UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ nhất

 

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI

 

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI

 

TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN THỜI KỲ ĐỔI MỚI

(Từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII,

tháng 2-1974 đến tháng 6-1987)

 

A/ THÀNH LẬP ỦY BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN  CUỐI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA IV

(Từ tháng 2-1974 đến tháng 6-1975)

Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IV, vào sáng ngày 5-2-1974, ủy viên thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Đình Tri đã đọc Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.

Về việc Quốc hội chưa có Uỷ ban Đối ngoại, Tờ trình nêu rõ: “Lâu nay về mặt đối ngoại, công tác của Quốc hội ta còn đơn giản. Toàn bộ công tác ngoại giao của Nhà nước ta do Chính phủ quản lý. Chính phủ báo cáo công tác đối ngoại của Nhà nước trước Quốc hội, và khi Quốc hội không họp thì báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Về phần Quốc hội, công tác đối ngoại gồm có việc tiếp các Đoàn đại biểu Quốc hội các nước đến thăm, cử các đoàn đại biểu Quốc hội ta đi thăm các nước, biểu thị thái độ đối với các vấn đề quốc tế. Việc nghiên cứu các vấn đề về quan hệ  dối ngoại của Quốc hội do Văn phòng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đảm nhiệm. Trong điều kiện đó, chưa cần phải thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội”.

Đến thời điểm này, tình hình đất nước đã có những bước phát triển mới với nhiều yêu cầu mới, đòi hỏi công tác đối ngoại của Quốc hội phải được tăng cường. Về vấn đề này, Tờ trình cũng nêu rõ:

“a) Uy tín của ta trên quốc tế được nâng cao, số nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước ta ngày càng nhiều, công tác đối ngoại của Nhà nước ngày càng mở rộng.

b) Quốc hội các nước có ảnh hưởng và tác dụng nhất định đối với đường lối đối ngoại của các chính phủ, nên ta cần tăng cường công tác đối ngoại của Quốc hội để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội các nước.

c) Trên thực tế, công tác đối ngoại của Quốc hội ngày càng phát triển, và có nhiều trường hợp việc giao thiệp quốc tế gặp khó khăn nếu không có Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội”.

Trước tình hình ấy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội để giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác đối ngoại của Nhà nước và làm công tác đối ngoại của Quốc hội. Dự kiến Uỷ ban Đối ngoại có nhiệm vụ:

“1. Thẩm tra các báo cáo và dự án của Chính phủ về công tác đối ngoại do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho.

2. Đề nghị Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra tuyên bố đối với các vấn đề quốc tế xét thấy cần biểu thị thái độ.

3. Thực hiện những công tác đối ngoại do Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao cho.”

Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IV vào sáng ngày 9-2-1974, ông Trần Đình Tri đã đọc dự thảo Nghị quyết thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Bằng cách giơ tay, toàn thể các đại biểu Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua nghị quyết này. Về tổ chức và nhiệm vụ của Uỷ ban Đối ngoại, Quốc hội hoàn toàn nhất trí như đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Việc Quốc hội khóa IV quyết định thành lập Uỷ ban Đối ngoại tại kỳ hợp thứ tư hoàn toàn phù hợp với quy định của Hiến pháp 1959 và luật Tổ chức Quốc hội năm 1960. Điều 57 Hiến pháp 1959 đã quy định: “Quốc hội thành lập ủy ban dự án pháp luật, ủy ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”.

Điều 34 của luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 cũng quy định:

“Mỗi ủy ban gồm có Chủ nhiệm và các ủy viên và có thể có Phó Chủ nhiệm.

Chủ nhiệm và các ủy viên do Quốc hội bầu theo sự đề cử của Chủ tịch đoàn. Phó Chủ nhiệm do ủy ban chọn trong các ủy viên.

Số thành viên của ủy ban do Quốc hội quy định.

Thành viên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có thể đồng thời là thành viên của ủy ban của Quốc hội”.

Căn cứ vào Điều 34 Luật Tổ chức Quốc hội 1960, cũng tại phiên bế mạc kỳ họp, thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp, ông Hoàng Văn Hoan đã đọc dự kiến danh sách thành viên Uỷ ban Đối ngoại do Đoàn Chủ tịch kỳ họp và Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nhất trí đề cử. Cũng bằng hình thức giơ tay, toàn thể đại biểu Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua danh sách ủy ban gồm 8 thành viên. Sau đó, theo Điều 34 Luật Tổ chức Quốc hội 1960, Uỷ ban Đối ngoại đã họp và bầu ông Trần Đình Tri làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban. Căn cứ các kết quả bầu cử, Uỷ ban Đối ngoại khoá IV gồm có:

Chủ nhiệm                              : Ông Xuân Thủy

Phó Chủ nhiệm                      : Ông Trần Đình Tri

Các ủy viên                             : Bà Bùi Thị Cẩm

                                                  Bà Trần Thị Ân

                                                  Bà Nguyễn Thị Hằng

                                                 Ông Trần Kiêm Lý

 Ông Hoàng Sử

                                                 Ông Vũ Định

Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, của Luật Tổ chức Quốc hội và Nghị quyết thành lập Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa IV, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành nhiều hoạt động.

