Phần thứ hai
MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ
QUỐC HỘI KHOÁ XI
Uỷ ban Đối ngoại
-----------
Số: 494/UBĐN
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------------------------
Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2000
|
Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
BÁO CÁO KẾT QUẢ HỘI NGHỊ
CÁC VỊ ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN LẬP PHÁP CÁC NƯỚC
(New York, 30/8 - 01/9/2000)
Được sự đồng ý của Thường vụ Bộ Chính trị, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu, đã đi dự Hội nghị các vị đứng đầu Cơ quan lập pháp các nước trên thế giới, tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), Niu Oóc, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, từ ngày 30/8 - 01/9/2000 theo lời mời của Chủ tịch Hội đồng và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (LMNVTG).
I. BỐI CẢNH TÌNH HÌNH VÀ MỤC ĐÍCH CỦA HỘI NGHỊ
Trong thế kỷ XX với những bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ, nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin chiếm vị trí ngày càng lớn trong quá trình phát triển. Xu thế toàn cầu hoá với tất cả những mặt tích cực và tiêu cực đang và sẽ cuốn hút ngày càng nhiều các quốc gia trên thế giới trong bối cảnh vừa có hợp tác vừa có đấu tranh. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, thế giới sẽ tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường và đầy bất trắc. Xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, chạy đua vũ trang, những vấn đề xã hội bức xúc (ma tuý, AIDS, chênh lệnh giày nghèo...) sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi. Cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hoà bình và phát triển bền vững, chống chính sách cường quyền, áp đặt vì độc lập dân tộc, dân sinh, tiến bộ và công bằng xã hội sẽ có những bước phát triển mới.
Trước bối cảnh đó Liên minh Nghị viện thế giới đã tổ chức Hội nghị các vị đứng đầu Cơ quan lập pháp các nước với sự ủng hộ của Liên hợp quốc. Hội nghị được tiến hành vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử: ngay trước Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và trước thềm thế kỷ XXI.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những cơ hội và thách thức trong thiên niên kỷ mới; những tiến triển phức tạp của quan hệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hoá; vai trò và hoạt động của Liên hợp quốc trong thế kỷ XXI; sự hợp tác quốc tế liên nghị viện và sự hợp tác giữa LMNVTG và LHQ trong thiên niên kỷ mới. Hội nghị cũng thông qua Tuyên bố lịch sử "Tầm nhìn nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba".
Hội nghị cũng nhằm đề cao vị trí của LMNVTG trong đời sống chính trị và kinh tế thế giới và sẽ đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa LMNVTG và Liên hợp quốc, hỗ trợ cho Liên hợp quốc một động lực mới, với sự gắn bó hơn nữa giữa các nghị viện - cơ quan đại diện cho nhân dân các dân tộc trên thế giới với Liên hợp quốc.
Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta tham dự Hội nghị lần này nhằm bày tỏ lập trường, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về các vấn đề toàn cầu, tăng cường hợp tác quốc tế vì sự nghiệp hoà bình và phát triển, nỗ lực góp phần cùng với Quốc hội các nước xây dựng LMNVTG ngày càng lớn mạnh và nâng cao vị thế của LMNVTG trong đời sống chính trị quốc tế, bày tỏ sự ủng hộ của ta với chủ trương cải tổ và dân chủ hoá LHQ, tăng cường sự hợp tác giữa LMNVTG và LHQ.
Thông qua diễn đàn hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, ta tranh thủ giới thiệu chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, khẳng định Việt Nam kiên trì và tiếp tục công cuộc đổi mới thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giầu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ta.
II. HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN
- Dự các cuộc họp toàn thể tại Hội trường Đại hội đồng;
- Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đọc tham luận tại Hội nghị; dự chiêu đãi của Chủ tịch LMNVTG và Tổng thư ký LHQ;
- Dự các cuộc gặp chính thức song phương và đa phương: với bà Chủ tịch Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới đồng thời là Chủ tịch Hội nghị Tiến sĩ N.A Heptulla, Tổng thư ký LHQ Kofi Annan, Tổng thư ký LMNVTG Anders B. Johnsson, Uỷ viên trưởng (Chủ tịch) Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Quốc hội) nước CHND Trung Hoa Lý Bằng, Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào Sanmane Vignaket, Chủ tịch Viện Đu-ma Quốc gia LB Nga G. Seleznev, Chủ tịch Hội đồng CH Belarus P. Shipuk và Chủ tịch Viện đại biểu Belarus A. Malofeev; Tham dự cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc với Chủ tịch Quốc hội các nước ASEAN; cuộc gặp Chủ tịch Quốc hội các nước ASEAN với Chủ tịch Quốc hội ba nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Thái Lan đề xướng; Dự chiêu đãi của Chủ tịch Hội đồng LMNVTG N. A. Heptulla và chiêu đãi của Tổng thư ký LHQ Kofi Annan. Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cũng đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội các nước: Campuchia, Singapore, Tân Tây Lan, Phần Lan, Bangladesh, Mông Cổ, Ấn Độ...
- Dự kỷ niệm lần thứ 55 Quốc khánh 2/9 do Đại sứ quán ta tại Washington và Phái đoàn thường trú nước ta Niu Oóc tổ chức; đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và Phái đoàn ta; gặp và nói chuyện với đại diện cộng đồng người Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ; thăm Trụ sở Quốc hội Mỹ và một số cơ sở kinh tế, văn hoá tại Washington và Niu Oóc.
III. NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA HỘI NGHỊ
Tham dự Hội nghị có hơn 850 đại biểu của 136 nước và 12 Tổ chức liên nghị viện và 12 Tổ chức quốc tế của LHQ cùng nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Hội đồng dân tộc Palestin và các Tổ chức quốc tế tham dự với tư cách quan sát viên. 142 vị là Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện. 21 Đoàn có cả Chủ tịch Thương, Hạ viện, có 10 nữ Trưởng đoàn là Chủ tịch Quốc hội, 29 Phó Chủ tịch Quốc hội, trong đó có 10 Phó Chủ tịch Quốc hội là Trưởng đoàn và 5 Trưởng đoàn là đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội Cuba và Nam Tư không đến dự Hội nghị được do Chính phủ Hoa Kỳ không cấp thị thực nhập cảnh vào Mỹ. Hội nghị đã có tuyên bố phản đối việc làm này của Mỹ. Mặc dù là thành viên của LMNVTG và họp ngay tại đất Mỹ nhưng Quốc hội Hoa Kỳ cũng không cử Đoàn tham gia Hội nghị.
Theo quy định của Hội nghị thì chỉ những người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước và Chủ tịch một số Tổ chức Liên nghị viện mới có quyền phát biểu tại Hội nghị, mỗi vị được phát biểu 5 phút, đối với Quốc hội lưỡng viện có cả Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện cùng tham dự thì mỗi vị được phát biểu 4 phút, Chủ tịch các Tổ chức Liên nghị viện được phát biểu 3 phút. Trong 2 ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương đã có hơn 150 tham luận tại Hội nghị. Mặc dù không đến dự Hội nghị nhưng Chủ tịch Quốc hội Cuba và Chủ tịch Quốc hội Nam Tư vẫn gửi bài phát biểu của mình và được lưu hành như một văn kiện chính thức của Hội nghị.
1. Trong bài nói mở đầu phiên khai mạc, Bà N.A.Heptulla nhấn mạnh:
Truyền thống của nền dân chủ nghị viện nhằm tạo ra sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề thiết yếu của cộng đồng thế giới: Giải trừ quân bị; Bảo vệ môi trường; Xoá bỏ xung đột sắc tộc và khủng bố; Kiểm soát dân số; Xoá nạn mù chữ và xoá đói giảm nghèo; Cân bằng giới.
Bà cho rằng xã hội ngày nay dân chủ hơn vì quyền của nhân dân được thông qua Quốc hội. Nhân loại là trọng tâm của sự phát triển xã hội, kinh tế, chính trị và văn hoá, là đỉnh cao lô-gic của sự hồi sinh, quyền tự do, dân chủ và bình đẳng. Những xu thế cách mạng và tư duy mới đang đưa thế giới chúng ta xích lại gần nhau nhằm giải quyết các vấn đề thế giới chúng ta xích lại gần nhau nhằm giải quyết các vấn đề thế giới và toàn cầu. Những ý tưởng này thể hiện trên 4 vấn đề: thực hiện dân chủ; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; tăng cường phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.
Bà M.A.Heptulla cho rằng phải xây dựng lại hệ thống thương mại quốc tế. Phải xây dựng các cơ chế để đảm bảo lợi ích của toàn cầu hoá được phổ biến rộng rãi trong nhân dân thế giới, được công bằng và bình đẳng đồng đều giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Đề cao vai trò của phụ nữ và quyền bình đẳng nam nữ, cho rằng phụ nữ là những người chịu số phận tồi tệ nhất, không được bỏ qua quyền và ý kiến của 3 tỷ phụ nữ trên thế giới. Coi bình đẳng nam nữ là chìa khoá của sự phát triển.
