UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI

 

CUỘC ĐỐI THOẠI CUỐI CÙNG VỀ

BÌNH THƯỜNG HOÁ QUAN HỆ VIỆT - MỸ

Văn Phác

Phó chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá IX)

 

Lần này phía Mỹ gửi giấy mời rất sớm đến Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội nước ta mời dự cuộc đối thoại quan trọng về bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Họ còn báo cho chúng ta một tin mới đáng lạc quan là cuộc đối thoại giữa hai đoàn đại biểu Việt Nam và Mỹ lần này sẽ làm tại nước Mỹ, nơi vừa diễn ra cuộc chuyển giao từ chính quyền Bush (cha) sang chính quyền Clinton. Kết quả cuộc đối thoại ngay trên đất Mỹ có liên quan đến bản phúc trình của Tổng thống trước Quốc hội Mỹ vào kỳ họp tháng năm dương lịch hàng năm sắp tới. Cũng vì vậy mà cả ba lần đối thoại trước chính quyền Bush (cha) đều tìm cách chói từ họp tại Mỹ, vì họ sợ động đến Quốc hội Mỹ và dư luận Mỹ. Cuộc đối thoại lần đầu (1990) làm ở đảo Bali nổi tiếng (Indonexia). Lần thứ hai (1991) chuyển đến một hòn đảo khác là Giamaica thuộc Trung Mỹ. Lần thứ ba (1992) làm tại nước Cộng hoà Fidi tận Tây Nam biển Thái Bình Dương. Cả ba lần đối thoại trước đều làm vào đầu xuân mỗi năm, trước kỳ họp tháng 5 của Quốc hội Mỹ.

Đoàn đại biểu Việt Nam rất coi trọng việc chuẩn bị kỹ về mọi mặt cho cuộc đối thoại lần này. Qua kinh nghiệm các lần trước, tôi thấy đều diễn ra đấu tranh gay gắt giữa hai đoàn đại biểu về những quan điểm rất khác nhau: Có một chính khách người nước ngoài đã nói với tôi, Mỹ là một đối tác rất xấu chơi!

Ngay sau Tết cổ truyền, đúng vào ngày kỷ niệm chiến thắng Đống Đa lịch sử đầu xuân 1993, đoàn đại biểu Việt Nam lên đường, Đoàn Việt Nam lần này có mười ba thành viên gồm năm đại biểu quốc hội, bốn nhà ngoại giao và các nhà tri thức, nhà khoa học, nhà báo... do anh Lê Mai, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, một người rất thành thạo nghiệp vụ và ngoại ngữ làm trưởng đoàn. Phía Mỹ cũng báo cho ta một bản danh sách đầy đủ tên, họ, chức vụ nghề nghiệp từng người gồm các thượng và hạ nghị sĩ, quan chức ngoại giao, nhà trí thức, nhà kinh doanh, nhà báo và có cả đại diện của tổ chức nhân quyền của Mỹ.

Cuộc hành trình từ Hà Nội đến Hawai, bang thứ 47 của Mỹ thật diệu vợi. Riêng tôi có bệnh huyết áp cao nên rất ngại những chuyến bay đường dài như thế này. Rất mệt và rất mất thời gian cho quá cảnh ở các sân bay quốc tế. Chuyến bay của đoàn từ Hà Nội qua Băng Cốc chỉ hơn một giờ bay nhưng tới đó rồi phải ngồi chờ gấp ba, bốn lần thế. Lần hạ cánh sau xuống sân bay Tôkyô của Nhật Bản, đoàn còn phải chờ lâu hơn nữa. Giá sinh hoạt ở Tôkyô nổi tiếng là đắt nhất thế giới. Khách ăn một bán mì ở sân bay quốc tế phải trả mười đô la. Chờ suốt cả buổi chiều, sốt ruột và sót ruột quá. Khi đoàn Việt Nam được mời lên một chiếc Bôing 747, trời vừa tối. Nhân viên hàng không Mỹ thông báo là máy bay sẽ vượt biển Thái Bình Dương qua đêm tới sáng hôm sau hạ cánh. Khuya rồi, tôi muốn ngủ nhưng cứ nhắm mắt để đấy vì các tiếp viên trở đi, trở lại, vì tiếng ầm, ỳ đều đều của động cơ máy bay. Bông kỷ niệm sâu sắc về cuộc vượt biển bí mật hòi kháng chiến chống Mỹ vụt sống lại trong tôi. Cách đây ba mươi năm rồi, cũng vào khuya một đêm tối mịt mùng, tôi và bo9ón chiến hữu lặng lẽ lên một con tàu không số, ở một bến không tên ở Đồ Sơn. Con tàu lặng lẽ rời bến chạy thẳng ra biển Đông, ra tận ngoài hải phận quốc tế, tắt hết đèn, lửa, cứ nhìn đèn của các tàu khác mà tránh và cứ thế chạy mò trong đêm. Sáng ra, tôi đã bớt say sóng, ngó đầu nhìn ra biển, nhìn trời, nhìn con tàu của chúng tôi giống như một chiếc lá tre trên biển cả, nếu chẳng may đụng vào một chiếc tàu khác là chìm. Thế mà sau bảy ngày, bảy đêm vật lộn với sóng dữ, vượt qua những cuộc lùng sục của hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi và của hải quân nguỵ ở gần bờ, con tàu hạt tiêu của hải quân Việt Nam anh hùng đã đổ bộ an toàn vào cửa sông Cổ Chiên tỉnh Trà Vinh. Ngoài năm cán bộ chúng tôi, tàu còn chở theo mấy chục tấn vũ khí tiếp tế cho chiến trường.

