Phần thứ nhất
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
CỦA QUỐC HỘI TỪ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY
(Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI
tháng 6-1987 đến tháng 7-2007)
A/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ VIII
(Từ tháng 6-1987 đến tháng 9-1992)
Năm 1986, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã vạch ra đường lối đổi mới, tạo nên một bước ngoặt trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Với các cơ quan dân cử, Nghị quyết Đại hội VI đã nêu rõ: "Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước. Nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tạo điều kiện cho cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo Hiến pháp quy định." Từ Nghị quyết Đại hội VI, ngay tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII vào giữa năm sau, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh: "Những quan điểm và chủ trương mới do Đại hội lần này quyết định chỉ rõ con đường đưa nước ta vượt ra khỏi khó khăn, dần dần ổn định tình hình kinh tế - xã hội". Thực hiện thắng lợi những quan điểm và chủ trương ấy cũng là trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Trên cơ sở thực hiện đường lối đổi mới nói chung, Uỷ ban Đối ngoại đã nghiên cứu, quán triệt và từng bước thực hiện những mục tiêu hoạt động đối ngoại mà Đại hội VI và sau đó là Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá VI đã xác định là: giữ vững hòa bình, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tích cực vào sự nghiệp chung của nhân dân thế giới và hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
I- Tổ chức - nhân sự của Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII
Với tinh thần đổi mới, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khoá VIII đã nhận trách nhiệm đầy vinh dự và nặng nề trước Quốc hội, trước nhân dân. Đường lối đổi mới đã rõ nhưng Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan chưa được sửa đổi bổ sung kịp thời nên tổ chức và hoạt động của Uỷ ban vẫn chịu sự điều chỉnh của các quy định trước đó; tuy nhiên trong phương thức, biện pháp hoạt động thì đã thể hiện cụ thể tính đổi mới. Do đó, về tổ chức nhân sự, Quốc hội khóa VIII vẫn căn cứ vào quy định tại Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981, để bầu ra Uỷ ban Đối ngoại.
Tại phiên họp ngày 18-6-1987 kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, ông Nguyễn Việt Dũng, Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước đã đọc dự kiến danh sách thành viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội do Chủ tịch Lê Quang Đạo giới thiệu sau khi các Đoàn đại biểu Quốc hội đã đóng góp ý kiến. Quốc hội đã nhất trí thông qua bằng cách giơ tay với số thành viên được bầu là 9 người.
Sau đó, cũng theo quy định tại Điều 46 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước, "Phó Chủ nhiệm và Thư ký do Uỷ ban cử trong số thành viên của Uỷ ban", Uỷ ban Đối ngoại đã bầu ông Phan Quang và ông Nguyễn Ngọc Hà làm Phó Chủ nhiệm Uỷ ban, ông Phan Quang kiêm nhiệm Thư ký Uỷ ban.
Với kết quả bầu cử ấy, Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII gồm có:
Chủ nhiệm : Bà Nguyễn Thị Bình
Phó Chủ nhiệm : Ông Phan Quang (kiêm Thư ký)
Ông Nguyễn Ngọc Hà
Các Uỷ viên : Ông Nguyễn Việt Dũng
Ông Nguyễn Văn Hiệu
Bà Chu Thuý Quỳnh
Ông Hoàng Bích Sơn
Ông Đào Tùng
Ông Phạm Văn Kiết.
Đến kỳ họp thứ hai tháng 12-1987, Quốc hội khóa VIII bầu bổ sung hai Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại là các ông: Lê Văn Dỹ, Hà Đăng; đồng thời, bổ sung ông Phạm Văn Kiết làm Uỷ viên Hội đồng Dân tộc. Với sự bổ sung ấy, đến lúc này Uỷ ban Đối ngoại có 10 thành viên.
II- Hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII
Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo 4 điểm được quy định tại Điều 47 Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 và một số quy định khác như nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII.
Từ những quy định chung về tổ chức, nhiệm vụ dành cho các Uỷ ban Thường trực, ngày 20-11-1987, Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII đã thông qua Điều lệ hoạt động của Uỷ ban. Điều lệ này gồm có 12 điều quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, thể thức hoạt động, chế độ hội họp của Uỷ ban; về mối quan hệ làm việc với các Uỷ ban Thường trực khác; về trách nhiệm của Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, Thư ký và các thành viên khác của Uỷ ban.
Những quy định chung về nhiệm vụ quyền hạn của các Uỷ ban Thường trực và quy định cụ thể tại Điều lệ hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã là những cơ sở pháp lý quan trọng để Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII tiến hành các hoạt động của mình. Với tinh thần đổi mới, từ các hoạt động đến cách đánh giá, nhận xét trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ, Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII đã thẳng thắn nhìn nhận lại các hoạt động của mình: "Có một số tiến bộ so với các khoá trước, hoạt động có thực chất hơn. Tuy vậy, do nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoạt động đối ngoại của Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại còn nhiều hạn chế, trong tổng kết lần này cần chỉ rõ và kiến nghị những vấn đề cần được giải quyết trong khoá tới". Có thể nói đây là một điểm rất mới trong cách làm việc, trong tổng kết đánh giá các hoạt động của Uỷ ban.
1- Về tham gia công tác lập hiến và lập pháp:
Uỷ ban Đối ngoại đã tích cực đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi "Lời nói đầu" Hiến pháp 1980 và sau đó là việc sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1980 để Quốc hội khóa VIII xem xét thông qua Hiến pháp 1992. Uỷ ban cũng đã tiến hành thẩm tra hoặc tham gia ý kiến về một số dự án luật, pháp lệnh có liên quan đến lĩnh vực đối ngoại như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật quốc tịch, Pháp lệnh lãnh sự, Pháp lệnh ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Pháp lệnh xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam. Đặc biệt, Uỷ ban Đối ngoại đã góp phần xây dựng Nghị quyết về việc bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về nước vào cuối tháng 9 năm 1989.
Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng trước yêu cầu của công cuộc đổi mới về công tác lập pháp, Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII cho rằng: "Phần lớn các dự luật, các công ước, hiệp ước đã ký gửi đến Uỷ ban Đối ngoại và Quốc hội quá gấp, không có thời gian nghiên cứu kỹ; tri thức về luật pháp quốc tế của các đại biểu còn hạn chế, do đó chất lượng góp ý của Uỷ ban và Quốc hội chưa sâu sắc và toàn diện. ý kiến đóng góp chủ yếu dựa vào việc nắm đường lối đối ngoại của Đảng, chưa có tra cứu kỹ kinh nghiệm của các nước".
2- Về hoạt động giám sát
Dù là một lĩnh vực khó thực hiện, Uỷ ban đã cố gắng tiến hành một số hoạt động "có thực chất hơn", mở ra một cách làm việc mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban:
"- Chủ yếu là đóng góp ý kiến vào báo cáo của Bộ trưởng ngoại giao trước khi trình Quốc hội. Việc góp ý kiến của Uỷ ban Đối ngoại được tiến hành nghiêm túc và có tác dụng nhất định. Bước đầu tiến hành giám sát việc bổ nhiệm Đại sứ một cách tập thể và có kết quả.
Vấn đề Quốc hội tham gia công tác đối ngoại của Nhà nước như thế nào cần phải nghiên cứu thêm. Lâu nay, Quốc hội chỉ nghe Bộ trưởng ngoại giao, thay mặt Hội đồng Bộ trưởng báo cáo về tình hình quốc tế và công tác đối ngoại của Nhà nước ta từng thời kỳ, không có thảo luận, góp ý kiến.
Tháng 12/1990, lần đầu tiên Quốc hội đã dành một buổi để thảo luận tổ về báo cáo đối ngoại. Tháng 6/1991, Uỷ ban Đối ngoại lần đầu có thuyết trình về báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng. Nói chung, Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại chưa có điều kiện đi sâu vào việc đề xuất và kiểm tra những vấn đề lớn về đường lối và chính sách đối ngoại như Hiến pháp quy định. Uỷ ban Đối ngoại chưa trở thành một cơ quan tham mưu và quản lý đối ngoại thực sự của Quốc hội.
- Vừa qua đã kiểm tra một số việc như vấn đề hợp tác lao động với nước ngoài, hải quan, vấn đề người di tản, kinh tế đối ngoại…, chủ yếu thông qua báo cáo của các ngành, địa phương liên quan. Điều đó giúp Uỷ ban hiểu thêm tình hình, song chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ để đề ra được kiến nghị thích hợp nên tác dụng công tác kiểm tra còn hạn chế.
- Việc phối hợp với các Uỷ ban khác như Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội, Uỷ ban Y tế - Xã hội… có đặt ra nhưng chưa có một chương trình phối hợp cụ thể."
3- Về các hoạt động đối ngoại
Đây cũng là một lĩnh vực có nhiều đổi mới. Theo báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban Đối ngoại, "trước đây, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội thường hướng vào các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng gần đây, trước những thay đổi lớn của tình hình, ta đã chuyển hướng hoạt động, chú trọng quan hệ với các nước láng giềng và châu Á. Các chuyến viếng thăm của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại đến các nước đó và các đoàn cấp cao các nước đến thăm Việt Nam đã có tác dụng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, mở rộng sự giao lưu và hợp tác giữa nước ta và các nước liên quan, bước đầu phá được sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch".
Trong nhiệm kỳ khoá VIII, đã có một số chuyến thăm hữu nghị chính thức của lãnh đạo Quốc hội ta tới các nước: Ngày 25/9/1990 Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm Thái Lan; ngày 25/1/1991 Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm In-đô-nê-xi-a; từ 26/3 đến 7/4/1991 Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm Liên Xô và Rumani; ngày 19/4/1992 Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thăm Nhật Bản… Đồng thời, ta cũng đã đón tiếp nhiều Đoàn đại biểu các nước bạn đến thăm nước ta.
Tuy nhiên, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban cũng nêu nhận xét: "Hoạt động quốc tế còn mang tính chất bị động, có nơi ta cần đi,chưa di được. Nguyên nhân chính là chưa chú ý xây dựng một chiến lược đối ngoại chung, thống nhất, chưa đặt mối liên hệ thường xuyên với Uỷ ban Đối ngoại các nước, hơn nữa còn bị nhiều hạn chế về tài chính."
Về quan hệ với các tổ chức quốc tế, "ta đã tham dự Liên minh Quốc hội thế giới từ 12 năm. Đây là diễn đàn của Quốc hội 118 nước. Nhưng việc tham gia của ta mới chỉ dừng lại ở chỗ đảm bảo sự hiện diện của mình, trình bày chính sách đối ngoại của Nhà nước ta, chống lại sự công kích thù địch, nhất là trong vấn đề Cam-pu-chia và nhân quyền. Nhưng nhìn chung, hoạt động còn có nhiều hạn chế, ta chưa tranh thủ được diễn đàn này để đề cập những vấn đề cần thiết và có lợi cho Việt Nam và xây dựng mối quan hệ với Quốc hội các nước.
Ta cũng chưa chú ý tranh thủ các cơ quan chuyên môn của Liên minh Quốc hội và Quốc hội một số nước về kinh nghiệm cũng như về điều kiện giúp đỡ về cơ sở vật chất. Gần đây, ta mới vận động Liên minh Quốc hội giúp 2 dự án viện trợ về thông tin, tư liệu, thư viện và quản lý hành chính cho Quốc hội.
Năm nay (2-9-1991) ta bắt đầu tham gia tổ chức AIPLF (Hội nghị quốc tế các nghị sĩ nói tiếng Pháp), qua đây ta có thể tranh thủ quan hệ hợp tác với Pháp, và các nước nói tiếng Pháp nhiều hơn. Nhưng việc hoạt động trong tổ chức đòi hỏi ít nhiều hàng năm phải tham gia hội nghị của Hội - nghĩa là chi phí tiền đi lại và niêm liễm - vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu tận dụng vai trò của Việt Nam trong tổ chức này như thế nào cho hiệu quả". (Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII).
*
* *
Qua hoạt động tại các nhiệm kỳ khoá VIII, với cách nhìn thẳng thắn để tổng kết thực tiễn, Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất nhiều vấn đề rất thực tế cần được nghiên cứu, giải quyết trong nhiệm kỳ sau:
- Về vị trí của Uỷ ban Đối ngoại
"Ở ta, lâu nay những vấn đề lớn về đối ngoại đều thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Trước tình hình phát triển của công tác đối ngoại hiện nay và yêu cầu dân chủ hoá mọi mặt của hoạt động Nhà nước, việc xác định rõ nội dung chức năng, nhiệm vụ, cơ chế đối ngoại của nước ta như thế nào cho thích hợp để phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành đối ngoại là một vấn đề lớn, cần được nghiên cứu kỹ và giải quyết kịp thời.
Phải xác định rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Đối ngoại trong cơ cấu của Quốc hội ta. Uỷ ban Đối ngoại thường là một trong một số Uỷ ban quan trọng của Quốc hội các nước, có vai trò lớn trong việc hoạch định và giám sát chính sách đối ngoại của Nhà nước.
Uỷ ban Đối ngoại ta ngoài việc tham gia giám sát công tác đối ngoại của Quốc hội, của Nhà nước, còn phải tham gia đến mức nào vào các hoạt động kinh tế, tuyên truyền đối ngoại, công tác Việt kiều, việc cung cấp thông tin về đối ngoại và kinh nghiệm hoạt động Quốc hội các nước…"
- Về công tác giám sát
"Cần xác định rõ nội dung và phạm vi giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện các chủ trương đối ngoại của Chính phủ. Nên có những hình thức Quốc hội thẩm tra giám sát thích hợp như điều trần ở Uỷ ban những vấn đề cụ thể; thảo luận chung tại Quốc hội các vấn đề chung, tổ chức kiểm tra tại chỗ…
Cần xây dựng quy trình thẩm tra việc bổ nhiệm Đại sứ."
