UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ hai

MỘT SỐ TƯ LIỆU CỦA ỦY BAN ĐỐI NGOẠI QUA CÁC THỜI KỲ

 

QUỐC HỘI KHOÁ XI

Uỷ ban Đối ngoại

---------

Số: 1846/UBĐN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2005

 

Kính gửi: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

 

BÁO CÁO KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TOÀN THẾ GIỚI LẦN THỨ HAI

NHỮNG NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CÁC CƠ QUAN LẬP PHÁP CÁC NƯỚC

(New York, từ ngày 7-9/9/2005)

 

Hội nghị cấp cao Nghị viện toàn thế giới lần thứ hai đã họp tại Trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ từ ngày 7-9/9/2005, với sự tham gia của 150 vị đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dẫn đầu đã tham dự Hội nghị.

Tham gia Đoàn gồm có:

Đồng chí Vũ Mão, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại

Đồng chí Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Đồng chí Ngô Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại

Đồng chí Trương Thị Mai, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Đồng chí Vũ Nguyên Nhiệm, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.

Đại sứ Lê Lương Minh, trưởng Phái đoán đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc và nhóm cán bộ giúp việc.

 

I. BỐI CẢNH VÀ MỤC ĐÍCH

Được thành lập từ hơn một thế kỷ qua với tư cách là một tổ chức đa phương có bề dầy lịch sử lớn nhất. Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã không ngừng được củng cố và phát triển. Cùng với việc vị thế của IPU ngày càng được đề cao trên thế giới, sự hợp tác giữa tổ chức này với Liên hợp quốc cũng ngày càng được đẩy mạnh và hiệu quả hơn trong việc cùng tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Năm năm về trước, vào tháng 9/2000, Hội nghị thế giới lần thứ nhất những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước đã được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc. Tại Hội nghị quan trọng này, các vị lãnh đạo Nghị viện quốc gia trên khắp thế giới đã thông qua Tuyên bố "Tầm nhìn của Nghị viện về hợp tác quốc tế trước thềm Thiên niên kỷ thứ ba", khẳng định cam kết của IPU cùng Liên hợp quốc góp phần xử lý những thách thức to lớn mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt trên các lĩnh vực hoà bình - an ninh, dân chủ, nhân quyền, phát triển bền vững và tiến bộ xã hội. Tuyên bố cũng nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong thế kỷ 21 và yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách.

Hội nghị cấp cao Nghị viện thế giới lần thứ hai đã được tiến hành ngay trước Hội nghị Thượng đỉnh và các Nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu Chính phủ các nước đồng thời cũng vào dịp Liên hợp quốc kỷ niệm 60 năm ngày thành lập của Tổ chức. Thời điểm tiến hành Hội nghị này cũng thể hiện tầm quan trọng và vai trò của các cơ quan lập pháp các nước, mối liên kết và sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai cơ chế liên nghị viện và liên chính phủ. Tại diễn đàn này, các nghị sỹ đại diện cho các dân tộc trên toàn thế giới đã bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề toàn cầu và đánh giá lại một cách toàn diện sự đóng góp của nghị viện các nước trên thế giới sau 5 năm thực hiện Tuyên bố của Hội nghị lần thứ nhất.

Việc Quốc hội Việt Nam tham dự cả hai Hội nghị nói trên (năm 2000 và 2005) là nhằm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước; đồng thời góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam nói chung và Quốc hội Việt Nam nói riêng trong khu vực và trên trường quốc tế. Thông qua hoạt động này ta có điều kiện tham gia trực tiếp đóng góp vào quá trình hình thành những quyết định quan trọng có tầm cỡ quốc tế. Tại Hội nghị lần này đoàn đại biểu Quốc hội ta đã tham gia tất cả các hoạt động tại các phiên toàn thể, hai Uỷ ban chuyên đề và Hội nghị Tổng thư ký Nghị viện các nước.

 

II. MỘT SỐ NỘI DUNG NỔI LÊN QUA DIỄN BIẾN CỦA HỘI NGHỊ

Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới IPU Sergio Paez đã chủ trì Hội nghị,

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Jean Ping và Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã tới dự và phát biểu. Đại diện của Quốc hội Mỹ cũng tới tham dự và phát biểu chào mừng.

Với chủ đề chung "Nghị viện và hợp tác đa phương: đáp ứng những thách thức của thế kỷ 21", Hội nghị đã nghe trên 150 bài tham luận của các vị lãnh đạo Nghị viện các nước, đại diện Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế.

