UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI


 

LẦN ĐẦU TIÊN ĐI DỰ HỘI NGHỊ IPU

Đỗ Văn Tài

Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá X)

 

Tháng 4/1998, vừa mới chân ướt chân ráo sang nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá X, đ/c Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh cử tôi dẫn đầu đoàn địa biểu Quốc hội nước ta đi dự Hội nghị lần thứ 99 tổ chức Liên nghị viện Thế giới (IPU) tại Namibia, một nước ở Tây Phi. Cùng đi với tôi có anh Ngô Dũng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, anh Nguyễn Hữu Thọ, Ủy viên Uỷ ban Đối ngoại, anh Chí Dũng, Phó vụ trưởng và anh Hải Hà chuyên viên Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội.

Đấy là lần đầu tiên tôi tham dự IPU, kinh nghiệm chưa có gì, nhưng có anh Ngô Đảng, một chuyên gia về tổ chức này, đã từng dự nhiều lần Hội nghị của IPU, hiểu biết khá sâu về quá trình hình thành và phát triển của IPU, quen thuộc các nhân vật lãnh đạo và Ban thư ký IPU và các vị đứng đầu hoặc trưởng đoàn Quốc hội nhiều nước. Hàng ngày, trong hoạt động của mình, tôi và anh Ngô Dũng thường trao đổi với nhau, nhờ vậy tôi càng tiếp thu được những kinh nghiệm của anh để làm quen dần với công việc. Trong đoàn, có nhiều anh giỏi tiếng Anh, ngoài anh Ngô Dũng, còn có các anh Nguyễn Chí Dũng, Hải Hà cũng thông thạo về IPU và tiếng Anh. Riêng tôi, có thuận lợi một chút là với vốn tiếng Tây Ban Nha là ngoại ngữ chính của tôi đã giúp tôi tiếp xúc trực tiếp với ông Chủ tịch IPU lúc đó là người Tây Ban Nha và ông Thư ký IPU Johnson, là người Thuỵ Điển nói tiếng Tây Ban Nha rất thạo, vợ ông là người Mexicô cho nên ngay buổi đầu gặp nhau ở Namibia, chúng tôi đã làm quen và trở nên thân thiết với nhau rất nhanh.

Khi chuẩn bị các nội dung và các khâu khác để đoàn lên đường, anh Ngô Dũng đã nói với tôi, ở Hội nghị này tiếng Tây Ban Nha là một trong bốn thứ tiếng chính được dùng trong Hội nghị gồm Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và tôi có thể phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha ở diễn đàn Hội nghị. Tôi thấy phấn chấn vì như vậy là mình đã có đất để dụng võ, và anh em trong Vụ đối ngoại đã chuẩn bị cho ta bài diễn văn bằng tiếng Tây Ban Nha.

Vào Hội nghị, đến lượt đoàn Việt Nam lên phát biểu tôi được mời lên diễn đàn. Tôi ung dung đi lên, tuy có tự tin nhưng cũng không khỏi đôi chút ngỡ ngang trước một cử toạ hàng nghìn người gồm những vị chủ tịch, phó chủ tịch và đoàn đại biểu Quốc hội hơn 100 nước. Mặc dù thời gian ở Ban Đối ngoại tôi cũng đã đi dự đại hội nhiều Hội nghị quốc tế ở khu vực Mỹ La tinh với tư cách là Trưởng đoàn Việt Nam, tôi cũng đã sử dụng tiếng Tây Ban Nha đã phát biểu trên các diễn đàn này, nhưng hôm ấy ở Hội nghị IPU, lần đầu tiên tôi được tham dự, cũng không tránh khỏi hồi hộp đứng trước diễn đàn quốc tế rộng rãi này.

Khi tôi đọc diễn văn, tôi nghĩ chắc mọi người tỏ vẻ ngạc nhiên vì lâu nay đoàn Việt Nam và các đoàn châu Á khác thường đọc tiếng mẹ đẻ của mình hoặc tiếng Anh, chưa có ai đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, vì chỉ có đoàn Tây Ban Nha và các đoàn Mỹ La tinh là dùng tiếng Tây Ban Nha thôi.

