DỰ THẢO LUẬT TRỒNG TRỌT QUY ĐỊNH RÕ YÊU CẦU QUẢN LÝ ĐỐI VỚI GIỐNG CÂY TRỒNG CHÍNH

09/08/2018

Sáng 09/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Trồng trọt, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính

Tiếp thu, chỉnh lý một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Trồng trọt, cụ thể vấn đề quản lý giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH trong kỳ họp thứ 5 vừa qua, dự thảo Luật đã quy định rõ yêu cầu quản lý đối với giống cây trồng chính; điều kiện cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính; bỏ quy định về thành lập Hội đồng tư vấn giống cây trồng. Đồng thời, dự thảo Luật cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đối với cây trồng chính là để giống cây trồng đó được lưu hành trên thị trường, còn cấp Bằng bảo hộ là để bảo hộ quyền tác giả và quyền của chủ bằng bảo hộ đối với giống cây trồng đó. Tuy nhiên, điều kiện cấp 02 văn bản trên đều do Bộ NN&PTNT thực hiện và có nhiều nội dung trùng nhau. Vì vậy, trong đự thảo Luật quy định việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng đồng thời với cấp bằng bảo hộ quyền đối với giống cây trồng chính nếu tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng đề nghị để giảm bớt thời gian và thủ tục hành chính và thể hiện như tại khoản 4 Điều 13 của dự thảo Luật. Đồng thời dự thảo Luật đã bổ sung quy định về thời hạn của quyết định công nhận lưu hành đối với giống cây trồng chính là 07 năm đối với cây hàng năm, là 15 năm đối với cây lâu năm để bảo đảm duy trì chất lượng giống.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng phát biểu

Về vùng địa lý công nhận lưu hành giống cây trồng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, do tính đặc thù của giống khác với hàng hóa thông thường nên nhiều chỉ tiêu giống cây trồng khó có thể quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật được và rất khó hậu kiểm. Để tránh gây lãng phí cho tổ chức, cá nhân khi chỉ muốn đăng ký công nhận lưu hành giống cây trồng ở một vùng sản xuất hẹp mà phải thực hiện khảo nghiệm ở nhiều địa điểm trên phạm vi toàn quốc. Vì vậy, dự thảo Luật không quy định về phân chia cụ thể số vùng khảo nghiệm mà chỉ quy định về phân vùng khảo nghiệm là một nội dung trong tiêu chuẩn quốc gia để phù hợp với đặc tính từng loại giống.

Cần có nguồn kinh phí thẩm định cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng

Về phí cấp và duy trì Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng và phí bình tuyển và công nhận vườn cây đầu dòng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT nêu rõ, một trong những đổi mới quan trọng của đự thảo Luật Trồng trọt đối với công tác giống là chuyển đổi việc từ quản lý Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh sang quản lý giống cây trồng theo tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Theo đó, dự thảo Luật quy định theo hướng: quản lý chặt chẽ đối với giống cây trồng thuộc Danh mục loài cây trồng chính thông qua việc cấp Quyết định công nhận lưu hành, cấp Quyết định công nhận lưu hành đặc cách; đối với cây trồng khác thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đối với giống cây trồng chính phải được khảo nghiệm trước khi được cấp Quyết định công nhận lưu hành. Do vậy, cần có nguồn kinh phí cho việc thẩm định cấp quyết định công nhận lưu hành và lưu mẫu giống cây trồng. Dự kiến nguồn kinh phí này được lấy từ nguồn phí thẩm định và duy trì cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng do tổ chức, cá nhân đứng tên đăng công nhận giống nộp. Nguồn kinh phí này cũng tương tự như phí duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ giống cây trồng đang thực hiện, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Phí và lệ phí. Đây là vấn đề mới nên chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí. Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH được bổ sung nguồn phí này vào Danh mục thu phí thuộc Luật Phí và lệ phí; quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký công nhận giống phải nộp phí.

Đối với phí bình tuyển vườn cây đầu dòng, theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng,  dự thảo Luật quy định việc công nhận vườn cây đầu để quản lý chất lượng vật liệu nhân giống vô tính đối với cây trồng lâu năm, tạo thuận lợi cho sản xuất, mua bán giống quy mô lớn. Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí chỉ quy định về phí bình tuyển công nhận cây đầu dòng, chưa có quy định về thu phí này. Vì vậy, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung quy định về phí bình tuyển vườn cây đầu dòng trong Danh mục thu phí theo Luật Phí và lệ phí, đồng thời bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng phải nộp phí.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho ý kiến

Rà soát kỹ các quy định giữa Dự thảo Luật này với các luật hiện hành để tránh mâu thuẫn, chồng chéo

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ đánh giá cao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp để làm tốt việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật; đề nghị ngoài những vấn đề lớn nêu trên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT, Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý nhiều vấn đề về bố cục, kỹ thuật văn bản, nội dung cụ thể các điều, khoản, giải thích từ ngữ rõ nghĩa, tránh mơ hồ khi áp dụng vào thực tiễn.

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Cơ quan soạn thảo khẳng định rõ, việc cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính có cần thiết hay không? Chủ nhiệm Văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, việc thêm quy định này sẽ đẻ thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn cho các đối tượng tác động của luật, nhất là người nông dân. Hơn nữa, đối với những sản phẩm tốt, lâu đời đã được thị trường khẳng định trong nhiều năm qua như cây vải, cây nhãn, cây chè tuyết… thì không cần thiết phải có Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, dự thảo Luật quy định việc công nhận vườn cây đầu dòng để quản lý chất lượng vật liệu nhân giống vô tính đối với cây trồng lâu năm, Tuy nhiên, trong Luật Phí và lệ phí chỉ quy định về phí bình tuyển công nhận cây đầu dòng, chưa có quy định về thu phí này. Do đó đề nghị cần rà soát kỹ các quy định giữa dự thảo Luật này với Luật Phí và lệ phí để tránh mâu thuẫn trong hệ thống các quy định pháp luật.

Hồ Hương- Nhóm ảnh