CHƯƠNG III

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
VÀ HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC (1981 - 1992)

 

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên cả nước hoàn toàn độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội. Tháng 12-1980, tại kỳ họp thứ 7 (từ ngày 11 đến ngày 26-12-1980), Quốc hội khóa VI đã thảo luận, thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hiến pháp 1980.

Theo Điều 98 của Hiến pháp 1980, “Hội đồng Nhà nước là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, là Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội đồng Nhà nước thực hiện những nhiệm vụ và sử dụng những quyền hạn được Hiến pháp, các luật và nghị quyết của Quốc hội giao cho, quyết định những vấn đề quan trọng về xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, giám sát việc thi hành Hiến pháp, các luật, pháp lệnh và nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng Nhà nước, giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước”. Như vậy, Hội đồng Nhà nước là cơ quan thường trực của Quốc hội. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, đòi hỏi cơ quan giúp việc của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước phải đổi mới về tổ chức và hoạt động.

 

I. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA VĂN PHÒNG
QUỐC HỘI VÀ HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC (1981 - 1986)

 

1. Quá trình thành lập và cơ cấu tổ chức

Giữa năm 1981, trong bối cảnh đất nước đang gặp khó khăn về kinh tế, xã hội, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá VII đã được tổ chức thành công. Ngày 3-7-1981, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Điều 56 của Luật quy định: Hội đồng Nhà nước tổ chức Văn phòng để giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Để có cơ sở pháp lý quy định chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng, ngày 6-7-1981, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Điều 1 của Nghị quyết nêu rõ: “Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là cơ quan giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, có trách nhiệm phục vụ mọi hoạt động của Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Hội đồng và Ủy ban Quốc hội”.

Theo tinh thần của Nghị quyết 01NQ-HĐNN7, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước vừa là cơ quan tham mưu, phục vụ Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, vừa quản lý công tác tổ chức của Văn phòng. Thực hiện chức năng này, Nghị quyết xác định Văn phòng có 15 nhiệm vụ, quyền hạn như: nghiên cứu, xây dựng chương trình và tổ chức, phục vụ các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước; nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tiến hành công tác lập pháp; nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát công tác của Hội đồng Bộ trưởng, của Tòa án nhân dân tối cao và của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Quốc hội xét và quyết định kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, vấn đề đặc xá, vấn đề chiến tranh và hòa bình; nghiên cứu, tổ chức và phục vụ Hội đồng Nhà nước xét và quyết định việc thành lập hoặc bãi bỏ các bộ, các Ủy ban Nhà nước, cử và bãi miễn các chức vụ lãnh đạo Nhà nước; xét và quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước, quy định hàm và cấp quân sự, ngoại giao và những hàm cấp khác; nghiên cứu chế độ làm việc của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các Hội đồng và Ủy ban của Quốc hội; quản lý công tác hành chính của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước…[1]

Để thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giao, Văn phòng đã xây dựng đề án kiện toàn lại cơ cấu cho phù hợp với yêu cầu thực tế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, bổ sung, tăng cường cán bộ cho các bộ phận công tác, đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cả về lý luận chính trị, cả về nghiệp vụ chuyên môn.

Nghị quyết 01 NQ/HĐNN7 còn quy định Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đặt dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Công việc của Văn phòng do Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách, giúp việc Chủ nhiệm Văn phòng có một hay nhiều Phó Chủ nhiệm Văn phòng. Chủ nhiệm Văn phòng do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng và Vụ trưởng do Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm.

Về lãnh đạo Văn phòng, căn cứ vào Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 02 QĐ/HĐNN7 ngày 6-7-1981 về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Việt Dũng làm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Ông Lê Trang, nguyên Vụ trưởng Vụ châu Âu I, Vụ trưởng Vụ Liên Xô, Bộ Ngoại giao được Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ tháng 10-1981 để phụ trách công tác đối ngoại của Văn phòng.

Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng, theo Nghị quyết số 01 NQ/HĐNN7, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được tổ chức gồm 8 đơn vị cấp vụ và 1 đơn vị cấp phòng. Để thực hiện trách nhiệm là cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, ngày 10-10-1984, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quy chế công tác của Văn phòng, trong đó quy định trách nhiệm của cán bộ, nhân viên cũng như chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị trong Văn phòng.

 Vụ Pháp luật được đổi tên từ Vụ Pháp chính do ông Nguyễn Huy Thúc, Ủy viên thư ký Ủy ban Pháp luật kiêm Vụ trưởng[2]. Nhiệm vụ của Vụ là nghiên cứu, tổ chức phục vụ các hoạt động lập pháp của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; phối hợp với các vụ trong Văn phòng nghiên cứu, tổ chức phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền giám sát việc thực thi Hiến pháp và pháp luật; phục vụ hoạt động của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nghiên cứu, phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giám sát công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; nghiên cứu, phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước trong việc xét đặc xá, đại xá; phục vụ Hội đồng Nhà nước trong việc phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định quốc tế.

Vụ Hội đồng và các Ủy ban được tách từ Vụ Dân chính, do ông Trần Minh Việt làm Vụ trưởng. Khi mới thành lập, Vụ chỉ có 3 cán bộ nhưng sau này có lúc lên tới 19 người. Vụ có nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức phục vụ Quốc hội thực hiện quyền quyết định về kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước; nghiên cứu, tổ chức phục vụ Quốc hội và Hội đồng nhà nước thực hiện quyền giám sát việc thực hiện kế hoạch nhà nước, ngân sách nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật…; nghiên cứu, tổ chức phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội (trừ Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Đối ngoại) trong việc thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; theo dõi một số vấn đề về tổ chức, nhân sự của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban; phục vụ Chủ tịch Quốc hội trong việc điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội; phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội trong việc trình hoặc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc phạm vi trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực.

 Vụ Hoạt động đại biểu dân cử được thành lập trên cơ sở chia tách từ Vụ Dân chính, do ông Trần Minh Đạo làm Vụ trưởng. Vụ có nhiệm vụ phục vụ Hội đồng Nhà nước chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội và giám sát việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; theo dõi một số vấn đề về tổ chức, nhân sự của đại biểu Quốc hội; phục vụ Hội đồng Nhà nước trong việc theo dõi, hướng dẫn thực hiện Quy chế về đại biểu Quốc hội, trong việc nghiên cứu tổ chức, điều hành các kỳ họp của Quốc hội, hướng dẫn hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội, quản lý hồ sơ nhân sự về đại biểu Quốc hội; nghiên cứu, phục vụ Hội đồng Nhà nước trong việc theo dõi, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước trong việc quyết định phân vạch địa giới của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính tương đương.

 Vụ Dân nguyện được đổi tên từ Vụ Xét khiếu tố và Dân nguyện, do ông Hoàng Tuấn làm Vụ trưởng. Nhiệm vụ của Vụ là nghiên cứu, tổ chức việc phục vụ các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tiếp dân; tổ chức công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng, kiến nghị lên Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; nghiên cứu, tổ chức việc chuyển các đơn khiếu nại và thư dân nguyện của công dân gửi Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tới các ngành, các cấp, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, đề xuất ý kiến, theo dõi và đôn đốc việc giải quyết; báo cáo tình hình và kết quả lên Hội đồng Nhà nước; định kỳ hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm báo cáo tổng hợp tình hình về đơn, thư, đề ra kiến nghị trình Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội trong việc giám sát thi hành Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; theo dõi và báo cáo về thư khiếu tố đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Vụ Đối ngoại được phát triển trên cơ sở Phòng Đối ngoại thuộc Vụ Hành chính - Quản trị, do ông Trần Quán phụ trách. Sau năm 1981, khi ông Trần Quán chuyển công tác sang Ban Cán sự Đảng ngoài nước, bà Nguyễn Thị Linh Quy được điều về giữ chức quyền Vụ trưởng kiêm Thư ký Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội[3].

Vụ Đối ngoại có nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức việc phục vụ các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội; phối hợp với các bộ phận hữu quan của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao làm đề án về việc cử các đoàn của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước ra nước ngoài và tổ chức việc đón tiếp các đoàn nước ngoài vào thăm nước ta; tham gia xây dựng, quản lý các văn kiện đối ngoại của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; phục vụ việc nhận thư ủy nhiệm của đại sứ nước ngoài; làm thủ tục về việc bổ nhiệm đại sứ nước ta tại nước ngoài; phục vụ Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội tham dự các lễ tiết ngoại giao, tiếp khách nước ngoài; quản lý mảng thông tin báo chí về công tác trên; nghiên cứu, phục vụ hoạt động của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và đại biểu Quốc hội Việt Nam trong Liên minh Quốc hội; phối hợp với Vụ Pháp luật trong việc nghiên cứu, phục vụ Quốc hội, Hội đồng Nhà nước phê chuẩn các hiệp ước, hiệp định quốc tế; quản lý và thực hiện các quan hệ giao dịch giữa Văn phòng với các Đại sứ quán, cơ quan nước ngoài tại Việt Nam.

 Vụ Tổ chức - Cán bộ do ông Tạ Xuân Đường làm Vụ trưởng. Nhiệm vụ của Vụ là quản lý công tác tổ chức, xây dựng bộ máy làm việc; nghiên cứu việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, sử dụng và đề bạt cán bộ, quản lý kế hoạch lao động và tiền lương; quản lý quân dự bị và thực hiện kế hoạch động viên quân sự của Văn phòng; nghiên cứu tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công nhân, viên chức; làm công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ đội ngũ cán bộ của Văn phòng theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức Trung ương; cùng các vụ hữu quan nghiên cứu, phục vụ Hội đồng Nhà nước thực hiện việc quản lý về tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Vụ Hành chính - Tổng hợp do ông Lê Thế Chữ làm Vụ trưởng. Nhiệm vụ của Vụ là nghiên cứu, dự thảo chương trình làm việc của các phiên họp Hội đồng Nhà nước, chương trình của các kỳ họp Quốc hội, chương trình công tác của Văn phòng; theo dõi, đôn đốc các vụ, phòng và các cơ quan hữu quan thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các chương trình công tác của Văn phòng, chuẩn bị các báo cáo, đề án, các bản dự thảo khác trình Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; dự thảo các báo cáo của Hội đồng Nhà nước và của Văn phòng gửi lên cấp trên, các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác của Văn phòng; cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; làm các thủ tục để Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quyết định các vấn đề về tổ chức và nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; làm các thủ tục để Hội đồng Nhà nước quyết định việc khen thưởng huân chương và các danh hiệu vinh dự khác của Nhà nước; quản lý thống nhất các văn bản của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; phục vụ công tác xuất bản văn kiện của các kỳ họp Quốc hội, Tập san Thông tin Quốc hội; quản lý công tác văn thư, đánh máy, lưu trữ tư liệu và thư viện; liên hệ và phối hợp với các bộ phận hữu quan thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan khác để phục vụ công tác của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Vụ Quản trị - Tài vụ do ông Phạm Năng Khiêm làm Vụ trưởng. Nhiệm vụ của Vụ là nghiên cứu, tổ chức việc phục vụ những yêu cầu về vật chất - kỹ thuật cho hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, các Ủy ban Thường trực của Quốc hội và hoạt động của Văn phòng; nghiên cứu, lập và quyết toán ngân sách của cơ quan, tổ chức thực hiện, quản lý ngân sách của cơ quan theo đúng chế độ, tiêu chuẩn của nhà nước; quản lý và có kế hoạch thực hiện việc xây dựng, sửa chữa trụ sở làm việc, Nhà khách Phủ Chủ tịch, nhà khách của Văn phòng, nhà tập thể của cơ quan, nhà ở của các đồng chí lãnh đạo và nhà ở của cán bộ, nhân viên do cơ quan quản lý; quản lý toàn bộ tài sản, các trang, thiết bị phục vụ công tác và sinh hoạt của cơ quan.

Phòng Bảo vệ lúc mới thành lập do ông Phạm Năng Khiêm làm Trưởng phòng. Đầu năm 1981, sau khi ông Phạm Năng Khiêm chuyển công tác về Vụ Quản trị - Tài vụ, ông Bùi Việt Chiến, nguyên sĩ quan Trung đoàn 600 thuộc Bộ Tư lệnh cảnh vệ được điều về làm Phó Trưởng phòng. Từ tháng 1-1984 đến tháng 5-1984, Chủ nhiệm Văn phòng đã chỉ định ông Phan Văn Đỉnh, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ kiêm nhiệm phụ trách Phòng Bảo vệ. Từ tháng 5-1984, ông Nguyễn Ngọc Tiên được điều động từ Binh đoàn 32 thuộc đơn vị bảo vệ các cơ quan Trung ương về phụ trách phòng, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng phòng. Nhiệm vụ của Phòng vẫn theo quy định trước đây.

Phòng Liên lạc của Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh được đổi tên thành Phòng Liên lạc của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước theo quyết định số 617/VT/TCCB ngày 7-11-1981 của Chủ nhiệm Văn phòng. Trụ sở của Phòng vẫn được đặt tại số 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Về chỉ tiêu biên chế của Phòng theo quyết định là 10 người, nhưng thực tế chỉ có 8 cán bộ, nhân viên. Trưởng phòng là ông Trương Quang Phái[4]. Vì biên chế ít, nên Phòng Liên lạc chưa tổ chức ra các bộ phận chuyên môn, công việc được giao cho từng cá nhân phụ trách. Nhiệm vụ của Phòng là tổ chức việc đưa đón các đại biểu Quốc hội ở các tỉnh và thành phố phía Nam ra Thủ đô họp; phục vụ các đoàn của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thường trực của Quốc hội, lãnh đạo và cán bộ của Văn phòng vào công tác ở các tỉnh phía Nam; tham gia phục vụ hoạt động của các đoàn nghị sĩ Quốc hội nước ngoài đến thăm và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; liên hệ với các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về những công việc thuộc chức năng của Phòng; quản lý cán bộ, nhân viên, quản lý tài liệu, tài sản, tài chính và bảo đảm an toàn của Phòng Liên lạc.

Để phục vụ tốt các nhiệm vụ nói trên, Phòng Liên lạc đã duy trì quan hệ chặt chẽ với Nhà khách T78 của Văn phòng Trung ương Đảng, Nhà khách Tao Đàn của Văn phòng Chính phủ, Nhà khách Võ Văn Tần của Bộ Quốc phòng và Nhà khách Lý Thái Tổ của Sở Ngoại vụ tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời giữ quan hệ chặt chẽ với các đội xe của cơ quan Chính phủ, cơ quan Trung ương, lãnh đạo sân bay, Cục Bảo vệ thuộc Bộ Nội vụ và Phòng Cảnh sát giao thông ở khu vực phía Nam.

Ngày 10-7-1982, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 725VP/TCCB về việc tách bộ phận Nhà khách Phủ Chủ tịch thuộc Vụ Hành chính - Tổng hợp thành đơn vị trực thuộc sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước[5]. Phụ trách Nhà khách Phủ Chủ tịch là ông Trần Văn Vượng. Nhiệm vụ của Nhà khách là phối hợp với các vụ, phòng trong Văn phòng và các cơ quan hữu quan để phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đón tiếp các đoàn khách nước ngoài đến thăm nước ta, đón và tiễn các đoàn cấp cao của ta đi thăm nước ngoài và phục vụ các hoạt động lễ tiết khác tại Phủ Chủ tịch; phục vụ các phiên họp của Hội đồng Nhà nước; quản lý cơ sở vật chất - kỹ thuật của Nhà khách, phối hợp với các đơn vị vũ trang và an ninh bảo vệ an toàn các hoạt động tại Nhà khách.

Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ nhiệm Văn phòng chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động của Văn phòng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước về việc nghiên cứu, tổ chức, chỉ đạo bộ máy của Văn phòng, thực hiện sự phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan khác đối với các công tác có liên quan.

Về biên chế, theo yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi phải tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ. Sau khi kiện toàn về tổ chức, Văn phòng đã chú trọng đến công tác tuyển dụng cán bộ để bổ sung cho các vụ, đơn vị. Nguồn tuyển dụng chủ yếu là từ quân đội và các trường đại học. Tính đến năm 1981, tổng số cán bộ, nhân viên của Văn phòng là 141 người, trong đó số có trình độ trên đại học và trình độ đại học chiếm tỷ lệ 30%, số có trình độ cao cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 15,6%[6].

 Nhìn chung, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Văn phòng trong những năm 1981 - 1986 đã được kiện toàn và bước đầu có sự đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng công tác phục vụ các hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

2. Hoạt động trong giai đoạn 1981-1986

Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là yêu cầu cấp thiết để nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Điều đó đòi hỏi phải khẩn trương xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh từng bước hệ thống pháp luật.

 Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được xác định, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội trên các lĩnh vực công tác sau đây:

2.1. Phục vụ công tác lập pháp

 Nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp mới - Hiến pháp 1980, Văn phòng chủ động bàn với các cơ quan hữu quan của Hội đồng Bộ trưởng chuẩn bị chương trình xây dựng pháp luật hàng năm. Sau khi được Hội đồng Nhà nước thông qua, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh và tích cực đôn đốc các cơ quan thực hiện chương trình đã đề ra. Với tinh thần, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, giúp việc Hội đồng Nhà nước, Văn phòng chủ động nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào các dự án và tổ chức để các đồng chí lãnh đạo nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo đối với việc xây dựng và chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh.

Để phát huy vai trò của các Ủy ban Thường trực của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, Văn phòng đã đề xuất với Hội đồng Nhà nước về việc cải tiến cách thức tham gia của các Ủy ban vào việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh. Sau nhiều lần trao đổi, đề xuất của Văn phòng đã được chấp nhận và đưa vào Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Quy chế xác định nguyên tắc: các dự án luật, pháp lệnh thuộc lĩnh vực của Hội đồng hay Ủy ban nào là do Hội đồng, Ủy ban đó chủ trì, thẩm tra, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật là phải giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, kỹ thuật pháp lý và tính nhất quán của các dự án luật, pháp lệnh. Như vậy, không chỉ Ủy ban Pháp luật mà các Ủy ban khác của Quốc hội đều có trách nhiệm tham gia công tác xây dựng pháp luật.

Căn cứ vào chương trình xây dựng pháp luật hàng năm, Văn phòng đã cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua các dự án luật, pháp lệnh. Đối với những dự án luật, pháp lệnh đã ghi trong chương trình tuy chưa trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước xem xét nhưng Văn phòng cũng đã tổ chức nghiên cứu, góp ý kiến chỉnh lý nhiều lần. Đồng thời, Văn phòng còn phục vụ Ủy ban Pháp luật tổ chức các cuộc họp để thẩm tra sơ bộ; tổ chức phục vụ nhiều cuộc họp của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước với các cơ quan có liên quan để cho ý kiến, chỉnh lý đối với một số pháp lệnh như: Pháp lệnh Trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép; Pháp lệnh về Thuế nông nghiệp; Pháp lệnh về việc Phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền ngân hàng cũ… Bộ luật Hình sự là một bộ luật lớn gồm trên 300 điều, Quốc hội không thể thông qua trong một kỳ họp. Văn phòng đã tham mưu để Hội đồng Nhà nước đề nghị Quốc hội cho phép trình tự xét và thông qua bộ luật theo từng phần. Ngày 22-4-1982, phần chung của Bộ luật Hình sự đã được đưa ra xem xét và cho ý kiến. Ngoài ra, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban Pháp luật thẩm tra để trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn Hiệp ước Hoạch định biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa nhân dân Campuchia, Hiệp định lãnh sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Trong quá trình nghiên cứu, Văn phòng đã chủ động báo cáo những vấn đề vướng mắc chưa nhất trí giữa các cơ quan; trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước để chuẩn bị văn bản trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Sau mỗi lần Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội họp và thảo luận về các dự án luật, pháp lệnh, Văn phòng đã tiến hành tập hợp, tổng hợp các ý kiến đóng góp giúp cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Trong điều kiện cán bộ pháp lý của Văn phòng còn thiếu và trình độ có hạn, Văn phòng đã biết sử dụng, bồi dưỡng số cán bộ hiện có, mạnh dạn giao việc cho những cán bộ trẻ, tạo điều kiện để cán bộ trưởng thành và phát huy năng lực, sáng tạo trong công việc.

Từ thực tế tham gia phục vụ công tác xây dựng pháp luật, cán bộ của Văn phòng nhận thức rằng, việc xây dựng, thông qua một văn bản pháp luật là cả một quá trình, là công sức của tập thể, Văn phòng chỉ đóng góp một phần quan trọng nhất định. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Văn phòng cần phải thực sự chủ động hơn nữa về mọi mặt, có kế hoạch tổ chức triển khai thật chu đáo để tránh bị động, lúng túng…[7].

2.2. Phục vụ công tác giám sát

Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện công tác giám sát hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, thi hành Hiến pháp, pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, việc ổn định giá cả trước nạn lạm phát phi mã và bảo đảm tiền lương thực tế của người lao động là vấn đề hết sức nan giải của Nhà nước ta. Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII (tháng 12-1985), Văn phòng đã giúp Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội xây dựng báo cáo thuyết trình nêu những sai sót và những biện pháp cần khắc phục của Hội đồng Bộ trưởng trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá V) về giá, lương, tiền. Báo cáo của Ủy ban đã được đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội. Kết quả là những ý kiến và biện pháp do Văn phòng tham mưu cho Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách trình bày trước Quốc hội đã được các đại biểu Quốc hội tán thành.

 Để đẩy mạnh công tác phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng đã tổ chức và phục vụ Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tập trung kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật và những vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội. Nội dung kiểm tra, giám sát đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội về bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Văn phòng còn phục vụ các đoàn đi giám sát tình hình thi hành pháp luật và xử lý vi phạm pháp luật trong các ngành công an, tòa án, kiểm sát và tư pháp ở một số địa phương.

Từ kinh nghiệm công tác phục vụ hoạt động giám sát của các năm và căn cứ vào tình hình thực tế, Văn phòng đã phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát nhằm tránh chồng chéo, bảo đảm sự phối hợp hoạt động nhanh gọn và có hiệu quả. Việc phục vụ hoạt động giám sát đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cụ thể năm 1984, Văn phòng đã phát hiện một số vấn đề cấp bách trong đời sống kinh tế - xã hội để kiến nghị Quốc hội và Hội đồng Nhà nước quan tâm xem xét như: công tác định canh, định cư; tình hình thi hành Pháp lệnh Quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân; vấn đề dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên… Năm 1986, Văn phòng đã nghiên cứu, tổ chức phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội đi xem xét, khảo sát tình hình thực tế ở 23 tỉnh, thành phố và làm việc với nhiều bộ, ngành hữu quan; giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban hoàn thành 14 chuyên đề thuộc chương trình giám sát của các Ủy ban do Hội đồng Nhà nước giao[8]. Văn phòng còn phục vụ Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội dự thảo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ hoạt động, đồng thời tham mưu cho Hội đồng Nhà nước yêu cầu Hội đồng Bộ trưởng, Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có báo cáo tổng kết hoạt động trước Quốc hội. Đây là nét đổi mới trong công tác phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng. Từ đây, công tác tổng kết hoạt động nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước để rút kinh nghiệm cho Quốc hội khoá sau được duy trì.

