QUỐC HỘI VIỆT NAM TRONG QUÁ TRÌNH
GIA NHẬP LIÊN MINH QUỐC HỘI
Phạm Quốc Bảo
Vụ trưởng Vụ Đối ngoại - VPQH (1997-2004)
Sự ra đời của Liên minh Quốc hội
Liên minh Quốc hội ra đời trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản châu Âu sau khi kết thúc giai đoạn phát triển tự do cạnh tranh, bước sang giai đoạn độc quyền và đã dần chuyển sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Do nhu cầu xuất khẩu tư bản, các cường quốc đã không ngừng xâm chiếm thuộc địa, dẫn đến mâu thuẫn giữa các nước đế quốc xung quanh vấn đề thị trường và thuộc địa ngày càng sâu sắc. Trong giai đoạn này, chiến tranh được sử dụng như một phương tiện phổ biến để giải quyết mâu thuẫn giữa các quốc gia.
Trong bối cảnh như vậy, ý tưởng tập hợp các nghị sĩ của tất cả các nước cùng ủng hộ cho một kế hoạch hòa giải đã ra đời. Năm 1849, Victor Hugo đã đưa ra ý tưởng thành lập một nghị viện châu Âu trong tương lai. Hai mươi năm sau, vào thời điểm nổ ra chiến tranh Pháp - Phổ, hai nghị sĩ người áo là Henry Richard và Robert von Walterskirchen đã đưa ra ý tưởng thành lập một Hội đồng đa quốc gia hay Liên minh Quốc hội thế giới. Chương trình của Henry Richard đã được đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau tại Quốc hội Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển, Bỉ và Hà Lan.
Từ giữa thế kỷ XIX, những người đấu tranh vì hòa bình thuộc nhiều tầng lớp khác nhau đã có ý tưởng tập hợp các nghị sĩ của tất cả các quốc gia lại trong một tổ chức. Như vậy, việc thành lập Liên minh Quốc hội được coi như là một tất yếu khách quan và là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để thành lập được một tổ chức quốc tế như vậy đòi hỏi phải có những người có tâm huyết và hiểu biết sâu sắc ý nghĩa quan trọng của Liên minh Quốc hội và phải có những hành động thiết thực để thực hiện ý tưởng này. Những người đó chính là hai nghị sĩ William Randal Cremer (1828 - 1908) người Anh, và Frédéric Passy (1882 - 1912) người Pháp. Tuy xuất thân từ thành phần xã hội khác nhau, Frédéric Passyy thuộc dòng dõi quý tộc thuộc dòng dõi quý tộc Pháp, William Randal Cremerr là một người thợ mộc nghèo khó ở nước Anh, nhưng hai ông đều có nguyện vọng tha thiết là đem lại hòa bình cho thế giới và chính nguyện vọng này đã gắn kết hai ông lại với nhau và trở thành những người đồng sáng lập ra Liên minh Quốc hội.
Theo sáng kiến của William Randal Cremerr và Frédéric Passy, Hội nghị quốc tế đầu tiên của các nghị sĩ đã được tổ chức tại khách sạn Continental ở Paris trong hai ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1889. Tham gia Hội nghị có 96 nghị sĩ của 9 quốc gia trên thế giới, trong đó có 55 đại biểu Pháp, 28 đại biểu Anh, 5 đại biểu Italia, còn lại 6 đại biểu của các nước Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hungary, Mỹ và Liberia, mỗi nước 1 đại biểu. Ngày 30-6, các đại biểu đã thông qua quyết định đưa Hội nghị này thành một thể chế bền vững với tên gọi là Hội nghị Liên Nghị viện về Trọng tài (Inter-Parliamentary Conference for Arbitration) và coi đây là quyết định thành lập tổ chức Liên Quốc hội đầu tiên trên thế giới. Đến năm 1899 thì chính thức đổi tên là Liên minh Quốc hội các nước hay Liên minh Nghị viện thế giới (Inter-Parliamentary Union - IPU).
