UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI

 

VÀI HỒI ỨC VỀ HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA QUỐC HỘI

BS. Nguyễn Ngọc Hà

 

Trong bài viết này, tôi đề cập đến sự tham gia của Quốc hội ta vào Liên minh nghị viện thế giới (LMNVTG) và Liên minh nghị viện cộng đồng Pháp ngữ, thời gian từ 1979 đến 1992.

Những sự kiện dẫn đến việc quốc hội Việt Nam tham gia LMNVTG.

Những ngày cuối năm 1978 Quốc hội Việt Nam cử đ/c Nguyễn Xiển, Phó chủ tịch Quốc hội và đ/c Nguyễn Ngọc Hà, uỷ viên UBĐNQH thay mặt Quốc hội Việt Nam dự lễ kỷ niệm lần thứ 20 ngày thành lập Nhà nước cách mạng Cu Ba (1/1/1959 - 1/1/1979) và sau đó tham gia Đoàn Đại biểu Đảng, Quốc hội và Chính phủ nước CHXHCNVN do đ/c Đỗ Mười, Ủy viên Bộ chính trị BCHTWĐCSVN, Phó chủ tịch HĐBT dẫn đầu tham quan đất nước Cu Ba.

Trong những buổi làm việc với bạn, lãnh đạo Quốc hội Cu Ba chính thức đề nghị Quốc hội ta gia nhập LMNVTG. Trên đường về nước, ghé qua Mạc Tư Khoa, các đ/c lãnh đạo Xô Viết tối cao cũng gặp đoàn ta và mong muốn Quốc hội ta tham gia LMNVTG. Các đ/c cho rằng LMNVTG là một mặt trận đấu tranh chính trị, ngoại giao đa phương quan trọng mặc dù những kết luận nghị quyết của LMNVTG chi có tính chất "khuyến nghị" chứ không phải có tính chất "bắt buộc thực thi" như những nghị quyết của Liên hiệp quốc. Nhưng những khuyến nghị này có thể tác động vào Quốc hội, Chính phủ, nhân dân các nước thành viên kể cả Liên hiệp quốc. Do đó cần tăng cường tiếng nói và lực lượng của các nước XHCN, các nước Không liên kết và các nghị sĩ tiến bộ trong LMNVTG. Việt Nam có một vị trí có thể đóng góp tích cực cho mặt trận này.

Thêm vào đó, sự tham gia của Đại biểu QHVN sẽ giải đáp và bênh vực một cách hiệu quả những sự kiện liên quan trực tiếp đến Việt Nam và có tính thuyết phục cao đối với đại biểu Quốc hội các nước. Ở Mạc Tư Khoa, tôi cũng được đ/c Vũ Khoan lúc đó là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán ta ở Liên Xô giới thiệu về tổ chức hoạt động của LMNVTG và thông báo yêu cầu của Liên Xô mong muốn Quốc hội ta gia nhập diễn đàn này.

Cũng vào dịp đó, Liên Xô và một số nước XHCN khác mời Quốc hội ta cử đại diện đến dự Hội nghị tư vấn quốc hội các nước XHCN tổ chức vào tháng 02/1979 tại Bucarest (Rumani).