Phê phán mạnh mẽ việc dành nhiều nguồn lực để nghiên cứu và sản xuất khí giết người hàng loạt, đồng thời lên án nạn khủng bố quốc tế, kêu gọi với trách nhiệm là đại biểu của dân, Quốc hội các nước cần phải quan tâm giải quyết vấn đề này.
Đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới, cho rằng Liên hợp quốc là tổ chức liên Chính phủ quan trọng nhất không thể thiếu được trong đời sống chính trị quốc tế. Hội đồng bảo an phải tăng cường hơn nữa để đối phó với những vấn đề có thể xảy ra ở cấp độ toàn cầu. Thành phần của Hội đồng bảo an phải thể hiện thực tế chính trị toàn cầu và được dân chủ hoá.
Cần tăng cường sự hợp tác giữa LMNVTG và LHQ trong việc giải quyết những thách thức mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải, đó là vấn đề hoà bình và an ninh quốc tế, dân chủ và tôn trọng nhân quyền, bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên, cho phép mỗi quốc gia có quyền tự lựa chọn con đường phát triển của mình. Liên minh nghị viện thế giới với Liên hợp quốc là hai tổ chức quốc tế quan trọng cần cải cách về cơ cấu và đổi mới về phương thức hoạt động của mình sao cho có hiệu quả hơn, hợp tác chặt chẽ hơn làm cho Liên minh nghị viện thế giới mạnh, thức thời và là một đối tác của Liên hợp quốc. Bước vào thế kỷ mới, ngoài tài chính và đầu tư, yếu tố thúc đẩy toàn cầu hoá còn là dân chủ, công nghệ và phương tiện thông tin đại chúng. Những yếu tố này tạo điều kiện đối thoại giữa các nền văn minh và tạo dựng một nền văn hoá hoà bình và tình đoàn kết nhân loại.
2. Trong phát biểu của mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đánh giá cao vị trí của cơ quan lập pháp các nước đại diện cho ý chí của nhân dân và các dân tộc trên thế giới.
Nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới là hai tổ chức đa quốc gia lớn nhất trong việc hợp tác giải quyết những vấn đề bức xúc của toàn cầu; thông báo về hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của Liên hợp quốc từ 6 - 8/9/2000.
3. Tham luận trước Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đánh giá cao sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ các vị đứng đầu Cơ quan lập pháp các nước trên thế giới, trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao thiên niên kỷ của LHQ và trước thềm thiên niên kỷ mới là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của nhân loại cũng nhưn trong lịch sử hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới. Trong nội dung phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh nhấn mạnh:
Tình hình thế giới trong thập kỷ qua có nhiều diễn biến phức tạp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, khủng hoảng kinh tế xã hội xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Để duy trì hoà bình, an ninh được bảo đảm, dân chủ và quyền con người được tôn trọng, tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế đã ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc; các nước không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu đều là thành viên bình đẳng của cộng đồng quốc tế. Việc của mỗi nước do nước đó giải quyết, việc chung của thế giới do các nước cùng bàn bạc với nhau xử lý.
Toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra nhanh chóng, là quá trình tất yếu khách quan góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất và kinh tế thế giới phát triển, nhưng cũng chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực tác động lên đời sống xã hội, tạo hố ngăn cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày một lớn. Vì vậy bước vào thiên niên kỷ mới, Liên minh Nghị viện thế giới cần hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề trong tiến trình toàn cầu hoá, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững, phấn đấu vì mục tiêu con người, trước hết là xoá đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia.
Đánh giá cao những thành tựu to lớn mà nhân loại đạt được trong thế kỷ XX, để lại trong lịch sử loài người những dấu ấn cực kỳ sâu sắc. Đó là thế kỷ kinh tế phát triển mạnh mẽ với những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, tạo ra của cải vật chất mà các thế kỷ trước đó chưa tạo ra được. Song cùng với những tổn thất về sinh mạng và của cải trong các cuộc chiến tranh tàn khốc, môi trường và tài nguyên thiên nhiên cũng đang bị bàn tay con người huỷ hoại. Bày tỏ tin tưởng hoạt động của các nghị viện sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, cho cuộc sống của chúng ta hôm nay và cho các thế hệ con cháu mai sau.
