VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

TIẾN LÊN! TOÀN THẮNG ẮT VỀ TA!
(Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa III
do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng trình bày, ngày 20-5-1968)

 

Thưa Hồ Chủ tịch kính mến,

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Tôi xin trình bày bản báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa III của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ năm 1965, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với toàn thể dân tộc Việt Nam ta, đối với toàn bộ đất nước Việt Nam ta, chống lại một triệu hai mươi vạn quân địch trong đó có đội quân viễn chinh Mỹ hơn nửa triệu quân, dân tộc ta đã đoàn kết một lòng, chung sức chung tài đánh địch, cứu nước, chiến đấu anh dũng tuyệt vời, càng đánh càng mạnh, chủ động tiến công và đã giành được những thắng lợi ngày càng to lớn. Quân và dân miền Nam đã một bước quan trọng đánh bại "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ; quân và dân miền Bắc đã một bước quan trọng đánh bại chiến tranh phá hoại của chúng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm nay, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên khắp các chiến trường ở miền Nam đánh dấu những thất bại cực kỳ to lớn của bọn Mỹ - ngụy, đánh dấu đà suy sụp không thể cứu vãn của chúng, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta chuyển sang một thời kỳ mới, tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Trên thế giới, ý nghĩa quốc tế sâu xa của cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, những thắng lợi vang dội của chúng ta và đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta đã tranh thủ cho dân tộc ta sự ủng hộ và giúp đỡ ngày càng rộng rãi và mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, góp phần quan trọng vào thắng lợi tất yếu của dân tộc Việt Nam ta.

Hiện nay, nhân dân ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, nhằm tiến lên giành toàn thắng trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc ta, góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Bản báo cáo của Chính phủ trước kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa III chia làm ba phần:

Phần I : Miền Nam chiến thắng,

Phần II : Miền Bắc chiến thắng,

Phần III : Cả thế giới ủng hộ nhân dân ta.

PHẦN I

MIỀN NAM CHIẾN THẮNG

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua". Thực hiện lời chúc mừng đầu năm của Hồ Chủ tịch, mùa xuân năm 1968 là mùa xuân tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam, giáng cho bọn Mỹ và ngụy những đòn đau nhất từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu chiến tranh xâm lược nước ta, giành những thắng lợi lớn nhất từ khi bắt đầu sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, mùa xuân làm "chấn động thế giới" theo lời bình luận của báo chí phương Tây, đưa cuộc kháng chiến của toàn dân ta chuyển sang một thời kỳ mới.

Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt từ Tết ở miền Nam là kết quả tất yếu của quá trình ta thắng, địch thua. Toàn bộ diễn biến của cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam từ 14 năm nay, qua các giai đoạn, dần dần dẫn đến mùa xuân năm 1968 này.

Sau Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam, làm trái hẳn những điều chúng đã cam kết tại hội nghị đó, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, hủy bỏ cuộc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam mà Hội nghị Giơnevơ năm 1954 đã quy định phải tiến hành trong tháng 7 năm 1956, hòng biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của chúng để xâm lược cả nước ta. Đồng bào miền Nam đã lập tức phản công địch bằng cách đẩy mạnh đấu tranh chính trị hợp pháp và không hợp pháp, có vũ trang tuyên truyền và vũ trang tự vệ trợ lực, do đó đã giữ vững phong trào cách mạng ở miền Nam.

Khi Mỹ - Diệm thi hành chính sách phát xít, thẳng tay khủng bố, bắn giết, hòng tiêu diệt các lực lượng cách mạng ở miền Nam, đồng bào ta đã chuyển sang chiến lược tiến công, phát động khởi nghĩa từng phần ở một số vùng nông thôn rộng lớn. Thắng lợi của cuộc "đồng khởi" tại đồng bằng Nam bộ cuối năm 1959 đầu năm 1960 đã tạo ra cơ sở để mở rộng và đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự, phát động một cuộc chiến tranh nhân dân toàn diện, dưới ngọn cờ đoàn kết cứu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Đó là thất bại bước đầu trong chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ đối với miền Nam nước ta; đó là thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng của nhân dân miền Nam, mở đầu những bước phát triển mới càng oanh liệt hơn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam.

Khi đế quốc Mỹ tiến hành "chiến tranh đặc biệt" chủ yếu dựa vào lực lượng của ngụy quân, ngụy quyền dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Mỹ và với sự giúp đỡ ngày càng tăng của Mỹ, chúng nhằm quét sạch lực lượng cách mạng ở nông thôn bằng hệ thống "ấp chiến lược" và ra sức tìm diệt các lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam mới xây dựng. Quân và dân miền Nam đã tập trung lực lượng để phá vỡ hệ thống kìm kẹp và phần lớn ấp chiến lược của địch, giành quyền làm chủ ở nông thôn, phát triển đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, phối hợp ba mũi giáp công ở cả ba vùng chiến lược, nông thôn đồng bằng, rừng núi và đô thị. Mặt khác, quân và dân miền Nam đã nhanh chóng phát triển thực lực cách mạng, nhất là lực lượng quân sự, tiêu diệt nhiều quân chủ lực ngụy, đánh bại các chiến thuật mới của địch. Những thắng lợi quân sự từ Ấp Bắc đến Bình Giã, Ba Gia (đầu năm 1963 đến đông - xuân 1964-1965) phối hợp với cao trào đấu tranh phá ấp chiến lược ở nông thôn và làn sóng đấu tranh chính trị của quần chúng ở thành thị đã làm sụp đổ chính quyền độc tài phát xít của Ngô Đình Diệm và nhiều chính quyền ngụy tiếp theo, làm cho "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ hoàn toàn phá sản.

Cuối năm 1964, rõ ràng là bọn xâm lược Mỹ thấy rằng chúng đã thất bại trong "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam và nhân dân ta ở miền Nam sắp giành thắng lợi. Không cam tâm chịu thất bại, chúng bước lên một nấc thang mới, cực kỳ nguy hiểm, một mặt ồ ạt đưa đội quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, chuyển sang "chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, mặt khác bắt đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời can thiệp tích cực vào Lào và uy hiếp dồn dập Campuchia, động viên lực lượng nhiều nước chư hầu của chúng ở Thái Bình Dương tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ở miền Nam. Chúng tưởng rằng tăng cường và mở rộng chiến tranh đến mức to lớn như vậy, chúng sẽ thắng được nhân dân Việt Nam ta, nhưng chúng đã lầm, chúng đã liên tiếp thất bại nặng nề và nhân dân ta đã liên tiếp thắng lợi vẻ vang.

Khi giặc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô (1) lần thứ nhất (1965-1966) với hai mươi vạn quân Mỹ, quân chư hầu và hơn nửa triệu quân ngụy, chúng hy vọng đẩy lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam trở về thế phòng ngự hoặc cầm cự. Quân và dân miền Nam đã kiên quyết giữ vững thế tiến công, vừa đánh Mỹ vừa diệt ngụy. Từ những trận đánh thắng phủ đầu quân Mỹ ở Núi Thành, Vạn Tường đến các trận lớn ở Bầu Bàng, Plây Me, Đất Cuốc, v.v., quân và dân miền Nam đã liên tục tiến công, giành được thắng lợi to lớn và luôn luôn giữ thế chủ động chiến lược trên toàn chiến trường, đánh bại bước đầu của cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ.

Khi giặc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai (1966-1967) với trên bốn mươi vạn quân Mỹ và trên nửa triệu quân ngụy và quân chư hầu, quân và dân miền Nam đã tiến công mạnh mẽ kẻ địch trên chiến trường Trị - Thiên (2), buộc chúng phải phân tán hơn nữa lực lượng cơ động của chúng, phá tan ý định của Mỹ là mở rộng chiến tranh ra phía Bắc giới tuyến và đưa quân vào đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, quân và dân miền Nam đã phản công đánh bại các cuộc hành quân "tìm diệt" lớn của địch, như chiến dịch Gianxơn Xiti, tích cực bẻ gãy gọng kìm "bình định" của chúng, giữ vững thế làm chủ ở đồng bằng, làm cho chiến lược của địch bị đảo lộn và đẩy chúng lún sâu hơn nữa vào thế bị động.

Như vậy là với trên một triệu quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, bọn xâm lược Mỹ đã mở hai cuộc phản công chiến lược mùa khô nhằm mục đích chủ yếu là "tìm diệt quân chủ lực" của Mặt trận (3), hòng đánh bại cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân miền Nam. Tuy nhiên, trong cả hai mùa khô ấy, chúng đều thất bại nặng nề, và buộc phải chuyển hướng từ thế phản công chiến lược sang thế bị động phòng ngự về chiến lược; đó là một bước thoái lui về chiến lược trên chiến trường miền Nam.

Đó là một thất bại lớn về chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở miền Nam nước ta trước khi bước vào đông - xuân 1967-1968. Sự thất bại đó xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản sau đây:

Trước hết, sự thất bại về chiến lược quân sự của Mỹ bắt nguồn từ sự thất bại chính trị của Mỹ ở Việt Nam, ở trong nước Mỹ và trên thế giới.

Thứ hai, rõ ràng chiến lược của chiến tranh cục bộ hòng duy trì chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam không đương đầu nổi với chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân vô địch đã phát triển đến mức cao của ta.

Thứ ba, sự thất bại về chiến lược của đế quốc Mỹ là do sự phá sản về căn bản của một loạt chiến thuật quân sự của Mỹ (4) tức là cơ sở chủ yếu của chiến lược của chúng.

Thất bại của địch là do thắng lợi của ta, thắng lợi của cuộc chiến tranh yêu nước, chính nghĩa và tất thắng trong thời đại ngày nay, thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đã đạt đến đỉnh cao với những hình thức vô cùng phong phú và sáng tạo, thắng lợi của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh rất tài tình của Mặt trận, tài tình về chiến lược và chiến thuật, luôn luôn chủ động và giữ thế công, bắt địch phải đánh và thua theo ý ta muốn, trên trận địa do ta bố trí, theo những cách đánh thiên biến vạn hóa làm cho địch thua rồi mới biết.

