UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI


 

MỘT KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

Vũ Mão

Chủ nhiệm UBĐN Quốc hội (khoá XI)

 

Trong chuyến thăm và làm việc tại Italia tháng năm 2004, Đoàn đại biểu Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam có buổi làm việc với Uỷ ban Đối ngoại Hạ nghị viện nước này. Về phía bạn có Chủ tịch Ủy ban là ngài Gustavo Selva và các đồng nghiệp. Selva là người của Đảng cầm quyền, theo xu hướng cực đoan. Ông đã bảy mươi sáu tuổi và là một nhà báo lão luyện, rất nổi tiếng.

Sau những cái bắt tay thân mật, ngay vào đầu câu chuyện, ngài Selva đã nói luôn một mạch:

- Tôi được biết ở Việt Nam vẫn là quốc gia độc Đảng. Các ngài không tôn trọng dân chủ nhân quyền, đàn áp người Thượng ở Tây Nguyên...

Nghe những lời phủ đầu nặng nề và vũ đoán, tôi rất ngạc nhiên. Đêm hôm ấy tôi không sao ngủ được, tôi ghi lại mấy vần thơ về buổi làm việc ấy với tiêu đề:

 

Gustavo Selva - Điều cần lý giải

Cuộc hội đàm diễn ra như từ một phía

Bởi ông ta thuyết giảng quá nhiều

Nào giá trị tinh thần

Nào đa nguyên đa đảng

Rồi đạo lý, công bằng

Tôn trọng nhân quyền, tự do tôn giáo

Nào là cuộc nổi dậy của người Thượng ở Tây Nguyên

bị đàn áp...

Trực diện, ông ta đặt nhiều câu hỏi, không nề hà

Tôi định lần lượt trả lời, ông ta lướt át

Rồi thao thao lên giọng dạy đời

Khuyên Việt Nam không nên theo mô hình Trung Quốc

Bởi thế chế chính chuyên, rất thiếu nhân quyền

Họ chiếm đất đai, đàn áp người Tây Tạng...

 

Tôi thầm nghĩ trong lòng

Như thế, sao còn gọi là hội đàm đôi bên nữa!

Nén quá lâu, tôi cau mày với nét vẻ bất bình

Ông ta cảm thấy một điều gì đấy, vội thanh minh...

Ngừng giây lát, ông ta lại tranh thủ nói:

"Tôi là nhà báo chuyên nghiệp từ lâu,

mắc chứng nói nhiều,

còn chính trị thì khó lắm,

đối với tôi chỉ là a-ma-tơ".

Câu chuyện qua lại, kéo dài, tiếp nối

Tôi hiểu, ông chưa một lần tới Việt Nam

Nên ngỏ lời mời ông, chân thành, tha thiết

Ông vui vẻ nở nụ cười:

"Tôi rất muốn đến Việt Nam,

đó là điều tôi mong chờ, hằng mơ ước

Tôi sẽ tới Việt Nam

khi nào có đa nguyên, đa Đảng".

 

Thật trái ngang, chả lẽ cứ kéo dài câu chuyện ấy ư?

Tôi cắt ngang lời ông ấy, chuyển sang chuyện khác

Tôi hỏi ông ta về đất nước Italia

Một nét cười sảng khoái, khà khà:

"Chuyện ấy ư, nếu kể ra dài lắm"...

 

Đêm ấy thức hoài, suy nghĩ triền miên

Trong tôi nặng trĩu nỗi niềm riêng

Bởi ngờ đâu hôm nay có chuyện lạ

Cuộc đời tôi

chưa gặp một chính khách như thế bao giờ...

Gustavo selva - Những điều cần lý giải!

 

Diễn biến của câu chuyện là thế. Tôi lật đi lật lại vấn đề để tự lý giải. Chính trong câu chuyện của Selva, tôi có thêm một thông tin quan trọng. Ông mang theo rất nhiều tài liệu về Việt Nam do Võ Văn Ái, Ksor Kơk... gửi tới và bộc bạch:

- Những ý kiến mà tôi nói với các ông được lấy từ những tài liệu đó. Họ nói rất rõ rằng, người Kinh lên Tây Nguyên lấy đất của người Thượng, đạo Tin lành bị cấm và bị đàn áp tại nơi đây.

Tôi có ý trách ông, chỉ nghe thông tin một chiều. Ông vặn lại tôi:

- Thế sao các ông không cung cấp cho chúng tôi những tài liệu về Việt Nam.

Tôi đáp lại:

- Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các ông những tài liệu cần thiết.

Tuy nói thế nhưng tôi tự trách, công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của mình còn yếu quá.

Sau đợt công tác, khi về nước tôi đã tiến hành một số công việc như:

- Tổ chức Đoàn công tác của Uỷ ban Đối ngoại vào Tây Nguyên xuống tận cơ sở để khảo sát tình hình. Trên cơ sở đó, có các bài viết gửi tới Nghị sĩ một số nước giúp cho họ những thông tin, hiểu biết thêm về tình hình Việt Nam. Đối với lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên có những buổi làm việc, kiến nghị với các đồng chí cần quan tâm giải quyết các vấn đề đất cho dân sản xuất, chăm lo đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho bà con.

- Chủ động đặt vấn đề với một số cơ quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá - Thông tin, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Thông tấn xã, Đài phát thanh,

Đài Truyền hình Trung ương, Ban Tôn giáo... nghiên cứu để có kế hoạch và tiến tới xây dựng chiến lược thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Đưa ra thảo luận trong Thường trực Uỷ ban Đối ngoại việc xây dựng Bản tin Đối ngoại Quốc hội, kịp thời gửi đến Quốc hội và Nghị sĩ các nước để họ hiểu thêm về Việt Nam. Nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được việc đó. Tôi muốn gửi gắm ý tưởng này tới Uỷ ban Đối ngoại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII.