PHÁP LỆNH
TRỪNG TRỊ CÁC TỘI PHẢN CÁCH MẠNG NĂM 1967
Căn cứ vào Điều 7 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
Để tăng cường chuyên chính dân chủ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân và Nhà nước dân chủ nhân dân;
Để bảo đảm giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa, cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà;
Để nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân, động viên toàn dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an ninh;
Pháp lệnh này nêu những tội phản cách mạng và quy định hình phạt trừng trị những kẻ phạm tội phản cách mạng.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI QUYẾT ĐỊNH
MỤC I
TỘI PHẢN CÁCH MẠNG VÀ NGUYÊN TẮC
TRỪNG TRỊ NHỮNG TỘI PHẢN CÁCH MẠNG
Điều 1.
Tội phản cách mạng là tội chống lại Tổ quốc, chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, phá hoại công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phá hoại quốc phòng, phá hoại sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.
Điều 2.
Âm mưu phạm tội và hành động phạm tội đều bị trừng trị.
Nguyên tắc trừng trị bọn phản cách mạng là: nghiêm trị bọn chủ mưu, bọn cầm đầu, bọn thủ ác, bọn ngoan cố chống lại cách mạng; khoan hồng đối với những kẻ bị ép buộc, bị lừa phỉnh, lầm đường và những kẻ thật thà hối cải; giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt cho những kẻ lập công chuộc tội.
MỤC II
TỘI PHẠM VÀ HÌNH PHẠT
Điều 3.
Tội phản quốc.
Kẻ nào là công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà câu kết với nước ngoài để gây nguy hại cho độc lập và chủ quyền dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và nguy hại cho chế độ xã hội chủ nghĩa thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
Điều 4.
Tội âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân.
Kẻ nào thành lập hoặc tham gia tổ chức phản cách mạng nhằm thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, phá bỏ chế độ chính trị, kinh tế và xã hội đã được Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quy định thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, xúi giục, bọn hoạt động đắc lực thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Điều 5.
Tội gián điệp.
Kẻ nào phạm tội như sau:
1. Cung cấp, chuyển giao hoặc lấy cắp, thu thập, cất giữ để cung cấp, chuyển giao những bí mật Nhà nước, bí mật quân sự cho bọn đế quốc và bè lũ tay sai của chúng, cho cơ quan tình báo nước ngoài;
2. Nhận chỉ thị của nước ngoài, tổ chức người điều tra tình báo hoặc tiến hành những hoạt động phản cách mạng khác;
3. Chỉ điểm cho bọn xâm lược ném bom, bắn phá;
4. Nhận chỉ thị của nước ngoài, thu thập, cung cấp tin tức, tài liệu tuy không thuộc bí mật Nhà nước, nhưng để nước ngoài sử dụng gây thiệt hại cho lợi ích của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa;
thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn cầm đầu, chỉ huy, bọn hoạt động đắc lực, làm nội gián hoặc đã gây thiệt hại lớn thì bị phạt tù từ mười hai năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
b) Bọn gián điệp không thuộc loại trên đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
Điều 6.
Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ.
Kẻ nào xâm nhập lãnh thổ, phá hoại an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn cầm đầu, chỉ huy, bọn có tội ác nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm;
c) Kẻ nào tiếp tế, chỉ đường, giúp đỡ cho bọn nói trên hoạt động thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
Điều 7.
Tội bạo loạn.
Kẻ nào vũ trang làm loạn, chống lại hoặc phá hoại chính quyền dân chủ nhân dân, các lực lượng vũ trang nhân dân thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, bọn hoạt động đắc lực, bọn đã gây thiệt hại lớn thì bị phạt tù từ mười hai năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Điều 8.
Tội hoạt động phỉ.
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà hoạt động vũ trang ở vùng rừng núi, vùng biển, giết cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an hoặc giết nhân dân, cướp bóc, đốt phá tài sản của Nhà nước và của nhân dân, làm rối loạn trật tự, an ninh thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn cầm đầu, chỉ huy, bọn có tội ác nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình;
b) Bọn tham gia phỉ thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
Điều 9.
Tội trốn theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài.
1. Kẻ nào trốn theo địch hoặc vì mục đích phản cách mạng mà trốn ra nước ngoài thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
2. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh, tổ chức người khác trốn theo địch hoặc trốn ra nước ngoài thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị xử phạt đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
Điều 10.
Tội giết người, đánh người, gây thương tích, bắt giữ người, dọa giết người, vì mục đích phản cách mạng.
1. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà giết cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an hoặc giết nhân dân thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
2. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà đánh đập, gây thương tích, bắt giữ cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an hay là nhân dân thì bị phạt tù từ ba năm đến mười lăm năm.
3. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà dọa giết cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an trong khi họ thi hành nhiệm vụ thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
Điều 11.
Tội phá hoại.
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:
1. Phá hoại cơ quan của Nhà nước và của các chính đảng, các đoàn thể nhân dân trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các doanh trại của lực lượng vũ trang nhân dân, các công trình quốc phòng;
2. Phá hoại đê đập, cầu đường và phương tiện giao thông, vận tải, thông tin, liên lạc, xí nghiệp, kho tàng, công trình văn hóa hoặc mọi tài sản khác của Nhà nước, của hợp tác xã và của nhân dân;
3. Trộm cướp vũ khí, chất nổ, máy móc, nguyên liệu, nhiên liệu hoặc mọi tài sản khác của Nhà nước;
4. Bỏ thuốc độc, gieo rắc côn trùng, chất độc hóa học hoặc
dùng cách nào khác gây thiệt hại cho người, cho súc vật, mùa màng, cây cối;
5. Phá hoại chế độ tiền tệ và nền thương nghiệp xã hội chủ nghĩa;
6. Cố ý làm sai hoặc không làm công việc mình phụ trách để phá hoại sản xuất, làm gián đoạn hoặc cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, của đoàn thể nhân dân, của tổ chức quân sự, kinh tế, khoa học, văn hóa và xã hội;
7. Kích động, xúi giục, lôi kéo người khác phá hoại kỷ luật lao động, kỷ luật quân đội, phá hoại tinh thần chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân và của nhân dân;
thì bị phạt tù từ mười năm đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
Trong trường hợp ít nghiêm trọng, thì kẻ phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Điều 12.
Tội phá hoại khối đoàn kết toàn dân.
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà tuyên truyền, tổ chức hoặc có những hành động khác nhằm:
1. Phá hoại khối đoàn kết và thống nhất dân tộc, gây hiềm khích và chia rẽ trong nhân dân, trong các lực lượng vũ trang nhân dân, chia rẽ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chia rẽ nhân dân với chính quyền, chia rẽ nhân dân với lực lượng vũ trang nhân dân, chia rẽ lực lượng vũ trang nhân dân với cơ quan nhà nước;
2. Phá hoại chính sách dân tộc, gây hằn thù, xích mích giữa các dân tộc anh em cùng sống chung trên đất nước Việt Nam;
3. Phá hoại chính sách tôn giáo, gây chia rẽ giữa các tôn giáo, chia rẽ giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, chia rẽ giữa các tín đồ tôn giáo với chính quyền; lợi dụng tín ngưỡng xâm phạm đến quyền tự do dân chủ của tín đồ, cản trở họ làm nghĩa vụ công dân hoặc tham gia các đoàn thể nhân dân, các hợp tác xã, các tổ chức quân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội;
thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Điều 13.
Tội chống lại hoặc phá hoại việc thực hiện các chính sách và pháp luật của Nhà nước.
1. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà chống lại, phá hoại hoặc cản trở việc thực hiện các chính sách, pháp luật và kế hoạch của Nhà nước thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
2. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà cưỡng ép, xúi giục, lôi kéo người khác chống lại, phá hoại hoặc cản trở việc thực hiện các chính sách, pháp luật và kế hoạch của Nhà nước thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
3. Kẻ nào chống lại, phá hoại, cản trở kế hoạch phục vụ quốc phòng hoặc gây trở ngại nghiêm trọng cho việc thực hiện các chính sách, pháp luật và kế hoạch của Nhà nước thì bị xử phạt đến tù chung thân hoặc bị xử tử hình.
Điều 14.
Tội phá rối trật tự, an ninh.
1. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người nhằm phá rối trật tự, an ninh, ngăn trở cán bộ, nhân viên nhà nước, bộ đội, công an thi hành nhiệm vụ thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm.
2. Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà tham gia việc phá rối trật tự, an ninh thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm.
Điều 15.
Tội tuyên truyền phản cách mạng.
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phạm tội như sau:
1. Tuyên truyền, cổ động chống lại chính quyền dân chủ nhân dân, xuyên tạc chế độ xã hội chủ nghĩa;
2. Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch; xuyên tạc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà, phao đồn tin nhảm, gây hoang mang trong nhân dân;
3. Tuyên truyền cho chính sách nô dịch và cho văn hóa trụy lạc của chủ nghĩa đế quốc;
4. Viết, in, lưu hành, cất giấu sách, báo, phim, tranh, ảnh hoặc mọi tài liệu khác có nội dung và mục đích phản cách mạng;
thì bị phạt tù từ hai năm đến mười hai năm.