Đối với miền Bắc, từ hơn ba năm nay, đế quốc Mỹ ngày càng tăng cường chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân hòng ngăn chặn sự đoàn kết chiến đấu giữa miền Bắc và miền Nam, hòng phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, hòng làm giảm sút quyết tâm của nhân dân ta, do đó buộc chúng ta phải kết thúc chiến tranh theo những điều kiện của Mỹ. Quân và dân miền Bắc đã anh dũng đánh trả, gây thiệt hại nặng cho không quân và hải quân của địch, đồng thời nhanh chóng phát triển lực lượng vũ trang, sẵn sàng đối phó với âm mưu của Mỹ muốn mở rộng chiến tranh bằng bộ binh ra miền Bắc. Mặt khác, nhân dân miền Bắc đã kịp thời chuyển hướng nền kinh tế, giữ vững và phát triển sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, kiên quyết bảo vệ miền Bắc, tăng cường lực lượng miền Bắc và hết lòng hết sức ủng hộ miền Nam, sát cánh với miền Nam anh hùng.

Đồng thời, đế quốc Mỹ đã thất bại trong âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng của nhân dân Lào, dùng đất Lào để đánh vào nước ta từ phía Tây, cũng như trong âm mưu kéo dài phòng tuyến Mắc Namara từ Việt Nam sang Lào. Ở Campuchia, đế quốc Mỹ đã thất bại trong âm mưu uy hiếp Campuchia, xâm phạm Campuchia từ các phía, hòng ép Campuchia từ bỏ chính sách hòa bình trung lập của mình, hòng dùng Campuchia để tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Chính trong toàn bộ tình hình ta thắng, địch thua như vậy mà chúng ta bước vào đông - xuân 1967-1968.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Bắt đầu đông - xuân này, trong những tháng cuối năm 1967, quân và dân miền Nam phát triển thế chủ động, đã đánh và thắng lớn ở miền Đông Nam bộ, ở Bình Long, Phước Long, ở Đắc Tô (Tây Nguyên) và ở Trị - Thiên, đồng thời đã tiến công địch khắp miền Nam, dồn chúng vào thế phòng ngự chiến lược, tạo điều kiện cho những đòn mạnh mẽ và những thắng lợi lớn hơn. Đêm đầu xuân năm Mậu Thân, sức mạnh tích lũy qua nhiều năm chiến thắng và lớn lên của chiến tranh nhân dân, đã giáng xuống đầu Mỹ - ngụy như sấm sét trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt của quân và dân miền Nam, đánh vào hầu hết các thành phố, thị xã, căn cứ và cơ sở quan trọng của địch cùng một lúc. Rồi suốt trong ba tháng vừa qua, quân và dân miền Nam liên tiếp đánh địch trên các mặt trận, khắp mọi nơi, với mọi thứ quân, mọi thứ vũ khí, vận dụng mọi hình thức đấu tranh: quân sự và chính trị. Chỉ trong tuần lễ đầu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, một phần quan trọng của cơ đồ Mỹ và ngụy sụp đổ, sự tổn thất về mọi mặt của địch nghiêm trọng đến nỗi chúng chưa lường hết được hậu quả, toàn bộ kế hoạch chiến lược năm 1968 của địch bị phá vỡ, cục diện của chiến trường biến đổi hẳn. Chiến tranh bước vào một thời kỳ mới.

Đây là một thắng lợi chiến lược toàn diện.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã một số lớn sinh lực của địch và phá hủy một số rất lớn phương tiện chiến tranh của chúng, như các bản thông cáo đặc biệt của Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng miền Nam đã công bố. Trong khi đó, lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị của quân và dân miền Nam phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Ba thứ quân đều lớn mạnh rất mau chóng trong chiến đấu, thu được nhiều kinh nghiệm rất quý báu, nhất là trong việc đánh giá địch và ta. Vùng giải phóng được mở rộng, quyền làm chủ của nhân dân được củng cố và phát triển đến thành phố, cho đến nhiều khu phố Sài Gòn.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam từ dịp Tết là một chủ trương rất sáng suốt: sáng suốt ở chỗ nó phát huy đến mức cao nhất sức mạnh, thế thắng và cơ hội thuận lợi của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, phát huy lực lượng và nhiệt tình cách mạng của hàng triệu chiến sĩ và quần chúng nhân dân đứng lên đánh quân thù có một triệu hai mươi vạn quân trang bị bằng các loại vũ khí hiện đại, và đánh chúng ngay tại những trung tâm chính trị và quân sự của chúng, tại những căn cứ rất kiên cố của chúng, ngay tại cơ quan đầu não của chúng, những nơi chúng tin chắc là bất khả xâm phạm, lại đánh khắp nơi một lúc, đánh bất ngờ, không những gây cho địch những tổn thất vô cùng to lớn mà còn làm cho chúng rất hoang mang, khiếp sợ, đập tan những ảo tưởng ngông cuồng của chúng, một bước đập tan ngụy quân và ngụy quyền và làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Sáng suốt ở chỗ nó tạo nên một thế chiến lược mới, một thế trận mới rất thuận lợi cho lực lượng vũ trang của Mặt trận và các lực lượng vũ trang yêu nước khác cùng quần chúng nhân dân có thể đánh địch bất cứ ở đâu, lúc nào, bằng mọi hình thức, và đánh địch với tất cả cách đánh thần kỳ của mình, đánh là trúng, địch không thể nào đỡ được, như vậy để phát huy đến mức cao nhất sở trường của mình, đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất sức mạnh của địch về vũ khí, kỹ thuật và hỏa lực. Sáng suốt ở chỗ trong khoảnh khắc nó tạo cơ hội cho mấy triệu người bị kìm kẹp trong các thành thị tạm bị chiếm ở miền Nam đứng lên tự giải phóng và tham gia cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc, và đó là sức mạnh rất có ý nghĩa về chính trị và quân sự bởi vì đó là các tầng lớp thanh niên, phụ nữ, công nhân, nhân dân lao động, trí thức cho đến tư sản dân tộc, nhân sĩ yêu nước, có vị trí rất quan trọng ở thành phố. Sáng suốt ở chỗ đó là kết quả của sự phân tích khoa học về lực lượng so sánh giữa ta và địch trong những điều kiện cụ thể của cuộc chiến tranh lúc bấy giờ, đồng thời chủ trương đó thể hiện tinh thần cách mạng, lòng dũng cảm, khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam ta: dám đánh và biết thắng; nó thể hiện lòng tin vô hạn đối với quần chúng nhân dân miền Nam, ngay ở các thành phố, những người con trung thành của dân tộc, những người chiến sĩ kiên cường của cuộc chiến đấu thần thánh. Trong tình thế như vậy, địch buộc phải co lại, cố bảo vệ những vị trí xung yếu nhất của chúng ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, ở Khe Sanh, Tây Nguyên hay đồng bằng sông Cửu Long, để chuẩn bị đón những đòn như sét đánh không biết đâu mà đỡ. Đó là tình cảnh của một đội quân xâm lược đã đến bước đường cùng. Thời kỳ mới chính là ở đó, nó đương mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp: Sức nhân dân ta càng mạnh, thế nhân dân ta càng áp đảo quân thù, thời cơ đối với nhân dân ta càng thuận lợi. Thật là thiên thời, địa lợi, nhân hòa! Đúng như bản thông cáo đặc biệt số 4 của Bộ chỉ huy Các lực lượng vũ trang nhân dân Giải phóng miền Nam đã nhận định:

"Rõ ràng lúc này là lúc bắt đầu một thời kỳ mà Mỹ và ngụy bị suy sụp, tan rã ngày càng nhiều, càng nặng, không thể cứu vãn được nữa; còn ta thì bắt đầu một thời kỳ liên tục tiến công tiêu diệt địch, lập chính quyền cách mạng và phát triển lực lượng, đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của những thắng lợi vang dội từ đầu năm đến nay, cũng như của những thắng lợi từ trước của nhân dân ta ở miền Nam, là chính sách đại đoàn kết cứu nước của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận thể hiện ý chí sắt đá của 14 triệu đồng bào miền Nam, của các tầng lớp nhân dân miền Nam: "Đoàn kết, chiến đấu và chiến thắng", đương phát huy tác dụng về bề rộng cũng như về bề sâu khắp nơi ở miền Nam.

Một thành công rực rỡ của chính sách đại đoàn kết cứu nước trong tình hình mới ở miền Nam là sự thành lập Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ở miền Nam do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch và bao gồm thành phần rất rộng rãi, tiêu biểu cho các xu hướng chính trị, các tôn giáo, các dân tộc. Đó là liên minh những lực lượng yêu nước ở các thành thị hưởng ứng lời kêu gọi thiêng liêng của Mặt trận, đứng ra gánh vác một trách nhiệm trọng yếu và vẻ vang trong giai đoạn chiến đấu vô cùng ác liệt hiện nay. Nhân dân miền Bắc nước ta thân ái gửi đến Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình ở miền Nam lời chúc mừng nhiệt liệt, cùng lời chào đoàn kết đấu tranh và toàn thắng!

Trong khi lực lượng quân sự và chính trị của quân và dân miền Nam lớn mạnh nhanh chóng, thì ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn sau trận đòn nặng đầu năm nay, tiếp tục suy yếu và tan rã. Đến bước đường cùng, bọn cầm đầu ngụy quân, ngụy quyền càng mâu thuẫn, đang xâu xé lẫn nhau, trong khi ấy phong trào phản chiến trong hàng ngũ binh sĩ và nhân viên ngụy quyền ngày càng phát triển. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Tuyên ngôn cứu nước của Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình ở miền Nam đang tiếp tục tác động sâu xa trong ngụy quân và ngụy quyền, kêu gọi các đơn vị và cá nhân trở về với nhân dân chống Mỹ, cứu nước. Cùng với đà chiến thắng của quân và dân miền Nam, phong trào phản chiến trong ngụy quân, ngụy quyền sẽ càng lan rộng và chính quyền tay sai cùng đội quân đánh thuê của Mỹ sẽ càng tan rã từng mảng lớn, không sao cứu vãn được.

Hiện nay, bọn Thiệu, Kỳ kêu gào cái chúng gọi là "tổng động viên". Cái trò hề ấy chỉ là thủ đoạn bắt lính theo lệnh Mỹ để hòng lấp lỗ hổng về quân số sau những tổn thất nặng nề vừa qua. Đúng là ở miền Nam đang có tổng động viên, và đó là cuộc tổng động viên các tầng lớp nhân dân rộng rãi và đông đảo nhất dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để thừa thắng xông lên, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và đánh đổ chính quyền tay sai của chúng.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt đầu năm nay cùng những thắng lợi rực rỡ của nó đang thổi một luồng gió phấn khởi chưa từng thấy trong tinh thần và khí thế của quân và dân miền Nam. Đồng bào và chiến sĩ trực tiếp chiến đấu đã nhận rõ tất cả chỗ yếu hèn của địch, nhìn thấy những khả năng vô cùng to lớn của mình để đánh thắng chúng, rút được những kinh nghiệm phong phú về nhiều mặt cho những cuộc chiến đấu mới. Tất cả những điều đó đang thực hiện một cuộc động viên quân và dân miền Nam ta cả về bề rộng và bề sâu, động viên các lực lượng vũ trang, động viên thanh niên, phụ nữ, các tầng lớp nhân dân ở nông thôn, đô thị và rừng núi, mọi người càng tin tưởng càng quyết tâm, sẵn sàng hy sinh phấn đấu giành những thắng lợi ngày càng to lớn, cho đến thắng lợi hoàn toàn.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chiến thắng vang lừng đầu năm nay từ tiền tuyến lớn miền Nam truyền về hậu phương lớn, làm cho nhân dân ta ở miền Bắc tràn đầy tự hào và phấn khởi, đúng như lời chúc mừng đầu năm của Hồ Chủ tịch: "Thắng trận tin vui khắp nước nhà". Với lòng vui mừng và cảm phục vô hạn, nhân dân miền Bắc theo dõi từng phút, từng giờ cuộc chiến đấu trong mỗi thành thị, mỗi địa phương miền Nam. Tất cả tình thương yêu và tin tưởng của 17 triệu đồng bào miền Bắc hướng về thành đồng của Tổ quốc, đón chờ và truyền đi tin tức chiến thắng. Đời đời, dân tộc Việt Nam ta ghi nhớ những chiến công kỳ diệu của quân và dân miền Nam đầu xuân Mậu Thân này, ghi nhớ chiến công của những chiến sĩ đã đánh thẳng vào đại sứ quán Mỹ, gây kinh hoàng cho địch tận tòa nhà trắng, đã thọc sâu vào "Dinh Độc lập" của bọn ngụy, đã đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất, đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu của quân ngụy, đã tung hoành trong thành phố Sài Gòn, đã chiếm lĩnh và làm chủ nhiều ngày thành phố Huế, đã lập nên bao nhiêu chiến công hiển hách khắp các thành thị và địa phương miền Nam, mở một thời kỳ mới vẻ vang nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thắng lợi của tiền tuyến lớn càng thúc giục mọi người dân miền Bắc hăng hái tiến lên cho xứng đáng với miền Nam, đẩy mạnh hơn bao giờ hết sản xuất và chiến đấu, sát cánh cùng quân và dân miền Nam đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Bản chất của đế quốc Mỹ và xâm lược là hiếu chiến. Chúng bị thua đau, nhưng chúng còn rất ngoan cố. Càng lâm vào nguy cơ thất bại hoàn toàn, chúng càng hung ác và xảo quyệt. Nhân dân Việt Nam ta, đồng bào miền Nam ta càng phải kiên trì cuộc chiến đấu chống giặc Mỹ xâm lược, luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Hiện nay, chúng đang tìm mọi cách phản kích, hòng thoát khỏi thế bị động, và ngoan cố tiếp tục chiến tranh xâm lược nước ta. Giônxơn một mặt tăng thêm quân Mỹ, thúc ép các nước chư hầu đưa thêm quân vào miền Nam, mặt khác ráo riết thúc đẩy, ép buộc ngụy quyền ra sức bắt lính, đẩy ngụy quân ra phía trước làm bình phong đỡ đạn cho quân Mỹ. Ít lâu sau đợt tấn công hồi Tết, bọn Mỹ và ngụy cố sức mở một số cuộc hành quân gần Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và ở Khe Sanh, cố gắng đánh ra quanh những căn cứ lớn, hòng làm giảm bớt vòng vây của quân và dân miền Nam, và gây nên một sự lạc quan giả tạo là tình hình của chúng dần dần ổn định. Nhưng chính các cuộc hành quân ấy lại mang đến cho chúng những tổn thất nặng nề và càng chứng tỏ rằng Mỹ và ngụy đang giẫy giụa không sao thoát khỏi tình cảnh bị bao vây, không đủ lực lượng cơ động để mở những cuộc phản công chiến lược lớn, và càng lún sâu trong thế bị động phòng ngự.

Kẻ địch chưa kịp hoàn hồn sau khi bị giáng những trận khủng khiếp hồi Tết, thì bắt đầu ngày 5 tháng 5 vừa qua, quân và dân miền Nam lại mở một đợt tổng tiến công và nổi dậy mới, đánh khắp các chiến trường ở miền Nam, đánh vào phần lớn thành phố, thị xã, cơ quan chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng và cơ sở hậu cần của địch. Mặc dầu đã hết sức phòng thủ, kẻ địch vẫn bị bất ngờ trước sức mạnh và quy mô rộng lớn của đợt tổng tiến công và cách đánh biến hóa vô cùng của quân và dân miền Nam. Đồng thời với việc đánh địch ở khắp miền Nam, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng đã tấn công mạnh mẽ và liên tục vào Sài Gòn - Chợ Lớn, diệt nhiều tiểu đoàn Mỹ và ngụy ngay trong thành phố, đánh phá nhiều cơ quan và cơ sở quan trọng của chúng. Cùng với lực lượng vũ trang, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn và nhiều nơi khác đã nổi dậy, lùng diệt bọn ác ôn, giành quyền làm chủ từng khu vực của thành phố, thành lập chính quyền nhân dân và cắm cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên nhiều vị trí và tại nhiều khu phố. Một lần nữa, để hòng chống đỡ đợt tổng tiến công và nổi dậy lần này, bọn xâm lược Mỹ lại đem các loại bom đạn trút xuống nhân dân ta ở Sài Gòn-Chợ Lớn và nhiều nơi khác. Chính chúng đang tàn phá một cách kinh khủng những nơi mà luôn mồm chúng nói bảo vệ! Những tội ác vô cùng dã man đó càng khắc sâu lòng căm thù và càng thúc đẩy quân, dân miền Nam xông lên đánh chúng mãnh liệt hơn.

Đồng bào miền Nam hiện nay đang ra sức đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân tiến những bước mới trong thời kỳ mới. Quân và dân miền Nam quyết thừa thắng xông lên, liên tục tiến công và nổi dậy ngày càng mạnh, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận ngụy quân, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho chúng không thể thực hiện được những mưu đồ quân sự và chính trị của chúng ở miền Nam; trên cơ sở đó, đập tan ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, hoàn toàn giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà. Càng gần thắng lợi càng nhiều gian nan! Cuộc chiến đấu trước mắt sẽ ác liệt hơn bao giờ hết. Kẻ thù đến bước đường cùng sẽ dùng mọi thủ đoạn dã man để tàn phá miền Nam ta. Thời kỳ mới của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi ở mỗi người Việt Nam tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả để giành thắng lợi, đòi hỏi lòng dũng cảm, trí thông minh và tài sáng tạo cao nhất. Quân và dân miền Nam ghi nhớ lời nói của Hồ Chủ tịch: "Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do", nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn gian khổ, đạp lên đầu thù mà xốc tới, giành thắng lợi hoàn toàn.

PHẦN II

MIỀN BẮC CHIẾN THẮNG

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta, miền Bắc xã hội chủ nghĩa giữ một vai trò cực kỳ quan trọng. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập sau thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của phong trào yêu nước chống thực dân gần một thế kỷ của toàn thể dân tộc, đặc biệt là kết quả của 15 năm đấu tranh cách mạng gian khổ của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa suốt 23 năm qua không ngừng củng cố và lớn mạnh, đó là lực lượng có tác dụng rất to lớn để bảo vệ nền độc lập, dân tộc, chống xâm lược và để xây dựng đời sống mới. Từ 14 năm nay, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến thứ nhất, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ngừng tiến bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và trở thành một nước xã hội chủ nghĩa vững mạnh, quyết làm tròn nghĩa vụ của mình là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam châu Á. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là căn cứ địa cách mạng của cả nước, là hậu phương lớn của miền Nam, gắn liền cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta với lực lượng hùng mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa quốc tế, với cả phong trào rộng lớn của nhân dân thế giới đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân tộc dân chủ và tiến bộ xã hội.

Chính vì giặc Mỹ xâm lược nhận rõ vị trí và tác dụng cực kỳ quan trọng đó của miền Bắc, cho nên đầu năm 1965, trước sự phá sản của "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam, chúng đã trắng trợn dùng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc, sau khi bầy đặt ra cái gọi là "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" vào tháng 8 năm 1964. Đế quốc Mỹ tưởng rằng chỉ trong thời gian ngắn chúng có thể đánh thắng miền Bắc, do đó mà khuất phục cả miền Nam, buộc nhân dân ta phải đầu hàng. Nhưng chúng đã tính sai và âm mưu của chúng đã bị phá sản.

Giặc Mỹ đánh phá miền Bắc là để hòng cứu vãn tình thế vô cùng khó khăn của chúng ở miền Nam. Nhưng chúng càng đánh miền Bắc, thì lại càng làm cho mối quan hệ ruột thịt giữa hai miền Bắc - Nam thêm khăng khít, kết quả là chúng vừa bị tổn thất nặng ở miền Bắc, vừa bị đánh đau hơn ở miền Nam. Đồng bào miền Nam đã làm đúng như lời tuyên bố của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: "Giặc Mỹ đụng đến miền Bắc một, thì quân và dân miền Nam quyết đánh trả chúng gấp 5, gấp 10 lần". Đánh mạnh bọn Mỹ, ngụy, dồn chúng vào thế khốn cùng, đồng bào và chiến sĩ miền Nam đã bảo vệ miền Bắc một cách đắc lực. Ngược lại, miền Bắc vững vàng và ngày càng lớn mạnh, đó là sự tiếp sức vô cùng trọng yếu đối với miền Nam. Cả dân tộc ta càng gắn bó trong một cuộc chiến đấu chung, chống kẻ thù chung, nhằm những mục tiêu chung. Hơn bao giờ hết, trong lịch sử nước ta, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hiện nay làm cho cả dân tộc Việt Nam ta đoàn kết một lòng, Nam - Bắc thống nhất.

Giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, nhằm vào các đường giao thông vận tải, các công trình kinh tế và các vùng đông dân cư, hòng làm suy yếu lực lượng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng miền Bắc trong chiến tranh vẫn lớn mạnh, tiềm lực kinh tế và quân sự không ngừng tăng cường, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục, đời sống nhân dân vững vàng. Miền Bắc ngày càng sung sức để tự bảo vệ một cách thắng lợi và để làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với miền Nam.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, đến nay giặc Mỹ đã bị bắn rơi gần 3.000 máy bay, bị mất rất nhiều giặc lái máy bay trong đó có những tên giặc lái giỏi nhất của nước Mỹ. Câu chuyện thần thoại về sức mạnh của không lực Hoa Kỳ hoàn toàn phá sản; tổn thất của chúng ngày càng nặng; chẳng những mục tiêu chiến lược của chúng không đạt mà mọi chiến thuật, kỹ thuật mới của chúng đều bị đánh bại; dần dần bọn xâm lược Mỹ sút sức, càng thiếu giặc lái, càng thiếu máy bay, bom đạn của chúng cũng không phải là vô tận.

Giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, trắng trợn xâm phạm một nước xã hội chủ nghĩa độc lập, có chủ quyền, gây nên những tội ác cực kỳ man rợ, làm xúc động toàn thế giới.(5) Chúng bị cả loài người, trong đó có nhân dân Mỹ, ngày càng lên án mạnh mẽ; chúng bị chính giới rất nhiều nước ngày càng phản đối kịch liệt. Chúng hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế cũng như ngay tại nước Mỹ.

Kết luận của ba năm chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc là bọn xâm lược Mỹ đã thua và đó là một thất bại rất lớn của chúng. Bài diễn văn ngày 31 tháng 3 năm 1968 của Tổng thống Mỹ Giônxơn về việc Mỹ "ném bom hạn chế" miền Bắc một mặt là một sự tính toán thâm độc, một mưu mô dối trá, đồng thời đó là sự thú nhận thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, chứng tỏ ý chí đánh phá miền Bắc của bọn xâm lược Mỹ đã bị suy sụp một bước quan trọng. Đây là một thắng lợi rất to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của cả dân tộc ta, có sức động viên mạnh mẽ đồng bào miền Nam đang thừa thắng xông lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chiến tranh là sự thử thách nghiêm trọng nhất đối với một chế độ. Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta đã vượt qua thử thách đó một cách vẻ vang. 17 triệu đồng bào ta đang hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất nặng nề về chiến đấu và sản xuất trong những hoàn cảnh đặc biệt gay go, gian khổ.

Chống lại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch, miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã động viên các lực lượng vũ trang và toàn dân vừa đánh địch,vừa tự bảo vệ mình, vừa phát triển lực lượng về mọi mặt, tích lũy kinh nghiệm, trưởng thành nhanh chóng, luôn luôn lớn mạnh nhanh hơn những bước leo thang của địch. Quân và dân miền Bắc đã đánh và thắng lớn ngay trận đầu, rồi từ đó tiếp tục đánh và thắng liên tiếp trong quá trình ba năm nay, lần lượt làm thất bại mọi bước leo thang của địch. Các lực lượng phòng không, từ tên lửa đến súng trường của dân quân, đã được bố trí thành một hệ thống nhịp nhàng ăn khớp, một lưới lửa dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp, hết sức cơ động, linh hoạt. Bộ đội phòng không và các lực lượng vũ trang nhân dân khác, trong đó có những đội dân quân phụ lão và các đội dân quân gái, luôn luôn sẵn sàng giáng cho địch những đòn nặng nề và gieo vào hàng ngũ chúng sự kinh hoàng, mặc dù chúng sử dụng những máy bay, những thiết bị chiến tranh hiện đại nhất, và luôn luôn rút kinh nghiệm, thay đổi chiến thuật và kỹ thuật. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng không, lực lượng không quân trẻ tuổi của chúng ta đã phát huy trong điều kiện chiến đấu trên không ở vùng trời nước ta những chiến thuật của chiến tranh nhân dân, chiến đấu cực kỳ mưu trí và dũng cảm, lần đầu tiên xuất quân đã chiến thắng giòn giã, tiếp đó liên tục lập những chiến công oanh liệt. Đi đôi với đánh địch, việc phòng không sơ tán là một công cuộc tổ chức, lao động và chiến đấu của mọi ngành hoạt động, của mọi địa phương, của mỗi gia đình, góp phần làm giảm bớt rất nhiều tổn thất của ta. Chiến tranh đang tiếp diễn, chúng ta phải kiên trì và cố gắng làm tốt hơn công tác phòng không, sơ tán.

Từ ngày 31 tháng 3 năm 1968 đến nay, thực hiện âm mưu thâm độc "ném bom hạn chế" miền Bắc, bọn xâm lược Mỹ tập trung lực lượng ngày đêm đánh phá đặc biệt dã man và ác liệt hơn trước một vùng rộng lớn và đông dân cư của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh. Quân và dân ta tại các địa phương ấy càng kiên cường chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay địch, kể cả loại máy bay F.111A mới nhất của chúng, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, quyết đập tan thủ đoạn xảo quyệt mới của chúng, đánh bại hoàn toàn chiến tranh phá hoại của chúng chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi vẻ vang của quân và dân miền Bắc là thắng lợi của một loại chiến tranh nhân dân rất mới chống một loại chiến tranh mới của bọn xâm lược Mỹ. Qua chiến đấu, chẳng những binh chủng phòng không, không quân lớn mạnh vượt bực, mà toàn bộ lực lượng quốc phòng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không ngừng được tăng cường và rèn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, luôn luôn cảnh giác ứng phó với mọi tình hình.

Một trong những mục tiêu đánh phá chủ yếu của địch là giao thông vận tải. Cuộc chiến đấu trên mặt trận giao thông ở khắp miền Bắc là một thiên anh hùng ca của các chiến sĩ giao thông vận tải và của đồng bào ta dọc các tuyến đường. Các đội công nhân làm cầu và sửa cầu, các đội thanh niên xung phong, các đội cầu đường chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, các đội phá bom nổ chậm, các đơn vị lái xe ô tô, chở phà, thủy thủ lái tàu và chèo thuyền, các tầng lớp nhân dân ta đã ngày đêm xông pha bom đạn, nêu những tấm gương cực kỳ oanh liệt và dũng cảm, tài năng và trí tuệ, kịp thời phá tan mọi thủ đoạn đánh phá của địch. Nhờ đó nhân dân ta đã giữ thông suốt mạch máu nối liền hậu phương với tiền tuyến, nối liền các vùng của đất nước, nối liền nước ta với các nước anh em và bạn bè; giữ vững và nâng cao khối lượng hàng vận chuyển; mở rộng các loại đường giao thông; tăng cường các lực lượng giao thông vận tải trung ương và địa phương; phát triển gấp bội đội ngũ cán bộ và công nhân giao thông vận tải. Chính trong thời chiến, giao thông vận tải đã đi trước một bước, đáp ứng nhu cầu chiến đấu, sản xuất và đời sống hiện nay, đồng thời chuẩn bị cho sau này.

Đương đầu với những thử thách dồn dập do thiên tai và địch họa gây ra hết vụ này đến vụ khác trong ba năm qua, đồng bào, nông dân tập thể đã giữ vững sản lượng lúa và lương thực, đẩy mạnh sản lượng rau màu, mở rộng diện tích nhiều loại cây công nghiệp quan trọng, tiếp tục phát triển trồng cây gây rừng và tăng thêm đàn gia súc. Chính trong chiến tranh, việc thâm canh tăng năng suất cây trồng và tăng năng suất lao động trở thành một phong trào quần chúng, với hệ thống biện pháp kỹ thuật tiên tiến, khiến cho khẩu hiệu một sức lao động làm một hécta thu 5 tấn thóc đang trở thành hiện thực trên một diện tích ngày càng rộng rãi. Chính trong chiến tranh, cơ sở vật chất và kỹ thuật của nông nghiệp nói chung cũng như của từng hợp tác xã, đã được tăng cường một bước. Chính trong chiến tranh, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đã đạt được thành tựu tốt đẹp, thu hút tuyệt đại bộ phận nông dân lao động, nâng cao và mở rộng hợp tác xã, tỏ rõ sức mạnh và tính hơn hẳn của con đường sản xuất tập thể. Hiện nay, trong cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã kết hợp với mở rộng dân chủ, nông dân xã viên đang hăng hái phát huy quyền thực sự làm chủ của mình, đưa nông nghiệp và đời sống mới ở nông thôn tiến lên. Một thế làm ăn vững chắc và một triển vọng đầy phấn khởi mở ra ngay giữa thời chiến.

Giai cấp công nhân đã thể hiện tính tiền phong cách mạng và năng lực sáng tạo của mình trong cuộc chiến đấu để giữ vững sản xuất công nghiệp. Các cơ sở của công nghiệp trung ương bị địch đánh phá liên tiếp, nhưng nhờ tích cực sơ tán, phân tán và bảo vệ xí nghiệp, đẩy mạnh việc xây dựng các công trình dự phòng và kiên trì phục hồi những nhà máy bị đánh phá, cho nên chúng ta vẫn bảo đảm được những nhu cầu thiết yếu nhất của chiến đấu, sản xuất và một phần nào của đời sống. Bên cạnh công nghiệp trung ương, ba năm qua chứng kiến một bước ngoặt có ý nghĩa cơ bản trong việc xây dựng và phát triển công nghiệp địa phương. Trên dưới 1.000 cơ sở được mở rộng hoặc xây dựng mới, dần dần sản xuất các loại tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Theo hướng đó, chúng ta đang từng bước tiến tới một mạng lưới công nghiệp địa phương đồng bộ trong từng tỉnh, có tác dụng tăng cường khả năng hậu cần tại chỗ, gắn liền công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với phân phối, thực hiện sự phân công lao động mới trong từng địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Đây là kết quả bước đầu, có ý nghĩa cơ bản, toàn diện, của một chủ trương rất quan trọng, rất to lớn đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sau này.

Một trong những thành tựu tiêu biểu nhất của nhân dân ta trong ba năm qua là sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp giáo dục, văn hóa và y tế. Đây là những lĩnh vực mà ai nấy đều lo khó duy trì, chưa nói phát triển trong điều kiện chiến tranh; thế mà chính những ngành đó lại đã tiến bộ nhanh chóng hơn cả thời bình. Sống và chiến đấu hàng ngày giữa bom đạn của địch, nhân dân ta càng tỏ ra ham học hơn bao giờ hết, đòi hỏi nhiều hơn trước các loại sách báo, đòi hỏi nhiều hơn trước văn hóa, văn học và nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật… Số học sinh và sinh viên của chúng ta tăng lên không ngừng, nhà trường của chúng ta đi sát thực tế, thấy mở ra những triển vọng mới của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gắn liền học với làm. Nền văn học nghệ thuật của chúng ta ngày càng thấm nhuần cuộc sống chiến đấu và sản xuất vĩ đại của dân tộc được tiếp nguồn cảm hứng dồi dào để sáng tác và biểu diễn, đồng thời được bổ sung vào đội ngũ của mình những lực lượng trẻ từ quần chúng. Ngành y tế của chúng ta trưởng thành nhanh chóng và toàn diện, phục vụ đắc lực sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và có nhiều tiến bộ mới trên con đường xây dựng nền y tế xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Từ năm 1965 đến nay, các kế hoạch nhà nước hàng năm về phát triển kinh tế và văn hóa quốc dân đều là những kế hoạch thời chiến, nhằm thực hiện ba nhiệm vụ chủ yếu:

1. Động viên cao độ lực lượng về mọi mặt để chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam.

2. Giữ vững và phát triển sản xuất hợp với hoàn cảnh chiến tranh, nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt, đồng thời chuẩn bị cho lâu dài về sau.

3. Bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống nhân dân về ăn, mặc, ở, đi lại, bảo vệ sức khỏe và học hành.

Những nhiệm vụ chủ yếu đó hàng năm đã được cơ bản hoàn thành, việc thực hiện kế hoạch nhà nước hàng năm đã góp phần rất to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Cũng trên ba nhiệm vụ chủ yếu đó, kế hoạch nhà nước năm 1968 thể hiện những yêu cầu của thời kỳ mới hiện nay, theo tinh thần: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!". Kế hoạch nhà nước năm 1968 là một kế hoạch để giành thắng lợi, đồng thời đó là một kế hoạch để sẵn sàng ứng phó với mọi tình hình. Các tầng lớp nhân dân ta ở miền Bắc, các ngành hoạt động của nhà nước ở các cấp, các xí nghiệp, công trường, các viện nghiên cứu, các cơ quan sự nghiệp hành chính, các trường học đang cùng tiền tuyến lớn thừa thắng xông lên, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, khắc phục những chỗ yếu trong công tác, quyết hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước năm 1968, góp phần lớn nhất của mình vào công cuộc bảo vệ và xây dựng miền Bắc giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là cuộc đấu tranh cách mạng quy mô to lớn nhất, tính chất quyết liệt nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Cuộc chiến đấu vĩ đại ấy động viên mọi lực lượng của nhân dân và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vận dụng mọi thành quả đã giành được trong quá trình cách mạng từ trước đến nay, do đó mà làm nổi bật một cách đặc biệt sáng tỏ những nguồn sức mạnh, những nhân tố thắng lợi của chúng ta: lực lượng quần chúng, chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta chứng minh những chân lý lớn: con người là nhân tố quyết định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Nguyên nhân thắng lợi của chúng ta là ở chỗ sự lãnh đạo của Đảng, được vũ trang bằng học thuyết Mác -Lênin, đã phát động quần chúng nhân dân ta một cách hết sức sâu rộng, đứng lên chiến đấu và chiến thắng trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình. Cả dân tộc Việt Nam ta hăng hái tham gia cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước; mỗi người coi việc đánh giặc là nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc đồng thời là vinh dự lớn nhất của bản thân mình phát huy đến mức cao tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, trí thông minh và tài sáng tạo, làm nổi bật phẩm chất tốt đẹp của mình. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trở thành một phong trào quần chúng của hàng triệu người, một hiện tượng xã hội phổ biến và thường xuyên thể hiện trong các phong trào thi đua của quần chúng: phong trào "quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" của các lực lượng vũ trang nhân dân, phong trào "sản xuất tốt, chiến đấu tốt" của công nhân và nông dân, phong trào "ba sẵn sàng" của thanh niên, phong trào "ba đảm đang" của phụ nữ, phong trào "ba quyết tâm" của trí thức. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam là kết tinh những tư tưởng và tình cảm cao đẹp nhất của dân tộc ta và của thời đại ngày nay. Cao trào của chủ nghĩa anh hùng cách mạng làm xuất hiện rõ nét con người Việt Nam mới, thành quả chẳng những của mấy năm chống Mỹ, mà của toàn bộ quá trình cách mạng mấy chục năm nay dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, kết hợp những đức tính của giai cấp công nhân với những truyền thống tốt đẹp hình thành qua mấy nghìn năm lịch sử của dân tộc. Niềm tự hào và vui sướng to lớn của chúng ta làm phẩm chất tốt đẹp ấy thể hiện một cách đặc biệt rực rỡ trong thế hệ thanh niên của chúng ta, những người đang kế tục vững chắc và vẻ vang sự nghiệp cách mạng của các lớp người đi trước.

Chúng ta đương sống trong một phong trào quần chúng sâu rộng vừa làm nên lịch sử vừa rèn luyện con người. Đó là cái vốn quý nhất của chúng ta. Chúng ta quyết giữ gìn và phát triển cái vốn này, làm cho nó ngày càng nẩy nở. Chúng ta quyết biến những tư tưởng và tình cảm tốt đẹp, những phẩm chất cách mạng cao quý của con người Việt Nam chống Mỹ, cứu nước thành đức tính thường xuyên và vững bền của dân tộc ta, trong suốt quá trình lâu dài của sự nghiệp cách mạng.

Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của dân tộc ta, đồng thời là thắng lợi của chế độ ta, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính chế độ xã hội chủ nghĩa đã phát huy đến mức cao nhất sức mạnh của dân tộc ta, đã tạo mọi điều kiện vật chất và tư tưởng để đẩy phong trào quần chúng chiến đấu và sản xuất phát triển hết sức sâu rộng, đã đưa tất cả thành quả xã hội chủ nghĩa trong mười mấy năm qua dốc vào sự nghiệp đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chúng ta quyết tiếp tục củng cố và tăng cường chế độ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ngay trong thời chiến.

Nội dung của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm ba cuộc cách mạng song song tiến hành: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa. Thực tiễn của chiến tranh và của công cuộc xây dựng trong chiến tranh đòi hỏi chúng ta suy nghĩ nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa, toàn diện hơn nữa về ba cuộc cách mạng, và dần dần vận dụng ba cuộc cách mạng ấy trong công việc của chúng ta. Chúng ta phải thấy nổi bật vị trí then chốt của cách mạng khoa học và kỹ thuật, nó trực tiếp tạo ra cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy toàn bộ cách mạng xã hội chủ nghĩa tiến lên. Chúng ta phải thấy nổi bật vai trò cực kỳ quan trọng của cách mạng về quan hệ sản xuất, bởi vì cuộc cách mạng ấy có ý nghĩa sâu rộng có thể chưa lường hết được, nhằm giải quyết ba vấn đề vô cùng quan trọng: chế độ sở hữu, quan hệ giữa người và người, chính sách phân phối tiêu dùng. Chúng ta phải thấy nổi bật tác dụng của cách mạng tư tưởng và văn hóa, cuộc cách mạng về con người. Nói cho cùng, con người quần chúng nhân dân quyết định tất cả. Với chủ nghĩa Mác ra đời, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, con người làm nên sự nghiệp của mình một cách hoàn toàn tự giác. Cho nên chúng ta nhất định phải làm tốt cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa. Chúng ta phải từng bước xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đồng thời xây dựng những quan hệ xã hội tốt đẹp, một xã hội lý tưởng của con người, giầu những đức tính và tình cảm cao thượng sống một đời sống rất phong phú về mọi mặt: lao động sản xuất, văn học nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật. Chúng ta hết sức coi trọng việc nâng cao từng bước đời sống vật chất của nhân dân, đồng thời chúng ta nhận rõ rằng giá trị đáng quý nhất của xã hội, của con người không chỉ là vật chất mà chính là một đời sống văn hóa, tinh thần và tình cảm cao đẹp! Nghiên cứu và giải đáp những vấn đề trên đây là nhiệm vụ to lớn và vẻ vang của khoa học xã hội Việt Nam, gồm những ngành khoa học rất quan trọng, có khả năng và cần phải phát triển mạnh mẽ trên đất nước ta.

Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đề ra yêu cầu và tạo ra điều kiện mài sắc một công cụ cách mạng chủ yếu của chúng ta: Nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của Nhà nước chuyên chính vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Đó là một Nhà nước mà toàn bộ đường lối, chính sách đều quán triệt tư tưởng cách mạng của giai cấp công nhân, thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản, một Nhà nước đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các dân tộc anh em, thực hiện dân chủ rộng rãi với nhân dân và kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng để chống Mỹ, cứu nước thắng lợi và xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công.

Một trong những chức năng cơ bản nhất của nhà nước là quản lý kinh tế. Những lời dạy của Lênin, cũng như thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta và ở nhiều nước anh em, xác nhận rằng quản lý kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của chủ nghĩa xã hội, một khoa học, một nghệ thuật mà chúng ta cần nắm vững. Khoa học và nghệ thuật đó đòi hỏi chúng ta phải biết vận dụng những quy luật của chủ nghĩa xã hội, trong đó có quy luật phát triển nền kinh tế quốc dân một cách cân đối, nhịp nhàng, có kế hoạch, với sự tham gia của hàng triệu quần chúng lao động và của đông đảo cán bộ khoa học và kỹ thuật, từ các ngành cho đến cơ sở là xí nghiệp và hợp tác xã. Đồng thời, chúng ta phải biết vận dụng một cách đúng đắn quy luật giá trị trong điều kiện kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, chúng ta sẽ tiến tới đạt hiệu quả kinh tế cao nhất của vốn đầu tư và năng suất lao động cao nhất. Chúng ta cần luôn luôn ghi nhớ câu nói của Lênin: chủ nghĩa xã hội sẽ thắng chủ nghĩa tư bản vì nó có năng suất lao động cao! Mỗi người chúng ta, nhất là những đồng chí có trách nhiệm trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân từ Trung ương đến cơ sở, phải coi trọng hơn nữa vấn đề quản lý kinh tế, phải chăm lo tổng kết những kinh nghiệm của mình, đồng thời tham khảo những kinh nghiệm khá phong phú của các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Trước mắt, chúng ta đang xúc tiến thực hiện phân cấp quản lý kinh tế, trước nhất là phân cấp giữa Trung ương và cấp tỉnh, thành phố, nhằm quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của địa phương, phát huy mọi khả năng của địa phương để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương với sự giúp đỡ tích cực của trung ương. Chủ trương phân cấp quản lý, cùng với chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, vừa là đòi hỏi cấp bách của chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vừa là chính sách có ý nghĩa và tầm quan trọng rất cơ bản và lâu dài đối với toàn bộ công cuộc phát triển nền kinh tế quốc dân và xây dựng đất nước chúng ta sau này.

Như vậy, vừa đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, chúng ta vừa suy nghĩ và chuẩn bị giải quyết những vấn đề của ngày mai, những vấn đề lớn của chủ nghĩa xã hội, những vấn đề về đường lối, chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế quốc dân, phát triển khoa học và kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ vừa đỏ vừa chuyên, phát triển văn học nghệ thuật, đó là những vấn đề của sự nghiệp xây dựng đời sống xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhân dân ta kiên quyết và bền bỉ tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình, làm chủ đường lối của mình, làm chủ mọi việc to, việc nhỏ trong công cuộc xây dựng đời sống mới và con người mới Việt Nam. Chúng ta nhất định sẽ thành công với những sáng tạo độc đáo, trung thành với lý tưởng cao cả và những nguyên lý cách mạng của học thuyết Mác - Lênin, sát với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước ta, hợp với yêu cầu của nhân dân ta, phát huy truyền thống và phong trào của dân tộc ta.

PHẦN III

CẢ THẾ GIỚI ỦNG HỘ NHÂN DÂN TA

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa quốc tế rất quan trọng.

Ý nghĩa quốc tế đó phát triển cùng một nhịp với sự phát triển của cuộc kháng chiến và đây cũng là một sự phát triển trong nhận thức của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ngày nay, ý nghĩa quốc tế đó trở nên rất rộng lớn và sâu sắc, thể hiện dưới nhiều hình thức vô cùng phong phú. Mọi nước, mọi dân tộc, mọi Chính phủ, mọi tổ chức, cho đến mọi người đều thấy mình phải xác định lập trường và thái độ của mình đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam: đứng về phía nào? Phía kẻ xâm lược hay phía người chống xâm lược? Bên phi nghĩa hay bên chính nghĩa? Bên những lực lượng phản động và đen tối nhất của thời đại, có thể gây những nguy cơ cực kỳ tai hại cho loài người hay bên nhân dân Việt Nam đang chiến đấu vì quyền lợi dân tộc thiêng liêng của mình, đồng thời vì lợi ích của nhân dân các nước, của cả loài người? Ngày nay, nói chung lập trường và thái độ đó đã được xác định một cách khá rõ rệt, như đã được nêu lên trong bản tuyên bố của Đại hội văn hóa thế giới họp ở La Havan(6) tháng 1 năm 1968: "Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là ngọn cờ tiền phong là trung tâm và là đỉnh cao nhất của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới chống đế quốc Mỹ".

Phong trào quốc tế chống Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam ta là một sự thất bại rất lớn của đế quốc Mỹ và một thắng lợi rất lớn của nhân dân ta và nhân dân thế giới, bởi vì sự nhận thức nói trên của nhân dân thế giới là tiền đề của phong trào quốc tế chống xâm lược Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam, và đó là một nhân tố góp vào thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Điều quan trọng hơn nữa là phong trào quốc tế đó chắc chắn sẽ đưa đến những cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, và những cuộc đấu tranh đó sẽ ngày càng rộng lớn dưới những hình thức ngày càng kiên quyết và mạnh mẽ. Chính đó là cuộc đấu tranh cách mạng của thời đại, bao quát cuộc đấu tranh cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân và mọi dân tộc, nhằm giải quyết những vấn đề của thời đại ngày nay là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Một cuộc đấu tranh với quy mô rộng lớn của thế giới, động viên hàng trăm triệu quần chúng nhân dân rất nhiều nước, với chỗ dựa vững chắc là phe xã hội chủ nghĩa, thành trì của cách mạng thế giới và hoà bình thế giới, nhất định sẽ tiến tới giành những thắng lợi có tác dụng mở đường cho những bước phát triển mới của lịch sử loài người đúng với ý nghĩa của thời đại ngày nay.

Như trên đây đã nói, ý nghĩa quốc tế của cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống xâm lược Mỹ đã trải qua một quá trình: quá trình phát triển của chiến tranh từ 1954 lại đây nhất là từ 1965, quá trình đế quốc Mỹ liên tiếp leo các nấc thang của "chiến tranh đặc biệt" và "chiến tranh cục bộ", quá trình nhân dân Việt Nam ta liên tiếp đánh và thắng quân thù qua những cuộc chiến đấu quyết liệt.

Chính cuộc chiến đấu quyết liệt của nhân dân ta đã dần dần làm bộc lộ bản chất của đế quốc Mỹ, vạch trần bộ mặt thật của nó: xâm lược và hiếu chiến, một thứ phát xít mới, còn nguy hiểm và ghê tởm hơn phát xít Đức trước đây; đồng thời dần dần làm bộc lộ tất cả chỗ yếu rất cơ bản của nó, khoét sâu mọi mâu thuẫn của nó, làm cho mọi người dần dần thấy rõ đế quốc Mỹ chẳng qua là "một người khổng lồ chân đất sét"; để từ những nhận thức đó mà đi đến kết luận: đối với đế quốc Mỹ, kẻ thù không đội trời chung của nhân dân thế giới, phải đấu tranh, đấu tranh kiên cường và quyết liệt, không nhân nhượng, không thỏa hiệp, và đấu tranh dưới mọi hình thức, cho đến hình thức cao nhất là đấu tranh vũ trang; một cuộc đấu tranh như vậy chống đế quốc Mỹ tất nhiên phải lâu dài và gian khổ, nhưng nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang.

Đế quốc Mỹ thực chất là tư bản độc quyền nhà nước Mỹ lớn mạnh và làm giàu nhanh chóng qua hai cuộc chiến tranh thế giới, trên xương máu, mồ hôi và nước mắt của hàng trăm triệu nhân dân nhiều nước và nhân dân Mỹ ôm ấp cuồng vọng làm bá chủ cả trái đất. Để thực hiện cuồng vọng đó, chúng đã chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch cho đến kế hoạch chiến tranh toàn bộ và các kế hoạch "phản ứng linh hoạt". Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, chúng muốn chứng minh rằng chúng đủ sức đè bẹp chiến tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam để từ đó mà làm "nản lòng" mọi cuộc đấu tranh giải phóng khắp nơi trên thế giới. Nhưng rõ ràng chúng đã thất bại! Và cố gắng của chúng lớn bao nhiêu, mọi thủ đoạn của chúng hung ác và gian xảo bao nhiêu, lực lượng (quân sự, kinh tế, tài chính, v.v..) mà chúng ném vào cuộc chiến tranh đáng ghê sợ bao nhiêu thì thất bại của chúng càng nặng nề bấy nhiêu. Thất bại này đánh dấu một bước ngoặt cực kỳ quan trọng trên con đường xuống dốc và suy vong của đế quốc Mỹ, của chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ.

Nước Việt Nam ta đất chỉ có hơn 30 vạn cây số vuông, người chỉ có hơn 30 triệu mà đã làm cho đế quốc Mỹ (mà trước đây mấy năm rất nhiều người khiếp sợ trước sức mạnh hầu như không ai địch nổi và sự giầu có tưởng chừng vô tận) phải thất điên bát đảo, thì rồi đây, ngày mai và ngày kia, lúc rất nhiều nơi khắp thế giới, cho đến châu Mỹ latinh, và ngay trong lòng nước Mỹ: người da đen ở Mỹ, đứng lên chống Mỹ, đánh Mỹ từ các phía, dưới mọi hình thức, với mọi thứ vũ khí thì nhất định đế quốc Mỹ và các lực lượng phản động cấu kết với nó sẽ trải qua những ngày khủng hoảng triền miên để đi đến chỗ diệt vong.

Đế quốc Mỹ, trong chính sách can thiệp và xâm lược của nó, không phân biệt biên giới quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước trên thế giới, đứng về bản chất mà nói, nhất định phải là một cuộc đấu tranh thể hiện tính đoàn kết quốc tế rộng rãi theo lời kêu gọi vĩ đại của Mác và Lênin: "Vô sản các nước và dân tộc bị áp bức toàn thế giới liên hiệp lại!". Phong trào nhân dân các nước đứng lên đấu tranh chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam đã hình thành một mặt trận cực kỳ rộng lớn. Đó là một sự kiện quốc tế có nhiều ý nghĩa tích cực. Mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ, ủng hộ giải phóng dân tộc nhất định sẽ phát triển tới xu thế tất yếu của thời đại.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Nhân dân Việt Nam ta nhận thức sâu sắc rằng sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của mình là một bộ phận khăng khít của sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Mọi thắng lợi của chúng ta đều không thể tách khỏi sự ủng hộ và giúp đỡ vô cùng to lớn, và quý báu của Liên Xô, của Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác, không thể tách khỏi sự đồng tình và ủng hộ đầy nhiệt tình và ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân quốc tế, của các Đảng cộng sản và công nhân của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ latinh, của mọi lực lượng hòa bình và dân chủ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Nhân dân Việt Nam ta chân thành cảm tạ và đời đời biết ơn sự ủng hộ quốc tế cao cả đó. Phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam đang diễn ra khắp nơi với những hình thức muôn mầu muôn vẻ, đẹp đẽ và cảm động, thể hiện tình đoàn kết, lòng khâm phục và niềm tin tưởng đối với nhân dân ta. Một biểu hiện có ý nghĩa sâu xa của sự ủng hộ quốc tế ấy là việc những nhà hoạt động xã hội nổi tiếng, những nhà trí thức lớn của thế giới, đã thành lập Tòa án quốc tế Bertrand Russel (7) để xử những tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam: tội ác xâm lược, tội ác chiến tranh, tội ác đối với loài người.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta từ trước đến nay và từ nay về sau, chúng ta hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Chống Mỹ, cứu nước là sự nghiệp cách mạng thiêng liêng của nhân dân Việt Nam ta đối với bản thân mình, đồng thời đó là cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất để bảo vệ thành quả của chủ nghĩa xã hội ở nước ta góp phần xứng đáng bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, và đó là nghĩa vụ quốc tế của nhân dân ta. Ngược lại, các nước xã hội chủ nghĩa hết lòng hết sức ủng hộ và giúp đỡ nhân dân ta, những người chiến sĩ trên tuyến đầu bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình và độc lập dân tộc, đó là nghĩa vụ quốc tế vô sản của các nước xã hội chủ nghĩa đối với chúng ta. Từ trước đến nay chúng ta luôn luôn đánh giá rất cao sự ủng hộ và viện trợ đặc biệt quan trọng đó, bởi vì chúng ta biết rất rõ hiệu quả của nó, tác dụng và ý nghĩa của nó. Chúng ta rất vui mừng nhận thấy rằng bên cạnh chúng ta, cùng chúng ta đánh và thắng giặc Mỹ xâm lược, có hơn một nghìn triệu nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em!

Chúng ta hết sức coi trọng việc bảo vệ phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các nước thành viên trong phe, với nhận thức sâu sắc rằng phe xã hội chủ nghĩa là thành quả to lớn nhất của cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân thế giới. Chúng ta nhiệt liệt chào mừng những thành tựu rực rỡ của nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội, góp phần tăng cường sức mạnh của phe xã hội chủ nghĩa và bảo vệ hòa bình. Chúng ta kiên quyết ủng hộ ý chí của nhân dân Trung Quốc thu hồi Đài Loan, lãnh thổ không thể chia cắt của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên nhằm đập tan những hành động chuẩn bị chiến tranh mới của Mỹ và ngụy Pắc Chung Hy, đòi rút quân đội Mỹ ra khỏi Nam Triều Tiên, để nhân dân Triều Tiên tự giải quyết công việc của mình và thống nhất đất nước mình. Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Đức chống âm mưu bành trướng của chủ nghĩa đế quốc Tây Đức được đế quốc Mỹ khuyến khích và giúp đỡ, nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, đồng thời xây dựng đời sống mới tốt đẹp của mình. Chúng ta kiên quyết ủng hộ sự nghiệp xã hội chủ nghĩa ở Cuba, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba anh hùng nhằm đập tan mọi hành động khiêu khích, bao vây và tấn công của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đối với Cuba.

Từ mấy chục năm nay, đế quốc Mỹ không ngừng tăng cường chính sách can thiệp và xâm lược các nước Đông Dương. Để chống lại, chúng ta ra sức không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ láng giềng hữu nghị giữa nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào, nhằm bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản của nhân dân mỗi nước chống kẻ thù chung là đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần bảo vệ an ninh và hòa bình của các dân tộc ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa và tất thắng của nhân dân Khơme dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, hòa bình, trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia theo đường biên giới hiện tại.

Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Lào nhằm thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào và nhiệt liệt chào mừng những thắng lợi của nhân dân Lào đã đập tan những cuộc tiến công lấn chiếm của đế quốc Mỹ và tay sai, giữ vững và củng cố vùng giải phóng vững mạnh.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh, kiên quyết ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc của người da đen ở Mỹ, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của các nước Ảrập chống bọn xâm lược phản động Ítxraen, công cụ của đế quốc Mỹ, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh củng cố độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh của các nước dân tộc chủ nghĩa, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh vì các quyền dân chủ của giai cấp công nhân và nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược và hiếu chiến.

Trong thời kỳ mới hiện nay của cuộc kháng chiến của nhân dân ta, hơn bao giờ hết, chúng ta càng nêu cao ngọn cờ đoàn kết quốc tế, chúng ta càng ra sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ các nước anh em và của loài người tiến bộ để tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, thực hiện những mục tiêu thiêng liêng của dân tộc ta, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong toàn bộ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, nhân dân Việt Nam ta đã vận dụng mọi hình thức đấu tranh quân sự, chính trị và ngoại giao, đã tận dụng mọi khả năng để giành những thắng lợi lớn nhất cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao cũng như trên mặt trận đấu tranh quân sự và chính trị, chúng ta luôn luôn giữ thế chủ động, thế tiến công; và dựa vào chính nghĩa của sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và hòa bình chân chính, dựa vào những thắng lợi của cuộc đấu tranh quân sự và chính trị ở nước ta (chủ yếu ở miền Nam), dựa vào sự ủng hộ to lớn và mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, chúng ta đã dần dần triển khai cuộc đấu tranh ngoại giao của chúng ta, đã từng bước đánh bại những âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ, từ cái trò "thương lượng không điều kiện" cho đến cái trò 15 địa điểm, do đó mà đưa tới cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện của Chính phủ nước Mỹ tại Pari(8). Cuộc nói chuyện đó là để xác định Chính phủ Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đáp ứng nghiêm chỉnh đòi hỏi hết sức chính đáng và mạnh mẽ của nhân dân ta cũng như của nhân dân thế giới; sau đó, sẽ nói chuyện về những vấn đề có quan hệ đến hai bên. Tại Pari, đồng chí Bộ trưởng Xuân Thủy, đại diện Chính phủ ta, đã nắm vững lập trường nguyên tắc của nhân dân ta, nghiêm khắc lên án chính sách xâm lược và những tội ác ghê tởm của đế quốc Mỹ đối với nước ta. Hoạt động của đại diện Chính phủ ta trong cuộc nói chuyện ở Pari đã được dư luận quốc tế rộng rãi nhiệt liệt ủng hộ.

Chúng ta đã thu được những thành tựu quan trọng trên mặt trận đấu tranh ngoại giao là nhờ ngay từ đầu (tháng 4 năm 1965), chúng ta đã nêu cao lập trường nguyên tắc của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Đó là lập trường 4 điểm mà ngày nay dư luận quốc tế đều biết rõ và nhân dân các nước đều ủng hộ kiên quyết. Lập trường nguyên tắc đó cũng được nêu rõ trong bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam mà dư luận quốc tế rộng rãi đã nhiệt liệt hoan nghênh.

Chúng ta nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của nhân dân ta, của Chính phủ ta cũng như của Mặt trận, để làm nổi bật những mục tiêu đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, đó là quyền độc lập, tự chủ, quyền sống tự do trên toàn bộ lãnh thổ của mình, bất cứ một nước ngoài nào đều không được xâm phạm. Quyền đó là những nguyên tắc cao nhất của xã hội loài người, của quan hệ và sinh hoạt quốc tế, mà mọi dân tộc, mọi người đều phải công nhận và tôn trọng, đó cũng là những nguyên tắc mà Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam đã ghi rõ và đại diện của Chính phủ Mỹ cũng đã cam kết tôn trọng tại Hiệp định Giơnevơ.

Xuất phát từ lập trường nguyên tắc kể trên, chúng ta phải bác bỏ một cách kiên quyết, toàn diện và triệt để những luận điệu cực kỳ ngang trái của giới cầm quyền Mỹ mà hiện nay họ vẫn còn lặp đi lặp lại một cách ngoan cố.

Trước hết phải nói rất rõ một sự kiện lịch sử, một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi được: Chính phủ Mỹ đã ngang nhiên, từ bên kia Thái Bình Dương, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược đối với nhân dân Việt Nam ta, vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơnevơ 1954 về Việt Nam và không ngừng tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, lúc đầu ở miền Nam, sau đó từ tháng 8-1964 thì leo thang ra miền Bắc, tiến hành chiến tranh phá hoại chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nước độc lập và có chủ quyền. Đế quốc Mỹ ngang nhiên mang chiến tranh đến nước ta, chúng là kẻ gây chiến, là kẻ xâm lược, chúng đã phạm nhiều tội ác trời không dung đất không tha đối với nhân dân ta mà đời đời loài người nguyền rủa. Chúng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về toàn bộ hành động chiến tranh của chúng. Còn nhân dân ta ở miền Nam thì ngay từ ngày đầu đã đứng lên đánh lại chúng mở rộng chiến tranh ra cả nước ta thì cả dân tộc ta đứng lên đánh lại chúng, khí thế và sức mạnh đó tăng lên gấp bội. Đế quốc Mỹ có quyền gì, từ bên kia Thái Bình Dương, trong lúc nhân dân ta không hề động chạm đến chúng, ngang nhiên mang quân đến đánh cả nước ta? Cho nên cả dân tộc ta, 31 triệu người như một, quyết đánh và thắng chúng, và bất kỳ nơi nào có địch thì mọi người Việt Nam đều có quyền đến đó để đánh địch: đó là quyền tự vệ thiêng liêng của nhân dân ta, mà mọi người trên thế giới đều đồng tình sâu sắc và ủng hộ kiên quyết. Phải làm nổi bật điểm cơ bản này: kẻ gây chiến, kẻ xâm lược là Chính phủ Mỹ, để từ đó mà bác bỏ một cách triệt để cái luận điệu ngông cuồng nói rằng "miền Bắc xâm lược miền Nam", đồng thời cũng bác bỏ nhiều luận điệu gian dối khác, như luận điệu "có đi có lại", "cùng nhau xuống thang", "mỗi bên đều phải có sự nhân nhượng". Không được! Mỹ gây chiến, Mỹ xâm lược thì Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, chấm dứt xâm lược; Mỹ leo thang thì Mỹ phải xuống thang. Quyết không thể trả một thứ tiền chuộc nào cho bọn kẻ cướp! Chính phủ Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược nước ta, rút quân Mỹ, quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam, thì tức khắc hoà bình sẽ trở lại! Nhân dân Việt Nam ta rất thiết tha với hoà bình nhưng phải là một nền hoà bình chân chính đi đôi với độc lập tự do thật sự. Lập trường nguyên tắc là như vậy. Lập trường đó vững chắc như núi Trường Sơn!

Một luận điệu cực kỳ ngang trái khác của giới cầm quyền Mỹ là cái chúng gọi là "Cam kết" của chúng ở miền Nam nước ta! "Cam kết" cái gì? "Cam kết" với ai? phải chăng "Cam kết" với tên Việt gian bán nước hại nòi là Ngô Đình Diệm, mà chính bọn cầm quyền Mỹ đã cho thủ tiêu? Hay "Cam kết" với các tên việt gian bán nước hại nòi khác ư? "Cam kết" rằng biên giới của Hoa Kỳ kéo đến vĩ tuyến 17 ư? Cam kết với một nhúm phản bội dân tộc mà toàn thể nhân dân Việt Nam và cả loài người tiến bộ đều nguyền rủa và lên án thì có giá trị gì? Bọn đi cướp nước bầy cái trò bịp bợm với lũ bán nước thì hợp pháp ở đâu? Mọi người đều thấy ý đồ thâm độc sâu xa của đế quốc Mỹ muốn chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam nước ta thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Đó là nguồn gốc của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đối với nước ta. Chữ "cam kết" có ý nghĩa trắng trợn và nguy hiểm như vậy. Cho nên nhân dân ta quyết chĩa mũi nhọn của cuộc đấu tranh của mình vào ý đồ điên cuồng của đế quốc Mỹ cố bám đến cùng miền Nam nước ta và, để thực hiện ý đồ đó, cố nuôi dưỡng bọn tay sai của chúng: ngụy quyền Sài Gòn, bọn bán nước, bọn phản bội mà nhân dân ta và cả nhân dân thế giới đều thấy rõ là một thứ quái thai của cuộc chiến tranh thuộc địa của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Giới cầm quyền Mỹ ngoan cố bám vào cái gọi là "cam kết" của họ với bọn việt gian, để lẩn tránh sự cam kết của họ tại Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam mà nhân dân ta và nhân dân thế giới đang đòi họ phải thực hiện: đó là sự cam kết của Chính phủ Mỹ tôn trọng Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhân dân Việt Nam.

Trên các mặt trận đấu tranh chống xâm lược Mỹ, chúng ta kiên trì lập trường nguyên tắc nói trên, bởi vì lập trường nguyên tắc đó tiêu biểu ý chí đấu tranh và sức mạnh vô địch của nhân dân ta; đó là lập trường sáng ngời chính nghĩa được nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, ủng hộ mạnh mẽ và kiên quyết.

Thực chất của lập trường nguyên tắc đó, 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận, là mấy điểm rất đơn giản, rất rõ rệt sau đây:

Chính phủ Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, phải rút quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; phải chấm dứt vĩnh viễn và không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác trên toàn bộ lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mọi công việc ở miền Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết theo Cương lĩnh chính trị của Mặt trận, không có sự can thiệp của nước ngoài; sự nghiệp thống nhất nước Việt Nam phải do nhân dân Việt Nam ở hai miền tự giải quyết bằng phương pháp hòa bình, trên cơ sở dân chủ, không có sự can thiệp của nước ngoài.

Đó là mục tiêu của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta từ bao năm nay. Đến nay cuộc chiến đấu vĩ đại đó đã giành được những thắng lợi vô cùng to lớn, đã dồn kẻ địch vào thế cùng đường, nhưng đế quốc Mỹ xâm lược và hiếu chiến chưa từ bỏ ý đồ xâm lược của chúng, chúng còn tăng cường chiến tranh, cho nên toàn thể nhân dân ta càng phải kiên trì cuộc chiến đấu, không sợ hy sinh gian khổ, phải đẩy mạnh cuộc chiến đấu để giành những thắng lợi to lớn trên các mặt trận, đồng thời không ngừng tăng cường lực lượng của nhân dân ta về mọi mặt như vậy để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống và tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Nhằm thực hiện mục tiêu đấu tranh trên đây, bên cạnh mặt trận đấu tranh quân sự và chính trị, chúng ta triển khai cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao với lập trường nguyên tắc và thái độ nghiêm chỉnh. Đó là lập trường và thái độ của chúng ta trong cuộc nói chuyện chính thức giữa đại diện Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Mỹ tại Pari. Đó cũng là thái độ có trách nhiệm của nhân dân Việt Nam ta đối với nhân dân các nước trên thế giới đương hướng về cuộc đấu tranh có ý nghĩa quốc tế sâu xa của chúng ta với sự ủng hộ đầy nhiệt tình và lòng tin tưởng vững chắc.

Thưa Hồ Chủ tịch kính mến,

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Mặc dầu nhân dân ta còn phải kiên trì cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp, hơn bao giờ hết chúng ta nắm chắc thắng lợi, bởi vì từ buổi đầu, chúng ta đã nhìn thấy những nhân tố của thắng lợi, và bây giờ, những nhân tố ấy càng hiện rõ trước mắt chúng ta.

Nhân tố cơ bản nhất của thắng lợi là sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng ta, một Đảng Mác-Lênin. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trong đường lối cách mạng của Đảng, đường lối quốc tế của Đảng, trong toàn bộ chiến lược và sách lược của Đảng, là nguồn động viên dân tộc Việt Nam ta đứng lên làm cách mạng, đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, phát huy sâu rộng chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quần chúng nhân dân, tinh thần nồng nàn yêu nước và những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc, đưa cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao; đó cũng là nguồn động viên nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân các nước khác trên thế giới đoàn kết với nhân dân ta và ra sức ủng hộ nhân dân ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.

Đảng ta, quần chúng nhân dân nước ta, cả dân tộc Việt Nam ta là một khối đoàn kết nhất trí, đoàn kết nhất trí trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta trong tư tưởng và hành động. Đó là sự đảm bảo vững chắc nhất của mọi thắng lợi của chúng ta từ trước đến nay và từ nay về sau. Người tiêu biểu sự đoàn kết nhất trí đẹp đẽ này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng ta, người cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, người sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên trong lịch sử nước ta, người cùng Đảng ta lãnh đạo nhân dân ta đưa cuộc kháng chiến trước đây đến thắng lợi huy hoàng, người đương cùng Đảng ta đưa cuộc chống Mỹ, cứu nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến toàn thắng. Hơn 50 năm nay, đời sống và hoạt động của Hồ Chủ tịch gắn liền với cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ của nhân dân Việt Nam ta, biểu thị ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc: "Thà chết không chịu làm nô lệ!", "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", nêu cao tư tưởng và tình cảm của người chiến sĩ cách mạng, khí phách của người chiến thắng: "Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!". Suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc, Hồ Chủ tịch dạy chúng ta những đức tính cao đẹp của những người cán bộ của Đảng và của Nhà nước: "Chí công vô tư", "Cần kiệm liêm chính", luôn luôn kiên trì phấn đấu: "Thắng không kiêu, bại không nản", luôn luôn một lòng đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Hồ Chủ tịch tiêu biểu tình cảm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta đối với miền Nam anh hùng "Thành đồng Tổ quốc", "máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam"; tình cảm đó là lòng tin sâu sắc ở đồng bào và chiến sĩ ta đương chiến đấu vô cùng oanh liệt ở miền Nam và nhất định sẽ thắng lợi vẻ vang. Hồ Chủ tịch tiêu biểu tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân Việt Nam ta, tình cảm nồng nàn đối với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đối với nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới, suốt đời hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta cũng như cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Nhân dịp mừng 78 tuổi của Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và của dân tộc, để chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe và sống lâu, đồng bào và chiến sĩ cả nước ta càng giương cao ngọn cờ chống Mỹ, cứu nước, càng hăng hái vươn lên, phấn khởi và tin tưởng, quyết thực hiện lời kêu gọi vang dội non sông:

"Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!".


 

 

(1). Những hoạt động lớn của địch hàng năm, trong thời gian 1965-1966-1967, thường diễn ra trong mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Hoạt động của ta thì diễn ra suốt đông - xuân và tiếp sang
hè - thu.

(2). Quảng Trị - Thừa Thiên (BT).

(3). Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (BT).

(4). Chiến thuật quân sự của Mỹ chủ yếu dựa vào hỏa lực rất mạnh của chúng, trước hết vào oanh tạc của không quân và pháo, đồng thời dựa vào khả năng cơ động của chúng (trực thăng vận, kỵ binh bay).

(5). Từ tháng 2 năm 1965 đến hết năm 1967, Mỹ đã dùng 65 vạn tấn bom đạn để đánh phá miền Bắc nước ta, nhiều hơn số bom đạn chúng đã dùng trên toàn chiến trường Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai. Cũng trong thời gian ấy, nếu kể trên cả nước ta, miền Nam và miền Bắc, thì số bom đạn Mỹ đã dùng lên đến 1 triệu 84 vạn tấn, nhiều hơn số bom đạn chúng đã dùng ở châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và gần bằng tổng số bom đạn chúng đã dùng ở châu Âu và ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.

(6). La Habana - thủ đô Cuba (BT).

(7). Béctran Rútxen (BT).

(8). Cần điểm lại dưới đây những bước đấu tranh ngoại giao của nhân dân Việt Nam ta:

- Lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 8-4-1965)

- Tuyên bố 5 điểm của Mặt trận (ngày 22-3-1965).

- Tuyên bố 28-1-1967 của Bộ trưởng ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và những tuyên bố tiếp theo.

- Thư của Hồ Chủ tịch trả lời Tổng thống Mỹ Giônxơn ngày 15 tháng 2 năm 1967.

- Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, công bố ngày 1-9-1967. (Bản Cương lĩnh ấy vạch ra toàn bộ chính sách của Mặt trận để chống Mỹ, cứu nước, đồng thời cũng vạch ra cơ sở cho một giải pháp chính trị ở miền Nam).

- Tuyên bố 3-4-1968 của Chính phủ ta sau bài diễn văn 31-3 của Tổng thống Giônxơn.

- Tuyên bố của Bộ Ngoại giao ta ngày 3-5-1968, đưa đến cuộc nói chuyện ở Pari.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.