Trở lại cuộc hành trình dài từ Việt Nam tới Mỹ, sáng hôm sau, vào lúc mặt trời vừa nhô lên và toả sáng long lanh trên mặt biển xanh thì máy bay cũng từ từ hạ cánh. Những người Mỹ ra đón đã chờ sẵn, mời đoàn Việt Nam lên một chiếc xe quân sự. Tôi để ý ngay người lái xe là một nữ quân nhân Mỹ ăn mặc quân phục gọn ghẽ, da đen, chắc nịch. Tôi ngồi ở hàng ghế sau, lên tiếng làm quen bằng một câu tiếng Anh thông thường:

- Chào cô, rất vui gặp cô là một quân nhân Mỹ

Cả đoàn Việt Nam đều ngạc nhiên, vì người nữ quân nhân Mỹ trả lời bằng tiếng Việt rất sõi:

- Chào các ông, tôi cũng rất vinh dự được đón Đoàn Việt Nam đến thăm và làm việc ở đất nước chúng tôi.

Một đại biểu Việt Nam hỏi xen vào:

- Cô học tiếng Việt từ bao giờ mà nói thạo thế?

Cô vui vẻ trả lời:

- Tôi học tiếng Việt ở Mỹ và đang làm việc tại cơ quan MIA của Mỹ về Việt Nam. Tôi đã có lần được sang công tác ở Việt Nam ít ngày. Tôi rất mong có dịp được sang công tác lâu hơn ở Việt Nam.

Thế là rõ, Hawai vẫn được biết đến là một căn cứ quân sự lớn của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương. Trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ đóng ở đây. Đảo Guam ở gần đó là căn cứ sư đoàn máy bay chiến lược B52 trước đây vẫn tiến hành những cuộc ném bom rải thảm ở cả miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Bây giờ Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương ở Hawai và có thêm bộ máy Powmin của Mỹ đặt trụ sở tại đây.

Qua việc này, anh Trần Minh Bắc, một thành viên trong đoàn có một nhận xét nhỏ với tôi: "Ông thấy không. Mỹ cũng biết chuẩn bị kế hoạch hậu chiến ở Việt Nam sớm đấy chứ".

Rời sân bay lớn của Hawai, đoàn đại biểu Việt Nam được đưa đến một sân bay rất nhỏ gần đấy. Cùng một lúc mấy chiếc máy bay muỗi bốn đến năm chỗ ngồi đưa chúng tôi vượt qua một vịnh khá rộng tới một khách sạn năm sao đồ sợ ở khu du lịch Là Nai trên đảo. Khách sạn này vừa là nơi ở vừa là nơi hội thảo của hai đoàn. Trên đường vào khách sạn là những trang trại mía và dứa bát ngát trải dài tới ven biển. Các đại biểu Việt Nam tuy còn mệt sau chặng bay đường dài nhưng đều hài lòng về một buổi sáng đẹp trời với biển xanh, trời xanh, cánh đồng xanh dưới nắng xuân rực rỡ. Người chủ khách sạn còn khoe Hawai có rất nhiều cảnh đẹp.

Nhưng thời gian của đoàn Việt Nam quá eo hẹp, còn lúc nào rảnh rỗi mà dạo chơi, ngắm cảnh.

Ngay sáng hôm sau (ngày 08 tháng 02 năm 1993) đã bước vào đối thoại. Hai bên thoả thuận chương trình trong ba ngày vẫn xoay quanh ba chủ đề lớn: một là về người Mỹ mất tích ở Việt Nam (MIA); hai là vấn đề dân chủ, nhân quyền với bình thường hoá; ba là lợi ích của Việt Nam và Mỹ trong bình thường hoá.

Buổi đầu, phía Mỹ đề nghị bắt đầu bằng vấn đề người Mỹ mất tích ở Việt Nam. Một nghị sĩ Mỹ phát biểu mở đầu bằng giọng điệu cũ, kêu la Việt Nam giải quyết chậm, tỏ vẻ nghi ngờ thiện chí của Việt Nam, nghi ngờ Việt Nam còn cất giấu bí mật kho hài cốt Mỹ, nghi ngờ con người Mỹ sống ở Việt Nam ! Một số nghị sĩ Mỹ khác phù hoạ, nói đi nói lại đây là vấn đề hàng đầu để bình thường hoá, là vấn đề rất nhậy cảm đói với nhân dân Mỹ, nhất là đối với các gia đình Mỹ có người mất tích. Các đại biểu Việt Nam đã nghiêm chỉnh trình bày rõ sự thật. Sự thật là vấn đề MIA của Mỹ đối với Việt Nam là vấn đề nhân đạo. Việt Nam đã chủ động giải quyết từ năm 1973, từ lúc đang còn chiến tranh cho đến nay vẫn làm, dù có bình thường hoá hay không bình thường hoá. Sự thật trên toàn cõi Đông Dương, Mỹ có 2000 người mất tích, riêng ở Việt Nam có khoảng 1500 người mất tích, tính đến hết năm 1992. Việt Nam đã tổ chức hai mươi đợt tìm kiếm lính Mỹ bị mất tích. Đã trao trả cho Mỹ trên 450 bộ hài cốt. Trong khi đó Việt Nam tạm ngừng việc tìm kiếm 300.000 trường hợp của Việt Nam còn bị mất tích. Chính vì kết quả cụ thể đó nên đầu năm 1992, thượng nghị sĩ Jôn Kêri, chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Pow Mia của Mỹ, dẫn đầu một phái đoàn thượng nghị sĩ Mỹ sang thăm Việt Nam đã thừa nhận thiện chí của Việt Nam. Thượng nghị sĩ Jôn Kêri cảm ơn Việt Nam vì những gì Việt Nam đã làm, và ông cũng tự thấy trong việc đáp ứng lại nhu cầu nhân đạo của Việt Nam, chính phủ Mỹ còn tỏ ra chậm chạp. Đến đây thì các đại biểu Mỹ mới chịu nhìn nhận sự thật.

Khi chuyển sang chủ đề dân chủ và nhân quyền, một phụ nữ Mỹ phát biểu mở đầu. Chị ta là người Mỹ gốc Việt, đẹp gái, chưa đến 50 tuổi. Đây là một phụ nữ duy nhất trong đoàn đại biểu Mỹ, mà lại là một người Mỹ gốc Việt, còn trẻ nên tôi thấy không thể xem thường. Mới hôm qua, trong bữa ăn tối ở khách sạn này, chị ta đã chủ động đến làm quen với đoàn Việt Nam. Chị ta tự giới thiệu quê gốc ở Nam Bộ, và hiện là một viên chức của cơ quan kế hoạch và dịch vụ công cộng của Mỹ ở Chicagô. Với thái độ ra vẻ thật thà, chị nói hồi nhỏ được bố mẹ đặt tên là Ngoan và thường được các cụ căn dặn lúc nào cũng phải ngoan với mọi người, ngoan học, ngoan làm. Nhưng chị Ngoan trong cuộc đối thoại này có thái độ khác hẳn. Với vẻ mặt trâng tráo và giọng nói sấc sược, chị ta tố cao Việt Nam không có dân chủ, không tôn trọng nhân quyền, kể ra một lô những tên nguỵ quân, nguỵ quyền phản động bị bắt quả tang và đã bị trừng trị, đòi xoá bỏ các trai giam tù chính trị ở Việt Nam. Nữ bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương, đại biểu Quốc hội của thành phố Hồ Chí Minh lên tiếng bỏ, phê phán thẳng thừng lời phát biểu của bà Ngoan là vu khống, cố ý xuyên tạc sự thật ở Việt Nam. Sự thật ở Việt Nam không có nhà chính trị nào bị tù, mà chỉ có những công dân Việt Nam bị xử phạt vì tội vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tiếp theo là tiến sĩ Chu Phạm Ngọc Sơn, giám đốc trung tâm khoa học kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư Trần Phước Đường, hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ đều được đào tạo và hoạt động trong chế độ cũ và nay đều là đại biểu Quốc hội, đều giữ những cương vị quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, khoa học, giáo dục đều lên tiếng phê phán và bác bỏ dứt khoát những luận điệu xuyên tạc có dụng ý xấu của bà Ngoan. Một đại biểu Mỹ khác đứng lên cố tình phù hoạ với bà ta: Tôi thấy vẫn cần xem xét việc thực hiện nhân quyền ở Việt Nam phải là một tiêu chuẩn để bình thường hoá. Nhà báo Trần Minh Bắc, Tổng Biên tập Báo Cựu Chiến binh Việt Nam đáp lại, lên án việc Mỹ cấm vận Việt Nam là vi phạm nhân quyền lớn nhất.

