Cùng dự phiên họp có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, đại diện lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên họp nghe báo cáo về tình hình hoạt động của các Quỹ tài chính ngoài ngân sách
Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu đã nghe đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (đơn vị chủ quản của các Quỹ khoa học và công nghệ) trình bày báo cáo và tiến hành thảo luận, cho ý kiến về thực trạng của các Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Natif), Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia (Nafosted) và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Qua thảo luận, các đại biểu ghi nhận thời gian qua về cơ bản các Quỹ đầu tư cho khoa học và công nghệ đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp. Cụ thể, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) đã thúc đẩy phát triển mạnh hoạt động nghiên cứu cơ bản tại Việt Nam và góp phần gia tăng mạnh mẽ số lượng các bài báo công bố quốc tế. Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (Natif) cũng đã có những đóng góp thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy đóng góp nguồn lực từ xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kết quả là đầu tư từ NSNN và doanh nghiệp cho khoa học và công nghệ đạt tỉ lệ 52% so với 48% như hiện nay.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, trong giai đoạn tới cần có các giải pháp để phát huy hơn nữa vai trò và chức năng của các Quỹ đầu tư cho khoa học và công nghệ, đặc biệt là khơi thông mạnh mẽ nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó cần lưu ý đến việc bảo đảm các nguồn vốn của các quỹ, phù hợp với định hướng quan tâm và hỗ trợ của Nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu cơ bản có thế mạnh của Việt Nam; linh hoạt trong sử dụng nguồn tài chính, tạo điều kiện để gia tăng thêm nguồn kinh phí tài trợ cho doanh nghiệp; rà soát, sửa đổi các quy định đang là nút thắt để cho phép doanh nghiệp sử dụng nguồn Quỹ này cho hoạt động đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Các đại biểu nhấn mạnh điều này là đặc biệt quan trọng trong bối cảnh và yêu cầu phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch.
Khẳng định việc đầu tư cho khoa học công nghệ của các doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng trong thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần có đánh giá một cách đầy đủ, chỉ rõ những vướng mắc, tồn tại trong quản lý, sử dụng quỹ để từ đó kịp thời tháo gỡ, khơi thông nguồn lực cho phát triển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, để xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì việc chỉ dựa vào ngân sách nhà nước là không đủ mà cần khơi thông các nguồn lực trong toàn xã hội, các quỹ tài chính ngoài ngân sách hiện có. Do đó các cơ quan cần khẩn trương rà soát những vướng mắc nhất là vướng mắc về thể chế để kịp thời đề xuất sửa đổi hoặc chủ động sửa đổi theo thẩm quyền đối với các văn bản dưới luật để bảo đảm hiệu quả sử dụng các quỹ; đồng thời thống kê quy mô huy động để có thể đưa vào gói chính sách về phục hồi và phát triển kinh tế.
Trong phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã cùng các đại biểu nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.
Về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý đây là nguồn lực có sẵn cần được tính đến cần đánh giá toàn diện tổng thể, đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện các mục tiêu chương trình của Quỹ. Nhấn mạnh, đứng trước yêu cầu trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ gắn với thúc đẩy chuyển đổi số cần được xem xét có cách thức thực hiện khác đi, tránh lãng phí, trùng lặp, chú trọng việc phối hợp với các nhà mạng, phương thức đầu tư nhất là việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ mạng, thiết bị đầu cuối.
Về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần có thêm đánh giá vai trò của Quỹ trong phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời rà soát tổng thể toàn diện Quỹ này gắn với thực thi các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Ngân sách nhà nước và các luật thuế và có đánh giá về tính hiệu quả, công bằng, hợp lý trong sử dụng Quỹ; có thêm đánh giá một cách tổng thể cả về mặt môi trường và kinh tế tình hình hỗ trợ của Quỹ đối với rừng ngập mặn, rừng chắn gió, chắn cát ven biển, vấn đề trồng rừng, tạo thêm nguồn thu, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phân phối công bằng, tiến tới nâng mức hỗ trợ để nâng cao sinh kế cho người dân giữ rừng, bảo vệ rừng bền vững; có thêm thông tin về thông lệ quốc tế về thuế các-bon, chứng chỉ cac-bon để có đề xuất giải pháp trong phạm vi quốc gia về mức thu, mức chi trả.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kết luận nội dung phiên họp
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ sớm hoàn thiện báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để có đánh giá tổng thể và có đề xuất, kiến nghị phù hợp để có thể huy động thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch và quản lý, sử dụng hiệu quả các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong dài hạn./.