Ủy ban KH, CN và MT thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ.
Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Luật chuyển giao công nghệ 2006 được ban hành và triển khai thực hiện 10 năm qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ ở nước ta, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất; từng bước góp phần cải thiện trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, tốc độ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp thời gian qua thấp, chưa đạt như mong muốn, một số ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nền kinh tế chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều đạo luật liên quan đến chuyển giao công nghệ đã được sửa đổi, ban hành.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn, việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu và hiện tượng chuyển giá.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực trạng chuyển giao công nghệ cùng với những phân tích tác động của Luật chuyển giao công nghệ đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Ban soạn thảo tập trung sửa đổi và đưa vào dự thảo Luật một số nội dung mới. Cụ thể, quy định việc đưa kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ có thể xác định được giá trị là tài sản bảo đảm trong vay vốn đầu tư cho các dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp công nghệ, phát triển sản xuất kinh doanh. Quy định việc thành lập các Trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ theo các vùng kinh tế trên cơ sở nâng cấp các trung tâm có chức năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quy định cơ chế phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với một số cơ quan có liên quan trong việc chống chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung 5 nội dung chính liên quan đến 16 Điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 về phát triển thị trường khoa học và công nghệ; về thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; về hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ; về hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ và một số vấn đề khác.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ tán thành về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ và nhấn mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Bên cạnh đó, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Bộ Lĩnh, với tình trạng công nghệ trong nước và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì việc chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 là chưa thể đáp ứng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện các quy định của Luật.
Các đại biểu cho rằng cần nghiêm túc đề ra các giải pháp cụ thể để giải quyết hạn chế, tồn tại và phù hợp với đối tượng điều chỉnh của Luật; nghiên cứu sửa đổi các quy định của Luật chuyển giao công nghệ năm 2016 một cách toàn diện và sâu sắc nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thuận lợi, khuyến khích đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp, quy định về chuyển giao công nghệ phù hợp với đặc thù hoạt động của các ngành, lĩnh vực kinh tế như nông nghiệp, y tế, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, đặc biệt là không để tái diễn tình trạng nhập khẩu công nghệ và thiết bị lạc hậu vào nước ta.
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết mặc dù còn có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung nhưng nhìn chung dự án Luật đã được chuẩn bị tích cực, khẩn trương. Ban soạn thảo đã rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về khoa học và công nghệ, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, đánh giá tác động của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ; đã thực hiện đúng các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, dự thảo Luật đã có đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến.