BÁO CÁO CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA III VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ
KINH TẾ TRƯỚC MẮT VÀ KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1970
(Do ông Nguyễn Côn, Phó Thủ tướng kiêm
Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình bày, ngày 01-6-1970)
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta trong những năm gần đây đã tiến những bước quan trọng, làm tình hình thay đổi một cách cơ bản ngày càng có lợi cho ta.
Từ đầu năm 1968, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy oanh liệt, cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, đánh dấu một bước ngoặt căn bản trong cục diện chiến tranh, và cũng từ đó đến nay, ta đã tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn.
Đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, miền Bắc đang nỗ lực khắc phục các hậu quả của chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, tiếp tục làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn và sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu của đế quốc Mỹ.
Nhiệm vụ của giai đoạn mới đòi hỏi chúng ta phải nhận định đúng đắn tình hình kinh tế, thấy rõ thành tích và khuyết điểm, thuận lợi và khó khăn, quán triệt đầy đủ đường lối, phương hướng phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế cấp bách đang đặt ra trước mắt chúng ta.
PHẦN THỨ NHẤT
NHẬN ĐỊNH VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ
MẤY NĂM VỪA QUA VÀ TÌNH HÌNH KINH TẾ HIỆN NAY
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Nền kinh tế miền Bắc vừa vượt qua một thử thách to lớn của những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chúng ta cũng đã trải qua hơn một năm hoạt động trong điều kiện không có chiến tranh. Giờ đây, tiến vào một giai đoạn phấn đấu mới, chúng ta cần nhìn lại chặng đường đã qua để thấy sáng tỏ thêm những vấn đề đang đặt ra trước mắt chúng ta hiện nay.
Tiến hành chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ đã sắp xếp cả một mưu đồ chiến lược lớn hòng làm suy yếu miền Bắc và xoay chuyển tình thế sa lầy thất bại của chúng ở miền Nam.
Với ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi, sát cánh cùng đồng bào miền Nam anh hùng, nhân dân miền Bắc quyết chiến đấu bảo vệ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, thành quả của mười năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và hết lòng hết sức làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn.
Để đối phó với chiến tranh, nền kinh tế miền Bắc được nhanh chóng và kịp thời chuyển từ thời bình sang thời chiến nhằm đáp ứng yêu cầu vừa chiến đấu vừa sản xuất, vừa đánh Mỹ ở miền Bắc, vừa kiên quyết ủng hộ kháng chiến của đồng bào miền Nam, ra sức bảo vệ đồng thời tiếp tục xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phù hợp với thời chiến, động viên cao độ sức người, sức của phục vụ tiền tuyến, phục vụ chiến đấu và cố gắng bảo đảm nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân.
Trải qua hơn một nghìn ngày đêm vừa chiến đấu, vừa sản xuất dưới sự đánh phá tập trung ác liệt của địch, nhân dân ta, vượt qua muôn ngàn hy sinh gian khổ, đã làm phá sản mọi mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ, cùng một lúc hoàn thành những nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng.
Điều nổi lên trước hết là, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, chúng ta đã tập trung được cao độ lực lượng mọi mặt, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tiền tuyến, của chiến đấu; năng lực phục vụ quốc phòng, phục vụ chiến đấu của nền kinh tế được phát huy và tăng cường nhanh chóng, góp phần to lớn vào việc đánh thắng địch.
Trong bốn năm chiến tranh, mặc dầu ruộng đồng, làng mạc bị đánh phá thường xuyên, thiên tai xẩy ra liên tiếp và một bộ phận lao động quan trọng thoát ly sản xuất nông nghiệp để tham gia chiến đấu và bổ sung cho các ngành kinh tế khác, nền nông nghiệp của ta, về căn bản, vẫn được ổn định. Chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc thâm canh lúa, phát triển màu để bảo đảm lương thực. Năng suất lúa chung của cả miền Bắc thì tăng chưa đều, chưa vững chắc, nhưng đã có hàng nghìn hợp tác xã và cả trên từng vùng đạt 5 - 6 tấn trên 1 hécta cả năm, điều mà trước kia chưa từng có. Diện tích trồng rau được mở rộng thêm nhiều; một số cây công nghiệp phát triển hơn trước. Đàn lợn năm 1968 tăng hơn năm 1964 gần 70 vạn con, đạt mức cao nhất từ trước đến giờ. Trồng cây, gây rừng trong bốn năm chiến tranh tăng gấp 2,5 lần so với bốn năm trước. Phong trào phấn đấu giành ba mục tiêu trong nông nghiệp đã đạt những thành tích bước đầu.
Đáng chú ý là trong những năm chiến tranh, cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp vẫn không ngừng được tăng cường. Nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ được tiếp tục xây dựng. Nhà nước đã đưa thêm hàng nghìn máy kéo về phục vụ nông nghiệp; trang bị cho các hợp tác xã tổ cơ khí nhỏ xe vận chuyển, công cụ cải tiến và cung cấp các loại nông cụ thường tăng hơn nhiều so với những năm trước chiến tranh. Các hợp tác xã cũng đã bỏ nhiều công sức ra làm thủy lợi, xây dựng đồng ruộng, làm nhà kho, sân phơi, chuồng trại, đường sá, lập tổ rèn mộc, v.v..
Hợp tác xã nông nghiệp vững vàng, tỏ rõ tính hơn hẳn và tác dụng to lớn của nó trong những năm chiến tranh. Dựa vào hợp tác xã, giai cấp nông dân tập thể miền Bắc đã phát huy cao độ sức mạnh của mình, đối phó có hiệu quả với thiên tai và địch họa, vừa làm nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa bảo đảm sản xuất nông nghiệp, bảo đảm đời sống của xã viên. Hợp tác xã nông nghiệp đã thực sự là cơ sở vững chắc của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.
Sản xuất công nghiệp trong những năm chiến tranh đã từng đứng trước những thử thách tưởng như khó vượt qua được. Nhờ tích cực bảo vệ, phân tán và khắc phục hàng loạt khó khăn để chuyển hướng sản xuất và tổ chức sản xuất thích ứng với điều kiện chiến tranh, giai cấp công nhân miền Bắc chẳng những đã giữ vững được những ngành công nghiệp then chốt nhất mà còn phát triển được sản xuất công nghiệp phù hợp với yêu cầu của thời chiến.
Điện, than, cơ khí và một số ngành công nghiệp nặng khác là mục tiêu đánh phá hủy diệt của địch. Nhưng, ngay trong những lúc địch tập trung sức đánh phá liên tục, ác liệt nhất, chúng ta vẫn giữ vững được nguồn điện, vẫn tiếp tục khai thác than và duy trì được việc cung cấp điện, than cho các yêu cầu cấp thiết nhất của nền kinh tế quốc dân thời chiến. Ngành cơ khí đã lớn mạnh; một mạng lưới cơ khí từ trung ương đến địa phương đã hình thành phục vụ cho nông nghiệp, giao thông vận tải và quốc phòng.
Những xí nghiệp chủ yếu trong ngành công nghiệp nhẹ (vải, giấy, đường…) hầu hết đều phải sơ tán, phân tán, gặp khó khăn về nhiều mặt, nhưng vẫn duy trì được sản xuất ở mức tích cực và đóng góp phần quan trọng về hàng tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân.
Điều đáng chú ý là sự ra đời và bước đầu phát huy tác dụng của công nghiệp địa phương. Hơn 1.000 công trình công nghiệp địa phương loại vừa và nhỏ đã được xây dựng và đưa vào sản xuất ngay trong khói lửa của chiến tranh, sản xuất được nhiều loại tư liệu sản xuất và nhiều mặt hàng tiêu dùng mà trước đây chưa sản xuất được, góp phần quan trọng vào việc phục vụ sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân địa phương.
Với quyết tâm cao và lòng hy sinh dũng cảm không bờ bến, với những cố gắng phi thường, nhân dân ta đã làm cho âm mưu đánh phá giao thông vận tải của địch bị thất bại nhục nhã. Chính trên mặt trận giao thông vận tải, nơi hàng ngày diễn ra cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt nhất giữa ta và địch, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã biểu lộ rõ rệt nhất, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc ta đã phát huy mạnh mẽ nhất. Vừa tích cực đánh địch, vừa ngoan cường bảo đảm giao thông và làm công tác vận chuyển ngay trong khói lửa của bom đạn, chúng ta đã duy trì được mạch máu giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống. Chúng ta đã bảo đảm được yêu cầu của vận chuyển ra tiền tuyến, bảo đảm được nhiệm vụ tiếp nhận hàng nhập khẩu và đã cố gắng khắc phục cho sản xuất, xây dựng và đời sống ở hậu phương. Nhân dân các địa phương, nhất là ở tỉnh Liên khu IV cũ, đã đóng góp sức người, sức của hết sức to lớn, bảo đảm giao thông vận tải luôn luôn thông suốt. Thắng lợi trên mặt trận giao thông vận tải là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, đã góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung.
Đối với những thắng lợi trên mặt trận kinh tế, chúng ta cũng rất tự hào về những cố gắng to lớn và thành tích rực rỡ mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp phát triển giáo dục, văn hóa, y tế ngay trong những năm chiến tranh. Đây cũng là bằng chứng rất rõ rệt về tính hơn hẳn của chế độ ta, về sức mạnh tất thắng và lòng tin tưởng vững chắc ở tương lai của nhân dân ta.
Sự nghiệp giáo dục và đào tạo cán bộ phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực: phổ thông, trung cấp, đại học, bổ túc văn hóa, bổ túc nghiệp vụ kỹ thuật. Ngày nay, trên miền Bắc, đã có trên bốn triệu học sinh phổ thông, so với trước chiến tranh tăng trên một triệu em, có 36 trường đại học và gần 200 trường trung cấp chuyên nghiệp với gần 25 vạn sinh viên và học sinh, tăng gấp trên ba lần so với trước. Công nhân kỹ thuật được đào tạo mạnh cả ở trong nước và ở các nước anh em.
Trên lĩnh vực văn hóa, các mặt công tác văn học, nghệ thuật, điện ảnh, thông tin, báo chí, v.v., đã cố gắng đi sát cuộc sống và cuộc chiến đấu vĩ đại của quân đội và nhân dân ta, góp phần đắc lực vào việc phổ biến đường lối, chính sách, giáo dục động viên quần chúng, nâng cao tư tưởng, tình cảm của nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, tạo nên ở khắp mọi nơi trên đất nước ta một không khí lạc quan, phấn khởi, nhất là ở những nơi mà cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất.
Trong những năm chiến tranh, mạng lưới y tế phát triển mạnh và rộng khắp xuống tận huyện, xã, khu phố, đến các vùng miền núi xa xôi hẻo lánh, nhằm phục vụ chiến đấu và sản xuất ngay tại cơ sở; đến nay, hầu hết các xã đã có bệnh xá, các huyện đã có bệnh viện; y sĩ, bác sĩ tăng gần hai lần, số giường bệnh tăng gấp 1,5 lần. Riêng ở cấp xã, chúng ta đã có trên 5.000 y sĩ, gần 5 vạn y tá và nữ hộ sinh, gần 5 vạn giường y tế, hộ sinh, góp phần xứng đáng vào việc giữ gìn và chăm sóc sức khỏe của đồng bào ở nông thôn.
Trong những năm chiến tranh, với nền kinh tế thấp kém và có nhiều khó khăn, chúng ta đã cố gắng đảm bảo những nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân. Những loại hàng thiết yếu được cung cấp theo tiêu chuẩn; tổ chức và phương thức phân phối được cải tiến phù hợp với tình hình thời chiến; nhu cầu về học tập trong nhân dân được giải quyết thỏa đáng; việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe được tăng cường; công tác phòng không, sơ tán, giúp đỡ những người bị tai nạn và thiệt hại trong chiến tranh, việc thực hiện chính sách đối với thương binh và gia đình liệt sĩ, v.v., được chăm lo chu đáo. Tất cả những điều đó nói lên những cố gắng to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta.
Tóm lại, với sự nỗ lực vượt bậc của toàn dân ta, công cuộc chuyển hướng kinh tế trong những năm chiến tranh đã giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, góp phần quyết định vào chiến thắng chung trên cả hai miền nước ta. Trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ của một nước đất không rộng, người không đông, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, phải đương đầu với tên đế quốc lớn đầu sỏ có tiềm lực kinh tế và quân sự lớn mạnh nhất trong phe đế quốc, giành được những thắng lợi như trên, quả là nhân dân ta đã làm nên một sự nghiệp phi thường. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về nhân dân ta, về sức sống mãnh liệt và sức vươn lên kỳ diệu của chế độ ta, mà không sức mạnh nào của bom đạn có thể khuất phục được.
Thắng lợi của chúng ta trước hết là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng. Đường lối của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước không những đã vạch ra phương hướng hành động cho cả dân tộc ta mà còn tạo ra khả năng to lớn để động viên và tổ chức mọi lực lượng vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân ta, phát huy đến cao độ sức mạnh của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội của quân và dân ta, đã không từ một hy sinh gian khổ nào, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và sản xuất, quyết bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn khắp năm châu đối với công cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Từ khi đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc đánh phá miền Bắc, nhân dân ta đã có những cố gắng mới, ra sức làm nghĩa vụ với tiền tuyến, bắt tay ngay vào việc khắc phục một bước hậu quả của chiến tranh, chuyển dần các hoạt động kinh tế phù hợp với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng và từng bước ổn định đời sống nhân dân.
Sản xuất nông nghiệp tuy vừa bị lũ lớn và hạn nặng, nhưng diện tích gieo trồng năm 1969 đã vượt năm 1968; diện tích và sản lượng lúa đều tăng, đặc biệt lúa xuân đã phát triển mạnh, gấp hai lần năm trước; chăn nuôi lợn, chăn nuôi vịt phát triển; các tỉnh ở Liên khu IV cũ, sau những năm chiến tranh phá hoại ác liệt, một số tỉnh ở đồng bằng và trung du hai năm liền bị bão lụt lớn, đã sớm trở lại ổn định được sản xuất và đời sống.
Sản xuất công nghiệp đạt tiến bộ khá, giá trị sản lượng chung và các sản phẩm chủ yếu trong công nghiệp nặng, như điện, than, gỗ, xi măng, và nhiều mặt hàng tiêu dùng đều tăng hơn năm trước. Cả công nghiệp trung ương, công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp đều sản xuất khá hơn. Hầu hết các xí nghiệp công nghiệp bị địch đánh phá trước đây đều được sửa chữa từng phần hoặc toàn bộ, sắp xếp lại dây chuyền và tiếp tục sản xuất.
Vận chuyển hàng hóa trong nước đạt khối lượng cao hơn năm 1968, vận chuyển hành khách tăng gần 1,5 lần. Hệ thống đường sá, cầu, phà, bến bãi được tu sửa lại.
Đời sống nhân dân ở những nơi có nhiều khó khăn đã được giải quyết một bước.
Các ngành, các cấp đã có những cố gắng nhằm chấn chỉnh và cải tiến quản lý kinh tế, chấn chỉnh công tác chỉ đạo thực hiện; năng suất lao động tăng khá hơn, giá thành một số sản phẩm giảm xuống. Cuộc vận động chống đầu cơ, buôn lậu, quản lý thị trường đã đem lại những kết quả bước đầu.
Sau trên một năm hoạt động trong điều kiện miền Bắc không có chiến tranh, chúng ta đã có thể nhận định rõ hơn tình hình kinh tế miền Bắc sau chiến tranh, nhìn rõ hơn những vấn đề kinh tế cấp bách và thấy được phương hướng giải quyết cấp bách các vấn đề đó.
Hiện nay, nền kinh tế của miền Bắc về cơ bản vẫn là nền kinh tế sản xuất nhỏ, sản xuất và năng suất lao động xã hội thấp, sản phẩm xã hội làm ra ít; nhưng chúng ta lại phải vươn lên đáp ứng những nhu cầu to lớn của cuộc chống Mỹ, cứu nước, phải thực hiện phân phối xã hội chủ nghĩa, bảo đảm đời sống của nhân dân, đồng thời từng bước tích lũy vốn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là khó khăn và cũng là vấn đề cơ bản bao trùm nhất trong nền kinh tế của ta.
Bản thân nền kinh tế của ta vốn lạc hậu, thấp kém; chiến tranh phá hoại trong bốn năm cũng đã gây cho ta những tổn thất và để lại trong nền kinh tế của ta những hậu quả mà ta phải có thời gian mới khắc phục được; mặt khác, sự kém cỏi của ta trong công tác quản lý kinh tế là nguyên nhân quan trọng làm cho những khả năng to lớn của nền kinh tế chậm được phát huy, nhiều khuyết điểm chậm được khắc phục.
Trong điều kiện miền Bắc nước ta hiện nay, khi mà quá trình chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và quá trình phân công lại lao động xã hội đang trải qua những bước đi đầu tiên, thì chế độ quản lý kinh tế phải vừa giữ vững nguyên tắc, vừa hết sức linh hoạt; vừa bảo đảm quyền tập trung thống nhất của Trung ương, vừa phát huy được quyền làm chủ tập thể của các địa phương, các cơ sở; vừa tăng cường kế hoạch hóa, vừa sử dụng đúng mức quan hệ thị trường và mở rộng hạch toán kinh tế; vừa khuyến khích bằng lợi ích vật chất, vừa phát huy được tinh thần trách nhiệm và ý thức làm chủ tập thể của người lao động. Nhưng hệ thống quản lý và phương thức quản lý của ta chưa theo kịp sự chuyển biến trong nền kinh tế. Chế độ quản lý còn mang nhiều vết tích của kiểu quản lý nền sản xuất nhỏ, thủ công nghiệp, phân tán và trên nhiều mặt, còn mang nặng tính chất hành chính, cung cấp. Bộ máy quản lý tổ chức có những chỗ chưa hợp lý, năng lực và trình độ quản lý của cán bộ chưa được nâng lên tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Và trong khi đảm đương nhiệm vụ lớn lao quản lý và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, chưa phải là tất cả mọi người đã có tinh thần làm chủ tập thể đầy đủ, đã biểu lộ ý thức trách nhiệm, ý thức tự lực cánh sinh cao.
Tất cả các mặt trên đây làm cho công tác quản lý của ta chưa đưa lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, kinh doanh, chưa động viên được mọi khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế; tình hình lãng phí sức người, sức của còn khá nghiêm trọng.
Những khó khăn hiện nay trong nền kinh tế chúng ta hoàn toàn có khả năng để khắc phục, vì chúng ta có những nhân tố thuận lợi rất cơ bản: đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sức mạnh to lớn và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, của quan hệ sản xuất mới, tinh thần phấn khởi cách mạng và khả năng lao động sáng tạo của nhân dân, sự giúp đỡ quý báu của các nước anh em. Mặt khác, bản thân nền kinh tế của ta có những khả năng tiềm tàng rất to lớn.
Sức lao động của ta hằng năm có nguồn bổ sung khá lớn. Với việc tổ chức lại các hoạt động, sắp xếp và sử dụng hợp lý hơn sức lao động, ta có thể vừa nâng cao được năng suất lao động trong các ngành hoạt động, vừa động viên thêm được một lực lượng lao động quan trọng cho mặt trận sản xuất, tăng thêm sản phẩm cho xã hội.
Trong lực lượng lao động xã hội, chúng ta có một đội ngũ cán bộ (cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật) và công nhân có nghề đến nửa triệu người. Sắp xếp lại cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, sử dụng cho đúng người, đúng việc, tạo điều kiện cho mọi người làm việc tốt hơn, đồng thời chăm lo bồi dưỡng về các mặt, thì đây là một vốn rất quý, nó sẽ từng bước phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta từ đây về sau.
Mấy năm qua, cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nền kinh tế quốc dân được tăng cường khá lớn, nhất là trong các ngành công nghiệp, xây dựng, vận tải… Thiết bị, máy móc đang hoạt động chưa sử dụng hết công suất. Số chưa được xây lắp hoặc chưa đưa vào sử dụng cũng còn nhiều; chúng ta đang xây dựng và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng. Chấn chỉnh và từng bước tăng cường công tác quản lý đi đôi với việc động viên sức lao động, chúng ta có khả năng nâng cao mức sử dụng thiết bị, tăng thêm năng lực sản xuất, sử dụng tốt hơn lực lượng vật chất hiện có, đẩy sản xuất tiến lên mạnh mẽ hơn.
Qua quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã tích lũy được những kinh nghiệm quý báu về xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cụ thể của nước ta, đã dần dần cụ thể hóa được đường lối, chính sách, soi sáng cho bước đường tiến lên của chúng ta. Trình độ nhận thức về đường lối, sự trưởng thành về khoa học - kỹ thuật, năng lực quản lý nhà nước và quản lý kinh tế của đội ngũ cán bộ trong các ngành hoạt động đã được nâng cao hơn. Với việc tổng kết kinh nghiệm các ngành hoạt động chủ yếu đang được tiến hành, đồng thời tích cực phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, chúng ta có thể tăng cường được công tác quản lý và chỉ đạo, chuyển biến mạnh mẽ tình hình kinh tế của ta.
PHẦN THỨ HAI
NHIỆM VỤ KINH TẾ TRƯỚC MẮT CỦA MIỀN BẮC
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Miền Bắc đã đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, ráo riết thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đối với miền Bắc, chúng vẫn tiếp tục những hành động do thám, khiêu khích và gần đây lại cho máy bay đánh phá một số vùng dân cư, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ và an ninh của nhân dân ta. Cùng với việc tăng cường leo thang chiến tranh ở Lào, đế quốc Mỹ đã ngang nhiên chà đạp lên đạo lý và pháp lý quốc tế, phá hoại nền hòa bình, trung lập của Campuchia, trắng trợn đưa quân Mỹ và quân ngụy quyền Sài Gòn vào xâm lược Campuchia, mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương.
Nhiệm vụ khẩn thiết của toàn dân ta lúc này là kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc, tích cực ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân hai nước anh em Campuchia và Lào, chung lòng, dốc sức quyết đánh bại kẻ thù chung là đế quốc Mỹ.
Trong khi luôn luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu mới của địch, miền Bắc phải nỗ lực vượt bậc, ra sức khắc phục những hậu quả của chiến tranh, chuyển các hoạt động kinh tế phù hợp với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, ổn định từng bước đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, hết lòng làm nghĩa vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn và tiếp tục đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội tiến lên.
Trong những năm chiến tranh, chúng ta đã giành được thắng lợi lớn về xây dựng và phát triển kinh tế, song chiến tranh cũng đã gây cho chúng ta những tổn thất và để lại trong nền kinh tế những hậu quả mà chúng ta phải có thời gian mới khắc phục được. Chúng ta phải dành nhiều công sức để bố trí lại sản xuất, khôi phục và cải tiến nền nếp quản lý và từng bước ổn định đời sống nhân dân, chuyển các hoạt động kinh tế trở lại bình thường phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Trong khi tập trung sức giải quyết những vấn đề kinh tế sau chiến tranh, chúng ta phải tranh thủ phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, xây dựng và từng bước hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý phù hợp với đường lối phát triển kinh tế trong bước đi ban đầu ở nước ta; đường lối đó là “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; xây dựng kinh tế trung ương đồng thời phát triển kinh tế địa phương”. Trong việc xây dựng cơ cấu kinh tế mới, vấn đề có ý nghĩa then chốt nhất là chuyển biến nền nông nghiệp cá thể, độc canh thành nền nông nghiệp tập thể, toàn diện, có khả năng tăng nhanh năng suất lao động và cung cấp nhiều nông sản hàng hóa; dựa trên sự chuyển biến của nông nghiệp mà tiến hành một sự phân công lao động mới, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp và các ngành kinh tế khác nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động và tăng khối lượng sản phẩm xã hội. Dựa trên sự phát triển của nông nghiệp, chúng ta có khả năng bảo đảm tốt hơn nguồn nguyên liệu nông sản để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nhẹ; nhưng chính sự phát triển của nông nghiệp với yêu cầu tăng nhanh khối lượng hàng hóa trao đổi giữa thành thị và nông thôn và yêu cầu cải thiện đời sống nhân dân đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp nhẹ song song với sự phát triển của nông nghiệp. Vì vậy, trong thời gian trước mắt, chúng ta phải ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, tạo ra bước nhảy vọt đầu tiên trong nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Muốn vậy, công nghiệp nặng phải tác động tích cực đối với nông nghiệp và công nghiệp nhẹ và mỗi bước phát triển của công nghiệp nặng đều phục vụ tốt cho sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của công nghiệp nặng là tạo điều kiện trang bị cho lao động nói chung, nhưng trước hết là trang bị cho lao động nông nghiệp và công nghiệp nhẹ có đủ các loại công cụ với trình độ kỹ thuật khác nhau từ thô sơ đến hiện đại để bảo đảm phát triển sản xuất và tăng nhanh năng suất lao động. Phục vụ cho sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp nhẹ cũng chính là tạo điều kiện cho việc ưu tiên phát triển của bản thân công nghiệp nặng.
Sự tác động của công nghiệp đối với nông nghiệp và sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp trong điều kiện hiện nay chỉ có thể thực hiện thông qua việc xây dựng kinh tế Trung ương đi đôi với phát triển kinh tế địa phương; từ đó hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và giải quyết tốt nhiều mối quan hệ khác trong nền kinh tế nước ta đang từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn.