Từ khi thành lập đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV, Uỷ ban Đối ngoại đã họp năm lần để bàn về công tác của ủy ban, trao đổi các vấn đề thời sự có liên quan đến Việt Nam, giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức các đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm hữu nghị các nước và đón tiếp các đoàn đại biểu nước ngoài đến thăm nước ta theo lời mời của Quốc hội.

Từ ngày thành lập Uỷ ban Đối ngoại đến khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, đã có các đoàn ra đoàn vào như sau:

- Từ ngày 14-5 đến ngày 12-6-1974, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, làm trưởng đoàn đi thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc và Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ry theo lời mời của lãnh đạo Quốc hội hai nước trên.

- Từ ngày 20 đến ngày 27-5-1974, nhóm đại biểu Quốc hội do ông Trần Danh Tuyên, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản dẫn đầu đã đi thăm Nhật Bản theo lời mời của ủy ban đón tiếp của các nghị sĩ thuộc năm chính đảng lớn ở Nhật. Ngay sau chuyến thăm này, Nhật Bản đã thành lập Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản- Việt Nam gồm hơn 300 nghị sĩ với mục đích tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, góp sức vào việc khôi phục kinh tế đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

- Từ ngày 20 đến ngày 29-1-1975, ông Nguyễn Văn Trân đã dẫn đầu một nhóm đại biểu Quốc hội đi thăm Ý theo lời mời của các nghị sĩ Ý trong Uỷ ban đoàn kết Ý - Việt Nam.

- Từ ngày 22 đến ngày 28-3-1975, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp Đoàn đại biểu Hội đồng quốc gia Chính trị liên hiệp Lào do Hoàng thân Xi-xu-mang Xi-xa-lợm-xắc, Phó Chủ tịch Hội đồng, làm trưởng đoàn sang thăm Việt Nam.

- Từ ngày 20 đến ngày 24-5-1975, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội đã tiếp đoàn nghị sĩ của Nghị viện nước Cộng hòa Mê-hi-cô do ông Hô-xê Mu-rét dẫn đầu sang thăm hữu nghị nước ta. Đây là đoàn đại biểu nghị sĩ đầu tiên của châu Mỹ la-tinh đến thăm nước ta.

Tuy mới thành lập và thời gian hoạt động tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa IV rất ngắn, chỉ hơn một năm nhưng những hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại đã nhận dược những đánh giá tốt đẹp và đã góp phần giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành công tác đối ngoại đạt hiệu quả đúng như yêu cầu đặt ra khi thành lập ủy ban.

 

B/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA V

(Từ tháng 6-1975 đến tháng 7-1976)

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiến gần đến ngày thắng lợi hoàn toàn, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa V đã được tiến hành vào ngày 6-4-1975. Chỉ hơn một tháng sau ngày giải phóng miền Nam, Quốc hội khóa V  khai mạc kỳ họp thứ nhất vào ngày 3-6-1975.

Tại kỳ họp này, Quốc hội khóa V đã bầu ra Uỷ ban Đối ngoại. Uỷ ban Đối ngoại khoá V được tổ chức theo quy định tại Điều 34 Luật Tổ chức Quốc hội 1960 và thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị quyết của Quốc hội khóa IV về việc thành lập Uỷ ban Đối ngoại ngày 9-2-1974.

Theo quy định tại Điều 34 luật Tổ chức Quốc hội năm 1960, tại phiên họp ngày 6-6-1975 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V, ông Nguyễn Xiển thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp giới thiệu dự kiến danh sách các ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm và các thành viên khác của các ủy ban để Quốc hội xem xét, quyết định. Tiếp theo, danh sách ấy được các Đoàn đại biểu Quốc hội góp ý kiến tại cuộc họp riêng của các Đoàn. Sau đó, tại phiên bế mạc kỳ họp, ông Hoàng Văn Hoan thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp đọc dự kiến danh sách các ủy ban của Quốc hội do Đoàn Chủ tịch kỳ họp giới thiệu và được các Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung. Toàn thể các đại biểu Quốc hội có mặt đã nhất trí thông qua danh sách được trình bằng cách giơ tay, trong đó Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội có 11 thành viên. Sau khi được Quốc hội bầu, căn cứ vào Điều 34 của Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 “Phó Chủ nhiệm do ủy ban chọn trong các ủy viên”, Uỷ ban Đối ngoại đã bầu ông Trần Đình Tri làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.

Căn cứ vào các kết quả bầu cử, Uỷ ban Đối ngoại khoá V gồm có:

Chủ nhiệm:                 Ông Xuân Thuỷ

Phó Chủ nhiệm:         Ông Trần Đình Tri

Các ủy viên:               Bà Trần Thị Ân

Bà Bùi Thị Cẩm

Bà Nguyễn Thị Hằng

Ông Vũ Định

Ông Đỗ Xuân Hợp

Ông Nguyễn Xuân Ngà

Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng

Bà Vũ Thị Phan

Bà Nguyễn Thị Thạc.

Từ ngày được bầu, trong bối cảnh miền Nam vừa được hoàn toàn giải phóng, vị thế của Quốc hội trên trường quốc tế bước sang trang mới, Uỷ ban Đối ngoại khóa V đã họp nhiều lần để bàn về nhiệm vụ của ủy ban, về nhiệm vụ công tác đối ngoại và nhận định về tình hình quốc tế tại thời điểm đó.