- Về quan hệ với Liên minh Quốc hội
"Cần coi trọng vai trò của Liên minh Quốc hội. Đây là một diễn đàn lớn của Quốc hội thế giới, ta phải cố gắng phát huy được vai trò của mình tại diễn đàn này, thu hút được nhiều nghị sĩ Việt Nam tham gia Quốc hội Việt Nam, chứ không chỉ một số thành viên của Uỷ ban Đối ngoại."
- Về vấn đề tổ chức và cán bộ
"Đây là vấn đề quan trọng nhất để đảm bảo Uỷ ban có thể nâng cao hiệu lực hoạt động của mình, đáp ứng yêu cầu đổi mới của Quốc hội.
Uỷ ban không cần đông người, khoảng 20 người trở lại nhưng nhất thiết phải có bộ phận chuyên trách khoảng 1/3 trong đó có 1 Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.
Các Uỷ viên đối ngoại cần am hiểu về lĩnh vực đối ngoại và một số người hiểu về luật pháp quốc tế, kinh tế đối ngoại, an ninh quốc phòng. Phần lớn nên thông thạo một hai ngoại ngữ để có thể tham gia hoạt động quốc tế.
Cần có lề lối phối hợp tốt với các Uỷ ban Thường trực khác, với Văn phòng Quốc hội, khắc phục những vướng mắc chồng chéo nhau trong lề lối làm việc, trong việc chỉ đạo công tác đối ngoại.
Vụ Đối ngoại cần có một số cán bộ giỏi về chuyên môn và hành chính giúp cho Uỷ ban. Ngoài ra Uỷ ban có thể có một số cộng tác viên về một số lĩnh vực mà Uỷ ban cần. Yêu cầu có chế độ cụ thể cho những cộng tác viên này".
- Về cơ sở vật chất và tài chính:
Vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tình hình kinh tế của đất nước ta còn rất khó khăn. Dù biết rõ như vậy nhưng vì yêu cầu công việc, Uỷ ban Đối ngoại vẫn phải đề nghị:
"Yêu cầu bố trí cho Uỷ ban Đối ngoại có khu làm việc, có thư viện và nơi lưu trữ hồ sơ.
Nên có khoản tài chính nhất định để Uỷ ban chủ động trong hoạt động của mình. Hiện nay các đại biểu Quốc hội đi công tác nước ngoài gặp nhiều hạn chế về thông tin và tài chính, do đó không có điều kiện để phát huy vai trò của mình."
Tổng kết thực tiễn hoạt động và những đề xuất của Uỷ ban Đối ngoại khoá VIII đã là những nội dung quan trọng trong nhiệm kỳ đổi mới hoạt động đầu tiên của Quốc hội, làm tiền đề để Uỷ ban Đối ngoại các khoá tiếp theo nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tiếp tục đổi mới và góp phần thiết thực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
B/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ IX
(Từ tháng 9-1992 đến tháng 9-1997)
Vào cuối tháng 6 năm 1981, giữa lúc Quốc hội khóa VII sắp kết thúc nhiệm kỳ, Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội lần thứ VII nhằm tổng kết việc thực hiện đường lối đổi mới mà Đại hội lần thứ VI đã đề ra, trên cơ sở đó định ra phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu cho 5 năm tới: "Mục tiêu tổng quát của 5 năm tới là vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay."
Để phát huy được những thành tựu bước đầu rất quan trọng qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, để đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới theo Nghị quyết Đại hội VII, Quốc hội khóa VIII quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1980 và đã thông qua Hiến pháp năm 1992 vào ngày 15-4-1992 tại kỳ họp thứ 11. Căn cứ vào Hiến pháp mới, các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước đã được Quốc hội lần lượt thông qua. Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 thay thế Luật Tổ chức Quốc hội và Hội đồng Nhà nước năm 1981 cũng đã được Quốc hội khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 11. Do đó, tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội trong đó có Uỷ ban Đối ngoại đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng.
I- Tổ chức - nhân sự của Uỷ ban Đối ngoại khoá IX
Từ những sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, tổ chức - nhân sự Uỷ ban Đối ngoại nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX đã có những đổi mới.
Điều 95 của Hiến pháp 1982 quy định "Quốc hội bầu các Uỷ ban của Quốc hội" và trên cơ sở nghiên cứu kiến nghị của các Uỷ ban Thường trực khoá trước, cũng Điều 95 đã quy định: "Mỗi Uỷ ban có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách." Tiếp đó, Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992 quy định Quốc hội thành lập 7 Uỷ ban trong đó có Uỷ ban Đối ngoại.
Căn cứ vào các quy định ấy, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX, ngày 23-9-1992, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh đã trình Quốc hội danh sách để Quốc hội xem xét, bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, các Uỷ viên các Uỷ ban của Quốc hội và Đoàn Thư ký kỳ họp. Ngày 25-9-1992, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh đọc bản tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến danh sách Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban, các Uỷ viên Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội. Quốc hội đã bầu các thành viên nói trên bằng cách bỏ phiếu kín.
Theo kết quả bầu cử, Uỷ ban Đối ngoại nhiệm kỳ khoá IX có 13 thành viên:
Chủ nhiệm : Ông Hoàng Bích Sơn
Phó Chủ nhiệm : Ông Trần Văn Phác
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Ông Phan Quang
Các Uỷ viên : Ông Nguyễn Việt Dũng
Ông Hà Đăng
Ông Đào Đình Luyện
Ông Vũ Mão
Bà Chu Thuý Quỳnh
Ông Nguyễn Văn Răng
Ông Nguyễn Ngọc Trân
Ông Hữu Thọ
Ông Lê Xuân Trinh.
Tại kỳ họp thứ 3 tháng 7 năm 1993, Quốc hội khóa IX bầu bổ sung ông Nguyễn Văn Tư làm Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại, nâng tổng số thành viên Uỷ ban lên 14. Trong số thành viên Uỷ ban, có Chủ nhiệm Hoàng Bích Sơn và Phó Chủ nhiệm Trần Văn Phác hoạt động chuyên trách, các thành viên khác hoạt động kiêm nhiệm.
Với 14 thành viên, về mặt tổ chức, Uỷ ban Đối ngoại vẫn có số lượng thành viên ít nhất trong các Uỷ ban của Quốc hội. Nhưng qua tổng kết công tác nhiệm kỳ khoá IX, Uỷ ban Đối ngoại nhận thấy hầu hết các thành viên Uỷ ban là những đại biểu có trình độ, đã hoặc đang giữ những cương vị quan trọng trong tổ chức Đảng và Nhà nước hoặc các tổ chức đoàn thể như Trưởng ban, Bộ trưởng, người đứng đầu các đoàn thể quần chúng…, có uy tín ở trong nước và nước ngoài nên đã tạo nên sức mạnh tập thể trong hoạt động của Uỷ ban. Dù có thuận lợi như vậy, nhưng trước hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng mở rộng, đa số các thành viên lại chỉ hoạt động kiêm nhiệm, bận rộn vì công tác chính của mình nên không có điều kiện dành nhiều thời gian cho công tác của Uỷ ban. Xuất phát từ thực tế ấy, Uỷ ban Đối ngoại khoá IX đã đề xuất việc cần mời thêm một số cộng tác viên để bảo đảm tốt hơn hiệu quả của hoạt động đối ngoại.
Về mặt tổ chức đối ngoại của Quốc hội, trong nhiệm kỳ khoá IX, điều cần nói thêm là đã thành lập được Tổ chức nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước. Tổ chức này có tính chất tự nguyện của các nghị sĩ và tính chất tương đối độc lập trong khuôn khổ Quốc hội, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, có sự phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội. Việc bố trí Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị là Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại để tiện kết hợp trong công tác là điều hợp lý. Trong nhiệm kỳ khoá IX đã thành lập được Nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước Lào, Trung Quốc, Cuba, Thái Lan, Pháp, Nhật Bản, Nga, Bỉ, Phi-líp-pin, Canada, Hàn Quốc, Cộng hòa dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Mê-hi-cô, Nghị viện châu Âu.
Tuy mới thành lập nhưng tổ chức nghị sĩ hữu nghị với các nước đã phát huy tác dụng thiết thực trong việc đón tiếp các đoàn nghị sĩ các nước, nhất là nghị sĩ các nước tư bản đến nước ta tìm hiểu tình hình. Đã có một số đoàn nghị sĩ nước ngoài đến thăm và làm việc chính thức với Quốc hội ta với danh nghĩa là đoàn nghị sĩ hữu nghị; trong đó có một số đoàn Quốc hội ta không có Uỷ ban tương ứng để tiếp nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam làm đối tác chính là rất thích hợp như với Uỷ ban giao thông Quốc hội Đức… Với những kết quả bước đầu ấy, Uỷ ban Đối ngoại khoá IX đã đề nghị cần củng cố và tiếp tục phát triển Tổ chức nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với các nước ở các nhiệm kỳ sau.
II- Hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại khoá IX
Việc quy định nhiệm vụ quyền hạn của các Uỷ ban của Quốc hội tại Luật Tổ chức Quốc hội 1992 khác với các Luật Tổ chức Quốc hội trước đó ở chỗ có quy định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho từng Uỷ ban. Điều 29 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban Đối ngoại như sau:
"1- Thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác thuộc lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Nhà nước, công pháp và tư pháp quốc tế, báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại trình Quốc hội;
2- Giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của các ngành và địa phương;
3- Thực hiện và giúp Quốc hội thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước và Liên minh Quốc hội thế giới;
4- Kiến nghị với Quốc hội những vấn đề thuộc chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, với Liên minh Quốc hội thế giới và với các tổ chức quốc tế."
Ngoài ra, theo quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban tại các Điều 31, 32, 33 và 62 của Luật Tổ chức Quốc hội thì Uỷ ban Đối ngoại có quyền trình dự án luật ra trước Quốc hội; yêu cầu các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và những viên chức nhà nước hữu quan cung cấp tài liệu hoặc đến trình bày những vấn đề mà Uỷ ban xem xét, thẩm tra; khi cần thiết có quyền cử các thành viên của Uỷ ban đến cơ quan, tổ chức hữu quan để điều tra, xem xét về vấn đề mà Uỷ ban quan tâm…
Những quy định của Hiến pháp 1992 và Luật Tổ chức Quốc hội 1992 cũng được cụ thể hoá thêm một bước trong Quy chế hoạt động của các Uỷ ban được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ ba thông qua tại phiên họp ngày 7-7-1993. Quy chế này có 5 chương, 37 điều quy định cụ thể về tổ chức, về nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban, của Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, các thành viên khác của Uỷ ban, về quy trình làm việc, bộ máy giúp việc và nhiều vấn đề khác.
Trên cơ sở những quy định với tinh thần đổi mới tại Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức Quốc hội 1992 và Quy chế hoạt động của các Uỷ ban 1993, Uỷ ban Đối ngoại đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình với nhiều hoạt động ngày càng đổi mới, ngày càng có hiệu quả.
1- Về công tác xây dựng pháp luật
Trong nhiệm kỳ khoá IX, thực hiện điểm 1 Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội 1992, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì hoặc tham gia thẩm tra nhiều dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Trong quá trình thẩm định các văn bản ấy, Uỷ ban Đối ngoại đã tổ chức các cuộc họp toàn thể hoặc gửi lấy ý kiến các thành viên Uỷ ban và thường xuyên kết hợp với Uỷ ban Pháp luật, các Uỷ ban hữu quan khác và các bộ, ngành có liên quan.
Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra một số văn bản quan hệ trực tiếp đến việc quản lý công tác đối ngoại như: Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; Pháp lệnh về cơ quan đại diện Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Pháp lệnh về hàm cấp ngoại giao. Uỷ ban Đối ngoại cũng chuẩn bị để Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Uỷ ban cũng đã tham gia thẩm tra một số dự án có liên quan đến lĩnh vực đối ngoại như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Luật dầu khí; Bộ luật lao động; Pháp lệnh công nhận thủ tục và thi hành tại Việt Nam các bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài; Pháp lệnh về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài; Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam; Pháp lệnh công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài; Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Hiệp định về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN và tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA).
Về hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, trong Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ khoá IX, Uỷ ban Đối ngoại có nhận xét:
"Những Pháp lệnh có liên quan đến hoạt động đối ngoại do Uỷ ban Đối ngoại chủ trì thẩm tra và được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Pháp lệnh về hàm, cấp ngoại giao là cơ sở pháp lý để xây dựng ngành ngoại giao chính quy nhằm đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của công tác đối ngoại trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, chất lượng công tác xây dựng pháp luật của Uỷ ban còn bị hạn chế do còn thiếu chuyên viên được đào tạo cơ bản và thành thạo về luật pháp quốc tế để phục vụ cho công tác quan trọng này của Uỷ ban."
2- Về công tác giám sát
Nhiệm vụ này được Luật Tổ chức Quốc hội 1992 quy định tại Điểm 2, Điều 29.
Trong nhiệm kỳ khoá IX, Uỷ ban Đối ngoại đã nghe và góp ý kiến về các báo cáo hoạt động đối ngoại của Chính phủ trước khi trình ra các kỳ họp của Quốc hội. Uỷ ban đã tiến hành công tác giám sát một số vấn đề bức xúc ở trong nước như việc thực hiện Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam - Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Uỷ ban cũng làm việc về nội dung trên với Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tổng cục Du lịch. Sau khi nghe các địa phương, cơ sở và bộ ngành báo cáo, Thường trực Uỷ ban đã nêu lên một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau dưới hình thức chất vấn để các bộ trả lời bằng văn bản.
