Ngày 6 tháng 1 năm 1946, với thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, cử tri cả nước đã bầu ra Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 2 tháng 3 năm ấy, Quốc hội đã họp kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội, mở đầu những hoạt động quan trọng của Quốc hội, đóng góp tích cực vào cuộc cách mạng của dân tộc. Từ đó, về mặt tổ chức, một số Tiểu ban và sau này là các Uỷ ban lần lượt được thành lập để giúp Quốc hội tiến hành hoạt động trên các lĩnh vực. Riêng về công tác đối ngoại, phải đến kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IV vào tháng 2 năm 1974, Uỷ ban Đối ngoại mới ra đời. Trong thời gian gần 30 năm, kể từ khi Quốc hội khóa I bắt đầu hoạt động, dù chưa có một tổ chức chuyên giúp Quốc hội hoạt động về lĩnh vực đối ngoại, nhưng do yêu cầu của cách mạng, Quốc hội vẫn tiến hành không ít các hoạt động đối ngoại cần thiết. Sau đây là một số nét chủ yếu về các hoạt động này.
Cũng như các lĩnh vực khác, do tính chất quan trọng và nhạy cảm của công tác đối ngoại, Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo công tác này. Ngay từ lúc cận kề Cách mạng tháng Tám, Hội nghị toàn quốc Đảng cộng sản Đông Dương vào ngày 14-15 tháng 8 năm 1945 đã ra nghị quyết trong đó Mục IV - Vấn đề ngoại giao có nêu rõ:
"1- Về mặt ngoại giao, tuy chúng ta đã cố gắng nhiều nhưng mãi đến giờ, đối với Tầu vẫn chưa có kết quả tốt; đối với các nước Đồng minh khác, tuy việc ngoại giao có tiến nhưng cách mạng Việt Nam vẫn chưa giành được một vị trí trên trường quốc tế.
…
3- Chính sách chúng ta là phải tránh cái trường hợp một mình đối phó với nhiều lực lượng đồng minh (Tầu, Pháp, Anh, Mỹ) tràn vào nước ta và đặt Chính phủ của Pháp Đờ Gôn hay một Chính phủ bù nhìn khác với ý nguyện dân tộc.
Bởi vậy cần tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô và Mỹ chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Đông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tầu định chiếm nước ta".
Ngay sau đó, quan điểm của Đảng về hoạt động đối ngoại đã được thể hiện trong phần cuối Nghị quyết của Quốc dân Đại hội tại Tân Trào vào ngày 16-17 tháng 8 năm 1945:
"Không phải Nhật bại là nước ta tự nhiên được độc lập. Nhiều sự gay go trở ngại sẽ xảy ra, chúng ta phải khôn khéo và kiên quyết. Khôn khéo để tránh những sự không lợi cho ta, Kiên quyết để giành cho được nền hoàn toàn độc lập…".
Trong thực tế, cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao đã diễn ra rất gay go và không kém phần gian khó kể từ khi Cách mạng Việt Nam mới giành được thắng lợi cho mãi đến sau này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với Chính phủ, Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có nhiều đóng góp vào mặt trận này.
A/ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA I
(Từ tháng 3-1946 đến tháng 7-1960)
Lần giở lại lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám, càng gần đến ngày Quốc hội khóa I họp kỳ thứ nhất, tình hình chính trị càng phức tạp, căng thẳng. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã tỏ rõ thái độ trong bản Tuyên ngôn của Quốc hội và trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với thế giới:
"Chủ quyền của nước Việt Nam độc lập thuộc về toàn thể dân Việt Nam. Vận mệnh quốc gia Việt Nam là ở trong tay Quốc hội Việt Nam".
Vào thời gian này, Cách mạng mới thành công, sau thời gian dài bị đô hộ, nước ta xơ xác tiêu điều, dân ta nghèo nàn thiếu thốn, chính quyền cách mạng non trẻ phải đương đầu với thù trong, giặc ngoài, với giặc đói, giặc dốt. Trong bối cảnh ấy, bản Tuyên ngôn của Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh:
"Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp lại dùng võ lực xâm lược bờ cõi Việt Nam, hành động ấy trái hẳn những quyền dân tộc bình đẳng và dân tộc tự quyết là những nguyên tắc đã được công nhận trong những hội nghị của các nước Đồng minh. Quốc hội Việt Nam kiên quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập và lãnh thổ của quốc gia và quyền tự do của nhân dân Việt Nam".