Uỷ ban Đối ngoại cũng đã giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đón tiếp đoàn đại biểu Quốc hội các nước đến thăm và tổ chức các đoàn của Quốc hội ta đến thăm các nước. Đáng chú ý là việc đón tiếp Đoàn đại biểu nghị sĩ Ấn Độ do ông G.S. Đi-lơn, Chủ tịch Hạ nghị viện Ấn Độ, Chủ tịch Liên minh Quốc hội các nước, làm trưởng đoàn đã thăm hữu nghị chính thức nước ta từ ngày 23-6 đến ngày 1-7-1975. Chuyến thăm đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ. Đặc biệt trong lúc tình hình Ấn Độ đang có sự phức tạp, việc đoàn đến Việt Nam được đón tiếp trọng thể và nhiệt tình đã khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đối với Chính phủ Ấn Độ do bà I.Găng đi làm Thủ tướng.

Cùng với các hoạt động ngoại giao của Đảng và Chính phủ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội tại nhiệm kỳ này đã góp phần quan trọng vào việc:

- Tăng cường khối đoàn kết giữa ba nước trên bán đảo Đông Dương trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc và đường lối độc lập, tự chủ của nhau, đoàn kết và hợp tác lâu dài nhằm giúp nhau trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh theo con đường mà mỗi nước lựa chọn.

- Thúc đẩy quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á - một khu vực có tầm quan trọng đặc biệt với nền an ninh và sự phát triển của Việt Nam, từng bước tổ chức quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi văn hóa theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi.

- Thiết lập quan hệ chính trị và kinh tế với một số nước tư bản phát triển, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, bình đẳng, hai bên cùng có lợi và chung sống hòa bình.

Riêng với Hoa Kỳ, ta kiên quyết yêu cầu Hoa Kỳ phải thực hiện nghiêm chỉnh những nghĩa vụ của mình theo những nguyên tắc cơ bản và quy định của Hiệp định Pa-ri.

Tuy thời gian hoạt động của Quốc hội khóa V rất ngắn, từ giữa năm 1975 đến giữa năm 1976, và còn phải tập trung cho việc chuẩn bị bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất nhưng Uỷ ban Đối ngoại đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực vào việc giải quyết những khó khăn sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

 

C/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA VI

(Từ tháng 7-1976 đến tháng 7-1981)

Như đã nói ở phần trên, Quốc hội khóa V bắt đầu nhiệm kỳ ngay sau khi miền Nam vừa được giải phóng hoàn toàn. Vì sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, yêu cầu hoàn thành thống nhất đất nước được đặt ra một cách cấp bách, Hội nghị hiệp thương chính trị giữa đại biểu hai miền Bắc - Nam để bàn việc thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước đã họp tại Sài Gòn từ ngày 15 đến ngày 21-11-1975. Tại kỳ họp thứ hai (từ ngày 22-12 đến ngày 27-12-1975) Quốc hội khóa V đã ra Nghị quyết phê chuẩn kết quả của Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất Tổ quốc. Theo đó, để thay thế cho Quốc hội khóa V sớm kết thúc nhiệm kỳ, nhân dân cả nước đã tiến hành cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất vào ngày 25-4-1976. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa mới đã ra Nghị quyết lấy tên gọi của khóa này là Quốc hội khóa VI.

I- Tổ chức - nhân sự của Uỷ ban Đối ngoại khoá VI

Điều 33 Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 có quy định: “Quốc hội thành lập Uỷ ban dự án pháp luật, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách và những ủy ban khác mà Quốc hội xét thấy cần thiết để giúp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội”. Trước yêu cầu phát triển của một đất nước thống nhất, hòa bình, căn cứ vào quy định nói trên, tại phiên họp ngày 2-7-1976 của kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI, thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp, ông Xuân Thủy đã trình Quốc hội bản dự thảo Nghị quyết thành lập các ủy ban của Quốc hội và đã được Quốc hội nhất trí thông qua. Với nghị quyết ấy, Quốc hội khóa mới có 6 ủy ban, trong đó Uỷ ban Đối ngoại tiếp tục nhận trách nhiệm về hoạt động đối ngoại, một lĩnh vực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tại phiên họp ngày 3-7-1976, cùng với việc trình dự kiến danh sách các ủy ban của Quốc hội, ông Xuân Thủy đã đọc dự kiến danh sách thành viên Uỷ ban Đối ngoại do Chủ tịch đoàn giới thiệu. Không có đại biểu nào phát biểu thêm và toàn thể các đại biểu có mặt đã nhất trí thông qua danh sách ủy ban gồm có 12 thành viên bằng cách giơ tay. Tại phiên họp đầu tiên sau kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa VI, Uỷ ban Đối ngoại đã bầu ông Trần Đình Tri làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.

Với kết quả bầu cử ấy, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa VI gồm có:

Chủ nhiệm                              : Ông Hoàng Minh Giám

Phó Chủ nhiệm                      :  Ông Trần Đình Tri

Các ủy viên:                           Ông Xuân Thủy

Bà Trần Thị Ân

Ông Phan Đình Diệu

Ông Nguyễn Văn Đức (tức Tân Đức)

Ông Nguyễn Ngọc Hà

Bà Nguyễn Thị Hằng

Ông Nguyễn Văn Húng

Ông Giang Nam

Ông Trần Suyền

Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng

Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa VI tháng 12-1977, một số thành viên Uỷ ban Đối ngoại nhận nhiệm vụ mới - Quốc hội khóa VI đã ra Nghị quyết cử  ông Phan Đình Diệu, ông Giang Nam làm Uỷ viên Uỷ ban Văn hóa giáo dục, cử ông Nguyễn Ngọc Hà, ông Nguyễn Tấn Gi Trọng và bà Trần Thị Ân làm Uỷ viên Uỷ ban Y tế xã hội.

II- Hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại khoá VI

Về chức năng nhiệm vụ, do luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 chưa có quy định cụ thể nên ủy ban tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo Nghị quyết thành lập Uỷ ban Đối ngoại tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IV. Căn cứ vào các quy định ấy, với  nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành nhiều hoạt động quan trọng.

1- Về công tác lập hiến và lập pháp

Trong quá trình ủy ban dự thảo Hiến pháp tiến hành các bước chuẩn bị dự thảo Hiến pháp 1980, trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình, Uỷ ban Đối ngoại đã đóng góp nhiều ý kiến nhất là về những phần có liên quan đến nội dung đối ngoại. Đồng thời, ủy ban đã tiến hành thẩm tra hoặc tham gia ý kiến về các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đối ngoại.

Trong nhiệm kỳ này, ủy ban đã thẩm tra và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào và Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ Đức và Hiệp định lãnh sự giữa hai nước; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết và Hiệp định lãnh sự giữa hai nước; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri và Hiệp định lãnh sự giữa hai nước; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Mông cổ và Hiệp định lãnh sự giữa hai nước; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc và Hiệp định lãnh sự giữa hai nước.

Việc ký kết các Hiệp ước, Hiệp định nói trên là một thắng lợi chính trị quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới của tình đoàn kết chiến đấu và sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, phù hợp với lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, việc ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia là một sự kiện trọng đại trong đời sống chính trị của nhân dân hai nước, chấm dứt sự thù địch giữa hai nước do bè lũ Pôn Pốt- Iêng Xa-ry gây ra; khôi phục tình đoàn kết chiến đấu sẵn có giữa nhân dân hai nước; mở đầu một thời kỳ mới, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt, phù hợp với lợi ích của hai dân tộc, góp phần gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và trên thế giới.

2- Về xem xét các báo cáo thuộc lĩnh vực đối ngoại

Uỷ ban Đối ngoại đã nghe và thảo luận về tình hình hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Ngoài các báo cáo theo định kỳ, Uỷ ban Đối ngoại đã nghe báo cáo và thảo luận về kết quả các cuộc đi thăm hữu nghị chính thức các nước của các đoàn đại biểu Nhà nước ta, về kết quả một số Hội nghị quốc tế mà đại diện nước ta có tham dự, về mối quan hệ có phần phức tạp với một số nước tại thời điểm đó như quan hệ với Cam-pu-chia, với Trung Quốc…

Từ việc nghe và thảo luận về hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta nói chung, để có thêm cơ sở đề xuất ý kiến về công tác đối ngoại, Uỷ ban Đối ngoại đã lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội phát biểu về chức năng, nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của ủy ban. Trong bối cảnh nước ta lúc đó, nhiều đại biểu Quốc hội đã chuyển đến Uỷ ban Đối ngoại nhiều ý kiến về đoàn kết quốc tế, về việc cần tích cực chuyển hướng trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế đối ngoại, phối hợp chặt chẽ giữa quản lý kinh tế đối ngoại với kinh tế đối nội, về quan hệ hợp tác với các nước tư bản, về việc tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực ngoại giao…

3- Về việc tổ chức các đoàn ra, đoàn vào

Trong hoàn cảnh thuận lợi mới, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất, quan hệ quốc tế của nước ta ngày càng mở rộng, Uỷ ban Đối ngoại đã giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hoặc chủ trì đón tiếp nhiều đoàn đại biểu các Quốc hội, các tổ chức tiến bộ, các đảng ở nhiều nước trên thế giới đến thăm nước ta, đồng thời giúp tổ chức nhiều đoàn của Quốc hội ta đi thăm các nước.

Trong nhiệm kỳ này đã có nhiều đoàn đến thăm nước ta: Đoàn đại biểu của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Ru-ma-ni do Chủ tịch Quốc hội Nicolac Giosan dẫn đầu từ ngày 27-2 đến ngày 6-3-1978; Đoàn Chủ tịch Hội hữu nghị Úc - Việt Georges từ ngày 12 đến ngày 26-7-1978; Đoàn đại biểu Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt từ ngày 16 đến ngày 22-8-1979; Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô do đồng chí P.M. Ma-sê-rốp, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, ủy viên Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô dẫn đầu từ ngày 28-1 đến ngày 4-2-1980; Đoàn đại biểu của Đảng Tự do Na uy do ông Cơ-nút Rin-xtát, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Đảng dẫn đầu từ ngày 19 đến ngày 24-6-1980… Các cuộc đón tiếp này đã góp phần làm cho các đoàn, các nước hiểu rõ hơn sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, từ đó tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam xây dựng lại đất nước.

