VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NGOẠI GIAO
(Do ông Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng kiêm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình bày tại kỳ họp thứ 6,
Quốc hội khoá III, ngày 02-6-1970)

 

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong bản báo cáo của Chính phủ, đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cực lực tố cáo lập trường ngoan cố và những hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ trên toàn cõi Đông Dương, đã biểu dương những thắng lợi to lớn, toàn diện chưa từng có của nhân dân ta, nêu rõ những thất bại nặng nề về mọi mặt và thế thất bại hoàn toàn của Mỹ ở Việt Nam cũng như ở Campuchia và Lào để nhân dân ta càng phấn khởi, tin tưởng, càng nhận rõ trách nhiệm hết sức nặng nề là nghiêm chỉnh thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch kính mến, anh dũng tiến lên với tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.

Tôi xin báo cáo thêm về đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, chủ yếu từ năm 1968 tới nay, nhằm làm sáng tỏ thêm những kết luận trong báo cáo của Chính phủ nêu lên những thắng lợi mà ta đã giành được về mọi mặt ngoại giao.

I. VỀ NGOẠI GIAO, TA ĐÃ LIÊN TIẾP TẤN CÔNG ĐỊCH, LIÊN TIẾP GIÀNH THẮNG LỢI,
GÓP PHẦN ĐẨY ĐỊCH VÀO THẾ BỊ ĐỘNG, NGÀY CÀNG BỊ PHÂN HÓA VÀ CÔ LẬP

Trong cuộc kháng chiến lần này, kẻ địch của chúng ta là tên đầu sỏ đế quốc, có tiềm lực quân sự, kinh tế lớn nhất trong phe đế quốc; để tiến hành xâm lược nước ta, chúng đã ném vào miền Nam hơn nửa triệu quân Mỹ, huy động một lực lượng không quân, hải quân lớn và sử dụng những vũ khí thông thường hiện đại nhất. Nhưng chúng xâm lược và leo thang chiến tranh trong thế thất bại và bị động; chúng có một chỗ yếu không thể khắc phục được, một chỗ yếu căn bản, là tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược cực kỳ tàn ác chống nhân dân ta, gây nhiều tổn hại cho nhân dân Mỹ, và đi ngược lại nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới.

Nhân dân ta đã và đang tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân phát triển cao độ, luôn luôn phát huy thế thắng, thế mạnh để đánh địch khắp nơi, bằng mọi thứ vũ khí, cả về quân sự, chính trị và ngoại giao.

Chúng ta phải thắng địch về quân sự và chính trị trên chiến trường và thắng lợi về quân sự là quyết định nhất. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ rõ không có thắng lợi về quân sự thì cũng không thể có thắng lợi về ngoại giao. Song ngoại giao không phải chỉ phản ánh cuộc chiến đấu trên chiến trường, không phải chỉ đơn thuần phục vụ và phối hợp với cuộc chiến đấu đó. Cuộc kháng chiến của ta chống Mỹ xâm lược ngày nay diễn ra trong một thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, lực lượng xã hội chủ nghĩa, giải phóng dân tộc, hòa bình và dân chủ là những dòng thác cách mạng đang dồn dập tiến công vào chủ nghĩa đế quốc, đánh lui chúng từng bước, đánh đổ chúng từng bộ phận. Mục tiêu chiến đấu của dân tộc ta hoàn toàn phù hợp với mục tiêu chiến đấu của nhân dân thế giới: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ngày càng thất bại và không thể tránh khỏi thất bại hoàn toàn; hậu quả mọi mặt của nó đang đè nặng lên đời sống của nhân dân Mỹ. Trong những điều kiện đó, ngoại giao của ta trở thành một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, có phần chủ động, tích cực của nó, phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị tạo thành một sức mạnh tổng hợp để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến ngoại giao, ra sức đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao với địch và tăng cường hoạt động quốc tế để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ ngày càng cao của các nước xã hội chủ nghĩa, của các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Ngay từ đầu năm 1965, khi Mỹ cho máy bay, tàu chiến ngang ngược đánh phá miền Bắc, và ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ xâm lược miền Nam nước ta, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiên quyết tố cáo sự xâm lược trắng trợn của Mỹ, nói lên rõ ràng ý chí sắt đá của nhân dân cả nước quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, đồng thời đã đề ra những nguyên tắc cơ bản cho việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Đó là lập trường 4 điểm của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lập trường 5 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đó là lập trường độc lập và hòa bình của nhân dân ta, phù hợp với Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam. Lập trường đó sáng ngời chính nghĩa và ngày càng phát huy sức mạnh của nó, làm cho bọn xâm lược Mỹ, ngay từ khi tăng cường và mở rộng chiến tranh ở nước ta, đã bị động và thất bại không những về quân sự mà cả về chính trị và ngoại giao.

Đến đầu năm 1968, tình thế thất bại của Mỹ thật rõ ràng. Ở miền Bắc nước ta, cuộc chiến tranh phá hoại bị phá sản, không những không làm nao núng quyết tâm của nhân dân ta như Nhà trắng và Lầu năm góc hằng mong muốn, không làm giảm sút tiềm lực quốc phòng của ta, mà còn mang lại cho Mỹ những tổn thất hết sức nặng nề về giặc lái và máy bay, còn làm cho bọn xâm lược Mỹ bị phản đối mạnh mẽ ở trong nước và trên thế giới. Ở miền Nam Việt Nam, những thắng lợi rất to lớn của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã làm rung chuyển nước Mỹ, làm thay đổi hẳn bộ mặt của chiến trường, đẩy Mỹ lún sâu vào thế phòng ngự bị động và phải chuyển từ chiến lược phản công sang chiến lược phòng ngự, từ tìm diệtbình định sang quét và giữ. Ở nước Mỹ và trên thế giới, sức ép đòi chính quyền Giônxơn chấm dứt chiến tranh Việt Nam trở nên ngày càng mạnh mẽ.

Trong lúc quân và dân hai miền nước ta anh dũng xốc tới, kiên quyết phát huy thế thắng, thế mạnh, ngoại giao của ta cũng tăng cường tiến công địch, phối hợp tốt với chiến trường và giành thêm nhiều thắng lợi quan trọng.