Mục tiêu ban đầu của tổ chức này là giải quyết các cuộc xung đột thông qua trọng tài. Qua quá trình hình thành và phát triển, Liên minh Quốc hội đã trở thành một tổ chức quốc tế của các nghị viện quốc gia có chủ quyền, là trung tâm đối thoại và là diễn đàn ngoại giao nghị viện toàn cầu để các nhà lập pháp bày tỏ quan điểm và chính kiến của mình về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm, góp phần gìn giữ hòa bình và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các dân tộc, nhằm thiết lập các thể chế dân chủ đại diện bền vững.
Cùng chung mục tiêu với Liên hợp quốc, Liên minh Quốc hội hỗ trợ các nỗ lực và hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc, các tổ chức Liên nghị viện khu vực, các tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ cùng phấn đấu vì lý tưởng chung.
Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội
Là cơ quan lập pháp của một quốc gia độc lập có chủ quyền, Quốc hội Việt Nam có đầy đủ điều kiện để tham gia Liên minh Quốc hội. Phù hợp với Điều 3 của Điều lệ Liên minh Quốc hội. Quá trình gia nhập Liên minh Quốc hội của Quốc hội Việt Nam diễn ra trong 20 năm, qua các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1959 - 1969
Sau khi Hiệp định Genène được ký kết ngày 20 tháng 07 năm 1954, hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương, nước ta bước vào một giai đoạn mới: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng sống dưới chế dân chủ nhân dân, miền Nam còn nằm dưới chế độ độc tài của Ngô Đ ình Diệm. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong giai đoạn này là tranh thủ các diễn đàn quốc tế để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, củng cố và phát triển tình hữu nghị, đoàn kết giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước XHCN anh em. Ngay từ những năm đầu mới giải phóng, Đ ảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến đã có chủ trương gia nhập Liên minh Quốc hội.
Tại kỳ họp lần thứ 46 của Đ ại hội đồng Liên minh Quốc hội họp ở London từ ngày 12 đến 19 tháng 09 năm 1957, do tác động của các Đoàn Quốc hội các nước XHCN, Hội nghị đã quyết nghị sẽ xem xét việc gia nhập Liên minh Quốc hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó, Hội nghị cũng đã chấp nhận Việt Nam Cộng hòa (miền Nam Việt Nam) vào Liên minh Quốc hội. Trước tình hình đó, các Đoàn Quốc hội các nước XHCN anh em, đặc biệt là Liên Xô và Tiệp Khắc đã nhiều lần đề nghị Quốc hội ta nên gia nhập Liên minh Quốc hội.
Ban Thường trực Quốc hội cũng đã nhiều lần bàn đến vấn đề này và cho rằng, nếu Quốc hội ta gia nhập Liên minh Quốc hội thì sẽ có lợi về chính trị trong việc nâng cao uy tín và vị trí quốc tế của nước ta, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta Nhưng việc xin gia nhập Liên minh Quốc hội lúc đó còn gặp một số trở ngại:
Khi bỏ phiếu trong Liên minh Quốc hội thì phải nói rõ Quốc hội mình đại diện cho bao nhiêu dân số. Quốc hội ta do nhân dân toàn quốc bầu ra, nhưng nếu ta tự nhận là đại diện cho 25 triệu nhân dân cả nước thì chưa ổn. Còn nếu ta tuyên bố đại diện cho 14 triệu nhân dân miền Bắc thì như là chúng ta đã thừa nhận sự chia cắt của nước nhà.
Do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội ta 13 năm chưa được bầu lại. Các thế lực phản dộng có thể lợi dụng điểm đó để vận động bác bỏ đơn xin gia nhập của ta.
Vì những lý do trên nên Ban Thường trực Quốc hội đã tạm gác vấn đề xin gia nhập Liên minh Quốc hội lại. Tuy nhiên, sau này xung quanh vấn đề Liên minh Quốc hội có một số sự kiện mới là: Xu hướng chung của Liên minh Quốc hội lúc này là muốn mở rộng thành phần, bao gồm nhiều nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau.
Liên Xô và các nước XHCN, các nước tiến bộ ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong Liên minh Quốc hội.