Một điều khích lệ với tôi hôm đó là sau khi tôi phát biểu xong và về chỗ ngồi, vài phút sau thấy một đại biểu đến ngồi cạnh tôi, ôm hôn tôi và tự giới thiệu anh là người Tây Ba Nha và nói "Tôi chúc mừng Anh về bài phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha của Anh, thật tuyệt vời (excelente), xin chúc mừng anh, vì lần đầu tiên tôi được nghe một vị đại biểu Quốc hội người châu Á phát biểu bằng tiếng Tây Ban Nha ở diễn đàn IPU. Nghe anh nói, tôi càng xúc động và thấy buổi ra quân đầu tiên đã được bạn bè, lại là người Tây Ban Nha cổ vũ và khích lệ.

Và từ ấy, trong các kỳ họp khác của IPU tôi đều dùng tiếng Tây Ban Nha để phát biểu và giao dịch. Nói đến đây, tôi không khỏi không nghĩ về Cuba, nơi các thầy cô giáo đã dầy công chăm sóc và dạy bảo những sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Cuba học tiếng Tây Ban Nha theo sáng kiến của Chủ tịch Fidel Castro để sau này phục vụ mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước Mỹ La tinh, và đối với tôi, bây giờ còn phục vụ cho công tác và quan hệ của tôi với Quốc hội các nước và tổ chức liên nghị viện thế giới. Cám ơn Cuba, cám ơn Fidel!

Một kỷ niệm nữa đối với tôi khi sang dự IPU ở Namibia, trên đường đi, tôi cũng nghĩ một nước nghèo và nhỏ bé như Namibia, lại vừa ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng không lâu, thế mà các bạn dám đăng cai một Hội nghị quốc tế lớn như IPU - Liệu Việt Nam mình có làm được không?

Xuống sân bay của Windhock, thủ đô Nambia, các bạn Namibia ra đón rất nhiệt tình, cờ trống với những điệu nhảy đậm nét châu Phi chào mừng đoàn. Chúng tôi thấy cảm động và có ấn tượng rất đẹp về đất nước, con người ở đây. Với tôi, không phải lần đầu đến đất Tây Phi nhưng lần này hơi khác, xuống khỏi máy bay, các bạn mời chúng tôi lên xe và đưa chúng tôi về nơi ở.

Tôi thấy hơi lạ, xe dẫn chúng tôi không phải vào trung tâm thủ đô mà cứ lao về vùng ngoại ô thăm thẳm với những ngọn đồi, lùm cây và những khu nhà tuy san sát nhưng hơi nặng nét đồng quê, xa dần thành phố và cuối cùng, xe đưa chúng tôi vào một trang trại ở chân một ngọn đồi. Không phải khách sạn, cũng không phải nhà khác như những nước khác tôi đã từng đi thăm. Một trang trại với hai căn nhà một tầng, có hành lang bao quanh. Bạn mời chúng tôi vào nhà và giới thiệu đây là nơi ở của đoàn.

Cảm giác đầu tiên của tôi là mình ở một nơi thật yên tĩnh, mát mẻ, có vườn cây và không khí trong lành. Tôi thấy thú vị khác với những khu phố đông dân, những nhà cao tầng ồn ào, náo nhiệt.

Chúng tôi thu xếp chỗ ở xong thì bạn mới chỉ ra ngoài giới thiệu với chúng tôi. Họ là chủ trang trại, không phải là người bản xứ mà là dân ngụ cư, quốc tịch Đức và đã sang ở đây rất nhiều năm. Họ còn trẻ và có 2 con một trai, một gái. Chính họ là người sẽ chăm lo việc ăn ở của chúng tôi trong những ngày ở đây. Hàng ngày, xe của Ban tổ chức hội nghị đưa đón chúng tôi ra thủ đô để dự họp, trưa ăn ở Hội nghị và chiều trở về trang trại. Cơm tối, do gia đình lo nấu giúp và chúng tôi ăn chung với họ. Chồng chị thường dậy sớm để lo bữa sáng cho chúng tôi ăn để kịp đi họp, và ngày qua ngày, với nhịp sống như vậy cho đến khi kết thúc hội nghị.

