VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA III

(Do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày,
ngày 02-3-1971)

 

Kính thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng,

Thưa Đoàn chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Khóa thứ III của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ 1964 đến 1971) đã hoạt động trong một thời gian lịch sử rất oanh liệt của cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam ta. Khoá III bắt đầu với một bước ngoặt rất lớn của cuộc chiến tranh: đế quốc Mỹ, sau khi thấy rõ thất bại không thể cứu vãn được của cuộc chiến tranh "đặc biệt" ở miền Nam, đã chuyển sang một cuộc chiến tranh mới, cuộc chiến tranh của Mỹ cả ở miền Nam lẫn miền Bắc. Trải qua bốn năm từ năm 1965 đến đầu năm 1968, chúng ồ ạt đưa vào miền Nam một đội quân viễn chinh mạnh, quân số lên dần đến 550.000 tên, bao gồm những đơn vị thiện chiến nhất của nước Mỹ, trang bị đầy đủ nhất và hiện đại nhất, với một kinh phí chiến tranh khổng lồ bằng cả ngân sách một nước lớn cỡ nước Anh; cũng trong thời gian đó chúng ồ ạt dùng không quân và hải quân, dựa vào các căn cứ của chúng ở miền Nam nước ta và ở Thái Bình Dương, ở Nhật Bản, Philíppin, Thái Lan, liên tiếp đánh phá miền Bắc, không ngừng mở rộng diện đánh phá, cường độ và thủ đoạn đánh phá. Theo danh từ của bọn nghiên cứu chiến lược của Mỹ, người ta gọi cuộc chiến tranh này là "cục bộ", nghĩa là hạn chế. Kỳ thật đây là một cuộc chiến tranh lớn của nước Mỹ, cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ, đã huy động những lực lượng rất lớn của nước Mỹ, đã gây một cuộc khủng hoảng trầm trọng về nhiều mặt trong xã hội Mỹ và đã đem lại những thất bại ngày càng rõ rệt và nặng nề cho đế quốc Mỹ. Về mặt quốc tế, cuộc chiến tranh đó đâu có phải là "cục bộ", hạn chế: đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn nhằm mua chuộc, uy hiếp, ép buộc nhiều nước đồng minh và chư hầu của chúng tham gia cách này hay cách khác, trực tiếp hay gián tiếp vào cuộc chiến tranh; còn về phía ta thì vì tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược Mỹ, nên chúng ta đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ kiên quyết và mạnh mẽ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân thế giới kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Rõ ràng đế quốc Mỹ đã cố gắng hết sức để đánh và hòng thắng chúng ta. Từ năm 1965, mỗi năm đánh dấu một bước leo thang mới, nhưng mỗi bước leo thang mới đều vấp phải sự chống trả mạnh hơn sức tưởng tượng của chúng, buộc chúng leo thêm một bậc thang nữa cho đến mùa xuân năm 1968, mùa xuân Mậu Thân, mùa xuân kỳ diệu, con thú dữ đã choáng váng vì bị thương nặng! Ngay sau đó, ngày 31 tháng 3 năm 1968, Tổng thống Giônxơn tuyên bố chấm dứt việc tăng quân cho đội viễn chinh Mỹ ở Việt Nam, bắt đầu hạn chế diện đánh phá miền Bắc, và theo sáng kiến của ta tỏ ý muốn nói chuyện với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cuộc nói chuyện giữa đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đại diện của Chính phủ Mỹ đã dần dần được thực hiện ở Pari, và đến cuối năm 1968, sau khi chính phủ Mỹ cam kết chấm dứt không điều kiện việc ném bom trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã trở thành cuộc Hội nghị bốn bên với sự tham gia của đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng, sau này là đại biểu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những thắng lợi rất lớn đó của nhân dân ta chứng tỏ rõ ràng rằng cuộc chiến tranh gọi là "cục bộ" – thật ra là một cuộc chiến tranh lớn của nước Mỹ – về cơ bản đã thất bại.

Vì chiến tranh xâm lược Việt Nam, L.B.Giônxơn đã mất ghế tổng thống. Nhờ lừa bịp với luận điệu hoà bình ở Việt Nam mà R.Níchxơn đã thắng cử. Vậy hãy xem tổng thống Níchxơn đã
làm gì?

Những sự kiện của cuối năm 1968 làm cho dư luận quốc tế mong đợi một xu thế mới của cuộc chiến tranh; Mỹ xuống thang chiến tranh đi tới chấm dứt chiến tranh xâm lược và từ đó một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam sẽ xuất hiện.

Nhưng đế quốc Mỹ, với bản chất xâm lược và hiếu chiến, vẫn ngoan cố. Mặc dù, trong một chừng mực rất hạn chế, buộc phải chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, và trong một chừng mực rất hạn chế, phải rút quân, chủ yếu để giảm bớt gánh nặng của chiến tranh và xoa dịu dư luận, chúng cố gắng hết sức tìm cách kéo dài, tăng cường và mở rộng chiến tranh, hòng giành thắng lợi; thực hiện ảo mộng từ trước của đế quốc Mỹ: cố bám lấy miền Nam nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài nước ta, uy hiếp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ý đồ của chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" của R.Níchxơn là như vậy. Ngay buổi đầu chúng ta đã đoán trước sự thất bại tất yếu của chính sách miễn cưỡng và phiêu lưu này. Đã sa lầy mà còn cố sức vẫy vùng thì chỉ sa lầy thêm nữa và chuốc lấy những thất bại nặng nề hơn nữa!

Hai năm thử thách trên chiến trường đã chứng tỏ một cách hùng hồn rằng lời tiên đoán của chúng ta đương trở thành sự thật.

"Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam Việt Nam là kéo dài và tăng cường chiến tranh, chồng chất tội ác, nhất là trong kế hoạch gọi là "bình định" nông thôn; nhưng kết quả là chúng càng nung nấu thêm lòng căm thù và nâng cao thêm quyết tâm của nhân dân miền Nam nước ta đấu tranh chống lại chúng, và cái trò hề mà chúng cố sức dựng lên bằng những thủ đoạn đẫm máu, chỉ trong một đêm sẽ bị phá huỷ tan tành, đó là sự nhận xét của báo chí phương Tây. "Việt Nam hóa chiến tranh" còn là tăng cường đàn áp và bóc lột theo kiểu phát xít đến mức khủng khiếp trong vùng tạm bị chúng kiểm soát, nhất là ở các thành thị, nhằm tăng nhanh ngụy quân, củng cố ngụy quyền; nhưng kết quả là chúng càng động viên tinh thần yêu nước và ý chí quật khởi của hàng triệu quần chúng nhân dân ngay tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế và nhiều thành thị khác ở miền Nam, bao gồm các tầng lớp nhân dân đoàn kết thành một lực lượng ngày càng hùng hậu, vận dụng mọi hình thức đấu tranh ngày càng quyết liệt, đẩy chế độ Sài Gòn ngày càng lâm vào tình trạng nguy khốn, thối nát và bất lực hơn lúc nào hết, và ngày càng phụ thuộc vào bọn xâm lược Mỹ, trong lúc bọn này cũng trên đà suy yếu. Tóm lại, trong hai năm qua cuộc chiến đấu của đồng bào và chiến sĩ ta ở miền Nam, sau thắng lợi huy hoàng của Tết Mậu Thân, đã vững bước tiến tới, không ngừng phát triển lực lượng của mình, lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, và đã đánh vào chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh" của đế quốc Mỹ những đòn rất nặng và nhất định sẽ hoàn toàn đánh bại chính sách độc ác này.

Nhân dịp này, chúng ta thân ái gửi đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam anh hùng mối tình ruột thịt, Nam Bắc một nhà, không có giới tuyến nào ngăn cách được, luôn luôn đoàn kết một lòng, quyết kiên trì cuộc chiến đấu, vững bước tiến tới thắng lợi cuối cùng.

Để cứu vãn nguy cơ phá sản của chính sách "Việt Nam hóa chiến tranh" ở miền Nam nước ta, đế quốc Mỹ, thực hiện học thuyết Níchxơn, ngang nhiên tiến quân vào Campuchia, mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, biến Đông Dương thành một chiến trường. Ở đây cũng vậy, gieo gió thì gặp bão và bão táp cách mạng, bão táp của cuộc chiến tranh nhân dân đã dấy lên và đương tiến những bước rất nhanh, nhất là ở Campuchia. Phản ánh tình đoàn kết chiến đấu trên chiến trường của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương tháng 4 năm 1970 đã biểu thị quyết tâm sắt đá của nhân dân Đông Dương kề vai sát cánh, quyết đánh và quyết thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng toàn cõi Đông Dương.

Gần đây đế quốc Mỹ, sau một thời gian chuẩn bị đã mở một chiến dịch lớn ở gần khu phi quân sự (Việt Nam) và miền Nam nước Lào nhằm những mục tiêu rất mạo hiểm. Chúng ném vào đây những lực lượng rất mạnh của Mỹ và ngụy với tham vọng giành một thắng lợi lớn. Nhưng ngay từ đầu chúng đã bị đánh dồn dập, bị thua rất đau trên khắp chiến trường dọc đường số 9, từ Quảng Trị đến hạ Lào, và tổn thất của chúng sẽ ngày càng nặng, khó khăn của chúng trùng trùng điệp điệp như núi rừng hiểm trở ở vùng này. Chắc chắn chúng sẽ vấp phải ở đây những thất bại lớn và có ý nghĩa quan trọng.