Đối phó với âm mưu của thực dân Pháp hòng thôn tính nước ta lần thứ hai là một nhiệm vụ rất nặng nề, phức tạp trong lĩnh vực ngoại giao. Cùng với việc tiến hành hoạt động ngoại giao với các nước, nhiệm vụ chính là tiến hành giao thiệp với Chính phủ Pháp. Trở lại lịch sử những năm tháng ấy, năm 1946 là năm có nhiều sự kiện quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa ta và Pháp: ký kết Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946; tiến hành cuộc đàm phán trù bị Đà Lạt đồng thời với hoạt động của phái đoàn Quốc hội ở Pháp; tiến hành cuộc đàm phán Phông-ten-nơ-blô để đi đến Thoả hiệp tạm thời ngày 14 tháng 9 năm 1946. Bản báo cáo đặc biệt của Chính phủ về việc giao thiệp với Chính phủ Pháp do ông Phạm Văn Đồng, Trưởng phái đoàn Quốc hội Việt Nam đi Pháp, trình bày ngày 30 tháng 10 năm 1946 tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I đã nêu rõ tình thế của đất nước thời ấy cùng với cách đối phó của Quốc hội, của Chính phủ ta trước mưu mô của thực dân Pháp.
Bản báo cáo đã nêu lên những khó khăn và ý chí quyết tâm chiến đấu giữ vững chủ quyền của nhân dân ta, Quốc hội và Chính phủ ta, đồng thời vạch rõ thái độ thiếu thiện chí của Chính phủ Pháp. Trong bối cảnh đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc ký kết Hiệp định sơ bộ 6/3 và Thoả hiệp tạm thời 14/9, báo cáo đã khẳng định: "Lần đầu xe tăng, thiết giáp đã không chinh phục được Nam Bộ cho nên mới có bản Hiệp định sơ bộ 6/3. Lần thứ hai xe tăng, thiết giáp cũng không chinh phục được Nam Bộ nên mới có bản Thoả hiệp tạm thời 14/9".
Báo cáo cũng khẳng định: "Trên con đường tranh thủ độc lập của chúng ta, Hiệp định sơ bộ 6/3 là bước đầu đã nêu cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở đường cho cả một cuộc tiến triển về sau". Riêng về việc phái đoàn Quốc hội Việt Nam sang Pháp từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 16 tháng 5 năm 1946, ông Phạm Văn Đồng báo cáo: "Nhiệm vụ của Phái đoàn Quốc hội Việt Nam là sang tỏ lòng thân thiện với Quốc hội Pháp và nhân dân Pháp. Chúng tôi tin rằng chúng tôi làm tròn nhiệm vụ đó".
Trên cơ sở xem xét báo cáo của ông Phạm Văn Đồng và tình hình thực tế, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã ra Nghị quyết về chính sách ngoại giao với Pháp, một bản nghị quyết hết sức ngắn gọn nhưng thể hiện thái độ hết sức kiên quyết: "Chính sách ngoại giao với nước Pháp căn cứ trên chủ quyền của Việt Nam với lực lượng quốc dân làm hậu thuẫn, phải cương quyết để bảo toàn lãnh thổ Việt Nam".