Cũng trong thời gian này, đã có nhiều đoàn của Quốc hội ta đi thăm và làm việc tại nhiều nước: Đoàn của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đi thăm Liên Xô, Bun-ga-ri và Mông cổ trong tháng 8-1979 theo lời mời của Xô Viết tối cao Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết, Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri và Quốc hội nước Cộng hòa nhân dân Mông cổ nhằm tăng cường đoàn kết và hợp tác hữu nghị với nhân dân và Quốc hội ba nước anh em; Đoàn đại biểu Quốc hội do Phó Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Văn Hoan dẫn đầu, có sự tham gia của Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám, đi dự lễ thành lập Quốc hội của chính quyền nhân dân nước Cộng hòa Cu-ba vào đầu tháng 12-1976 đã góp phần thắt chặt và phát triển tình hữu nghị, chiến đấu Việt Nam- Cu-ba, mở đầu mối quan hệ và hợp tác giữa cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của hai nước…

4- Về việc tham gia Liên minh Quốc hội thế giới

Một sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ khóa VI là Quốc hội ta tham gia Liên minh Quốc hội thế giới. Cùng với các hoạt động đối ngoại song phương nói trên, trong bối cảnh phe xã hội chủ nghĩa còn có sự chia rẽ, có những quan điểm và hành động khác nhau, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh hoạt động quốc tế rộng rãi, tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế cả trong phạm vi hoạt động nghị viện. Việc làm này cũng phù hợp với chủ trương lập mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Với tinh thần đó, tại phiên họp ngày 30-6 và 1-7-1978, Uỷ ban Đối ngoại đã thống nhất đề nghị Quốc hội xin gia nhập tổ chức Liên minh Quốc hội thế giới. Chủ trương này cũng phù hợp với nguyện vọng của nhiều nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước châu Phi đã từng gợi ý ta nên gia nhập Liên minh Quốc hội để tăng cường lực lượng xã hội chủ nghĩa và lực lượng tiến bộ trong Liên minh Quốc hội đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Đề nghị của Uỷ ban Đối ngoại đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành tại phiên họp ngày 30-10-1978 và được Quốc hội nhất trí thông qua tại kỳ họp cuối năm 1978. Ngày 10-2-1979, Đoàn Việt Nam gồm 264 đại biểu Quốc hội đã được thành lập để chính thức gia nhập Liên minh Quốc hội thế giới. Sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám đã dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự khóa họp mùa Xuân của Liên minh Quốc hội thế giới họp tại Pra-ha vào tháng 4-1979. Tại Hội nghị này, Liên minh Quốc hội thế giới đã hoàn toàn nhất trí chấp nhận Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam là thành viên chính thức của Liên minh. Kể từ đây, hoạt động đa phương của Quốc hội ta bắt đầu đi vào nề nếp, đại diện Uỷ ban Đối ngoại đã tham dự và đóng góp tích cực tại các diễn đàn của tổ chức liên nghị viện này: Đại hội đồng lần thứ 66 của Liên minh Quốc hội thế giới tại Ca-ra-cát (Vê-nê-xu-ê-la) từ ngày 13 đến ngày 21-9-1979; Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Quốc hội tại Ô-xlô (Na-uy) từ ngày 7 đến ngày 12-4-1980; Đại hội đồng lần thứ 67 của Liên minh Quốc hội thế giới tại Béc-lin (Cộng hòa dân chủ Đức) từ ngày 16 đến ngày 24-9-1980; Hội nghị mùa Xuân 1981 của Liên minh Quốc hội họp tại Ma-ni-la (Phi-lip-pin) từ ngày 20 đến ngày 25-4-1981.

Kể từ khi tham gia Liên minh Quốc hội thế giới, đoàn đại biểu ta đã tham dự các Hội nghị tư vấn của đại diện các Đoàn Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa là thành viên của Liên minh Quốc hội: họp tại Bu-ca-rét từ ngày 20 đến ngày 22-9-1979, họp tại Xô-phi-a (Bun-ga-ri) trong hai ngày 6,7-2-1980, họp tại Mát-xcơ-va (Liên Xô) trong hai ngày 16, 17-3-1981 và Hội nghị  trù bị của đại diện các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Béc-lin (Cộng hòa dân chủ Đức).

 

*

*        *

Quốc hội khóa VI đã tiến hành hoạt động trong một bối cảnh mới, đất nước Việt Nam đã thống nhất, quan hệ đối ngoại cũng từng bước mở rộng với nhiều thuận lợi và khó khăn mới. Với  Quốc hội khóa VI, ủy ban đã hoạt động đến nhiệm kỳ thứ ba nhưng hai nhiệm kỳ trước chỉ trong thời gian ngắn, mỗi nhiệm kỳ chỉ một năm. Uỷ ban Đối ngoại khóa VI đã hoạt động trọn vẹn trong một nhiệm kỳ năm năm với chương trình phong phú hơn và hiệu quả cao hơn, từng bước thực hiện mục tiêu như Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đề nghị thành lập Uỷ ban Đối ngoại tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa IV tháng 2 năm 1974.

 

D/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ KHOÁ VII

(Từ tháng 7-1981 đến tháng 6-1987)

Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá VII bắt đầu nhiệm kỳ vào đầu tháng 7 năm 1981, khi Hiến pháp 1980 mới được Quốc hội khoá VI thông qua vào cuối năm 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước vừa được thông qua ngay tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VII (24-6 đến 4-7-1981). Những sửa đổi, bổ sung quan trọng tại Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981 cùng với những kinh nghiệm hoạt động của Uỷ ban từ ba nhiệm kỳ trước đó là những cơ sở quan trọng và thuận lợi giúp cho Uỷ ban Đối ngoại hoạt động tốt hơn với hiệu quả cao hơn.