Uỷ ban cũng đã tiến hành giám sát hoạt động đối ngoại tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Sông Bé là những nơi có nhiều hoạt động đối ngoại; giám sát việc thực hiện Pháp lệnh về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tại Đại sứ quán Việt Nam ở Canada, Pháp, Ấn Độ, Phi-líp-pin, Thái Lan.
Qua các đợt giám sát, Uỷ ban Đối ngoại khoá IX đã rút ra một số nhận xét: "Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam và các Nghị định, thông tư của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý những tổ chức và cá nhân nước ngoài ra, vào Việt Nam, làm việc và sinh sống tại Việt Nam. Các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc khắc phục khó khăn để thực hiện nghiêm chỉnh pháp lệnh và các văn bản pháp luật liên quan. Nhìn chung, số vi phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng xẩy ra rất ít. Điều kiện làm việc, tính mạng và tài sản của người nước ngoài được bảo đảm và cải thiện đã làm cho họ yên tâm làm việc tại Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy đầu tư của các tập đoàn và công ty nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế nhất định như quy trình chưa thống nhất, còn những kẽ hở để một số tổ chức và cá nhân lợi dụng vào mục đích vụ lợi, gây một số lộn xộn trong đời sống kinh tế, xã hội, ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý…
Việc thi hành Pháp lệnh về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và đi lại của người nước ngoài ở Việt Nam thi hành không được nghiêm do việc cấp visa vẫn tiếp tục gây ra nhiều tiêu cực, không được ngăn chặn mặc dù Uỷ ban đã có nhiều lần kiến nghị các biện pháp khắc phục."
3- Về các hoạt động đối ngoại
Trước tình hình mới, Uỷ ban Đối ngoại đã có nhiều đổi mới trong hoạt động đối ngoại. Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 30 tháng 9 năm 1993, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại đã thay mặt Uỷ ban trình bày tổng quát đề cương hoạt động đối ngoại của nước ta trong giai đoạn mới và phương hướng nhiệm vụ đối ngoại của Quốc hội ta. Trên cơ sở đó, hàng năm Uỷ ban Đối ngoại có nhận định tình hình và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động của Quốc hội trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bao gồm hoạt động của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, các nhóm Nghị sĩ hữu nghị với các nước. Sau khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Uỷ ban Đối ngoại đã trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức thực hiện toàn bộ kế hoạch đó, đồng thời thường xuyên phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác và Văn phòng Quốc hội triển khai các hoạt động song phương và đa phương của Quốc hội.
Qua hoạt động tại nhiệm kỳ khoá IX, Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Uỷ ban Đối ngoại đã nêu rõ:
"Trong quan hệ đa phương, Uỷ ban Đối ngoại đã trực tiếp tham gia và quan tâm chỉ đạo hoạt động của Đoàn Việt Nam trong các Liên minh Nghị viện thế giới và khu vực, thông qua đó đề cao vai trò và vị trí của Quốc hội ta, tranh thủ bằng nhiều hình thức giới thiệu đường lối đối ngoại của Đảng, tranh thủ sự ủng hộ đối với sự nghiệp đổi mới của ta, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác về nhiều mặt của các nước với Việt Nam.
Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành mọi công tác chuẩn bị chu đáo để Quốc hội ta gia nhập Tổ chức Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức nghị sĩ các nước sử dụng tiếng Pháp AIPLF tại Hà Nội. Điểm nổi bật trong quan hệ đa phương của đối ngoại Quốc hội là Quốc hội ta đã trở thành thành viên chính thức của AIPO. Đoàn đại biểu Quốc hội ta với tư cách là thành viên chính thức của AIPO đã tích cực tham gia vào các Uỷ ban của tổ chức khu vực này, vừa làm nghĩa vụ của nước thành viên, vừa phải đấu tranh bảo vệ đường lối quan điểm của Đảng, vừa bảo vệ lợi ích chính đáng của dân tộc mình.
Trong quan hệ song phương, Uỷ ban đã trực tiếp chỉ đạo phục vụ Đoàn Chủ tịch Quốc hội ta thăm hữu nghị chính thức tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước Tây Bắc Âu. Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước đó, góp phần tích cực vào việc quyết định của Chính phủ các nước Tây Bắc Âu giảm hoặc xoá nợ cho nước ta và kết quả nổi bật là Hiệp định khung giữa Việt Nam và EU được ký kết. Đồng thời, Uỷ ban đã chỉ đạo chuẩn bị cho các đoàn Quốc hội cấp Phó Chủ tịch thực hiện các chuyến thăm tại các nước Trung Cận Đông và các nước Đông Âu đạt kết quả tốt.
Uỷ ban Đối ngoại cũng đã tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và phối hợp thực hiện những hoạt động đối ngoại của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban và Văn phòng Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội đều đã có trao đổi đoàn với các Uỷ ban tương ứng của Quốc hội các nước… Theo thống kê chung, hàng năm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức hoặc giúp tổ chức thực hiện trao đổi khoảng 60 đoàn đại biểu với Quốc hội các nước kể cả đoàn ra, đoàn vào.
Về phần mình, Uỷ ban Đối ngoại đã thực hiện việc trao đổi các đoàn với Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội các nước. Với đặc điểm của nhiệm kỳ này, do công cuộc đổi mới thu được những thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại, Uỷ ban hoạt động chuyển từ chế độ bán chuyên trách sang chế độ chuyên trách, cố gắng chỉ đạo và tích cực tham gia mọi hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần đáng kể vào việc nâng cao vị thế và vai trò của nước ta trên trường quốc tế.
Về nội dung, hoạt động đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tập trung vào việc làm cho quốc tế thấy rõ hơn về sự nghiệp đổi mới của ta, đặc biệt là đổi mới về chính trị, trong đó chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại diện cho nhân dân cả nước, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Từ đó làm rõ Nhà nước ta thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, cho nên Nhà nước ta hết sức phát huy dân chủ, tự do, hết sức tôn trọng quyền con người, bác bỏ những luận điệu của các lực lượng phản động, xuyên tạc vu cáo ta về vấn đề nhân quyền và tự do dân chủ.
Tiếng nói của đoàn Quốc hội ta trong các diễn đàn đa phương cũng như trong các cuộc tiếp xúc song phương ngày càng được coi trọng và đánh giá cao. Trên thực tế, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta đã phát triển theo nền ngoại giao nghị viện, vừa mang tính chính thức nhà nước, vừa mang tính nhân dân, hỗ trợ cho ngoại giao Chính phủ, góp phần gặt hái những thành tựu đáng kể trên mặt trận đối ngoại của nước ta."
Qua hoạt động nhiệm kỳ khoá IX, Uỷ ban Đối ngoại đã có những đánh giá có tính toàn diện, trên cơ sở đó đề xuất một số ý kiến.
Về đánh giá, Uỷ ban Đối ngoại nhận thấy:
- Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới trong công tác đối ngoại, hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại nhiệm kỳ khoá IX có những tiến bộ so với trước, Uỷ ban đã có bộ phận chuyên trách trong đó có Chủ nhiệm và một Phó Chủ nhiệm Uỷ ban; vụ giúp việc cũng đã được tăng cường từng bước.
- Uỷ ban đã cố gắng, chủ động trong hoạt động, góp phần tích cực có hiệu quả vào tất cả các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đưa công tác đối ngoại của Quốc hội ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
- Uỷ ban đã thực hiện việc giám sát các hoạt động đối ngoại của các cơ quan Chính phủ, các địa phương, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
- Quan hệ phối hợp giữa Uỷ ban với Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan khác của Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại tương đối tốt.
Tuy nhiên, do công tác đối ngoại của Nhà nước ta nói chung và của Quốc hội nói riêng ngày càng lớn và phức tạp, bộ máy chuyên trách của Uỷ ban Đối ngoại và bộ máy giúp việc còn quá mỏng, nên Uỷ ban mới thực hiện được một số hoạt động chính về đối ngoại, chưa có điều kiện đi sâu vào công tác lập pháp, giám sát, kinh tế đối ngoại hoặc phân công người chuyên sâu trong từng khu vực, địa bàn và từng lĩnh vực.
Việc cấu tạo thành phần Uỷ ban Đối ngoại khoá IX vừa có mặt thuận lợi là các Uỷ viên Uỷ ban gồm các đồng chí giữ trọng trách trong các cơ quan quan trọng của Đảng và Nhà nước, vừa có mặt hạn chế vì các đồng chí đó không có điều kiện thời gian tham gia nhiều công tác của Uỷ ban.
Từ tình hình tổ chức và hoạt động như vậy, trước yêu cầu đổi mới ngày càng cao, Uỷ ban Đối ngoại đã kiến nghị cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm và quan tâm xử lý một số vấn đề.
Về đội ngũ những người làm công tác đối ngoại:
- Cần tăng cường số lượng đại biểu trong Uỷ ban nhất là tăng cường đại biểu chuyên trách của Uỷ ban; nên có người phụ trách về từng khu vực địa bàn, cần có các Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
- Cần quy định rõ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội làm công tác đối ngoại. Công tác đối ngoại là công tác chính trị, vì vậy các Uỷ viên đối ngoại cần phải có trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng, nắm chắc đường lối, quan điểm của Đảng. Mặt khác, do yêu cầu của công tác này, Uỷ viên đối ngoại cần có trình độ ngoại ngữ, nhất là các đại biểu chuyên trách phải thông thạo ít nhất một ngoại ngữ thông dụng hiện nay để bảo đảm hoạt động quốc tế. Các Uỷ viên đối ngoại cần am hiểu về đối ngoại và một số hiểu biết về luật pháp quốc tế, kinh tế đối ngoại, an ninh quốc phòng.
- Cần hình thành nhóm cộng tác viên đối ngoại của Uỷ ban bao gồm những người có quan điểm đúng đắn, có hiểu biết rộng, có kinh nghiệm đối ngoại. Quốc hội cần có chính sách đãi ngộ thích đáng, thường xuyên hoặc từng vụ việc với các cộng tác viên.
- Ngoài ra, cần tăng cường củng cố Vụ Đối ngoại; quan tâm hơn nữa đến việc tăng cường số lượng và chất lượng, tăng cường chuyên viên về tổng hợp, về luật pháp quốc tế và kinh tế đối ngoại. Chú ý việc đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ cho cán bộ.
Uỷ ban đối ngoại cũng đề nghị: Cần có cơ chế phối hợp giữa Uỷ ban Đối ngoại và Bộ Ngoại giao. Với việc Nhà nước ta gia nhập ASEAN, Quốc hội ta là thành viên của AIPO, cần có cơ chế để phối hợp hoạt động, vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa mang tính đặc thù của hai tổ chức. Mặt khác, những quy định về công tác lễ tân đã có từ 40 năm về trước, qua hơn 10 năm đổi mới đã bộc lộ nhiều điểm không thích hợp, cần có quy định mới về công tác lễ tân cho cả trung ương và các địa phương.
C/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ X
(Từ tháng 9-1997 đến tháng 7 - 2002)
Quốc hội khóa X là nhiệm kỳ thứ ba kể từ ngày Quốc hội bắt đầu đổi mới hoạt động theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI. Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X được tổ chức và hoạt động theo các quy định pháp lý tại Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức Quốc hội 1992, Quy chế hoạt động của các Uỷ ban 1993 và các văn bản pháp luật khác có liên quan, cơ bản giống như Uỷ ban Đối ngoại khoá IX. Nhưng, mặt khác, nhờ những kinh nghiệm đúc rút được qua thực tế hoạt động, tình hình đất nước ngày càng phát triển và quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng nên Uỷ ban Đối ngoại khoá X đã hoạt động trong điều kiện thuận lợi hơn và ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.
I- Tổ chức - nhân sự của Uỷ ban Đối ngoại khoá X
Tại phiên họp ngày 27-9-1997 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa X, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh đã trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại Đoàn về số Phó Chủ tịch và số Uỷ viên Hội đồng Dân tộc, số Phó Chủ nhiệm và số Uỷ viên của mỗi Uỷ ban, số thành viên của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội; danh sách giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên của Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Uỷ viên của mỗi Uỷ ban của Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký và các Uỷ viên của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội.
Sau đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua:
- Số Phó Chủ tịch và số Uỷ viên Hội đồng Dân tộc; số Phó Chủ nhiệm và số Uỷ viên của mỗi Uỷ ban của Quốc hội; số thành viên của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội.
- Danh sách giới thiệu để Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Uỷ viên của Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Uỷ viên của mỗi Uỷ ban của Quốc
hội, Trưởng đoàn thư ký và các Uỷ viên của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội.
Sau khi biểu quyết danh sách Ban kiểm phiếu, Quốc hội khóa X đã bỏ phiếu bầu nhân sự Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp.
Theo kết quả bầu cử, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội khóa X có 19 thành viên:
Chủ nhiệm : Ông Đỗ Văn Tài
Phó Chủ nhiệm : Ông Ngô Anh Dũng
Ông Phan Quang
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa
Ông Nguyễn Ngọc Trân
Các Uỷ viên : Ông Hồ Anh Dũng
Ông Nguyễn Lân Dũng
Ông Nguyễn Văn Hiệu
Ông Vũ Xuân Hồng
Ông Nguyễn Duy Lự (Hồng Vinh)
Ông Phạm Thanh Ngân
Ông Hồ Tiến Nghị
Ông Trần Văn Phác
Bà Nguyễn Thị Lập Quốc
Bà Chu Thuý Quỳnh
Ông Nguyễn Văn Son
Ông Phạm Thanh Sơn
Bà Võ Thị Thắng
Ông Hữu Thọ (Nguyễn Hữu Thọ)
Thường trực Uỷ ban gồm có Chủ nhiệm và 4 Phó Chủ nhiệm, trong đó hai Phó Chủ nhiệm Ngô Anh Dũng và Nguyễn Ngọc Trân hoạt động chuyên trách. Thành viên Uỷ ban là các đại biểu có kinh nghiệm lâu năm trong các lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, quân đội, công tác khoa học, báo chí; có 7 người là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá VIII, trong đó có một người là Uỷ viên Bộ Chính trị.
II- Hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại khoá X
Uỷ ban Đối ngoại khoá X đã duy trì thường xuyên mối quan hệ công tác với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và các cơ quan hữu quan khác nhằm thực hiện nguyên tắc phân công và phối hợp giữa các cơ quan hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, Uỷ ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Quốc hội.
Theo quy định tại Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội 1992, Uỷ ban Đối ngoại khoá X đã thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1- Về công tác xây dựng pháp luật
Trong nhiệm kỳ khoá X, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra hoặc tham gia thẩm tra các dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại để trình Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua như: Luật quốc tịch, Luật thuế và điều chỉnh mức thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật hải quan, Pháp lệnh về ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế, Pháp lệnh nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi), Pháp lệnh về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế, Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam. Uỷ ban đối ngoại cũng đã tiến hành các công tác chuẩn bị cần thiết để Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên bộ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Hiệp định thương mại Việt - Mỹ.
Nhìn lại công tác xây dựng pháp luật, Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ của Uỷ ban Đối ngoại khoá X có viết: "Những văn bản pháp luật trên đây đóng góp vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý để triển khai thực hiện các chính sách đối ngoại và kinh tế đối ngoại. Uỷ ban Đối ngoại đã kịp thời vận dụng các văn bản pháp luật mà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành để triển khai công tác tuyên truyền đối ngoại, thông tin kịp thời tới các tổ chức và cá nhân nghị sĩ Quốc hội các nước mà ta có dịp tiếp xúc, gặp, gỡ, nhất là vấn đề "nhân quyền", "dân chủ" mà một số thế lực thù địch thường lợi dụng để chống phá ta".
Vừa tham gia công tác xây dựng pháp luật trước mắt, Uỷ ban Đối ngoại khoá X vừa đề nghị với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành rà soát lại các điều ước quốc tế mà nước ta đã ký kết hoặc gia nhập song song với việc rà soát các văn bản pháp luật của nước ta để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và đồng bộ với pháp luật của Nhà nước ta.
Ngoài việc tham gia xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, Uỷ ban Đối ngoại khoá X cũng tham gia đầy đủ vào việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992, Luật Tổ chức Quốc hội 1992 và nhiều văn bản khác, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước ta.
2- Về công tác giám sát
Trong nhiệm kỳ X, hoạt động giám sát của Uỷ ban Đối ngoại đã được đẩy mạnh hơn.Theo định kỳ, Uỷ ban Đối ngoại đã nghe và đóng góp ý kiến về dự thảo báo cáo của Bộ Ngoại giao về công tác đối ngoại của Nhà nước ta chuẩn bị trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, Uỷ ban đã có thuyết trình về công tác đối ngoại của Nhà nước ta trình Quốc hội tại kỳ họp.
Cùng với hoạt động ấy, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát các hoạt động trên lĩnh vực kinh tế đối ngoại, nhất là việc sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA và nguồn vốn từ các tổ chức phi Chính phủ (NGO).
Các đợt giám sát trong nhiệm kỳ này tập trung vào các vấn đề sau đây:
- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thực hiện đầu năm 1998.
- An ninh biên giới có liên quan đến đối ngoại và kinh tế đối ngoại biên giới, thực hiện năm 1998 và 1999.
- Hiệu quả của việc thu hút và sử dụng viện trợ phát triển chính thức (ODA), thực hiện năm 1999.
- Công tác ngoại vụ địa phương và công tác quản lý, sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (NGO), thực hiện năm 2000 và 2001.
- Việc thực hiện Pháp lệnh về cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Có thể nói hoạt động giám sát của Uỷ ban Đối ngoại khoá X đã có bước phát triển rộng hơn, sâu hơn và có hiệu quả cao hơn. Xin trích một phần Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ để thấy rõ hơn những nội dung cụ thể trên nhiều mặt hoạt động giám sát của Uỷ ban Đối ngoại khoá X:
"a) Về hoạt động của các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần khuyến khích các nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Trong hoàn cảnh kinh tế khu vực đang phải đương đầu với những khó khăn, những biện pháp mới đây của Nhà nước ta nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư đã được dư luận và doanh nhân nước ngoài đánh giá cao.
Tuy nhiên, tại các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hoạt động kinh tế đối ngoại còn những điều thiếu ổn định, một số văn bản dưới luật được ban hành quá chậm và nhiều chỗ chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau, có những nơi còn giải thích luật một cách tuỳ tiện. Sự thiếu cụ thể của luật và nhiều cách diễn giải về luật đã dẫn đến sự thi hành thiếu thống nhất một số điều khoản giữa các ngành, giữa các địa phương, tạo khe hở tiêu cực.
Công tác quản lý đầu tư với nước ngoài, thuế nhập khẩu, giá nguyên vật liệu, trang thiết bị, giá chuyển giao công nghệ, giá hàng xuất, kê khai chi phí và khấu hao tài sản cố định còn nhiều sơ hở, gây thất thu ngân sách cho Nhà nước, làm thiệt thòi cho bên Việt Nam trong liên doanh.
b) Về an ninh biên giới có liên quan tới đối ngoại và hoạt động kinh tế đối ngoại biên giới.
Hoạt động kinh tế đối ngoại biên giới đã góp phần tăng trưởng kinh tế của một số địa phương, tạo việc làm cho một bộ phận dân cư và phát triển sản xuất. Mặt khác những hiện tượng tiêu cực cũng gia tăng như buôn lậu, tình trạng phạm tội và các tệ nạn xã hội khác, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.
Các tỉnh biên giới, tuy còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, đã nỗ lực huy động và tổ chức nhân dân và các lực lượng hữu quan bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phát triển sản xuất và thúc đẩy quan hệ hữu nghị với các tỉnh của nước bạn có chung đường biên giới. Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh biên giới.
Để giữ vững an ninh biên giới, một trong các biện pháp quan trọng hiện nay là đưa dân ra sinh sống và làm ăn lâu dài tại khu vực này. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt như xây dựng cơ sở hạ tầng, y tế, trường học, tạo cuộc sống ổn định cho nhân dân. Các tỉnh biên giới cần tận dụng sự phát triển về thương mại và dịch vụ ở khu kinh tế biên giới để thúc đẩy sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, đổi mới và nâng cao công nghệ, đảm bảo kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.
Trong đợt giám sát lần thứ 2 ở các địa phương có biên giới với Lào và Cam-pu-chia, Đoàn có một số ý kiến sau (đã gửi cho các cơ quan hữu quan):
- Việc buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu ma tuý, thuốc lá, xe máy, đường mía, việc gian lận thương mại qua biên giới vẫn còn là một vấn đề hết sức nóng bỏng mặc dù Chính phủ đã triển khai rất tích cực chỉ thị 853 về chống buôn lậu và cho dán tem một số mặt hàng thường bị nhập lậu.
- Đoàn giám sát thấy cần có một chính sách biên mậu tích cực và chủ động nhằm góp phần ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng biên giới và thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Lào, mối quan hệ láng giềng tốt Việt Nam - Campuchia, qua đó củng cố an ninh biên giới, đồng thời tiếp tục tìm những nguyên nhân sâu xa hơn để có thêm những biện pháp trên cả 2 mặt chống và xây tại biên giới và trong nội địa.
- Đặc biệt trong báo cáo về giám sát năm 1999, Uỷ ban Đối ngoại đã nêu kiến nghị về việc nâng cao công tác quản lý những nhân viên của các cơ quan đại diện ngoại giao kể cả tuỳ viên quân sự và những chuyên gia nước ngoài đến Tây Nguyên. Sự kiện Tây Nguyên vừa qua cho thấy cần có cơ chế và quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan mà trước hết là cơ quan hành pháp ở Trung ương và địa phương trong việc thực hiện những yêu cầu, kiến nghị của đại biểu Quốc hội.
c) Về thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Trong đợt giám sát năm 1999, Uỷ ban Đối ngoại đã nghe báo cáo của các bộ, ngành và tiến hành giám sát tại Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long, Khánh Hoà, Phú Yên, Bình Thuận và Ninh Thuận (tháng 9 đến tháng 10-1999).
Trọng tâm đợt giám sát là xem xét tình hình thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA, những kết quả đạt được, những yếu tố hạn chế cần tháo gỡ để phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn này trong thời gian tới. Một số nội dung đáng chú ý rút ra qua đợt giám sát như sau:
- Nguồn vốn ODA cam kết từ 1993 đến tháng 6/1999 là 13,04 tỷ USD, ta đã ký kết được Hiệp định vay với tổng giá trị 9,2 tỷ USD. Trong cơ cấu sử dụng nguồn vốn, ngành điện chiếm 29,3%; giao thông vận tải 27,4%; nông lâm thủy sản 13%; tín dụng và điều chỉnh cơ cấu 16%; y tế, giáo dục, xã hội 11%; cấp thoát nước 7%.
Tuy nhiên việc quản lý nhà nước về ODA đòi hỏi sớm giải quyết một số vấn đề như sự thống nhất quản lý nguồn vốn ODA, cung cấp thông tin đầy đủ về các Bộ, ngành và các địa phương qua mạng máy tính của Văn phòng Chính phủ.
- Tốc độ giải ngân còn chậm do các bước thực hiện dự án còn nặng nề, mất nhiều thời gian ở mỗi khâu về phía ta, đặc biệt là khâu thẩm định; do vốn đối ứng thiếu và không kịp thời; do chính sách đền bù, giải toả và tái định cư luôn thay đổi và không thống nhất.
- Vốn ODA khi đã ký kết thành Hiệp định cũng là một nguồn vốn mà Nhà nước phải cân đối vốn đối ứng và có kế hoạch trả lãi từ ngân sách Nhà nước. Việc phân bổ, quản lý và sử dụng cần tuân theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và cần có ý kiến của Quốc hội. Đã đến lúc cần xem xét việc ban hành luật hoặc pháp lệnh về ODA để công tác thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA mà hơn 80% là vốn vay từ bên ngoài được tốt hơn nữa.
d) Về công tác đối ngoại địa phương và viện trợ phi Chính phủ (NGO) nước ngoài.
Đoàn giám sát của Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành nhiều đợt giám sát về nội dung trên tại các địa phương Lào Cai, Nghệ An, Hà Nội, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh và Bến Tre. Những kiến nghị sau đợt giám sát này đã được gửi tới Chính phủ và các cơ quan hữu trách. Chính phủ cũng đã điều chỉnh một số văn bản pháp quy có liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, NGO và vấn đề trồng cây thảo quả ở Lào Cai trên cơ sở xem xét và tiếp thu các kiến nghị trực tiếp của Đoàn giám sát.
Công tác đối ngoại địa phương
Các địa phương thực hiện tốt đường lối, quan điểm và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đảm bảo tốt các chức năng quản lý hành chính đối ngoại và lễ tân đối ngoại, chưa có sai sót đáng kể. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan tham mưu đối ngoại ở địa phương còn nặng về sự vụ và do đó chưa giúp được lãnh đạo Tỉnh uỷ và Uỷ ban về chính trị đối ngoại, thu thập và xử lý thông tin đối ngoại cũng như chủ động xúc tiến quan hệ quốc tế.
Về mô hình tổ chức, Uỷ ban Đối ngoại đã kiến nghị các cơ quan của Chính phủ tổng kết kinh nghiệm xây dựng bộ phận tham mưu đối ngoại cho lãnh đạo địa phương để đáp ứng được nhiệm vụ chính trị đối ngoại cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, cần có sự phối hợp giữa trung ương và địa phương, tăng cường công tác thông tin và đào tạo cán bộ đối ngoại ở địa phương.
Về hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ (NGO)
Theo thống kê của Liên hiệp các tổ chức hòa bình hữu nghị, hiện nay tại nước ta có khoảng 500 tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động với khoảng 200 Văn phòng đại diện, với tổng số vốn đầu tư khoảng 50 - 70 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư này tuy nhỏ so với ODA, nhưng hoạt động khá hiệu quả nếu tính đến tác động trực tiếp với đối tượng hưởng lợi ở cơ sở và cách làm sát dân, sát thực tiễn, sát nhu cầu. Các dự án do các tổ chức phi Chính phủ giúp hoặc các Chính phủ nước ngoài giúp thông qua con đường phi Chính phủ đã có tác dụng ở hầu hết địa phương trong toàn quốc, hỗ trợ các chương trình kinh tế - xã hội cho các cộng đồng dân cư có nhu cầu cần giúp đỡ đặc biệt, nhất là trong lĩnh vực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, các dự án nước sạch, xây dựng cộng đồng, định canh, định cư, hỗ trợ xã hội, phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, đồng bào thiểu số và các dự án nhân đạo khác.
Tuy vậy, trong công tác thu hút, tiếp nhận và triển khai các dự án NGO còn có nhiều bất cập, thiếu sót thể hiện một số khía cạnh như:
- Chưa có thông tin đầy đủ về các đối tượng cung cấp dự án, số lượng dự án hàng năm và điều hoà các dự án trên phạm vi toàn quốc, có tỉnh được phân bổ nhiều dự án, có tỉnh hầu như không có dự án.
- Cùng với nguồn viện trợ NGO còn có khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, công tác hạch toán thu chi còn nhiều chỗ sơ hở và không thống nhất ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của dự án.