Trước âm mưu tái chiếm nước ta và thái độ lật lọng của thực dân Pháp, ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả dân tộc ta bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến thần thánh. Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cuộc kháng chiến ngày càng thu được nhiều thắng lợi, kể cả trong lĩnh vực ngoại giao. Theo Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946-1960, "về đối ngoại, từ năm 1950, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân ở Đông Âu, Ban Thường trực Quốc hội đã có quan hệ với Quốc hội nhiều nước đó". Đồng thời, Quốc hội còn có Đoàn đại biểu hoặc đại diện tham gia một số đoàn đi thăm một số nước. Cũng trong thời gian này, thay mặt Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã gửi điện văn đến Hội đồng tư vấn chính trị hiệp thương và nhân dân Trung Hoa, Hội đồng Xô viết tối cao và nhân dân Liên Xô, Quốc hội và nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Tiệp Khắc, Quốc hội và nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Bắc Cao Ly, Quốc hội và nhân dân Đông Đức, Quốc hội và nhân dân Hung gia lợi, Quốc hội và nhân dân Lỗ mã ni, Quốc hội và nhân dân Ba Lan, Quốc hội và nhân dân Bảo gia lợi…
Cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với chiến thắng quyết định Điện Biên Phủ là cơ sở bảo đảm thắng lợi trên mặt trận đấu tranh ngoại giao. Theo lịch sử Quốc hội Tập I, Ban Thường trực Quốc hội đã thảo luận và thống nhất với Hội đồng Chính phủ cử Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu đi dự Hội nghị Giơnevơ. Sau đó, Ban Thường trực Quốc hội tiếp tục cùng Chính phủ theo dõi diễn biến của Hội nghị để có ý kiến chỉ đạo thích hợp và cùng Chính phủ quyết định việc ký Hiệp định đình chiến lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hòa bình lập lại, nước ta tạm thời chia làm hai miền. Trong quá trình phấn đấu xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà, hoạt động ngoại giao ngày càng được tăng cường, trong đó quan hệ giữa Quốc hội nước ta "với Quốc hội các nước trên thế giới dần dần được mở rộng" góp phần nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với Quốc hội và nhân dân các nước. Quốc hội đã đặt quan hệ, gửi điện văn, trao đổi thư từ, tài liệu, cử Đoàn đại biểu đi thăm và đón Đoàn đại biểu các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa. Quan hệ đối ngoại cũng được mở rộng đến nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma… Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập I cũng đã ghi lại thái độ của Quốc hội trước một số sự kiện quan trọng xảy ra trên thế giới như: Lời hưởng ứng (ngày 26-3-1955) bản hiệu triệu của Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô trước tình hình thế giới căng thẳng; Lời tuyên bố ngày 23-1-1960 hưởng ứng lời kêu gọi của Xô viết tối cao Liên Xô về việc giảm bớt quân số; Lời tuyên bố về một số sự kiện xảy ra tại một số nước như về tình hình Hung-ga-ri năm 1956, cuộc đấu tranh của nhân dân An-giê-ry, thắng lợi của nhân dân Ai Cập chống lại cuộc đấu tranh xâm lược của Anh, Pháp, Ixrael…. Quốc hội cũng đã ra nghị quyết về vấn đề ngoại giao tại kỳ họp thứ sáu ngày 11-1-1957. Để tạo thêm diễn đàn đấu tranh trong lĩnh vực ngoại giao và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận thế giới, ngay từ năm 1959, Quốc hội cũng đã có đề án xin gia nhập Liên minh Quốc hội.
Với những hoạt động ấy, Quốc hội khoá I đã ghi những dấu ấn quan trọng vào lĩnh vực hoạt động đối ngoại của đất nước trong giai đoạn lịch sử còn rất nhiều khó khăn phức tạp.
B/ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI TRONG CÁC NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ II, III, IV (đến lúc thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội)
Đây là thời gian tương đối dài, gần 14 năm, kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa II vào giữa năm 1960 đến tháng 2 năm 1974, thời điểm thành lập Uỷ ban Đối ngoại, khi Quốc hội khóa IV chỉ còn hơn một năm là kết thúc nhiệm kỳ. Đây cũng là thời kỳ Quốc hội có nhiệm vụ rất nặng nề và cao cả trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam và sự nghiệp tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Trên lĩnh vực đối ngoại, Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu của cả hai nhiệm vụ chiến lược ấy.