Đến nay, sau 20 ngày chiến đấu liên tục và cực kỳ oanh liệt, và theo thống kê chưa đầy đủ, lực lượng vũ trang nhân dân Lào và của nhân dân Việt Nam đã thu được những thắng lợi rất lớn:

– Diệt trên năm nghìn tên địch trong đó có gần một nghìn tên Mỹ, bao gồm những đơn vị biệt động, dù, cơ giới bộ binh;

– Bắn rơi gần ba trăm máy bay, phần lớn là máy bay lên thẳng;

– Phá hủy trên hai trăm xe thiết giáp trong đó có gần một trăm xe tăng;

– Đánh chìm mười hai tầu;

– Phá hủy ba khu kho lớn;

Cuộc chiến đấu đương tiếp diễn và thắng lợi của nhân dân Lào anh em và của nhân dân ta trên chiến trường này nhất định sẽ càng to lớn hơn nữa.

Cái vòng luẩn quẩn của kế hoạch "Việt Nam hoá chiến tranh", con đường kéo dài và mở rộng chiến tranh, rõ ràng không đưa bọn xâm lược Mỹ đến chỗ thoát, trái lại càng đưa chúng đến những thất bại ngày càng lớn cho đến thất bại cuối cùng.

Trong báo cáo gửi Quốc hội Mỹ về chính sách đối ngoại của nước Mỹ, Tổng thống Níchxơn đã phơi bầy rõ rệt nhất, tập trung nhất những âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của ông ta đối với ba nước Đông Dương; Níchxơn nói muốn tìm kiếm hoà bình, nhưng sự thật là đang kéo dài, tăng cường và mở rộng chiến tranh ở Đông Dương, đe dọa tiến hành những bước phiêu lưu mới chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; Níchxơn nói kế hoạch "Việt Nam hoá chiến tranh" đang thắng lợi, nhưng sự thật là kế hoạch đó đã liên tiếp thất bại và nhất định sẽ phá sản hoàn toàn, việc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia và sang Lào không cứu vãn được chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh" mà còn sẽ đưa đế quốc Mỹ đến những thất bại nặng nề hơn nữa; Níchxơn nói muốn "thương lượng nghiêm chỉnh", nhưng sự thật là đế quốc Mỹ đương đẩy mạnh chiến tranh hòng khuất phục nhân dân Việt Nam ta, và chúng vẫn khước từ những đề nghị hợp lý, hợp tình của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam về một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam.

Với những thủ đoạn lừa gạt đó, chính quyền Níchxơn quyết không thể che giấu được bộ mặt cực kỳ ngoan cố và hiếu chiến của nó, và nhất định càng bị dư luận Mỹ và dư luận quốc tế cực lực lên án. Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội sẽ phát triển rộng rãi và mạnh mẽ hơn bao giờ hết và nhất định sẽ giành được những thắng lợi ngày càng to lớn.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước hiện nay, cũng như trước đây trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà con đẻ của Cách mạng tháng Tám, một nước xã hội chủ nghĩa, ngày càng lớn lên và hùng mạnh ngay trong khói lửa của một cuộc chiến tranh rất ác liệt. Ngày nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, luôn luôn là căn cứ địa vững chắc của sự nghiệp cách mạng cả nước, gắn bó mật thiết với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, với phong trào cách mạng và cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Đông Dương và nhân dân thế giới. Từ đó mọi người Việt Nam ta đều thấy rõ vị trí và tác dụng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong cuộc chiến đấu gian khổ, lâu dài và tất thắng của dân tộc Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Vì lẽ đó mà kẻ thù của chúng ta, mặc dù bao phen thất bại thảm hại, vẫn không từ bỏ âm mưu uy hiếp, đánh phá, xâm lược miền Bắc. Và chính vì lẽ đó mà chúng ta càng phải cảnh giác và sẵn sàng, nghĩa là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà của chúng ta phải lớn mạnh nhanh chóng hơn nữa về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, phải phát huy đầy đủ và mạnh mẽ hơn nữa tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa của miền Bắc, phải làm tốt hơn nữa nghĩa vụ thiêng liêng của miền Bắc đối với miền Nam, đồng thời sẵn sàng chiến đấu để đập tan mọi âm mưu và hành động của quân thù xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đóng góp phần lớn nhất của mình vào việc đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Muốn vậy, chúng ta phải ôn lại bài học lớn của những năm vừa qua, rút những kinh nghiệm quý báu trong thời gian oanh liệt chống chiến tranh phá hoại.

Chúng ta đã kịp thời và nhanh chóng chuyển toàn bộ sinh hoạt của miền Bắc từ thời bình sang thời chiến; chúng ta vừa đánh giặc để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vừa làm tròn nghĩa vụ của miền Bắc đối với miền Nam anh hùng, đồng thời chúng ta tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ vững và phát triển nền kinh tế quốc dân hợp với nhu cầu và khả năng của thời chiến, giữ vững đời sống bình thường của nhân dân. Kẻ thù ước mong đưa nước ta trở lại thời kỳ đồ đá, nhiều người ở nước ngoài lo ngại cho sự mất còn của chúng ta. Nhưng chúng ta đã vượt qua một cách rất vẻ vang cuộc thử thách ghê gớm đó, và đã giành được những thắng lợi to lớn và toàn diện: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mặc dù tàn phá của chiến tranh, của một khối lượng bom đạn lớn hơn bất cứ một cuộc chiến tranh nào trước đây, đã lớn mạnh hẳn lên, tiềm lực kinh tế và quốc phòng được tăng cường, chế độ xã hội chủ nghĩa đã chứng minh sức mạnh vô địch của nó, khối đoàn kết toàn dân càng được tôi luyện, người dân miền Bắc vẫn hiên ngang, lạc quan và tin tưởng. Hiện nay, trước tình hình và nhiệm vụ càng nặng nề và khẩn trương hơn trước, chúng ta càng phải phát huy những thắng lợi đã giành được, càng phải ra sức tăng cường sức chiến đấu, tăng cường tiềm lực quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân ở miền Bắc, tăng cường sự ủng hộ của miền Bắc đối với miền Nam và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu nhằm đập tan mọi hành động chiến tranh của quân thù chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; đồng thời chúng ta phải càng ra sức đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc về chính trị, kinh tế, văn hoá. Ở đây chúng ta có đường lối sáng suốt của Đảng và những kinh nghiệm quý báu của những năm qua. Ở đây thành tựu mà chúng ta đã thu được thật là to lớn, nhiều người nước ngoài cho là kỳ diệu, đúng như vậy và chúng ta phải thấy tất cả những gì chúng ta đã làm được trong hoàn cảnh vô cùng gian khổ để phấn khởi vươn lên phía trước; chúng ta thấy rất rõ lực lượng của quần chúng nhân dân là vô cùng, vô tận, và chủ nghĩa anh hùng cách mạng có thể làm nẩy nở những kỳ công mà bình thường không thể tưởng tượng được. Nhưng, một mặt khác, chúng ta cũng phải thấy rằng đáng lẽ chúng ta phải làm tốt hơn và hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn, bất cứ trong lĩnh vực nào của công việc của chúng ta, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế, trong lao động sản xuất, trong việc quản lý nền kinh tế quốc dân. Để làm tốt hơn nữa những nhiệm vụ rất quan trọng và khó khăn hiện nay, một điều rất cơ bản là mọi người chúng ta, toàn thể nhân dân miền Bắc nước ta phải vũ trang cho mình một cách sâu sắc và mạnh mẽ hơn nữa tinh thần cách mạng, ý chí đấu tranh kiên cường, quyết tâm sắt đá chiến đấu và chiến thắng trên mặt trận quân sự và kinh tế; từ đó mà quán triệt trong tư tưởng và hành động, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại hiện nay của nhân dân ta.

