UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI

 

MẤY KỶ NIỆM NHỎ KHI THAM GIA NGOẠI GIAO NGHỊ VIỆN

Hữu Thọ

Uỷ viên UBĐN Quốc hội (khoá IX, X)

 

Cử tri tỉnh Vĩnh Phú, sau này là Phú Thọ khi chia tỉnh đã bầu tôi là Đại biểu Quốc hội khoá IX và X. Trong mười năm hoạt động ở Quốc hội, tôi được Quốc hội đề cử là Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại với tư cách là nhà báo. Hoạt động trong lĩnh vực này tôi không có những kỷ niệm lớn như các đồng chí phụ trách Ủy ban, nhưng có những kỷ niệm làm cho tôi ngày càng hiểu thêm vị trí và vai trò của công tác ngoại giao nghị viện trong việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Khi tôi bắt đầu tham gia Quốc hội thì Quốc hội từng bước được đề cao trách nhiệm đúng vị trí quan trọng của nó. Nhưng thú thật là những định kiến về hoạt động "làm cảnh" vẫn còn trong quan niệm của một số đồng chí.

Còn nhớ lúc đó, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã hoạt động rất năng động, nhưng một số người vẫn cho rằng những chuyến đi công tác nước ngoài của Ủy ban ít thiết thực; ngay một số đồng chí có trách nhiệm trong cơ quan Nhà nước cũng phát biểu như thế tại một số phiên họp quan trọng. Điều đó có thể hiểu và thông cảm, vì lúc đó chúng ta đang mở rộng các quan hệ quốc tế, chủ yếu là mời gọi đầu tư, mà các Đoàn đại biểu Quốc hội lại không có thẩm quyền bàn bạc cụ thể, ký kết, khác với các Đoàn của Chính phủ.

Nhớ lại chuyến đi Mỹ năm 1997 với tư cách nhà báo nhưng bạn bè đều biết tôi là Đại biểu Quốc hội, cho nên những bạn quen biết thường trao đổi ý kiến khá thoải mái. Trong thời gian ở Mỹ tôi gặp nhiều người trong đó có chị Ratner là nhà trí thức lúc đó hoạt động trong tổ chức "Những nhà Mắc-xít trẻ" và chị Bacbara là phóng viên nổi tiếng của tờ báo Newyork Times. Đó là những bạn đã từng gặp nhau, làm việc với tôi ở Hà Nội, cho nên cũng có thể gọi là thân tình, có thể nói thẳng nhiều điều với nhau mà không e dè gì. Chị Bacbara tâm sự với tôi: Trong chiến tranh, các anh vận động hành lang rất giỏi nhất là với nhà báo và nghị sĩ. Nhưng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các anh chỉ hoạt động bằng con đường chính phủ, các nghị sĩ và nhà báo sang thăm thì bị coi thường thậm chí nghi ngờ, gây khó dễ. Các anh nên nhớ rằng ở Mỹ, ngoài vai trò Tổng thống thì nghị sĩ, nhà báo và doanh nhân có tiếng nói quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới các chính sách của Chính phủ. Còn nhớ khi đi công tác tại Philippine, gặp gỡ một nhà báo có cảm tình với ta và đã từng bị gây khó dễ trong hoạt đọng khi viết bài ủng hộ cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc của ta, cũng đã nói với tôi như vậy.

Qua những lời tâm sự của các bạn đó tôi càng hiểu thêm tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện phối hợp chặt chẽ với ngoại giao của chính quyền và ngoại giao nhân dân theo phương hướng, mục tiêu hoạt động đối ngoại chung. Tôi đã mang ý kiến đó trình bày với đồng chí Tổng bí thư với trách nhiệm là Ủy viên Trung ương Đảng hoạt động tại Quốc hội. Tôi không nghĩ rằng ý kiến của mình có tác động tới quan niệm của các đồng chí lãnh đạo mà chỉ kể một kỷ niệm để hiểu thêm trách nhiệm của mình, để trước hết đừng coi thường công việc của mình.

