Trần Ngọc Vừng
Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội là một yêu cầu, một nội dung quan trọng được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Để thực hiện yêu cầu này, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Quốc hội khoá VIII, IX, X và hiện nay là Quốc hội khoá XI đang từng bước đổi mới về tư duy, phong cách làm việc, về cơ cấu tổ chức và hoạt động, từng bước khẳng định chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp.
Nhìn lại các khoá Quốc hội trước, trong quá trình đổi mới còn có nhiều câu chuyện, nhiều sự kiện mà nếu kể lại, có thể giúp chúng ta ý thức đầy đủ hơn về một quá trình đi lên, hướng tới hoàn thiện tổ chức, hoạt động của Quốc hội và sự lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.
Chuyện đổi tiền
Đồng tiền là một trong số các biểu tượng của quốc gia, là phương tiện cực kỳ quan trọng của một nền kinh tế và của đời sống xã hội. Mọi sự thay đổi, trồi sụt của đồng tiền có thể làm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, thậm chí làm chao đảo cả an ninh quốc gia và chủ quyền dân tộc. Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nhưng, trong lịch sử, đã có những lần đổi tiền mà Quốc hội không được bàn, thậm chí lãnh đạo Quốc hội còn không được biết. Đó là lần đổi tiền năm 1985.
Vào khoảng cuối tháng 5/1985, dư luận nhân dân bắt đầu xôn xao về một cuộc đổi tiền toàn diện. Cả nước, nhất là ở các trung tâm kinh tế, thương mại lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh xuất hiện những sự hốt hoảng, thậm chí náo loạn nhỏ. Đêm trước ngày đổi tiền, tôi và một anh bạn học từ Mát-xcơ-va về nước đi lang thang dọc bờ Hồ Gươm và các phố Hàng Đào, Hàng Ngang. Cả Hà Nội như đang họp một phiên chợ đêm khổng lồ. Giá hàng hoá tăng chóng mặt. Người có nhiều tiền thì vận chuyển suốt đêm để chia nhỏ cho người ít tiền, nhờ đổi hộ. Hàng hoá có giá trị lớn được mua ào ào. Một bát phở ở phố Hàng Khoai tăng giá gấp đôi. Anh bạn tôi lắc đầu, phán: “Không bao giờ có chuyện kỳ lạ thế này tại thủ đô một nước xã hội chủ nghĩa. Chắc là đồn bậy”. Cái sự “đồn bậy” này thành hiện thực vào sáng hôm sau, khi hàng đoàn xe ca, xe buýt chở sinh viên cùng các nhóm công tác triển khai công việc đổi tiền. Loa náo loạn. Và sự hốt hoảng ngày càng tăng khi người ta biết: một tờ tiền cũ chỉ đổi được một tờ tiền mới với mệnh giá nhỏ hơn mười lần. Lần đổi tiền này, cùng với chủ trương “bù giá vào lương” trước đó, đã đánh gục cả một nền kinh tế vốn đang rơi vào khủng hoảng.
Sau này, chúng tôi mới được biết, chủ trương đổi tiền không được trình ra Quốc hội- cơ quan có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Đồng chí Phạm Văn Uyển, nguyên Thư ký của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ (khoá VII) kể lại: “Vào cuối giờ chiều, có điện thoại từ Phủ Thủ tướng yêu cầu mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ lên Phủ Chủ tịch dự một cuộc họp mật, khẩn cấp, nhưng không cho biết nội dung cuộc họp. Vào họp mới được “báo cáo” rằng, ngày mai sẽ diễn ra cuộc đổi tiền trong toàn quốc. Chủ tịch Quốc hội sững sờ. Khi ra về, Chủ tịch nói với tôi: “Ai quyết định việc này? Hiến pháp và pháp luật ở đâu?”. Vẫn theo đồng chí Phạm Văn Uyển, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Định còn phê bình lái xe của mình là “chỉ nghe tin địch” vì chú lái xe dám đoán là họp về đổi tiền. Một việc mà cả nước đã biết, đã nhốn nháo cả tuần, các chú lái xe cho thủ trưởng còn biết, nhưng các vị Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước lại không được biết!