Nhiệm kỳ mới của Ban chấp hành Liên minh Quốc hội có Liên-xô và một số nước tiến bộ đóng vai trò quan trọng trong việc xem xét và chấp nhận đơn xin gia nhập Liên minh của các nước.
Tại Hội nghị lần thứ 48 của Đ ại hội đồng Liên minh Quốc hội họp ở Warsaw (Ba-lan) tháng 08 năm 1959, Đoàn Liên-xô và Ba-lan lại đề cập vấn đề gia nhập Liên minh Quốc hội của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định đưa vấn đề này ra để báo cáo xin ý kiến Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ lần thứ 10 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, họp tại thủ đô Hà Nội từ ngày 20 đến 27 tháng 05 năm 1959. Trong phiên họp riêng vào lúc 19 giờ 30 ngày 25 tháng 05 năm 1959, Quốc hội đã bàn thảo về vấn đề gia nhập Liên minh Quốc hội. Phiên họp này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc quyết định chủ trương Quốc hội nước ta gia nhập Liên minh Quốc hội. Đây là lần đầu tiên Quốc hội bàn định về vấn đề này.
Tham gia Đoàn Chủ tịch phiên họp có: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ông Hoàng Văn Hoan, Ông Tôn Quang Phiệt, Ông Dương Đức Hiền và Ông Nguyễn Văn Hưởng.
Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, Ông Trần Đình Tri, thư ký kỳ họp, báo cáo về vấn đề Quốc hội ta gia nhập Liên minh Quốc hội và cho rằng: “Điều kiện khách quan biến chuyển có lợi cho ta. Còn về chính sách đối ngoại của ta lúc này là cần ra sức tranh thủ tham gia nhiều diễn đàn và các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc và các các tổ chức tiến bộ khác để đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Vì vậy, Ban Thường trực Quốc hội thấy cần nêu vấn đề này ra để Quốc hội xem xét, nếu cân nhắc có lợi thì ta nên thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa để xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Trong tình hình hiện nay, việc xin gia nhập là có lợi ích cho ta, cho cả phe ta. Đây là đường lối đúng, hợp thời, cần phải đấu tranh để được vào Liên minh Quốc hội. Ông Trần Đình Tri đã đề nghị Quốc hội xem xét và quyết định về nguyên tắc Quốc hội ta có nên xin gia nhập Liên minh Quốc hội hay không?
Sau khi nghe ông Trần Đình Tri báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra ý kiến để Quốc hội bàn bạc dân chủ và đề nghị: “Quốc hội chỉ thảo luận tập trung vào vấn đề Quốc hội ta có nên xin gia nhập hay không nên gia nhập Liên minh Quốc hội. Sau khi thảo luận, Quốc hội đã nhất trí là: “Quốc hội ta nên xin gia nhập Liên minh Quốc hội để tỏ cho thế giới thấy thiện chí của ta với mọi hoạt động quốc tế có tính chất đoàn kết nhân dân các nước, đẩy mạnh sự hợp tác hòa bình cũng là một dịp để nêu cao ý nghĩa Quốc hội ta là đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam.
Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường trực Quốc hội đã tiến hành các thủ tục cần thiết gửi Chủ tịch Liên minh Quốc hội, lúc đó là ông Giuseppe Codacci-Pisanelli và Tổng Thư ký André de Blonay để xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Nhưng lúc bấy giờ, trên thực tế tổ chức Liên minh Quốc hội bị các thế lực thù địch thao túng nên đã trì hoãn xem xét việc xin gia nhập của ta, lấy lý do là để tìm hiểu thêm. Sau này, do hoàn cảnh chiến tranh, Quốc hội ta không đặt vấn đề xin gia nhập Liên minh nữa.
Giai đoạn 1969 -1979
10 năm sau, đến năm 1969 tình hình trong nước và thế giới có nhiều chuyển biến mới.