Một sự kiện đáng ghi nhớ là trong lúc Đoàn ta đang ghé qua Mạc Tư Khoa và nghỉ tại khách sạn Tháng 10 thì được tin Cách mạng Campuchia thắng lợi (9/1/1979). Tại phòng ăn khách sạn các đoàn đại biểu Đảng của một số nước cũng như các đ/c Liên Xô có mặt tại khách sạn đã đến nâng cốc chúc mừng thắng lợi của nhân dân Campuchia với sự giúp đỡ của Đảng Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Nhận lời mời của Liên Xô và các nước XHCN, lãnh đạo Quốc hội ta cử đ/c Hoàng Minh Giám, Chủ nhiệm và đ/c Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, tham gia Hội nghị tư vấn các nước XHCN tổ chức tại Bucarest (Rumani) giữa tháng 02/1979. Lúc này đang có chiến tranh ở biên giới phía Bắc và lập trường của nước chủ nhà không phải như quan điểm lập trường của ta cũng như của Liên Xô và các nước XHCN khác. Đoàn ta đã sẵn sàng giải thích và trả lời những ý kiến không đúng có thể nêu ra tại Hội nghị với phương châm mềm dẻo, không gây căng thẳng. Tuy nhiên, tình huống này đã không xảy ra. Trong phát biểu của mình, bằng tiếng Pháp, không viết sẵn, với từ ngữ nhẹ nhàng, chính xác, giọng nói từ tốn, cảm hoá, đ/c Hoàng Minh Giám tóm tắt quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đang tích cực kiến thiết xây dựng tổ quốc. Là một dân tộc đã chịu nhiều hy sinh trong nhiều thập kỷ chiến tranh, nhân dân Việt Nam đã hiểu thế nào là chiến tranh và vì vậy thiết tha được hưởng một nền hoà bình thật sự trong Độc lập, Tự do thật sự nhưng cũng sẵn sàng tiếp tục hy sinh để bảo vệ Độc lập, Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Phát biểu của đ/c Hoàng Minh Giám có tính thuyết phục và được Hội nghị rất hoan nghênh và đánh giá cao, đã đóng góp vào thành công của Hội nghị Tư vấn.

Từ hội nghị Mùa xuân LMNVTG tại Praha (04/1979)

Sau Hội nghị tư vấn giữa các nước XHCN (02/1979) Quốc hội ta quyết định làm các thủ tục cần thiết để gia nhập LMNVTG, và cử đ/c Hoàng Minh Giám và đ/c Nguyễn Ngọc Hà tham gia Hội nghị Mùa xuân LMNVTG tổ chức tại Praha (Tiệp Khắc) tháng 4/1979. Từ Hội nghị này, Quốc hội Việt Nam chính thức là thành viên của LMNVTG. Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên phất phới cùng quốc kỳ của các nước thành viên khác trong và ngoài hội trường của Hội nghị.

Một kỷ niệm nhỏ tôi nhớ mãi: Khi Đoàn Chủ tịch Hội nghị tuyên bố kết nạp Việt Nam, Đoàn ta bước vào hội trường, tiến đến hàng ghế dành cho đại biểu Việt Nam, tôi nghe Đoàn đại biểu Bỉ nói nhỏ với nhau: "Họ ăn mặc đẹp và lịch sự nhỉ". Sau khi đ/c Hoàng Minh Giám phát biểu vài lời chào mừng và cám ơn Hội nghị bằng tiếng Pháp không giấy tờ gì thì họ lại thốt lên: "Ồ, họ nói tiếng Pháp hay quá!".

Từ thời điểm này trở đi, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam luôn có mặt tại các Hội nghị của LMNVTG mùa Xuân và mùa Thu, được luân phiên tổ chức tại thủ đô các nước thành viên.

Hàng năm, Đoàn đại biểu Quốc hội ta vẫn tham gia Hội nghị Tư vấn Quốc hội các nước XHCN tổ chức tại thủ đô mỗi nước như Sofia (Bungari), Mạc Tư Khoa (Liên Xô), Hanoi (Việt Nam), Ulan Bato (Mông Cổ), La Habana (Cuba)...

Từ năm 1990 trở đi, Hội nghị tư vấn các nước XHCN không tổ chức được do tình hình nội bộ của các nước này.

Một số đóng góp tích cực của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam

Tham gia vào tổ chức LMNVTG, ngay từ đầu Đoàn đại biểu Quốc hội ta đã tích cực đóng góp vào việc đánh giá và hướng giải pháp cho những vấn đề quốc tế lớn mà nhân loại quan tâm, những vấn đề khu vực, phi thực dân hoá, quyền tự quyết dân tộc và đặc biệt những vấn đề liên quan trực tiếp đến nước ta.

