VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

TỜ TRÌNH CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
VỀ VẤN ĐỀ LƯU NHIỆM ĐẠI BIỂU MIỀN NAM
TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ III

(Do ông Tôn Quang Phiệt, Tổng Thư ký
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày, ngày 02-3-1971)

 

Ngày 31 tháng 12 năm 1959, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa I đã quyết định:

Kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu Quốc hội đã được nhân dân miền Nam bầu ra ngày 06 tháng 01 năm 1946, cho đến khi có nghị quyết mới.

Việc Quốc hội quyết định kéo dài nhiệm kỳ của các đại biểu miền Nam có ý nghĩa chính trị và tác dụng thực tế rất lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Quyết định này nói lên ý chí sắt đá và nguyện vọng tha thiết của nhân dân ta kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước và cũng nói lên sự tín nhiệm của Quốc hội đối với những đại biểu được nhân dân miền Nam trực tiếp bầu ra.

Từ khi tập kết ra Bắc, trong Quốc hội khóa II và khóa III, cũng như trên cương vị công tác khác của mình, các đại biểu miền Nam, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, đem nhiệt tình cách mạng của mình góp phần xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Các đại biểu miền Nam đã luôn luôn tỏ ra xứng đáng với sự ủy thác của đồng bào miền Nam và sự tín nhiệm của đồng bào cả nước.

Hiện nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn và cách mạng miền Nam đã có những bước phát triển mới.

Ngày 06 tháng 6 năm 1969, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn bên cạnh Chính phủ.

Ngày 12 tháng 6 năm 1969, trong lời tuyên bố của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chào mừng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, có đoạn viết: Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, đánh dấu một bước phát triển mới và tất yếu của cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam. Việc Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam họp với sự có mặt đông đủ đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, của Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình miền Nam Việt Nam, của các chính đảng, các đoàn thể, các dân tộc, các tôn giáo, các lực lượng kháng chiến và các nhân sĩ yêu nước ở miền Nam, của kiều bào ở ngoài nước, đã thể hiện rõ rệt tính chất đại diện đầy đủ nhất và cao nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Hiện nay, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được hơn 20 nước trên thế giới công nhận và là một trong bốn bên đang dự Hội nghị Pari về Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã chính thức lập cơ quan đại diện của mình tại Hà Nội.

Vì tình hình như vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc tiếp tục lưu nhiệm các đại biểu miền Nam trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là không phù hợp nữa. Nhân dịp chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa IV, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội xét thôi việc lưu nhiệm các đại biểu Quốc hội do nhân dân miền Nam bầu ra từ đầu năm 1946.

Xin đính theo đây Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.