Các đại biểu bày tỏ quan điểm về các vấn đề quan tâm của khu vực và thế giới, đánh giá các hoạt động của nghị viện kể từ Hội nghị lần thứ nhất năm 2000 tới nay, trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự ủng hộ của nghị viện đối với Liên hợp quốc và các hoạt động quốc tế, từ đó nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp nhằm thúc đẩy dân chủ trong quan hệ quốc tế. Các bài phát biểu đều nhấn mạnh yêu cầu cấp bách hiện nay của cộng đồng quốc tế là cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để đáp ứng những thách thức to lớn mà toàn thế giới đang phải đối mặt. Cùng với chính phủ, các nghị viện quốc gia cần thể hiện mạnh mẽ hơn vai trò của cơ quan lập pháp và giám sát, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cơ bản của thời đại, trong đó việc giảm và xoá nghèo đói, bảo đảm phát triển bền vững, hỗ trợ đắc lực chính phủ nước mình thực hiện tốt những cam kết đối với các mục tiêu phát triển Thiên niên (MDGs). Cũng chính vì các MDGs các nước phát triển cần thực hiện những cam kết xoá nợ và giảm nợ cho chính mình. Các đại biểu cũng cho rằng phát triển phải đảm bảo cân bằng và vững chắc trên tinh thần các bên đều đước hưởng lợi.

Phần lớn các Đoàn đều có nhận định chung là những năm gần đây, đặc biệt là kể từ Hội nghị cấp cao Nghị viện lần thứ nhất, hoạt động ngoại giao nghị viện đã phát triển năng động thật sự. Các lĩnh vực hợp tác được mở rộng và ngày càng thiết thực đối với cuộc sống trong bối cảnh toàn cầu hoá mạnh mẽ, từ lĩnh vực hoà bình, an ninh, chống khủng bố, giải trừ quân bị, xung đột khu vực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quản lý thiên tai, tăng cường bình đẳng giới, phòng ngừa đại dịch HIV/AIDS và những bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm khác... Sự hợp tác ngày càng có hiệu quả đó đã và đang hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực chung của Liên hợp quốc.

Tại Hội nghị lần này một trong những vấn đề quan trọng được các đại biểu quan tâm là vấn đề cải tổ Liên hợp quốc với mong muốn rằng Liên hợp quốc sẽ đảm đương vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thời đại và nhân loại. Các Đoán đều khẳng định Liên hợp quốc phải là công cụ hữu nghị hỗ trợ đắc lực các quốc gia trên thế giới cùng phấn đấu vì các mục tiêu của Liên hợp quốc, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đã ghi trong Hiến chương và luật pháp quốc tế như độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ. .. bất kể là nước lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo.

Vấn đề tăng cường hợp tác quốc tế kể cả Hành pháp và Lập pháp cũng được đặc biệt quan tâm và có ý nghĩa hết sức cần thiết trong bố cảnh toàn cầu hoá hiện nay. Các đại biểu khuyến nghị các cơ quan lập pháp tăng cường công tác giám sát trong quá trình đàm phán và thực hiện các cam kết đa phương. Với tinh thần đó, các nhà lập pháp toàn thế giới đã cam kết tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức đa phương và trong quá trình quyết định các vấn đề quốc tế thông qua hợp tác giữa các nghị viện ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Bằng những giải pháp cụ thể này, các đại biểu bày tỏ quyết tâm thúc đẩy để làm sao cho việc thảo luận và quyết định những vấn đề quốc tế phải được tiến hành thật sự dân chủ. Hợp tác liên nghị viện hiệu quả không những tạo cơ sở vững chắc cho quá trình trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực lập pháp ở từng quốc gia mà còn góp phần loại bỏ sự bất bình đẳng, thiếu dân chủ trong quan hệ quốc tế. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc để thực hiện các mục tiêu MDGs mà Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới năm 2000 đã đề ra.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã trình bày quan điểm của Việt Nam về các vấn đề toàn cầu và chuyển bức thông điệp của Quốc hội và nhân dân Việt Nam tới các nhà lập pháp và nhân dân toàn thế giới, bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với những tình cảm hữu nghị và sự giúp đỡ quí báu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho đất nước và nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước. Quốc hội Việt Nam cam kết tiếp tục tham gia tích cực và có hiệu quả vào tiến trình hợp tác liên nghị viện vì các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, vì hoà bình, ổn định, thịnh vượng và công bằng hơn cho toàn nhân loại.

Để góp phần tạo bước chuyển biến mới trong hành động của nghị viện vì phát triển, Chủ tịch Quốc hội ta đã đưa ra sáng kiến đề nghị thiết lập Đối tác Nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu MDGs.

Tại phiên bế mạc, Hội nghị đã thảo luận và thông qua bản Báo cáo tổng kết và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Nghị viện toàn thế giới. Bản Tuyên bố sẽ được chuyển tới Hội nghị các vị đứng đầu Nhà nước và Chính phủ diễn ra sau đó tại Trụ sở Liên hợp quốc. Hai văn kiện trên đều có chung một thông điệp và Nghị viện các nước có vai trò quan trọng trong việc nâng cao dân chủ trong quan hệ quốc tế. Báo cáo tổng kết và Tuyên bố của Hội nghị bao gồm một số nội dung chính như sau:

1. Kêu gọi tăng cường hợp tác giữa IPU và Liên hợp quốc và giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp quốc gia để thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs).

2. Kêu gọi cải tổ Liên hợp quốc, tăng cường sự minh bạch và tinh thần trách nhiệm của Tổ chức thế giới này

3. Đề cao vai trò của nghị viện trong phát huy dân chủ, kể cả trong quan hệ quốc tế và quá trình quyết định những vấn đề toàn cầu; tăng cường khả năng gây ảnh hưởng của nghị viện khi tham gia vào công việc của Liên hợp quốc

4. Phát triển bền vững đi đôi với đảm bảo an ninh và nhân quyền cho tất cả mọi người. Thực hiện tinh thần đồng thuận Monetary và Tuyên bố Thiên niên kỷ, khuyến khích mọi người hỗ trợ tài chính, xoá đói nghèo, xoá và giảm, hoãn nợ đối với các nước nghèo

5. Hợp tác chống khủng bố cần phải được tăng cường hơn nữa thông qua việc ký kết các hiệp ước toàn diện về chủ nghĩa khủng bố, nhất trí với các khái niệm được quốc tế chấp nhận về chủ nghĩa khủng bố

6. Nâng cao tính chủ động của Nghị viện để tham gia xử lý các vấn đề quốc tế không chỉ thông quá hợp tác liên nghị viện, ngoại giao nghị viện mà còn việc theo dõi, đóng góp vào quá trình đàm phán quốc tế, giám sát chính phủ trong việc thực hiện các cam kết đã thoả thuận trên nguyên tắc tuân thủ các chuẩn mực và qui định của luật pháp quốc tế.

7. Yêu cầu cấp bách hiện nay đối với các quốc gia là chính phủ và quốc hội các nước cần nâng cao vai trò lãnh đạo và ý chí chính trị để góp phần tạo cho Liên hợp quốc những cơ chế hoạt động hiệu quả hơn, những nguồn tài chính và nhân lực hợp lý trên tất cả các lĩnh vực, trên cơ sở cải cách quản lý một cách hiệu quả Liên hợp quốc.

8. Hội nghị cũng cho rằng bên cạnh các vấn đề dân chủ, phát triển và an ninh cần đề cập đến vấn đề quyền con người, khẳng định rằng việc nâng cao và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em là vô cùng cần thiết cho phát triển, hoà bình và an ninh.

9. Với tinh thần tăng cường sự hợp tác liên nghị viện trên thế giới, Hội nghị khuyến nghị các nước tổ chức "Ngày quốc tế các Nghị viện" vào cùng một thời gian hàng năm với những nội dung phù hợp và thiết thực. Hội nghị cũng quyết định sẽ tiến hành các cuộc họp những người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước trong tương lai, coi đó là một cơ chế thúc đẩy khuôn khổ hợp tác hiện có.

10. Trong báo cáo tổng kết Hội nghị, thay mặt các vị lãnh đạo Quốc hội các nước, bà Igrida Udre, Chủ tịch Quốc hội Latvia đã ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc thiết lập Đối tác Nghị viện toàn cầu vì các mục tiêu MDGs.

 

III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ KHÁC CỦA HỘI NGHỊ

1. Do Mỹ cố tình gây khó khăn và không cấp visa nhập cảnh nên Đoàn Quốc hội Cuba và Iran không tới dự Hội nghị. Hành động của Mỹ gây bất bình và ngay tại phiên khai mạc Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chỉ trích nhà cầm quyền Mỹ không tôn trọng những cam kết thể chế hoạt động đa phương đã được thoả thuận giữa IPU - Liên hợp quốc - Mỹ.