Về vấn đề hoà bình, an ninh quốc tế, giải trừ quân bị.

Đây là vấn đề lớn, chung nhất, là mối quan tâm phổ biến, thường xuyên của các nước. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã góp phần cùng với Liên Xô và các nước XHCN khác, các nước không liên kết, các nghị sĩ, thượng nghị sĩ tiến bộ của các nước Tây Âu, ngày càng tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của tất cả các lực lượng yêu chuộng Hoà bình trong LMNVTG, đấu tranh chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, cấm phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân...

Vấn đề kinh tế

Đây là vấn đề bức xúc, quan tâm hàng đầu của các nước thế giới thứ ba, chủ yếu là các nước Mỹ la tinh, trong đó vấn đề nợ là gánh nặng lớn. Đoàn đại biểu Quốc hội ta ủng hộ các giải pháp của Cuba, Liên Xô đưa ra về hoãn nợ, xoá nợ và các biện pháp lâu dài, toàn diện liên quan đến kinh tế, quân sự, chính trị. Quan điểm của ta: vấn đề gốc là làm thế nào lập lại trật tự kinh tế thế giới mới.

Quan điểm, lập trường, chủ trương của ta cũng như Cuba, Liên Xô được các Đoàn đại biểu Quốc hội các nước XHCN và các nước thế giới thứ ba đồng tình ủng hộ.

Về vấn đề Phi thực dân hoá

Với quá trình và kinh nghiệm đấu tranh của Việt Nam, tiếng nói của Đoàn đại biểu Quốc hội ta có trọng lượng và sức thuyết phục lớn.

Cùng với các lực lượng tiến bộ trong LMNVTG, Đoàn ta loại được những nội dung xấu định đưa vào dự thảo Nghị quyết đồng thời xây dựng được những văn bản quyết nghị ủng hộ các phong trào giải phóng dân tộc, lên án Chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Chủ nghĩa Aparthai...

Một số vấn đề liên quan trực tiếp đến Việt Nam

Những năm đầu tiên ta tham gia LMNVTG, đúng là vào những năm ta còn phải giải quyết một số vấn đề phức tạp trong đó có vấn đề người di tản, người tị nạn, vấn đề cải tạo các nghị sĩ của chế độ cũ, vấn đề Campuchia.

1. Về vấn đề người di tản, người tị nạn

Năm 1979, Đoàn đại biểu Anh nêu ngay vấn đề người di tản nhưng bị thất bại. Ta phát biểu: lần đầu tiên VN tham gia LMNVTG, đại biểu Anh nêu vấn đề này để làm gì? Có phải là để tấn công một nước thành viên nào không? Nếu quả thật như vậy, rõ ràng là đại biểu Anh không có thiện chí, không đóng góp tốt vào việc tạo ra một không khí xây dựng hữu nghị giữa các thành viên trong hội nghị vì điều này sẽ gây căng thẳng, chia rẽ, mất đoàn kết trong Hội nghị. Quan điểm thái độ của ta được các nước đồng tình ủng hộ. Hội nghị đã không ghi đề nghị của đại biểu Anh vào chương trình nghị sự.

Năm 1980, các Hội nghị LMNVTG lại nêu vấn đề người tị nạn. Đại biểu Mỹ cố gắng đưa nội dung chính trị nhằm tố cao Việt Nam. Nhưng Đoàn ta đã chủ động, tích cực vận động và phối hợp với bạn bè không để đế quốc và các lực lượng phản động dùng vấn đề di tản, người tị nạn để chống Việt Nam. Theo đề nghị của Việt Nam và một số nước khác, đại đa số các đại biểu tán thành chỉ thảo luận khía cạnh pháp lý và nhân đạo của vấn đề người tị nạn, không nêu khía cạnh chính trị. Bài phát biểu của ta cũng chỉ tập trung vào khía cạnh pháp lý và nhân đạo, và nêu rõ thái độ thiện chí cùng những cố gắng của Việt Nam trong việc hợp tác với Cao Ủy LHQ về người tị nạn (HCR) để giải quyết thoả đáng vấn đề này.

