Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại Bộ Khoa học và Công nghệ

19/01/2016

Theo chương trình giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005- 2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo”, sáng 19/1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2006- 2010 và việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011- 2020 phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa; trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực được giao.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trưởng Đoàn giám sát Phan Xuân Dũng chủ trì buổi làm việc.Tham gia buổi làm việc còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các thành viên Đoàn giám sát.

Báo cáo về thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011- 2015, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương triển khai tích cực, đúng định hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sau 5 năm thực hiện, tiềm lực và trình độ khoa học, công nghệ của Việt Nam từng bước được nâng cao; số lượng các bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam được gia tăng hàng năm; tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu. Qua đó, có thể khẳng định khoa học và công nghệ đã có đóng góp quan trọng, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội bền vững và hội nhập.

Nếu như giai đoạn 2001- 2010 nhiều mục tiêu của Chiến lược chưa đạt được như: mục tiêu tổng mức đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ còn ở mức thấp; tỷ lệ cán bộ nghiên cứu khoa học và công nghệ trong dân số thấp; các kết quả nghiên cứu- phát triển được công bố theo chuẩn mực quốc tế còn rất ít. Trình độ công nghệ của các ngành sản xuất trong nước còn lạc hậu so với các nước trong khu vực, hạn chế năng lực cạnh trạnh của các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý khoa học và công nghệ còn nặng tính hành chính.

Trên cơ sở sơ kết quả thực hiện Chiến lược giai đoạn 2001- 2010, rút kinh nghiệm và điều chỉnh trong quá trình thực hiện Chiến lược giai đoạn 2011- 2015, khoa học và công nghệ đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp và nền kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã đóng góp ngày càng nhiều vào Tổng sản phẩm quốc nội với tỷ trọng năm 2013 là 28,7% chủ yếu là do khối doanh nghiệp FDI tạo ra. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp năm 2015 đạt 10,5%. Số lượng công bố quốc tế các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước tăng bình quân 19,5%/năm, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 4 ở Đông Nam Á và thứ 2 trong số 31 nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới. Đặc biệt, giai đoạn này tổng mức đầu tư cho khoa học- công nghệ đạt 1,2% GDP. Tuy không đạt mức 2% GDP như chỉ tiêu đặt ra, nhưng đây là lần đầu tiên đầu tư xã hội (0,7% GDP) lớn hơn đầu tư của nhà nước (0,5% GDP).

Trong khoa học tự nhiên, Việt Nam đã có bước phát triển trong nghiên cứu cơ bản, tạo tiền đề hình thành một số lĩnh vực khoa học- công nghệ mới như vũ trụ, y sinh, hạt nhân, nano. Khoa học xã hội và nhân văn đã kịp thời cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương phát triển đất nước, hoàn thiện pháp luật, tạo tiền đề cho đổi mới tư duy kinh tế, khẳng định lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc...

Bộ trưởng Bộ KH và CN Nguyễn Quân báo cáo về thực hiện Chiến lược phát triển KH và CN giai đoạn 2011- 2015

Có được những kết quả tích cực trên, một phần do hệ thống pháp luật và chính sách về khoa học- công nghệ được đổi mới và hoàn thiện. Luật khoa học và công nghệ 2013 cùng với 35 Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 162 Thông tư và Thông tư liên tịch được ban hành đồng bộ, góp phần đưa những nội dung đổi mới cơ bản, toàn diện tổ chức, hoạt động và cơ chế quản lý khoa học và công nghệ đi vào cuộc sống.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua, thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ vẫn còn một số hạn chế như đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ tuy có phát triển về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Về quản lý hoạt động khoa học- công nghệ còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách, giải pháp mạnh mẽ. Do đó, chưa hình thành được các lĩnh vực khoa học- công nghệ mũi nhọn. Ngoài ra một số chỉ tiêu của Chiến lược chưa thực sự phù hợp, khó có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay, vì vậy cần sớm được điều chỉnh như đầu tư, tăng tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị; phát triển một số lĩnh vực khoa học- công nghệ tiên tiến đạt trình độ khu vực và quốc tế, cũng như việc đầu tư, hình thành các tổ chức khoa học- công nghệ đạt trình độ quốc tế và khu vực, đầu tư xây dựng các cơ sở ươm tạo công nghệ cao và doanh nghiệp công nghệ cao hiện gặp nhiều khó khăn do hạn chế về đầu tư, tài chính và thiếu đồng bộ giữa các cơ chế, chính sách có liên quan.

Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát cũng đã nghe báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoa học- công nghệ của Bộ Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực được giao như: quản lý nhà nước về nghiên cứu và phát triển; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân; phát triển thị trường khoa học- công nghệ; thông tin, thống kê khoa học- công nghệ, hội nhập quốc tế về khoa học- công nghệ.

Nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, tuy nhiên các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, nội dung về phát triển khoa học xã hội trong đó có khoa học quản lý, mặc dù đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở lý luận, định hướng trong xây dựng, hoạch định chính sách nhưng chưa được phân tích rõ ràng trong báo cáo. Vì vậy, cần có những đánh giá bổ sung về phát triển khoa học xã hội.

Ngoài ra, các thành viên Đoàn giám sát cũng trao đổi thêm một số nội dung liên quan đến chương trình giám sát như khoa học- công nghệ đã cung cấp luận cứ gì? tham gia thẩm định, giám sát việc đưa ra các đường lối, chính sách thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa như thế nào? Nguyên nhân vì sao một số mục tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển khoa học- công nghệ giai đoạn 2011- 2015 không đạt được? Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn chậm? Việc phê duyệt, nghiệm thu các đề tài khoa học mới chỉ tính đến đầu vào mà chưa xét đến hiệu quả sản phẩm đầu ra của đề tài...

Sau buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục có các cuộc giám sát tại địa phương, trực tiếp trao đổi với các đơn vị cơ sở theo khu vực, nhóm lĩnh vực để làm rõ thêm các nội dung trong chương trình giám sát trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 5 tới.