Coi trọng vị trí và vai trò của Liên hợp quốc, từ khi ra đời, Liên hợp quốc luôn tồn tại như một diễn đàn quốc tế quan trọng. Để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của thế giới ngày nay, Việt Nam ủng hộ chủ trương đổi mới tổ chức và dân chủ hoá hoạt động của Liên hợp quốc, vì mục đích nâng cao hiệu quả phục vụ lợi ích chung của tất cả các nước. LMNVTG là diễn đàn của nhân dân các dân tộc, nơi mà các nghi sĩ thay mặt cho nhân dân mình bày tỏ nguyện vọng trong các vấn đề chính trị, kinh tế và văn hoá, xã hội. Bày tỏ tin tưởng, bước vào thiên niên kỷ mới Liên hợp quốc và LMNVTG sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong hoạt động của mình.
Khẳng định Quốc hội và nhân dân Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới, ra sức phát huy tối đa nội lực và sử dụng có hiệu quả sự hợp tác quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; kiên định các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế, trước hết là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào cộng việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, cùng tồn tại hoà bình; phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới.
Đánh giá cao tinh thần đoàn kết và sự giúp đỡ có hiệu quả mà nhân dân các nước đã dành cho nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày nay. Đồng thời bày tỏ quyết tâm tiếp tục nâng cao hiệu quả hợp tác nghị viện, tích cực đóng góp xây dựng IPU lớn mạnh, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa IPU và Liên hợp quốc.
Phát triển của Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh là thông điệp của Quốc hội và nhân dân Việt Nam gửi Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới được hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.
4. Trong phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Burkina Faso M.M.Traore thay mặt Uỷ ban trù bị đọc báo cáo đánh giá kết quả tốt đẹp, sau hai ngày rưỡi làm việc tích cực, khẩn trương của Hội nghị và trình bày dự thảo Tuyên bố "Tầm nhìn Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba".
Bản tuyên bố mở ra một tầm nhìn mới về quá trình hợp tác quốc tế, kêu gọi Quốc hội các nước tăng cường hợp tác đa phương và tích cực tham gia đối thoại trên các diễn đàn quốc tế. Đánh giá cao vị trí của cơ quan lập pháp các nước, có chức năng lập hiến, lập pháp và là cơ quan đại diện cho nhân dân. Vì thế, Quốc hội các nước phải đóng góp tích cực hơn trong quan hệ hợp tác quốc tế thông qua tổ chức quốc tế của mình là liên minh Nghị viện
thế giới.
Nội dung Tuyên bố nêu rõ:
- Những thách thức mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt khi bước vào thiên niên kỷ mới; xác định những vấn đề theo Hiến chương Liên hợp quốc cần đạt được là hoà bình, an ninh và dân chủ quốc tế, tôn trọng nhân quyền, phát triển ổn định và tiến bộ xã hội; đề cao nguyên tắc không cá nhân nào cao hơn pháp luật và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc này mang ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ giữa các quốc gia có chủ quyền, trong đó có quyền tự quyết và quền tự do, dân chủ lựa chọn hệ thống chính trị của nhân dân các dân tộc: Đảm bảo quyền bình đẳng giữa nam và nữ; phát triển kinh tế - xã hội bền vững vì mục tiêu trọng tâm là con người, thực hiện xoá đói giảm nghèo, giảm tình trạng thất nghiệp; bảo vệ môi trường, nguồn nước, năng lượng và giao thông vận tải; đảm bảo cho thương mại được tự do, công bằng, tạo lợi nhuận bền vững và lâu dài trong quá trình toàn cầu hoá và kêu gọi cộng đồng quốc tế xoá nợ đối với các nước nghèo, kêu gọi các nước phát triển tăng viện trợ cho các nước đang phát triển.
- Khẳng định sự ủng hộ của Liên minh nghị viện thế giới đối với mục tiêu cao cả đã nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh cần phải tiếp tục và hoàn tất quá trình cải cách tổ chức Liên hợp quốc trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc dân chủ và tôn trọng bình đẳng về chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
- Nhấn mạnh tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ quốc gia và liên nghị viện. Cuộc cách mạng công nghệ đã tạo ra những thành tựu lớn lao trong lĩnh vực thông tin, tạo điều kiện cho việc theo dõi liên tục các sự kiện diễn ra trên thế giới, làm cho thế giới thu nhỏ và gần gũi hơn, được xem như "ngôi làng toàn cầu".