Tôi cũng phát biểu, vạch rõ việc quân Mỹ rải hàng trăm triệu tấn chất độc màu da cam xuống miền Nam Việt Nam là tội ác nghiêm trọng nhất của Mỹ, vi phạm nhân quyền đối với nhân dân Việt Nam. Tôi đã nhắc lại lời một nghị sĩ Mỹ đã phát biểu trong cuộc đối thoại lần thứ ba tháng 2 năm 1992 ở Figi. Ông ta nói: "Việt Nam có nền dân chủ không giống nền dân chủ của Mỹ, đấy là có khả năng phát triển thành công".

Nhiều nghị sĩ và học giả Mỹ lên tiếng đồng tình với ý kiến của đoàn Việt Nam. Tới lúc đó, tôi thấy bà Ngoan ngồi cúi mặt làm thinh không có phản ứng gì.

Khi chuyển sang chủ đề: Lợi ích của Việt Nam và Mỹ trong bình thường hoá lại hùng hổ gay cấn khác. Một vị hạ nghị sĩ lên tiếng khăng khăng đòi phải tiếp tục cấm vận Việt Nam, vì bình thường hoá chỉ có lợi cho Việt Nam, không có lợi gì cho Mỹ cả ! Chính ông này là tác giả luật cấm vận Cu Ba được Quốc hội Mỹ thông qua. Một vài đại biểu Mỹ khác còn lập luận rằng kinh tế Việt Nam còn thấp kém, không có gì hấp dẫn đối với Mỹ so với các nước khác ở Trung Đông và Châu Phi. Một vị nghị sĩ Nỹ đã phát biểu ngược lại "Các ông nói vậy là đã quên nền kinh tế của chúng ta (của Mỹ) đang phát triển theo số âm sao?". Các vị nghị sĩ khác, vị quan chức ngoại giao và các nhà kinh doanh Mỹ đều lớn tiếng khẳng định "Bình thường hoá sẽ có lợi cho cả hai bên. Vì Việt Nam là một nước có nhiều tài nguyên. Ngoài dầu khí, Việt Nam còn đất hiếm, đa quý, Việt Nam còn là một thị trường lớn ở khu vực Đông Nam Á.

Ba ngày đối thoại liên tục, căng thẳng trôi qua nhanh. Đã đến lúc ông Dick Clark, nguyên nghị sĩ Mỹ, người rất có thiện chí, rất kiên trì ủng hộ bình thường hoá quan hệ Việt Mỹ, người điều khiển rất linh hoạt bốn cuộc đối thoại, nhất là cuộc đối thoại lần thứ tư tại nước Mỹ sẽ tác động tích cực đến Quốc hội Mỹ trong kỳ họp tới và dư luận rộng rãi ở Mỹ. Ông trịnh trọng tuyên bố sang năm 1994 không cần đến cuộc đối thoại thứ năm, vì ông tin rằng bình thường hoá đã gần kề.

Trong không khí chan hoà tình hữu nghị, tôi đọc tặng các bạn Mỹ một bài thơ ngắn với tiêu đề là:

 

Cảm hứng Lanai (Hawai)

Quê nhà khuất nẻo, trùng dương.

Bạn và tôi vượt nửa đường gặp nhau

Mỗi lần gặp, một nhịp cầu

Để nghe, để nói với nhau thật nhiều

Thật nhiều thì cũng bấy nhiêu

Mong trời nắng đẹp cho đời sống vui

Cách nhau là mấy khoảng trời

Mà cầu hữu nghị bắc hoài còn xa...

Bạn về có nhớ ngày qua

Tôi về tôi muốn đường xa nhích gần...

 

Cho đến nay, cây cầu hữu nghị đã bắc xong, việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã thành hiện thực. Nhưng việc qua lại trên cây cầu đó cũng như việc thực hiện bình thường hoá giữa hai nước vẫn xảy ra những việc không bình thường, làm ta phải cảnh giác.