn do diện tích hẹp, đại bộ phận lại là đồng chiêm, sản xuất nông nghiệp còn độc canh, không đủ điều kiện để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế; đồng thời, tạo điều kiện để thống nhất sự chỉ đạo chống úng, chống hạn ở khu vực đồng chiêm nằm giữa hai tỉnh.

Việc hợp nhất hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây nhằm tạo điều kiện để bảo đảm cân đối giữa sản xuất lương thực và phát triển cây công nghiệp, chăn nuôi, tơ tằm, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thủy lợi, bảo vệ đê điều.

Việc hợp nhất các tỉnh trên đây sẽ không đưa lại khó khăn gì lớn, trừ Bắc Thái là tỉnh sẽ gặp khó khăn trong việc chỉ đạo một số huyện, xã xa tỉnh lỵ, do chưa có đường giao thông thuận tiện; khó khăn này sẽ khắc phục bằng cách tăng cường phương tiện giao thông, vận tải cho những huyện, xã đó. Tuy nhiên, đối với các tỉnh mới sáp nhập, cần có kế hoạch giải quyết tốt tư tưởng của cán bộ, sắp xếp bộ máy, bố trí cán bộ là những vấn đề chung đặt ra cho các tỉnh khi hợp nhất cần giải quyết.

Việc sáp nhập xã An Hòa vào xã Tiến Xuân là cần thiết vì xã An Hòa chỉ có 320 nhân khẩu; các thôn, xóm của An Hòa không có đường giao thông thuận lợi đi về huyện lỵ Thạch Thất, nhưng lại có quan hệ chặt chẽ về mọi mặt với xã Tiến Xuân.

Việc hợp nhất các tỉnh và sáp nhập các xã trên đây đã được Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Hành chính các tỉnh có liên quan nhất trí tán thành.

Xét thấy trong việc hợp nhất các tỉnh và việc sáp nhập các xã trên đây, thuận lợi là căn bản, khó khăn không nhiều và có khả năng khắc phục được, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 21 tháng 4 năm 1965, đã phê chuẩn các đề nghị nói trên của Hội đồng Chính phủ.

2. Nghị quyết số 105 ngày 21 tháng 4 năm 1965 về tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1963

Theo báo cáo của Hội đồng Chính phủ, ngân sách nhà nước năm 1963, đã được quyết toán như sau:

Tổng số thu là 1.848.830.686đ,34, bằng 104,28% dự toán và so với năm 1962 thì bằng 105,31%.

Tổng số chi là 1.819.864.346đ,89, bằng 102,69% dự toán và so với năm 1962 thì bằng 104,83%.

Số thu nhiều hơn số chi là 28.966.339đ,45.

Việc thực hiện ngân sách nhà nước năm 1963 đã thu được kết quả tốt. Nhờ thu vượt mức dự toán, ngân sách nhà nước đã bảo đảm các khoản chi cần thiết để đẩy mạnh thêm một bước công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, vừa bảo đảm ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, vừa tăng cường giúp đỡ nông nghiệp, đồng thời bảo đảm cho các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội phát triển, góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, củng cố quốc phòng và giữ gìn trật tự trị an.

Tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1963, về cơ bản, phù hợp với báo cáo thực hiện ngân sách nhà nước 1963 đã trình Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 8, năm 1964.

Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 21 tháng 4 năm 1965, sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước 1963 do Hội đồng Chính phủ trình.

3. Nghị quyết số 142 ngày 10 tháng 8 năm 1965 về kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965

Kế hoạch nhà nước năm 1965, do Hội đồng Chính phủ trình trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đã quán triệt phương hướng và nhiệm vụ chung mà Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ 2, đã quyết định. Các nhiệm vụ cụ thể về các mặt: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, thương nghiệp, lao động, văn hóa, xã hội, v.v., nêu trong kế hoạch nhà nước năm 1965, về cơ bản, đều thể hiện các yêu cầu và chuyển biến của thời chiến.

Các chỉ tiêu của kế hoạch đã thể hiện tinh thần tích cực, chủ động. Tốc độ phát triển nông nghiệp (tăng 9% so với 1964), tốc độ phát triển công nghiệp (tăng 18% so với năm 1964) và tốc độ xây dựng cơ bản là hiện thực và phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới. Kế hoạch đặt vị trí giao thông vận tải thành vấn đề trung tâm đột xuất là hoàn toàn đúng đắn.

Về mặt lãnh đạo thực hiện kế hoạch, dự án không những xem trọng kế hoạch trung ương, mà còn rất xem trọng kế hoạch địa phương, nhằm giúp cho các địa phương khai thác hết khả năng để giải quyết phần lớn các nhu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống, trên tinh thần tự lực cánh sinh cao độ, phát triển sản xuất, bảo đảm cung cấp.