Trong tiểu ban dự thảo nghị quyết, ta đã tranh thủ được đại đa số các đại biểu thành viên của tiểu ban bác bỏ mọi đề nghị của đại biểu Mỹ gắn nội dung chính trị ám chỉ Việt Nam vào dự thảo nghị quyết. Khi ra cuộc họp của toàn thể các nước thành viên của Ủy ban nghiên cứu để thông qua dự thảo nghị quyết, đại biểu Mỹ lại cố phát biểu công kích Việt Nam nhưng đã bị Hội nghị phản đối. Ta trả lời ngắn gọn và xây dựng Hội nghị đồng tình với thái độ của ta.

2. Về vấn đề các nghị sĩ của chế độ Sài Gòn cũ đang còn học tập, cải tạo

LMNVTG rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nhân quyền đối với các nghị sĩ. Các nước có các nghị sĩ tiến bộ, dân chủ bị các chính quyền độc tài bắt bớ, giam cầm đều luôn nhờ LMNVTG can thiệp, trả lại tự do các nghị sĩ bị giam. Có những kỳ họp danh sách một số nghị sĩ của chế độ Sài Gòn cũ được nêu ra. Ta đã phát biểu bác bỏ việc này. Quan điểm của ta là: Các nghị sĩ thuộc chế độ Sài Gòn cũ gắn liền với một chế độ, chính quyền cộng tác với quân xâm lược tiến hành chiến tranh huỷ diệt đất nước và nhân dân Việt Nam.

Những người này không phải là nghị sĩ của dân. Hơn thế nữa, vai trò nghị sĩ của họ đã chấm dứt cùng với chế độ và chính quyền Sài Gòn cũ. Việt Nam thống nhất cũng đã tiến hành bầu Quốc hội nước CHXNCNVN 2 lần rồi (1976: Quốc hội khoá VI; 1981: QH khoá VII). Đây mới thật sự là QH của dân, nghị sĩ của dân. Những người được gọi là nghị sĩ của Sài Gòn, 1 chế độ và chính quyền tay sai của ngoại bang đã bị nhân dân Việt Nam lật đổ, những người này hoàn toàn không phải là nghị sĩ. Ta cũng nói rõ thêm Việt Nam đã không tiến hành điều mà một số người mong muốn là có "tám máu". Chỉ có 1 số nghị sĩ có tội ác với nhân dân học tập cải tạo để trở thành công dân tốt trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây chính là một biện pháp nhân đạo của Việt Nam.

Nhiều nước, đặc biệt của thế giới thứ ba bỏ phiếu ủng hộ ta, hoặc bỏ phiếu trắng, rồi sau đó tìm ta để bày tỏ sự hoàn nghênh quan điểm, lập trường của Việt Nam và mong Việt Nam thông cảm vè phiếu trắng của họ.

3. Vấn đề Campuchia

Thường được nêu ra để công kích Việt Nam. Đoàn ta luôn kiên trì đấu tranh nên vấn đề CPC không bao giờ được đưa vào chương trình nghị sự để thảo luận hoặc đưa vào các nghị quyết về những vấn đề quốc tế chung, hoặc về các vấn đề khu vực hay trong Ủy ban Nghiên cứu về vấn đề phi thực dân hoá. Ta luôn tranh thủ làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của ta về vấn đề CPC khi cần thiết với thái độ thiện chí nhưng cũng sẵn sàng đập lại những luận điệu xấu.