Cho đến nay, những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, dù chưa lớn như chuyện đổi tiền, cũng đã được đưa ra bàn bạc thấu đáo tại Quốc hội trước khi quyết định, như việc tăng, giảm thuế suất, việc đầu tư xây dựng một nhà máy quan trọng hay một chương trình của Chính phủ... Có lẽ, sẽ không còn có những sự kiện như chuyện đổi tiền trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Chuyện cải cách chữ viết
Cuộc cải cách giáo dục những năm đầu thập kỷ 80 đã cải cách luôn cả cách viết chữ truyền thống, thay đổi mẫu tự. Cũng như đồng tiền quốc gia, chữ viết cũng là một biểu tượng quốc gia. Nó khẳng định ngôn ngữ quốc gia. Mọi sự thay đổi biểu tượng quốc gia được coi là những vấn đề quan trọng, chỉ có Quốc hội mới có thể quyết định. Nhưng thực tế, cuộc cải cách giáo dục lúc đó chỉ có Bộ Giáo dục khởi xướng và thực hiện. Với mẫu chữ cải cách, chữ viết của học sinh trở nên khô cứng và xấu. Đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã có lần phát biểu không tán thành cách viết sửa đổi do Bộ Giáo dục đề ra. Nếu Bộ đề xuất cách viết giản tiện thì phải được Quốc hội thông qua mới được phổ biến, sử dụng.
Hai mươi năm qua, với rất nhiều nỗ lực, các nhà khoa học ngôn ngữ mới khôi phục lại được mẫu chữ viết truyền thống. Thậm chí, có người còn bị kỷ luật trong nỗ lực này. Việc đưa lại mẫu chữ viết truyền thống vào nhà trường từ năm học 2002-2003 là một sự kiện khôi phục lại cái đẹp, cái văn hoá. Điều đáng nói là, tuy chưa đưa ra Quốc hội, nhưng những nỗ lực to lớn của Uỷ ban Văn hoá- giáo dục- thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khoá X trong việc bảo vệ chữ viết truyền thống, đưa lại mẫu chữ này vào nhà trường, đã góp phần quan trọng vào cuộc “cải cách lại cải cách” chữ viết này.
“Xin lỗi Quốc hội”
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII (1987-1992), một nội dung quan trọng được nêu ra là vấn đề phân định lại ranh giới hành chính các tỉnh, thành phố, gọi tắt là “tách tỉnh”. Việc tách các tỉnh sau khi sát nhập trước đó là một việc rất phức tạp và được làm nhiều đợt. Có một đợt, khi Quốc hội chưa họp, chưa bàn, chưa có nghị quyết thì đã có văn bản cho phép tách một số tỉnh. Văn bản này được triển khai ngay. Một số tỉnh đã có con dấu, có trụ sở, bầu nhân sự. Khi Quốc hội họp, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn gay gắt việc làm trái Hiến pháp này; đồng thời cho rằng, nếu Quốc hội kỳ này ra Nghị quyết phân định lại ranh giới hành chính các địa phương thì chỉ là hợp thức hoá cho một việc đã rồi, như vậy lại tiếp tục làm sai. Đồng chí Võ Chí Công, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước- cơ quan hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Chủ tịch tập thể của đất nước- phải đứng ra giải thích thêm về quyết định tách tỉnh trước đó của Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ). Cũng do nhiệm kỳ Quốc hội khoá VIII chưa có Đảng đoàn Quốc hội, nên đồng chí Võ Chí Công được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Sau khi giải thích cho các Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tại một phiên họp riêng về vấn đề này, Chủ tịch Võ Chí Công nghiêm túc nói: “Tôi thay mặt Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng xin lỗi Quốc hội về việc chia tách tỉnh vừa qua”. Như vậy, Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng đã nhận lỗi về phía mình. Từ đó đến nay đã thêm ba nhiệm kỳ Quốc hội nữa, chưa thấy Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng phải “xin lỗi Quốc hội” một lần nào nữa, đủ thấy sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội đã là hiện thực./.
[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 8/2002.