I- Tổ chức - nhân sự của Uỷ ban đối ngoại khoá VII

Điều 92 Hiến pháp 1980 quy định "Quốc hội thành lập các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội", Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981 cũng quy định cụ thể tại Điều 45 : Quốc hội thành lập 7 Uỷ ban Thường trực trong đó có Uỷ ban Đối ngoại.

Về tổ chức Uỷ ban Thường trực, Điều 46 của Luật quy định:

"Uỷ ban Thường trực của Quốc hội gồm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Thư ký và các ủy viên.

Quốc hội bầu Chủ nhiệm và các thành viên khác của Uỷ ban theo danh sách do Chủ tịch Quốc hội và các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội giới thiệu chung, sau khi hỏi ý kiến các Đoàn đại biểu. Phó Chủ nhiệm và Thư ký do Uỷ ban cử trong số thành viên của Uỷ ban.

Số thành viên của mỗi Uỷ ban do Quốc hội định".

Căn cứ vào các quy định ấy, tại phiên họp ngày 4-7-1981 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VII, trong phần trình Quốc hội dự kiến danh sách thành viên các Uỷ ban Thường trực, ông Nguyễn Việt Dũng, ủy viên Đoàn thư ký đã đọc dự kiến danh sách Uỷ ban Đối ngoại do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ và các Đoàn đại biểu Quốc hội cùng đề nghị. Các đại biểu Quốc hội có mặt tại phiên họp đã nhất trí thông qua bằng cách giơ tay.

Ngay sau kỳ họp thứ nhất, tại phiên họp đầu tiên vào ngày 5-7-1981, căn cứ vào Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, Uỷ ban Đối ngoại đã bầu ông Nguyễn Hữu Chỉnh và ông Nguyễn Văn Tiến làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban, bà Nguyễn Thị Linh Quy làm Thư ký Uỷ ban.

Với kết quả bầu cử ấy, Uỷ ban Đối ngoại khoá VII có 12 thành viên:

Chủ nhiệm                              : Ông Nguyễn Thành Lê.

Phó Chủ nhiệm                      : Ông Nguyễn Hữu Chỉnh

                                                  Ông Nguyễn Văn Tiến

Thư ký                         : Bà Nguyễn Thị Linh Quy

Các Uỷ viên                            : Bà Trần Thị Ân

  Ông Nguyễn Việt Dũng

                                                  Ông Hoàng Minh Giám

  Ông Nguyễn Ngọc Hà

  Ông Nguyễn Văn Quỳ

  Ông Xuân Thuỷ

  Ông Nguyễn Tấn Gi Trọng

  Ông Hoàng Tùng.

Năm sau, tại kỳ họp thứ ba tháng 6-1982, Quốc hội đã bầu ông Vũ Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng làm Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội thay ông Nguyễn Thành Lê.

So với các Uỷ ban khác, kể cả các khoá trước, số lượng thành viên của Uỷ ban Đối ngoại vẫn ít hơn. Phần lớn thành viên Uỷ ban lại là cán bộ lãnh đạo chủ trì các cơ quan, ban ngành khác nên thời gian dành cho hoạt động của Uỷ ban bị hạn chế. Tuy vậy, Uỷ ban Đối ngoại đã cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

II- Hoạt động của Uỷ ban đối ngoại khoá VII

Nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban Đối ngoại đã được quy định chung tại các điều của Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước 1981 nói về nhiệm vụ quyền hạn các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội.

Điều 92 Hiến pháp 1980 quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội so với Điều 57 của Hiến pháp 1959:

"Các Uỷ ban Thường trực nghiên cứu, thẩm tra những dự án luật, dự án pháp lệnh và dự án khác hoặc những báo cáo mà Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giao cho; kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của
Uỷ ban; giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền giám sát".

Hiến pháp 1980 cũng quy định cụ thể về quyền hạn của các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội tại Điều 93: "… có quyền yêu cầu các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng và những nhân viên hữu quan khác trình bày hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết. Những người được yêu cầu có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó".

Những quy định ấy của Hiến pháp đã chứng tỏ vị thế quan trọng của các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội.

Từ những quy định tại Hiến pháp 1980, Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội tại Điều 47:

"1. Thẩm tra các báo cáo, dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác mà Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước giao cho;

2. Trình dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác ra trước Quốc hội và Hội đồng Nhà nước;

3. Nghiên cứu và kiến nghị với Quốc hội và Hội đồng Nhà nước về những vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của Uỷ ban;

4. Giúp Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của Hội đồng Bộ trưởng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân các cấp."

Là một Uỷ ban Thường trực của Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại có trách nhiệm và đã thực hiện các quy định ấy; đồng thời thảo luận, góp ý kiến về dự thảo Điều lệ tạm thời của Uỷ ban nhằm xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm các hoạt động của Uỷ ban đạt hiệu quả cao hơn.

1- Về hoạt động đối ngoại

Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã tự đánh giá trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ khoá VII:

"a) Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã thực hiện đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đề ra - đó là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và làm nghĩa vụ quốc tế.

