Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi)

24/02/2017

Thực hiện nhiệm vụ thẩm tra Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, ngày 24/2 Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án luật này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng chủ trì hội thảo.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Tham dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn; đại diện cơ quan soạn thảo; các đại biểu Quốc hội là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng đại diện các cơ quan hữu quan.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng cho biết, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa đầy đủ kịp thời chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về Lâm nghiệp cũng như quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững làm nền tảng cho phát triển Lâm nghiệp trên cơ sở đẩy nhanh và làm sâu sắc hơn chủ trương về xã hội hóa. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn các đại biểu sẽ tích cực đóng góp ý kiến để Dự thảo Luật được hoàn thiện trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) gồm 12 chương, 97 điều, quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng.

Đa số các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã chỉ ra rằng, Dự thảo Luật đã kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, bổ sung những quy định mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, tính thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng với các luật khác có liên quan, hài hòa hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.

Dự thảo Luật đã bổ sung một số chương, điều cụ thể như một số điều mới về quy hoạch Lâm nghiệp. Mặc dù các nội dung được thiết kế, sửa đổi, bổ sung theo hướng toàn diện, đầy đủ, thể hiện sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, tuy nhiên Dự thảo vẫn còn một số điểm cần được thảo luận về điều chỉnh để Luật được ban hành có chất lượng tốt hơn, tính khả thi cao hơn. Cụ thể, những nội dung chính được các đại biểu quan tâm bao gồm: phân loại rừng; quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thu hồi rừng; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng, đặc biệt là quyền và nghĩa vụ chủ ban quản lý rừng đặc dụng, quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư được giao rừng; tổ chức bảo vệ rừng chuyên trách; dịch vụ môi trường rừng…

Thảo luận tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng tên Luật Bảo vệ và phát triển rừng chưa thực sự phản ánh được nội hàm bên trong của Luật bởi ngành Lâm nghiệp bao gồm các hoạt động liên quan trực tiếp đến rừng như: quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác lâm sản; tuy nhiên, còn một số lĩnh vực hoạt động liên quan gián tiếp hoặc ít liên quan đến rừng như hoạt động chế biến gỗ. Hơn nữa, ngay tại Khoản 1 Điều 3 của dự thảo đã ghi: “Lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản, dịch vụ môi trường rừng; đồng thời đảm bảo phát triển bền vững về môi trường quốc phòng an ninh.” Nhưng tên Luật lại chỉ thể hiện hai nhiệm vụ của ngành Lâm nghiệp là bảo vệ và phát triển rừng. Do đó, các đại biểu đề nghị sửa tên Luật thành Luật Lâm nghiệp.

Về phân loại rừng, theo điều 5 Dự thảo Luật, rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 3 loại: rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Dự thảo Luật vẫn giữ nguyên phân loại rừng thành 3 loại như Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004, tuy nhiên mở rộng thêm phạm vi rừng đặc dụng gồm cả “Hệ thống rừng giống quốc gia” và “Rừng văn hóa, tâm linh giao cho cho cộng đồng dân cư”.

Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc quản lý theo 3 loại rừng ngày càng bộc lộ hạn chế, bất cập. Phân 3 loại rừng buộc phải có 3 loại cơ chế, chính sách khác nhau để quản lý, sử dụng phù hợp với từng loại rừng trong khi bản thân mỗi loại rừng đều có các chức năng phòng hộ, bảo tồn, bảo vệ môi trường và sản xuất, có mối liên hệ với nhau. Hơn nữa, việc phân 3 loại rừng chưa phù hợp với phân loại rừng của nhiều nước trên thế giới. Do đó, nhiều đại biểu kiến nghị phân thành 2 loại rừng là rừng sản xuất tạo ra gỗ, lâm sản ngoài gỗ và rừng dịch vụ (gồm rừng đặc dụng và rừng phòng hộ). Phân loại như vậy sẽ dễ dàng hơn trong việc hình thành các phương thức quản lý phù hợp.

Các đại biểu cũng cho rằng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng đã được đề cập trong Dự thảo Luật nhưng chưa đầy đủ, toàn diện với tất cả mọi trường hợp, các khó khăn đã được nhận định, nhưng còn một số vấn đề chưa có giải pháp giải quyết thỏa đáng. Cụ thể như: cần quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm quản lý rừng của từng công ty lâm nghiệp với tư cách là một doanh nghiệp lâm nghiệp, đặc biệt chính sách đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên giao cho công ty; chưa làm rõ quy định chủ rừng là hộ gia đình được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng lại không được quyền nhượng rừng sản xuất là rừng tự nhiên trên mảnh đất đó và phần rừng tự nhiên gia tăng do hộ gia đình chăm sóc bảo vệ có được thực hiện quyền thế chấp, góp vốn hay không.

Vân Ngọc