Xây dựng nền kinh tế theo cơ cấu trên đây chính là tạo ra cho chúng ta khả năng phát huy nhanh nhất tiềm lực sẵn có của nền kinh tế, đẩy nhanh sản xuất, tăng nhanh năng suất lao động, tăng khối lượng sản phẩm xã hội, là con đường để chúng ta tạo ra một thế cân đối mới trong nền kinh tế, giải quyết có hiệu quả những khó khăn trước mắt. Đây cũng là con đường đúng đắn nhất để giải quyết nhiệm vụ kinh tế cơ bản trong bước đi ban đầu của nền kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta; tích lũy vốn cho công nghiệp hóa và cải thiện đời sống nhân dân.
Theo phương hướng trên, trong mấy năm trước mắt, chúng
ta phải tập trung sức thực hiện những nhiệm vụ kinh tế chủ yếu sau đây:
1. Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao khối lượng sản phẩm xã hội: hướng tiến công chủ yếu là phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, phát triển nghề rừng, nghề cá, tích cực phát huy mọi khả năng đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng: nâng cao sản lượng các loại tư liệu sản xuất chủ yếu (than, điện, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí, phân bón…); từ đó tạo ra khả năng đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế.
2. Khôi phục và tăng năng lực sản xuất trong các ngành kinh tế chủ yếu: khôi phục và sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, đẩy mạnh xây dựng một số công trình ở Trung ương và địa phương đã có thiết bị và sớm đưa vào sản xuất, chuẩn bị xây dựng một số công trình quan trọng khác, khôi phục và phát triển một bước giao thông vận tải, sắp xếp và bố trí lại mạng lưới vận tải.
3. Tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đặc biệt chú ý củng cố và tăng cường các hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, hợp tác xã nghề cá, nghề muối, xây dựng phần lớn hợp tác xã đạt trình độ tiên tiến, phát huy khả năng tiềm tàng của khu vực kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa; tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế, công tác kế hoạch hóa, nâng cao hiệu lực của công tác chỉ đạo thực hiện, tạo điều kiện cho các cơ sở quốc doanh và hợp tác xã tổ chức sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế tốt hơn.
4. Phân bổ, tổ chức tốt mọi lực lượng lao động, tăng nhanh năng suất lao động xã hội, chú trọng tinh giản biên chế hành chính và biên chế gián tiếp sản xuất trong khu vực nhà nước, động viên mạnh mẽ phong trào lao động sản xuất.
5. Tăng cường công tác lưu thông phân phối, mở rộng trao đổi hàng hóa với nông dân, tăng cường nắm nguồn hàng, bài trừ thị trường tự do không hợp pháp, ổn định thị trường có tổ chức, tích cực sử dụng quan hệ thị trường và các đòn bẩy kinh tế để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất. Đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài tạo điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
6. Tổ chức tốt hơn đời sống vật chất và văn hóa, giảm bớt các khó khăn của nhân dân trong đời sống, hướng dẫn nhân dân tiết kiệm tiêu dùng, bồi dưỡng sức khỏe và động viên tinh thần phấn khởi sản xuất của người lao động.
TẠO MỘT CHUYỂN BIẾN MỚI TRONG NÔNG NGHIỆP GIẢI QUYẾT CƠ BẢN VẤN ĐỀ LƯƠNG THỰC,
THỰC PHẨM VÀ ĐƯA NÔNG NGHIỆP TIẾN LÊN
SẢN XUẤT TOÀN DIỆN
Trong tình hình kinh tế miền Bắc hiện nay, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tạo ra một bước chuyển biến mới, mạnh mẽ, vững chắc trong nông nghiệp là nhiệm vụ then chốt và bức
thiết nhất.
Sản xuất nông nghiệp trước hết phải tập trung sức giải quyết cho được vấn đề lương thực, thực phẩm. Với những cơ sở vật chất và kỹ thuật đã được xây dựng trong thời gian qua và các khả năng mới tăng thêm, các tỉnh đều có thể tự bảo đảm được vấn đề lương thực của địa phương. Tinh thần tự lực cánh sinh trong việc giải quyết lương thực phải được thấu suốt trong từng địa phương, từ hợp tác xã. Các hợp tác xã không chuyên canh cây công nghiệp mà còn thiếu ăn nhất thiết phải tự giải quyết cho được vấn đề lương thực.
Hiện nay, chẳng những chúng ta có khả năng tăng năng suất lúa mà còn có khả năng mở rộng thêm diện tích và tăng năng suất hoa màu lên rất nhiều. Đó là khả năng lớn mà nhiều nơi có. Cần mở rộng diện tích lúa xuân một cách vững chắc, dựa vào việc giải quyết úng mà tăng thêm diện tích lúa mùa; dùng các giống lúa có năng suất cao kết hợp với thủy lợi và các biện pháp khác, tăng nhanh năng suất lúa. Cùng với việc giúp đỡ với mức bình thường cho các vùng lúa, Nhà nước sẽ tập trung sức giúp các vùng lúa có diện tích bình quân đầu người cao, có khả năng hoàn chỉnh nhanh thủy lợi để tạo điều kiện cho các vùng đó đẩy mạnh thâm canh, tăng nhanh năng suất có thêm lương thực bảo đảm đời sống cho xã viên và tăng phần đóng góp cho nhu cầu chung. Về hoa màu, trước hết, cần thâm canh khoai lang, ngô, phát triển sắn và thâm canh sắn và tạo điều kiện để phát triển khoai tây ở nhiều vùng có đất đai thích hợp. Phải thực hiện luân canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ hợp lý để mở rộng diện tích màu, vừa ra sức thâm canh, tăng năng suất. Đồng thời, phải phát triển mạnh các loại rau, đậu, cây có dầu, tạo điều kiện cải tiến bữa ăn. Phải bảo đảm đủ rau thường xuyên cho các thành phố, khu công nghiệp; ngoài các vùng rau tập trung, tất cả các hợp tác xã đều phải tìm mọi cách trồng nhiều rau, đậu để xã viên thường xuyên có đủ rau ăn.
Đẩy mạnh chăn nuôi là yêu cầu cấp bách trong sản xuất nông nghiệp nhằm đưa chăn nuôi tiến lên cân đối với trồng trọt và là mặt quan trọng góp phần giải quyết thực phẩm; tất cả các địa phương, các hợp tác xã đều phải làm tốt cả trồng trọt và chăn nuôi. Phải thấy rõ: nếu không thực hiện được cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi ở ngay tại từng hợp tác xã thì sản xuất nông nghiệp cũng chưa có cơ sở để tiến lên vững chắc. Trước mắt, cần thực hiện đúng đắn chính sách về chăn nuôi đã ban hành, đẩy mạnh chăn nuôi lợn, trâu, bò phát triển mạnh mẽ, vững chắc. Phải hết sức giúp đỡ gia đình nông dân xã viên nuôi lợn, vừa chú trọng phát triển đàn lợn nuôi tập thể ở hợp tác xã. Phải củng cố và phát triển đàn bò, chủ yếu là để lấy thịt và một phần để giải quyết sức kéo; phải có kế hoạch phát triển nhanh đàn bò sữa. Từng bước phát triển đàn trâu chủ yếu để giải quyết sức kéo và nuôi một số để lấy sữa và thịt. Ở những vùng núi đá và hải đảo, phải từng bước phát triển đàn dê. Trong những năm tới, một hướng quan trọng của chúng ta là cải tạo và khai thác đồi cỏ ở các vùng trung du và miền núi, xây dựng thành các vùng chăn nuôi với quy mô thích hợp.
Cần phát triển rộng rãi nuôi gà, vịt trong gia đình xã viên, tổ chức nuôi gà tập trung ở một số hợp tác xã có điều kiện và mở rộng việc nuôi vịt đàn. Nhà nước xây dựng một số xí nghiệp nuôi gà theo phương pháp công nghiệp.
Hiện nay, ao, hồ và mặt nước lớn còn bỏ không khá nhiều, diện tích có thả cá thì năng suất cũng còn thấp. Các hợp tác xã phải hết sức coi trọng việc nuôi cá, coi đó là một ngành sản xuất quan trọng. Phải mở rộng việc nuôi cá trên tất cả các ao, hồ, kết hợp với thủy lợi để nuôi cá ở các kênh mương và đồng ruộng, Nhà nước cần tăng cường các cơ sở quốc doanh nuôi cá ở các mặt nước lớn.
Phát triển mạnh cây công nghiệp, trong thời gian trước mắt, phải là hướng cố gắng lớn của chúng ta để đưa nông nghiệp nước ta tiến dần lên toàn diện, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp và đặc biệt là đáp ứng yều cầu lớn về xuất khẩu đang được đặt ra hết sức cấp bách. Cần tập trung sức vào những cây có điều kiện phát triển và có hiệu quả kinh tế cao. Ở đồng bằng và trung du, cần mở rộng diện tích và chuyển mạnh vào thâm canh để tăng nhanh sản lượng lạc, đay, cói, thuốc lá. Ở trung du và miền núi, phải phát triển mạnh chè, dứa, dâu tằm, sở, lai và các cây có dầu khác. Những cây công nghiệp trên đây có tầm quan trọng lớn với yêu cầu của đời sống và đó là cơ sở để tăng nguồn xuất khẩu. Cần củng cố các nông trường hiện có và lập một số nông trường mới, khéo kết hợp nông trường với hợp tác xã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung theo quy mô lớn ở trung du và miền núi.
Trồng cây, gây rừng và bảo vệ rừng là nhiệm vụ cấp bách của lâm nghiệp mà cũng là đòi hỏi bức thiết của nông nghiệp. Các địa phương miền núi phải luôn luôn kết hợp chặt chẽ lâm nghiệp với nông nghiệp với nhận thức sâu sắc rằng rừng của ta là nơi vừa có khả năng trồng trọt, vừa có khả năng chăn nuôi lớn. Trước mắt, vấn đề cần nhấn mạnh là phải chấm dứt nạn phá rừng; phải hướng dẫn và giúp đỡ đồng bào cần định canh, định cư vào việc thâm canh cây lương thực ở những đất đai thích hợp, vào việc trồng rừng, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi. Phải tu bổ rừng ở những nơi đã khai thác; khai thác ở đâu, phải tu bổ và trồng lại ngay ở đó. Phải đẩy mạnh hơn nữa việc trồng rừng ở trung du và miền núi theo hướng quy hoạch dài hạn, hình thành những vùng kinh doanh lâm nghiệp với quy mô lớn; tiếp tục đẩy mạnh trồng cây phòng hộ, phát triển xoan, tre, mây ở đồng bằng.
Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng trên đây đòi hỏi chúng ta trước hết phải phát huy tiềm lực của hai triệu hécta diện tích canh tác sẵn có, xác định phương hướng sản xuất cụ thể của các vùng, chuyển mạnh vào thâm canh, tăng năng suất. Đồng thời, chúng ta phải tích cực phấn đấu để mở thêm nhiều diện tích canh tác ở trung du, miền núi và một phần ở miền biển, xây dựng thêm nhiều vùng kinh tế mới. Phải dựa vào thế mạnh của nông nghiệp vùng đồng bằng để đẩy mạnh sự phát triển của nông nghiệp, lâm nghiệp trung du và miền núi; mặt khác, sự phát triển của trung du và miền núi sẽ bổ sung và hỗ trợ cho nông nghiệp vùng đồng bằng.
Trước mắt phải tiếp tục phấn đấu giành ba mục tiêu: một lao động, năm tấn thóc, hai con lợn, thực hiện một bước nhẩy vọt trong sản xuất nông nghiệp, tạo cơ sở đưa nông nghiệp tiến vững chắc lên sản xuất toàn diện.
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chúng ta phải tập trung sức giải quyết bốn vấn đề cơ bản sau đây:
1. Củng cố và tăng cường hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Trong những năm trước mắt, cần phấn đấu đưa phần lớn các hợp tác xã đạt trình độ tiên tiến, cụ thể là: hợp tác xã phải có phương hướng sản xuất đúng phù hợp với hướng quy vùng, xây dựng được cơ sở vật chất và kỹ thuật và tiến hành phân công lao động thích hợp với hướng sản xuất; công tác quản lý các mặt đi vào nền nếp.