Trong công tác phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Văn phòng đã tập trung nghiên cứu tài liệu, kết hợp nghe báo cáo với tìm hiểu tình hình thực tế, giúp Hội đồng Nhà nước nắm được thực trạng tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là những vấn đề mà Hội đồng Nhà nước chủ trương xem xét, kiểm tra. Văn phòng đã chuẩn bị dự thảo các văn bản kết luận của Hội đồng Nhà nước gửi đến Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các cấp; dự thảo các bản thuyết trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban trước Quốc hội, giúp Đoàn Thư ký kỳ họp tổng hợp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, tình hình công tác của ngành tòa án và kiểm sát…

Tuy nhiên, việc phục vụ công tác giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và hiệu quả còn hạn chế. Việc giám sát các vấn đề về kinh tế - xã hội tuy có được nâng lên, nhưng việc theo dõi, đôn đốc Hội đồng Bộ trưởng, các ngành, các cấp thực hiện nghiêm chỉnh các nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Hội đồng Nhà nước, các kiến nghị của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội chưa thường xuyên và chưa có nền nếp. Điểm đáng chú ý là việc phục vụ công tác giám sát thi hành pháp luật thực hiện còn yếu, hiệu quả thấp. Văn phòng chưa đi sâu nghiên cứu, đề xuất ý kiến với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước những vấn đề mà Hội đồng Nhà nước đã xem xét, kiểm tra và có kết luận. Văn phòng cũng chưa đi sâu giúp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban rút kinh nghiệm về các đợt đi khảo sát ở các địa phương.

2.3. Phục vụ công tác dân nguyện

Là cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Văn phòng đã cố gắng cải tiến việc tiếp nhận đơn, thư của công dân. Năm 1984, Văn phòng đã nhận được 5.876 đơn, thư các loại và tiếp 1.390 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng[9]. Năm 1986, Văn phòng đã nhận và xử lý 6.856 đơn, thư của công dân gửi tới Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, đã tiếp 1.216 lượt người. Tuy số lượng đơn, thư có chiều hướng gia tăng nhưng Văn phòng đã xem xét các vụ việc một cách thận trọng, có lý, có tình, coi trọng việc bảo đảm quyền công dân, xử lý đơn, thư bằng công văn và phiếu chuyển, nhờ đó không để tồn đọng kéo dài. Văn phòng đã chú trọng phản ánh tiếng nói của nhân dân lên Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cán bộ Văn phòng đã làm việc sâu sát, tăng cường tiếp xúc với các ngành, các cơ quan hữu quan để nắm thêm tình hình và học hỏi kinh nghiệm trong việc xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Chỉ tính riêng năm 1986, Văn phòng đã 81 lần làm việc với 48 cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy giải quyết dứt điểm 60 vụ việc[10]

Tuy nhiên, công tác dân nguyện của Văn phòng cũng mới chỉ làm được việc tổng hợp, phản ánh tình hình; việc đi sâu nghiên cứu, đề xuất các kiến nghị thiết thực cho lãnh đạo chưa làm được nhiều, còn lúng túng trong việc theo dõi, xử lý đơn, thư của các địa phương, nhất là những đơn, thư có nội dung phức tạp.

2.4. Phục vụ công tác đối ngoại

Trong những năm 1981-1986, hoạt động đối ngoại của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã có sự phát triển đáng kể; khối lượng công việc phục vụ của Văn phòng cũng tăng nhiều hơn trước. Văn phòng đã chủ động phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương trong việc xây dựng chương trình công tác hàng năm và kế hoạch đón các Đoàn nghị sĩ nước ngoài đến thăm nước ta, chuẩn bị cho các Đoàn đại biểu Quốc hội của ta đi thăm các nước. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII, Văn phòng đã phục vụ 13 Đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm các nước và tổ chức đón 8 Đoàn nghị sĩ các nước xã hội chủ nghĩa đến thăm và làm việc với Quốc hội Việt Nam[11].

Văn phòng đã cố gắng tham gia dự thảo các văn kiện, xây dựng đề án về công tác đối ngoại, phục vụ hoạt động của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội. Trong hai ngày 22 và 23-12-1984, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức thành công Hội nghị tư vấn Trưởng đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội[12]; tổ chức nghiên cứu việc đổi mới công tác phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội, quan tâm đến công tác tuyên truyền đối ngoại; tăng cường và bước đầu cải tiến mối quan hệ công tác giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương; đồng thời kiến nghị với Hội đồng Nhà nước có ý kiến với Ban Bí thư Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng một số vấn đề về công tác lựa chọn, bổ nhiệm đại sứ.

2.5. Về công tác tổ chức và xây dựng cơ quan

Tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề quan trọng luôn được lãnh đạo quan tâm nhằm xây dựng cơ quan ngày càng vững mạnh. Để kiện toàn công tác tổ chức - cán bộ, Văn phòng đã xây dựng dự thảo quy hoạch cán bộ theo từng năm. Dựa vào dự thảo đó, Vụ Tổ chức - Cán bộ đã quan tâm lựa chọn, cử cán bộ đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ ở trong và ngoài nước theo các chuyên ngành quản lý kinh tế, quản lý nhà nước và pháp luật, nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác với chất lượng ngày càng cao. Việc bổ sung cán bộ đã được chú ý giải quyết theo hướng tăng cường một bước về cán bộ quản lý, cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật.

Văn phòng đã thực hiện việc chia tách và xác định chức năng cụ thể của một số vụ, đơn vị nhằm từng bước cụ thể hóa quy chế công tác của Văn phòng; tích cực tìm nguồn cán bộ để bổ sung cho những đơn vị còn yếu, thiếu. Trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, Văn phòng vẫn quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên như: xét nâng lương và điều chỉnh lương cho một số trường hợp, bảo đảm chế độ nghỉ ốm, thai sản, trợ cấp khó khăn thường xuyên và đột xuất…

Về các mặt công tác nghiệp vụ trong 5 năm (1981-1986), căn cứ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Văn phòng đã chủ động nắm tình hình, đề xuất ý kiến, xây dựng chương trình làm việc tương đối sát hợp, đúng trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng công tác phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước, các cuộc họp của lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; phục vụ hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội. Văn phòng đã làm tốt việc nghiên cứu dự thảo các văn bản giúp lãnh đạo Quốc hội điều hành, thực hiện chương trình đề ra. Việc soạn thảo các báo cáo gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về những vấn đề quan trọng cần báo cáo hoặc xin ý kiến được Văn phòng thực hiện thận trọng. Nội dung báo cáo đã phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình cũng như kết quả các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước...

Công tác hành chính - văn thư đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc như in ấn, phân phối tài liệu, nhận và chuyển công văn đi, đến phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Năm 1984, Văn phòng đã tiếp nhận 7.737 công văn đến, chuyển 13.603 bì công văn đi, đóng dấu 236.200 bằng huân chương, đánh máy 13.483 trang tài liệu…

Công tác tư liệu - thư viện cũng có chuyển biến tích cực như tiến hành kiểm kê nguồn tư liệu, tăng thêm đầu sách báo, tạp chí; thiết lập quan hệ trao đổi tư liệu với các cơ quan Trung ương nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu của đại biểu Quốc hội và cán bộ Văn phòng. Để công tác hồ sơ, lưu trữ đi vào nền nếp, ngày 12-11-1985, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành một số quy định cụ thể về việc quản lý công văn mật, điện mật của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Văn phòng đã bảo đảm phát hành đều kỳ các bản tin, tập hợp các tài liệu phục vụ công tác tham khảo, nghiên cứu. Trung bình mỗi năm, Văn phòng xuất bản 5 số Tập san Thông tin Quốc hội và 2 văn kiện về kỳ họp Quốc hội. Năm 1985, Văn phòng đã cho ra mắt quyển sách ảnh đại biểu Quốc hội và phối hợp với Bộ Tư pháp in, phát hành rộng rãi Bộ Luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Công tác bảo vệ cơ quan đã được lãnh đạo Văn phòng quan tâm chỉ đạo. Phòng Bảo vệ đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng an ninh phục vụ công tác bảo vệ tốt các kỳ họp Quốc hội và các cuộc họp, tiếp khách của Hội đồng Nhà nước, không để xảy ra những sai sót về mặt an ninh. Văn phòng cũng cố gắng bổ sung phương tiện bảo vệ, cử người đi dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nhằm nâng chất lượng của công tác bảo vệ nội bộ, bảo vệ bí mật và bảo vệ an toàn cơ quan.

Công tác quản trị - tài vụ và ổn định đời sống cho cán bộ, nhân viên tuy gặp nhiều khó khăn do giá cả hàng hóa liên tục tăng, nhưng vẫn được Văn phòng cố gắng bảo đảm, phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước, phục vụ các chuyến công tác trong và ngoài nước của đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Văn phòng đã tiến hành xây dựng, bảo dưỡng trang thiết bị, sửa chữa các phương tiện làm việc... Nhà 5 tầng ở 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội do trượt giá luôn phải xin thêm kinh phí, nhưng vẫn bảo đảm tiến độ; một số phòng họp hư hỏng đã được sửa chữa kịp thời…Việc sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất theo tinh thần tiết kiệm đã được chú ý. Lãnh đạo Văn phòng luôn quan tâm đến công tác đời sống, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng để góp phần động viên cán bộ, nhân viên yên tâm công tác, chế độ tiền lương và các chế độ chính sách được bảo đảm kịp thời. Tuy nhiên, công tác phục vụ vật chất, kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động ngày càng tăng của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

 Công tác phục vụ tại Nhà khách Phủ Chủ tịch đã được thực hiện chu đáo. Ngoài việc phục vụ các phiên họp thường xuyên của Hội đồng Nhà nước, Nhà khách còn phục vụ các đồng chí lãnh đạo Nhà nước tiếp, hội đàm với nhiều đoàn khách quốc tế, phục vụ các buổi trình quốc thư của các đại sứ. Trung bình mỗi năm bộ phận này đã phục vụ trên 100 buổi tiếp khách với hơn 5.000 lượt người tham dự.

Công tác của Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cố gắng trong việc đưa, đón các đại biểu Quốc hội phía Nam (từ Quảng Nam - Đà Nẵng trở vào) trước khi ra Hà Nội họp Quốc hội, các đoàn công tác của Quốc hội và Văn phòng vào làm việc ở các tỉnh phía Nam. Các khâu ăn ở, đi lại và quan hệ làm việc của đại biểu cũng như của các đoàn công tác đều được cán bộ Phòng Liên lạc phục vụ chu đáo. Phòng còn bố trí cán bộ tiếp nhận đơn, thư khiếu tố của công dân tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để kịp thời chuyển ra Văn phòng ở Hà Nội. Công tác bảo quản tài sản, sử dụng kinh phí được thực hiện chặt chẽ, đúng chế độ; việc bảo dưỡng xe và các phương tiện kỹ thuật khác được tiến hành theo định kỳ. Phòng Liên lạc đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên.