Ngoài các vấn đề trên, dự án kế hoạch nhà nước năm 1965 đã chú ý đến một số vấn đề lớn như:

- Ra sức phát triển sản xuất, đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, tăng năng suất lao động.

- Phân bố hợp lý sức lao động xã hội, động viên và tập trung cao độ nhân lực, vật lực, tài lực trong phạm vi và mức độ cần thiết cho chiến tranh.

- Ra sức bồi dưỡng sức dân để sản xuất và chiến đấu, trên tinh thần triệt để tiết kiệm, sinh hoạt giản dị.

- Tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc.

- Xem trọng và sử dụng tốt sự giúp đỡ của các nước anh em, trên tinh thần tự lực cánh sinh.

- Chuyển hướng mạnh mẽ tổ chức và lề lối làm việc, hết sức chú trọng đào tạo cán bộ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Tóm lại, kế hoạch nhà nước năm 1965 do Hội đồng Chính phủ trình đã quán triệt và thể hiện đúng đắn đường lối và phương hướng chuyển nền kinh tế quốc dân từ thời bình sang thời chiến của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp ngày 9 và 10 tháng 8 năm 1965, sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách, đã thông qua bản kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân năm 1965 và giao cho Chính phủ, trong quá trình thực hiện, tiếp tục nghiên cứu và khi cần thiết, thì kịp thời điều chỉnh những chỉ tiêu của kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.

4. Nghị quyết số 180 ngày 25 tháng 11 năm 1965 về tổng quyết ngân sách nhà nước năm 1964.

Dự án ngân sách nhà nước năm 1964 đã được Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 8, thông qua với số thu và số chi thăng bằng là 1.874 triệu đồng.

Tháng 11 năm 1965, Hội đồng Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1964 với:

- Tổng số thu là 1.891.116.956đ 16 đạt 100,1% so với dự toán.

- Tổng số chi là 1.868.052. 805đ,21, bằng 99,6% dự toán.

Như vậy, trong năm 1964, thu nhiều hơn chi là 23.064.150đ.95, trong đó:

- Thu trong nước tăng 6,9% so với năm 1963,

- Thu của khu vực kinh tế quốc doanh tăng 7,9% so với năm 1963.

- Số thu bằng vốn nước ngoài (vốn viện trợ và vay) chiếm 16,6% ngân sách và đây là tỷ trọng nhỏ nhất kể từ hòa bình lập lại đến nay.

Về chi, trong ngân sách nhà nước năm 1964, chi về kiến thiết cơ bản chiếm 47% ngân sách; số vốn đầu tư vào khu vực sản xuất chiếm 83,9% tổng số vốn đầu tư kiến thiết cơ bản; và năm 1964 là năm đã hoàn thành một khối lượng kiến thiết cơ bản lớn nhất trong 4 năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Các con số thu và chi trên đây nói lên tinh thần tự lực cánh sinh và sự cố gắng to lớn của nhân dân và cán bộ ta trong năm 1964, nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tích cực ủng hộ sự nghiệp cách mạng giải phóng của đồng bào miền Nam.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp ngày 25 tháng 11 năm 1965, sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, đã phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1964 theo như đề nghị trên đây của Hội đồng Chính phủ.

5. Nghị quyết số 200 ngày 18 tháng 01 năm 1966 về việc ấn định thuế công thương nghiệp

Để phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới, Hội đồng Chính phủ đề nghị với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp.

Chính sách thuế công thương nghiệp, đặt ra trong thời kỳ khôi phục kinh tế và trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, đã có tác dụng tích cực nhất định đối với nền kinh tế quốc dân. Nhưng từ khi chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tình hình công thương nghiệp tập thể và cá thể đã có những biến đổi và chính sách thuế công thương nghiệp đã bộc lộ một số nhược điểm cần bổ sung và cải tiến.

Tình hình thủ công nghiệp, nói chung, phát triển tương đối nhanh nhưng không đều; cơ sở vật chất và kỹ thuật trong một số ngành còn yếu; một phần khá quan trọng của nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài; thu nhập của các hợp tác xã thủ công nghiệp rất khác nhau do tình hình trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và mặt hàng sản xuất khác nhau. Ngoài ra, trong thời gian qua, ta có xu hướng đánh giá hơi cao kết quả cải tạo công thương nghiệp, và coi nhẹ việc cải tạo tiểu thương, chuyển tiểu thương sang sản xuất.

Do thực tế khách quan trên đây, do nhận định và đánh giá của ta về các mặt sản xuất, quản lý, chưa hoàn toàn chính xác, chính sách thuế đã không phát huy đúng mức tác dụng của nó. Do bản thân chính sách thuế cũ còn có nhiều nhược điểm, nên huy động thuế có phần bình quân dẫn đến tình hình đóng góp không công bằng, hợp lý.