Vấn đề quan trọng hàng đầu trong củng cố hợp tác xã là xây dựng cho được ở mỗi hợp tác xã một đội ngũ cán bộ cốt cán tốt đi đôi với việc thực sự bảo đảm quyền làm chủ tập thể của xã viên. Phải bổ sung thêm cán bộ quản lý, đưa thêm kỹ sư và cán bộ kỹ thuật trung cấp nông nghiệp về phục vụ lâu dài ở hợp tác xã, tăng số lao động trẻ khỏe, sản xuất giỏi, phát huy hơn nữa vai trò phụ nữ sản xuất. Các hợp tác xã cần thực hiện tốt điều lệ mới, thực hiện tốt cuộc vận động tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn và thông qua hai cuộc vận động này mà chấn chỉnh công tác quản lý, thực hiện quản lý dân chủ, phân phối công bằng, hợp lý, tạo ra tinh thần phấn khởi lao động và nền nếp làm ăn chuyên cần trong nông dân xã viên.
2. Tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước. Trong những năm qua, Nhà nước đã cung cấp vật tư, xây dựng một số cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Sắp tới, bên cạnh việc phát huy cao độ tự lực cánh sinh và tận dụng tiềm lực sẵn có của hợp tác xã, Nhà nước phải tập trung sức hơn nữa vào nông nghiệp, tăng thêm cung cấp vật tư, bổ sung thêm cơ sở vật chất và kỹ thuật cho hợp tác xã. Điều quan trọng là phải cải tiến việc phân phối và sử dụng, hết sức phát huy tiềm lực đã có và được bổ sung thêm, để đem lại hiệu quả tốt hơn. Bên cạnh việc giúp đỡ, phát huy khả năng của các hợp tác xã nói chung, Nhà nước phải dành sức giúp đỡ nhiều hơn cho các vùng sản xuất trọng điểm; xây dựng đồng bộ các cơ sở vật chất và kỹ thuật phù hợp với phương hướng sản xuất và quy hoạch toàn diện của từng vùng; thông qua hợp đồng hai chiều mà cung cấp các vật tư chủ yếu do Nhà nước quản lý và điều hòa một số vật tư không thuộc diện Nhà nước quản lý cho hợp tác xã. Đồng thời, phải thông qua quan hệ kinh tế trực tiếp để giải quyết nhu cầu về các vật tư khác cần thiết cho sản xuất và xây dựng của hợp tác xã.
Trong việc tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp, thủy lợi vẫn ở vị trí hàng đầu. Phải động viên một phong trào rộng lớn của quần chúng làm thủy lợi mạnh mẽ, chủ yếu nhằm hoàn chỉnh thủy lợi ở những vùng đã có công trình đầu mối, hoàn thành hệ thống kênh mương đến từng cánh đồng, kết hợp với việc xây dựng đồng ruộng của hợp tác xã, mở rộng thêm diện tích được bảo đảm vững chắc về mặt thủy lợi. Đồng thời, phải xây dựng thêm một số công trình thủy lợi mới. Ngoài các công trình nông giang và hồ chứa nước, phải phát triển mạnh một loại công trình thủy lợi hết sức quan trọng là việc khoan giếng lấy nước tưới cho các vùng lúa, màu, rau, nhất là cho một số vùng cây công nghiệp ở trung du và miền núi; việc dùng giếng, cùng với hồ chứa nước, có thể góp một phần quan trọng vào việc giải quyết nước cho mấy chục vạn hécta ruộng đất mà hiện nay cũng như sau này, nông giang không giải quyết được. Nhà nước phải cố gắng cung cấp vật tư, các địa phương có trách nhiệm tổ chức sản xuất nhiều loại công cụ rất phong phú phù hợp với hướng sản xuất ở các vùng nông nghiệp khác nhau; phải nhất thiết bảo đảm chất lượng công cụ và không để hợp tác xã thiếu công cụ lao động; đồng thời, phải tổ chức tốt việc sửa chữa, không để công cụ lao động hư hỏng không được sửa chữa kịp thời. Phải sử dụng máy kéo tập trung cho một số trọng điểm và một số vùng kinh tế mới; kết hợp tốt việc dùng máy kéo với các biện pháp khác nhằm tăng năng suất lao động, tăng khối lượng sản phẩm và hạ chi phí sản xuất mỗi đơn vị sản phẩm. Gắn với việc giải quyết thủy lợi và công cụ, phải tăng thêm nguồn phân bón, chủ yếu là tăng các loại phân hữu cơ; các loại phân hóa học phải dành phần lớn cho các vùng trọng điểm lúa, rau, cây công nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường hệ thống kỹ thuật và tổ chức về công tác giống, mở rộng việc dùng giống mới có năng suất cao, bồi dưỡng, chọn lọc giống cũ đã ổn định và thích hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, phát huy mạnh mẽ tác dụng của giống đối với việc tăng năng suất trồng trọt và chăn nuôi.
3. Bổ sung và sửa đổi một số chính sách cụ thể đối với nông nghiệp. Củng cố và xây dựng hợp tác xã, tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước về các điều kiện vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp tập thể và hoàn chỉnh hệ thống chính sách của Nhà nước đối với nông nghiệp, với hợp tác xã là sự kết hợp ba cuộc cách mạng trong nông nghiệp, là nội dung của mối liên minh về chính trị và kinh tế trong điều kiện của chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phần lớn thuộc khu vực kinh tế tập thể, các chính sách có vị trí và tác dụng hết sức quan trọng để hỗ trợ cho công tác kế hoạch hóa. Các chính sách phải nhằm khuyến khích hợp tác xã và nông dân xã viên phấn khởi sản xuất theo phương hướng của kế hoạch nhà nước và tăng thêm nông sản trao đổi với Nhà nước. Trước mắt cần thực hiện đúng đắn các chính sách về ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã; chính sách chăn nuôi lợn, chăn nuôi bò… Tiếp đến, phải bổ sung các chính sách về thu mua sản phẩm cây công nghiệp, về cung cấp tư liệu sản xuất cho nông nghiệp, bán hàng công nghiệp cho nông dân, về quản lý thị trường. Về giá cả, cho vay vốn, v.v.. Cần thực hiện rộng rãi chế độ hợp đồng hai chiều giữa Nhà nước và hợp tác xã, thông qua hợp đồng mà tổ chức thực hiện các chính sách và quan hệ kinh tế giữa Nhà nước và hợp tác xã.
4. Tăng cường tổ chức chỉ đạo nông nghiệp. Đây là một công tác hết sức cấp bách, có tác dụng rất lớn đối với việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, phải cải tiến và tăng cường các công tác quy hoạch, kế hoạch, cung cấp vật tư, bán hàng nông nghiệp và thu mua nông sản.
Phải tổ chức gấp công tác quy hoạch và tích cực chuẩn bị xây dựng các vùng sản xuất chuyên môn hóa. Cải tiến công tác kế hoạch hóa nông nghiệp, bảo đảm hợp tác xã chủ động bố trí kế hoạch vừa có lợi cho hợp tác xã, vừa đáp ứng tốt yêu cầu của Nhà nước, chú trọng các kế hoạch trực tiếp tác động vào nông nghiệp (kế hoạch xây dựng cơ bản, cung cấp vật tư, thu mua nông sản và cung cấp hàng công nghiệp cho nông dân xã viên), nhất là ở các vùng trọng điểm. Phải nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, hướng vào việc giải quyết các yêu cầu thiết thực của sản xuất. Đặc biệt coi trọng việc tổ chức, giúp đỡ các địa phương đào tạo cán bộ cho hợp tác xã gắn với việc sắp xếp, xây dựng đội ngũ cốt cán của hợp tác xã.
Sắp tới, phải tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo của cấp tỉnh là cấp có trách nhiệm rất lớn trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chúng ta nhấn mạnh vị trí rất quan trọng của cấp huyện, vì thực tiễn ngày càng chỉ rõ, huyện là một cấp có điều kiện chỉ đạo hợp tác xã sát nhất, phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng vùng, và cũng là cấp có điều kiện hướng các ngành thủ công nghiệp, tài chính, thương nghiệp… vào việc phục vụ nông nghiệp theo sát yêu cầu của nông nghiệp. Vì vậy, phải chú trọng tăng cường cấp huyện, củng cố cơ quan chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện để cấp huyện chỉ đạo nông nghiệp được tốt hơn.
ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT HÀNG TIÊU DÙNG
PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN VÀ XUẤT KHẨU
Đi đôi với phát triển nông nghiệp, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, coi đây là một hướng tập trung lớn của ta để phục vụ đời sống nhân dân, mở rộng trao đổi hàng hóa giữa công nghiệp và nông nghiệp, tăng nguồn hàng xuất khẩu và góp phần quan trọng vào tích lũy vốn ban đầu cho công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong các ngành sản xuất thực phẩm, phải tập trung vào ngành khai thác cá và chế biến thủy sản. Phải dựa vào lực lượng các hợp tác xã đánh cá mà khôi phục và phát triển nghề đánh cá biển, tăng thêm thuyền lưới và một số phương tiện nửa cơ giới, cải tiến phương pháp đánh cá, cung cấp ngày càng nhiều cá và các loại thủy sản khác cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Để phát huy mạnh mẽ khả năng của hợp tác xã nghề cá, cần sớm giải quyết các chính sách trong quan hệ giữa Nhà nước, hợp tác xã và xã viên, củng cố và nâng cao trình độ quản lý của hợp tác xã theo phương thức kinh doanh công nghiệp, làm cho hợp tác xã nghề cá sử dụng tốt sự giúp đỡ của Nhà nước, tăng cường ý thức làm chủ tập thể và tinh thần phấn khởi sản xuất của xã viên, nâng cao thu nhập của xã viên, tích lũy của hợp tác xã và tăng sản phẩm bán cho Nhà nước. Về lâu dài, phải tích cực xây dựng ngành quốc doanh thủy sản lớn mạnh, gồm các đoàn tàu, các cơ sở đóng và chữa tàu, các cơ sở hậu cần, chế biến, v.v..
Để giải quyết tốt hơn vấn đề ăn của nhân dân lao động các thành phố, khu công nghiệp, phải xây dựng thêm các xưởng bánh mỳ và mỳ sợi, chế biến toàn bộ số bột mỳ cần tiêu dùng. Ở những nơi sản xuất nhiều hoa màu, cần đẩy mạnh việc chế biến bột và các sản phẩm bằng chất bột cung cấp cho người ăn và làm thức ăn cho chăn nuôi. Phải làm tốt việc sản xuất đậu phụ, chế biến các loại rau, dưa; phát triển các loại nước uống giải khát: bia, nước ngọt, nước men... phục vụ nhu cầu về uống của nhân dân các thành phố và khu công nghiệp.
Trong những năm tới, phải khôi phục các nhà máy dệt bị đánh phá và chuẩn bị xây dựng một số cơ sở mới, giải quyết tốt hơn nhu cầu may mặc và cung cấp các loại hàng may mặc cho nhân dân. Tăng thêm sản lượng vải, lụa, phát triển hàng dệt kim, vải màn, khăn mặt, củng cố và phát triển ngành may, tăng thêm hàng may mặc sẵn, giải quyết nhu cầu về quần áo bảo hộ lao động, bảo đảm nhu cầu về chiếu và cố gắng đáp ứng nhu cầu về các loại giầy, dép, mũ, nón.
Phải khôi phục các nhà máy giấy, cung cấp đủ nguyên liệu và hơi để tận dụng năng lực sản xuất của nhà máy giấy Việt Trì, giải quyết nhu cầu về giấy viết, trước hết là bảo đảm cho các học sinh có đầy đủ sách vở học tập. Đồng thời, phải xúc tiến chuẩn bị các điều kiện để mở rộng sản xuất nhiều loại giấy cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong những năm sau.
Ngoài ra, cần coi trọng đẩy mạnh sản xuất các loại hàng tiêu dùng bằng sành, sứ, thủy tinh, kim khí, gỗ, nhựa,... giải quyết nhu cầu về nhiều loại hàng tiêu dùng thông thường, đồ dùng gia đình, đồ dùng để giảng dạy và học tập, đồ chơi cho trẻ em, dụng cụ thể dục thể thao...
Để phát triển sản xuất hàng tiêu dùng, chúng ta phải rất coi trọng khả năng của công nghiệp địa phương, bao gồm cả tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, mặt khác, phải khôi phục và tăng cường ngành công nghiệp nhẹ do Trung ương quản lý, hình thành một cơ cấu sản xuất hàng tiêu dùng phù hợp với điều kiện nước ta. Đối với công nghiệp quốc doanh địa phương, cần sắp xếp, xây dựng lại và tiếp tục trang bị các cơ sở hiện có để nâng cao hiệu quả sản xuất. Phải phát huy đúng mức khả năng của tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Các địa phương cần nhận rõ tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp có khả năng rất lớn thu hút và tận dụng lao động xã hội, phát triển nhiều mặt hàng tiêu dùng phong phú. Cần củng cố các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp về tổ chức và quản lý, phát huy tác dụng tích cực, khắc phục các hiện tượng tiêu cực, nghiên cứu ban hành kịp thời các chính sách cụ thể về trang bị, cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm… để khuyến khích sản xuất. Cần giúp đỡ quản lý tốt lực lượng thủ công nghiệp ở các thành phố, thị trấn, khu công nghiệp, giúp đỡ phát triển các ngành, nghề thủ công nghiệp trong hợp tác xã nông nghiệp.