Điều 16.
Tội phá trại giam, đánh cướp can phạm, tổ chức vượt trại giam, trốn tù.
Kẻ nào vì mục đích phản cách mạng mà phá trại giam, đánh cướp can phạm, tổ chức vượt trại giam, trốn tù thì bị xử phạt như sau:
a) Bọn chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, bọn hoạt động đắc lực, bọn đã gây thiệt hại lớn, bọn đang bị giam giữ về một tội phạm nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến tù chung thân hoặc bị xử
tử hình;
b) Bọn tham gia thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.
Điều 17.
Tội che giấu phần tử phản cách mạng.
Kẻ nào biết rõ phần tử phản cách mạng mà chứa chấp, che giấu, tiếp tế, giúp đỡ cho chúng lẩn trốn hoặc cất giấu tang vật, thủ tiêu chứng cứ tội phạm của chúng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
MỤC III
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 18.
Hình phạt phụ.
Kẻ nào phạm những tội phản cách mạng nêu ở Mục II, ngoài hình phạt đã ghi trong điều luật, còn bị xử phạt như sau:
1. Những kẻ phạm một trong các tội nêu từ Điều 3 đến Điều 16 thì bị tước từ hai năm đến năm năm những quyền lợi của công dân
dưới đây:
- Quyền bầu cử và ứng cử;
- Quyền làm việc trong biên chế nhà nước và trong các tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân;
- Quyền đảm nhiệm cương vị phụ trách trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
2. Những kẻ phạm một trong các tội nêu từ Điều 3 đến Điều 16 thì có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
3. Những kẻ phạm một trong các tội nêu ở Mục II thì có thể bị phạt quản chế, hoặc cư trú bắt buộc, hoặc cấm cư trú ở một số địa phương từ một năm đến năm năm.
Điều 19.
Những trường hợp cần xử phạt nặng.
Kẻ nào phạm tội phản cách mạng nêu ở Mục II mà phạm tội thuộc vào một hoặc nhiều trường hợp sau đây thì bị xử phạt nặng:
1. Làm thiệt hại trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đến sự nghiệp quốc phòng;
2. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, nơi có chiến sự, có thiên tai hoặc có những khó khăn khác để thực hiện tội phản cách mạng;
3. Hoạt động phản cách mạng có tổ chức;
4. Lợi dụng chức quyền để hoạt động phản cách mạng;
5. Dùng thủ đoạn cực kỳ gian ác, phương pháp đặc biệt nguy hiểm để tiến hành tội phản cách mạng;
6. Hành động phạm tội đã gây hậu quả nghiêm trọng;
7. Kẻ phạm tội trước đây đã có án phản cách mạng hoặc có tội ác đối với nhân dân;
8. Kẻ phạm tội là những phần tử ngoan cố không chịu cải tạo.
Điều 20.
Những trường hợp giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt.
Kẻ nào phạm tội phản cách mạng nêu ở Mục II mà tội phạm thuộc vào một hoặc nhiều trường hợp sau đây thì được giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt:
1. Có âm mưu phạm tội, nhưng đã tự nguyện không thực hiện tội phạm;
2. Tội phạm chưa bị phát giác mà thành thật tự thú, khai rõ những âm mưu và hành động của mình và của đồng bọn;
3. Cố ý không thi hành đầy đủ hoặc khuyên bảo đồng bọn không thi hành đầy đủ âm mưu của bọn cầm đầu phản cách mạng;
4. Có những hành động làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
5. Phạm tội vì bị ép buộc, bị lừa phỉnh và việc làm chưa gây thiệt hại lớn;
6. Bị bắt, nhưng trước khi bị xét xử đã tỏ ra thành thật hối cải, lập công chuộc tội.
Điều 21.
Áp dụng nguyên tắc tương tự.
Đối với những tội phản cách mạng chưa nêu trong Pháp lệnh này, thì áp dụng những điều về tội phạm tương tự trong Pháp lệnh này mà xét xử.
Điều 22.
Hiệu lực của pháp lệnh.
1. Những tội phản cách mạng đã phạm trước ngày công bố Pháp lệnh nhưng chưa bị xét xử, thì xét xử theo Pháp lệnh này.
2. Những điều quy định trước đây mà trái với Pháp lệnh này thì nay bị bãi bỏ.
Pháp lệnh này đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 30 tháng 10 năm 1967.
UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Chủ tịch
TRƯỜNG CHINH