Ngày 10 tháng Giêng năm 1969, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Đ ảng đoàn Quốc hội đã họp và nhận định rằng: “Tổ chức Liên minh Quốc hội đã và đang bị các thế lực phản động thao túng, trên thực tế không có ảnh hưởng và tác dụng bao nhiêu. Vì vậy Đảng đoàn Quốc hội nhất trí không đặt vấn đề xin gia nhập Liên minh Quốc hội.
Ngày 25 tháng Giêng năm 1969 Hội nghị bốn bên về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam khai mạc tại Paris. Ngày 06 tháng 06 năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời. Đánh dấu bước phát triển mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27 tháng Giêng năm 1973, các Đoàn Liên Xô, Tiệp Khắc và Tổng Thư ký Liên minh Quốc hội Pio Carlo Terenzio đã gợi ý ta xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Trong phiên họp ngày 15 tháng 06 năm 1973, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vấn đề này ra bàn bạc và nhận thấy rằng: “Việc gia nhập Liên minh trong thời điểm này chưa thuận lợi, vì lúc đó có đại diện của Ngụy Sài Gòn (Việt Nam Cộng hòa) trong Liên minh Quốc hội, nếu Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng vào Liên minh Quốc hội thì xem như tự phủ nhận vai trò của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Ngày 30 tháng 04 năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Bắc - Nam xum họp một nhà, giang sơn thu về một mối, Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 25 tháng 06 năm 1976, Tổng tuyển cử trong cả nước bầu ra Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Ngày 02 tháng 07 năm 1976, Quốc hội thống nhất họp phiên đầu tiên tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam.
Năm 1976 Tổng Thư ký Liên minh Quốc hội Pio Carlo Terenzio gửi thư cho Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam sẽ đến nhận ghế của mình tại Liên minh Quốc hội. Dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 08 tháng Giêng năm 1977 Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp và nhất trí đề nghị Quốc hội ta xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Nhưng sau khi cân nhắc, Uỷ ban Đối ngoại nhận thấy còn có một số điểm phân vân. Do đó, ta tạm hoãn việc xin gia nhập Liên minh Quốc hội.
Ngày 20 tháng 09 năm 1977 Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (thành viên thứ 149). Lúc này, trước những biến chuyển mới của tình hình trong nước và quốc tế, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội nhận định: “Tương quan lực lượng trên thế giới có lợi cho lực lượng hòa bình và dân chủ. Trong Liên minh Quốc hội, phe đế quốc không còn có thể dùng đa số để áp đảo trào lưu tiến bộ. Về phía ta, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, uy tín quốc tế của ta lên cao, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế có một ảnh hưởng đáng kể. Vào Liên minh Quốc hội ta có dịp tiếp xúc với các nghị sĩ tiến bộ của các nước, bày tỏ lập trường, quan điểm của ta về các vấn đề quốc tế, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới; đồng thời tranh thủ thêm sự đồng tình ủng hộ quốc tế đối với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta trước những âm mưu, thủ đoạn bành trướng, thôn tính của các lực lượng phản động quốc tế.
Như vậy đến thời điểm này, điều kiện khách quan và chủ quan đã thuận lợi cho việc gia nhập Liên minh của Quốc hội ta. Nước nhà đã thống nhất, Quốc hội đại diện cho nhân dân cả nước từ Bắc chí Nam, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước tiến bộ và Tổng thư ký Liên minh Quốc hội đều ủng hộ ta gia nhập Liên minh Quốc hội. Để chuẩn bị việc gia nhập Liên minh Quốc hội, trong các ngày 30 tháng 6 và 01 tháng 07 năm 1978, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã họp và thảo luận việc Quốc hội ta xin gia nhập Liên minh Quốc hội.
Dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 23 vào lúc 08 giờ sáng ngày 30 tháng 10 năm 1978, tại phòng họp gác 2, nhà A 35 Ngô Quyền, Hà Nội. ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám đọc tờ trình về đề nghị Quốc hội ta nên gia nhập Liên minh Quốc hội.