Để bảo đảm sản xuất hàng tiêu dùng theo hướng trên đây, vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải tập trung sức giải quyết vấn đề nguyên liệu. Cần tiến hành quy vùng cây công nghiệp, đầu tư kỹ thuật thích đáng để tăng năng suất cây trồng và có nguyên liệu đúng phẩm chất. Phế liệu, phế phẩm là nguồn nguyên liệu rải rác khá phong phú. Cần tổ chức tốt việc thu nhặt, tận dụng và có chính sách giá cả thích hợp để khuyến khích dùng phế liệu, phế phẩm vào sản xuất hàng tiêu dùng. Về những nguyên liệu chính trong nước chưa tự giải quyết được, phải cố gắng tăng xuất khẩu để bảo đảm nhập khẩu, tiến tới trao đổi ngoại thương dài hạn để cung cấp nguyên liệu ổn định cho các xí nghiệp.
Về mặt phục vụ xuất khẩu, trước mắt, cần tranh thủ sản xuất, cải tiến và nâng cao chất lượng những mặt hàng đang có. Đồng thời, phải chuẩn bị các mặt để tăng thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu, nhất là chế biến các loại nông sản (chè, cói, rau, quả, thuốc lá, rượu, tơ tằm), phát triển hàng gia công (hàng may mặc, dệt kim, giầy…), hàng thủ công, mỹ nghệ… đáp ứng nhiệm vụ xuất khẩu to lớn trong thời gian tới. Phải coi việc làm hàng tiêu dùng xuất khẩu là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách, khắc phục tư tưởng coi nhẹ sản xuất phục vụ xuất khẩu. Để có thể tranh thủ thị trường, đẩy xuất khẩu mạnh hơn, phải chuẩn bị xây dựng những xí nghiệp, những bộ phận sản xuất chuyên làm hàng xuất khẩu để có những mặt hàng thích hợp, kỹ thuật cao, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu.
KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN CÓ TRỌNG ĐIỂM
MỘT SỐ NGÀNH CÔNG NGHIỆP NẶNG
Sau mấy năm chống chiến tranh phá hoại, chúng ta đang đứng trước nhu cầu bức thiết khôi phục và phát triển một số ngành quan trọng của công nghiệp nặng. Chúng ta phải phấn đấu để cung cấp điện một cách ổn định, phát triển ngành than và cung cấp than với chất lượng tốt hơn, tăng thêm cung cấp gỗ, xi măng, các loại vật liệu xây dựng và đẩy mạnh sản xuất cơ khí tiến lên một bước.
Để bảo đảm nhiệm vụ của các ngành công nghiệp nặng, đối với các cơ sở đang sản xuất, phải tích cực sửa chữa máy móc, thiết bị, tổ chức việc cung cấp vật tư đều đặn, để phát huy đến mức cao nhất năng lực sản xuất. Phải nghiên cứu và khởi công xây dựng một số xí nghiệp công nghiệp nặng quan trọng để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của sản xuất, xây dựng trong nước và xuất khẩu. Phải tập trung vốn và lực lượng vào các cơ sở quốc doanh Trung ương quan trọng; mặt khác, trong điều kiện nước ta, công nghiệp địa phương vẫn giữ một vai trò rất trọng yếu trong việc sản xuất tư liệu sản xuất như cơ khí, khai thác gỗ, vật liệu xây dựng. Vì vậy, các địa phương phải rất chú trọng phát huy khả năng của địa phương về sản xuất tư liệu sản xuất, để đáp ứng cho các nhu cầu sản xuất và xây dựng ở địa phương, đồng thời hỗ trợ cho kinh tế Trung ương.
Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là phải bảo đảm nguồn năng lượng cho sự hoạt động đều đặn, liên tục của các ngành kinh tế. Trong khi đẩy mạnh khai thác than, phải thực hiện đúng các quy trình, quy phạm kỹ thuật, bảo đảm cân đối giữa chạy đất đá, khai thác than và tăng trữ lượng sẵn sàng khai thác cho các năm sau. Các mỏ phải thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, nâng cao khả năng sử dụng thiết bị, cải tiến sự hợp đồng giữa các khâu sản xuất, tăng cường quản lý lao động, chuyển biến mạnh mẽ tình hình sản xuất. Phải rất coi trọng bảo đảm chất lượng than. Cơ quan quản lý ngành than phải coi đây là một nhiệm vụ trọng yếu để giảm khối lượng vận tải không cần thiết, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tính toán chặt chẽ nhu cầu than và sử dụng than một cách hợp lý, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong những năm tới, phải thực hiện tốt kế hoạch cải tạo các mỏ lộ thiên ở Quảng Ninh, kịp thời xây dựng các công trình phục vụ. Đồng thời, phải đẩy mạnh xây dựng mỏ bắc Cọc Sáu, Vàng Danh, cải tạo và mở rộng mỏ Mạo Khê, Hà Lầm, Thống Nhất, tiếp tục xây dựng mỏ tây Khe Sim và mỏ Mông Dương. Mặt khác, chúng ta tích cực chuẩn bị để sớm khởi công xây dựng một số mỏ mới quy mô lớn và trang bị hiện đại; mở thêm nhiều mỏ nhỏ để tăng nhanh sản lượng than trong các năm sau.
Về điện, cần tập trung sức khôi phục các nhà máy điện bị đánh phá, tiếp tục sử dụng và khai thác tốt nguồn điện điêden, xây dựng thêm một số trạm điện điêden mới, củng cố và cải tạo mạng lưới điện, chỉ đạo chặt chẽ công tác phân phối điện, bảo đảm cung cấp điện thường xuyên và ổn định. Đồng thời, cần tích cực chuẩn bị xây dựng một số cơ sở điện mới để đáp ứng yêu cầu to lớn về điện trong những năm sau.
Trong mấy năm chiến tranh, năng lực cơ khí đã tăng lên nhiều, nhưng do tổ chức sản xuất chưa tốt, năng lực ấy chưa được phát huy đúng mức, có xí nghiệp sản xuất ra sản phẩm bị ứ đọng vì không cân đối với tiêu thụ, trong lúc đó, yêu cầu của các ngành về công cụ, thiết bị lại chưa đáp ứng được. Chúng ta phải giúp cho xí nghiệp giải quyết các vấn đề như xác định phương hướng sản xuất và sản phẩm cụ thể, để tận dụng năng lực hiện có của ngành cơ khí, bảo đảm tốt việc trang bị công cụ thường xuyên và công cụ cải tiến cho các ngành, tăng thêm sản xuất các loại máy móc theo sau máy kéo, các loại máy làm đất, các công cụ chăm sóc, thu hoạch, các loại máy bơm, tàu hút bùn, tàu cá, phương tiện vận tải và nhiều loại phụ tùng phục vụ nhu cầu sửa chữa của các ngành. Phải chuẩn bị các mặt để trong một thời gian nữa, chúng ta có thể sản xuất được nhiều loại thiết bị mới trang bị cho nền kinh tế, như: máy kéo nhỏ, các loại tàu hút bùn, máy đào lỗ trồng cây, các máy khoan giếng và bơm nước có áp lực cao, các loại tàu đánh cá, một số thiết bị sản xuất thực phẩm và công nghiệp nhẹ, các thiết bị khai thác than hầm lò, thiết bị sản xuất gạch, ngói, xi măng, v.v.. Để phát huy năng lực của ngành cơ khí, vấn đề cấp thiết trước mắt là xúc tiến công tác quy hoạch mạng lưới cơ khí, sắp xếp lại các xí nghiệp, thực hiện từng bước chuyên môn hóa và hiệp tác hóa hợp lý giữa các xí nghiệp của Trung ương và giữa Trung ương với địa phương.
Về khai thác và chế biến gỗ, phải đẩy mạnh việc quy hoạch các vùng khai thác, xây dựng các lâm trường khai thác gỗ thành những xí nghiệp kinh doanh lâu dài, quản lý và sử dụng tốt các thiết bị, nâng cao năng xuất lao động. Phải củng cố và mở rộng các lâm trường cũ, xây dựng thêm các lâm trường mới, xây dựng hệ thống đường vận chuyển gỗ. Cần bổ sung lao động cho ngành lâm nghiệp. Cần phát triển công nghiệp chế biến gỗ nhằm lợi dụng tổng hợp, sử dụng gỗ hợp lý và tiết kiệm. Phải đẩy mạnh sản xuất và khai thác vật liệu xây dựng, bảo đảm vật liệu xây dựng thông thường (xi măng, gạch, ngói, vôi, cát, sỏi), tiến tới sản xuất thêm nhiều loại vật liệu cần thiết khác mà trước đây ta sản xuất còn ít hoặc chưa sản xuất được. Phải khôi phục nhà máy xi măng Hải Phòng, khôi phục nhà máy bê tông đúc sẵn Việt Trì, phát triển thêm các xí nghiệp sản xuất gạch, ngói… Ngành công nghiệp xây dựng phải đẩy mạnh việc cơ giới hóa thi công, dùng ngày càng nhiều cấu kiện đúc sắn. Cần tăng cường công tác thiết kế xây dựng, đi nhanh vào tiêu chuẩn, định hình, để tiết kiệm đất đai, vật liệu, sức xây dựng và vốn đầu tư.
Về phân bón, để bảo đảm nhu cầu phân lân cho nông nghiệp, cần mở rộng nhà máy supe lân Lâm Thao, mở rộng xưởng phân lân Văn Điển, khôi phục mỏ apatít và sản xuất apatít nghiền làm phân bón.
PHÂN BỐ VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG XÃ HỘI,
ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO LAO ĐỘNG SẢN XUẤT, GIẢI QUYẾT
NHỮNG YÊU CẦU BỨC THIẾT VỀ ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN
Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trong những năm trước mắt đòi hỏi phải điều chỉnh và phân bố lại lực lượng lao động giữa các ngành, các vùng cho phù hợp với phương hướng thâm canh, tăng năng suất trong nông nghiệp, phát triển kinh tế ở trung du và miền núi, phát triển nghề rừng, nghề cá, sản xuất hàng tiêu dùng, tăng thêm hàng xuất khẩu và phát triển các ngành công nghiệp nặng khác.
Vấn đề cấp bách nhất là phải đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất một cách thường xuyên, sâu rộng ở các ngành và các địa phương, thúc đẩy tăng năng suất lao động và tăng nhanh sản phẩm cho xã hội, bảo đảm những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch nhà nước.
Chúng ta có nguồn lao động dồi dào; lực lượng lao động hằng năm tăng lên khá lớn, nhưng lao động chưa được phân bố và sử dụng tốt. Đây là một nguyên nhân cơ bản đưa đến khối lượng sản phẩm xã hội tăng chậm. Vì vậy, trong phạm vi từng tỉnh, từng hợp tác xã, phải nghiên cứu phương hướng sản xuất thích hợp để sử dụng tốt lực lượng lao động xã hội. Phải cải tiến tổ chức bố trí cơ cấu lao động hợp lý trong từng ngành, từng cơ sở.
Trong nông nghiệp, việc tạo ra sự phân công lao động mới ngay trong từng hợp tác xã là một vấn đề hết sức quan trọng mà các tỉnh, các hợp tác xã phải nghiên cứu một cách chu đáo. Trên cơ sở phấn đấu bảo đảm một lao động làm một hécta gieo trồng, đạt 5-6 tấn thóc trên một hécta và tiến lên làm được nhiều hơn, chúng ta phải thu hút số lao động hiện có và sẽ dôi ra để mở mang thêm nhiều ngành, nghề mới: nghề rừng, nghề cá, xây dựng các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi, phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp. Trong khi việc phát triển công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải tiếp tục thu hút thêm lao động nông nghiệp nhưng chưa nhiều, thì việc mở mang thêm nhiều ngành, nghề là hướng lớn hiện nay để phân bố hợp lý lao động ở từng địa phương và ngay trong từng hợp tác xã. Các tỉnh phải có phương hướng sản xuất để hướng dẫn việc phân công lao động ở từng vùng, cho từng hợp tác xã; có kế hoạch phát triển trồng trọt, chăn nuôi để giải quyết nguyên liệu cho việc mở rộng các ngành, nghề chế biến nông sản, lâm sản.