 

 

II. GIAI ĐOẠN 1987 - 1992

 

Tháng 12-1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới đất nước, trọng tâm là đổi mới kinh tế, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tiếp đó, Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991) đã bổ sung và tiếp tục phát triển đường lối đổi mới đất nước. Đây cũng là thời điểm tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - chính trị nước ta. Công cuộc cải tổ, cải cách của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu không thành công; Liên Xô tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào tình trạng thoái trào.

Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Đảng và Nhà nước ta vẫn kiên định đường lối độc lập, tự chủ, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết dân tộc để thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được đặt ra cấp thiết nhằm phát huy vai trò là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta.

1. Kiện toàn tổ chức, phục vụ sự đổi mới hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước

Năm 1987, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Quy chế công tác tháng 10-1984 của Văn phòng. Từ sau năm 1985, do yêu cầu của công tác phục vụ, Văn phòng đã thực hiện việc chia tách và thành lập thêm một số vụ, đơn vị; đồng thời ban hành quy định về mối quan hệ công tác giữa các vụ, đơn vị trong Văn phòng. Đặc biệt từ năm 1988, sau cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, với tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng và Nhà nước ta đã tập trung sắp xếp lại bộ máy và cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương và địa phương. Thi hành Thông tư số 11 TT/TW ngày 19-8-1987 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể, Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã tiến hành thảo luận về cải tiến tổ chức bộ máy và hoạt động của Văn phòng nhằm phục vụ sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng nhân dân các cấp. Căn cứ vào kết quả của các cuộc thảo luận, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nền nếp làm việc của các Vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Về lãnh đạo Văn phòng có sự thay đổi. Ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước thôi kiêm nhiệm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Ngày 18-12-1987, ông Vũ Mão[13], Ủy viên Hội đồng Nhà nước được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước theo Quyết định số 50 QĐ/HĐNN8 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Cuối năm 1987, ông Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước nghỉ hưu, Văn phòng không có Phó Chủ nhiệm. Trước yêu cầu của công việc, tháng 9-1989, ông Nguyễn Đình Lộc, Vụ trưởng Vụ Pháp luật được Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng cũng có sự điều chỉnh. Ngoài việc duy trì 8 vụ, đơn vị theo quy định tại Nghị quyết 01NQ/HĐNN7 ngày 6-7-1981, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ mới, Chủ nhiệm Văn phòng đã đề xuất thành lập thêm một số đơn vị.

Tạp chí Người đại biểu nhân dân là đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước được nâng cấp và đổi tên từ Tập san Thông tin Quốc hội (xuất bản từ đầu năm 1976) theo Quyết định số 96QĐ/HĐNN8 ngày 5-10-1988 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Tạp chí có 5 thành viên do ông Nguyễn Ngọc Thọ làm Tổng Biên tập. Nhiệm vụ của Tạp chí là nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn và phản ánh hoạt động của các cơ quan dân cử và cử tri. Tạp chí được phép mở rộng cho các đối tượng là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Căn cứ vào giấy phép số 565- BTT, ngày 6-9-1988 của Bộ Thông tin, Tạp chí Người đại biểu nhân dân được phép xuất bản 2 tháng 1 kỳ. Để tạo điều kiện cho Tạp chí hoạt động, ngày 2-3-1989, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 178VP/CN cho phép Tạp chí được khắc con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước.

Ban Quản lý xây dựng và sửa chữa các công trình (gọi tắt là Ban Quản lý công trình) được thành lập cuối năm 1988 do ông Phan Văn Đỉnh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ làm Trưởng ban và là chủ tài khoản đầu tư vốn để bảo đảm các điều kiện làm việc của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Căn cứ vào Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản của Hội đồng Chính phủ, Trưởng Ban Quản lý công trình đã có công văn đề nghị Chủ nhiệm Văn phòng phê chuẩn các luận chứng kinh tế, kỹ thuật về việc sửa chữa, nâng cấp và cải tạo Nhà khách Phủ Chủ tịch, cải tạo trụ sở Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tại số 35 Ngô Quyền, Hà Nội với diện tích cải tạo 1.482m2, diện tích mở rộng là 2.779m2 và nâng cấp Nhà công vụ Quốc hội tại số 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội[14].

Đầu năm 1990, Văn phòng tiếp tục kiện toàn một bước tổ chức của cơ quan, tăng cường thêm cán bộ có năng lực cho một số đơn vị đang thực sự thiếu người làm việc, đồng thời, sửa đổi, bổ sung Quy chế công tác của Văn phòng. Một trong những vấn đề đã chín muồi là kiện toàn tổ chức của Vụ Hành chính - Tổng hợp. Ngày 6-10-1990, theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 61QĐ/HĐNN8 về việc chia tách Vụ Hành chính - Tổng hợp thành hai vụ mới:

·          Vụ Hành chính do ông Nguyễn Như Du làm quyền Vụ trưởng, sau đó được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Vụ có chức năng giúp Chủ nhiệm Văn phòng thực hiện công tác hành chính nhà nước để phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Thường trực của Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân các địa phương và của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước như: quản lý việc ban hành các loại văn bản, văn kiện của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; tổ chức công tác văn thư, lưu trữ, đánh máy, in, sao chụp, trích lục văn bản, quản lý công văn, tài liệu, điện mật; bảo đảm công tác thông tin, liên lạc chính xác, kịp thời; phối hợp tổ chức các cuộc họp, công tác khánh tiết, tang lễ của cơ quan và của Nhà nước; tổ chức và thực hiện mối quan hệ về công tác hành chính nhà nước giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với các cơ quan hữu quan; nghiên cứu phục vụ Hội đồng Nhà nước về công tác khen thưởng.

Với chức năng nêu trên, nhiệm vụ cụ thể của Vụ là giúp Chủ nhiệm Văn phòng thực hiện các mặt công tác hành chính như: quản lý và thực hiện các thủ tục hành chính đối với các loại văn bản, văn kiện; phối hợp tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Thường trực của Quốc hội và các cuộc họp của Văn phòng; phối hợp phục vụ công tác hiếu, hỷ, lễ tân, tiếp đón, hướng dẫn khách đến làm việc với cơ quan; tổ chức thực hiện các khâu nghiệp vụ về công tác văn thư, tiếp nhận, vào sổ, phân loại, trình lãnh đạo xử lý, phân phát công văn, tài liệu, nộp lưu trữ, v.v... theo đúng quy trình, thủ tục, đặc biệt lưu ý các loại tài liệu, điện mật; quản lý việc sử dụng đúng nguyên tắc các loại con dấu, các loại giấy giới thiệu, giấy đi đường, giấy chứng nhận về mặt hành chính; quản lý tập trung thống nhất đối với các loại tài liệu cần lưu trữ theo quy định của Nhà nước; phối hợp tổ chức quản lý công tác xuất bản các luật, pháp lệnh, các tập kỷ yếu của Quốc hội, tiến tới xuất bản Công báo của Quốc hội; nghiên cứu, phục vụ Chủ nhiệm Văn phòng trình Hội đồng Nhà nước xét quyết định tặng thưởng và quyết định các loại huân chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện chính sách khen thưởng, nghiên cứu đề xuất những vấn đề, đề nghị Hội đồng Nhà nước quyết định về chính sách, chế độ khen thưởng; tổ chức và thực hiện mối quan hệ trong công tác hành chính Nhà nước giữa Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với các cơ quan hữu quan…

Từ những chức năng, nhiệm vụ cụ thể nêu trên, Vụ Hành chính được tổ chức thành 5 đơn vị, gồm: Phòng Văn thư có 4 cán bộ và 3 cán bộ của Bưu điện Trung ương, Bưu điện Hà Nội biệt phái làm giao thông và trực tổng đài cơ quan; Phòng Đánh máy, in sao chụp tài liệu (gọi tắt là Phòng Đánh máy) có 7 cán bộ và 1 cán bộ biệt phái của Bộ Ngoại giao; Phòng Lưu trữ và Xuất bản có 3 cán bộ; bộ phận Hành chính và Khen thưởng có 2 cán bộ; Phòng Thường trực bảo vệ cơ quan gồm 7 cán bộ và 2 nhân viên hợp đồng. Như vậy, biên chế của Vụ Hành chính định biên đến năm 1992 gồm 25 cán bộ, nhân viên ngoài ra còn có 4 cán bộ biệt phái tăng cường và 2 nhân viên hợp đồng. Trong tổng số cán bộ của Vụ Hành chính, 8 người có trình độ đại học.

Để giúp Chủ nhiệm Văn phòng chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cụ thể về công tác bảo vệ, xây dựng cơ quan an toàn và trật tự, ngày 1-10-1988, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 811VP/CN về việc đổi tên Phòng Bảo vệ cơ quan thành Phòng Thường trực bảo vệ trực thuộc Vụ Hành chính - Tổng hợp. Sau khi có quyết định thành lập Vụ Hành chính, ngày 18-10-1990, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 938VP/CN quy định việc theo dõi chỉ đạo công tác đối với Phòng Thường trực bảo vệ cơ quan do Vụ trưởng Vụ Hành chính đảm nhiệm.

Phòng Thường trực bảo vệ có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ, bảo đảm an toàn tuyệt đối các địa điểm làm việc của cơ quan; thực hiện nội quy bảo vệ cơ quan, bảo vệ tài liệu, tài sản khác của Văn phòng; phối hợp với các đơn vị lực lượng vũ trang và an ninh hữu quan để tổ chức việc tuần tra, canh gác, giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc phạm vi phụ trách, bảo đảm an toàn các buổi tiếp khách của lãnh đạo Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Quốc hội, các cuộc họp tại cơ quan; tham gia với các đơn vị chuyên trách trong việc bảo đảm an toàn các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Hội đồng Nhà nước.

Vụ Tổng hợp do ông Lê Thế Chữ làm Vụ trưởng. Vụ có chức năng giúp Chủ nhiệm Văn phòng xây dựng và phục vụ việc chỉ đạo thực hiện các chương trình làm việc, kế hoạch hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; tổng hợp tình hình chung về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội, của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước và của Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp tổ chức phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của Hội đồng Nhà nước; dự thảo hoặc tham gia dự thảo, đóng góp ý kiến vào các văn bản, văn kiện, dự án luật, pháp lệnh, đề án mà lãnh đạo Văn phòng giao; tổ chức thực hiện mối quan hệ giữa lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước với các cơ quan hữu quan trong việc phục vụ hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước… Vụ có các nhiệm vụ cụ thể sau:

- Nghiên cứu dự kiến chương trình công tác hàng năm, hàng tháng, hàng tuần của Văn phòng;

- Giúp Chủ nhiệm Văn phòng theo dõi việc thực hiện chương trình công tác và dự thảo báo cáo sơ kết, tổng kết cơ quan;

- Theo dõi tổng hợp tình hình chung về việc thực hiện các nghị quyết, quyết định của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, về công tác lập pháp và giám sát, về tình hình hoạt động của các cơ quan trực thuộc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

- Cùng các vụ hữu quan tổ chức phục vụ các kỳ họp của Quốc hội và các phiên họp của Hội đồng Nhà nước;

- Phối hợp nghiên cứu phục vụ Chủ nhiệm Văn phòng giúp Chủ tịch Quốc hội tổ chức điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Nhà nước và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội;

- Tổ chức thực hiện công tác thông tin định kỳ và cung cấp tư liệu phục vụ Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Thường trực của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị nghiên cứu của Văn phòng;

- Cùng các vụ hữu quan nghiên cứu phục vụ Chủ nhiệm Văn phòng trong việc trình Hội đồng Nhà nước quyết định các vấn đề về tổ chức và nhân sự của Hội đồng Bộ trưởng, của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án quân sự Trung ương và Viện Kiểm sát quân sự Trung ương, việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước;

- Tổ chức việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Quốc hội…

Tổ chức của Vụ Tổng hợp gồm: Bộ phận Tổng hợp, nghiên cứu biên tập văn kiện và phục vụ sự chỉ đạo điều hành (gọi tắt là bộ phận Tổng hợp, biên tập); Bộ phận Thông tin; Tổ nghiên cứu biên soạn lịch sử Quốc hội (gọi tắt là Tổ biên soạn lịch sử). Biên chế của Vụ Tổng hợp đến năm 1992 gồm 26 cán bộ, nhân viên. Do yêu cầu của công tác phục vụ đòi hỏi phải nâng cấp một số bộ phận chuyên môn trong Vụ Tổng hợp, ngày 20-4-1991 theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành các Quyết định số 338VP/CN về việc thành lập Phòng Máy tính và Quyết định số 339VP/CN về việc thành lập Phòng Thư viện - Tư liệu trực thuộc Vụ Tổng hợp.

Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh do ở xa cơ quan, nên sự liên hệ thường xuyên với lãnh đạo Văn phòng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Chỉ thị số 311/CT ngày 5-11-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc sắp xếp lại tổ chức của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đóng trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Văn phòng đã đề nghị Cục Quản trị II thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng giúp Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Phòng Liên lạc. Trên thực tế, Cục Quản trị II cũng gặp khó khăn về điều kiện làm việc nên không thể đảm nhiệm được việc phục vụ các đoàn công tác của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước... ở các tỉnh phía Nam. Xuất phát từ tình hình thực tế và do yêu cầu phục vụ các hoạt động thường xuyên của Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16-1-1988, Chủ nhiệm Văn phòng đã có công văn số 37VP/CN đề nghị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh được tiếp tục duy trì.

Với biên chế chỉ có 8 người, nhưng Phòng Liên lạc phải đảm nhận một khối lượng lớn công việc. Ngoài việc tổ chức phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh phía Nam ra Hà Nội họp Quốc hội mỗi năm 2 lần; tổ chức phục vụ các Đoàn công tác của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội vào công tác tại các tỉnh phía Nam trung bình mỗi tháng 1 đoàn, có tháng 2 đoàn, Phòng Liên lạc còn có trách nhiệm cùng với Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác phục vụ các đoàn khách quốc tế của Quốc hội vào thăm và làm việc tại các tỉnh phía Nam; quản lý trụ sở tại 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh và phục vụ Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội khi vào Nam công tác.

Sau khi nghiên cứu Quyết định số 92/CT ngày 22-4-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc các cơ quan hành chính và đoàn thể làm kinh tế, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 1277VP/CN ngày 30-10-1989 quy định Phòng Liên lạc có trách nhiệm liên kết với tổ chức hoặc cá nhân để huy động vốn sửa chữa, cải tạo nơi ăn, nghỉ của đại biểu. Nhờ đó, Phòng Liên lạc đã có điều kiện làm thêm một số phòng tại 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh theo hình thức nhà khách để phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và cán bộ cơ quan Văn phòng vào công tác tại các tỉnh phía Nam. Ông Lê Viết Hùng, Trưởng Phòng Liên lạc kiêm Chủ nhiệm Nhà khách. Mọi hoạt động kinh tế của bộ phận nhà khách được thực hiện theo chế độ hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa và phải chịu sự giám sát, kiểm tra của lãnh đạo Văn phòng.

Về biên chế của Văn phòng, thời gian này đã tăng nhanh về số lượng, từ 141 người cuối năm 1981 đã lên tới 230 người cuối năm 1992. Bên cạnh việc tăng cường, bổ sung về mặt số lượng, Văn phòng đã quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992) diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đang phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Đây cũng là nhiệm kỳ đầu tiên đổi mới hoạt động của Quốc hội trong sự nghiệp đổi mới chung của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu tăng cường cán bộ phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, ngoài việc tuyển dụng cán bộ có kinh nghiệm công tác ở các cơ quan Trung ương và địa phương, Văn phòng đã tiếp nhận một số sinh viên tốt nghiệp các trường đại học chuyên ngành về luật pháp, kinh tế ở trong và ngoài nước. Nhờ đó, số cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đã tăng lên, chiếm tỷ lệ 37,55% tổng số cán bộ, nhân viên toàn cơ quan. Hầu hết cán bộ Văn phòng đều có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, có ý thức tổ chức kỷ luật cao, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

2. Cải tiến quy trình công tác phục vụ của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước

Với ý thức làm tốt công tác tham mưu, giúp việc Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, từ năm 1987 đến năm 1992, Văn phòng đã phục vụ có kết quả nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII, trong đó tập trung chủ yếu vào việc thực hiện chức năng và nhiệm vụ quy định tại Điều 2, Nghị quyết số 01NQ/HĐNN7 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

2.1. Phục vụ công tác xây dựng pháp luật

Nhờ việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, các hoạt động của cơ quan dân cử đã có bước cải tiến. Văn phòng đã cố gắng phấn đấu khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Trong năm 1988, trên cơ sở dự kiến chương trình xây dựng pháp luật đã được Hội đồng Nhà nước thông qua, nhưng do yêu cầu của tình hình mới và do những khó khăn khi xây dựng văn bản pháp luật, Văn phòng đã ba lần chủ động đề xuất điều chỉnh dự kiến chương trình và phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng tổ chức nhóm nghiên cứu, soạn thảo Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh để Hội đồng Nhà nước ban hành, từng bước đưa công tác xây dựng pháp luật vào nền nếp theo trình tự, thủ tục quy định, bảo đảm cho việc thực hiện chương trình lập pháp có hiệu quả, có chất lượng[15].

Tiếp thu kinh nghiệm thực hiện chương trình của những năm trước và tính toán khả năng cụ thể của năm 1990, phối hợp với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan hữu quan, đồng thời coi trọng việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp, Văn phòng đã giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện chương trình xây dựng pháp luật sát với thực tế. Việc phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước xem xét, thông qua các dự án luật đạt trên 85% và dự án pháp lệnh trên 60% so với chương trình đề ra là sự cố gắng lớn của tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng[16]. Các luật, pháp lệnh được ban hành đều thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần giải quyết những yêu cầu cấp bách trong đời sống kinh tế - xã hội, phục vụ việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII là thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991) của Đảng về việc sửa đổi Hiến pháp 1980 nhằm tạo cơ sở hiến định cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Là cơ quan tham mưu, giúp việc, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban sửa đổi Hiến pháp thành lập Ban Thường trực và Ban Biên tập của Ủy ban, giúp Ban biên tập tổ chức các Hội nghị chuyên đề để nghiên cứu và xây dựng dự thảo về việc sửa đổi Lời nói đầu và toàn bộ 12 chương của Hiến pháp. Công việc phục vụ được triển khai, thực hiện theo ba giai đoạn. Cụ thể, năm 1988, Văn phòng phục vụ Ủy ban sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp; năm 1989, theo tinh thần Nghị quyết kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII, Văn phòng tiếp tục phục vụ Ủy ban sửa đổi một số điều của Hiến pháp; từ năm 1990 đến năm 1992 phục vụ sửa đổi cơ bản và toàn diện Hiến pháp. Trong quá trình phục vụ Ban Biên tập của Ủy ban sửa đổi Hiến pháp do ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước phụ trách, Văn phòng đã thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc Ban Biên tập do ông Nguyễn Huy Thúc làm Tổ trưởng. Nhiệm vụ của Tổ là vừa tìm hiểu, nghiên cứu và chuẩn bị các vấn đề về nội dung, vừa phải làm các công việc hành chính như vận chuyển tài liệu, rà soát văn bản, gửi công văn, chuẩn bị và tổ chức các cuộc họp của Ủy ban… Với tinh thần làm việc nghiêm túc của các thành viên Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, trong đó có các luật gia có nhiều kinh nghiệm và lãnh đạo các ban, ngành, công việc biên soạn dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất đã hoàn thành vào cuối năm 1990.

Tháng 5-1991, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tổ chức thành công hai hội nghị lấy ý kiến cán bộ trung, cao cấp, các đại biểu Quốc hội và các cán bộ lão thành cách mạng về bản dự thảo. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Văn phòng đã phục vụ Ban Biên tập và Ủy ban sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo để công bố lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII (từ ngày 23-3 đến ngày 15-4-1992), Quốc hội đã thảo luận và thông qua Hiến pháp 1992. Hiến pháp 1992 (sửa đổi) đã thể chế hóa đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” và “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, làm cơ sở pháp luật căn bản xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc[17].

Từ giữa năm 1987 đến giữa năm 1992, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua được 2 bộ luật, 29 luật và 43 pháp lệnh. Các văn bản luật, pháp lệnh này đã góp phần bổ sung hệ thống luật pháp trong các lĩnh vực tổ chức bộ máy nhà nước, kinh tế, ngân sách, đối ngoại, quốc phòng an ninh, quyền và nghĩa vụ của công dân… ngày một đồng bộ và hoàn chỉnh. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Văn phòng đã duy trì mối quan hệ chặt chẽ và nhịp nhàng với Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng và các cơ quan dự thảo, cùng tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân tuỳ theo yêu cầu của từng văn bản. Nhờ đó, tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh được đẩy nhanh hơn và chất lượng của các văn bản luật cũng được chuẩn bị tốt hơn. Qua tập hợp, tổng hợp, Văn phòng đã nắm bắt và dự kiến được các vấn đề còn gây tranh cãi của mỗi dự án luật, pháp lệnh để kịp thời đề xuất với Hội đồng Nhà nước trình xin ý kiến Bộ Chính trị. Do công tác chuẩn bị được chủ động và chu đáo, nên việc hoàn chỉnh văn bản sau khi được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thông qua đã kịp thời; việc tổ chức công bố các văn bản luật, pháp lệnh theo luật định dần đi vào nền nếp, tránh tình trạng lúng túng cho các cơ quan thông tấn, báo chí.

2.2. Phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội

Văn phòng đã nghiên cứu, đề xuất để Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội tập trung kiểm tra, giám sát các vấn đề quan trọng và có tính thời sự trong đời sống kinh tế - xã hội như: sản xuất, thu mua, phân phối lương thực, chính sách thuế, tiền lương, giá cả… Văn phòng cũng kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước lưu ý đến một số lĩnh vực lâu nay chưa đề ra như công tác bảo vệ trật tự, an toàn xã hội; tình hình thi hành pháp luật trong lực lượng quân đội, công an; tình hình bắt, giam giữ, tập trung cải tạo và cưỡng bức lao động… Năm 1987, Văn phòng đã phục vụ 13 đoàn của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban đi 18 tỉnh, thành phố và cơ sở để kiểm tra, xem xét 11 chuyên đề về kinh tế - xã hội, khoa học, kỹ thuật và đời sống, làm báo cáo trình Hội đồng Nhà nước và có kiến nghị với các cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng[18]. Năm 1988, Văn phòng đã trực tiếp tổ chức tìm hiểu tình hình thiếu đói ở một số địa phương và đề xuất biện pháp giải quyết công tác cứu đói có hiệu quả thiết thực. Năm 1990, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban Pháp luật đi khảo sát tình hình thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật về sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nghe báo cáo về tình hình thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Đất đai; phục vụ Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiểm tra tình hình thi hành Pháp lệnh Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em[19]

Ngoài việc phục vụ hoạt động giám sát thường xuyên của Quốc hội, Văn phòng còn kịp thời xử lý những vấn đề đột xuất; tổ chức để Hội đồng Nhà nước nghe báo cáo về tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả bão lụt ở các tỉnh, thành trong cả nước, tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

 Trong quá trình phục vụ công tác giám sát, Văn phòng đã xây dựng, củng cố mối quan hệ chặt chẽ với các ngành, các cấp; phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị các báo cáo kịp thời, có chất lượng để trình Quốc hội, Hội đồng Nhà nước hoặc báo cáo với các Ủy ban Thường trực của Quốc hội. Do trực tiếp phục vụ các đoàn công tác đi xem xét tình hình thực tế tại nhiều ngành, nhiều địa phương, nên Văn phòng đã giúp Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có những báo cáo, kết luận hoặc các bản thuyết trình có chất lượng để trình bày tại các phiên họp Hội đồng Nhà nước, các kỳ họp của Quốc hội về những vấn đề đã ghi trong nghị quyết của Quốc hội.

2.3. Phục vụ việc hướng dẫn và giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp

Văn phòng đã phục vụ Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra tình hình hoạt động của Hội đồng nhân dân ở nhiều địa phương; tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ nhiều tỉnh, thành, huyện, thị triển khai việc thực hiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp. Năm 1989, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan góp phần xây dựng Dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng nhân dân. Theo quyết định của Hội đồng Nhà nước, Văn phòng đã tổ chức Hội nghị Trưởng ban Thư ký Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố để sơ kết việc thực hiện Quy chế về Hội đồng nhân dân và quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Từ kết quả của việc sơ kết thực hiện Quy chế, Văn phòng đã tham mưu về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân ban hành năm 1987. Triển khai công việc này, đầu năm 1990, Văn phòng đã giúp Hội đồng Nhà nước tổ chức Hội nghị toàn quốc về Hội đồng nhân dân để tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, bổ sung và hoàn chỉnh bản Quy chế mới trình Hội đồng Nhà nước thông qua[20].

 Sau khi có kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng đã xây dựng văn bản giúp Hội đồng Nhà nước hướng dẫn nội dung kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân khóa mới theo luật định; phê chuẩn kết quả bầu cử Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương; nghiên cứu xây dựng thang lương của các thành viên Thường trực và các Trưởng ban Hội đồng nhân dân để trình Hội đồng Nhà nước quyết định. Văn phòng đã chủ động tổ chức và phục vụ nhiều đoàn của Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra việc thi hành Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, triển khai thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp ở một số địa phương. Văn phòng còn tham gia bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn… ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước về nhiệm vụ, quyền hạn và kinh nghiệm hoạt động của Hội đồng nhân dân. Những hoạt động này đã thiết thực góp phần giúp Hội đồng nhân dân các địa phương nâng cao nhận thức về tổ chức và hoạt động, góp phần đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.

2.4. Phục vụ Quốc hội, Hội đồng Nhà nước ban hành các quyết định quan trọng của đất nước

Cuối năm 1989, trước yêu cầu kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, căn cứ vào đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Văn phòng đã phục vụ Hội đồng Nhà nước dự thảo nghị quyết về việc sáp nhập một số bộ và giải thể một số tổng cục[21]. Kết quả là bộ máy quản lý nhà nước đã được sắp xếp, tinh gọn từ hơn 60 cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng giảm xuống còn 48 cơ quan; các cơ quan giúp việc Bộ trưởng ở các bộ thuộc diện sắp xếp đã giảm tới 1/2 đến 2/3 về cơ cấu so với thời gian trước[22].

Văn phòng cũng đã nghiên cứu giúp Hội đồng Nhà nước quyết định cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại một số nước, quyết định thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án quân sự các cấp và kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Với chức năng tham mưu, giúp việc, Văn phòng đã nghiên cứu kỹ từng trường hợp và có trao đổi với cơ quan chủ quản, đối chiếu với tiêu chuẩn quy định, trên cơ sở đó trình ý kiến nhận xét để Hội đồng Nhà nước quyết định.

Việc phục vụ Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền đặc xá cho phạm nhân đã bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp, tránh sự chồng chéo thường xảy ra giữa việc đặc xá của Hội đồng Nhà nước và việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt của Tòa án nhân dân do Bộ luật Hình sự quy định. Hội đồng Nhà nước đã trực tiếp xét và quyết định đặc xá cho phạm nhân, trên cơ sở đề nghị của Hội đồng tư vấn các cấp. Việc xét đặc xá được tiến hành chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm công bằng, đúng đắn và nghiêm túc. Việc nghiên cứu giúp Hội đồng Nhà nước xét đơn xin ân giảm án tử hình cũng đã có những cố gắng nhất định. Chỉ tính riêng năm 1990, năm có nhiều biến động về kinh tế - xã hội và chính trị của đất nước, Văn phòng đã trình Hội đồng Nhà nước xem xét 60 đơn xin ân giảm của phạm nhân. Nhìn chung, những đề nghị của Văn phòng đều được Hội đồng Nhà nước chấp nhận. Trong quá trình nghiên cứu các đơn xin ân giảm, đối với những trường hợp phức tạp, Văn phòng đã thận trọng, chú ý trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan, kết hợp giữa việc xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên với việc cải tiến quá trình nghiên cứu và trình xét đơn, nên đã góp phần bảo đảm cho việc trình Hội đồng Nhà nước xét và quyết định nhanh chóng, chính xác. Văn phòng cũng đã tích cực trong việc phục vụ Quốc hội thực hiện quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch nhà nước 5 năm; nhiệm vụ hàng năm; dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ thu, chi và phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước; chính sách xã hội; chính sách đối ngoại; điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… Văn phòng đã giúp Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, chuẩn bị các văn bản, tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, của cử tri về vấn đề liên quan, soạn thảo và hoàn chỉnh các văn bản để Quốc hội quyết định.

Đầu năm 1990, Văn phòng đã tổ chức phục vụ Quốc hội nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, trên cơ sở đó để Quốc hội có sự điều chỉnh hợp lý. Năm 1991 là năm có nhiều thử thách gay gắt, Văn phòng đã phối hợp cùng các ngành hữu quan dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội về các chủ trương, chỉ tiêu quan trọng và các biện pháp lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 1991-1995 và dự toán ngân sách nhà nước năm 1991.

2.5. Phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII

Ngày 6-2-1987, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 719/HĐNN7 quy định tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII vào ngày chủ nhật 19-4-1987, đồng thời quy định tổng số đại biểu Quốc hội khóa VIII là 496 đại biểu. Căn cứ vào Nghị quyết trên, ngày 16-2-1987, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 780/HĐNN7 thành lập Hội đồng bầu cử Trung ương để phụ trách việc tổ chức bầu cử trong cả nước. Cuộc bầu cử lần này được tiến hành đồng thời ở ba cấp: Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã, nên công việc phục vụ của Văn phòng rất bận rộn. Quán triệt sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII phải theo tinh thần đổi mới cả về nhận thức và phương pháp tiến hành, Văn phòng đã kịp thời nghiên cứu, chuẩn bị Tờ trình Hội đồng Nhà nước về công tác chỉ đạo bầu cử và dự thảo các nghị quyết của Hội đồng Nhà nước quy định về số lượng đại biểu, thành phần đại biểu và cơ cấu đại biểu…

Triển khai công tác bầu cử, Văn phòng đã tổ chức, phục vụ Hội nghị cán bộ chủ chốt ở địa phương để phổ biến Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 779 của Hội đồng Nhà nước về kế hoạch tiến hành bầu cử; phục vụ Hội đồng Nhà nước, Hội đồng bầu cử Trung ương tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc triển khai công tác chuẩn bị bầu cử; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử; hướng dẫn việc công bố danh sách ứng cử viên và giải quyết các trường hợp có đơn, thư khiếu nại, tố cáo; phục vụ các phiên họp của Hội đồng bầu cử Trung ương, công bố kết quả bầu cử, dự thảo báo cáo kết quả bầu cử trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước và trình Quốc hội.

Tuy khối lượng công việc phục vụ bầu cử nhiều, dồn dập và khẩn trương, nhưng cán bộ Văn phòng đều làm việc tận tụy. Dưới sự lãnh đạo của Hội đồng Nhà nước và sự chỉ đạo của Hội đồng bầu cử Trung ương, Văn phòng đã góp phần tích cực vào kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII, làm tròn trách nhiệm mà Hội đồng Nhà nước và Hội đồng bầu cử giao cho. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VIII, Báo cáo của Hội đồng bầu cử Trung ương đã khẳng định: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII đã được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, với tinh thần đổi mới theo đúng Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Hội đồng Nhà nước[23].

2.6. Phục vụ công tác tổ chức các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước

Theo Quy chế công tác của Văn phòng, các vụ chuyên môn đã chủ động triển khai công tác nghiên cứu xây dựng chương trình của các kỳ họp Quốc hội để Hội đồng Nhà nước cho ý kiến và kịp thời thông báo tới các đại biểu Quốc hội về dự kiến nội dung và phương pháp tiến hành.

Căn cứ vào dự kiến nội dung chương trình đã được xác định, Văn phòng chủ động liên hệ với các cơ quan nhà nước để chuẩn bị các báo cáo, đề án trình Quốc hội. Đồng thời, tổ chức bảo đảm cơ sở vật chất, kỷ thuật, bảo vệ an ninh trật tự; cung cấp thông tin; in ấn, phân phối tài liệu... phục vụ các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp Hội đồng Nhà nước.

Trong thời gian diễn ra kỳ họp, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, Văn phòng đã cố gắng nắm bắt tình hình, bảo đảm thông tin nhanh cả hai chiều để phục vụ kịp thời các yêu cầu về nội dung thông tin cho các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và đưa ra các quyết định trên diễn đàn Quốc hội.

Thực tế là trước nhiệm kỳ khóa VII, các đại biểu Quốc hội thường đọc những bài tham luận chuẩn bị sẵn tại các phiên họp toàn thể của Quốc hội. Điều này ảnh hưởng đến tính chủ động của các đại biểu và hạn chế số lượng người phát biểu tại hội trường. Trước yêu cầu đổi mới, Văn phòng đã đề xuất phương thức cải tiến cách sinh hoạt của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp; thay việc tham luận bằng thảo luận những vấn đề chủ yếu được nêu lên qua thảo luận tổ để Quốc hội có điều kiện phát biểu tập trung và sâu sắc hơn. Các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác tổ chức, quản lý, điều hành của Nhà nước… được dành nhiều thời gian để thảo luận tại các phiên họp toàn thể ở Hội trường. Nhờ đổi mới phương thức thảo luận đã tạo nên lề lối làm việc thiết thực, tập trung, gợi mở những vấn đề cần tranh luận và có hiệu quả cao hơn, thể hiện được không khí dân chủ của một kỳ họp của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất[24].

Văn phòng đã sớm có chủ trương tuyên truyền về kỳ họp, tổ chức hướng dẫn các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh kịp thời các hoạt động của kỳ họp, góp phần làm cho hoạt động của Quốc hội gắn liền với đời sống chính trị của xã hội, được dư luận rộng rãi hoan nghênh. Văn phòng cũng đã tạo điều kiện cho các cơ quan thông tấn, báo chí được thông tin kịp thời, mở rộng việc tiếp xúc, trao đổi, phỏng vấn các đại biểu Quốc hội để nâng cao trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội trước cử tri. Kết thúc mỗi kỳ họp, Văn phòng đã chuẩn bị tốt bản Đề cương hướng dẫn báo cáo kết quả kỳ họp để các Đoàn đại biểu Quốc hội tham khảo khi báo cáo trước cử tri tại địa phương.

Trong điều kiện tài chính còn eo hẹp, kinh phí hạn chế, Văn phòng đã có nhiều cố gắng cải tiến công tác hậu cần để phục vụ tốt các kỳ họp Quốc hội, bảo đảm tương đối đầy đủ các yêu cầu về ăn ở, đi lại và làm việc của các đại biểu Quốc hội, từng bước xóa bỏ sự cách biệt về chỗ ở của các Đoàn, tập trung vào một khu vực, tạo điều kiện thuận tiện cho công tác phục vụ. Do nhận thức được yêu cầu đổi mới là vấn đề bức thiết, cán bộ Văn phòng đã coi trọng công tác nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo trong việc chỉ đạo, điều hành các kỳ họp Quốc hội và cải tiến công tác phục vụ. Năm 1991, được sự giúp đỡ của Viện Kỹ thuật thông tin quân đội, Văn phòng đã bổ sung trang thiết bị kỹ thuật tại Hội trường, tiến hành lắp đặt hệ thống biểu quyết điện tử và hệ microphone cầm tay để đại biểu Quốc hội có thể phát biểu tại chỗ. Nhờ những cố gắng nói trên, đã góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, đồng thời tạo sự phối hợp, điều hòa giữa các vụ, đơn vị trong Văn phòng cũng như công tác chỉ đạo điều hành đã có nhiều tiến bộ.

2.7. Phục vụ công tác dân nguyện

Trước yêu cầu mở rộng dân chủ và công khai, Văn phòng đã cải tiến việc phục vụ công tác dân nguyện theo hướng nâng dần chất lượng công tác tiếp công dân và xử lý đơn, thư khiếu tố theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức làm việc hợp lý để vừa bảo đảm xử lý nhanh, gọn những đơn, thư khiếu tố của công dân, vừa phục vụ kịp thời các yêu cầu của lãnh đạo. Năm 1988, số lượng đơn, thư khiếu kiện các loại gửi đến Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là 11.340 đơn, trong đó nhiều nhất là khiếu nại và tranh chấp đất đai. Để thúc đẩy việc xét, giải quyết các đơn, thư khiếu tố, Văn phòng đã chủ động đề xuất và phục vụ Hội đồng Nhà nước kiểm tra về tình hình giải quyết đơn, thư khiếu tố còn tồn đọng ở một số tỉnh, thành phố và kịp thời nghiên cứu, chuyển các đơn, thư khiếu tố của công dân đến các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Đối với một số vụ việc tồn đọng lâu ngày, Văn phòng đã trực tiếp đôn đốc và phối hợp cùng các địa phương, các ngành, các cấp giải quyết. Năm 1989, đã giải quyết được trên 400 vụ việc, trong đó có những vụ việc nội dung phức tạp kéo dài đã 5, 7 năm đến 10 năm[25]. Năm 1990, Văn phòng đã tiếp nhận 8.220 đơn, thư và tiếp 898 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, đề đạt nguyện vọng, tăng 1.561 đơn và giảm 543 lượt người so với năm 1989. Văn phòng cũng đã phục vụ đoàn của Hội đồng Nhà nước đi kiểm tra tình hình khiếu nại, tố cáo ở Hà Nội, Hà Nam Ninh, Sông Bé và cử cán bộ đến làm việc ở 12 tỉnh, thành phố và một số ngành ở Trung ương để góp ý kiến giải quyết được 57 vụ việc quan trọng và những vụ việc mà các đồng chí lãnh đạo quan tâm[26].

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của việc tiếp công dân, đầu năm 1990, Văn phòng đã đề xuất và được Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chấp nhận bố trí nhà số 1 phố Mai Xuân Thưởng, Hà Nội làm trụ sở tiếp dân. Từ ngày 5-2-1990, việc tiếp dân tại số 1 Mai Xuân Thưởng đã được triển khai với sự tham gia của 5 cơ quan Trung ương. Nhờ tập trung vào một đầu mối, công tác tiếp dân đã có chuyển biến; giảm bớt sự phiền hà và đi lại của công dân khi đến các cơ quan Trung ương để khiếu tố. Tuy nhiên, việc phân loại, xử lý đơn, thư, cũng như việc theo dõi, “bám chắc” các vụ việc quan trọng và tổng hợp các ý kiến nhân dân để báo cáo định kỳ vẫn còn hạn chế. Để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác dân nguyện, đòi hỏi các bộ phận chức năng của Văn phòng phải tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nhiệm vụ phục vụ công tác dân nguyện trong tình hình hiện nay[27].

2.8. Phục vụ các hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Thời kỳ này, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Mặc dù vậy, nhiều đoàn nghị sĩ của Quốc hội các nước vẫn đến thăm và tìm hiểu tình hình thực tế ở Việt Nam. Tuy số lượng cán bộ làm công tác đối ngoại còn ít, nhưng nhờ giữ vững mối quan hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại Trung ương, cộng với sự nỗ lực, chủ động và kinh nghiệm của nhiều năm công tác, Văn phòng đã phục vụ lãnh đạo Hội đồng Nhà nước và lãnh đạo Quốc hội tiếp 18 đại sứ trình thư uỷ nhiệm; 22 đoàn khách quốc tế, 49 lượt đại sứ các nước đến chào xã giao và trao đổi công tác, tổ chức đón tiếp chu đáo 8 Đoàn nghị sĩ các nước. Bên cạnh đó, Văn phòng còn chuẩn bị các nội dung đề án, tư liệu và làm thủ tục cho 12 Đoàn của Quốc hội nước ta đi thăm hữu nghị một số nước và dự hội nghị của Liên minh Quốc hội. Đặc biệt, trong công tác phục vụ Văn phòng đã bước đầu đổi mới bằng việc gắn hoạt động đối ngoại với hoạt động kinh tế và xây dựng kế hoạch tổng thể phục vụ công tác này.

2.9. Công tác quản lý, chỉ đạo của Lãnh đạo Văn phòng

Đây là yếu tố quyết định thành quả của công tác tổ chức, phục vụ. Từ năm 1987 đến năm 1989, Văn phòng đã chú ý đổi mới mọi mặt công tác, nhất là đổi mới nội dung và phong cách làm việc. Tuy Văn phòng chưa kịp bổ sung Phó Chủ nhiệm, nhưng lãnh đạo Văn phòng đã tích cực ủng hộ và tạo điều kiện cho những việc làm nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả thiết thực của công việc, quan tâm chỉ đạo công tác tổ chức, chú ý phát huy dân chủ trong nội bộ, lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng chung. Trong quan hệ công việc, lãnh đạo Văn phòng đã có ý thức tranh thủ sự phối hợp công tác với các tổ chức quần chúng theo phạm vi chức năng, chăm lo cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, nhân viên.

2.10. Công tác tổ chức phục vụ và xây dựng cơ quan

Công tác tuyển dụng cán bộ được tập trung giải quyết theo hướng tăng cường cán bộ quản lý giỏi, có nhiều kinh nghiệm về công tác xây dựng pháp luật và tổng hợp văn bản. Việc thực hiện các chính sách nâng lương, khen thưởng huân chương bậc cao cho các cán bộ công tác lâu năm, trợ cấp khó khăn, thăm hỏi, tổ chức các đợt tham quan, nghỉ hè cho cán bộ, nhân viên; giải quyết các chế độ cho những người đã và sắp nghỉ hưu luôn được Văn phòng quan tâm. Một số cán bộ trẻ có năng lực đã được Văn phòng tạo điều kiện cho ôn tập, thi nghiên cứu sinh và cử sang học ở Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng việc quy hoạch và xây dựng chức danh, tiêu chuẩn cán bộ triển khai còn chậm; việc nghiên cứu vận dụng thực hiện các chính sách, chế độ cho cán bộ, nhân viên, nhất là cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu của cơ quan chưa được tiến hành một cách cơ bản; việc bổ sung cán bộ có chất lượng cho các bộ phận vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

­Công tác tổng hợp, biên tập các văn bản, dự thảo các nghị quyết, làm báo cáo định kỳ về hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội, ra thông cáo báo chí… đã có nhiều cố gắng.

Văn phòng đã xúc tiến các công việc chuẩn bị biên soạn Lịch sử Quốc hội như: hình thành bộ phận đầu mối để thu thập tài liệu; mời một số chuyên gia đầu ngành về lịch sử để trực tiếp xây dựng đề cương và biên soạn.

Phòng Thư viện - Tư liệu đã tiến hành việc kiểm kê lại kho sách, phân loại, lập mục lục và củng cố hệ thống tra cứu, mua thêm đầu sách mới để phục vụ yêu cầu của bạn đọc.

Công tác hành chính - văn thư đã bảo đảm việc thu nhận và phân phối một số lượng lớn công văn, tài liệu; phục vụ việc cấp giấy đi đường, giấy giới thiệu; bảo quản hồ sơ, tài liệu mật; phục vụ tốt các cuộc họp báo công bố luật, pháp lệnh. Văn phòng đã từng bước xây dựng một số quy định phục vụ kỳ họp Quốc hội như chế độ mời dự thính, in ấn và phân phối tài liệu, bảo vệ kỳ họp, quy định mẫu giấy mời…

Văn phòng đã từng bước xây dựng được tập ảnh lưu trữ và phim tư liệu về kỳ họp Quốc hội; phối hợp với Nhà xuất bản Sự thật để in sách luật và sách hướng dẫn thi hành pháp luật. Việc ứng dụng tin học vào soạn thảo văn bản cũng bước đầu được triển khai thực hiện.

Công tác quản trị - tài chính đã có nhiều cố gắng trong việc xin cấp kinh phí hàng năm để phục vụ kịp thời các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước. Năm 1990, lần đầu tiên Văn phòng đã lập được dự trù tổng kinh phí cả năm để trình Hội đồng Nhà nước xét duyệt, chủ động được kế hoạch chi tiêu, giảm thiểu những bị động, lúng túng về kế hoạch tài chính, bảo đảm cho các yêu cầu chi tiêu của các cơ quan Quốc hội. Chế độ tài chính, báo cáo, ghi chép theo hệ thống sổ sách mới đã được Văn phòng tổ chức tập huấn và triển khai áp dụng thống nhất.

Việc xây dựng, sửa chữa, mua sắm, sử dụng và bảo quản trang, thiết bị đã được quan tâm, nhất là việc quản lý hệ thống âm thanh, máy đếm ở Hội trường... Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng lãnh đạo Văn phòng cũng đã chỉ đạo việc xây dựng nhà ở 5 tầng tại 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội, tu sửa Nhà khách Phủ Chủ tịch, cải tạo trụ sở làm việc 35 Ngô Quyền, Hà Nội và nâng cấp Nhà khách 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng Liên lạc tại thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động bố trí kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ Văn phòng giao như: phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội phía Nam trong các kỳ họp Quốc hội và những lúc cần thiết; phục vụ những nhiệm vụ đột xuất của Văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh như Lễ Tuyên dương công trạng quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Lễ tang Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát; phục vụ lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, các Đoàn của Ủy ban Thường trực Quốc hội và cán bộ Văn phòng vào công tác phía Nam. Phòng còn tổ chức dịch vụ tại Nhà khách 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh góp phần cải thiện đời sống cho cán bộ toàn cơ quan.

 3. Hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể

Đến năm 1992, Đảng bộ Văn phòng đã có 150 đảng viên sinh hoạt trong 11 Chi bộ. Do nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nên Đảng bộ Văn phòng luôn giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của một Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Xác định công tác chuyên môn là công tác trọng tâm, Đảng ủy đã cùng với lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các tổ chức quần chúng động viên cán bộ, nhân viên khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Để nêu cao tính tiên phong gương mẫu và bản lĩnh chính trị của người đảng viên, Đảng ủy Văn phòng đã cử cán bộ luân phiên đi học các lớp lý luận chính trị tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; thường xuyên tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nghị quyết của Đảng bộ Khối I các cơ quan Trung ương để cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức và vận dụng vào công tác chuyên môn.

Đảng bộ Văn phòng đã duy trì các kỳ Đại hội theo quy định. Căn cứ vào kết quả Đại hội, Bí thư Đảng ủy Văn phòng cũng có sự thay đổi. Từ năm 1980 đến năm 1984, ông Nguyễn Thế Cung, Thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội, phụ trách công tác dân nguyện được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Từ năm 1984 đến đầu năm 1987, ông Lê Trang, Phó Chủ nhiệm Văn phòng được bầu làm Bí thư Đảng ủy và từ năm 1987 đến năm 1991, ông Phùng Văn Tửu, Phó Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Bí thư Đảng ủy.

Từ sau năm 1981, số lượng đoàn viên Công đoàn và đoàn viên thanh niên đã tăng lên đáng kể. Hoạt động của Công đoàn và Đoàn Thanh niên cũng phong phú hơn. Năm 1983, được sự hướng dẫn của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, trực tiếp là Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm, Văn phòng đã tổ chức hội nghị để bầu ra Ban Chấp hành Công đoàn mới, nhiệm kỳ 1983-1986 (sau đổi tên là Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động cơ quan) gồm 9 người, do ông Hoàng Tuấn, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện làm Thư ký.

Nhiệm vụ của Công đoàn Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước là tổ chức các sinh hoạt cho đoàn viên, phát động phong trào thi đua lao động và thực hiện các công việc khác do Liên đoàn Lao động quận Hoàn Kiếm chỉ đạo. Trước tình hình đời sống còn nhiều khó khăn, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động đã tích cực phối hợp với lãnh đạo Văn phòng tìm cách giải quyết khó khăn, cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên, nhất là tạo nguồn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán hoặc các ngày lễ lớn. Trong những chuyến đi công tác về địa phương, cán bộ của Văn phòng đều được giao thêm nhiệm vụ liên hệ, tìm kiếm nguồn thực phẩm và mua nhu yếu phẩm để phân phối cho cán bộ, nhân viên, bảo đảm nguyên tắc công bằng, hợp lý.

Từ tháng 10-1986 đến tháng 11-1989, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động cơ quan có 9 người do ông Đào Mạnh Phú, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ làm Thư ký. Do bám sát chủ trương của Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động đã phát huy tính chủ động, quyền làm chủ của cán bộ, công nhân viên, thực hiện tốt các nhiệm vụ, tích cực tham gia các phong trào thi đua để góp phần xây dựng cơ quan ngày càng vững mạnh. Năm 1988, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ VI đã đổi tên từ Tổng Công đoàn Việt Nam thành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Công đoàn Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước tổ chức Đại hội bầu ra Ban Chấp hành mới gồm 5 người, do ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ làm Thư ký. Đến năm 1992, Công đoàn Văn phòng tổ chức Đại hội, bầu Ban Chấp hành mới gồm 7 người, do ông Lê Quang Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ làm Thư ký.

Thời kỳ này, cùng với việc đổi mới cơ chế quản lý nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn cũng có nhiều thay đổi. Được sự chỉ đạo của Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng, Ban Chấp hành Công đoàn đã

tham gia vào những công việc quan trọng như tham gia vào Ban Phân phối nhà ở của cơ quan, Hội đồng lương và thanh lý tài sản… Do vậy, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan đã được cơ cấu đầy đủ thành phần gồm đại diện của các vụ, đơn vị trong Văn phòng. Tổ chức Công đoàn đã có các ban chuyên môn hoạt động nên góp phần bảo đảm thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên trong Văn phòng.

Trong những năm 1981 - 1992, Đoàn Thanh niên Văn phòng đã có đóng góp công sức của mình trong nhiều lĩnh vực công tác, từng bước nâng cao hiệu quả phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Thường trực của Quốc hội. Từ năm 1982 đến năm 1984, Bí thư Chi đoàn là đồng chí Nguyễn Viết Lểnh, chuyên viên Vụ Hội đồng và các Ủy ban. Cùng với hoạt động chuyên môn, Ban Chấp hành Chi đoàn đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên, thanh niên; giới thiệu các đoàn viên ưu tú cho các Chi bộ để xét kết nạp Đảng. Từ năm 1984 đến năm 1992, Chi đoàn Thanh niên đã 3 lần tiến hành Đại hội và bầu ra các Bí thư Chi đoàn: đồng chí Nguyễn Văn Hợp, chuyên viên Vụ Pháp luật (từ năm 1984 đến năm 1986); đồng chí Đặng Đình Luyến, chuyên viên Vụ Pháp luật (từ năm 1986 đến năm 1989) và đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, chuyên viên Vụ Quản trị (từ năm 1989 đến năm 1992).

Cùng với việc kiện toàn tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh niên Văn phòng đã trở nên sôi nổi, các đoàn viên thanh niên luôn nêu cao tính xung kích trong các phong trào do Đoàn Thanh niên hoặc Công đoàn cơ quan phát động như các phong trào văn nghệ, công tác chăm sóc thiếu nhi, lao động công ích, làm thêm gây quỹ... Trong hơn 10 năm hoạt động, Đoàn Thanh niên Văn phòng ngày càng phát triển và thu được nhiều kết quả khích lệ, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.

 

*
*       *

 

Trải qua hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII và khóa VIII, mặc dù tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ, nhân viên Văn phòng vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết phấn đấu, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác. Văn phòng đã có nhiều tiến bộ cả về nội dung, phương pháp phục vụ; quan tâm đến việc xây dựng nội bộ cơ quan, thực hiện sắp xếp, cải tiến bộ máy làm việc; chăm lo đời sống cán bộ, công nhân, viên chức và đã đạt hiệu quả công tác tốt, nhất là qua các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp Hội đồng Nhà nước, góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Thường trực của Quốc hội.


 

[1] Xem Phụ lục.

[2] Ông Nguyễn Huy Thúc là đại biểu Quốc hội khoá VII của tỉnh Thái Bình, uỷ viên thư ký Uỷ ban Pháp luật, được Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm làm Vụ trưởng Pháp luật từ năm 1981-1983, từ cuối năm 1983 đến tháng 10-1986 được cử làm chuyên gia tại Hội đồng Nhân dân tối cao nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào theo quyết định đặc biệt giữa Chủ tịch Xuphanuvông (Lào) và Chủ tịch Trường Chinh. Ngày 11-7-1993, ông được điều động sang công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

[3] Bà Nguyễn Thị Linh Quy là đại biểu Quốc hội khóa VII của tỉnh Nghĩa Bình, được Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước bổ nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Đối ngoại từ năm 1987 - 1991.

[4] Ông Trương Quang Phái được giao phụ trách Phòng Liên lạc từ cuối năm 1976. Ngày 20-12-1980, ông được đề bạt Trưởng phòng theo Quyết định số 617QH/TC của Chủ nhiệm Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội đến cuối năm 1983; Ông Huỳnh Văn Ba làm Trưởng phòng từ cuối năm 1983 đến năm 1985. Khi ông Ba nghỉ hưu, Chủ nhiệm Văn phòng đã điều động các ông Đào Văn Phú và Nguyễn Văn Nghĩa, Vụ phó Vụ Quản trị - Tài vụ phụ trách Phòng Liên lạc. Ngày 7--5-1986, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 442VP/TCCB bổ nhiệm ông Lê Viết Hùng (tức Giang Khởi Vinh), Chủ nhiệm Nhà khách Tao Đàn, Cục Quản trị II - Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng làm Trưởng Phòng Liên lạc.

[5] Cuối năm 1988, Nhà khách Phủ Chủ tịch trực thuộc Vụ Quản trị - Tài vụ theo Quyết định số 812VP/CN ngày 19-10-1988 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ lưu trữ tại Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.

[6] Theo báo cáo khoa học về “Xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy phục vụ Quốc hội” - Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, tháng 7-2005.

[7] Báo cáo tổng kết công tác năm 1986 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước - Hồ sơ số 4212, phông Văn phòng Quốc hội. Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.

[8] Báo cáo tổng kết công tác năm 1986 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước - Hồ sơ số 4212, phông Văn phòng Quốc hội. Trung tâm lưu trữ Quốc gia III.

[9] Báo cáo tổng kết công tác năm 1984 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 4109, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[10] Báo cáo tổng kết công tác năm 1986, Tài liệu đã dẫn.

[11] Hồ sơ số 4156, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[12] như trên

[13] Ông Vũ Mão sinh năm 1939, quê ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; tham gia cách mạng từ năm 1950, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 4-1962, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII và IX; đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X và XI; Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 đến năm 1992, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ năm 1992 đến năm 2002, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XI.

[14] Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã căn cứ vào đề nghị của Trưởng Ban Quản lý công trình ban hành các Quyết định số 1097VP/CN ngày 30-8-1989 về việc sửa chữa Nhà khách Phủ Chủ tịch; Quyết định số 1289VP/CN ngày 2-11-1989 về việc cải tạo trụ sở Văn phòng tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội và Quyết định số 956VP/CN ngày 15-11-1991 về việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp Nhà công vụ Quốc hội tại 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

[15] Quy chế xây dựng luật, pháp lệnh được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 6-8-1988, gồm 10 Chương, 44 Điều. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành toàn bộ công tác lập pháp trong nhiều năm.

[16] Báo cáo tổng kết công tác năm 1990 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 377, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[17] Phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII. Xem Văn kiện của kỳ họp thứ 11, tr. 36. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[18] Báo cáo tổng kết công tác năm 1987 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 4141, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[19] Báo cáo tổng kết công tác năm 1990 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 377, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[20] Sau Hội nghị toàn quốc về Hội đồng nhân dân, bản Quy chế mới đã được Hội đồng Nhà nước ban hành ngày 5-5-1990.

[21] Phương án sáp nhập bộ và giải thể một số tổng cục của Hội đồng Bộ trưởng đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn trong Nghị quyết số 244NQ-HĐNN ngày 31-3-1990

[22] Báo cáo công tác năm 1990 của Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ. Tài liệu lưu trữ tại Bộ Nội vụ, tập 2.

[23] Văn kiện kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII (từ ngày 17-6 đến ngày 22-6-1987). Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[24] Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 1987 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 4141, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[25] Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 1989 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 374a, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[26] Báo cáo tổng kết công tác năm 1990 của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Hồ sơ số 377, phông Quốc hội. Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

[27] như trên