- Do thiếu cảnh giác nên đã để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền, kích động để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng (như vụ Tây Nguyên đầu năm 2001).
e) Về việc thực hiện Pháp lệnh về cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Kết hợp các chuyến công tác ở nước ngoài, các Đoàn đại biểu Quốc hội ta với nòng cốt là Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát công tác các cơ quan đại diện ngoại giao ở một số nước. Sau đây là một số nhận xét chính:
- Thực hiện Pháp lệnh về cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài, các cơ quan thương vụ, quân vụ, quản lý lao động được đặt dưới sự quản lý thống nhất của Đại sứ. Cơ chế phối hợp này có tác dụng tích cực đến hoạt động chuyên ngành như xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển, bảo hộ công dân của nước ta ở nước ngoài.
- Công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại bước đầu đã được quan tâm nhiều với hình thức phong phú hơn (bản tin, tạp chí, sách chuyên đề, chương trình VTV 4). Tuy nhiên, công tác này nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là chưa quan tâm đúng mức về cơ sở vật chất, ngân sách và cán bộ; thiếu cơ chế phối hợp trong và ngoài nước trên lĩnh vực này.
- Hiện nay, một số lượng đáng kể người Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại, nên việc bảo hộ quyền lợi của họ gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, ta cần tiếp tục đàm phán để cải thiện tình trạng này, một mặt nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài, mặt khác để khai thông những vướng mắc trong quan hệ song phương về kiều dân, cũng như ngăn chặn ảnh hưởng xấu của một số phần tử phản động và tội phạm.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội ta cũng đã kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cần thiết về phương tiện kỹ thuật, bảo hiểm y tế cho cán bộ ngoại giao, thương vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại."
3- Về các hoạt động đối ngoại của Quốc hội.
Phát huy thành tích và kinh nghiệm hoạt động đối ngoại của Quốc hội khóa IX và quán triệt đường lối đổi mới trong hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, công tác đối ngoại của Quốc hội khóa X đã được đẩy mạnh trên cả lĩnh vực song phương và đa phương với quy mô lớn, ở nhiều địa bàn khác nhau, có nhiều hoạt động quan trọng diễn ra với nhịp độ khẩn trương.
Uỷ ban Đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội trong việc xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động tổ chức thực hiện thành công công tác đối ngoại của Quốc hội. Ngoài ra, Uỷ ban Đối ngoại luôn duy trì mối quan hệ công tác thường xuyên với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng và các bộ, ngành liên quan để cùng xử lý những vấn đề đối ngoại phức tạp.
a) Về quan hệ song phương
Quốc hội ta tiếp tục củng cố quan hệ với Quốc hội tất cả các nước có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực và trên thế giới, trước hết là các nước láng giềng, các nước ASEAN, các nước bạn bè truyền thống, một số nước lớn, nghị viện châu Âu. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội mang lại nhiều kinh nghiệm tốt phục vụ công tác lập pháp, giám sát và những hiểu biết về tổ chức, vai trò của Quốc hội các nước, góp phần tranh thủ những lực lượng mới, giải quyết những vướng mắc, tồn tại để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư.
Với các nước láng giềng, Quốc hội ta đã đẩy mạnh quan hệ với Quốc hội Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, Quốc hội Vương quốc Cam-pu-chia, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Với Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào, đã có cuộc trao đổi các đoàn cấp cao nhất của Quốc hội. Đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh đã đi thăm Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào tháng 2-2001 và Đoàn của Chủ tịch Quốc hội Lào Xa-mẳn Vi-nha-kệt đi thăm nước ta tháng 12-2000. Kết quả hợp tác của các chuyến thăm ấy cùng với nhiều hoạt động đối ngoại khác đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt - Lào trên tất cả các lĩnh vực.
Với Quốc hội Cam-pu-chia, các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Cam-pu-chia, Hoàng thân Nô rô đôm Ranarit (tháng 5 năm 1999), Chủ tịch Thượng viện Chia Xim (tháng 7 năm 1999) và chuyến thăm Cam-pu-chia của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh (tháng 2 năm 2000) là những sự kiện nổi bật nhất trong quan hệ Quốc hội hai nước. Các vị lãnh đạo Cam-pu-chia đã khẳng định Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Cam-pu-chia luôn biết ơn và đánh giá cao sự giúp đỡ của Việt Nam trước đây cũng như việc Việt Nam đã ủng hộ một cách có hiệu quả để Cam-pu-chia gia nhập ASEAN tại Hà Nội và Quốc hội Cam-pu-chia trở thành thành viên của AIPO.
Với Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được những bước phát triển mới rất quan trọng. Tháng 2 năm 2000, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức mạnh dẫn đầu đi thăm Trung Quốc và tháng 9 năm 2001, Đoàn đại biểu Trung Quốc do Uỷ viên trưởng Lý Bằng dẫn đầu đi thăm Việt Nam. Hai chuyến thăm nói trên cùng với việc trao đổi đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm một số Uỷ ban của Quốc hội đã góp phần củng cố và phát triển mạnh mẽ quan hệ nhiều mặt giữa hai nước. Bằng việc phê chuẩn Hiệp định biên giới trên bộ năm 2000 và một số Hiệp định khác, cũng như việc hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn liên nghị viện thế giới và khu vực, Quốc hội hai nước đã góp phần quan trọng vào việc củng cố và thắt chặt mối quan hệ Việt - Trung.
Với Quốc hội các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, quan hệ song phương giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước Đông Nam Á được tăng cường thông qua diễn đàn AIPO. Các cuộc gặp gỡ tiếp xúc song phương với các đoàn bạn tại hội nghị AIPO hàng năm đã hình thành mối quan hệ hiểu biết và hợp tác chặt chẽ giữa các đại biểu Quốc hội nước ta và nghị sĩ các nước ASEAN, nhân tố quan trọng thắt chặt quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và nghị viện các nước trong khu vực. Các đoàn cấp Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội ta cũng đã thăm Myanma, Thái Lan, Ma-lai-xi-a, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… để trao đổi, một số đoàn với cấp tương ứng ở các nước cũng đã đến thăm và làm việc ở Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội ta với Quốc hội các nước.
Với Quốc hội của các nước thuộc khu vực khác, các đoàn cấp Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội và Chủ nhiệm Uỷ ban đã tiến hành các cuộc thăm hữu nghị chính thức và làm việc tại một số nước thuộc khu vực châu Âu như Nga, Bê-la-rut, Ý, Anh, Hung-ga-ri, Ba-lan, Pháp, Đức… và khu vực Nam Á, Trung Đông như Ấn Độ, I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Cô-oét, Libi, Jooc-đa-ni. Đồng thời, mối quan hệ giữa Quốc hội ta với nghị viện các nước thuộc khu vực Bắc Mỹ, châu Phi và Mỹ la-tinh cũng được mở rộng với các chuyến thăm cấp Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Uỷ ban tại Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Mê-hi-cô, Cộng hòa Nam Phi, Ăng-gô-la, Na-mi-bia. Quốc hội ta cũng đã đón nhiều đoàn cấp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội Cuba, Pháp, Hà Lan, Irắc, Mỹ, Séc, Bê-la-rút, Mê-hi-cô, Thuỵ Điển, Áo, Bỉ, Thuỵ Sĩ và một số nước khác.
Riêng với Quốc hội Mỹ, Quốc hội ta đã có nhiều hoạt động trong quan hệ với Quốc hội Mỹ với mục tiêu góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Thực tiễn cho thấy kể từ khi bình thường hoá quan hệ hai nước, nhiều nghị sĩ Mỹ sau khi thăm Việt Nam đã có quan điểm tích cực và đóng vai trò quan trọng vào việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trong nhiệm kỳ khoá X, ta đã kiên trì chủ trương vừa tích cực vận động hợp tác, vừa kiên quyết đấu tranh chống lại quan điểm và hành động của những phần tử thù địch trong Quốc hội Mỹ.
b) Về quan hệ đa phương
Cơ chế hoạt động nghị viện đa phương của Quốc hội tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh nhằm góp phần hỗ trợ cho những nỗ lực hợp tác quốc tế và khu vực của Chính phủ. Đến khoá X, Quốc hội ta là thành viên của hầu hết các tổ chức liên nghị viện quốc tế và khu vực như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn nghị sĩ châu Á -Thái Bình Dương (APPF), Hiệp hội nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) và một số tổ chức liên nghị viện chuyên ngành khác. Qua việc tham gia tích cực vào các diễn đàn đa phương này, ta đã chủ động giới thiệu tình hình Việt Nam, công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bày tỏ thái độ và lập trường có tính nguyên tắc và nhất quán của Việt Nam về những vấn đề quốc tế phức tạp và nhạy cảm. Do đó ta đã tranh thủ được sự đồng tình của bạn bè và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. So với khoá IX, hoạt động của Quốc hội khóa X tại các diễn đàn đa phương có những bước tiến bộ quan trọng thể hiện qua việc Quốc hội ta đăng cai tổ chức được một số hội nghị chuyên đề về những vấn đề chính trị, kinh tế - xã hội và hoạt động nghị viện được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
*
* *
Qua hoạt động tại nhiệm kỳ khoá X, Uỷ ban Đối ngoại đã có nhận xét tổng quát, rút ra một số ưu nhược điểm chính như sau:
"Công tác đối ngoại của Quốc hội khóa X đã được triển khai toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quan hệ đối ngoại song phương cũng như đa phương đúng với quan điểm, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển nền ngoại giao nghị viện Việt Nam, thúc đẩy quan hệ nhà nước, đóng góp tích cực vào thắng lợi của mặt trận đối ngoại chung của đất nước. Tính hiệu quả, chủ động và chuyên sâu được nâng cao; sự phối hợp giữa các cơ quan đối ngoại của Quốc hội, Đảng, Chính phủ và các tổ chức chính trị xã hội đã được thực hiện tốt, chặt chẽ. Sự phối hợp này vừa là nguyên tắc, vừa là một trong những yếu tố quyết định đối với thành tích đã đạt được trong lĩnh vực đối ngoại trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X…
Tồn tại chủ yếu trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội và công tác của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội là công tác nghiên cứu. Trong những năm qua, công tác nghiên cứu mới thực hiện được trong nhiệm vụ phục vụ động thái đối ngoại, công tác nghiên cứu cơ bản với những đề tài chuyên sâu và dài hơi còn yếu, cần được quan tâm thích đáng. Công tác thông tin đối ngoại phục vụ các đại biểu Quốc hội nắm bắt kịp thời những diễn biến của tình hình thế giới và các hoạt động của Quốc hội ta tại diễn đàn lớn của Nghị viện thế giới còn hạn chế."
Từ nhận xét ấy và trước tình hình mới, Uỷ ban Đối ngoại khoá X đề nghị trong nhiệm kỳ tiếp theo cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau đây:
"- Phát huy kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua, theo dõi sát các biến động của tình hình thế giới, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại của Quốc hội với tinh thần chủ động và các biện pháp thích hợp, góp phần thúc đẩy quan hệ Nhà nước nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Trong hoạt động đối ngoại song phương, ngoài việc tập trung làm tốt quan hệ với Quốc hội các nước láng giềng, các nước trong khu vực, cần thúc đẩy mạnh hơn quan hệ với Quốc hội các nước lớn có vị trí chính trị kinh tế quan trọng, chú ý địa bàn Mỹ, Nhật, EU, đồng thời coi trọng phát triển quan hệ với Quốc hội các nước bạn bè truyền thống, các nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ la-tinh.
- Tiếp tục tham gia tích cực các diễn đàn nghị viện đa phương, chú ý các tổ chức liên nghị viện thế giới (IPU, APF) và tổ chức liên nghị viện khu vực (AIPO, AAPP, APPF). Trước mắt, hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001 - 2002 và chuẩn bị tổ chức thành công phiên họp 23 của Đại hội đồng AIPO tại Hà Nội (tháng 9 năm 2002)…
- Tăng cường giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực tuyên truyền đối ngoại, công tác người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả các mặt công tác này phục vụ cho yêu cầu và nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
- Hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế phân công, phối hợp, tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ nhằm thực hiện sự quản lý nhà nước thống nhất các hoạt động đối ngoại ở trung ương và địa phương.
- Tăng cường công tác nghiên cứu phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội, khắc phục khâu yếu trong nghiên cứu cơ bản. Xây dựng chế độ cung cấp thường xuyên các thông tin đối ngoại quan trọng, các hoạt động lớn của Quốc hội trong quan hệ nghị viện song phương và đa phương tới các đại biểu Quốc hội.
- Kiện toàn bộ phận giúp việc của Uỷ ban Đối ngoại cả về tổ chức lẫn nhân sự và điều kiện làm việc để bộ phận này đủ sức phục vụ đắc lực cho công tác đối ngoại của Quốc hội và công tác của Uỷ ban Đối ngoại trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và thực hiện các quan hệ ngoại giao nghị viện".
D/ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHOÁ XI
(Từ tháng 7-2002 đến tháng 7-2007)
Ngày 19 tháng 5 năm 2002, cử tri cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI. Đây là nhiệm kỳ thứ tư kể từ khi Quốc hội đổi mới hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và là nhiệm kỳ đầu tiên của Quốc hội trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới. Cánh cửa hội nhập thế giới đã rộng mở, đón thêm nhiều thuận lợi và cả không ít khó khăn. Đất nước Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, người dân tin tưởng, mong muốn nhiều hơn cũng và đòi hỏi nhiều hơn ở Quốc hội.
Quốc hội khóa XI và Uỷ ban Đối ngoại khoá XI nói riêng bắt đầu nhiệm kỳ mới trong một bối cảnh như thế và cũng mong muốn sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho đất nước, cho nhân dân.
Tại phiên họp ngày 25-12-2001 kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa X đã thông qua "Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992". Với Nghị quyết này, đã có những sửa đổi, bổ sung về đường lối, chính sách có liên quan đến quyền lực của nhân dân và trách nhiệm của cơ quan, của đội ngũ cán bộ công chức; chính sách phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; chủ trương thống nhất quản lý công tác đối ngoại… Đồng thời, cũng tại phiên họp ngày 25-12-2001, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Tổ chức Quốc hội với nhiều sửa đổi, bổ sung cần thiết.
Những sửa đổi, bổ sung ấy đã trực tiếp điều chỉnh nội dung hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nói chung và Uỷ ban Đối ngoại nói riêng.
I- TỔ CHỨC - NHÂN SỰ CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI KHOÁ XI
Điều 25 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 quy định:
"Uỷ ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Uỷ viên. Số Phó Chủ nhiệm và số Uỷ viên Uỷ ban do Quốc hội quyết định.
Thành viên Uỷ ban của Quốc hội do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội. Số thành viên hoạt động chuyên trách do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định".
Căn cứ vào các quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001, Quốc hội khóa XI đã bầu Uỷ ban Đối ngoại tại kỳ họp thứ nhất (17-7 đến 12-8-2002). Ngày 25-7-2002, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã trình Quốc hội về số Phó Chủ tịch và Uỷ viên Hội đồng Dân tộc, số Phó Chủ nhiệm và Uỷ viên của mỗi Uỷ ban và Đoàn Thư ký kỳ họp. Sau khi trao đổi ở Đoàn đại biểu Quốc hội, ngày 26-7-2002, bằng cách bấm nút điện tử, Quốc hội đã thông qua dự kiến nói trên. Tiếp theo, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã trình dự kiến danh sách thành viên Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp để các đại biểu Quốc hội trao đổi ý kiến. Ngày 31-7-2002, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã đọc báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nhân sự và Thư ký lâm thời Vũ Mão đọc dự kiến danh sách đề cử để Quốc hội bầu các thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Đoàn thư ký kỳ họp. Quốc hội đã biểu quyết bằng cách bấm nút điện tử thông qua danh sách nói trên.
Theo kết quả bầu cử, Uỷ ban Đối ngoại khoá XI đã được Quốc hội bầu với 34 thành viên:
Chủ nhiệm Ông Vũ Mão
Các Phó chủ nhiệm Ông Ngô Anh Dũng
Bà Tôn Nữ Thị Ninh
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa
Ông Nguyễn Ngọc Trân
Các ủy viên Ông Sơn Cang
Ông Vũ Ngọc Cừ
Ông Lê Văn Dũng
Ông Nguyễn Ngọc Đào
Ông Nguyễn Lân Dũng
Ông Vũ Văn Hiền
Ông Vũ Văn Hiến
Ông Vũ Xuân Hồng
Ông Đinh Thế Huynh
Ông Trần Luân Kim
Ông Hoàng Thanh Khiết
Bà Nguyễn Thị Vân Lan
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai
Ông Nguyễn Ngọc Minh
Ông Lê Quang Minh
Ông Nguyễn Văn Mễ
Bà Huỳnh Thị Nga
Ông Bùi Đình Phái
Ông Nguyễn Văn Phát
Ông Đỗ Hồng Quân
Ông Nguyễn Văn Son
Ông Đinh La Thăng
Ông Võ Quốc Thắng
Ông Nguyễn Thế Thảo
Bà Phạm Thị Phương Thảo
Ông Phạm Văn Thọ
Ông Lê Quốc Trung
Ông Mai Trực
Ông Hồng Vinh
Để thực hiện đầy đủ và toàn diện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, Uỷ ban Đối ngoại nhiệm kỳ khoá XI đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng với số thành viên Uỷ ban 34 người, tăng 44% so với Quốc hội khoá X và 62% so với Quốc hội khoá IX. Các thành viên của Uỷ ban đại diện cho nhiều ngành, lĩnh vực cả trung ương và địa phương có điều kiện và kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau, một số thành viên có trình độ ngoại ngữ, chuyên môn phù hợp với công tác đối ngoại.
Tỉ lệ đại biểu chuyên trách của Uỷ ban cũng được tăng cường với 1 Chủ nhiệm và 3 Phó Chủ nhiệm chuyên trách ở trung ương phụ trách các mặt công tác của Uỷ ban (ông Ngô Anh Dũng, ông Nguyễn Ngọc Trân và bà Tôn Nữ Thị Ninh). Trong số Uỷ viên của Uỷ ban có 4 người là đại biểu chuyên trách ở địa phương. 25 Uỷ viên còn lại là đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm. Tuy nhiên, do nhiều thành viên của Uỷ ban giữ các chức vụ chủ chốt ở Trung ương và địa phương, nên thời gian đầu tư và tham gia vào các hoạt động của Uỷ ban không nhiều, việc nghiên cứu, tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh cũng như các hoạt động giám sát còn hạn chế.
Để hoạt động của Uỷ ban có hiệu quả và đi sâu vào các lĩnh vực, Uỷ ban đã thành lập 3 tiểu ban: Tiểu ban Chính trị đối ngoại 11 thành viên; Tiểu ban Kinh tế đối ngoại 12 thành viên; Tiểu ban Thông tin tuyên truyền đối ngoại 10 thành viên. Mỗi tiểu ban do một đồng chí Phó Chủ nhiệm chuyên trách làm Trưởng tiểu ban. Mặc dù mới được hình thành và đi vào hoạt động từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhưng tổ chức tiểu ban đã phát huy tác dụng và đem lại hiệu quả cho các hoạt động của Uỷ ban, đặc biệt trong lĩnh vực lập pháp, giám sát và xử lý những vấn đề về dân chủ, nhân quyền.
Theo nguyên tắc hoạt động chung của Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số và trách nhiệm chính thuộc về Chủ nhiệm Uỷ ban, có sự phân công phân nhiệm cho từng thành viên. Theo đó, Uỷ ban đã thực hiện việc phân công đối với các Phó Chủ nhiệm cùng một số Uỷ viên Uỷ ban phụ trách từng lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Uỷ ban. Việc phân công như vậy đã tạo điều kiện cho các thanh viên Uỷ ban chủ động, hoạt động chuyên sâu hơn trong từng lĩnh vực cụ thể, từ đó tham mưu cho Uỷ ban xem xét, thẩm tra các báo cáo, dự án luật, pháp lệnh và thực hiện các hoạt động đối ngoại đạt hiệu quả cao.
Uỷ ban duy trì chế độ họp toàn thể định kỳ ít nhất 3 tháng một lần. Thường trực Uỷ ban có trách nhiệm trong việc chuẩn bị nội dung, kế hoạch hoạt động để đưa ra Uỷ ban thảo luận, quyết định; đồng thời tổ chức thực hiện các hoạt động của Uỷ ban theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Thường trực Uỷ ban thực hiện giao ban hàng tuần và hàng tháng, xây dựng chương trình kế hoạch công tác của Uỷ ban theo từng tháng, từng quý và cả năm. Căn cứ vào kế hoạch, chương trình hoạt động của Uỷ ban, các Tiểu ban chủ động xây dựng chương trình hoạt động của Tiểu ban mình, nghiên cứu và xem xét những vấn đề thuộc nội dung của Tiểu ban để đưa ra Thường trực và Uỷ ban xem xét, thảo luận và quyết định. Thường trực Uỷ ban thường xuyên giữ mối liên hệ, cung cấp kịp thời, đầy đủ các thông tin cũng như tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác của các thành viên Uỷ ban.
Trong quá trình hoạt động, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách đối ngoại, Uỷ ban thường xuyên bám sát các nhiệm vụ do Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao theo chức năng của Uỷ ban, thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đã được Uỷ ban thông qua; thường xuyên báo cáo công tác của mình với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giữ mối quan hệ và phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban khác, Văn phòng Quốc hội, các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cũng như các cơ quan hữu quan có liên quan của Đảng và Chính phủ như Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam...
II- HOẠT ĐỘNG CỦA UỶ BAN ĐỐI NGOẠI KHOÁ XI
Luật Tổ chức Quốc hội năm 2001 đã có quy định mới về nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban Đối ngoại tại Điều 33 gồm có 5 điểm (Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội 1992 có 4 điểm):
"1- Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh thuộc lĩnh vực hoạt động đối ngoại của Nhà nước và các dự án khác do Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao; thẩm tra điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ về công tác đối ngoại trình Quốc hội;
2- Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực đối ngoại; giám sát hoạt động của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của các ngành và địa phương; giám sát việc thực hiện chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
3- Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội thuộc lĩnh vực Uỷ ban phụ trách;
4- Thực hiện quan hệ đối ngoại với Quốc hội các nước, các tổ chức liên nghị viện thế giới và khu vực theo sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội điều hoà, phối hợp các hoạt động đối ngoại của Quốc hội;
5- Kiến nghị các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đối ngoại của Nhà nước, về quan hệ với Quốc hội các nước, với các tổ chức quốc tế khác, về chính sách đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài."
Căn cứ vào Điều 33 nói trên và các quy định pháp lý khác có liên quan, trong nhiệm kỳ khoá XI, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành hoạt động trên các lĩnh vực sau đây:
1. Về công tác xây dựng pháp luật
Đây là lĩnh vực được chú trọng và có những chuyển biến tích cực. Số lượng các văn bản luật, pháp lệnh, qui chế hoặc một số vấn đề quan trọng khác mà Uỷ ban chủ trì thâm tra tăng nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể là: đã chủ trì thẩm tra được 1 luật, 1 pháp lệnh, 3 hiệp định, hiệp ước đó là: Luật ký kết, gia nhập và thực hiện thoả thuận quốc tế; Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp ước giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985; Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngoài ra, Uỷ ban Đối ngoại đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng và ban hành 3 văn bản: Quy chế hoạt động đối ngoại của các cơ quan của Quốc hội; Kế hoạch của Uỷ ban thường vụ Quốc hội triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với ngưòi Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc tham gia Chương trình thẻ đi lại doanh nhân APEC. Ngoài những nội dung trên, trong công tác xây dựng luật, Uỷ ban đã quan tâm tham gia về các nội dung liên quan đến công tác đối ngoại, quan hệ giữa luật trong nước với các luật lệ của quốc tế có liên quan.
Hàng năm, Uỷ ban đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của mình trên cơ sở Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Kế hoạch này là cơ sở quan trọng để Uỷ ban bám sát, hoàn thành công tác xây dựng pháp luật. Đối với các dự án luật, pháp lệnh mà Uỷ ban không trực tiếp chủ trì thẩm tra, Uỷ ban thực hiện việc phân công, phân nhiệm từng người trong Thường trực làm đầu mối theo dõi, nghiên cứu đối với từng dự án luật, pháp lệnh; chủ động phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra, đóng góp ý kiến trong quá trình thẩm tra xây dựng các dự án luật, pháp lệnh.
Ngoài trách nhiệm tham gia công tác thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh trong khuôn khổ của Uỷ ban Đối ngoại, các thành viên Uỷ ban dã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh tại các cuộc thảo luận tại đoàn đại biểu Quốc hội, tại tổ và phiên họp toàn thể tại hội trường. Từng thành viên trong Thường trực cũng chủ động dành thời gian tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhất là hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tham gia ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh. Uỷ ban cũng dành thời gian tổ chức một số hội nghị toàn thể để đóng góp ý kiến cho các dự án luật như: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật biên giới quốc gia, Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật hàng không dân dụng... Ý kiến đóng góp của Uỷ ban được thể hiện thành văn bản gửi tới Uỷ ban thường vụ Quốc hội và cơ quan chủ trì thẩm tra
Trong chủ trì thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, Uỷ ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, đôn đốc các cơ quan soạn thảo trong việc chuẩn bị dự thảo luật; tổ chức các hội nghị toàn thể của Uỷ ban tiến hành thảo luận, góp ý kiến các dự án luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua. Công tác tiến hành thẩm tra đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và thời hạn theo quy định.
Trong nhiệm kỳ qua, Uỷ ban cũng đã hoàn thành tốt công tác thẩm tra đối với một số vấn đề quan trọng do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, liên quan đến biên giới lãnh thổ để Quốc hội xem xét phê chuẩn như: Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ và Hiệp ước giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985.
Tại kỳ họp thứ 10, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì công tác thẩm tra đối với Tờ trình của Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chuẩn bị cho Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thường trực Uỷ ban đã thường xuyên theo dõi chặt chẽ, bám sát tiến trình đàm phán; yêu cầu các cơ quan liên quan báo cáo Uỷ ban kịp thời về nội dung, tiến độ và kết quả của quá trình đàm phán gia nhập WTO. Uỷ ban cũng đã tổ chức 3 hội thảo chuyên đề về WTO với sự tham gia của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia trong và ngoài nước. Các cuộc họp toàn thể và hội thảo chuyên đề có ý nghĩa thiết thực, giúp cho các đại biểu Quốc hội và các thành viên Uỷ ban Đối ngoại tiếp cận một cách tổng thể các nội dung chuẩn bị cho việc xem xét Tờ trình của Chính phủ có liên quan. Đồng thời, Thường trực Ủy ban đã chỉ đạo sâu sát các công tác chuẩn bị như: thành lập Ban, Tổ biên tập báo cáo thẩm tra; phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị đề cương và các tài liệu cần thiết góp phần nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, đáp ứng yêu cầu đặt ra về thời điểm phê chuẩn của Quốc hội. Ngoài ra, Uỷ ban đã tham mưu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội kiên nghị với Chính phủ và Chủ tịch nước một số vấn đề liên quan đến việc phê chuẩn, phê duyệt các hợp tác quốc tế như trong lĩnh vực nuôi con nuôi; tham gia chương trinìh thẻ đi lại doanh nhân APEC đảm bảo đáp ứng yêu cầu hội nhập và đúng với quy định của pháp luật.
Đạt được những kết quả tích cực trên là do sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả của Thường trực Uỷ ban đối với công tác xây dựng pháp luật, quyết tâm đẩy mạnh công tác này nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quyền hạn của Uỷ ban được quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội. Từng thành viên Uỷ ban đã nêu cao vai trò trách nhiệm trong công tác, tích cực tham gia đóng góp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
2. Về công tác giám sát
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại đã hoàn thành 3 chuyên đề giám sát được Quốc hội giao: "Tình hình thực hiện chính sách đối với người Việt Nam", chuyên đề "Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Ngoại giao" (2005) và chuyên đề "Việc thực hiện các hiệp định về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng" (2006). Đồng thời, Uỷ ban đã chủ động tiến hành hoạt động giám sát theo chương trình của mình.
Trong các năm 2004, 2005 và 2006, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát "Việc thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao, kinh phí phục vụ cho hoạt động tuyên truyền đối ngoại đối với một số cơ quan hữu quan". Trên cơ sở đó, Uỷ ban đã đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ để làm tốt công tác phân bổ, quản lý và sử dụng kinh phí hàng năm, phục vụ hoạt động đối ngoại nhà nước tốt hơn.
Để góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, trong năm 2004 và 2005, Uỷ ban Đối ngoại đã tiến hành giám sát "Việc thực hiện các điều ước song phương Việt Nam - Lào giai đoạn 1990-2003" trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo. Trong quá trình giám sát, Uỷ ban Đối ngoại đã khảo sát một số dự án hợp tác giữa Việt Nam và Lào như: dự án thủy điện Xakamản 3, dự án mua điện của Lào từ nhà máy thủy điện Nậm Mô, dự án đường 18B... Những đánh giá về hiệu quả hợp tác và các kiến nghị của Uỷ ban đã góp phần giúp các cơ quan của Chính phủ hai nước trong việc thực hiện các cam kết; khắc phục những tồn tại, vướng mắc về chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sự hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào. Đây là lần đầu tiên Uỷ ban Đối ngoại tiến hành giám sát về lĩnh vực kinh tế đối ngoại có sự phối hợp với Bạn và khảo sát các dự án hợp tác nằm ngoài lãnh thổ quốc gia.
Từ cuối nhiệm kỳ khoá trước, Uỷ ban Đối ngoại đã tổ chức Đoàn công tác liên Uỷ ban tiến hành giám sát "việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA trong 10 năm 1993-2002". Báo cáo bước đầu của Đoàn giám sát đã trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cuối tháng 8/2003 để kịp thời góp ý vào việc chuẩn bị các dự thảo Luật xây dựng và Luật đất đai. Đoàn công tác đã có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát về việc thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong 10 năm và kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ các biện pháp tháo gỡ nhằm thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn nguồn vốn này.
Năm 2006, Uỷ ban Đối ngoại đã ti9ến hành giám sát chuyên đề "Tình hình thực hiện các hiệp định, hiệp ước về biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Cam-pu-chia" theo Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về chương trình giám sát. Uỷ ban Đối ngoại đã tổ chức 07 đoàn công tác của Uỷ ban Đối ngoại đi giám sát tại các tỉnh có chung đường biên giới với Lào và Cam-pu-chia. Các Đoàn giám sát đã có cuộc trao đổi ý kiến và đề xuất những giải pháp với lãnh đạo địa phương nhằm giải quyết các vấn đề nổi cộm của môit tỉnh trong việc thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới và Hiệp định về quy chế biên giới. Uỷ ban Đối ngoại đã hoàn thành chương trình giám sát này và đã có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát gửi Uỷ ban thường vụ Quốc hội (số 2344/UBĐN ngày 16/10/2006) và đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành lilên quan những giải pháp nhằm tiếp tục củng cố xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực tuyến biên giới phía Tây để duy trì và phát triển mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp đối với hai nước Lào và Campuchia.
Đối với việc giám sát các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mặc dù có những khó khăn về kinh phí và thời gian nhưng trong các năm 2002, 2005 và 2006, Uỷ ban Đối ngoại đã chủ động, kết hợp thực hiện nội dung giám sát này nhân các chuyến công tác của Uỷ ban, cụ thể là đã giám sát tình hình hoạt động cơ quan đại diện Việt Nam tại Thụy Sĩ (2002); Ma-lai-xia, Hàn Quốc, Vương quốc Bỉ và Cộng hoà Liên bang Đức (2005); Vương quốc Hà Lan, Cộng hoà Séc và Cộng hoà Liên bang Đức; Ba Lan và Bun-ga-ri, Marốc, Tây Ban Nha, Ru-ma-ni, Anh, Nga, Pháp và Italia (2006).
Uỷ ban cũng đã cử đoàn giám sát về tình hình dân tộc, tôn giáo tại hai tỉnh Đắc Lắc và Gia Lai (tháng 8/2003) và cử người tham gia các đoàn giám at của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về từng chuyên đề như: Đoàn giám sát "Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo ngành và vùng lãnh thổ trong cả nước, kết quả khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản" (2005); Đoàn giám sát "Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ" (2005), Đoàn giám sát "Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai" và Đoàn giám sát "Việc thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp" (2006)...
Trong nhiệm kỳ khoá XI, số lượng đoàn giám sát và nội dung giám sát của Uỷ ban Đối ngoại tại địa phương và với các Bộ, ngành ngày một gia tăng. Việc tổ chức các đoàn giám sát của Uỷ ban được chuẩn bị chu đáo về nội dung, phối hợp chặt chẽ với địa phương và các Bộ, ngành liên quan, tuân thủ đúng quy trình giám sát, từ đó tạo được sự chủ động cho địa phương cũng như các cơ quan khi đoàn đến giám sát.
Công tác giám sát được tiến hành đảm bảo hoàn thành các nội dung và chương trình hàng năm đề ra, nhất là đối với những chuyên đề giám sát do Quốc hội giao. Chất lượng và hiệu quả giám sát mỗi năm được nâng lên khá rõ nét. Kết quả giám sát được gửi tới các cơ quan hữu quan; các kiến nghị cụ thể qua mỗi đợt giám sát bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Việc tập hợp, tổng hợp báo cáo dự kiến chương trình và kết quả giám sát định kỳ được Uỷ ban thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, góp phần cho công tác theo dõi và điều hoà hoạt động giám sát cảu Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với các cơ quan của Quốc hội được tốt hơn.
3. Về các hoạt động đối ngoại của Quốc hội
a. Hoạt động đối ngoại song phương
Với phương châm chủ động hội nhập quốc tế và khu vực theo kênh nghị viện nhằm tăng cường hiệu quả và chất lượng của các hoạt động ngoại giao nghị viện, Uỷ ban Đối ngoại phối hợp với các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động song phương đa dạng tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các nước thuộc các địa bàn và khu vực khác nhau trên thế giới.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong nhiệm kỳ kho XI, Uỷ ban Đối ngoại đã tổ chức và đóng góp về nội dung cho 350 Đoàn của Quốc hội ta đi thăm song phương và làm việc tại 61 nước, đón tiếp và tổ chức làm việc cho 150 Đoàn đại biểu Nghị viện từ 40 nước thuộc các khu vực khác nhau trên thế giới đến thăm và làm việc với Quốc hội nước ta.
Đặc biệt đối với địa bàn Lào, Thường trực Uỷ ban đã phối hợp với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội chỉ đạo Vụ Đối ngoại tổ chức 3 lần Hội thảo trao đổi công tác giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Văn phòng Quốc hội Lào (2 lần ở Việt Nam và 1 lần ở Lào) nhằm giúp cho cán bộ, chuyên viên hai Văn phòng có điều kiện, gặp gỡ, trao đối kinh nghiệm công tác. Uỷ ban Đối ngoại cũng phối hợp tổ chức 2 lần tọa đàm giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam và i bióu Quốc hội Lào với những nội dung hai bn cùng quan tâm nh ư công tác lập pháp, giám sát, tiếp xúc cử tri... Đáng kể là vào năm 2006, Thường trực Uỷ ban Đối ngoại đã phối hợp với Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh tổ chức toạ đàm về một số kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giữa Uỷ ban Đối ngoại và Uỷ ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào.
Nét nổi bật của các hoạt động song phương nói trên là đã góp phần:
- Củng cố và phát triển quan hệ với các nước láng giềng, các nước ASEAN và Đông Bắc Á, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
- Đẩy mạnh quan hệ với Mỹ theo tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, đưa mối quan hệ này đi vào thực chất và ổn định;
- Đưa quan hệ với Nghị viện châu Âu, Nghị viện các nước thuộc Liên minh châu Âu lên tầm cao mới, phát triển vả về chiều rộng lẫn chiều sâu, thể hiện rõ chính sách đối ngoại của ta trong quan hệ với các trung tâm quyền lực chính trị, kinh tế lớn trên thế giới;
- Khai thông và phát triển quan hệ với Nghị viện các nước thuộc khu vực châu Phi và Trung, Nam Mỹ theo chủ trương chung của Nhà nước ta.
- Làm ấm lại quan hệ truyền thống với các nước Trung Đông Âu.
Ủy ban cũng đã đề xuất và triển khai việc thành lập Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam với 34 nước, trong đó có Nhóm nghị sĩ Việt Nam quan hệ với Mỹ. Việc tích cực vận động để hình thành Nhóm nghị sĩ tương ứng tại Hạ viện Mỹ là một trong những nỗ lực của Ủy ban nhằm tạo dựng khuôn khổ thúc đẩy quan hệ hai bên theo chiều rộng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ủy ban, hoạt độngcủa các Nhóm nghị sĩ hữu nghị dần đi vào nề nếp, đạt được một số kết quả nhất định, gắn với các kỳ họp Quốc hội với sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao các nước, qua đó giúp cho cộng đồng ngoại giao và các tổ chức quốc tế hiểu biết rõ hơn về vai trò của Quốc hội trong đổi mới và hội nhập chung của Việt Nam.
Trong công tác triển khai các hoạt động đối ngoại, Uỷ ban Đối ngoại đã chú ý phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, các Ban của Đảng và các cơ quan có liên quan của Chính phủ, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, với các địa phương, tạo điều kiện phát huy sự tham gia trực tiếp của Đại biểu Quốc hội vào các hoạt động đối ngoại chung, quan tâm và cố gắng mở rộng diện tham gia của các Đại biểu Quốc hội vào công tác đối ngoại của Quốc hội.
b) Hoạt động đối ngoại đa phương
Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, với phương châm tích cực và chủ động của Quốc hội trong các hoạt động đối ngoại, Ủy ban đã tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF), Diễn đàn đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP), Hiệp hội các Nghị viện châu Á vì hòa bình (AAPP) và nhiều tổ chức liên nghị viện khác mà Quốc hội Việt Nam là thành viên. Hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội ta, có sự phối hợp với các cơ chế hợp tác đa phương của Chính phủ, đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, bảo vệ lợi ích của ta, đồng thời góp phần giới thiệu thành tựu đổi mới và hội nhập, nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Với tinh thần chủ động, Ủy ban đã trực tiếp tham gia về việc tổ chức và chuẩn bị nội dung cho 93 Đoàn của Quốc hội ta tham dự các hội nghị và diễn đàn của nghị viện khu vực và thế giới. Trong quá trình tham gia các hoạt động này, Ủy ban đã tích cực, chủ động đề xuất các sáng kiến, đưa ra những khuyến nghị mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả của các tổ chức liên minh nghị viện khu vực và quốc tế. Ta đã chủ trì tổ chức thành công các hội nghị quan trọng tại Việt Nam trong thời gian qua, thể hiện vị thế, trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, trong đó đáng chú ý là Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 tại Hà Nội tháng 9/2002 tạo nên một Dấu ấn Việt Nam cả về nội dung và cách tổ chức; Hội nghị đối tác Nghị viện Á - Âu (ASEP - 3) lần thứ 3 tại Huế tháng 3/2004 góp phần định hình khuôn khổ đối tác liên nghị viện Á - Âu, tạo nên sự gắn kết giữa ASEP và ASEM; Hội nghị Ban chấp hành Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF) tại Huế tháng 1/2005; Hội nghị lần thứ 13 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-13) tháng 2/2005 tại Quảng Ninh; Hội nghị Liên minh Nghị viện thế giới về quyền trẻ em tại Hà Nội tháng 2/2006; Hội nghị chuyên đề AIPO về hợp tác pháp lý trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2006… Ngoài ra, trong khuôn khổ IPU, ta đã chủ trì tổ chức và điều hành Hội nghị tư vấn 25 quốc gia thành viên thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương với chủ đề tăng cường hợp tác khu vực và đổi mới mạnh mẽ các cơ chế hợp tác liên nghị viện, đặc biệt là IPU.
Việc tổ chức thành công các Hội nghị nói trên đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngoại giao nghị viện Việt Nam, góp phần thiết thực vào tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực của nước ta. Đặc biệt, trong thời gian qua, với tinh thần đoàn kết và quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia, Ủy ban đã phối hợp với nước chủ nhà Cam-pu-chia góp phần giúp Bạn chủ trì thành công Đại hội đồng AIPO - 25 tháng 9/2004; cử các đoàn của Uỷ ban Đối ngoại sang giúp Lào tổ chức thành công Đại hội đồng AIPO - 26 tháng 9/2005. Việc làm này đã củng cố thêm vị thế, vai trò và nâng cao uy tín của Việt Nam trong khuôn khổ ngoại giao liên nghị viện khu vực.
Có thể nói, các hoạt động nói trên của Uỷ ban Đối ngoại đã góp phần khẳng định những bước tiến quan trọng của ngoại giao nghị viện đa phương và quá trình chủ động hội nhập quốc tế và khu vực của Quốc hội ta, làm cho tiêu chí Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trở thành hiện thực sinh động.
c. Đẩy mạnh đấu tranh về một số vấn đề nhạy cảm
Qua con đường ngoại giao nghị viện, Uỷ ban Đối ngoại đã trực tiếp tham gia đấu tranh dư luận, đối thoại trên những vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và những xung đột về quan hệ thương mại. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo về công tác nhân quyền Trung ương, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan liên quan góp phần đấu tranh chống lại các hoạt động, luận điệu của Mỹ và các thế lực thù địch công kích, vu cáo, can thiệp vào công việc nội bộ của ta, chống lại việc một số bang của Mỹ cho phép treo cờ ba sọc, tích cực đấu tranh với việc Mỹ áp đặt các smức thuế vô lý đối với cá ba sa của Việt Nam và vận động Quốc hội Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam và Bộ ngoại giao Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo (CPC)...
Ủy ban cũng đã chủ trì đối thoại một cách thẳng thắn, cởi mở với các đoàn Nghị sĩ của Nghị viện châu Âu bên lề Đại hội đồng AIPO - 23, Hội nghị ASEP - 3 cũng như nhân dịp các chuyến thăm song phương hai bên về các vấn đề dân chủ, tôn giáo, nhân quyền, được phía Nghị viện châu Âu (EP) đánh giá cao qua bức thư của Chủ tịch EP gửi Chủ tịch Quốc hội ta.
Thường trực Ủy ban cũng đã cử đại diện của Ủy ban tham gia Ban chỉ đạo về công tác nhân quyền. Việc tham gia này vừa đảm bảo tiếng nói của kênh lập pháp trong những cơ chế chung, vừa giúp cho các cơ quan của Quốc hội nắm bắt thông tin kịp thời và phối hợp với kênh hành pháp trong việc triển khai các nhiệm vụ chung.
d) Xúc tiến công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại
Ủy ban đã trực tiếp cử thành viên tham gia Ban chỉ đạo công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, góp phần vào việc thông tin, quảng bá hình ảnh của Việt Nam. Qua gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các đối tác và các phương tiện truyền thông, giới thiệu đường lối và thành tựu đổi mới của Việt Nam với bạn bè quốc tế, trong đó có vai trò ngày càng được củng cố và tăng cường của Quốc hội, thể hiện tiến trình dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta. Điều này được dư luận nước ngoài thừa nhận và trong nhãn quan của các nước nhất là các nước phương Tây, Quốc hội ta đang ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Ngoài ra, Ủy ban cũng đã chủ trì tổ chức một số cuộc hội thảo, tọa đàm theo chuyên đề nhằm cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội về các vấn đề mang tính thời sự, thiết thực phục vụ công tác của các đ ại biểu Quốc hội và giới thiệu kinh nghiệm của các nước trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
e. Công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế
Trong quá trình hoạt động, Ủy ban đã quan tâm làm tốt công tác này trên cả bình diện song phương và đa phương, tích cực vận động các đối tác kết thúc đàm phán song phương và đẩy mạnh hoàn tất các vòng đàm phán đa phương để Việt Nam gia nhập WTO; tranh thủ các nguồn vốn ODA và FDI, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường và đối tác, tham gia tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Từ thực tiễn hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, tại phiên họp toàn thể cuối cùng của Uỷ ban Đối ngoại vào tháng 3 năm 2007, các thành viên Ủy ban đã nhất trí về những bài học kinh nghiệm sau đây:
1- Nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách, các nghị quyết của Đảng và của Quốc hội để vận dụng vào công tác đối ngoại là yếu tố quyết định, thể hiện trên các mặt:
a. Quan hệ với các nước láng giềng:
Quan hệ Quốc hội Việt Nam và Lào đã có bước phát triển mới cả về nội dung và hình thức hoạt động, góp phần vào xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.
Trong quan hệ với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội Campuchia ta đã chủ động trong việc trao đổi đoàn, qua đó tăng cường hiểu biết và sự tin cậy lẫn nhau.
Với Quốc hội Trung Quốc, ta đã chủ động và tạo điều kiện để tăng cường trao đổi đoàn giữa Quốc hội hai nước nhằm thúc đẩy việc trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết lẫn nhau.
b. Quan hệ với các nước khác:
Uỷ ban Đối ngoại đã tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, EU, Mỹ la tinh, Bắc Phi...
c. Hoạt động trên các diễn đàn đa phương:
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động đối ngoại đa phương nên ta đã cố gắng tham gia hầu hết các hội nghị quốc tế của cơ chế đa phương; điều quan trọng là góp phần giới thiệu hình ảnh Việt Nam và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Đồng thời đăng cai tổ chức thành công một số hội nghị quốc tế lớn như AIPO 23, ASEP 3, APPF 13, APF khu vực Châu Á - Thái Bình Dương... Chính ở những diễn đàn này, chúng ta đã đưa ra được những sáng kiến quan trọng, tạo dấu ấn Việt Nam, được các nước khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương.
+ Trong việc chuẩn bị cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Uỷ ban Đối ngoại đã:
- Góp phần tham mưu cho Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với các yêu cầu hội nhập.
- Tích cực vận động các tổ chức quốc tế và các đối tác quan trọng trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.
- Qua sự tham gia đóng góp của ngoại giao nghị viện đã góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp trong quá trình gia nhập WTO.
+ Đối với nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài:
Ủy ban đã nghiên cứu sâu sắc và xây dựng Kế hoạch của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện nghị quyết này để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ đã thông qua kế hoạch này
Qua việc chủ động tổ chức gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đã góp phần xây dựng nhận thức và tình cảm của cộng đồng đối với Quốc hội và đại biểu Quốc hội; tiếp nhận nguyện vọng của cộng đồng liên quan đến quốc tịch và việc mua nhà ở trong nước.
2- Bám sát chức năng, nhiệm vụ của Uỷ ban Đối ngoại theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đi sâu nghiên cứuchủ trương, chính sách và vận dụng sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, thể hiện trên các lĩnh vực:
a) Về công tác lập pháp:
Uỷ ban Đối ngoại đã chủ trì thẩm tra và giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế. Trong quá trình này đã nghiên cứu bổ sung được những nội dung rất quan trọng của điều ước quốc tế và về cơ chế phối hợp trong quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế. Trên cơ sở đó tạo ra được nhận thức mới về sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong lĩnh vực này. Trên thực tiễn, đã góp phần có hiệu quả vào đàm phán song phương và đa phương, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO)
b) Về công tác giám sát:
Uỷ ban Đối ngoại đã thường xuyên tiến hành các đợt giám sát, qua đó giúp cho các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ ngoại giao thấy được những những hạn chế của ngành để khắc phục. Đồng thời trong quá trình giám sát đã nêu lên những kiến nghị với Chính phủ và các Bộ hữu quan giúp cho Bộ ngoại giao những điều kiện cần thiết về chính sách, kinh phí, cơ sở vật chất. Nhiều kiến nghị đã được thực hiện.
Uỷ ban Đối ngoại rất quan tâm đến việc giám st việc thực hiện các Hiệp định biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Qua đó kiến nghị với Chính phủ và Bộ ngoại giao về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Hiệp định này.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Uỷ ban Đối ngoại đã quan tâm nhiều đến công tác giám sát kinh tế đối ngoại và đã có nhiều kiến nghị xác đáng với Chính phủ và các cơ quan hữu quan.
Uỷ ban Đối ngoại đã cử đại diện của Ủy ban tham gia các đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cổ phần hóa doanh nghiệp...
3- Chủ động và tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan
a) Với Thủ tướng chính phủ:
Uỷ ban Đối ngoại đã chủ động thông tin tới Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ về những nội dung liên quan đến hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta. Nhiều ý kiến của Thường trực Uỷ ban Đối ngoại đã được lãnh đạo Chính phủ tiếp thu, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến quá trình chuẩn bị các nội dung và thủ tục để trình ra Quốc hội và ra nghị quyết về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.
b) Với Bộ ngoại giao:
Uỷ ban Đối ngoại rất coi trọng mối quan hệ và sự phối hợp với Bộ ngoại giao, cụ thể là:
- Kiến nghị với Bộ ngoại giao về công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược đối ngoại.
- Kiến nghị với Bộ ngoại giao và các cơ quan hữu quan về việc quan tâm đến chính sách cán bộ cũng như các điều kiện đảm bảo cho hoạt động đối ngoại, nhất là đối với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
- Phối hợp với Bộ ngoại giao, Bộ công an và Ban tôn giáo Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề nhậy cảm về dân tộc, tôn giáo, nhân quyền cũng như việc đón các đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ, EU... đến thăm Việt Nam. Các hoạt động trên đã làm cho các đối tác hiểu rõ ta hơn và góp phần vào việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).
- Tham gia vận động hành lang trong quá trình đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO, cũng như việc Hoa Kỳ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR).
c) Với Bộ Thương mại:
Phối hợp thường xuyên trong quá trình đàm phán gia nhập WTO trong đó có việc sửa đổi và điều chỉnh hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với yêu cầu của WTO và vận động hành lang với các đối tác trong quá trình đàm phán gia nhập tổ chức này. Nhanh chóng và kịp thời hỗ trợ Bộ Thương mại trong việc phản đối những áp đặt vô lý về thương mại của các đối tác đối với ta như vụ kiện tôm, cá basa, hàng dệt ở Mỹ, giầy dép ở châu Âu vv.
d) Với Bộ Tư pháp:
Phối hợp chặt chẽ trong quá trình sửa đổi pháp luật phục vụ gia nhập WTO. Cũng như một số vấn đề pháp lý có yếu tố nước ngoài như vấn đề con nuôi, thẻ doanh nhân APEC...
e) Với Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội:
Phối hợp chặt chẽ và thường xuyên trong việc thực hiện các công tác đối ngoại của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
f) Với Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị:
Tạo điều kiện và hỗ trợ mạnh mẽ cho các hoạt động ngoại giao nhân dân mà Liên hiệp chủ trì. Phối hợp hoạt động giữa các hội hữu nghị song phương của Liên hiệp với các nhóm nghị sĩ hữu nghị của Việt Nam
4- Coi trọng công tác nghiên cứu, tổng kết, dự báo tình hình, kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước trong công tác đối ngoại.
Một trong những đổi mới trong hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại trong nhiệm kỳ này là chú trọng đến công tác tổng kết, nghiên cứu và đã làm được một số việc:
a) Biên tập Kỷ yếu hoạt động đối ngoại của Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại hàng năm.
b) Biên tập kỷ yếu Quan hệ Quốc hội Việt Nam Trung Quốc và tập kỷ yếu Uỷ ban Đối ngoại - những chặng đường lịch sử
c) Biên tập kỷ yếu các hội thảo mà Uỷ ban Đối ngoại tổ chức như hội thảo về Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; hội thảo đóng góp cho việc xây dựng Báo cáo thẩm tra việc gia nhập WTO của Việt Nam.
d) Tổng kết các chuyên đề giám sát như về việc sử dụng vốn ODA, việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước ...
5- Chú trọng công tác tổ chức, cán bộ
a) Uỷ ban Đối ngoại luôn luôn đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động, chú trọng phát huy sức mạnh của từng thành viên trong Ủy ban.
b) Vào đầu nhiệm kỳ, Uỷ ban Đối ngoại đã nghiên cứu và tổ chức ra ba tiểu ban để có điều kiện đi sâu vào thực hiện các nhiệm vụ. Các tiểu ban đã có một số hoạt động nhưng chưa duy trì được thường xuyên. Cần tiếp tục nghiên cứu tính thiết thực và hiệu quả của mô hình tổ chức này.
c) Đối với Vụ Đối ngoại, Thường trực Ủy ban đã quan tâm củng cố như tăng cường số lượng và từng bước nâng cao chất lượng của các chuyên viên. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được phối hợp chặt chẽ hơn nữa với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội để làm tốt công tác này.
Hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại đã góp phần quan trọng vào công tác đối ngoại của Quốc hội nói chung, như Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI nêu: “Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong nhiệm kỳ tiếp tục được đẩy mạnh, củng cố và mở rộng, góp phần phát huy được vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và đưa hoạt động ngoại giao nghị viện đi vào chiều sâu."
Nhìn lại cả chặng đường từ khi thành lập Uỷ ban Đối ngoại tháng 2-1974 đến nay đã hơn 33 năm. Ba mươi ba năm Uỷ ban Đối ngoại là lịch sử của chặng đường phát triển, trưởng thành trong quá trình phát triển, trưởng thành của Quốc hội. Uỷ ban Đối ngoại và những người hoạt động đối ngoại của Quốc hội nói riêng đã từng bước vượt qua những khó khăn để tạo nên bước đi ngày càng vững vàng. Sau 33 năm, lại thêm một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Uỷ ban Đối ngoại đang đứng trước những nhiệm vụ mới, những đòi hỏi mới và cũng là những vận hội mới. Sau bước trưởng thành 33 năm, với những gì đã từng đánh giá, rút kinh nghiệm, Uỷ ban Đối ngoại có cơ sở để tin rằng: những người hoạt động đối ngoại của Quốc hội có thể góp phần xứng đáng vào việc thực hiện nhiệm vụ công tác đối ngoại mà Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra: "Giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội."