UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ


LỜI ĐẦU SÁCH

 

Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Trong quá trình ấy, để chăm lo cho đất nước được thái bình thịnh trị, để giữ gìn biên cương được vững bền, từ xưa ông cha ta đã hết sức quan tâm đến mối bang giao với các nước láng giềng, nhất là với nước láng giềng hùng mạnh.

Lịch sử đã từng chứng tỏ rằng: ông cha ta ngay cả lúc vừa mới chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên, quân Minh, quân Thanh vẫn không quên giữ mối hoà hiếu với phong kiến phương Bắc. Thời Trần, sau ba lần đại thắng quân Nguyên, vào tháng 10 năm Mậu Tý - 1288, đang trong bộn bề công việc xây dựng lại đất nước, vua Trần đã sai sứ sang triều cống vua Nguyên và xin cầu hoà. Đến thời Lê Lợi, trong dư âm hào khí của đại cáo Bình Ngô còn sang sảng, nhà vua đã tính đến việc sai sứ sang cầu phong với vua Minh, thậm chí còn chịu cảnh ba năm một lần cống nộp hai tượng người bằng vàng như để đền trả việc giết hai tướng giặc Liễu Thăng và Lương Minh. Và cả với vua Quang Trung, anh hùng là thế, mà sau đại thắng quân Thanh cũng đã dùng "lời nói khéo" của Ngô Thì Nhậm để hoà hoãn việc binh đao với phương Bắc, tạo cơ hội chăm lo việc nội trị.

Cách đây chưa lâu lắm, vào giữa thế kỷ trước, trong khi lãnh đạo nhân dân dựng nên kỷ nguyên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong chồng chất khó khăn, Đảng và Bác Hồ đã chủ trương "cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta"[1]. Tiếp theo đó, cùng với việc tiến hành hoạt động ngoại giao với các nước, nhiệm vụ chính là tiến hành giao thiệp với Chính phủ Pháp.

Gần đây, vì sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, chúng ta đã khép lại quá khứ, một quá khứ đầy đau thương và thù hận, để tiến hành các hoạt động ngoại giao nhằm bình thường hoá quan hệ với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Và cũng vì lợi ích lớn lao của đất nước mà trong nhiều năm qua, chúng ta đã xúc tiến nhiều cuộc đàm phán với rất nhiều đối tác để trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Nhắc lại đôi điều về tiến trình lịch sử của dân tộc như vậy là để chiêm nghiệm, để nhìn nhận đầy đủ về vai trò của hoạt động đối ngoại, cũng là dịp ôn lại bài học kinh nghiệm và tự hào về đội ngũ những người Việt Nam làm đối ngoại từ trước đến nay đầy bản lĩnh, tài ba, khôn ngoan, đã giành được nhiều thắng lợi trong cả những lúc còn nhiều khó khăn.

Tiếp nối truyền thống của ông cha, ngay trong buổi đầu Cách mạng, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đĩnh đạc tuyên bố trong Lời nói đầu của Hiến pháp 1946: "Với tinh thần đoàn kết phấn đấu sẵn có của toàn dân, dưới một chính thể dân chủ rộng rãi, nước Việt Nam độc lập và thống nhất tiến bước trên đường vinh quang, hạnh phúc, cùng nhịp với trào lưu tiến bộ của thế giới và ý nguyện hòa bình của nhân loại". Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, trong hơn 60 năm qua, cùng với các lĩnh vực khác, những hoạt động đối ngoại nói chung và hoạt động đối ngoại của Quốc hội nói riêng đã có những đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của đất nước.

Không muốn để những việc đã làm bị lãng quên, trong nhiều năm vừa qua, nhiều thế hệ cán bộ hoạt động đối ngoại của Quốc hội có ý nguyện xây dựng một cuốn sách thể hiện những chặng đường lịch sử đối ngoại nhằm từng bước tập hợp các tư liệu về hoạt động đối ngoại của Quốc hội, nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng ấy chưa trở thành hiện thực. Gần đây, những hoạt động kỷ niệm 60 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại càng thôi thúc chúng tôi gấp rút thực hiện ý tưởng ấy. Nhưng khi bắt tay vào công việc, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, việc xây dựng cuốn sách được như mong muốn là điều không dễ dàng.

Sau một thời gian chuẩn bị tư liệu, xây dựng bản thảo, cân nhắc, trao đổi ý kiến, cuốn sách được xây dựng theo bốn phần:

- Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

- Một số tư liệu về hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

- Hồi ký của một số cán bộ đã tham gia hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

- Các ảnh tư liệu: chân dung của các vị thành viên Uỷ ban Đối ngoại qua các nhiệm kỳ và một số ảnh tư liệu về hoạt động đối ngoại của Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại.

Cuối cùng là phụ lục về Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội.

Về tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại, dù không phải là Uỷ ban ra đời rất muộn màng như một số Uỷ ban khác của Quốc hội nhưng cũng phải sau 28 năm kể từ khi Quốc hội khoá I hoạt động, Uỷ ban Đối ngoại mới được thành lập vào tháng 2 năm 1974. Căn cứ vào các hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại được tiến hành cùng với các hoạt động của Quốc hội nói chung trong quá trình phát triển của cách mạng dân tộc, Ban biên tập cuốn sách chia nội dung này thành ba phần: những hoạt động đối ngoại của Quốc hội trước khi thành lập Uỷ ban Đối ngoại; tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại từ ngày thành lập đến trước thời gian đổi mới; tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại từ ngày đổi mới đến nay.

Do tư liệu về hoạt động đối ngoại ở một số nhiệm kỳ Quốc hội không còn nhiều và cũng do sự chuẩn bị chưa thật đầy đủ nên phần Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại chỉ mới ghi lại những nét chung, chủ yếu dựa vào báo cáo công tác qua các nhiệm kỳ, chưa đi sâu vào các hoạt động cụ thể với các diễn biến sự việc cùng với những đánh giá, những kinh nghiệm về các hoạt động cụ thể ấy.

Về một số tư liệu về hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại, như đã nói ở trên, phần Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại chỉ mới ghi lại những nét chung nên cần bổ sung một số tư liệu để giúp cho công tác nghiên cứu, tham khảo khi cần thiết nhưng do phạm vi và yêu cầu của cuốn sách không nhằm in lại đầy đủ các tư liệu nên Bạn biên tập chỉ chọn một số văn kiện thuộc các nhiệm vụ công tác lập pháp, công tác giám sát, hoạt động đối ngoại của Uỷ ban, mỗi lĩnh vực vào ba văn kiện. Dù số tư liệu được in lại ở cuốn sách này rất hạn chế, Ban biên tập vẫn hy vọng rằng với những tư liệu ít ỏi ấy, khi lật lại những vấn đề có liên quan, qua trang sách, bạn đọc vẫn có dịp nhìn nhận rõ những vấn đề nhạy cảm gắn liền với một số sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước.

Phần hồi ký, là một nội dung rất quan trọng, ghi lại một số sự việc đã diễn ra trên chặng đường dài của lịch sử đối ngoại, cũng nhằm bổ sung tư liệu; có bài ghi lại một vấn đề rất lớn có liên quan đến nhiều sự việc khác, nhiều cá nhân khác; cũng có bài chỉ ghi lại một việc cụ thể trong diễn biến lớn của hoạt động đối ngoại. Người viết là những người trong cuộc, có người giữ trọng trách trong tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, có người là cán bộ Vụ đối ngoại đã nhiều năm phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội và chủ yếu là những thành viên của Uỷ ban Đối ngoại ở các nhiệm kỳ khác nhau. Với nhiệt tình vốn có, với lòng mong muốn cuốn sách được ra đời, người viết đã cố gắng nhớ lại, ghi lại kỷ niệm của một thời. Những đóng góp đáng quý, đáng trân trọng ấy của từng cá nhân đã minh hoạ cụ thể và có thể nói là khá sâu sắc cho những gì mà phần Tổ chức và hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại chỉ mới nêu được những sự kiện chung nhất. Với tinh thần tôn trọng sự đóng góp đầy nhiệt tình của người viết, Ban biên tập đã đăng tải nguyên văn các bài hồi ký.

Theo kế hoạch, Ban biên tập đã gửi nhiều thư mời viết hồi ký nhưng đáng tiếc là số bài nhận được chưa nhiều. Điều đó đã phần nào hạn chế sự phong phú của nội dung cuốn sách nhưng không thể chờ đợi thêm, đã đến lúc cuốn sách phải ra đời.

Về phần ảnh tư liệu, đã qua nhiều thập kỷ và một phần vì những khó khăn trong công tác tư liệu, công tác lưu trữ trước đây nên số ảnh lưu lại không còn đầy đủ. Cán bộ Phòng Lưu trữ thuộc Vụ Hành chính Văn phòng Quốc hội đã rất cố gắng trong việc sưu tập, xác minh và cả hiệu chỉnh một số chi tiết liên quan đến các bức ảnh để có được bộ ảnh tương đối hoàn chỉnh như hôm nay.

Phần phụ lục cuối cùng phác hoạ vài nét về đơn vị giúp việc Uỷ ban Đối ngoại qua các nhiệm kỳ là Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội. Nhiều báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban Đối ngoại đã khẳng định vai trò quan trọng của Vụ Đối ngoại và sự cần thiết phải tăng cường củng cố, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ này.

Dù đã rất cố gắng, cuốn sách vẫn chưa đáp ứng được ý tưởng tốt đẹp và mong muốn chính đáng của nhiều người. Rất mong các vị đại biểu Quốc hội, các bạn đọc, các thành viên Uỷ ban Đối ngoại qua các nhiệm kỳ và nhất là các vị đã nhiệt tình góp sức cho sự ra đời của cuốn sách thông cảm, lượng thứ và góp ý kiến về những khiếm khuyết của cuốn sách này. Mong rằng những khiếm khuyết ấy sẽ được bổ cứu; trong một tương lai không xa, cuốn sách sẽ được viết tiếp với những bổ sung cần thiết, đầy đủ, cụ thể và sâu sắc hơn.

Nhân dịp này, xin chân thành cảm ơn các vị đã trực tiếp tham gia xây dựng nội dung cuốn sách, cám ơn sự đóng góp tích cực của các thế hệ cán bộ Văn phòng Quốc hội đã lặng lẽ sưu tập từng tư liệu, đã chăm chú dõi theo từng con chữ để có được những trang sách hôm nay.

Dù chưa mãn nguyện nhưng sự ra đời của cuốn sách cũng đã là một niềm vui. Xin được xem cuốn sách này như một lời tri ân của chúng tôi đối với Đảng, với nhân dân, với những người có trách nhiệm đã tạo điều kiện cho cán bộ đối ngoại của Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ đầy vinh dự của mình.

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2007

Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII

CHỦ NHIỆM UỶ BAN ĐỐI NGOẠI KHOÁ XI

Vũ Mão

 


 

[1] Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I trang 17-18.