Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh An Giang
Báo cáo với Đoàn giám sát, tỉnh An Giang cho biết trên địa bàn hiện nay có 123 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được cấp giấy chứng nhận gây nuôi, với hơn 149 ngàn cá thể, gồm 38 loài gây nuôi. Có 55 cơ sở gây nuôi cá sấu nước ngọt, trong đó 2 cơ sở gây nuôi được cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi thuộc các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp.
Công tác quản lý cấp giấy chứng nhận cơ sở gây nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã được thực hiện dễ dàng, thuận lợi, đi vào nề nếp. Công tác triển khai thực thi công ước CITES được định kỳ kiểm tra hằng năm tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, ngoài ra, kiểm tra đột xuất 2 đợt/năm tại các cơ sở gây nuôi nhiều loài, số lượng lớn ở các huyện.
Tại buổi làm việc, tỉnh An Giang kiến nghị Trung ương cần có chính sách trang bị các công cụ, dụng cụ cho các lực lượng chuyên ngành để đảm bảo an toàn khi bắt, xử lý các loài động vật hoang dã hung dữ; có chính sách về vốn để hỗ trợ ngành nghề nuôi, trồng động vật hoang dã, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến khâu chế biến, bảo quản và phát triển thị trường. Đối với tổ chức CITES Việt Nam, tỉnh cũng đề nghị đơn vị cần có hướng dẫn về việc quản lý các cơ sở mua bán cá, chim cũng như thú cảnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Vinh Hà - Trưởng Đoàn giám sát, phát biểu kết luận
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà đánh giá cao công tác thực hiện chính sách pháp luật thực hiện Công ước về mua, bán, vận chuyển các loài động thực vật hoang dã, nguy cấp của các cơ quan ban ngành tỉnh An Giang. Đồng thời yêu cầu tỉnh An Giang cần sớm hoàn thiện báo cáo theo các yêu cầu của Đoàn đặt ra trong buổi giám sát, để Quốc hội có cơ sở thảo luận trong những kỳ họp tới. Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ ghi nhận và sớm xem xét trong thời gian tới./.