Sau khi thảo luận, ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tán thành đề nghị của Uỷ ban Đối ngoại về việc Quốc hội ta nên gia nhập Liên minh Quốc hội và sẽ trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa VI, họp từ ngày 21 đến 29 tháng 12 năm 1978. Vào lúc 09 giờ 30 sáng ngày 23-12-1978, trong phiên họp toàn thể tại Hội trường Ba Đình do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Đăng Khoa chủ trì, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám đã đọc báo cáo trước Quốc hội về việc đại biểu Quốc hội ta tham gia Liên minh Quốc hội. Sau phần trình bày về cơ cấu tổ chức và mục đích hoạt động của Liên minh Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc gia nhập Liên minh Quốc hội: “Một diễn đàn dư luận quốc tế ta có thể sử dụng có lợi cho ta để nói lên lập trường, quan điểm chính nghĩa của mình, bác bỏ sự tuyên truyền xuyên tạc của bọn đế quốc và phản động quốc tế, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của nước ta và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của mình. Trên tinh thần đó, Uỷ ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội:
Phê chuẩn việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội.
Giao cho Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, liên hệ với các đại biểu Quốc hội để lập danh sách đoàn và làm các thủ tục cần thiết để gia nhập Liên minh Quốc hội.
Sau khi nghe báo cáo của Uỷ ban Đối ngoại, Quốc hội đã thảo luận và nhất trí tán thành đề nghị của Uỷ ban Đối ngoại.
Như vậy trong 20 năm, Quốc hội đã họp hai lần, Ban Thường trực Quốc hội, sau này là ủy ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Đối ngoại đã họp nhiều lần để bàn bạc và cuối cùng Quốc hội đã tán thành việc gia nhập Liên minh Quốc hội.
Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội
Căn cứ vào Điều 53 của Hiến pháp năm 1959 và đề nghị của Uỷ ban Đối ngoại đã được Quốc hội tán thành trong kỳ họp thứ tư ngày 23 tháng 12 năm 1978, Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh đã ký Nghị quyết số 436 NQ/QHK6 ngày 03 tháng 02 năm 1979: “Tán thành việc thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để gia nhập Liên minh Quốc hội. Trên cơ sở Nghị quyết này, 267 đại biểu Quốc hội tham gia Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội đã họp để thông qua Nội quy và bầu Ban chấp hành.
Nội quy gồm 9 điều, Điều 1 khẳng định: “Các đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội hợp thành Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội theo Điều 1 và Điều 3 của Điều lệ Liên minh Quốc hội.
Ban chấp hành gồm Chủ tịch, 3 Phó Chủ tịch, 1 Thư ký kiêm thủ quỹ và 12 ủy viên.
Chủ tịch: Ông Xuân Thủy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Các Phó Chủ tịch: Ông Hoàng Tùng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân; Ông Trương Tấn Phát, Chủ nhiệm ủy ban dự án Pháp luật của Quốc hội; Ông Hoàng Minh Giám, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Thư ký kiêm thủ quỹ: Ông Nguyễn Ngọc Hà, ủy viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội.
Ngày 15 tháng 02 năm 1979, Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thư ký Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội Xuân Thủy đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên minh Quốc hội Pio Carlo Terenzio, bày tỏ nguyện vọng gia nhập Liên minh Quốc hội của Quốc hội Việt Nam.
Hội nghị tư vấn Liên minh Quốc hội các nước XHCN
Tính đến ngày 30 tháng 09 năm 1977, có 75 đoàn Quốc hội quốc gia là thành viên Liên minh Quốc hội, trong đó có 11 đoàn các nước XHCN (Anbania, Bulgaria, Hungary, Mông Cổ, Ba Lan, Romania, Tiệp khắc, Liên Xô, CHDC Đ ức, CHDCND Triều Tiên và Cuba); 29 đoàn các nước dân tộc chủ nghĩa; 35 đoàn các nước tư bản chủ nghĩa và phụ thuộc.
Vào mùa Xuân hàng năm, trước mỗi kỳ họp Hội đồng Liên minh Quốc hội, các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN, thành viên Liên minh Quốc hội, thường tổ chức cuộc họp luân phiên ở từng nước (gọi là Hội nghị tư vấn Chủ tịch các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN). Hội nghị tập trung chủ yếu vào việc nhận định, đánh giá tình hình hoạt động của Liên minh Quốc hội và trao đổi thống nhất chủ trương, phối hợp hành động tại diễn đàn này.