2. Lần đầu tiên kể từ hơn 10 năm qua, Quốc hội Mỹ trở lại tham gia diễn đàn của IPU, đại diện của Chủ tịch Hạ viện đã phát biểu chào mừng tại phiên khai mạc. Trước đây Quốc hội Mỹ hầu như không tham dự các hoạt động của IPU, phần vì thường bị các lực lượng tiến bộ và các nước đang phát triển phê phán, mặt khác do Mỹ muốn thực hiện chính sách áp đặt đơn phương, không coi trọng diễn đàn đa phương.

3. Nhiều đoàn tham dự Hội nghị đã chia sẻ cảm thông với nhân dân Mỹ trước thảm hoạ thiên tai vừa qua, một số nước bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ khắc phục hậu quả này kể cả bằng nhân lực và tài chính. Đoàn Mỹ đánh giá cao và cám ơn thiện chí này của các nhà lập pháp các nước. Tuy nhiên cũng nhân dịp này các nước kêu gọi toàn thế giới, đặc biệt là các cường quốc kinh tế, trong đó có Mỹ phải hành động tích cực hơn để bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu nguyên nhân dẫn đến những thảm hoạ thiên tai.

 

IV. TIẾP XÚC SONG PHƯƠNG

Trong khuôn khổ Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã có một số cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Bungari và Nam Phi; với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản và Philippine; Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Italia và Bỉ. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã thông báo những kết quả đổi mới hoạt động nhằm nâng cao vai trò lập pháp và giám sát của Quốc hội Việt Nam, bày tỏ mong muốn trao đổi kinh nghiệm thường xuyên với Quốc hội các nước trong lĩnh vực này. Chủ tịch cũng đề nghị Nghị viện các nước ủng hộ và thúc đẩy chính phủ nước mình tăng cường quan hệ với Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, đặc biệt là ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Các vị lãnh đạo Quốc hội các nước đầu đánh giá cao những thành tựu đổi mới của ta, cam kết thúc đẩy chính phủ và các doanh nghiệp mở rộng hợp tác làm ăn với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa hợp tác liên nghị viện.

Khi gặp riêng Đoàn ta, Đoàn Nghị viện bỉ và Italia đã đề nghị ủng hộ ứng cử viên của họ vào chức vụ Chủ tịch IPU trong nhiệm kỳ tới.

 

V. KIẾN NGHỊ

- Quốc hội ta đã gia nhập IPU từ năm 1979. Từ đó tới nay ta đã có những đóng góp tích cực và tương đối chủ động vào các hoạt động của Diễn đàn liên nghị viện lớn nhất toàn cầu này. Vị thế của Quốc hội ta ngày càng được nâng cao, vì vậy Quốc hội ta nên tính tới việc ứng cử vào Uỷ ban chấp hành cho tương xứng với vị thế của ta đồng thời chủ động đóng góp vào các công việc quốc tế của các cơ quan lập pháp trên thế giới.

- Trên cơ sở những thoả thuận đạt được theo tinh thần Tuyên bố Thượng đỉnh Nghị viện lần thứ hai, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Đối ngoại chuẩn bị lộ trình phù hợp của ta để thực hiện và có kế hoạch thông tin rộng rãi cho nghị viện các nước về những thành quả của ta trong việc thực hiện các MDGs.

- Thực hiện thoả thuận cấp cao giữa Chủ tịch Quốc hội ta với lãnh đạo Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Tổng thư ký IPU gửi thư chính thức đề nghị Quốc hội Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị liên khu vực với chủ đề "tăng cường vai trò của nghị viện đối với vấn đề bảo vệ trẻ em" vào đầu năm 2006. Uỷ ban Đối ngoại đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Đối ngoại phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm chuẩn bị chu đáo cho việc đăng cai tổ chức Hội nghị trên (sẽ có đề án riêng trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội).

 

 

Trên đây là Báo cáo kết quả Hội nghị thế giới lần thứ hai những người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước, Uỷ ban Đối ngoại xin trân trọng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Ban Bí thư TW Đảng (để báo cáo);

- Ban Đối ngoại TW;

- Bộ Ngoại giao;

- Thường trực HĐDT và các UB;

- Các thành viên UBĐN;

- Văn phòng Quốc hội;

- Lưu HC, ĐN

TM. UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

Chủ nhiệm

Vũ Mão