Từ sau phong trào Đồng khởi, Cách mạng miền Nam có sự chuyển biến cơ bản về cả cục diện chính trị lẫn quân sự. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1960 và ngày càng mở rộng. Để đối phó với tình hình ấy, đế quốc Mỹ đã chuyển hướng chiến lược, bắt đầu thực hiện chiến tranh đặc biệt, sau đó ồ ạt đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam và chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, gây ra cuộc chiến tranh cục bộ xâm lược nước ta.
Trước mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, Quốc hội đã nhiều lần ra Lời Tuyên bố và Lời kêu gọi nhằm khẳng định thái độ của Quốc hội và nhân dân ta. Từ năm 1961, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa II đã tuyên bố: "Gần đây việc tăng cường can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi đã cùng nhau ký kết bản tuyên bố chung Giôn-xơn - Ngô Đình Diệm, từ tháng 5 năm 1961, đế quốc Mỹ và chính quyền miền Nam điên cuồng tăng cường quân bị, mở rộng những chiến dịch càn quét, bắn giết đồng bào miền Nam, đẩy mạnh việc bắt lính, tập trung dân và chuẩn bị đưa quân đội Mỹ và quân đội khối xâm lược Đông Nam Á vào miền Nam Việt Nam…" Đồng thời, trong Lời tuyên bố ấy, "Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chân thành cảm tạ Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, cảm tạ Chính phủ và nhân dân những nước khác trên thế giới luôn luôn đồng tình và ủng hộ nhân dân Việt Nam đấu tranh nhằm triệt để thi hành Hiệp nghị Giơnevơ và thực hiện hòa bình, thống nhất Việt Nam".
Trước từng bước leo thang quân sự của đế quốc Mỹ, Quốc hội đã có những phản ứng kịp thời. Khi Mỹ ngang nhiên thành lập ở miền Nam một bộ chỉ huy quân sự Mỹ đóng tại Sài Gòn, một lần nữa Quốc hội khóa II tại kỳ họp thứ tư đã "cực lực tố cáo trước dư luận thế giới và nhân dân Mỹ những hành động can thiệp quân sự của đế quốc Mỹ đang tăng cường chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam…" Sau đó, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa II đã kêu gọi nhân dân thế giới và Chính phủ các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới hãy tăng cường ủng hộ về mọi mặt cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam nhằm tự giải phóng cho mình và góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới đồng thời kiên quyết đòi hỏi Chính phủ Mỹ phải rút ngay quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam (Lời kêu gọi tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa II).
Tiếp theo, tại kỳ họp thứ nhất từ ngày 25 tháng 6 đến 3 tháng 7 năm 1964, Quốc hội khóa III đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đòi Chính phủ Mỹ "phải đình chỉ ngay mọi hành động khiêu khích và phá hoại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (Lời tuyên bố tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III). Chỉ ít lâu sau, cùng với việc điên cuồng đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam, đế quốc Mỹ đã mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trước tình hình hết sức nghiêm trọng ấy, tại kỳ họp thứ hai vào tháng 4 năm 1965, Quốc hội khóa III đã ra "Lời kêu gọi gửi Quốc hội các nước trên thế giới". Đó là những lời thống thiết: "Đế quốc Mỹ đã chồng chất ở miền Nam nước chúng tôi những tội ác vô cùng ghê tởm mà lương tâm loài người không thể dung thứ được. Ngày nay chúng lại mở rộng chiến tranh hòng phá hoại sự nghiệp lao động hòa bình của nhân dân miền Bắc nước chúng tôi". Và Quốc hội Việt Nam "tin rằng tiếng nói chính nghĩa của Quốc hội các nước sẽ góp phần ngăn chặn bàn tay đẫm máu của đế quốc Mỹ, bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, Đông Nam Á và trên thế giới". Sau đó, liên tiếp tại các kỳ họp thứ ba, thứ sáu, thứ bảy, Quốc hội lại ra Lời tuyên bố nghiêm khắc lên án đế quốc Mỹ, khẩn thiết kêu gọi nhân dân, Quốc hội, Chính phủ các nước và cả nhân dân Mỹ có hành động kịp thời ngăn chặn mọi bước phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ ở Đông Dương.
Kế tục các khoá trước, Quốc hội khóa IV tiếp tục bày tỏ thái độ trước mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ, xác định rõ "phương hướng hoạt động của chúng ta trên mặt trận đấu tranh ngoại giao là nêu cao lập trường chính nghĩa và ý chí quyết chiến quyết thắng, đồng thời nêu cao thiện chí của ta trong thương lượng nhằm giải quyết đúng đắn vấn đề Việt Nam..; kiên trì thương lượng ở Hội nghị Paris và kịp thời vạch mặt thái độ ngoan cố, xảo quyệt của chính quyền Nich-xơn trong thương lượng. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Quốc hội tiến hành ngay kỳ họp thứ ba, một kỳ họp đặc biệt, để nghe Chính phủ báo cáo về việc ký kết Hiệp định Paris. Ngày 21 tháng 3 năm 1973, để biểu thị thái độ về vấn đề này, Quốc hội đã ra "Nghị quyết về việc ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Từ đó cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Quốc hội tiếp tục
bày tỏ thái độ của mình trước nhân dân thế giới và nhân dân trong nước.
Cùng với cuộc chiến đấu gian khổ chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, nhân dân ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đây cũng là một công việc vô cùng khó khăn phức tạp, nhất là từ khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. "Trong cuộc chiến tranh cách mạng yêu nước của nhân dân cả nước chống đế quốc Mỹ, miền Nam vẫn là tiền tuyến lớn, miền Bắc vẫn là hậu phương lớn nhưng nhiệm vụ của miền Bắc là vừa xây dựng vừa trực tiếp chiến đấu, vừa chi viện cho tiền tuyến miền Nam". Và "khẩu hiệu chung của miền Bắc là: xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam".
Để xây dựng và phát triển miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Quốc hội đã xem xét, quyết định và tổ chức giám sát việc thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân, đặc biệt là các kế hoạch kinh tế thời chiến. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nước ta đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều nước đã ký kết nhiều hiệp định về kinh tế, thương mại và một số lĩnh vực khác. Những Hiệp định được ký kết ấy đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, được Quốc hội xem xét và nhất trí thông qua.
Công cuộc xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đấu tranh giải phóng miền Nam ngày càng nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhiều nước trên thế giới. Quan hệ ngoại giao với các nước ngày càng mở rộng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lần lượt bổ nhiệm các đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại các nước được kiến lập quan hệ ngoại giao.
Để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, cùng với Đảng và Chính phủ, Quốc hội đã cử nhiều phái đoàn đi thăm các nước, tham dự các Hội nghị quốc tế và đón tiếp nhiều Đoàn đại biểu các nước, các tổ chức quốc tế đến thăm nước ta. Đã có nhiều phái đoàn Quốc hội do Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc hội dẫn đầu đi thăm Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đi thăm Lào, Cam-pu-chia, và nhiều nước khác. Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã mời và đón tiếp nhiều Đoàn đại biểu các nước, các đảng, Quốc hội, nghị sĩ Quốc hội và các tổ chức tiến bộ từ châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi lần lượt đến thăm Việt Nam. Các cuộc đi thăm và đón tiếp Đoàn đại biểu các nước đã góp phần làm cho các nước hiểu rõ hơn sự nghiệp xây dựng miền Bắc trong hoàn cảnh chiến tranh và cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam của nhân dân ta, do đó ngày càng ủng hộ tích cực hơn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam.
Tháng 2-1974, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa III, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội được thành lập. Nhìn lại giai đoạn đấu tranh đầy gian khổ trước đó, dù chưa thành lập Uỷ ban Đối ngoại, nhưng do yêu cầu của cách mạng, hoạt động của Quốc hội trên mặt trận ngoại giao vẫn ngày càng mở rộng. Trên mặt trận này, những hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng với những hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tạo nên tiếng nói chung góp phần đẩy mạnh cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước tiến nhanh đến ngày toàn thắng. Có thể nói: "Hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng đã phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị, tạo thành một sức mạnh tổng hợp để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược…, đã góp phần nâng cao lập trường sáng ngời chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta, đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ ngày càng to lớn của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới.