UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI

 

VỚI BẠN BÈ GẦN, XA

Văn Phác

Phó chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá IX)

 

Tôi rất vinh dự được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội ba khoá liền: khoá 8, khoá 9 và khoá 10, từ năm 1987 đến năm 2002. Cả ba khoá tôi đều được Quốc hội bầu vào Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội.

Từ Quốc hội khoá VIII, thực hiện sự nghiệp đổi mới với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ quốc tế của Đảng ta, hoạt động đối ngoại của Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại tăng lên gấp bội và đi vào thực chất hơn. Đoàn vào, đoàn ra rất rầm rộ. Nhất là các vị nghị sĩ các nước láng giềng, các nước trong khu vực, và các nước khác trên thế giới đều liên hệ xin vào làm việc với Quốc hội Việt Nam, vừa để tìm hiểu tình hình tại chỗ, vừa để trao đổi đặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội Việt Nam theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Các vị trong Uỷ ban Đối ngoại và riêng tôi với trách nhiệm là Phó Chủ nhiệm thường trực của Ủy ban đã giành nhiều thời gian tiếp và trao đổi kỹ với các đoàn nghị sĩ nước ngoài để bạn thấy rõ thành tựu đổi mới của Việt Nam, hiểu rõ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá của Việt Nam, với tinh thần Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước. Các hoạt động đó đã góp phần làm cho nghị sĩ các nước hiểu ta hơn, xoá bỏ mặc cảm với Việt Nam, tăng thêm lòng tin cậy lẫn nhau. Cụ thể nhất là Liên minh Quốc hội các nước Đông Nam Á (gọi tắt là AIPO) đã cử ông Chủ tịch Quốc hội nước Việt Nam Nông Đức Mạnh và chính thức mời Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội các nước Đông Nam Á. Lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam giương cao trong buổi lễ và xếp ngang hàng quốc kỳ sáu nước khác. Nhiều vị nghị sĩ của Indonexia, của Thái Lan có mặt hôm đó rất trân trọng nói với tôi: "Việt Nam gia nhập AIPO làm cho tập thể các nước Đông Nam Á mạnh hẳn lên".

Trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với Quốc hội các nước trong khoá 9, thường trực Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội đã có sáng kiến, kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội cho thành lập "Tổ chức nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước" để đáp lại Quốc hội một số nước như Pháp, Nhật đã thành lập tổ chức nghị sĩ có thiện cảm với Việt Nam, ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam và trong hoàn cảnh mới, mở rộng tổ chức với một số Quốc hội có nhiều quan hệ gắn bó với ta. Đến nay đã phát triển trên ba mươi nhóm nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước.

Tôi vinh dự được cử làm Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật từ lúc thành lập đến bây giờ. Việc tôi làm Chủ tịch nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt - Nhật cũng mang tính lịch sử. Năm 1989, tôi được Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hoá Nhật Bản mời với danh nghĩa là Bộ trưởng Văn hoá Việt Nam sang thăm Nhật. Lúc đó, Việt Nam và Nhật Bản vẫn chưa có quan hệ chính thức về chính trị và kinh tế do mắc cấm vận của Mỹ. Vì vậy văn hoá đi đầu để dọn đường. Sau khi tôi ở Nhật về, trong dịp nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bảng Sưghi Ryôtarô sang thăm và biểu diễn ở Việt Nam, tôi cùng nghệ sĩ Sưghi khởi xướng thành lập Hội giao lưu văn hoá Nhật - Việt, được Thủ tướng Đỗ Mười nhiệt tình ủng hộ. Hội đó đến nay vẫn hoạt động có hiệu quả.

Trong những năm đầu 90 của khoá 9, trong cuộc đấu tranh đòi Mỹ bỏ cấm vận và thực hiện bình thường hoá quan hệ với Việt Nam, Viện ASPEN của Thượng nghị viện Mỹ đứng ra tổ chức cuộc đối thoại trực diện giữa một số nghị sĩ Mỹ, học giả, ký giả, thương gia Mỹ cùng ngồi trao đổi với các đại biểu quốc hội Việt Nam nhằm thúc đẩy quá trình bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt Nam sớm được thực hiện. Tôi đã tham gia hai cuộc đối thoại Việt Mỹ: năm 1992 ở nước cộng hoà Figi, năm 1993 ở bang Hawai của Mỹ. Trong các buổi đối thoại đó các ý kiến của đại biểu Quốc hội Việt Nam được tán đồng rộng rãi, về phía Mỹ, ý kiến tán thành nhiều hơn hẳn ý kiến phản đối bình thường hoá Mỹ - Việt Nam. Cuộc đối thoại tiếp tục tới khi Mỹ phải bỏ cấm vận với Việt Nam mới chấm dứt.

Qua những hoạt động trên đây, tôi chỉ tiếc một điều vì kinh phí còn hạn hẹp nên "Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam Hữu nghị với các nước" không thể tổ chức cho nhiều đại biểu Quốc hội Việt Nam mỗi khoá mở rộng giao lưu với nghị sĩ Quốc hội các nước bè bạn để các bạn hiểu rõ Việt Nam hơn, qua đó thúc đẩy thêm mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam, nhân dân Việt Nam với Quốc hội và nhân dân các nước không ngừng củng cố, tăng cường và phát triển.

Tôi mong rằng Quốc hội các khoá sau này tiếp tục duy trì và tạo điều kiện cho "Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước" hoạt động có hiệu quả hơn vì đây là bộ phận không thể thiếu trong nền ngoại giao nghị viện của nước ta.