Hoạt động trong Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, một số lần cũng được tham gia các Đoàn của Ủy ban đi công tác nước ngoài. Trong những chuyến đi đó, các đồng chí Hoàng Bích Sơn và Đỗ Văn Tài là các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban các khoá tôi tham gia, đều giao cho tôi chuẩn bị các nội dung để tham gia đối thoại về vấn dân chủ, nhân quyền là vấn đề mà chuyến đi nào cũng phải tranh luận, có khi khá gay gắt để bảo vệ quan điểm của mình và cung cấp tài liệu để làm rõ thêm những điều hiểu lầm và bác bỏ những điều vu khống, xuyên tạc. Không có cuộc đối thoại nào dễ dàng. Tôi hiểu rằng các anh lãnh đạo Ủy ban trao cho tôi chuẩn bị và trả lời với tư cách nhà báo, còn các anh Hoàng Bích Sơn và Đỗ Văn Tài đều là những người có kinh nghiệm, với các cuộc đối thoại kiểu này. Các cuộc gặp gỡ, trao đổi ý kiến giữa nghị sĩ các nước thường thoải mái, họ hỏi thoải mái mà ta trả lời cũng thoải mái. Thoải mái nhưng mỗi bên đều không xa rời mục tiêu, cho nên khó là khó chỗ đó.

Còn nhớ lần gặp gỡ, trao đổi ý kiến với Đoàn Nghị sĩ Công đồng Châu Âu, một ông nghị sĩ người Bồ Đào Nha nói chuyện với tôi ngoài hành lang trong giờ nghỉ nhưng tôi biết rằng nói chuyện ngoài hành lang bên cốc cà-phê cũng là làm việc, có câu hỏi không tiện nêu ra ở cuộc họp chính thức thì nêu ra tại hành lang. Cũng có thể ông ấy thấy tôi là nhà báo cho nên có thể nói chuyện cởi mở hơn chăng. Ông hỏi ngay vào chuyện một linh mục vi phạm tội mà ta mới bắt giam, cho là ta kỳ thị tôn giáo. Với câu hỏi này chúng ta có thể trả lời: Trong nhà tù của chúng ta không có tù nhân chính trị, tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật, như Người phát ngôn chính thức của ta đã nhiều lần trả lời báo chí. Nhưng nói lại câu đó thì đúng nhưng lặp lại một công thức, nghe mãi một công thức thì người nghe thấy chán và có cảm giác người đối thoại thiếu thoải mái, không có ý kiến riêng.

Hôm đó tôi trả lời người bạn đồng nghiệp rằng: "Theo tôi biết thì ông vốn là linh mục đó đã bị bắt; không biết trong nhà tù của chúng tôi còn có người nào vốn là mục sư, nhà sư không. Nhưng ông nhớ cho rằng trong nhà tù của chúng tôi có hàng trăm người vốn là đảng viên cộng sản, chẳng lẽ vì thế mà cho chính quyền chúng tôi là chính quyền chống cộng hay sao. Tất cả những người đó đều vi phạm pháp luật, bị bắt, xử phạt theo pháp lật như ông vốn là linh mục kia vậy, mà thưa ông, chính quyền nào trên thế giới cũng có trách nhiệm bảo vệ luật pháp". Nghe tôi trả lời thế, tự nhiên ông bạn nghị sĩ châu Âu mất vẻ nghiêm nghị khi đối thoại về vấn đề phức tạp mà cười, nói: "Tôi đã nghe nhiều vị của nước ông trả lời câu hỏi ấy của tôi, nhưng cách trả lời của ông có nét riêng, lý thú".

Trong hoạt động đối ngoại ở Quốc hội, tôi đã được giao nhiều cuộc đối thoại khá phức tạp như chuyện tự do báo chí, chế độ sinh hoạt trong nhà tù. .. nhưng chỉ kể một, hai chuyện nhỏ không phải để kể công (vì thực ra không có công lao gì đáng kể) mà để thấy có thể tìm ra những câu trả lời khá thoải mái giữa các nghị sĩ theo quan điểm của ta chứ không chỉ trả lời "có", "không" hoặc những câu trả lời đã soạn sẵn, làm cho các cuộc đối thoại phong phú và hiệu quả.