Đẩy mạnh xây dựng tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, cần có chính sách giúp đỡ và khuyến khích sản xuất đi đôi với tổ chức dạy nghề, trang bị công cụ, cung cấp nguyên liệu để giải quyết công việc làm cho nhiều lao động; có công việc làm thích hợp với thương binh, phụ nữ, người già, trẻ em,... thu hút mọi lực lượng lao động xã hội vào việc sản xuất ra sản phẩm có ích cho xã hội. Các tỉnh miền núi phải đặc biệt chú trọng dành một lực lượng lao động quan trọng để làm nghề rừng, mà hiện nay số này còn ít. Về nghề cá, cần tận dụng sức lao động hiện có, trang bị thêm thuyền lưới, phương tiện, ra sức tăng năng suất lao động.
Trong khu vực nhà nước, cần sớm bố trí lại lao động theo hướng tinh giản bộ máy quản lý, tăng số người trực tiếp sản xuất, tăng số lao động trẻ tuổi, có kỹ thuật và nghiệp vụ, tăng cường cán bộ có năng lực cho cơ sở, cho các tổ chức trực tiếp quản lý sản xuất và kinh doanh. Cần mở rộng hình thức khoán việc, nhất là ở những cơ sở sử dụng lao động có tính chất thời vụ. Trong các ngành và các cơ sở, phải phấn đấu nâng cao giờ công, ngày công thực tế, tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác.
Trong việc bố trí, sắp xếp lao động, một vấn đề quan trọng là sắp xếp, sử dụng cán bộ và công nhân kỹ thuật cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ kinh tế. Những năm trước đây, chúng ta đã đào tạo được hàng chục vạn cán bộ kỹ thuật, cùng với hàng mấy chục vạn công nhân kỹ thuật. Đây là cái vốn rất quý. Song nhiều ngành, nhiều cơ sở chưa chú trọng đúng mức việc chăm sóc, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho anh chị em làm việc tốt. Vì vậy, chưa phát huy đầy đủ khả năng to lớn của cán bộ và công nhân kỹ thuật trong công cuộc xây dựng kinh tế. Trước yêu cầu mới, phải đặc biệt chú trọng bố trí và sử dụng cho tốt, đi đôi với đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật, bảo đảm phát huy tác dụng tốt. Phải chú trọng tăng cường công nhân khoa học, kỹ thuật cho cơ sở. Anh chị em cán bộ và công nhân kỹ thuật phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vị trí và trách nhiệm, cố gắng nâng cao hơn nữa trình độ của mình về mọi mặt để cống hiến được nhiều hơn.
Trên cơ sở kiểm tra lại đội ngũ cán bộ hiện nay và căn cứ vào nhiệm vụ kinh tế trong thời gian tới, phải cải tiến công tác giảng dạy và học tập trong nhà trường, tăng cường bồi dưỡng trong thực tế, sao cho việc đào tạo gắn chặt với thực tế, phù hợp với nhiệm vụ sản xuất, đặc biệt là chú trọng nâng cao hơn nữa trình độ thực hành của cán bộ và công nhân, để cán bộ và công nhân có thể giải quyết tốt những vấn đề cụ thể trong công tác quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật, thúc đẩy tăng năng suất lao động trong các ngành kinh tế. Đồng thời, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản, cán bộ thực hành có trình độ cao hơn, kịp thời đáp ứng yêu cầu của các ngành có kỹ thuật cao trong những năm sau.
Trong khi đẩy mạnh sản xuất, xây dựng, phải đặc biệt coi trọng giải quyết chu đáo hơn những yêu cầu cấp thiết trong đời sống nhân dân. Sau những năm chiến tranh, nhân dân ta đang gặp nhiều thiếu thốn, Nhà nước ta và nhân dân ta đã có rất nhiều cố gắng lo liệu giải quyết các vấn đề về đời sống. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, sao cho mọi người lao động nhờ sản xuất tốt hơn mà cải thiện nhanh chóng đời sống vật chất và văn hóa của mình. Cùng với sự cố gắng của các cơ quan nhà nước, các ban quản trị hợp tác xã, các đồng chí phụ trách xí nghiệp, công trường… có trách nhiệm rất lớn trong việc khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại trong đời sống, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Với những khả năng hiện có, phải cố gắng giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được, tạo ra những điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần tốt hơn, bảo đảm những yêu cầu tối thiểu và cần thiết để người lao động có điều kiện làm việc với năng suất cao. Trong tình hình và nhiệm vụ trước mắt, nhân dân ta cần nâng cao lòng yêu nước, tinh thần tự lực cánh sinh, làm việc hết mình để đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội và cũng từ đó tạo điều kiện cải thiện đời sống của mình. Đó là con đường phấn đấu đúng đắn nhất, không có con đường nào khác.
Trước hết và quan trọng bậc nhất hiện nay là phải chăm lo giải quyết tốt vấn đề ăn hằng ngày của nhân dân. Phải chấn chỉnh và mở rộng thêm nhà ăn tập thể phục vụ công nhân, cán bộ, học sinh các trường; giải quyết tốt việc hạn chế bột mỳ, đậu phụ, cung cấp đủ và đều đặn chất đốt, cung cấp đủ rau và tạo thêm nguồn thực phẩm để cung cấp cho nhân dân thành thị. Ở nông thôn, cần thực hiện đúng chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã nông nghiệp.
Vấn đề nhà ở trong các thành phố, thị xã hiện nay đang rất cấp bách. Phải tập trung sức sửa chữa, xây dựng thêm nhà ở mới ở các thành phố, khu công nghiệp. Ở nông thôn, các hợp tác xã phải chăm lo và hướng dẫn các gia đình tích cực trồng cây lấy gỗ, tổ chức sản xuất gạch, ngói và vật liệu xây dựng địa phương. Các cơ quan nhà nước phải giúp đỡ nhân dân ở những nơi bị chiến tranh tàn phá xây dựng lại nhà cửa.
Về bảo vệ sức khỏe, phải tăng cường các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở thành phố và nông thôn, cố gắng khám và chữa các bệnh thông thường tại cơ sở; tổ chức và cải tiến công tác phân phối thuốc. Phải tổ chức tốt các công tác phòng, trừ dịch, ngăn ngừa và tiêu diệt các bệnh xã hội, không để ảnh hưởng đến sản xuất.
Cùng với việc chăm lo đời sống vật chất, cần hết sức quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục, văn hóa, đáp ứng yêu cầu học tập và tạo điều kiện nâng cao trình độ văn hóa, trình độ kỹ thuật của nhân dân lao động. Ngành giáo dục phổ thông phải rất xem trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, giải quyết các điều kiện để dạy tốt, học tốt, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Sự nghiệp bổ túc văn hóa phải được đẩy mạnh và gắn chặt với việc bổ túc nghiệp vụ, kỹ thuật, nâng cao trình độ nghề nghiệp của cán bộ, công nhân và xã viên hợp tác xã.
Phải chú trọng giải quyết tốt những hậu quả của chiến tranh trong xã hội và đời sống, như phục hồi khả năng lao động cho những người bị thương tật, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại nặng vì chiến tranh, ổn định lâu dài đời sống của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, giúp đỡ gia đình bộ đội, chăm sóc người già, trẻ em không nơi nương tựa, nuôi nấng, dạy dỗ con em liệt sĩ.
CẢI TIẾN VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC
QUẢN LÝ KINH TẾ VÀ CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
Trong những năm tới, cần phải xây dựng một hệ thống quản lý kinh tế phù hợp với cơ cấu kinh tế của ta đang từ sản xuất nhỏ tiến lên sản xuất lớn. Đây là một công tác quan trọng, phải nghiên cứu kỹ và tiến hành trong nhiều năm. Trước mắt, việc tăng cường công tác quản lý kinh tế phải tạo điều kiện đưa nền kinh tế sớm đi vào ổn định và phát triển một cách vững chắc, khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội; mặt khác, tạo điều kiện nâng cao hơn nữa hiệu quả của sản xuất, của các hoạt động kinh tế, nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác.
Hiện nay, sau mấy năm chiến tranh, một số cơ sở sản xuất hoạt động thiếu ổn định, do các điều kiện vật chất không bảo đảm và ở một số nơi, nhiệm vụ không rõ, do đó, cơ sở không chủ động xây dựng được kế hoạch sản xuất. Vì vậy, một nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải tạo các điều kiện ổn định để các đơn vị cơ sở có thể hoạt động bình thường, đặt quan hệ kinh tế trực tiếp với nhau theo chế độ hợp đồng kinh tế, thực hiện được hạch toán kinh tế, kinh doanh có hiệu quả kinh tế cao. Cơ quan có trách nhiệm phải cùng đơn vị cơ sở xác định rõ nhiệm vụ sản xuất, kế hoạch trang bị kỹ thuật cho những xí nghiệp chưa thật ổn định nhiệm vụ sản xuất; giúp các xí nghiệp sắp xếp lại dây chuyền sản xuất, khôi phục năng lực sản xuất của các thiết bị hư hỏng; bố trí lại lao động một cách hợp lý. Đi đôi với ổn định tổ chức quản lý ở cơ sở, cần chấn chỉnh và tăng cường các tổ chức phục vụ sản xuất, trước hết là cung cấp vật tư, vận tải, đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất. Phải thấy rằng, mặc dầu chúng ta chưa khắc phục được nhanh chóng các hậu quả của chiến tranh và các mặt mất cân đối hiện nay trong nền kinh tế, nhưng nếu công tác quản lý của ta được cải tiến tốt hơn, giải quyết một bước các vấn đề trên thì sẽ góp phần sớm ổn định hoạt động của cơ sở: ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động và gây tinh thần phấn khởi trong sản xuất.
Việc cải tiến và hoàn chỉnh các chế độ quản lý kinh tế là điều kiện hết sức quan trọng để giúp cơ sở ổn định sản xuất và cũng là điều kiện cần thiết để cơ sở có thể tiến hành kinh doanh theo nguyên tắc hạch toán kinh tế. Phải chấp hành đúng đắn các chế độ quản lý đã có, bổ sung và cải tiến các chế độ cần thiết, từng bước xây dựng một hệ thống các chế độ quản lý thích hợp với yêu cầu quản lý của ta. Phải chấn chỉnh hệ thống định mức, giá cả… coi đó là những điều kiện cần có trước để tiến hành hạch toán kinh tế. Cần tăng cường quyền chủ động cho xí nghiệp nhằm làm cho xí nghiệp phát huy được tính tự chủ về tài chính trong phạm vi trách nhiệm được Nhà nước giao cho, phát huy mọi khả năng tiềm tàng của xí nghiệp và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời cần tăng trách nhiệm và quyền hạn cho giám đốc xí nghiệp.
Mở rộng quyền hạn cho xí nghiệp sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển quan hệ kinh tế trực tiếp, quan hệ hợp đồng giữa các đơn vị kinh tế đặt trên nguyên tắc kinh doanh, trên cơ sở trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm vật chất qua lại giữa các xí nghiệp, các tổ chức kinh tế. Hợp đồng kinh tế là công cụ rất quan trọng để quản lý kinh tế, xây dựng và thực hiện kế hoạch nhà nước. Trong khu vực kinh tế quốc doanh, cần tổ chức tốt việc ký kết hợp đồng, tăng cường quan hệ kinh tế trực tiếp giữa các cơ sở để bố trí kế hoạch sản xuất khớp với tiêu thụ, khắc phục tình trạng ứ đọng, gây lãng phí. Trong khu vực kinh tế tập thể, việc ổn định nghĩa vụ lương thực của hợp tác xã đối với Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho hợp tác xã chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, phát triển quan hệ trực tiếp với các đơn vị kinh tế khác. Cần thực hiện rộng rãi việc ký hợp đồng hai chiều giữa hợp tác xã với các cơ quan nhà nước trong việc thu mua nông sản và cung cấp hàng công nghiệp. Trên cơ sở quy hoạch và phân công sản xuất, cần giải quyết hợp lý giá cả và các chính sách khác, để cho các xí nghiệp quốc doanh đặt quan hệ kinh tế trực tiếp với các hợp tác xã, ký hợp đồng lâu dài về thu mua nguyên liệu, tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho các xí nghiệp.
Từ cuối năm 1968, chúng ta bắt đầu thực hiện việc phân cấp quản lý kinh tế giữa Trung ương và các tỉnh, thành phố. Qua việc phân cấp, các địa phương đã xác định rõ hơn trách nhiệm trong việc quản lý nền kinh tế địa phương, chú trọng nghiên cứu phương hướng sản xuất, và bước đầu chú trọng cải tiến quản lý và kinh doanh đạt hiệu quả tốt. Đây là vấn đề mới, trước mắt, chúng ta lại có những khó khăn sau chiến tranh, cho nên việc tạo cho địa phương thế chủ động để xây dựng kinh tế địa phương còn gặp những hạn chế nhất định. Cần nhận rõ vấn đề cơ bản là chỉ khi nào chúng ta giải quyết được tốt cân đối giữa công nghiệp và nông nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế, và trong từng địa phương, cân đối công nghiệp - nông nghiệp ở một số bước tiến bộ hơn, địa phương mới thực sự chủ động được. Đây là yêu cầu mà ta phải phấn đấu trong một thời gian dài. Trước mắt, các địa phương phải chú trọng tăng cường công tác quản lý, phát triển sản xuất để có thêm hàng tiêu dùng và vật tư, tăng thu tài chính,... bảo đảm các điều kiện cho kinh tế địa phương phát triển. Các ngành Trung ương phải tích cực giải quyết kịp thời và thỏa đáng các vấn đề kinh phí hoạt động, giá cả… để địa phương tiếp tục kinh doanh một cách thuận lợi. Mặt khác, vì phân cấp quản lý kinh tế là một bộ phận trong hệ thống quản lý kinh tế chung, cần đặt nó trong khuôn khổ chung của toàn bộ nền kinh tế để giải quyết vấn đề có liên quan một cách đồng bộ, chúng ta phải tiếp tục giải quyết vấn đề trách nhiệm và quyền hạn của cấp huyện, xí nghiệp, đi đôi với việc giải quyết các chế độ, chính sách có liên quan đến phân cấp quản lý như về tài chính, vật tư, giá cả… để phát huy tác dụng cụ thể của phân cấp quản lý kinh tế.
Việc phân cấp quản lý cho địa phương đòi hỏi phải đồng thời tăng cường trách nhiệm toàn ngành của các bộ, tổng cục. Các bộ, tổng cục phải tích cực tham gia xây dựng kế hoạch nhà nước, tham gia xét duyệt kế hoạch của địa phương và xây dựng kế hoạch toàn ngành; đồng thời, phải tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ của bộ, tổng cục đối với toàn ngành.
Trong việc cải tiến tổ chức và các chế độ quản lý kinh tế, cải tiến công tác kế hoạch hóa kinh tế quốc dân là một vấn đề quan trọng. Chế độ kế hoạch hóa của ta hiện nay có nhiều nhược điểm, không phù hợp với yêu cầu mở rộng quyền chủ động và óc sáng tạo của các cấp quản lý kinh tế và các đơn vị cơ sở, thiếu vận dụng đầy đủ các quy luật kinh tế khách quan, không thúc đẩy và nâng cao chế độ hạch toán kinh tế.
Phải khắc phục tình trạng giao kế hoạch từ trên xuống không cân đối và không phù hợp với thực tế của cấp dưới, thực hiện cho được việc xây dựng kế hoạch từ dưới lên. Cơ sở phải chủ động lập được kế hoạch toàn diện, cân đối được kế hoạch của mình (có hướng sản xuất tương đối ổn định, được bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để thực hiện kế hoạch đã được duyệt). Kế hoạch ngành và địa phương phải được xây dựng và tổng hợp từ dưới lên để bộ, tổng cục và địa phương xây dựng và cân đối được kế hoạch của mình một cách toàn diện. Việc chuyển mạnh cách xây dựng kế hoạch theo quan hệ kinh tế trực tiếp giữa các tổ chức sản xuất, kinh doanh ở cơ sở bằng cách ký kết hợp đồng kinh tế sẽ tạo điều kiện cân đối chặt chẽ hơn sản xuất với tiêu thụ, cung ứng vật tư với sản xuất và xây dựng... làm cho kế hoạch thêm cân đối và hiện thực. Phải khéo kết hợp kế hoạch với thị trường và sử dụng đúng đắn các đòn bẩy kinh tế (giá cả, tiền lương, tiền lãi, tiền thưởng, tín dụng, v.v..) thích hợp với điều kiện và đặc điểm kinh tế của ta hiện nay, nhằm bảo đảm cho các cân đối chủ yếu của kế hoạch hoá thêm cơ sở vững chắc, mặt khác, điều tiết một số hoạt động kinh tế thứ yếu mà kế hoạch nhà nước không tính trước được hết. Đồng thời, phải từng bước áp dụng các phương hướng tiên tiến như vận trù học, toán kinh tế... trong công tác kế hoạch, giúp vào việc tính toán hiệu quả của sản xuất, góp phần tăng thêm tính khoa học, chính xác của kế hoạch.
Trong công tác chỉ đạo thực hiện, cần cân nhắc và tính toán toàn diện các nhu cầu, tập trung chỉ đạo các khâu then chốt, đem lại những kết quả tốt thúc đẩy sự chuyển biến chung của nền kinh tế. Phải tổ chức chặt chẽ hơn nữa công tác kiểm tra, chú trọng những mặt quản lý chủ yếu: sử dụng vật tư, sử dụng lao động, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch, các định mức, tiêu chuẩn, chính sách, chế độ...
Để giúp cho công tác quản lý kinh tế và quản lý kế hoạch, cần nghiên cứu, bổ sung, cải tiến và ban hành những chính sách mới theo hướng phục vụ thúc đẩy tốt nhất các ngành sản xuất, nhất là nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, nghề cá, nghề rừng, khuyến khích lao động sản xuất với năng suất và chất lượng cao; mặt khác, thực hiện phân phối công bằng, hợp lý, dân chủ, quán triệt tốt hơn nữa nguyên tắc phân phối theo lao động, những người sản xuất tốt, có thành tích cao thì được phân phối nhiều hơn.
Nói đến quản lý kinh tế và chỉ đạo thực hiện tức là nói đến một hệ thống các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, kinh tế và hành chính có liên quan chặt chẽ và thúc đẩy lẫn nhau. Không thể thực hiện tốt các biện pháp về tổ chức và kinh tế kể trên nếu không chú trọng đúng mức công tác tư tưởng, đặc biệt là nêu cao ý thức tự lực cánh sinh và tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế. Trong điều kiện nền kinh tế của ta còn nghèo, lại đứng trước những yêu cầu về các mặt rất to lớn, chúng ta phải hết sức phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, ra sức khắc phục mọi khó khăn gian khổ, vươn lên thực hiện cho được nhiệm vụ đã đề ra. Phải nêu cao ý thức làm chủ tập thể, khắc phục mọi hiện tượng của tư tưởng ỷ lại. Mỗi người, mỗi cơ sở, mỗi ngành và mỗi địa phương phải nỗ lực phấn đấu đến mức cao nhất, tạo ra những điều kiện cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, với ý thức tổ chức và kỷ luật cao và tinh thần trách nhiệm đầy đủ về công việc được giao, không vin vào hoàn cảnh khách quan để làm giảm nhẹ trách nhiệm của mình. Trách nhiệm tinh thần phải được gắn liền với trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm vật chất; phải kết hợp chặt chẽ các biện pháp về tư tưởng với các biện pháp kinh tế, đề cao trách nhiệm đi đôi với thực hiện nghiêm minh chế độ thưởng phạt trong thực hiện nhiệm vụ.
Muốn cho công tác quản lý kinh tế đạt hiệu quả cao, không những chúng ta phải có đường lối, quan điểm quản lý đúng đắn và có các chế độ, chính sách quản lý thích hợp, mà còn phải có một trình độ quản lý tương xứng với nhiệm vụ. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao nhiệt tình cách mạng, tinh thần phấn khởi lao động, phải hết sức chăm lo nâng cao trình độ quản lý của cán bộ từ cơ sở trở lên. Phải phát động phong trào quần chúng học tập quản lý và kỹ thuật, phải xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật vừa hồng, vừa chuyên. Đây là một vấn đề rất lớn, có ý nghĩ quyết định bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi sự cố gắng rất cao của tất cả chúng ta.
PHẦN THỨ BA
PHẤN ĐẤU HOÀN THÀNH THẮNG LỢI
KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1970
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Năm 1970 là năm công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế ở miền Bắc được chuyển theo hướng mới, nhằm giải quyết một bước các vấn đề kinh tế sau chiến tranh, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo đảm nhiệm vụ với tiền tuyến lớn.
Để thực hiện một bước những nhiệm vụ kinh tế trước mắt trình bày ở phần trên, kế hoạch nhà nước năm 1970 có những nhiệm vụ sau đây:
- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Đây là nhiệm vụ chủ yếu nhất. Việc khôi phục và đẩy mạnh sản xuất một số ngành công nghiệp nặng quan trọng nhất, khôi phục và phát triển một bước giao thông vận tải, đẩy mạnh xây dựng cơ bản đều phải nhằm trước hết phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng.
- Trên cơ sở khôi phục và phát triển sản xuất, ra sức động viên sức người, sức của, bảo đảm đầy đủ và kịp thời các yêu cầu của tiền tuyến lớn.
- Giải quyết tốt hơn những vấn đề cấp bách trong đời sống của nhân dân.
- Tích cực chuẩn bị một cách thiết thực cho việc khôi phục và phát triển kinh tế trong những năm sau, chú trọng các công tác điều tra cơ bản, phân vùng, quy hoạch, làm kế hoạch dài hạn, v.v..
Hiện nay, năng suất lao động xã hội của ta còn thấp, sản phẩm làm ra không đáp ứng kịp các mặt yêu cầu đang tăng lên nhanh, chúng ta lại phải khắc phục các khó khăn do chiến tranh để lại; vì vậy, trong khi bố trí và thực hiện kế hoạch nhà nước, phải hết sức phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm tốt công tác phân phối, hết sức tránh lãng phí. Chỉ có như vậy mới tạo điều kiện chuyển biến tốt tình hình kinh tế trước mắt, bảo đảm tốt hơn các yêu cầu. Mặt khác, phải rất chặt chẽ, tập trung đúng hướng trong việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn, nhằm những yêu cầu cấp bách nhất, bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1970, Chính phủ đã chủ trương phát động phong trào lao động sản xuất nhằm động viên mọi lực lượng lao động của xã hội, phát huy đến mức cao nhất khả năng lao động của mỗi người, bảo đảm mọi người làm việc, lao động sản xuất với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, tăng nhanh sản phẩm cho xã hội.
Trong điều kiện chúng ta hiện nay, lao động xã hội dồi dào mà năng suất lao động còn thấp thì huy động mọi nguồn và mọi khả năng lao động, tăng số người lao động sản xuất ra của cải vật chất là vấn đề cơ bản và có ý nghĩa quyết định nhất để tăng nhanh sản phẩm xã hội. Kết hợp chặt chẽ các mặt động viên, giáo dục chính trị, tư tưởng, tổ chức và quản lý sản xuất, quản lý phân phối, khuyến khích bằng lợi ích vật chất và sử dụng đúng mức các biện pháp hành chính, chúng ta có thể phát huy đến mức cao nhất khả năng lao động sản xuất của xã hội.
Hiện nay, bên cạnh những địa phương và cơ sở đã tạo được khí thế làm ăn mới, tăng năng suất lao động, thực hiện tốt kế hoạch nhà nước, ở một số ngành, địa phương và cơ sở khác, phong trào lao động sản xuất chưa mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Có nơi chưa đi sâu vào việc tổ chức, chưa hướng phong trào nhằm đúng vào việc bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước. Các cơ quan có trách nhiệm chưa bảo đảm cung cấp kịp thời các điều kiện vật chất cần thiết như công cụ, vật tư cho người lao động... Chúng ta cần nhận thức rõ phong trào lao động sản xuất là một cuộc vận động quần chúng có ý nghĩa cách mạng rất lớn, đòi hỏi công tác tổ chức và quản lý rất phức tạp, đòi hỏi việc kết hợp chặt chẽ các biện pháp kinh tế, tổ chức, kỹ thuật, giáo dục, hành chính... Nội dung chủ yếu của nó phải là phân bố, tổ chức lực lượng lao động trong xã hội vừa phù hợp với hướng tiến lên của ta, vừa phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ kế hoạch nhà nước, là tổ chức công tác quản lý của Nhà nước và tổ chức mọi hoạt động cơ sở bảo đảm cho mỗi người lao động có đủ điều kiện để làm việc tốt, làm việc đủ ngày công, giờ công, có năng suất lao động và hiệu suất công tác cao.
Phải đặc biệt quan tâm đến khu vực lao động nông nghiệp là khu vực có lực lượng lao động lớn nhất và đang đảm đương một lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất hiện nay. Trong hợp tác xã nông nghiệp, lao động nói chung không thiếu, nhưng do công tác quản lý, sử dụng chưa tốt, nên có nơi mùa màng làm không kịp thời vụ, cấy trồng không hết diện tích, chăm sóc cây trồng và gia súc thiếu chu đáo... Trên cơ sở tăng cường và củng cố hợp tác xã, nâng cao vai trò làm chủ tập thể của quần chúng xã viên, phải chấn chỉnh tổ chức và quản lý lao động trong hợp tác xã, quản lý công điểm, thực hiện đúng đắn chính sách lương thực mới... đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất trong nông nghiệp chuyển biến tốt hơn.