Quốc hội Việt Nam tham gia Liên minh nghị viện cộng đồng Pháp ngữ (LMNVCĐPN)

Nhận lời mời của tổ chức, LMNVCĐPN, Quốc hội Việt Nam đã cử đ/c Nguyễn Ngọc Hà tham dự với tư cách quan sát viên tại nhiều Đại hội của tổ chức này ở một số nước như: St Denis la Réunion (la REsunion), Dakar (Sénégal), Yaoundé (Caméroun)...

Tháng 7/1989, Đại hội lần XVII của LMNVCĐPN đã diễn ra tại Paris, thủ đô của nước Cộng hoà Pháp, nhân dịp cả nước Pháp kỷ niệm thật trọng thể 200 năm Cách mạng Pháp (14/07/1789 - 14/07/1989). Chủ tịch quốc hội Pháp đã mời Chủ tịch quốc hội Việt Nam tham gia đại hội này, mặc dù Quốc hội ta chưa là Hội viên. Theo đề nghị của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đ/c Lê Quang Đạo, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã đồng ý cử đ/c Nguyễn Ngọc Hà, Phó chủ nhiệm UB đối ngoại của Quốc hội tham dự đại hội LMNVCĐPN với tư cách quan sát viên.

Tuy là quan sát viên, nhưng đại biểu Quốc hội Việt Nam được mời phát biểu trong phiên họp khai mạc sáng ngày 10/7/1989. Sau khi thông báo vắn tắt về tình hình sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam, đại biểu ta nhấn mạnh: "Việc sử dụng tiếng Pháp không nên chỉ giới hạn trong phạm vi bảo vệ và truyền bá tiếng Pháp mà nên đề cập đến những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân và các nước như: kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Nếu không được như thế, việc sử dụng tiếng Pháp sẽ bị thu hẹp trong phạm vi văn hoá và sẽ không thoả mãn được nguyện vọng đa dạng của các dân tộc luôn hướng đến mục tiêu hợp tác và phát triển với định nghĩa toàn diện của nó. Muốn cho tương lai và không gian của tiếng Pháp không bị giới hạn, cần phải thực hiện và mở rộng không gian kinh tế, kỹ thuật và khoa học của tiếng Pháp".

Trong bài phát biểu của đại biểu ta còn có một đoạn mà toàn thể Hội nghị, đặc biệt là đại biểu Quốc hội Pháp rất thích thú tâm đắc. Đó là đoạn nêu lại một suy nghĩ của nhà đại văn hào Pháp Anatole France về tiếng Pháp, trích từ "Propos" (1921): "La langue francaise est une femme. Et cette femme est si belle, si fière, si sage, qu'on l'aime de toute son âme, et qu'on n'est jamais tenté de lui être infidèle". Xin tạm dịch: "Tiếng Pháp là một phụ nữ. Và phụ nữ này đẹp, tự hào, giản dị, mạnh dạn, xúc động, thú vị, trong trắng, cao thượng, bình dị, say mê, đứng đắn, đến nỗi người ta yêu với tất cả tâm hồn, và người ta không bao giờ tính đến việc không chung thuỷ".

Bài phát biểu của đại biểu ta được Quốc hội nhiệt liệt tán thưởng và vỗ tay trong lúc đang đọc. Sau cuộc họp, nhiều đại biểu Quốc hội Pháp, và một số đại biểu các nước khác Nam cũng như Nữ đến chúc mừng đại biểu ta và nói "Cám ơn đại biểu Việt Nam đã nhắc lại cho chúng tôi đoạn văn nêu trên của tác giả Anatole France, điều mà trong chúng tôi, có người đã không nhớ, kể cả không biết".

Sau đại hội lần thứ XVII này, Quốc hội ta đã làm thủ tục gia nhập LMNVCĐPN

Tháng 9/1991, Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên chính thức và đã cử đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do đ/c Nguyễn Thị Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội, làm trưởng đoàn và đ/c Nguyễn Ngọc Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội tham dự đại hội lần thứ XVIII của LMNVCĐPN tại Ottawa (thủ đô nước Canada). Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tung bay cùng quốc kỳ của gần 50 nước khác trong hội trường và trước nhà Quốc hội của Canada.