Từ cuối những năm 50, đầu những năm 60, các nước XHCN nói chung và đặc biệt là Liên Xô, Ba Lan, Tiệp khắc và sau này là Cuba luôn tích cực ủng hộ ta trong quá trình gia nhập Liên minh Quốc hội.
Tại Hội nghị tư vấn Chủ tịch các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN họp tại La Habana, Cuba từ ngày 21 đến 23 tháng 02 năm 1978, các đại biểu đều bày tỏ mong muốn Quốc hội Việt Nam sớm gia nhập Liên minh Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội của Chính quyền nhân dân Cuba Blas Roca đánh giá cao vị trí của Việt Nam và nói rằng: “Chúng tôi mong Việt Nam sớm gia nhập Liên minh Quốc hội. Việc này có lợi cho Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới, vì Việt Nam có nhiều uy tín đối với tất cả các nước, tương quan lực lượng ở Liên minh Quốc hội đang dần dần thay đổi có lợi cho chúng ta, các nước XHCN và tiến bộ xã hội có thể tác động làm cho tương quan này ngày càng thay đổi.
Thành phần Liên minh Quốc hội hỗn hợp, ta không chờ đợi tổ chức này mang lại những giải pháp tích cực và thực tiễn cho mọi vấn đề đặt ra, nhưng các nước XHCN và tiến bộ ngày càng gây ảnh hưởng làm cho Liên minh Quốc hội càng phát huy hiệu lực.
Một năm sau Hội nghị La Habana, tại thủ đô Bucharest, Romania, Hội nghị tư vấn Chủ tịch các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN (gồm Bulgaria, Hungary, Việt Nam, CHDC Đ ức, Cuba, Mông Cổ, Ba Lan, Liên-xô và Tiệp Khắc) đã họp từ ngày 20 đến 22 tháng 02 năm 1979. Lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta do Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn đi dự Hội nghị này với tư cách quan sát viên. Các đại biểu tham dự Hội nghị đều bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng, Quốc hội Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của Liên minh Quốc hội tại Hội nghị mùa Xuân Praha tháng 4 năm 1979.
Nhân sự kiện xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam ngày 17 tháng 02 năm 1979. Trong phiên họp bế mạc Hội nghị, theo đề nghị của ông Tchiticov, Chủ tịch Viện Liên bang Xô-viết Tối cao, Trưởng đoàn đại biểu Liên-xô, Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố Bucharest, khẳng định tình đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hoàng Minh Giám bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ của Liên-xô và các nước XHCN, đồng thời khẳng định tình đoàn kết và quyết tâm của nhân dân Việt Nam cùng với các nước XHCN anh em, hành động chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Để có một nền hòa bình vững chắc, một sự hợp tác quốc tế tích cực, hữu hiệu, cần phải xây dựng các mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước
Tháng 02 năm 1983, Hội nghị tư vấn các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN đã họp tại thủ đô Hà Nội và đến tháng Giêng năm 1989, họp lần cuối cùng ở La Habana, trước khi Liên-xô và các nước XHCN Đ ông Âu tan rã.
Hội nghị mùa Xuân Praha - 1979
Trong những năm 80, Hội đồng Liên minh Quốc hội thường họp mỗi năm 2 kỳ vào mùa Xuân và mùa Thu nên gọi là Hội nghị mùa Xuân và Hội nghị mùa Thu. Còn Đại hội đồng họp mùa Thu.