Đi dự một hội nghị quốc tế lớn, không ở khách sạn sang trọng mà lại ở chung với gia đình người dân ở ngoại ô, chắc ít ai nghĩ tới. Những ngày ở trang trại, chúng tôi và gia đình chủ trang trại đã sống chan hoà với nhau.

Sau một ngày họp hành căng thẳng, có thú vui nào bằng trở về trang trại với không khí trong lành, yên tĩnh, thật thanh bình! Nói là ở trang trại, nhưng bạn tạo mọi điều kiện tiện nghi cho sinh hoạt của đoàn. Đặc biệt là lo an ninh cho đoàn. Ở đây chúng tôi đã làm quen với một đội cảnh vệ ngày đêm lo canh gác, tuần tra lo cho cuộc sống, an toàn của khách. Họ là những chiến sĩ SWAPO (tên của một phong trào giải phóng Namibia) đã từng chinh chiến để đấu tranh cho nền độc lập của đất nước Tây Phi này và SWAPO bây giờ đã trở thành Đảng cầm quyền ở Namibia.

Hồi tôi công tác ở Ban Đối ngoại trung ương Đảng, tôi cũng có dịp tiếp và làm việc với một số vị lãnh đạo và cán bộ cao cấp SWAPO sang Việt Nam nghiên cứu kinh nghiệm. Có thể nói mối quan hệ của ta với SWAPO cũng là mối quan hệ truyền thống, cùng chung một chiến hào chống đế quốc vì sự nghiệp giải phóng và độc lập dân tộc.

Phải chăng, với tình cảm truyền thống đó, mà bạn đã dành cho Đoàn Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp đặc biệt, rất giản dị nhưng thật thân tình, không xa hoa và đậm đà tình đồng chí, tình bạn chiến đấu.

Những ngày ở trang trại, có thể nói chúng tôi đã được sống rất thoải mái, những bữa cơm, các cháu ngồi quây quần quanh bàn ăn, và trước khi ăn, vợ chồng chủ trại và các con anh chị không quên cầu kinh theo phong tục của đạo Thiên chúa giáo. Họ cầu những điều tốt lành cho Đoàn và gia đình mình.

Tối đến, chúng tôi và anh chị chủ nhà cùng ngồi xem tivi hoặc ra ngoài sân ngắm trăng, ngồi trò chuyện tâm sự với các chiến sĩ cảnh vệ. Những ngày không họp, anh chủ trại thường tổ chức cho chúng tôi đi dã ngoại, ăn thịt cừu nướng và đặc biệt ít người trong chúng tôi được thưởng thức đi quanh trang trại xem những bầy đà điểu mà họ nuôi ở trong rừng. Thật là thú vị khi xe chúng tôi bị đà điểu đuổi, xe đi qua vùng nuôi đà điểu cũng phải được bảo vệ, đề phòng đà điểu cắn phải ai đó. Những con đà điểu cao to, cao hơn cả thành xe của chúng tôi nên ai nấy đều phải thận trọng trong cuộc đi chơi.

Kỳ thú và không kém phần nguy hiểm. Nhiều con đà điểu dữ lắm, cứ xông vào xe của đoàn, không chút sợ hãi.