Thực hiện chính sách Đối ngoại rộng mở của Đảng: Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì Hoà Bình, Độc lập, hợp tác và phát triển, Quốc hội Việt Nam lại tham gia vào một diễn đàn mới, diễn đàn của nghị viện cộng đồng Pháp ngữ, một cộng đồng đông đảo, rộng rãi, đa dạng trên 50 nước, với nhiều tiềm năng kinh tế, KHKT, có nhiều khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, KHKT, văn hoá giáo dục...

Vài nhận xét

Những năm 1976-1992 là những năm mà đất nước chúng ta vừa hoàn thành CMDTDC, thống nhất đất nước, bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên CNXH. Công cuộc đổi mới cũng mới tiến hành được một số năm. Những khó khăn, thách thức về kinh tế, đối ngoại, không phải ít và lại rất phức tạp, đặc biệt là trong những năm Liên Xô và các nước Đông Âu tan rã. Ngân sách, ngoại tệ và kinh phí cho công tác đối ngoại của Quốc hội rất hạn hẹp. Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta khi tham
gia LMNVTG và LMNVCĐPN cũng đạt một số yêu cầu chính trị nhất định.

1. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế của mình

- Trong việc hỗ trợ Liên Xô trên các vấn đề giữ gìn Hoà Bình, An ninh quốc tế, giải trừ quân bị, chống chạy đua vũ trang, cấm phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân...

- Trong đánh giá và đề ra phương hướng giải quyết các vấn đề khu vực, đặc biệt trong vấn đề phi thực dân hoá, vấn đề chống Chủ nghĩa Aparthai, vấn đề Trung Cận Đông...

2. Gạt bỏ được những âm mưu, tính toán của đế quốc và lực lượng phản động định dùng các vấn đề người di tản, tị nạn, vấn đề Campuchia, v/đ nhân quyền để công kích Việt Nam.

3. Đồng thời, chúng ta đã trình bày giới thiệu được quan điểm, lập trường, chủ trương của Việt Nam trong các v/đ chung về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, môi trường cũng như những v/đ liên quan trực tiếp đến Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ mãi những lời phát biểu chân tình, đầy tính thuyết phục cũng như những cuộc tiếp xúc riêng rẽ của các trưởng đoàn ta, của các đ/c Hoàng Minh Giám, đ/c Phan Anh, đ/c Nguyễn Thị Bình; đ/c Phan Anh thường dùng những từ ngữ mang tính hình tượng có ý nghĩa tiêu biểu như: đêm và ngày, bóng tối và ánh sáng... với tài hùng biện của nhà luật sư trong đ/c đã làm cho Hội nghị hiểu được ai là đêm và bóng tối, ai là ngày và ánh sáng. Những lời lẽ khiêm tốn, dịu dàng, những lập luận vững chắc, đầy lý và tình, thái độ điềm đạm, ôn tồn, đầy tính thuyết phục với phong cách 1 nhà giáo của đ/c Hoàng Minh Giám, của người nữ chiến sĩ trên MTNG của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và CPCMLTCHMNVN, đ/c Nguyễn Thị Bình đã cảm hoá sâu sắc người nghe. Thái độ mềm dẻo nhưng rất kiên quyết trong phát biểu ở Hội trường hoặc trong tiếp xúc riêng của các đ/c đã tranh thủ được đại đa số các đại biểu, từ đại biểu các nước XHCN, các nước không liên kết đến đại biểu các nước phương Tây.