Trước hết đó là nghĩa vụ chiến đấu và chiến thắng xâm lược Mỹ bất cứ nơi nào trên đất nước ta, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng vượt mọi gian khổ hy sinh, chiến đấu quên mình vì miền Nam ruột thịt, vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa; đó là nghĩa vụ thiêng liêng nhất của chúng ta hiện nay, bao gồm nghĩa vụ tòng quân, nghĩa vụ tham gia các lực lượng vũ trang nhân dân, nghĩa vụ phục vụ chiến đấu. Nói chung, thanh niên trai tráng nước ta đã nêu tấm gương sáng về nghĩa vụ thiêng liêng này, và chúng ta phải tiếp tục giáo dục và đòi hỏi thanh niên trai tráng ta giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp đó. Bên cạnh nghĩa vụ chiến đấu chúng ta phải nêu cao nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đó đòi hỏi mọi người (có sức lao động) phải lao động với tất cả nhiệt tình và năng lực của mình, tham gia vào việc sản xuất ra của cải vật chất và văn hoá vì lợi ích của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như vì lợi ích của bản thân mình. Hồ Chủ tịch luôn luôn căn dặn mọi người chúng ta: mỗi người làm việc bằng hai, nghĩa là làm việc với năng suất lao động và hiệu quả kinh tế ngày càng cao, với tiêu hao vật chất ngày càng thấp, bằng cách tổ chức lao động hợp lý, có kỷ luật lao động chặt chẽ và những biện pháp kỹ thuật ngày càng tiên tiến. Phải làm tốt nghĩa vụ lao động để làm tốt nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, nghĩa vụ đóng góp một phần kết quả lao động của mình theo những quy định của Nhà nước, từ đó mà Nhà nước mới nắm được một cách tập trung một khối lượng sản phẩm xã hội ngày càng lớn để thỏa mãn những nhu cầu ngày càng tăng nhanh của việc chi viện tiền tuyến và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải thiện đời sống của nhân dân. Nghĩa vụ chiến đấu, nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước, đó là những nghĩa vụ mà mọi người chúng ta, mọi người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng thời là người chiến sĩ cách mạng phải làm tròn với tất cả nhiệt tình và ý thức của mình, với tinh thần trách nhiệm đầy đủ đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của nhân dân ta, đồng thời với ý thức chấp hành nghiêm túc chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Để động viên, sắp xếp, tổ chức mọi người làm đúng, làm tốt nghĩa vụ của mình, ở đây nhấn mạnh nghĩa vụ lao động, kèm theo sự động viên, sắp xếp và bố trí những phương tiện vật chất và phương tiện khác cần thiết cho người lao động; chúng ta phải tăng cường quản lý và đây là chức năng của Nhà nước. Đó là sự bố trí cân đối giữa lực lượng lao động bao gồm hàng triệu người hoạt động ở các ngành trong nền kinh tế quốc dân, trong toàn bộ sinh hoạt của xã hội, và lực lượng vật chất cần thiết cho sản xuất cùng với phương tiện tiêu dùng cần thiết cho đời sống, một sự cân đối vững chắc đồng thời có cơ động vì tình hình chiến tranh và vì phải phòng những biến đổi bất ngờ trong xu thế phát triển. Sự cân đối có ý nghĩa rất cơ bản này phải thể hiện trong kế hoạch của Nhà nước, công cụ chủ yếu của việc quản lý nền kinh tế quốc dân, quản lý lao động, quản lý sản xuất, quản lý phân phối, quản lý kỹ thuật. Mọi người chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ về sự cần thiết của một chế độ quản lý chặt chẽ theo yêu cầu của một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, đồng thời theo yêu cầu của chiến tranh. Trong thời gian trước đây vì phải thực hiện chuyển hướng nền kinh tế quốc dân từ thời bình sang thời chiến, chúng ta có buông lỏng quản lý. Bây giờ phải càng ra sức tăng cường và cải tiến việc quản lý nhằm sử dụng một cách hợp lý nhất lực lượng lao động dồi dào của nhân dân ta và lực lượng vật chất mà chúng ta còn để lãng phí khá nhiều: sử dụng một cách hợp lý nhất có nghĩa là kinh tế nhất, tiết kiệm nhất cả phương tiện sản xuất và phương tiện tiêu dùng, và từ đó mà không ngừng nâng cao năng suất lao động của xã hội, không ngừng tăng sản phẩm xã hội, tăng thu nhập quốc dân, tăng cường tiềm lực kinh tế của miền Bắc, cơ sở vững chắc của lực lượng chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ngày càng hùng hậu.

Theo tinh thần đó, từ năm 1969, chúng ta đã có những cố gắng lớn nhằm đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quản lý, và chúng ta đã thu được những kết quả bước đầu đầy hứa hẹn thể hiện rõ rệt trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970, và cái đà này chắc chắn sẽ được đẩy mạnh một cách toàn diện đúng với Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau đây tôi xin trình bày về những kết quả chủ yếu trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970:

Trên mặt trận kinh tế và văn hoá, trong năm 1970, chúng ta đã giành được những tiến bộ đáng phấn khởi. Việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970 đã đem lại nhiều kết quả tốt hơn các năm trước. Tình hình kinh tế miền Bắc có những chuyển biến quan trọng. Những tiến bộ và chuyển biến bước đầu đó đã tạo điều kiện thuận lợi và mở ra triển vọng tốt để đẩy mạnh phát triển kinh tế, phát triển văn hoá trong thời gian tới.