- Từng bước đánh bại âm mưu và thủ đoạn ngoại giao của Mỹ, buộc Mỹ phải đi vào xu thế xuống thang chiến tranh

Từ khi ta đưa ra lập trường 4 điểm và Mặt trận Dân tộc Giải phóng đưa ra lập trường 5 điểm, cũng là lúc thắng lợi quân sự của ta ngày càng giòn giã, ưu thế chính trị ngày càng tăng. Ngược lại, Mỹ liên tiếp thất bại ở cả hai miền và bị nhân dân toàn thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối ngày càng mạnh. Mỹ càng leo thang chiến tranh và đồng thời lừa bịp về thiện chí hòa bình của chúng, thì phong trào phản đối Mỹ càng phát triển về bề rộng và chiều sâu, dần dần tập trung vào ba khẩu hiệu chính: Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam; Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ ngày 28-1-1967, ta đã tuyên bố rõ ràng rằng: sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ có thể nói chuyện để đi tới một giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Lời tuyên bố đó có thể coi là một quả bom nổ chậm đối với chính quyền Giônxơn. Nó tỏ rõ cho nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới thấy thiện chí của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày càng tăng thêm sức ép đòi chính quyền Giônxơn chấm dứt ngay việc ném bom miền Bắc Việt Nam. Chính quyền đó đã cố chống đỡ lại bằng công thức này, thủ đoạn kia, nhưng cuối cùng vẫn không lừa gạt được nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới, vì tất cả các công thức và thủ đoạn ấy đều xuất phát từ một nguyên tắc cực kỳ phản động là đòi trả giá cho sự xâm lược đòi chấm dứt ném bom có điều kiện.

Mùa xuân năm 1968, bị thất bại nặng ở cả hai miền nước ta, bị phản đối mạnh ở trên thế giới và trong nước Mỹ, trước những khó khăn chồng chất do cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gây ra, Tổng thống nước Mỹ phải tuyên bố một mặt hạn chế ném bom miền Bắc, thực tế là điều chỉnh việc ném bom hòng vừa đạt những yêu cầu quân sự của Mỹ vừa tỏ ra đơn phương xuống thang, mặt khác nhận cử đại diện gặp đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ta biết Mỹ mưu toan đẩy sức ép về phía ta vì chúng tưởng rằng ta sẽ không nhận
ngồi nói chuyện với Mỹ khi Mỹ nói
hạn chế chứ chưa phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom miền Bắc. Trong tuyên bố ngày 03-4-1968, Chính phủ ta đã vạch trần thủ đoạn đó, nhưng đồng thời tỏ ý sẵn sàng cử đại diện gặp gỡ đại diện Mỹ để tiến hành đàm phán sơ bộ, để xác định việc Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm đi tới việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Khi Mỹ lẩn tránh vấn đề bằng cách trì hoãn việc thỏa thuận về địa điểm, ta đã đề nghị hai bên nói chuyện chính thức ngay, không qua bước sơ bộ nữa, tại Pari, thủ đô một nước phương Tây. Đề nghị hợp tình hợp lý của ta làm cho Mỹ không còn chỗ lùi và phải chịu ngồi nói chuyện với ta ở Pari từ tháng 5-1968.

Bản tuyên bố ngày 03-4-1968 của Chính phủ ta buộc Mỹ chấp nhận một cách bị động vừa đánh vừa nói chuyện, mặc dầu chúng vẫn sợ có một bàn tròn điểm thứ hai. Do bản chất của chúng, đế quốc Mỹ rất ngoan cố, vẫn khăng khăng đòi có đi có lại thì chúng mới chấm dứt ném bom. Nhưng trên chiến trường, ta liên tiếp giành thêm nhiều thắng lợi, ta kiên trì nguyên tắc đồng thời lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ các tập đoàn thống trị ở Mỹ. Vận dụng sách lược linh hoạt lúc cuộc tranh cử tổng thống ở Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt nhất, quyết định nhất. Chính quyền Giônxơn buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 01-01-1968 và nhận có một hội nghị bốn bên ở Pari nhằm tìm cách giải quyết vấn đề Việt Nam.

Việc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của nhân dân, một thắng lợi to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

- Phát huy tác dụng to lớn của Hội nghị Pari và kiên trì giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Việc họp Hội nghị Pari về Việt Nam đã bị trì hoãn ngay từ đầu, do sự phá hoại của ngụy quyền Sài Gòn được một số giới ở Mỹ đồng tình. Để che giấu tội ác xâm lược, Mỹ luôn luôn xuyên tạc rằng miền Bắc Việt Nam xâm lược miền Nam Việt Nam, còn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ là công cụ của miền Bắc. Mỹ ngụy nhất trí với nhau rằng Hội nghị Pari là hội nghị giữa hai phía: phía Mỹphía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với dụng ý rõ ràng là phủ nhận vai trò độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Quan điểm của ta, tất nhiên, hoàn toàn ngược lại: trước sự can thiệp và xâm lược của Mỹ và trước những tội ác tầy trời của bọn tay sai của Mỹ ở Sài Gòn, đồng bào miền Nam ta phải đứng lên, sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình, để bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ quyền sống và các quyền dân chủ khác. Mặt trận Dân tộc Giải phóng là người đại diện chân chính, người lãnh đạo và tổ chức cuộc chiến đấu chống sự xâm lược của Mỹ và tay sai. Không có tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng thì quyết không thể có một giải pháp đúng đắn cho vấn đề miền Nam Việt Nam. Vì những lẽ đó, ta kiên trì đòi họp hội nghị bốn bên, trong đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia với tư cách là một bên độc lập; ta đập tan mọi luận điệu, mọi đề nghị của Mỹ ngụy về hình dáng cái bàn, chỗ ngồi của các đoàn, cách bỏ thăm về vấn đề trật tự phát biểu, v.v., ta vạch rõ những luận điệu và đề nghị đó chỉ là lập trường xâm lược, phản động của Mỹ. Cuối cùng chính quyền Níchxơn phải nhận để Hội nghị Pari họp với sự tham gia của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Tuy phải lùi một bước, Mỹ và tay sai Thiệu - Kỳ vẫn ngoan cố giữ thái độ phá hoại, cản trở công việc của Hội nghị Pari. Chủ trương của chính quyền Níchxơn là vừa tham gia Hội nghị Pari vừa thực hiện chương trình Việt Nam hóa chiến tranh, rút quân nhỏ giọt, trì hoãn việc rút hết quân Mỹ và quân chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng qua những lời tuyên bố của tổng thống Mỹ Níchxơn và thực tế trong hơn một năm qua, người ta thấy rõ cái gọi là Việt Nam hóa chiến tranh là một ý đồ đen tối của chính quyền Níchxơn.

- Việt Nam hóa là rút một bộ phận quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam và để lại đây một bộ phận quân Mỹ với một lực lượng không quân, hải quân, cơ giới, pháo binh làm chỗ dựa cho quân ngụy để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

- Việt Nam hóa là tăng cường ngụy quân, củng cố ngụy quyền, hết sức giúp đỡ bọn tay sai về nhiều mặt, hiện nay và lâu dài sau này, hòng thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

- Việt Nam hóa là cố gắng thực hiện chương trình bình định bằng mọi thủ đoạn tàn bạo, dã man, chồng chất vô số tội ác ghê tởm đối với đồng bào miền Nam ta.

Như vậy, Việt Nam hóa không phải là chấm dứt chiến tranh mà là kéo dài chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, không phải là rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam mà là kéo dài việc chiếm đóng quân sự của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Mỹ tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh hòng giảm bớt một số khó khăn của Mỹ, lừa gạt dư luận Mỹ và thế giới, tạo một thế mạnh nào đó trong cuộc thương lượng ở Pari. Mặt khác, Mỹ dùng Hội nghị Pari làm bình phong để che đậy việc Việt Nam hóa chiến tranh.