Một điều vui hơn là vào dịp hội nghị cũng ở trang trại với chúng tôi, bạn đã bố trí Đoàn Quốc hội Lào - Trưởng đoàn là anh Thoong Lun, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Lào. Đoàn Lào ở một căn nhà cũng rộng gần bằng căn nhà của Đoàn Việt Nam. Do ở gần nhau, các bạn Lào và chúng tôi cũng có điều kiện trao đổi với nhau và những vấn đề cùng quan tâm ở Hội nghị, cùng chung vui, trong những đêm trăng dưới ánh đèn mờ mờ của trang trại, trong những ngày nghỉ đi dã ngoại ăn thịt nướng và xem "những chú đà điểu" đuổi rượt xe của Đoàn giữa rừng đồi thoai thoải quanh trang trại. Vào những ngày gần kết thúc Hội nghị thì Đoàn Lào chuyển vào trung tâm thành phố ở khách sạn để tiện cho một số hoạt động song phương của các bạn. Đã quen biết nhau từ lâu, anh Thong Lun và tôi lại thấy luyến tiếc những ngày cùng chung sống trong cái trang trại xinh đẹp và yên bình này. Một điều mà sau này chúng tôi có muốn cũng không thể có. Có lẽ đây cũng là kỷ niệm khó quên đối với tôi và các đ/c Việt Nam với anh Thoong Lun và đoàn Lào trong đời hoạt động đối ngoại của mình. Sau này, mỗi lần gặp nhau trong các hội nghị IPU, anh Thoong Lun và tôi vẫn thường nhắc lại giây phút êm đềm này.

Tạm biệt các bạn Lào và cũng còn ít ngày nữa, chúng tôi cũng lại phải chia tay với các bạn Namibia, với gia đình anh chị người Đức và hai cháu, và những nam nữ chiến sĩ SWAPO, những người ngày đêm nắm chắc tay súng canh giữ cho giấc ngủ yên lành của những người bạn và người đồng chí trong đoàn Quốc hội Việt Nam, những người con của hai dân tộc ở rất xa nhau nhưng đã gắn bó với nhau trong quá khứ đấu tranh và trong hiện tại xây dựng hoà bình. Tôi không phải nhà thơ, nhưng quá xúc động trước những tình cảm đồng chí sâu sắc mà các bạn SWAPO đã dành cho chúng tôi ở trong cái trang trại với những con người đáng yêu này, tôi có làm bài thơ tặng các chiến sĩ SWAPO. Bài thơ này đã được đăng trong tập thơ "Tiếng thơ Ba Đình" của Công đoàn văn phòng Quốc hội xuất bản năm 2004. Tôi xin được ghi lại đây để ôn lại những kỷ niệm khó quên đối với tôi trên đất nước Namibia tươi đẹp với truyền thống cách mạng hào hùng.

 

Em gái SWAPO

 

Đêm

Trăng tròn lơ lửng

Giữa trời cao mênh mông

Em

Tay cầm chắc s úng

Lặng lẽ đứng bên thềm

Canh cho anh giấc ngủ

Nơi điền trang bao la

Anh

Thương em thiết tha

Thao thức đêm không ngủ

Qua cửa sổ nhìn ra

Em

Cô gái Namibia

Chỉnh tề trong trang phục

Từng chinh chiến sông pha

Anh

Thấy lòng xót xa

Thương dân em còn khổ

Vừa ra khỏi chiến tranh

Bốn bề bao cay đắng

Vững bước trong đấu tranh

Vì tương lai tươi sáng

Đêm

Lặng lẽ xuống dần

Chỉ còn tiếng dế kêu

Giữa điền trang hiu quạnh

Nhưng lòng anh ấm hơn

Có SWAPO đứng cạnh

Canh giấc ngủ ngon lành

Cho bạn bè đồng chí

Em

Cô gái SWAPO

Ai thương em bằng anh

Những người cùng cảnh ngộ

Cùng hy sinh chiến đấu

Vì hạnh phúc mai sau

Vì tự do độc lập

Anh

Mai về quê hương

Tổ quốc Việt Nam yêu quý

Mang nặng tình đồng chí

Na-mi-bi-a quê em

Với niềm tin chắc chắn

SWAPO vẫn vững vàng !

1998