Tuy nhiên, khi cần thiết, đoàn ta cũng phải trả lời đập lại một cách kiên quyết những lời lẽ đả kích một cách thô bạo đối với Việt Nam. Tôi nhớ mãi sự kiện tôi được Trưởng đoàn phân công trả lời đại biểu Mỹ và đại biểu của một số nước Đông Nam Á về vấn đề CPC vì họ đã nêu đích danh Việt Nam là thực dân, là xâm lược... khi thảo luận thông qua dự thảo nghị quyết về vấn đề phi thực dân hoá.

Trả lời đại biểu Mỹ, tôi đã nói: "Về những lời lẽ của ngài Thượng nghị sĩ Mỹ, chúng ta đã nghe rất nhiều lần trong Hội nghị, đặc biệt ở tiểu ban dự thảo nghị quyết. Toàn là những chuyện bịa đặt, nói dối, nói xấu. Tôi xin phép Hội nghị sẽ không trả lời đi sâu về nội dung phát biểu của ngài đại biểu Mỹ để không làm mất thì giờ của các đại biểu và tôi cũng không muốn tự hạ thấp mình để làm việc này. Đoàn Việt Nam bác bỏ hoàn toàn phát biểu của ngài đại biểu Mỹ và đề nghị không nên ghi lời lẽ đó vào văn bản Hội nghị".

Đ/v đại biểu một nước ở Đông Nam Á, tôi phát biểu: "Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm chiến tranh gian khổ, hy sinh nhưng rất anh dũng để giành lại và bảo vệ Độc lập tự do của mình Việt Nam cũng đã giúp đỡ CPC thoát khỏi nạn diệt chủng của một chế độ mà nhân dân Campuchia căm ghét và nhân loại tiến bộ tố cáo. Thế giới đều biết việc này và cũng đã lên án kẻ xâm lược và bọn diệt chủng. Trong thời điểm đó, ngài đại biểu không hề cất lên dù chỉ một tiếng nói để bênh vực Việt Nam và không những không đã lên án mà còn là đồng loã của kẻ xâm lược, của bọn diệt chủng. Đại biểu này rõ ràng không phân biệt được kẻ xâm lược và nạn nhân của xâm lược và diệt chủng, đã đứng về phía kẻ xâm lược và bọn diệt chủng. Do vậy, ngài đại biểu này không đủ tư cách để bàn về vấn đề thực dân, vấn đề xâm lược. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ phát biểu của đại biểu đó".

Đạt được một số kết quả tích cực nêu trên trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta khi tham gia LMNVTG và LMNVCĐPN do nhiều nguyên nhân:

- Thế và uy tín của CHXHCNVN, sau khi nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và bước vào công việc đổi mới, càng được tăng cường và nâng cao.

- Đường lối đối ngoại đúng đắn sáng suốt của Đảng cộng sản Việt Nam

- Chủ trương mạnh dạn của Đảng và Nhà nước quyết định tham gia vào các tổ chức, diễn đàn đa phương trên Thế giới mặc dù ta còn hạn chế về tài chính, ngoại tệ kể cả cán bộ thông thạo về ngoại ngữ, tiếng Anh và Pháp. Cụ thể là mở thêm mặt trận đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, phối hợp với đối ngoại của Chính phủ, dối ngoại của Đảng và đối ngoại của nhân dân phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

- Sự quan tâm của các đ/c lãnh đạo Hội đồng Nhà nước và Quốc hội, đặc biệt sự chỉ đạo trực tiếp trong nhiều năm của đ/c Xuân Thuỷ.

- Sự hỗ trợ của các đ/c Bộ, Thứ trưởng, các đ/c cấp vụ, các đ/c thuộc cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở các nước đăng cai hội nghị, các đ/c chuyên viên và phiên dịch của Bộ Ngoại giao.

- Sự nỗ lực của các đ/c được phân công trực tiếp tác chiến trong UBĐN của Quốc hội luôn nhận được sự giúp đỡ tích cực của các đ/c lãnh đạo, cán bộ, nhân viên văn phòng, Vụ đối ngoại và các Vụ liên quan khác của Quốc hội.

 

Tháng 9/2001