Đại hội Đảng lần thứ IV, lần thứ V và lần thứ VI đã đề ra nhiệm vụ công tác đối ngoại của Quốc hội và Nhà nước ta là cùng với Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa anh em tăng cường hợp tác toàn diện và phát huy ảnh hưởng của mình trên các mặt hoạt động nhằm củng cố hòa bình, an ninh của khu vực Đông Nam Á và thế giới, ủng hộ các dân tộc đấu tranh chống sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, giành và củng cố độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Để thực hiện đường lối này, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương tiếp xúc rộng rãi với Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa, với các nghị sĩ cộng sản và tiến bộ trong Quốc hội các nước tư bản và các nghị sĩ Quốc hội các nước Đông Nam Á và các nước khác trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của họ đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và cùng góp sức vào cuộc đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

b) Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã tranh thủ mọi điều kiện để phát triển quan hệ và tiếp xúc với các nghị sĩ các Viện trong Quốc hội các nước tư bản, Quốc hội các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm tranh thủ sự đồng tình của họ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Cam-pu-chia bằng những giải pháp hợp tình hợp lý của ta đưa ra trong các cuộc hội nghị cấp cao và hội nghị Ngoại trưởng ba nước Đông Dương.

Đảng ta coi việc đoàn kết với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách, đường lối đối ngoại của mình. Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã cùng Liên Xô phối hợp tốt trên các vấn đề chính trị quốc tế, nhất trí với Liên Xô trong mọi hoạt động đối ngoại, ủng hộ Liên Xô trên các diễn đàn quốc tế đồng thời ra Tuyên bố của Quốc hội hưởng ứng Lời kêu gọi của Liên Xô từ chủ trương đơn phương ngừng thử vũ khí hạt nhân, chống chiến tranh các vì sao (SDI) đến các chương trình tổng thể loại bỏ vũ khí hạt nhân và các vũ khí giết người hàng loạt khác trước năm 2000, chống chạy đua vũ trang và gần đây Quốc hội ta mới tuyên bố ủng hộ đề nghị của Liên Xô về việc kiên quyết xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

c) Vai trò của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội với Liên minh Quốc hội.

Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội ta đã chủ trương hợp tác chặt chẽ với Xô viết tối cao Liên Xô và Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa trong các hoạt động đối ngoại và ủng hộ Liên Xô trên các diễn đàn của Liên minh Quốc hội. Hàng năm có Hội nghị tư vấn Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa để đánh giá hoạt động của Liên minh Quốc hội năm qua và đề ra phương hướng hoạt động cho những năm sau. Trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã tham gia đầy đủ các Hội nghị Tư vấn do các bước bạn đăng cai và còn đăng cai một cuộc Hội nghị tư vấn Liên minh Quốc hội các nước xã hội chủ nghĩa tại Hà Nội tháng 2-1984. Việc đánhgiá tình hình và âm mưu gây chiến của đế quốc Mỹ trong năm qua trên diễn đàn Hội nghị Tư vấn, được thảo luận sâu sắc. Vấn đề Cam-pu-chia đặt ra kỹ hơn các kỳ họp ở các nước bạn. Nắm vững đường lối của Đảng trong vấn đề Cam-pu-chia, đoàn ta đã có lập luận sắc bén, nêu rõ sự hồi sinh của nhân dân Cam-pu-chia để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của một số đoàn các nước không liên kết chưa hiểu đầy đủ vấn đề này… Bản thông cáo báo chí của Hội nghị đã được báo chí bạn đăng đầy đủ và được tổ chức Liên minh Quốc hội coi trọng. Ông Tổng thư ký Liên minh Quốc hội nói một cách khẳng định "Đoàn Việt Nam là một đoàn năng động trong Liên minh Quốc hội".

Trong tổng số 11 cuộc họp Liên minh Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại ta đã cử người tham gia 10 cuộc."

Về các Đoàn ra, Đoàn vào, trong nhiệm kỳ khoá VII, Uỷ ban Đối ngoại đã giúp Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tự mình tổ chức nhiều đoàn đại biểu đi thăm các nước và đón tiếp nhiều đoàn Quốc hội các nước vào thăm nước ta.

Đã có nhiều đoàn Quốc hội nước ta đi thăm các nước: Đoàn của Đảng và Nhà nước do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh dẫn đầu đi thăm Liên Xô từ ngày 4 đến ngày 8-10-1982, thăm Cộng hòa Cu Ba từ ngày 12 đến ngày 18-10-1982, thăm và dự lễ kỷ niệm lần thứ 5 Quốc khánh Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia từ ngày 6 đến ngày 9-1-1984, thăm Cộng hòa nhân dân Mông Cổ từ ngày 11 đến ngày 19-7-1984; Đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Hữu Thọ đi thăm hữu nghị chính thức Bun-ga-ri từ ngày 26-3 đến 2-4-1984, thăm Ru-ma-ni từ ngày 2 đến ngày 9-4-1984, thăm Pháp từ ngày 16 đến ngày 21-4-1984; thăm các nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc, Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri, Cộng hòa dân chủ Đức trong năm 1985, thăm Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia trong năm 1986,..