- Kêu gọi tất cả các nghị viện và các tổ chức nghị viện thế giới quan tâm tới lĩnh vực hợp tác nghị viện và nhấn mạnh trách nhiệm của các nghị viện và các nghị sĩ trong quan hệ quốc tế, từ đó đóng vai trò tích cực hơn ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, và tăng cường dân chủ nghị viện, bằng các hình thức: tác động tới chính sách quốc gia về những vấn đề cần đề cập tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đối thoại quốc tế khác; thông báo về tiến triển và kết quả các cuộc đối thoại cho các Nghị viện; phê chuẩn các Hiệp ước do Chính phủ ký trong khuôn khổ Hiến pháp cho phép và tích cực tham gia vào quá trình thực hiện các Hiệp ước đó.
- Khẳng định sự ủng hộ của cơ quan lập pháp các nước đối với Liên minh Nghị viện thế giới quyết tâm tham gia vào hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới quyết tâm tham gia vào hoạt động của Liên minh Nghị viện thế giới với nỗ lực mới, qua đó tạo điều kiện cho tổ chức Nghị viện thế giới hoàn thành trọn vẹn sứ mệnh được giao phó. Đồng thời kêu gọi Liên minh Nghị viện thế giới tiến hành cải cách cơ cấu nhằm tăng cường sức mạnh của mình và giữ mối liên hệ với Nghị viện các nước thành viên.
- Kêu gọi các thành viên Liên minh Nghị viện thế giới làm tất cả những gì có thể làm được để thực hiện có hiệu quả bản Tuyên bố này và yêu cầu Chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh Nghị viện thế giới lưu ý Đại hội Liên hợp quốc đưa bản Tuyên bố này ra thảo luận. Cuối cùng kêu gọi Liên hợp quốc và Liên minh Nghị viện thế giới tăng cường hợp tác trong các cơ chế và mang tính hiện thực.
IV. NHẬN XÉT CHUNG VÀ KIẾN NGHỊ
1. Nhận xét chung
a. Lần đầu tiên trong lịch sử của nhân loại cũng như trong 111 năm hoạt động của mình kể từ khi thành lập (năm 1889), LMNVTG tổ chức Hội nghị các vị đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trên thế giới với quy mô chưa từng có trước thềm thiên niên kỷ mới và trước Hội nghị cấp cao Thiên niên kỷ LHQ. Sự có mặt đông đủ của các vị lãnh đạo Quốc hội các nước thể hiện sự coi trọng ý nghĩa lịch sử quan trọng của Hội nghị này và đã góp phần tích cực làm cho Hội nghị thành công tốt đẹp.
Tuyên bố của Hội nghị là thông điệp gửi Quốc hội, nhân dân, Chính phủ các nước và LHQ, mở ra một tầm nhìn mới trong thế kỷ tới về quá trình hợp tác quốc tế vì hoà bình, dân chủ, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội.
b. Đoàn ta đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội nghị. Nội dung phát biểu của Chủ tịch Quốc hội ta đã đánh giá đúng mức sự phát triển của tình hình thế giới và đã đề cập những vấn đề bức xúc đang được quốc tế quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Burkina Faso, thành viên Uỷ ban trù bị và là báo cáo viên về dự thảo tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, đã đánh giá cao bài phát biểu của ta. Cơ quan đại diện thường trú của ta ở LHQ đánh giá cao bài phát biểu của ta. Cơ quan đại diện thường trú của ta ở LHQ đánh giá bài phát biểu của ta xúc tích, quan điểm rõ ràng, thể hiện đúng mức các vấn đề nêu lên.
c. Trong quá trình chuẩn bị và triển khai chương trình các hoạt động của Đoàn, đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan của Quốc hội với Bộ Ngoại giao. Bộ Công an. Đại sứ quán ta tại Mỹ và cơ quan đại diện ta tại LHQ. Nhờ vậy mọi hoạt động của Đoàn diễn ra suôn sẻ, bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho Đoàn.
d. Việc chuẩn bị nội dung bào phát biểu của Chủ tịch Quốc hội ta đã được các đ/c trong Thường vụ Bộ Chính trị, trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, đ/c Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách đối ngoại góp ý kiến và chỉ đạo sát sao.
2. Kiến nghị
Gửi các vị đại biểu Quốc hội tuyên bố của Hội nghị các vị đứng đầu cơ quan lập pháp các nước "Tầm nhìn nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm thiên niên kỷ thứ ba".
Nơi nhận:
- Như trên
- Văn phòng TW Đảng,
- Văn phòng Chủ tịch nước,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chính phủ,
- Ban ĐNTW,
- Uỷ viên UBĐN,
- Bộ Ngoại giao,
- Lưu HC, TH, ĐN
|
T/M UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
Chủ nhiệm
Đỗ Văn Tài
|