Ngày 8-5-1969, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp toàn bộ 10 điểm nhằm giải quyết vấn đề miền Nam Việt Nam, góp phần lập lại hòa bình ở Việt Nam. Giải pháp đó nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, đòi Mỹ chấm dứt xâm lược, rút hết và không điều kiện quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để nhân dân miền Nam tự quyết định lấy chế độ chính trị của miền Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Mặt khác, trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đề ra những cách giải quyết phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong hai vấn đề cơ bản: vấn đề rút quân và vấn đề thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng nêu rõ vấn đề lực lượng vũ trang Việt Nam ở miền Nam do các bên Việt Nam giải quyết và trong thời gian từ khi hòa bình lập lại cho đến khi tổ chức tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam Việt Nam, không một bên nào được cưỡng bức nhân dân miền Nam chấp nhận chế độ chính trị của mình, chính quyền sẽ do một chính phủ liên hiệp lâm thời thật tiêu biểu đảm nhiệm, chính phủ đó sẽ tổ chức tổng tuyển cử nhằm bầu ra Quốc hội lập hiến của miền Nam, thông qua hiến pháp thật sự dân chủ và thành lập một chính phủ liên hiệp chính thức.

Giải pháp toàn bộ 10 điểm vừa kiên trì nguyên tắc, vừa mở ra triển vọng giải quyết hợp lý hợp tình vấn đề Việt Nam. Ngay sau khi được đưa ra, giải pháp đó đã được sự đồng tình và ủng hộ của các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, của nhân dân tiến bộ Mỹ, và từ đó ngày càng phát huy sức tấn công, đẩy mạnh phong trào đòi chính quyền Níchxơn phải chấm dứt xâm lược, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam, triệt để tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Chính quyền Níchxơn đã phải bị động đối phó bằng cái gọi là kế hoạch 8 điểm, bằng cách xúi giục ngụy quyền Sài Gòn nêu vấn đề nói chuyện với Mặt trận Dân tộc Giải phóng, với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhưng mọi lời tuyên bố thiện chí và thủ đoạn rút quân nhỏ giọt của bọn cầm quyền Mỹ không thể che giấu được âm mưu của Mỹ: Mỹ vẫn đòi rút quân có điều kiện, đòi hai bên cùng xuống thang, cùng rút quân; Mỹ chống lại việc thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời như Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nêu ra và tiếp tục duy trì bọn bán nước Thiệu - Kỳ - Khiêm mà đồng bào miền Nam đang chống lại.

Bọn cầm quyền Mỹ còn tìm cách hạ thấp Hội nghị Pari, đòi hội nghị đi vào họp họp, đòi có họp riêng.

Chúng càng ngoan cố thì càng bị dư luận phản đối. Ở Mỹ, không những nhân dân Mỹ đã liên tiếp có nhiều đợt đấu tranh mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ để phản đối chính sách kéo dài chiến tranh của Níchxơn, mà ngay trong chính giới cũng có nhiều người thuộc cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đòi Níchxơn phải rút nhanh, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, phải từ bỏ việc ủng hộ Thiệu - Kỳ - Khiêm và nhận lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam. Giải pháp toàn bộ 10 điểm đã trở thành cương lĩnh đấu tranh của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, tạo thành một sức ép quốc tế bước đầu làm thất bại âm mưu của Mỹ đòi ta cùng xuống thang chiến tranh để đáp ứng việc Mỹ đơn phương rút một số quân Mỹ.

Do sự phá hoại của Mỹ - ngụy, Hội nghị Pari về Việt Nam đã kéo dài hơn một năm với gần 70 phiên họp, nhưng nay vẫn tiếp tục dẫm chân tại chỗ. Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về tình trạng đó và những hậu quả nghiêm trọng của nó.

- Chủ động tố cáo tội ác của bọn xâm lược Mỹ ở miền Nam Việt Nam để vạch trần bộ mặt xấu xa của chúng, đồng thời làm thất bại âm mưu của Mỹ về cái gọi là vấn đề tù binh

Ngay từ đầu ta luôn luôn chú ý vấn đề tố cáo tội ác dã man của bọn xâm lược Mỹ và tay sai đối với đồng bào ta ở hai miền, coi đó là một hình thức đấu tranh có hiệu quả đưa người ta từ những tình cảm nhân đạo chung chung đến ý thức chống chiến tranh xâm lược của Mỹ, nguồn gốc của mọi tội ác đối với nhân dân Việt Nam. Sự thành công của hai khóa họp của Tòa án quốc tế Béctran Rútxen và của những Tòa án địa phương ở một số nước, hoạt động tích cực của nhiều Uỷ ban điều tra tội ác của Mỹ ở Việt Nam tại khá nhiều nước đã làm cho quần chúng rộng rãi trên toàn thế giới thấy bộ mặt bỉ ổi của đế quốc Mỹ và động viên họ tiến lên tham gia đông đảo vào phong trào đòi chúng chấm dứt xâm lược Việt Nam.

Từ tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 đến nay, ta vừa đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao với địch, vừa thấy phát huy kết quả của các khóa họp của Tòa án quốc tế Béctran Rútxen và các tổ chức quốc tế khác, tiếp tục tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy và chư hầu. Đặc biệt là ta tập trung tố cáo 4 vấn đề chính: tội ác tiến hành chiến tranh hóa học, tội ác “bình định”, một số vụ tàn sát cực kỳ man rợ, có tính chất điển hình như vụ Sơn Mỹ và tội ác đối với những đồng bào, chiến sĩ của ta bị chúng bắt giam.

Để chống đối lại phong trào đòi rút quân Mỹ, đòi chấm dứt những tội ác do quân viễn chinh Mỹ, quân chư hầu và quân ngụy gây ra, Mỹ có bơm to cái gọi là vấn đề “tù binh Mỹ”. Chúng dùng khá nhiều thủ đoạn, lợi dụng nhiều tổ chức quốc tế để cố kích động quần chúng Mỹ trong vấn đề này, lôi kéo một số người, hòng tạo một số sức ép đối với ta.

Nhưng việc ta chủ động tố cáo tội ác địch trong lúc chúng bị nhiều thất bại mới và chính sách nhân đạo của ta đối với bọn giặc lái Mỹ không những đã làm thất bại âm mưu và thủ đoạn của Mỹ về “vấn đề tù binh”, mà còn đẩy mạnh phong trào chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Dư luận ngày càng thấy rõ những thủ đoạn lừa bịp và láo xược của Mỹ trong vấn đề giặc lái Mỹ. Nhưng chắc chắn Mỹ chưa từ bỏ âm mưu lợi dụng vấn đề này để lừa bịp dư luận. Ta cần làm tốt hơn nữa việc tố cáo tội ác của Mỹ, ngụy và chư hầu đối với đồng bào ta ở miền Nam, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt chính sách nhân đạo của ta đối với giặc lái Mỹ.

Nhìn chung lại, trong hai năm qua, cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên mặt trận ngoại giao rất gay gắt, phức tạp. Ta chủ động tiến công, địch cũng tích cực đối phó. Nhưng ta tiếp tục thắng lớn trên chiến trường, đường lối ngoại giao của ta đúng đắn, sắc bén; cho nên ta liên tục giành thắng lợi, đẩy lùi địch từng bước, buộc chúng phải đơn phương rút một số quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam; ta đã phân hóa và cô lập chúng, đồng thời đã làm sáng tỏ thêm lập trường chính nghĩa của ta và đề cao vai trò của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do đó duy trì sức ép liên tục và ngày càng mạnh đòi chính quyền Níchxơn phải chấm dứt xâm lược Việt Nam, rút nhanh và rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam.

II. TÍCH CỰC GÓP PHẦN TĂNG CƯỜNG VÀ CỦNG CỐ HƠN NỮA
MẶT TRẬN NHÂN DÂN ĐÔNG DƯƠNG CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC

Trong gần một thế kỷ qua, lịch sử đã gắn bó nhân dân Việt Nam, nhân dân Khơme, nhân dân Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc thực dân để giành độc lập tự do, bảo đảm cho mỗi nước phát triển theo con đường riêng của mình.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, con mắt cú vọ của đế quốc Mỹ đã không ngừng nhòm ngó bán đảo Đông Dương, vì chúng muốn xâm chiếm các nước ở bán đảo này làm căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới nhằm chống lại phe xã hội chủ nghĩa và phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á. Để thực hiện âm mưu đó, chúng đã can thiệp vào cuộc chiến tranh “bẩn thỉu” của thực dân Pháp trước đây, và khi cuộc chiến tranh đó thất bại, chúng đã nhẩy vào Đông Dương, bất chấp những lời cam kết của chúng đối với Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Chúng phá hoại việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước ta, bám lấy điều sai lầm dựng lên một chính quyền tay sai cực kỳ tàn ác, xây dựng hàng trăm căn cứ quân sự, chuẩn bị xâm chiếm cả nước ta. Chúng can thiệp ngày càng sâu vào Lào và hiện đang tiến hành một cuộc “chiến tranh đặc biệt” chống nhân dân Lào, biến nước Lào xa rời con đường hòa bình, trung lập thật sự. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn từ tinh vi đến trắng trợn, hèn nhát hòng chống lại chính sách độc lập, hòa bình và trung lập của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, biến Campuchia thành một căn cứ quân sự nối liền với miền Nam Việt Nam, Lào và Thái Lan thành một hệ thống căn cứ quân sự.

Trong 14 năm vừa qua, mặc dầu đã bị từ thất bại này đến thất bại khác, đế quốc Mỹ hết sức ngoan cố, vẫn tiếp tục chính sách can thiệp và xâm lược chống nhân dân Đông Dương, chúng càng can thiệp và xâm lược thì nhân dân Đông Dương càng đoàn kết chặt chẽ và giành thắng lợi ngày càng to lớn. Mối tình đoàn kết chiến đấu anh em đó đã được biểu hiện rực rỡ tại Hội nghị nhân dân Đông Dương năm 1965 được triệu tập theo sáng kiến của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, khi đế quốc Mỹ đưa quân Mỹ xâm lược miền Nam, ném bom miền Bắc nước ta, tiến hành “chiến tranh đặc biệt” ở Lào và tăng cường uy hiếp độc lập, chủ quyền của Campuchia.

Gần đây, “Việt Nam hóa chiến tranh” bị thất bại bước đầu ở miền Nam Việt Nam và báo hiệu một sự thất bại hoàn toàn, “chiến tranh đặc biệt” ở Lào bị giáng những đòn hết sức nặng nề. Chính quyền Níchxơn tưởng có thể thoát khỏi tình thế nguy khốn bằng cách kéo dài và mở rộng chiến tranh. Trong lúc đẩy mạnh hoạt động quân sự ở miền Nam, ném bom bắn phá hai tỉnh Quảng Bình và Nghệ An, chính quyền Níchxơn đưa thêm lính đánh thuê Thái Lan vào Lào, dùng bọn tay sai Lonnon - Xirích Matắc làm đảo chính và sau đó đã trắng trợn đưa quân Mỹ, quân ngụy Sài Gòn xâm lược Campuchia.

Đây là một bước phiêu lưu rất nghiêm trọng của bọn cầm quyền Mỹ trong thế thất bại hiện nay nhằm thực hiện cái gọi là học thuyết Níchxơn, dùng người châu Á đánh người châu Á, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, để cố cứu vãn lợi ích của đế quốc Mỹ ở khu vực này. Đây là một sự chà đạp ngang ngược các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương, bất chất luật pháp quốc tế và dư luận thế giới.

Mở rộng chiến tranh, đế quốc Mỹ tưởng có thể chia rẽ nhân dân các nước Đông Dương, làm nao núng quyết tâm của họ. Nhưng, như đồng chí Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã báo cáo, nhân dân Việt Nam, Campuchia và Lào đã có câu trả lời đanh thép: đó là cuộc Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương và bản Tuyên bố có ý nghĩa lịch sử của hội nghị. Nhân dân ba nước anh em đã khẳng định rõ ràng quyết tâm cùng nhau đoàn kết, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau thắng lợi, nguyện hết lòng hết sức giúp đỡ nhau trong sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau trong cuộc chiến đấu hiện nay, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai cũng như trong công cuộc xây dựng nước mình sau này. Rõ ràng đế quốc Mỹ đã tính sai, chúng đã thất bại và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn.

Sự thành công của Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương là một thắng lợi to lớn của ta về ngoại giao. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đoàn đại biểu Cộng hòa miền Nam đã có phần đóng góp quan trọng trong quá trình chuẩn bị và tiến hành Hội nghị, và luôn luôn hợp tác chân thành với các đoàn đại biểu Lào và Campuchia trong sự tin cậy, tôn trọng, quý mến lẫn nhau. Hai đoàn Việt Nam đã nắm vững mục tiêu trước mắt của nhân dân ba nước là đòi Mỹ phải chấm dứt xâm lược, rút hết quân Mỹ và chư hầu ra khỏi Đông Dương, để nhân dân Đông Dương giải quyết lấy công việc nội bộ của mỗi nước và cùng nhau giải quyết những công việc quan trọng quan hệ giữa ba nước, không có sự can thiệp của nước ngoài. Nắm vững ngọn cờ độc lập và hòa bình, chúng ta đã vận dụng các nguyên tắc cơ bản của các Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương và Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào, chống âm mưu của Mỹ và tay sai xuyên tạc và lợi dụng các hiệp định đó để can thiệp vào Đông Dương, đã đề ra những nguyên tắc về mối quan hệ đúng đắn và lâu dài giữa các nước Đông Dương, chống lại luận điểm “hợp tác khu vực” của Níchxơn. Chính vì thế mà bản Tuyên bố của Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương có giá trị một cương lĩnh đấu tranh và một hiến chương hợp tác của nhân dân Đông Dương.

Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta tuyên bố tôn trọng và ủng hộ mục tiêu của đồng bào miền Nam, của nhân dân Khơme, nhân dân Lào là: độc lập, hòa bình, trung lập, vì chúng ta nhận thức đúng đắn rằng đó là một bước quá độ cần thiết để nhân dân miền Nam, nhân dân Khơme và nhân dân Lào tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, theo phương châm giành thắng lợi từng bước.

Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng Cộng sản và Công nhân, các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới đều hoan nghênh hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương và ủng hộ bản Tuyên bố của hội nghị. Những khó khăn mà Tổng thống Mỹ Níchxơn đã và đang vấp phải trên chiến trường, trên thế giới và trong nước Mỹ, những thắng lợi to lớn mà nhân dân Đông Dương đã giành được trong hơn một tháng qua; việc nhiều chính phủ đã công nhận và ủng hộ Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia do Xămđéc Nôrôđôm Xihanúc làm chủ tịch, công nhận Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia do Xămđéc Pennét làm Thủ tướng; tất cả thực tế sinh động đó đã nói lên sự đúng đắn và sức mạnh của các quyết định được Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương nhất trí thông qua.

Chúng ta quyết thực hiện nghiêm chỉnh Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương.

Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Lào anh em dưới ngọn cờ của Mặt trận Lào yêu nước do Hoàng thân Xuphanuvông đứng đầu, chống đế quốc Mỹ và tay sai để bảo vệ những quyền dân tộc cơ bản của mình. Chúng ta hoan nghênh và hoàn toàn ủng hộ giải quyết chính trị 5 điểm của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, coi đó là cơ sở đúng đắn cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Lào. Chúng ta kiên quyết đòi Mỹ phải triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào, phải chấm dứt xâm lược Lào, phải rút hết Mỹ, quân ngụy Sài Gòn và quân Thái Lan ra khỏi Lào, trước hết phải chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom lãnh thổ Lào để tạo thuận lợi cho các bên hữu quan Lào gặp nhau.

Chúng ta tuyên bố một lần nữa triệt để tôn trọng chủ quyền, trung lập chế độ chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Campuchia trong biên giới hiện tại, ra sức duy trì và tăng cường tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt với Campuchia trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương. Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Khơme anh em dưới ngọn cờ của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia vì độc lập, hòa bình, trung lập của Tổ quốc, kiên quyết ủng hộ thái tử Nôrôđôm Xihanúc, Quốc trưởng hợp pháp của Campuchia, ủng hộ bản Tuyên cáo 5 điểm ngày 23-5-1970 của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc. Chúng ta kiên quyết ủng hộ Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia, chính phủ hợp pháp và chân chính duy nhất của Campuchia.

Do sự đóng góp tích cực của ta, Mặt trận nhân dân Đông Dương đã kịp thời được tăng cường và củng cố, đem lại niềm phấn khởi, một sức mạnh mới cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Khơme và nhân dân Lào. Đó là một nhân tố bảo đảm thắng lợi cuối cùng của nhân dân 3 nước trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

III. TA ĐÃ TRANH THỦ ĐƯỢC SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ MẠNH MẼ CHƯA TỪNG CÓ

Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã tiến hành nhiều hoạt động quốc tế quan trọng, các đoàn thể nhân dân ta cũng đã ra sức đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ ngày càng to lớn, ngày càng có hiệu quả của anh em và bè bạn trên thế giới. Mặt khác ta đã tích cực góp phần vào sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đối với cuộc chống Mỹ, cứu nước cũng như đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, các nước xã hội chủ nghĩa, những đồng minh chiến lược của ta, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc, có một vị trí rất quan trọng. Sự ủng hộ và sự giúp đỡ của các nước anh em là thế dựa vững chắc của ta về chính trị trên phạm vi quốc tế, là hậu thuẫn để ta tranh thủ thêm sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, là thuận lợi rất lớn để ta tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời là nhân tố đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.

Mặc dầu tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, phe xã hội chủ nghĩa có những bất đồng nghiêm trọng, ta đã không ngừng hoạt động để tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, để các nước anh em hiểu rõ và ủng hộ đường lối, mục tiêu chiến đấu và quyết tâm giành thắng lợi của chúng ta. Nói chung, các nước anh em đều ủng hộ đường lối chống Mỹ và lập trường đấu tranh của ta và đã giành cho ta sự viện trợ vật chất ngày càng to lớn, giúp ta đẩy mạnh chiến đấu, đồng thời củng cố hậu phương lớn miền Bắc về mọi mặt. Đó cũng là một đòn mạnh giáng vào âm mưu của Mỹ lợi dụng sự bất đồng Xô - Trung, chia rẽ ta với các nước xã hội chủ nghĩa hòng làm giảm bớt sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước anh em đối với ta.

Xuất phát từ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã ra sức cố gắng đóng góp vào sự đoàn kết của các nước xã hội chủ nghĩa và phong trào cộng sản quốc tế, vào sự đoàn kết Xô - Trung. Chúng ta hoan nghênh cuộc đàm phán Xô - Trung và thiết tha mong mỏi cuộc đàm phán đạt kết quả tốt đẹp vì lợi ích của hai nước, của phe xã hội chủ nghĩa và của sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chúng ta nhiệt liệt chào mừng những thắng lợi to lớn về mọi mặt mà nhân dân Liên Xô đã giành được trong sự nghiệp xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa cộng sản, mà nhân dân Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác đã giành được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Chúng ta, một lần nữa khẳng định ủng hộ nhân dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh nhằm thu hồi Đài Loan, lãnh thổ không thể chia cắt của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; ủng hộ nhân dân Triều Tiên trong cuộc đấu tranh chống Mỹ xâm lược để giải phóng Nam Triều Tiên, thực hiện thống nhất Tổ quốc Triều Tiên; ủng hộ nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh chống các âm mưu và hành động phá hoại, khiêu khích của đế quốc Mỹ, bảo vệ an ninh, chủ quyền và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước Cộng hòa Cuba; ủng hộ nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức trong cuộc đấu tranh đòi chính phủ Tây Đức phải công nhận nước Cộng hòa Dân chủ Đức về mặt pháp lý quốc tế, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, thừa nhận tính bất khả xâm phạm của các đường biên giới ở châu Âu, kể cả đường biên giới giữa hai nhà nước Đức và đường biên giới Ôđe - Nâyxơ.

Quan hệ giữa nước ta với các nước dân tộc chủ nghĩa đã có một bước phát triển mới. Nói chung các nước dân tộc chủ nghĩa tiến bộ đều ủng hộ ta, lên án sự xâm lược của Mỹ. Từ khi Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc năm 1965 đến nay, đã có thêm 12 nước đặt quan hệ ngoại giao hoặc nâng quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồi tháng Giêng và Hai năm nay, chúng ta đã cùng với các nước xã hội chủ nghĩa kỷ niệm 20 năm ngày kiến lập quan hệ ngoại giao giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước anh em đó. Trong thời gian đó, chúng ta đã có quan hệ nhà nước với 35 nước, trong đó có 12 nước xã hội chủ nghĩa, 21 nước dân tộc chủ nghĩa, nước Nam Tư và hai nước tư bản chủ nghĩa. Về mức độ quan hệ, hầu hết là cấp đại sứ, một nước (Pháp) là cấp tổng đại diện và ba nước cấp tổng lãnh sự. Về khu vực thì châu Á có 13 nước châu Á, 10 nước châu Phi, 11 nước châu Âu và một nước Mỹ latinh. Chúng ta sắp công bố việc đặt quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với nước Cộng hòa Dân chủ Xômali, như vậy số nước có quan hệ ngoại giao với ta sẽ là 36 nước.

Chúng ta vẫn tiếp tục tranh thủ mở rộng quan hệ nhà nước một cách có trọng điểm.

Trong một thời gian ngắn sau khi được thành lập, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 25 nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao, được nhiều phong trào tiến bộ, nhiều tổ chức dân chủ công nhận. Đây là một thắng lợi to lớn về ngoại giao của đồng bào miền Nam, một thắng lợi trong đó có sự đóng góp của đồng bào cả nước.

Mối quan hệ đoàn kết ủng hộ lẫn nhau giữa ta và các nước Ảrập trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ càng ngày càng được mở rộng và củng cố.

Đối với một số nước ở châu Mỹ latinh, quan hệ về mặt đoàn thể nhân dân đang được mở rộng.

Chúng ta kiên quyết ủng hộ nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, để giành và giữ độc lập, tự do; ủng hộ nhân dân các nước Ảrập trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược Ítxraen, tay sai của đế quốc Mỹ, để bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản của mình.

Những bước phát triển hiện nay trong quan hệ giữa ta và các nước dân tộc chủ nghĩa gắn liền với xu hướng tích cực chống đế quốc đang tăng dần trong khu vực Á, Phi, Mỹ latinh, gắn liền với ảnh hưởng rõ rệt của những thắng lợi quân sự, chính trị và ngoại giao mà nhân dân ta đã giành được từ xuân Mậu Thân đến nay.

Một số nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, trong đó có một số đồng minh của Mỹ trong khối Bắc Đại Tây Dương, tỏ ý muốn có quan hệ với ta từ sau mùa xuân Tổng tiến công và nổi dậy đến nay. Việc ta tranh thủ Thụy Điển đặt quan hệ ngoại giao với ta ở hàng Đại sứ và viện trợ kinh tế cho ta là một thắng lợi ngoại giao to lớn đang có ảnh hưởng tốt đến thái độ của một số nước Bắc Âu đối với ta.

Ta chủ trương đặt quan hệ với các nước nói trên ở những mức độ khác nhau tùy theo tình hình và khả năng của ta nhằm nâng cao và mở rộng uy tín quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tranh thủ thêm thuận lợi cho công cuộc xây dựng ở miền Bắc, kháng chiến ở miền Nam và cô lập hơn nữa đế quốc Mỹ xâm lược và ngụy quyền Sài Gòn.

Phong trào nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ, ủng hộ nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược phát triển mạnh mẽ.

Sau khi góp phần buộc Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom, bắn phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phong trào nhân dân thế giới lấy giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam làm cương lĩnh đấu tranh, lấy việc đòi rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam làm khẩu hiệu đấu tranh chính. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, các nước Trung Cận Đông và Mỹ latinh phong trào đều có những sự phát triển mới. Trong các nước chư hầu của Mỹ, trừ Nam Triều Tiên củng cố phong trào chống chiến tranh Việt Nam và đòi rút quân nước mình ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ở các nước Tây Âu, Bắc Âu, quần chúng phản ứng khá mạnh và nhanh chóng đối với mỗi bước phiêu lưu quân sự, mỗi tội ác mới của Mỹ và tay sai ở miền Nam hiện nay.

Điểm cao của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam là tình cảm sâu sắc của nhân dân khắp nơi trên thế giới đối với Hồ Chủ tịch khi Người từ trần. Đây là một cuộc biểu dương lực lượng mạnh mẽ, rộng rãi, xúc động, chứng minh tính chất quốc tế của cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và sự đúng đắn của đường lối quốc tế của Đảng và Nhà nước ta mà Hồ Chủ tịch là tiêu biểu.

Tại Mỹ, phong trào chống chiến tranh Việt Nam phát triển liên tục và có bước ngoặt từ mùa thu năm 1969. Các khẩu hiệu đấu tranh đều tập trung đòi nhà cầm quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút nhanh và rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Quy mô các cuộc đấu tranh mở rộng ra khắp các bang của nước Mỹ và được sự phối hợp quốc tế rộng rãi. Hình thức đấu tranh rất phong phú, bao gồm từ những hình thức ôn hòa, hợp pháp, đến hình thức bạo lực của quần chúng. Phong trào phản chiến được kết hợp với phong trào đòi dân sinh, dân chủ. Việc đấu tranh chống các vụ tàn sát của binh lính Mỹ ở miền Nam Việt Nam, như kiểu vụ Sơn Mỹ, càng làm cho phong trào đi vào chiều sâu. Từ mùa thu 1969 đến nay, đợt đấu tranh này tiếp với đợt đấu tranh khác. Nhưng mạnh nhất, là đợt tháng 5 vừa qua, sau khi Níchxơn trắng trợn đưa quân Mỹ xâm lược Campuchia và trắng trợn ném bom nhiều nơi ở miền Bắc Việt Nam, các tầng lớp rộng rãi ở Mỹ rất nhạy cảm với tình hình, rất bất bình với chính sách hiếu chiến đó, đã tự phát nổi lên phản đối Níchxơn làm rung chuyển nước Mỹ. Nhân dân lao động, thanh niên, sinh viên phản đối, nhiều tập đoàn tư bản phản đối, nhiều người trong Quốc hội, trong cả Chính phủ Níchxơn phản đối. Sự phản đối đó đã tạo một sức ép mạnh mẽ làm cho Níchxơn lúng túng, bị động và phải dở thủ đoạn xảo quyệt để xoa dịu sự chống đối. Nhưng chừng nào chính quyền Níchxơn chưa chịu chấm dứt xâm lược Việt Nam và các nước khác ở Đông Dương, thì những khó khăn cơ bản của Mỹ không thể triệt để khắc phục được và phong trào chống chiến tranh ở Mỹ còn phát triển.

Tóm lại, dựa trên thắng lợi to lớn về quân sự và chính trị trên chiến trường, ngoại giao của ta đã chủ động tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược đã hình thành và ngày càng mở rộng. Mặt trận đó bao gồm phe xã hội chủ nghĩa, mặt trận nhân dân Đông Dương, phong trào giải phóng dân tộc, giai cấp công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ Mỹ và tất cả những người yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới. Ý nghĩa sâu sắc của sự hình thành mặt trận đó ở chỗ nó là hậu thuẫn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân ta, ở chỗ nó đẩy mạnh phong trào ủng hộ Việt Nam trong từng nước, từng tổ chức, đẩy mạnh phong trào chống đế quốc Mỹ trên phạm vi quốc tế.

IV. THẮNG LỢI CỦA ĐƯỜNG LỐI ĐỘC LẬP,
TỰ CHỦ CỦA ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TA

Đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta đã được thường xuyên và kịp thời đẩy mạnh, nhằm một mặt phục vụ và phối hợp với đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị trên chiến trường, mặt khác tác động đến phong trào trong nước Mỹ, khơi sâu thêm mâu thuẫn trong nội bộ Mỹ, giữa Mỹ và ngụy.

Cuộc đấu tranh và các hoạt động đó đã góp một phần đẩy Mỹ đi vào xu thế xuống thang chiến tranh, cô lập cao độ chính quyền Giônxơn trước đây và chính quyền Níchxơn hiện nay, tranh thủ được sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế mạnh mẽ, nâng cao vị trí quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nâng cao uy tín của dân tộc Việt Nam ta.

Chúng ta đạt được những thắng lợi to lớn đó là nhờ:

- Đường lối của Đảng ta do Hồ Chủ tịch kính mến đứng đầu là đúng đắn và sáng tạo, đường lối chống Mỹ cứu nước và đường lối quốc tế đúng đắn. Đó là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của nhân dân ta.

- Nhân dân ta vô cùng anh dũng, đang đánh thắng đế quốc Mỹ, tên đế quốc đầu sỏ mạnh nhất trong phe đế quốc, chưa hề bị nước nào đánh bại. Những thắng lợi vang dội trên chiến trường chính là chỗ dựa, nguồn gốc mọi thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao.

- Ta đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ ngày càng to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và của nhân dân toàn thế gới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ.

- Trên cơ sở những thắng lợi quân sự và chính trị trên chiến trường, ta đã đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của địch cũng như mặt ngoan cố, xảo quyệt của chúng, từ đó đề ra những chủ trương ngoại giao đúng đắn, vận dụng sách lược linh hoạt, chủ động và kịp thời.

V. NHIỆM VỤ NGOẠI GIAO TRONG THỜI GIAN TỚI

Ngay từ khi Giônxơn còn ở Nhà trắng, do những thất bại nặng nề ở Việt Nam, do những khó khăn nhiều mặt ở trong nước và ngoài nước, Mỹ đã thấy có thể thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tuy vậy, từ khi lên cầm quyền, Níchxơn chưa chịu từ bỏ dã tâm bám lấy miền Nam Việt Nam, mà còn mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Chính vì thế mà những khó khăn to lớn của nước Mỹ càng tăng lên nhanh chóng.

1. Chiến tranh xâm lược Việt Nam là cuộc xung đột tốn kém nhất và khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ

- Đó là cuộc chiến tranh làm cho Mỹ hao người tốn của rất lớn, vượt xa dự kiến của bọn cầm quyền Mỹ. Căn cứ theo các con số mà chúng đã chính thức công bố, đến nay, Mỹ bị thương vong 33 vạn quân Mỹ và chi phí 110 tỷ đô la. Thiệt hại của Mỹ ở Việt Nam đã lớn hơn rất nhiều thiệt hại của Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trong cuộc Chiến tranh xâm lược Triều Tiên và đã bằng 1/3 số thương vong và 2/5 chi phí của Mỹ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

- Đó là cuộc chiến tranh làm cho ngân sách của Mỹ thiếu hụt liên tiếp và nghiêm trọng.

Từ năm 1965 đến nay, ngân sách Mỹ thiếu hụt 46 tỷ đô la. Một số nhà kinh tế Mỹ ước lượng năm 1969-1970, Mỹ thiếu hụt từ 8 đến 15 tỷ đô la. Mức thuế và công trái đã lên đến mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ (mức thuế năm 1969 là 36,90% thu nhập quốc dân, so với 29,40% trong chiến tranh Triều Tiên, 26,80% trong chiến tranh thế giới thứ hai), Mỹ đang lúng túng trong việc tăng thuế, tăng công trái để thăng bằng ngân sách.

- Sản xuất công nghiệp lâm vào tình trạng giảm sút trong lúc nạn lạm phát ngày càng trầm trọng.

Sản xuất công nghiệp trong cả năm 1969 tăng được 4%, thấp hơn mức đạt 1968. Nhưng từ tháng 8-1969 đã bắt đầu giảm đến nay là 8 tháng, giảm 4,9%. Do đó lợi nhuận của các công ty công nghiệp giảm, chứng khoán liên tiếp sụt giá từ tháng 12-1968 và đã sụt rất nhanh từ tháng 5-1970: ngày 26-5 thị trường chứng khoán New York “hỗn loạn hoàn toàn”. Nhiều nhà kinh tế Mỹ cho rằng nước Mỹ “đang bị khủng hoảng”.

Nạn lạm phát, bắt đầu từ năm 1965 với nguyên nhân chính là chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã trở thành dài nhất, lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay; mức tăng trong năm năm lên tới 23% so với 12% trong ba năm chiến tranh Triều Tiên.

Đó là khó khăn lớn nhất về kinh tế của Mỹ.

- Cán cân buôn bán và cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ trở lên xấu nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trước đây hàng năm trung bình Mỹ xuất siêu 4 tỷ đô la, nay xuất siêu 0,5 tỷ đô la trong quý 1/1970. Cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ năm 1960 hụt lớn nhất là 3,9 tỷ đô la, nhưng năm 1969 sụt tới 6,985 tỷ đô la.

Sau gần hai năm ổn định, nay đồng đô la đứng trước nguy cơ bị tiến công, vì các nước Tây Âu thấy Níchxơn mở rộng chiến tranh, đang đòi được tự do đổi đô la lấy vàng.

- Níchxơn đứng trước một phong trào phản đối mạnh nhất so với bất kỳ nhiệm kỳ của tổng thống nào của nước Mỹ. Trong nước là phong trào đòi rút nhanh, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền nam Việt Nam và Campuchia, đòi chấm dứt xâm lược các nước Đông Dương. Nước Mỹ đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất từ cuộc nội chiến ở Mỹ ở giữa thế kỷ XIX đến nay: giới cầm quyền mâu thuẫn, Chính phủ và Quốc hội mâu thuẫn. Ngoài nước thì nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý phản đối quyết liệt việc Mỹ xâm lược Campuchia và ném bom nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chưa bao giờ Mỹ bị cô lập như dưới nhiệm kỳ của Níchxơn hiện nay.

Níchxơn đã phải thú nhận chiến tranh Việt Nam “là cuộc chiến tranh dài nhất và là một trong những cuộc xung đột tốn kém và khó khăn nhất trong lịch sử nước Mỹ” (diễn văn 20-4-1970).

2. Nhưng chính quyền Níchxơn vẫn cố bám lấy miền Nam, tiến hành xâm lược Campuchia và leo thang chiến tranh ở Lào

Tuy thua và nhất định sẽ thua hoàn toàn, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ dã tâm bám lấy miền Nam Việt Nam, chia cắt lâu dài nước ta; bám lấy Lào và Campuchia hòng biến hai nước này thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ, củng cố và mở rộng vị trí của chúng ở Đông Nam Á.

Thế của Mỹ là phải tìm cách rút dần ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam, có như thế mới từng bước giải quyết được những khó khăn rất lớn của Mỹ ở trong nước và trên thế giới. Nhưng Mỹ còn rất ngoan cố, cho nên trong thời gian tới, chúng sẽ ra sức giành giật với ta về mọi mặt nhằm cố thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh”, hòng tạo “thế mạnh” có lợi cho Mỹ trong việc giải quyết vấn đề Việt Nam.

Trong đàm phán, Mỹ còn cố giữ lập trường xâm lược, tiếp tục dùng đàm phán để phục vụ “Việt Nam hóa chiến tranh”, dùng “Việt Nam hóa chiến tranh” để gây sức ép trong đàm phán, đồng thời gắn vấn đề Campuchia và vấn đề Lào với vấn đề Việt Nam. Chúng chống lại giải pháp toàn bộ 10 điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đòi hai bên “cùng rút quân, cùng xuống thang chiến tranh”, bác bỏ vấn đề thành lập chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam.

Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ngoại giao nhằm lôi kéo một số nước, lợi dụng các tổ chức hoặc hội nghị quốc tế, tập hợp lực lượng phản động châu Á; tìm cách chia rẽ nhân dân Đông Dương, thực hiện âm mưu dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, tìm cách hạn chế sự ủng hộ và giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng Đông Dương để phục vụ việc thực hiện chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh”.

Hiện nay, Mỹ còn có tiềm lực quân sự, kinh tế lớn và còn một số chỗ mạnh nhất định ở chiến trường. Nhưng khó khăn của Mỹ là cơ bản, chương trình “Việt Nam hóa” và âm mưu mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương chứa đựng những mâu thuẫn không thể giải quyết được. Chỉ khi nào chúng bị thua đau ở cả miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, “Việt Nam hóa chiến tranh” bị thất bại, thì chúng mới chịu đàm phán nghiêm chỉnh.

3. Nhiệm vụ ngoại giao trong thời gian tới

Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch kính mến, toàn dân ta quyết đoàn kết triệu người như một, sát cánh cùng nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi to lớn hơn nữa, đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc của ba nước Đông Dương đến thắng lợi hoàn toàn.

Về ngoại giao, ta duy trì đàm phán, song phải hết sức tăng cường hoạt động trên chiến trường quốc tế, tố cáo mạnh mẽ chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” việc Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ quốc tế rất rộng rãi, rất mạnh mẽ nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ đấu tranh quân sự và chính trị trên chiến trường, cho đến khi có điều kiện và thời cơ giải quyết vấn đề Việt Nam, vấn đề Campuchia và vấn đề Lào.

Trong tình hình hiện nay, ta chủ trương tiếp tục giữ Hội nghị Pari vì đó là diễn đàn quan trọng để ta vạch trần lập trường xâm lược và thái độ ngoan cố của Mỹ, tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ và tay sai ở miền Nam, tố cáo việc Mỹ mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, phối hợp và phục vụ hoạt động quân sự và chính trị của ta trên chiến trường, đồng thời nêu cao chính nghĩa và thiện chí của ta; vì đó là địa bàn rất thuận lợi để tăng cường tiếp xúc với các tổ chức và nhân sĩ chống chiến tranh ở Mỹ, với những nhân vật tiến bộ trong chính giới Mỹ, tăng cường hoạt động quốc tế trong khu vực Tây Âu, Bắc Âu, châu Phi và châu Mỹ.

Ta cũng chủ trương duy trì các cuộc tiếp xúc riêng với Mỹ do phía Mỹ yêu cầu để đi sâu tìm hiểu ý đồ của chúng, phân hóa nội bộ chúng, đồng thời duy trì một cái cầu có thể dẫn tới một giải pháp cho vấn đề Việt Nam khi có điều kiện.

Trong trường hợp chính quyền Níchxơn ngoan cố lại có những hành đồng trắng trợn xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như hồi tháng 5-1970 vừa qua, Hội nghị Pari còn có thể bị gián đoạn từng phiên hoặc từng thời gian.

Phương hướng đấu tranh ngoại giao và hoạt động quốc tế của ta là:

- Nêu cao lập trường chính nghĩa, quyết tâm và thế tất thắng của ta. Kiên quyết tố cáo chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” và việc Mỹ tăng cường và mở rộng chiến tranh chống các nước Đông Dương; nghiêm khắc lên án lập trường xâm lược và thái độ ngoan cố của chúng; tố cáo mạnh mẽ tội ác chiến tranh của Mỹ đối với nhân dân miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào, nhằm gây một phong trào mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới, trong từng khu vực, từng đoàn thể dân chủ quốc tế và trong nước Mỹ đòi Mỹ chấm dứt xâm lược Việt Nam, Campuchia và Lào, rút nhanh và rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi các nước Đông Dương.

- Tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ ngày càng to lớn hơn nữa của các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng Cộng sản và Công nhân trên thế giới, của các Chính phủ, tổ chức và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta và nhân dân các nước Đông Dương, làm cho mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược phát triển thêm một bước, đẩy mạnh phong trào nhân dân thế giới và trong từng khu vực chống Mỹ xâm lược các nước Đông Dương, củng cố và phát huy mạnh mẽ mặt trận Đông Dương chống Mỹ xâm lược.

- Phối hợp và tranh thủ đẩy mạnh phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam và các nước Đông Dương, góp phần làm cho phong trào đó được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân thế giới và ngày càng có ảnh hưởng đến phong trào đấu tranh chính trị ở các thành thị miền Nam Việt Nam, làm cho bọn cầm quyền Mỹ hiện nay càng thêm phân hóa và cô lập.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Phối hợp với mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, ngoại giao ta đã góp một phần cùng toàn dân ta giành thắng lợi trong thời gian qua.

Hiện nay, cao trào chống đế quốc Mỹ xâm lược đang sôi nổi ở Việt Nam, Campuchia, Lào, mở đầu một thời kỳ mới chiến đấu quyết liệt những thắng lợi vẻ vang trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ba nước Đông Dương. Ngoại giao của ta phải phối hợp tích cực hơn nữa với đấu tranh quân sự và chính trị trên chiến trường và chắc chắn sẽ thu được nhiều thành tích mới, góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước ta, nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, giành thắng lợi hoàn toàn cho sự nghiệp cách mạng của ba nước.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.