Đồng thời, đã có nhiều Đoàn Quốc hội hoặc nghị sĩ Quốc hội các nước vào thăm nước ta: Đoàn Chủ tịch Quốc hội Bun-ga-ri trong tháng 9-1982; Đoàn Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia trong tháng 11-1982; Đoàn Chủ tịch Quốc hội Cu-ba trong tháng 10-1983; Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô; Đoàn đại biểu Quốc hội các nước Cộng hòa dân chủ Đức, Cộng hòa nhân dân Hung-ga-ri, Cộng hòa nhân dân Ba Lan; Đoàn đại biểu Uỷ ban Đối ngoại Thuỵ Điển; Đoàn đại biểu Uỷ ban Đối ngoại Hạ nghị viện Thái Lan; Đoàn đại biểu Liên minh Quốc hội A-rập; các Đoàn nghị sĩ Công đảng Úc, nghị sĩ Cộng hòa Liên bang Đức, nghị sĩ Pháp, nghị sĩ Anh, nghị sĩ Nhật - Việt hữu nghị…

2- Về thực hiện nhiệm vụ thẩm tra và giám sát

 Thực hiện quy định tại Điểm 1 và Điểm 4 Điều 47 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, đối với những công việc của Hội đồng Bộ trưởng có liên quan đến Uỷ ban Đối ngoại, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban nêu rõ:

"a) Cùng với Uỷ ban Pháp luật, bộ phận Thường trực Uỷ ban đã đóng góp đầy đủ trách nhiệm trong khi xét các văn bản pháp luật có đối chiếu với chính sách, đường lối đối ngoại của Đảng ta để cùng với Uỷ ban Pháp luật trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn các Hiệp ước, Hiệp định với các nước trong ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa.

b) Giúp Hội đồng Nhà nước giám sát việc hợp tác lao động với nước ngoài được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước giao. Uỷ ban Đối ngoại đã mời họp 2 lần với Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao, Bộ Đại học, Tổng cục dạy nghề, các Uỷ ban Thường trực của Quốc hội, các đoàn thể nhân dân: Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn… nghe báo cáo và thẩm tra vấn đề hợp tác lao động. Uỷ ban Đối ngoại 2 lần báo cáo và kiến nghị với Hội đồng Nhà nước về việc xúc tiến việc hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa.

c) Đối với Bộ Ngoại giao: Công tác đối ngoại của Quốc hội cũng là một lĩnh vực công tác phức tạp và tế nhị. Uỷ ban Đối ngoại đã cùng với Bộ Ngoại giao phản ánh rõ nét chiến lược, sách lược và đường lối đối ngoại của Đảng".

Về công việc nói tại điểm a trên đây, Uỷ ban Đối ngoại đã cùng Uỷ ban Pháp luật chuẩn bị trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn các Hiệp ước, Hiệp định sau đây: Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ; Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Cu-ba; Công ước quốc tế về việc cấm hoặc hạn chế sử dụng một số vũ khí thường thường; Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Tiệp Khắc; Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia; Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hung-ga-ri…

*

*       *

Tổng kết công tác nhiệm kỳ khoá VII, từ thực tiễn hoạt động, trước yêu cầu hoạt động đối ngoại ngày càng cao, Uỷ ban Đối ngoại đã rút kinh nghiệm và đề xuất một số vấn đề:

1- Về tổ chức: Cần xét lại cơ cấu tổ chức, Uỷ ban Đối ngoại có 12 thành viên là ít. Cần chọn người làm việc thực sự, có kiến thức và năng lực đối ngoại, làm nòng cốt cho hoạt động của Liên minh Quốc hội; nên mở rộng Uỷ ban từ 15 đến 17 người.

2- Về giám sát: Đề nghị bổ sung Điều 47 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước về mức độ giám sát các vấn đề về quốc phòng, an ninh, ngoại giao.

Hàng năm, chỉ cần Bộ Ngoại giao báo cáo một lần trước Quốc hội, đánh giá hoạt động đối ngoại của Nhà nước và Quốc hội trong năm qua. Uỷ ban Đối ngoại cùng Bộ Ngoại giao chuẩn bị báo cáo của Bộ trước Quốc hội.

3- Về trao đổi đoàn: Uỷ ban Đối ngoại nên đề nghị Quốc hội lập các nhóm nghị sĩ Quốc hội hữu nghị với các nước và tổ chức các cuộc gặp gỡ các nghị sĩ Quốc hội các nước. Nên đặt vấn đề với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác giúp Uỷ ban Đối ngoại phương tiện để đảm bảo hoạt động.

4- Về củng cố, kiện toàn Vụ Đối ngoại: Phải đào tạo cán bộ kế cận. Cần có một số cán bộ đối ngoại có khả năng nghiên cứu và nắm vững đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đề nghị bồi dưỡng anh em cán bộ, như cho đi theo Đoàn, phục vụ đại biểu và phục vụ công tác Liên minh Quốc hội giúp cho công tác đối ngoại của Uỷ ban và của Quốc hội.

Những ý kiến đề xuất của Uỷ ban Đối ngoại khoá VII đã được Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại các khoá sau nghiên cứu, xem xét và từng bước xử lý. Kinh nghiệm và hiệu quả hoạt động của Uỷ ban từ ngày thành lập và nhất là của nhiệm kỳ khoá VII là những thuận lợi rất cơ bản để hoạt động đối ngoại trong những nhiệm kỳ tiếp theo ngày càng đổi mới và đạt hiệu quả cao hơn.