Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường họp Phiên toàn thể lần thứ 2

06/09/2016

Sáng 06/9, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khai mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 2 của Ủy ban. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cùng các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết phiên họp của Ủy ban sẽ diễn ra từ ngày 06/9 đến ngày 08/9, thảo luận về những nội dung thiết yếu để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9 và Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vào tháng 10. Theo chương trình, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra 03 dự án luật là Luật thủy lợi, Luật đường sắt (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ. Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Pháp lệnh Giống cây trồng (sửa đổi) và Pháp lệnh Giống vật nuôi (sửa đổi). Đây là hai dự án Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường khóa XIII đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho nghiên cứu, bổ sung để nâng lên thành luật.

Trong phiên khai mạc, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiến hành thẩm tra dự án Luật thủy lợi. Đây là dự án luật mới

Trình bày Tờ trình và báo cáo tóm tắt dự án Luật, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết thủy lợi đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cung cấp nước cho nông nghiệp, tạo nguồn nước cho công nghiệp sinh hoạt, tham gia phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hoạt động thủy lợi hiện nay vẫn nặng về cơ chế bao cấp, đầu tư cho thủy lợi chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước về thủy lợi ngày càng cồng kềnh, năng suất lao động thấp, thiếu động lực cho đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thủy lợi đang đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, các mặt trái của tận dụng quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho phát triển kinh tế- xã hội. Vì vậy, việc ban hành Luật thủy lợi không chỉ thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong công tác thủy lợi, khắc phục những hạn chế, đổi mới công tác thủy lợi mà còn hướng đến xây dựng hệ thống pháp luật về quản trị nước thống nhất, khoa học.

Dự thảo Luật gồm 9 chương 72 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, những vấn đề chung về thủy lợi; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi; quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi. Trong đó, dự án Luật thủy lợi có một số điểm mới như quy định giá dịch vụ thủy lợi để đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành về phí và lệ phí đồng thời thực hiện theo cơ chế giá; dự thảo Luật quy định về xã hội hóa trong đầu tư, khai thác công trình thủy lợi theo hướng khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân đầu tư, tham gia xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của Luật, nguyên tắc hoạt động thủy lợi, chính sách của Nhà nước về hoạt động thủy lợi, quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, quản lý khai thác công trình thủy lợi, an toàn công trình thủy lợi, về thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, quyền trách nhiệm của tổ chức cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi, trách nhiệm quản lý nhà nước.

Các đại biểu đánh giá dự án Luật thủy lợi được chuẩn bị công phu, Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết trên cơ sở tổng kết việc thực hiện pháp luật về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi và pháp luật có liên quan, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và trên thế giới, pháp luật quốc tế về thủy lợi; đánh giá tác động của việc ban hành dự thảo Luật. Nội dung của dự thảo Luật khá đầy đủ và toàn diện các vấn đề của công tác thủy lợi trong tình hình mới. Hồ sơ của dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Dự thảo Luật đã đủ điều kiện cần thiết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh và tên gọi của dự thảo Luật hiện chưa phù hợp bởi một số nội dung như giải pháp công trình, phi công trình cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ các mục tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường, việc thực hiện các giải pháp cấp nước, tiêu thoát nước phục vụ mục tiêu tạo nguồn cấp nước phục vụ các ngành kinh tế, phục vụ sinh hoạt quy định trong các luật chuyên ngành như  Luật xây dựng quy định về cấp nước đô thị, Luật tài nguyên môi trường quy định toàn diện thống nhất các giải pháp phi công trình cấp nước cho các ngành kinh tế…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng dự thảo Luật cần tập trung điều chỉnh những vấn đề liên quan trực tiếp đến phục vụ cấp nước nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Đồng quan điểm, đại biểu Nghiêm Vũ Khải cũng cho rằng Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát lại nội hàm của hoạt động thủy lợi, khái niệm công trình thủy lợi… nếu không quy định điều chỉnh trong luật này thì phạm vi điều chỉnh cần giới hạn lại để bảo đảm việc quản lý được toàn diện, chặt chẽ.

Thực tế, do thủy lợi liên quan đến nhiều ngành kinh tế- kỹ thuật, quản lý, sử dụng tài nguyên nước, các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản luật như Luật tài nguyên nước, Luật đê điều, Luật phòng, chống thiên tai, Luật xây dựng, Luật điện lực, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật thủy sản… nên trong dự thảo còn một số quy định còn trùng lắp, chồng chéo với các văn bản luật liên quan. Vì vậy, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng hơn các quy định trong dự thảo để chỉnh sửa nhằm bảo đảm tính thống nhất cao trong hệ thống pháp luật.

Tin và ảnh: Bảo Yến