Hội nghị mùa Xuân của Hội đồng Liên minh Quốc hội (kỳ họp lần thứ 124) họp tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc từ ngày 16 đến 21 tháng 04 năm 1979. Tham gia Hội nghị có 76 Đoàn đại biểu Quốc hội các nước thành viên Liên minh Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đi dự Hội nghị do Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội làm Trưởng đoàn và ông Nguyễn Ngọc Hà, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại, Thư ký kiêm thủ quỹ Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội. Cùng đi còn có ông Phạm Quốc Bảo, chuyên viên Phòng Đối ngoại Văn phòng ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 16 tháng 04 năm 1979, trong phiên họp lần thứ 180, Ban chấp hành gồm 11 thành viên đã nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Quốc hội Việt Nam là thành viên Liên minh Quốc hội. Tiếp đó, trong phiên họp ngày 21 tháng 04 năm 1979, dưới sự Chủ tọa của Ông S. Mokaddem, Chủ tịch Quốc hội Tunisia, Quyền Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng Liên minh Quốc hội đã xem xét báo cáo của Ban chấp hành và nhất trí thông qua Nghị quyết chấp nhận Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên của Liên minh Quốc hội. Đồng thời quyết định chấp nhận đề nghị tái gia nhập Liên minh của Bangladesh, Philippines, Cộng hòa Arab Yemen và đề nghị gia nhập của Cộng hòa nhân dân Mozambique.
Sau lời phát biểu chào mừng của ông S. Mokaddem, ông Hoàng Minh Giám, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã phát biểu cảm ơn sự ủng hộ của đại diện Quốc hội các nước và bày tỏ hài lòng trước việc Việt Nam được chấp nhận là thành viên Liên minh Quốc hội. Đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ cùng với các thành viên Liên minh Quốc hội tích cực hoạt động vì hòa bình, hợp tác quốc tế và xây dựng một thế giới tự do và bình đẳng. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình và có quan hệ hữu nghị với nhiều nước trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của tất cả các dân tộc đang phải sống dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Năm tháng qua đi, nhưng Hội nghị mùa Xuân Praha - 1979 đã đi vào lịch sử của Liên minh Quốc hội như một huyền thoại và đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam.
Qua 20 năm (1959-1979) kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu hội nhập quốc tế, ngày 21-04-1979 Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Liên minh Quốc hội, một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Từ khi Quốc hội ta bàn định lần đầu tiên về vấn đề gia nhập Liên minh Quốc hội tới nay cũng đã ngót 50 năm, một quãng thời gian không dài đối với lịch sử phát triển hàng nghìn năm của một quốc gia, một dân tộc. Nhưng trong quãng thời gian ấy, từ khi ra đời (ngày 05-02-1974), Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã đóng góp tích cực và hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong tiến trình Quốc hội ta gia nhập Liên minh Quốc hội. Quá trình hội nhập này gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta.
Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Uỷ ban Đối ngoại luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo và tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và toàn cầu, góp phần thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Quốc hội và nhân dân ta với Quốc hội và nhân dân các nước trên thế giới, không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sofia, ngày 28 tháng 02 năm 2007
Điều 1, Nội quy của Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội.
- Danh sách Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội.
- Danh sách Ban chấp hành Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội.
- Thư của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Việt Nam trong Liên minh Quốc hội Xuân Thủy gửi Tổng thư ký Liên minh Quốc hội Pio Carlo Terenzio ngày 15/02/1979.
- Biên bản Hội nghị mùa Xuân Praha, CL/124/79/2 - 18/4/1979 mục 2, tr.1. Đề nghị gia nhập và tái gia nhập Liên minh, Báo cáo của Ban chấp hành. Chủ đề III Chương trình nghị sự. (Bản tiếng Anh).
- Biên bản CL/124/79/SR- 20 june 1979. Kỳ họp lần thứ 124 Hội đồng Liên minh Quốc hội. Ngày 21/4/1979. Praha, Quốc hội Liên bang. Tr.10. Nghị quyết của Hội đồng Liên minh Quốc hội. (Bản tiếng Anh).
Bài phát biểu của Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Hoàng Minh Giám tại Hội nghị tư vấn Chủ tịch các Đoàn Liên minh Quốc hội các nước XHCN, Bucharest, ngày 20 - 22/02/1979.
Việt Nam gia nhập Liên minh Quốc hội - Tạp chí Thông tin Quốc hội tháng 5 - 1979.