Sản xuất nông nghiệp năm 1970 ở hầu hết các địa phương đều tiến bộ. Hai vụ lúa đều khá. Các điển hình đạt năng suất và sản lượng cao đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh. Nhiều loại cây trồng như lạc, mía, thuốc lá, cói, bông… đều tăng cả diện tích, năng suất và sản lượng. Đàn lợn tiếp tục phát triển, đạt mức cao nhất từ trước đến nay: trọng lượng lợn giết thịt cũng có tăng.

Thắng lợi về sản xuất nông nghiệp năm 1970 là kết quả tổng hợp của những cố gắng về nhiều mặt; về biện pháp kỹ thuật: nhiều nơi đã tích cực sử dụng các giống lúa mới có năng suất cao, mở rộng diện tích cấy lúa xuân. Nhà nước cũng đã có nhiều cố gắng nhằm bảo đảm nước tưới và cung cấp thêm phân đạm. Ở nhiều hợp tác xã, nghị quyết phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng xã viên và điều lệ hợp tác xã được thi hành; một số lệch lạc trong công tác quản lý hợp tác xã đang được chấn chỉnh; một số chính sách, như chính sách ổn định nghĩa vụ lương thực và phân phối lương thực trong hợp tác xã, chính sách chăn nuôi, chính sách giá cả… được ban hành; tất cả những biện pháp trên đã động viên tinh thần phấn khởi lao động tập thể của quần chúng xã viên. Một số tỉnh, nhất là một số huyện, đã có nhiều cố gắng đi sâu hơn trong việc chỉ đạo các hợp tác xã, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.

Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp cũng có những chuyển biến tốt, nhất là sáu tháng cuối năm 1970. Nhiều sản phẩm chủ yếu đều đạt hoặc vượt mức kế hoạch. Nhiều xí nghiệp đã chấn chỉnh công tác quản lý, sắp xếp và ổn định dây chuyền sản xuất, tăng cường quản lý lao động, trả lương theo sản phẩm, đưa dần sản xuất đi vào nền nếp. Ngành điện nhờ có những cố gắng bền bỉ đang có những tiến bộ đáng khuyến khích, ngành than đang phấn đấu để vươn lên. Ngành cơ khí đang có đà tiến lên và mạnh dạn triển khai hoạt động. Sản lượng xi măng, gạch, ngói đều tăng. Các ngành sản xuất hàng tiêu dùng như giấy, dệt, chế biến thực phẩm đang phát triển đúng hướng. Về tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, mặt hàng phong phú hơn, dần dần thỏa mãn khá hơn nhu cầu tiêu dùng thông thường của nhân dân. Sản lượng và mặt hàng của công nghiệp địa phương đang tăng. Nhiều nơi đã chú ý hướng sản xuất công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp.

Ngành giao thông vận tải tiếp tục những cố gắng rất lớn nhằm bảo đảm nhu cầu cho tiền tuyến, đồng thời ra sức sắp xếp tổ chức và mạng lưới phục vụ tốt hơn cho sản xuất, xây dựng và đời sống của nhân dân.

Công tác xây dựng cơ bản đang có xu thế đi lên. Với sự cố gắng thực hiện đúng trình tự xây dựng, giao khoán khối lượng công trình theo định mức và trả lương theo sản phẩm, năng suất lao động ở nhiều công trường bắt đầu tăng lên. Một số công trình trọng điểm được tập trung chủ đạo, thực hiện được tiến độ thi công. Có công trình làm rất tốt, vượt mức kế hoạch.

Công tác thu mua và phân phối hàng hoá trong năm 1970 tiến bộ hơn các năm trước và đó cũng là một điều đáng phấn khởi vì ý nghĩa quan trọng của nó.

Các mặt quản lý tài chính, tín dụng, tiền tệ được tăng cường. Tình hình thị trường, hàng hoá, giá cả đang đi vào thế cân đối và ổn định. Tình hình này phản ánh xu thế phát triển vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Những cố gắng kể trên nhằm tăng cường quản lý sản xuất, quản lý lao động, quản lý phân phối đã có tác dụng tích cực thúc đẩy phong trào lao động sản xuất, động viên quần chúng đẩy mạnh sản xuất và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước. Qua phong trào lao động sản xuất, ý thức lao động và kỷ luật lao động của quần chúng được tăng cường, tinh thần trách nhiệm của mọi người có tiến bộ hơn. Nhờ vậy, năng suất lao động và hiệu quả sản xuất trong nhiều ngành bắt đầu tăng lên, nhiều xí nghiệp đang phấn đấu đạt và vượt năng suất lao động trước chiến tranh, giảm mức tiêu hao vật chất và hạ giá thành sản phẩm, tăng tích luỹ.

Trên mặt trận văn hoá, giáo dục, y tế, đào tạo cán bộ năm 1970 tiếp tục ghi những thành tích mới. Các trường đại học, các trường phổ thông đang phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Các công tác văn hoá, văn nghệ, thông tin, báo chí, xuất bản đang có nhiều cố gắng và nói chung đều có tiến bộ. Ngành y tế đã tích cực đẩy mạnh phong trào vệ sinh phòng bệnh, phòng dịch, mở rộng mạng lưới bệnh viện, bệnh xá, nhà điều dưỡng.

Thắng lợi về việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970 chỉ là bước đầu, nhưng có ý nghĩa lớn. Gắn liền với những thắng lợi rất to lớn trong những năm chống chiến tranh phá hoại, những tiến bộ của chúng ta trong năm qua chứng minh rất rõ sức mạnh vĩ đại của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và lực lượng cách mạng hùng hậu của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta. Đó cũng là thắng lợi của tình hữu nghị chiến đấu giữa nhân dân ta và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay của cả nước và của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Hội nghị lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhấn mạnh nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta và đề ra những phương hướng công tác kinh tế trong thời gian trước mắt: phải tập trung lực lượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời ra sức đẩy mạnh sản xuất một số ngành công nghiệp nặng chủ chốt, đẩy mạnh xây dựng cơ bản, ra sức tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế, bảo đảm tăng nhanh sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân, cố gắng từng bước giải quyết tốt hơn các vấn đề ăn, mặc, ở, học tập và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, đồng thời ra sức tạo nguồn hàng xuất khẩu ngày càng lớn, đưa nền kinh tế quốc dân đi vào thế cân đối, phát triển một cách mạnh mẽ và vững chắc với tốc độ nhanh.

Căn cứ Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trên cơ sở những thành tựu đạt được trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước 1970, kế hoạch nhà nước 1971 nhằm những mục tiêu phấn đấu sau đây:

– Tập trung lực lượng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng thâm canh, chuyên canh, đi dần lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, có sản lượng hàng hoá cao, trong đó có phần ngày càng lớn cho xuất khẩu. Nhiệm vụ cấp bách của nông nghiệp là giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, phát triển cây công nghiệp và đưa nhanh chăn nuôi lên thành một ngành lớn. Từng bước chuyên môn hoá sản xuất ở đồng bằng, đồng thời mở rộng những vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi. Cải tiến hệ thống quản lý nông nghiệp, chú trọng quản lý tốt hợp tác xã. Coi trọng việc tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp trên cơ sở phân vùng và chuyên canh.

– Về công nghiệp, ra sức phấn đấu tăng sản lượng than, điện. Tăng cường và phát huy khả năng của ngành cơ khí. Đẩy mạnh khai thác và chế biến gỗ. Phát triển sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Tích cực giải quyết yêu cầu về vôi và phân bón cho nông nghiệp. Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng; tăng sản lượng cá biển; hết sức chú trọng khai thác khả năng to lớn của tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

– Bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, cho khôi phục và phát triển kinh tế. Tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật, tăng cường công tác tổ chức và quản lý của ngành giao thông vận tải để phục vụ tốt chiến đấu, sản xuất, xây dựng và dân sinh.

– Xây dựng cơ bản là một trong những khâu rất quan trọng của nền kinh tế quốc dân đang khôi phục và phát triển. Phải tạo mọi điều kiện nhằm đẩy nhanh và mở rộng xây dựng cơ bản, tăng nhanh lực lượng sản xuất của các ngành kinh tế quốc dân, đồng thời cố gắng thoả mãn từng bước nhu cầu thiết yếu về đời sống của nhân dân, nhất là về nhà ở, nước dùng ở các khu công nghiệp, thành phố.

– Ra sức tạo nguồn hàng để tăng xuất khẩu, trước mắt và
lâu dài.

– Phân bổ và sử dụng hợp lý lực lượng lao động xã hội. Nêu cao nghĩa vụ lao động sản xuất của mọi công dân. Nắm vững nguyên tắc phân phối theo lao động, động viên mọi người làm hết sức mình, làm việc với năng suất lao động ngày càng cao và chất lượng sản phẩm ngày càng tốt với giá thành ngày càng hạ. Động viên phong trào lao động sản xuất và tiết kiệm rộng rãi, mạnh mẽ và bền vững. Bồi dưỡng lực lượng cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, và đội ngũ công nhân ngày càng chuyên và tinh nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và sau này của nền kinh tế quốc dân. Để làm được những việc trên đây phải ra sức phát triển khoa học và kỹ thuật, đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật, việc ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, phát huy sức sáng tạo của cán bộ và quần chúng lao động trong việc cải tiến kỹ thuật trong mọi ngành, nhất là ở cơ sở.

– Trên cơ sở phấn đấu phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông, tăng năng suất lao động xã hội, giảm tiêu hao vật chất trong sản xuất, hạ giá thành và phí lưu thông, ra sức nâng cao mức tích luỹ trong nước, tăng nguồn thu cho Nhà nước. Quản lý chặt chẽ thu và chi, ra sức tăng thu, ra sức tiết kiệm chi; ra sức tăng nhanh quỹ tích luỹ để thực hiện tái sản xuất mở rộng ở các ngành và các địa phương, từ cơ sở đến Trung ương.

– Coi trọng việc tổ chức đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân; chăm lo bồi dưỡng sức dân; cải tiến các tổ chức phục vụ về ăn; cố gắng hết sức về các mặt: may mặc, nhà ở, đi lại, học tập, sức khoẻ… làm tốt các công tác bảo hộ lao động, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, vận động thể dục, thể thao, hoạt động văn hoá và nghệ thuật…

Trên đây là mấy nét lớn về việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1970 và về nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước 1971. Báo
cáo đầy đủ sẽ do Chính phủ trình bày trước Quốc hội trong thời gian tới.

Thực hiện kế hoạch nhà nước 1971 là một cuộc đấu tranh cách mạng, đòi hỏi một sự động viên sâu rộng hàng triệu quần chúng nhân dân miền Bắc nước ta, đòi hỏi tổ chức và lãnh đạo một phong trào thi đua yêu nước sôi nổi và liên tục: phong trào chiến đấu, sản xuất và tiết kiệm, nhằm phát huy đến mức cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta.

Thực hiện kế hoạch nhà nước 1971 đòi hỏi một chế độ quản lý chặt chẽ và tinh vi, đòi hỏi tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, nêu cao chức năng của Nhà nước chuyên chính vô sản trong việc quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và đời sống của nhân dân.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thực hiện kế hoạch nhà nước 1971 là tiến lên giành những thắng lợi mới càng to lớn hơn nữa cho toàn bộ sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam ta.

Thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng,

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Chúng ta rất vui mừng và phấn khởi trước những thắng lợi rất to lớn của dân tộc Việt Nam ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước trong đó có những thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Chúng ta càng vui mừng và phấn khởi vì chúng ta nhìn thấy một cách sáng tỏ những nhân tố đưa đến những thắng lợi càng to lớn hơn nữa trong cuộc đấu tranh cách mạng sắp tới của chúng ta, những nhân tố có tác dụng đẩy mạnh hơn nữa việc tăng cường sức mạnh về mọi mặt của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, sức mạnh chính trị, sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế, phát huy đến mức cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đồng thời làm tốt hơn nữa nghĩa vụ quốc tế của chúng ta đối với nhân dân hai nước láng giềng anh em Lào và Campuchia, cùng nhau đoàn kết, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau thắng lợi, đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai.

Nhân dân Việt Nam ta rất thiết tha với hoà bình, một nền hoà bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhưng, trước những âm mưu xảo quyệt, và thái độ cực kỳ ngoan cố của đế quốc Mỹ, toàn thể dân tộc Việt Nam ta càng nêu cao ý chí quyết chiến và quyết thắng, kiên trì và đẩy mạnh cuộc chiến đấu trên ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, càng đánh, càng thắng, càng lớn mạnh, càng sung sức, càng giành những thắng lợi huy hoàng nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tiến tới thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.

Trong quá trình chiến đấu và chiến thắng, chúng ta luôn luôn nhớ tới nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em, và nhân dân khắp bốn biển năm châu đã luôn luôn đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ kiên quyết và mạnh mẽ cuộc chiến đấu chính nghĩa và tất thắng của nhân dân ta. Hiện nay, đáp lại chính sách tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương của đế quốc Mỹ, sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ này lại càng kiên quyết và mạnh mẽ. Nhân dân Việt Nam ta xin bày tỏ ở đây lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của mình đối với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ, những người bạn chiến đấu của chúng ta.

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội, mọi người chúng ta mãi mãi ghi nhớ những điều căn dặn của Hồ Chủ tịch trong lời Di chúc của Người, lời thề của tất cả chúng ta:

"Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Còn non, còn nước, còn người,

Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to – là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc".

Toàn thể dân tộc Việt Nam ta nhất định sẽ thực hiện lời Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, ý nguyện khát khao của non sông Tổ quốc, của đồng bào và chiến sĩ đã khuất và của hàng triệu, hàng triệu người đang chiến đấu và sẽ chiến thắng!

Nhân dân Việt Nam ta nhất định thắng!

Nhân dân ba nước Đông Dương nhất định thắng!

Đế quốc xâm lược Mỹ nhất định thua!
 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.