Trong nền kinh tế của ta, thủ công nghiệp còn giữ vị trí quan trọng. Trong điều kiện cả nước có chiến tranh, ta lại cần đẩy mạnh thủ công nghiệp phát triển để phục vụ sản xuất và chiến đấu và giải quyết một phần quan trọng nhu cầu hàng tiêu dùng của các địa phương. Do đó, Nhà nước cần tăng cường lãnh đạo thủ công nghiệp, điều chuyển một phần thủ công nghiệp từ thành thị về nông thôn, từ miền xuôi lên miền núi, tăng cường cải tạo những người buôn bán nhỏ và tăng cường quản lý thị trường.

Trước tình hình và nhiệm vụ mới trên đây và để góp phần thúc đẩy thủ công nghiệp phát triển và tiếp tục cải tạo công thương nghiệp, tăng cường quản lý thị trường, chính sách thuế công thương nghiệp cần bổ sung và sửa đổi theo các phương hướng và nhiệm vụ sau đây:

- Đẩy mạnh sản xuất tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, để phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống.

- Khuyến khích trang bị kỹ thuật mới trong tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

- Tăng cường củng cố quan hệ sản xuất mới, tiếp tục công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

- Bảo đảm đóng góp công bằng hợp lý và bảo đảm nguồn thu đúng mức cho Nhà nước.

Căn cứ vào mục đích, yêu cầu, phương hướng và nhiệm vụ chung trên đây, ngày 17 và 18 tháng 01 năm 1966 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe báo cáo của Hội đồng Chính phủ và thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, đã thông qua điều lệ về thuế công thương nghiệp đối với các hợp tác xã, tổ chức hợp tác và hộ riêng lẻ kinh doanh công thương nghiệp và cho thi hành bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 1966.

6. Nghị quyết số 201 ngày 18 tháng 01 năm 1966 về vấn đề tiếp tục thi hành chính sách thuế nông nghiệp theo quy định hiện hành đến hết năm 1967

Theo Quyết định số 213/NQ-TVQH ngày 18 tháng 12 năm 1963 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chính sách thuế nông nghiệp được ấn định trong ba năm, đến hết năm 1965 là hết hạn. Hội đồng Chính phủ đề nghị cho tiếp tục thi hành chính sách thuế theo quy định hiện hành thêm hai năm nữa cho đến hết năm 1967.

Thuế nông nghiệp hiện hành đã có tác dụng tốt, làm cho nông dân yên tâm, tích cực đẩy mạnh sản xuất, Nhà nước nắm được một số lượng lương thực quan trọng, nông dân ngày càng được giảm nhẹ thuế (so với tổng sản lượng hàng năm).

Những năm gần đây, do tình hình sản xuất nông nghiệp của các vùng phát triển nhanh, chậm khác nhau, do bản thân chính sách thuế và việc vận dụng chính sách thuế của các miền, các địa phương còn có một số thiếu sót, nên tính chất công bằng hợp lý của chính sách thuế nông nghiệp có phần bị hạn chế so với trước. Tuy nhiên, hiện nay, chưa nên đặt vấn đề sửa đổi chính sách thuế nông nghiệp, vì:

- Chính sách thuế nông nghiệp hiện hành, về cơ bản vẫn còn phù hợp, vẫn khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển cây công nghiệp.

- Việc đóng góp tuy có sự chênh lệch giữa các vùng, giữa các loại cây trồng, nhưng chưa đến mức độ làm trở ngại sản xuất, chưa gây nên thắc mắc lớn trong nông dân.

- Trong tình hình hiện nay, cần làm cho nông dân yên tâm, phấn khởi sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, không nên làm gì để có thể gây những tác động tiêu cực trong sản xuất và chiến đấu.

- Các Uỷ ban các địa phương, hiện nay có rất nhiều việc, nhất là phải tập trung năng lực vào việc lãnh đạo sản xuất và chiến đấu, do đó, không nên thêm việc cho địa phương và xét thấy chưa phải là cấp thiết.

Căn cứ vào các nhận định trên đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp ngày 17 và 18 tháng 01 năm 1966, sau khi nghe báo cáo và đề nghị của Hội đồng Chính phủ và thuyết trình của Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, đã quyết định cho tiếp tục thi hành thuế nông nghiệp theo Nghị quyết số 213 NQ/TVQH ngày 18 tháng 12 năm 1963 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đến hết năm 1967.

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây, chúng tôi đã trình bày các nghị quyết mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành căn cứ vào Nghị quyết ngày 10 tháng 4 năm 1965 của Quốc hội khóa III, kỳ họp thứ 2. Theo Điều 3 của Nghị quyết này, chúng tôi đề nghị Quốc hội xét và phê chuẩn các nghị quyết nói trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.