Trong khu vực nhà nước, nguyên nhân gây ra lãng phí lao động và năng suất lao động thấp là do những thiếu sót về tổ chức và quản lý lao động, tổ chức và quản lý sản xuất, quản lý vật tư, quản lý kỹ thuật và tổ chức đời sống. Các mặt quản lý này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, song trước mắt, chúng ta phải lấy việc chấn chỉnh và cải tiến quản lý lao động, tổ chức sản xuất làm công tác trung tâm.
Trong xí nghiệp và công trường, phải làm tốt công tác bố trí kế hoạch sản xuất thường ngày; phải chấn chỉnh và củng cố các tổ, đội sản xuất, cải tiến và tăng cường công tác định mức lao động, coi đó là một biện pháp then chốt để quản lý sản xuất... Các xí nghiệp, công trường phải tích cực giảm nhẹ biên chế gián tiếp và tăng cường hiệu lực của bộ máy quản lý xí nghiệp, làm cho bộ máy gọn, nhẹ, phục vụ tốt sản xuất.
Đi đôi với việc chấn chỉnh tổ chức sản xuất và để tạo điều kiện cho mọi người làm việc, làm việc với năng suất cao, cần giải quyết tốt vấn đề vật tư kỹ thuật: huy động những vật tư chưa đưa ra sử dụng, tổ chức tốt việc cung ứng, bảo đảm có công cụ đủ, tốt, phát huy đến mức cao nhất khả năng của thiết bị và vật tư vào sản xuất, xây dựng. Trong sử dụng, phải quản lý chặt chẽ, không để vật tư vương vãi, hư hỏng. Các xí nghiệp và hợp tác xã, các ngành quản lý sản xuất và kinh doanh phải sử dụng vật tư theo định mức và có hiệu quả kinh tế thiết thực. Phải khôi phục và tăng cường các chế độ, quy định về quản lý vật tư kỹ thuật ở các đơn vị sản xuất và kinh doanh cũng như trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Để động viên và thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, bảo đảm thực hiện kế hoạch nhà nước, các cơ quan quản lý cấp trên cần xác định rõ nhiệm vụ cụ thể về sản xuất và khả năng cung cấp vật tư chủ yếu cho các đơn vị trực thuộc. Các ngành điện, than, cung ứng vật tư, vận tải, thương nghiệp cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình góp phần tích cực vào việc ổn định các điều kiện hoạt động bình thường cho các ngành kinh tế. Các xí nghiệp, cơ sở sản xuất phải khôi phục và nâng cao dần chế độ hạch toán kinh tế, ra sức phấn đấu tăng năng suất lao động đi đôi với nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Phải mở rộng việc thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế giữa cơ sở sản xuất và cơ quan tiêu thụ, trên cơ sở đó, bố trí kế hoạch sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất không phù hợp với yêu cầu.
Về mặt chính sách, ngoài phần chính sách đối với công nghiệp như đã nói ở phần trên, cần bổ sung các chính sách gia công, thu mua, bán nguyên liệu, điều chỉnh một số giá... nhằm khuyến khích các hợp tác xã, tổ sản xuất và thủ công nghiệp gia đình đẩy mạnh sản xuất nhiều hàng tiêu dùng cung cấp cho xã hội. Trong khu vực nhà nước, cần bổ sung kịp thời các chính sách phục vụ việc đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất như: chính sách đối với số lao động cần được điều chỉnh từ nơi này sang nơi khác, chính sách đối với cán bộ được đưa về xã, số công nhân chuyển sang sản xuất phụ, v.v..
Cần tiếp tục củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tiếp tục cải tạo chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ. Trong nông thôn, phải tiếp tục sửa chữa khuyết điểm về “ba khoán cho hộ”, tăng cường quản lý ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của hợp tác xã. Mặt khác, phải thực hiện tốt cuộc vận động tăng cường chế độ làm chủ tập thể ở nông thôn, bảo đảm quyền làm chủ của xã viên trong việc quản lý nền kinh tế tập thể về cả ba mặt: sản xuất, phân phối, ứng cử và bầu cử các cơ quan quản lý hợp tác xã. Ở thành thị, phải kiểm tra và chấn chỉnh các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, các tổ sản xuất, tăng cường công tác quản lý, phát huy dân chủ nội bộ, bảo đảm kinh doanh theo đúng pháp luật nhà nước. Cần tiếp tục cải tạo và quản lý thị trường tự do, kiên quyết bài trừ thị trường tự do không hợp pháp, vì đây là nhân tố tiêu cực ảnh hưởng xấu đến lao động và sản xuất, đến trật tự trị an, đến đạo đức xã hội. Nhà nước ta và nhân dân ta cần nghiêm khắc lên án và trừng trị bọn đầu cơ buôn lậu, bọn ăn cắp hàng hóa của Nhà nước... Mặt khác, phải bảo đảm quyền của người nông dân trong việc bán nông sản bình thường ở chợ nông thôn, sau khi đã làm nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Toàn bộ công tác chỉ đạo thực hiện của các cơ quan, các ngành, các cấp đều phải hướng vào giải quyết các vấn đề trên đây, giải quyết một cách tập trung, có trọng tâm, sao cho mọi cố gắng đều tập trung vào việc bảo đảm thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nhất của kế hoạch nhà nước. Phải tập trung phục vụ cơ sở xí nghiệp, hợp tác xã, giải quyết các khó khăn cụ thể để cơ sở hoạt động được bình thường. Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật và thực hiện kế hoạch nhà nước, phát huy tác dụng của pháp chế xã hội chủ nghĩa và hiệu lực của bộ máy nhà nước trong công cuộc xây dựng kinh tế và bảo đảm đời sống nhân dân.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Từ đầu năm đến nay, tiếp theo đợt vận động “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, qua phong trào lao động sản xuất, nhân dân miền Bắc đã có rất nhiều cố gắng trong việc phục vụ tiền tuyến và đạt những thành tích mới trong các mặt hoạt động sản xuất, xây dựng và tổ chức đời sống.
Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích lúa vụ đông - xuân đạt cao hơn năm ngoái, nhiều ruộng được ải, bèo hoa dâu được thả trên diện tích rộng. Ngô ruộng và dâu tằm phát triển tương đối khá. Trâu, bò, lợn được chăm sóc khá hơn. Nhà nước có nhiều cố gắng tập trung điện cho chống hạn, cung cấp phân bón hóa học cho nông nghiệp. Nhiều nơi đã làm tốt việc học tập và thi hành điều lệ mới của hợp tác xã, phát huy quyền làm chủ của nông dân xã viên, gây được khí thế mới trong sản xuất và đời sống, biểu hiện ở nền nếp sinh hoạt dân chủ và phong cách lao động mới; đông đảo xã viên và cán bộ hăng hái đẩy mạnh sản xuất. Hàng vạn cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh đã về nông thôn làm thủy lợi, tham gia sản xuất. Trong các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, phong trào lao động sản xuất được phát triển rộng rãi. Ngày công, giờ công có ích tăng lên rõ rệt. Nhiều mức năng suất lao động đạt được tiến bộ hơn trước. Nhiều sản phẩm mới được sản xuất thêm. Trong quý I năm nay, có nhiều sản phẩm tăng hơn cùng thời gian năm ngoái, trong đó đáng chú ý: than, điện, phân bón, giấy đạt và vượt kế hoạch quý, là một cố gắng lớn. Một số cơ sở cơ khí đã phục hồi, sửa chữa máy móc để nâng cao năng lực sản xuất, đã chuyển hướng sản xuất máy chuyên dùng cho các ngành, sản xuất thêm nhiều phụ tùng, máy móc, tham gia giúp đỡ các cơ sở khác sửa chữa thiết bị. Khối lượng xây dựng cơ bản đạt được tăng hơn quý I-1969; một khối lượng lớn đê điều đã được hoàn thành. Chúng ta đã chú trọng tập trung chỉ đạo xây dựng các công trình trọng điểm; nhiều công trình xây dựng cơ bản đã được hoàn thành đúng kế hoạch. Các ngành lưu thông phân phối có nhiều cố gắng phục vụ sản xuất, đã cải tiến một bước việc phân phối hàng tiêu dùng cho nhân dân. Việc ban hành và thi hành các chính sách mới về chăn nuôi, về nghĩa vụ và phân phối lương thực, về sản xuất thủ công nghiệp... đã góp phần động viên tinh thần phấn khởi của quần chúng trong lao động sản xuất.
Trong tình hình kinh tế sau chiến tranh, những thành tích trên đây đánh dấu sự cố gắng lớn và những tiến bộ quan trọng của nhân dân ta. Song, cũng trong đà tiến bộ chung ấy, còn có những mặt công tác chuyển chậm hoặc chưa đạt yêu cầu. Trong những tháng tới, trên đà phấn khởi và những thắng lợi đã đạt được, chúng ta phải tiếp tục phục vụ đầy đủ và kịp thời yêu cầu của tiền tuyến, mặt khác, tập trung sự chỉ đạo của các ngành, các cấp, chuyển biến nhanh những khâu then chốt trong nền kinh tế, vươn lên giành những thắng lợi mới, tiến lên thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1970, đồng thời tích cực chuẩn bị cho kế hoạch nhà nước năm 1971 và các năm sau.
Thu hoạch tốt vụ đông - xuân và bảo đảm kế hoạch vụ mùa là một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong thời gian tới. Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết, lúa trỗ và chín chậm hơn mọi năm, cho nên, đồng thời với việc thu hoạch lúa vụ đông - xuân, phải rất khẩn trương chuẩn bị làm mùa đúng thời vụ, nhất là làm đất, gieo mạ và cấy, để vụ mùa được cấy hết diện tích và đạt năng suất cao, bảo đảm kế hoạch sản xuất lương thực cả năm. Muốn vậy, các hợp tác xã phải có kế hoạch thật chu đáo, đặc biệt là phải quản lý lao động chặt chẽ để tận dụng lao động hiện có, tập trung được lực lượng trong lúc thời vụ khẩn trương. Phải tổ chức tốt việc khoán nhóm nhỏ từng việc, vận động xã viên đăng ký ngày công và giao việc cụ thể. Những khâu trọng yếu như xây dựng các công trình thủy nông, nạo vét kênh mương, nhất là hoàn thành sớm việc đắp đê, phòng, chống lũ lụt, cũng như việc cung cấp giống, phân bón, sức kéo... cần được chuẩn bị chu đáo. Mặt khác, cần đẩy mạnh các công tác chuẩn bị cho vụ đông - xuân 1970-1971 như quy vùng sản xuất, hoàn chỉnh thủy lợi, chuẩn bị phân, giống, mở rộng địa bàn dùng máy kéo, khai hoang...
Về công nghiệp, phải phấn đấu tích cực để mở rộng sản xuất thực phẩm và hàng tiêu dùng, đồng thời hoàn thành kế hoạch về điện, than, gỗ, vật liệu xây dựng, cơ khí,... tạo ra những điều kiện vật chất rất bức thiết để bảo đảm hoạt động của các ngành sản xuất và xây dựng. Đi đôi với việc sản xuất, phải giải quyết tốt quan hệ hợp đồng giữa các cơ sở sản xuất và tiêu thụ. Công tác cung ứng vật tư, vận tải, xây dựng cơ bản phải dồn sức vào các nhiệm vụ trọng tâm, các công trình trọng điểm, để phát huy tốt hơn nữa năng lực của các xí nghiệp sản xuất cũng như để bảo đảm tiến độ thi công của công trình xây dựng cơ bản, hoàn thành xây dựng và đưa vào sản xuất đúng theo kế hoạch.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Giai đoạn mới của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi miền Bắc phải vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, giải quyết tốt những vấn đề cấp bách trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của tiền tuyến lớn, đồng thời tích cực chuẩn bị cho bước phát triển mới của nền kinh tế trong những năm sau. Trước mắt chúng ta, mặc dầu còn nhiều khó khăn do nền kinh tế thấp, kém để lại và do hậu quả của chiến tranh gây nên, nhưng con đường tiến lên đã sáng tỏ. Những thắng lợi lớn ở miền Nam và những tiến bộ mới ở miền Bắc đang động viên cổ vũ chúng ta; những yêu cầu cấp bách về kinh tế và đời sống sau chiến tranh đang đòi hỏi chúng ta tiến lên mạnh mẽ. Nhân dân ta hãy nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tích cực thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, ra sức thi đua đẩy mạnh phong trào lao động sản xuất, tiến lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1970 và các năm sau, tăng cường lực lượng miền Bắc, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.