UỶ BAN ĐỐI NGOẠI NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ

Phần thứ ba

HỒI ỨC CỦA MỘT SỐ THÀNH VIÊN UỶ BAN ĐỐI NGOẠI

CỦA QUỐC HỘI VÀ CÁN BỘ VỤ ĐỐI NGOẠI


 

HAI MƯƠI NĂM NHÌN LẠI

Trần Xuân Anh

Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - VPQH (1991-1994)

 

Xuân đã về trên nhành non lá mới

Bạn đời ơi! Hãy vui với trời hồng

Tố Hữu

 

Hai mươi năm đã qua kể từ khi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta phát động năm 1986. Đất nước ta đã thực sự bước vào mùa xuân. Hoa thơm qua ngọt đầu mùa đã đến. Cách mạng Việt Nam đang thế đi lên.

Năm 2006 được thế giới tôn vinh là Năm Việt Nam. Nền ngoại giao Việt Nam đã viết nên những trang sử vàng chói lọi: Việt Nam tổ chức thành công hội nghị APPEC, được kết nạp vào WTO, được đề cử là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong đó có sự đóng góp xứng đáng của nền ngoại giao Nghị viện Việt Nam trẻ tuổi.

Hai mươi năm trước, Việt Nam còn lún sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội trầm trọng, nằm trong vòng vây cấm vận, bị công kích nhiều phía. Hơn nữa, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã làm mất chỗ dựa chủ yếu của Việt Nam, tưởng chừng Việt Nam không thể thoát khỏi sự diễn biến của con bài Domino.

Thế mà, Cách mạng Việt Nam đã vượt khỏi giai đoạn trầm kha ấy và vững bước đi lên, "rũ bùn đen đứng dậy chói loà". Chính sự nghiệp đổi mới đầy sáng tạo của Việt Nam đã tạo nên kỳ tích đó.

Kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng Quốc tế", đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ Quốc tế, tích cực chủ động hội nhập Quốc tế, cùng tiến bước với bè bạn khắp năm châu, do đó, trong một thời gian không dài, nước ta đã thoát khỏi sự cô lập, ngày càng mở rộng quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trong khu vực và thế giới.

Nền ngoại giao Nghị viện Việt Nam cũng có những bước tiến vượt bậc.

Trước thời kỳ đổi mới, quan hệ đối ngoại của quốc hội ta chủ yếu bó hẹp trong phạm vi các nước XHCN và vài nước láng giềng. Quan hệ đối ngoại quốc hội chưa thể mở rộng bởi tác động của cuộc chiến tranh ác liệt, sự đối đầu giữa hai phe, và sự hạn chế của tư duy đối ngoại. Năm 1059, Quốc hội nước ta xin gia nhập Liên minh Nghị viện thế giới IPU, nhưng bị IPU khước từ với lý do "chưa đủ thông tin cần thiết"! Trong lúc đó, IPU với sự thao túng của phương Tây lại kết nạp Nghị viện Sài Gòn từ 1957.

Mãi đến sau khi nước ta hoàn toàn giải phóng, tháng 4 năm 1979 Quốc hội nước ta mới trở thành là thành viên của Liên minh Nghị viện thế giới. Tiếp đó nước ta lại phải đối phó với những vấn đề gay gắt về chiến tranh Campuchia, về chiến tranh biên giới và sự cấm vận quốc tế...

Sau khi tiến hành sự nghiệp đổi mới, nhất là trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20, nền ngoại giao Việt Nam đã có những bước phát triển lớn: Bình thường hoá quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam gia nhập ASIAN. Năm 2006 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, đỉnh cao của quá trình hội nhập quốc tế. Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Nghị viện Đông Nam Á AIPO và là thành viên của nhiều tổ chức Liên Nghị viện khác như APF, APPF, APPU, APPD...

Như vậy, qua 20 năm kiên trì phấn đấu theo đường lối ngoại giao đổi mới, nền ngoại giao Nghị viện Việt Nam đã khẳng định được vị thế quốc tế của mình.

Về lực lượng đối ngoại của Quốc hội ta cũng không ngừng trưởng thành, từ chỗ Uỷ ban Đối ngoại không có đại biểu chuyên trách nay đã có đủ các Ủy viên thường trực. Vụ đối ngoại của Văn phòng Quốc hội lúc đầu chỉ có 5 đến 7 cán bộ nay đã lên tới con số 25, đa phần là cán bộ trẻ và được đào tạo cơ bản, là nòng cốt phục vụ cho mọi hoạt động đối ngoại của Quốc hội.

Là người con của đất Việt, là người chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại, hai mươi năm nhìn lại, chúng ta có quyền tự hào về "Dáng đứng Việt Nam" trong thời chiến và cũng tự hào về "Dáng đứng Việt Nam" trong thời bình, ngẩng cao đầu nhìn trời cao biển rộng và lắng nghe "Vần thắng vút lên cao" trong lời thơ của Bác.

Xuân Đinh Hợi - 2007